Như mọi người đều biết, để thuyết phục Đức Tổng Giám Mục Fernandez chấp nhận việc bổ nhiệm ngài vào chức vụ mới, Đức Phanxicô đã làm một việc chưa từng có là viết một lá thư làm bảo chứng rằng nhiệm vụ của ngài tại Bộ Giáo Lý Đức Tin chỉ là các vấn đề tín lý, chứ không còn là các vấn đề kỷ luật, không phải đi tìm những kẻ phá hoại tín lý này cho bằng tích cực khai triển nó cho thời đại hiện nay.



Theo Courtney Mares của hãng tin CNA, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên từ ngày được bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Fernandez cho hay ngài đã viết cho các thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin một lá thư trong đó, ngài ca ngợi đương kim bộ trưởng, Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, như một nhà thần học và vì phong thái làm việc của ngài nhưng “nói thêm rằng tôi sẽ làm nó ‘theo cách của tôi’như bài hát tiếng Ý nói”.

Trong cuộc phỏng vấn của trang mạng Tây Ban Nha InfoVaticana, công bố ngày 5 tháng 7, ngài nói, “Tôi sẽ lưu ý đến lời kêu gọi đồng nghị của Đức Giáo Hoàng, trước nhất tôi sẽ lắng nghe một chút trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì, nhưng chắc chắn có những xem xét từ lá thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho tôi mà ta sẽ phải áp dụng cách nào đó”.

Khi được hỏi ngài sẽ nói gì với những người chống đối việc bổ nhiệm ngài, Đức Tổng Giám Mục Fernandez cho hay: “đối với bạn há không tốt hay sao việc vào một lúc nào đó trong lịch sử một người Mỹ Latinh từng là một cha xứ một họ đạo ngoại vi, lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở vùng quê, rất mẫn cảm một cách gần gũi với nỗi đau của những người bị vứt bỏ của xã hội, với một câu truyện đời sống rất khác với câu truyện đời sống của người Âu Châu hay Hoa Kỳ, nhưng đồng thời là một tiến sĩ thần học, chiếm giữ chúc vụ này sao? Một lần nữa, tôi xin nói với họ rằng tôi sẽ học hỏi từ lịch sử, tôi sẽ tôn trọng các diễn trình, tôi sẽ đối thoại, nhưng tôi sẽ làm nó theo cách của tôi”.

Cách ấy chắc chắn là tập chú vào việc khai triển tín lý, không phải lên án các sai lầm. Về khía cạnh này, theo Scott Smith trên National Catholic Register [https://www.ncregister.com/blog/ddf-new-prefect-reaction], Đức Tổng Giám Mục Fernandez cho rằng “vào các thời kỳ khác trước đây, Bộ Giáo Lý Đức Tin được gọi là Văn phòng Thánh, chuyên bách hại các người lạc giáo, những người phạm sai lạc tín lý, và Đức Giáo Hoàng [Phanxicô] thừa nhận rằng Văn phòng này đã dùng các phương pháp vô luân như tra tấn. Ngài nói với tôi rằng ngài yêu cầu tôi một điều rất khác, vì các sai lạc không được chỉnh sửa bằng bách hại hay kiểm soát, mà bằng cách tạo đức tin và gia tăng đức khôn ngoan. Đó là cách tốt nhất bảo tồn đức tin”.

Smith cho rằng tập chú trên thực ra chẳng cách mạng chi, mà đúng hơn chỉ nhắc lại sứ mệnh của Bộ Giáo Lý Đức Tin vốn có từ năm 1965. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong tông thư Integrae Servendae, cải tổ Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc đó từng viết rằng: “Nhưng, vì trong tình yêu không hề có sợ hãi (1Ga 4:18), việc bảo vệ đức tin nay được phục vụ tốt hơn bằng việc cổ vũ tín lý, một cách khiến cho, trong khi các sai lạc được chỉnh sửa và những người sai lạc được nhẹ nhàng kêu gọi trở về với sự thật, các sứ giả của Tin Mừng tìm được sức mạnh mới. Hơn nữa, việc thăng tiến nền văn hóa nhân bản, mà tầm quan trọng của nó lãnh vực tôn giáo không nên bỏ qua, là việc tín hữu tuân theo các chỉ thị của Giáo Hội một cách gắn bó và đầy yêu thương hơn nếu, trong các vấn đề đức tin và luân lý, ta có thể làm rõ ràng cho họ các lý do cho các định tín và lề luật”.

