Trước một cuộc họp quan trọng của Tiến Trình Công Nghị Đức, một giáo phận đã ra tín hiệu phản đối kế hoạch biến sự kiện gây tranh cãi thành một Hội đồng Thượng Hội đồng thường trực — một cơ quan kiểm soát mới của Giáo hội ở Đức.

Cha Josef Kreiml, một linh mục cố vấn của Giáo phận Regensburg, phụ trách Phương thức Thượng Hội đồng ở Giáo phận, đã cảnh báo rằng công việc chuẩn bị cho một Hội đồng Thượng Hội đồng Đức mâu thuẫn với chỉ thị rõ ràng từ Vatican.

Vị giám chức cũng nói rằng khái niệm về tính đồng nghị làm cơ sở cho Tiến Trình Công Nghị Đức không phù hợp với giáo luật và ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các giám mục của 27 giáo phận của Đức dự kiến sẽ đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt tại cuộc họp của họ ở Berlin trong hai ngày 19 và 20 tháng 6 liên quan đến việc thành lập và tài trợ cho cái gọi là Ủy ban Thượng Hội đồng, sau đó sẽ thành lập một Hội đồng Thượng Hội đồng thường trực của Đức vào năm 2026.

Theo báo cáo, một số giám mục đã cân nhắc việc ngăn chặn động thái này bằng cách không cung cấp ngân quỹ cho cơ quan đó

Tiến Trình Công Nghị Đức là một quá trình kéo dài nhiều năm do Đức Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng và được đồng tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, một cơ quan giáo dân được tài trợ bởi các giám mục Đức. Mục đích chính thức của nó là thảo luận về bốn vấn đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo Hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.

Quá trình này đã bị chỉ trích bởi nhiều Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới, cũng như bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã cảnh báo về sự mất đoàn kết và ly giáo trong bức thư năm 2019 gửi người Công Giáo Đức.

Vatican đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Tiến Trình Công Nghị không có thẩm quyền bắt buộc các giám mục và tín hữu chấp nhận các hình thức quản trị mới và các định hướng mới về giáo lý và luân lý.

Trích dẫn những tuyên bố này, Kreiml nói rằng Tiến Trình Công Nghị đã can thiệp rất nhiều vào các hình thức quản trị của Giáo hội và đã coi thường luật chung của Giáo hội, giáo luật và hệ thống phẩm trật của Giáo hội và các nhiệm vụ thích hợp của các giám mục.

Ngài kêu gọi các giám mục Đức tôn trọng sự hiệp nhất của Giáo hội và tuân theo hướng dẫn của Đức Thánh Cha về tính đồng nghị.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về kế hoạch thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực cho Giáo hội Đức.

Một cơ quan như vậy sẽ hoạt động “như một cơ quan tư vấn và ra quyết định về những phát triển thiết yếu trong Giáo hội và xã hội,” theo một đề xuất của Tiến Trình Công Nghị.

Quan trọng hơn, nó sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận đối với kế hoạch mục vụ, các vấn đề về tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Vào tháng 6 năm 2022, Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, cho biết không thể có “Hội Đồng Thượng Hội Đồng”, xét theo lịch sử và thần học của Giáo hội: “Các Thượng Hội Đồng không thể tồn tại lâu dài về mặt thể chế. Truyền thống của Giáo hội không biết đến một chính phủ Thượng Hội Đồng. Một Hội Đồng Thượng Hội Đồng, như được dự kiến hiện nay, không có cơ sở trong toàn bộ lịch sử của hiến pháp. Nó sẽ không phải là một sự đổi mới, mà là một phát minh chưa từng có.”

Đức Hồng Y Kasper trước đây đã cáo buộc những người tổ chức Synodale Weg, còn được gọi là “Tiến Trình Công Nghị”, sử dụng một “thủ thuật tiệm tiến” để tạo thành một cuộc đảo chính.

Đức Hồng Y Kasper, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Sự hiệp nhất Kitô giáo, người từng là giám mục của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999, cho biết tiến trình của Đức có thể so sánh với các cấu trúc cộng sản ở Liên Xô. Đức Hồng Y cho rằng Giám Mục Bätzing “là một nhà khoa học chính trị, không phải một nhà thần học, khi bày tỏ quan điểm này một cách mạnh mẽ, đề cập đến một Hội Đồng Thượng Hội Đồng như như một Xô Viết Tối Cao.”

Đức Hồng Y nói tiếp: “'Soviet' là một từ tiếng Nga cổ có nghĩa chính xác là cái mà chúng ta gọi là 'Rat', một hội đồng trong tiếng Đức. Một Hội Đồng liên bang tối cao như vậy trong Giáo hội rõ ràng không phải là một ý kiến hay. Một hệ thống hội đồng như vậy không phải là một ý tưởng của Kitô giáo, mà là một ý tưởng đến từ một tinh thần hoặc phi tinh thần hoàn toàn khác. Nó sẽ bóp nghẹt sự tự do của Thần Khí, và phá hủy cấu trúc mà Chúa Kitô đã muốn cho Giáo Hội của Người.”

Đáp lại các chỉ trích của Hồng Y Kasper, Bätzing cho biết mặc dù bức thư từ Rôma tuyên bố rõ ràng rằng các giám mục không bắt buộc phải tham gia vào một Hội Đồng Thượng Hội Đồng như vậy, nhưng ông lưu ý vào ngày 23 Tháng Giêng rằng bản thân khái niệm về một Hội Đồng Thượng Hội Đồng như vậy “không bị đặt vấn đề trong lá thư mới nhất từ Rôma”.


Source:Catholic News Agency