Ngoài ra, đối với Smith, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đâu có miễn chước cho Bộ Giáo Lý Đức Tin vai trò liên tục trong việc áp dụng kỷ luật đối với các thần học gia bất đồng ý kiến. Mới năm ngoái đây, trong Tự sắc Fidem Servare tháng Hai năm 2022 của ngài, Đức Phanxicô đã tái khẳng định rằng phân bộ tín lý của Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhiệm vụ “sắp xếp việc khảo sát... các trước tác và ý kiến tỏ ra có vấn đề đối với đức tin đúng đắn, khuyến khích đối thoại với các tác giả của chúng và đề nghị các biện pháp sửa chữa thích đáng”.

Và một lần nữa trong tông hiến Praedicate Evangelium tháng 3 năm 2022, tức tông hiến ấn định cơ cấu hiện thời của Giáo triều Rôma, Đức Phanxicô xác định vai trò của Bộ Giáo Lý Đức Tin bao gồm “việc bảo vệ chân lý đức tin và sự toàn vẹn luân lý”. Thực vậy, tiết tín lý của tông hiến liệt kê hai nhiệm vụ cho thánh bộ;

1. Xem xét các trước tác và ý kiến có vẻ trái ngược hoặc có hại cho đức tin và luân lý; nó tìm kiếm một cuộc đối thoại với các tác giả của những trước tác này và đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp để áp dụng, theo các quy tắc thích hợp của nó;

2. Hoạt động để bảo đảm rằng những sai lầm và giáo huấn nguy hiểm đang lưu truyền dân Kitô giáo phải bị bác bỏ một cách thích hợp.

Thành thử, theo Smith, nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Fernandez không khác bao nhiêu so với nhiệm vụ của các vị tiền nhiệm của ngài.

Chúc lành các cặp đồng tính luyến ái

Một trong những lý do Bộ Giáo Lý Đức Tin trước đây triển hạn cấp nihil obstat cho việc đề cử Cha Fernandez làm viện trưởng viện Đại Học Công Giáo Á Căn Đình là quan điểm của ngài về việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái. Theo Luke Coppen của tạp chí The Pillar, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài chống đối việc chúc lành cho các cặp đồng tính khi việc này gây “hiểu lầm” đối với bản chất của hôn nhân. Tuy nhiên, những cuộc chúc lành nào không gây một hiểu lầm như thế thì “nên phân tích và xác nhận”. Ngài đưa ra nhận định này trong cuộc phỏng vấn của InfoVaticana.

Ngài nói: “như tôi cương quyết chống phá thai thế nào (và tôi thách thức bạn tìm được ai ở Châu Mỹ Latinh viết nhiều bài báo hơn tôi chống phá thai), tôi cũng hiểu rằng ‘hôn nhân’, theo nghĩa chặt chẽ của nó, chỉ là một điều: cuộc kết hợp bền vững của hai hữu thể khác nhau là nam và nữ, những người, trong chính sự khác nhau này, có khả năng sinh ra sự sống mới”.

“Không có điều gì có thể so sánh với điều đó và sử dụng tên đó để phát biểu một điều khác là không tốt và đúng đắn. Đồng thời, tôi tin rằng chúng ta phải tránh các cử chỉ và hành động có thể nói lên một điều khác. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng phải hết sức cẩn thận tránh các nghi thức hay chúc lành có thể nuôi dưỡng sự mơ hồ này”.

Ngài nói thêm: “nhưng nếu việc chúc lành được ban một cách không tạo nên sự mơ hồ đó, thì ta phải phân tích nó và xác nhận nó. Như bạn thấy, có một điểm tại đó, ta phải bỏ qua cuộc thảo luận thần học đúng nghĩa để chuyển qua vấn đề có tính khôn ngoan thận trọng và kỷ luật nhiều hơn”.

Coppen nhân dịp này nhắc đến hai thực hành chúc lành cho các cặp đồng tính: một tại Bỉ và một tại Đức. Tuy Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa lên tiếng gì về hình thức thực hành này, nhưng năm 2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ban hành một chỉ thị dưới hình thức một bản trả lời (Responsum) cho câu hỏi: Giáo hội có quyền ban phép lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng một giới tính hay không? Và câu trả lời là KHÔNG.

Bản trả lời và lời giải thích kèm theo đã đệ trình lên Đức Phanxicô và Đức Phanxicô “đã thuận ý cho việc công bố Bản Trả Lời trên với Lời Giải Thích đính kèm”. Lời giải thích này khẳng định rằng “Sẽ trái phép khi ban phép lành cho các mối liên hệ hay sống chung, dù là ổn định, nếu liên hệ đến sinh hoạt tính dục bên ngoài hôn nhân... như trường hợp các cuộc kết hợp giữa những người cùng một giới tính”.

Nó khẳng định thêm: “sự hiện diện các yếu tố tích cực trong các mối liên hệ này, tuy tự chúng cần được trân trọng và đánh giá cao, vẫn không thể biện minh cho các mối liên hệ này và làm chúng thành đối tượng hợp pháp của phép lành Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực hiện hữu trong bối cảnh một việc kết hợp không tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

Lời giải thích quảng diễn thêm lý do tại sao việc chúc lành này trái phép: “vì chúng tạo nên một mô phỏng hay loại suy nào đó với phép lành hôn phối ban cho một người đàn ông và một người đàn bà kết hợp trong bí tích hôn phối trong khi trên thực tế, ‘tuyệt đối không hề có cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính tương tự bất cứ cách nào hay cả xa xôi loại suy với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”, Lời Giải Thích nói thế, dựa vào chính tông huấn Amoris Laetitia năm 2016 của Đức Phanxicô, bản văn mà Đức Tổng Giám Mục Fernandez giúp soạn thảo.

Một tân Ratzinger?

Mặc dù chính Đức Tổng Giám Mục Fernandez chưa bao giờ tự ví mình như Đức Hồng Y Joseph Rtazinger, vị tiền nhiệm của ngài tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, mặc dù theo Dan Hitchens của First Things (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/07/archbishop-fernandez-preacher-of-chaos), ngài khá khoa trương. Nhưng ít nhất có đến hai tạp chí đề cập đến sự so sánh này. Đó là John Allen trên tạp chí CruxNow và Cha de Souza trên tạp chí National Catholic Register.

Ngay 1 ngày sau tin bổ nhiệm ngài, John Allen cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa ban Ratzinger của ngài cho Vatican”. Allen không có ý so sánh phẩm chất hay ý nghĩa xuất lượng trí thức của hai vị, nhưng về phương diện chính trị và bản thân, Đức Tổng Giám Mục Fernandez đối với Đức Phanxicô gần giống như Đức Hồng Y Ratzinger đối với Đức Gioan Phaolô II, có khi còn hơn thế nữa vì dây nối kết giữa ngài và Đức Phanxicô thâm hậu hơn mối liên kết bản thân giữa Đức Hồng Y Ratzinger và Đức Gioan Phaolô II. Mối liên kết này có từ năm 2007: ngài là chuyên viên của Đức Hồng Y Bergoglio tại Hội Nghị các Giám Mục Mỹ Latinh tại Aparecida với văn kiện sau cùng trở thành kế sách cho triều Giáo Hoàng Phanxicô. Và rồi các văn kiện Niềm vui Tin Mừng năm 2013, Niềm Vui Yêu Thương năm 2016 và cả Laudato Si’ nữa đều do ngài viết ẩn danh.

Allen liệt kê 3 song hành giữa Ratzinger và Fernandez: 1) Ratzinger nổi bật hơn cả Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano thế nào, Fernandez hiện cũng nổi nang như thế so với đương kim Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin; 2) Ratzinger là cột thu lôi cho triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thế nào, thì Fernandez cũng là cột thu lôi như thế cho triều Giáo Hoàng Phanxicô; 3) Dù thế, Ratzinger thành người kế vị của Đức Gioan Phaolô II; với tước vị Hồng Y, Fernandez cũng rất có thể trở thành người kế vị của Đức Phanxicô.

Cha de Souza viết sau đó 3 ngày, với nhận định cho rằng: “Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hài lòng về việc để thừa tác vụ của ngài được phê phán bởi việc ngài lựa chọn người cộng tác chính thế nào, thì Đức Tổng Giám Mục Fernandez cũng nghĩ rằng việc bổ nhiệm ngài phục vụ cùng một vai trò như thế đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, nghĩa là ngài là một Ratzinger của Đức Phanxicô.

Nhưng có phải là Ratzinger đối với người khác hay không, quả là một chuyện khác hẳn. Vì người ta vốn nghĩ ngài “là một nhân vật hậu trường, chắc chắn có gây ảnh hưởng, nhưng không thuộc loại nhân vật có quyền đòi được yêu qúi rộng rãi như một giáo phẩm dầy kinh nghiệm và một thần học gia có năng khiếu”.

Sở dĩ Cha De Souza nhận định Đức Tổng Giám Mục Fernandez có ý tự ví mình như Đức Hồng Y Ratzinger có lẽ do câu nói của ngài khi gọi những người chỉ trích ngài là “các nhóm chống đối Đức Phanxicô”. Khi tự cột mình vào Đức Giáo Hoàng Phanxicô như thế “Đức Tổng Giám Mục Fernadez minh nhiên mong muốn vai trò Ratzinger từng đóng cho Đức Gioan Phaolô II, người giải thích ưu tuyển của triều Giáo Hoàng”.