1. Các Hồng Y Parolin và Koch gặp gỡ các giám mục Ukraine. Đức Hồng Y Parolin thông báo cuộc họp để tìm hiểu tác động của chiến tranh

Hôm 5 tháng 9, ngày thứ ba của Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine tại Rôma từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9, các giám mục Ukraine đã gặp Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã thông báo với các giám mục rằng “chấp nhận đề nghị lâu dài của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk” sẽ có một cuộc họp của Ủy ban Thường trực Liên Bộ về Giáo hội ở Đông Âu.

“Chúng tôi sẽ gặp gỡ các đại diện của Giáo hội Đông phương và Giáo hội Latinh, cũng như một số chuyên gia, để đào sâu các vấn đề liên quan đến chiến tranh và nguồn gốc của nó, đồng thời lưu ý rằng chiến tranh luôn là một tội ác và ngay cả khi cần phải phản ứng với quyền tự vệ chính đáng, nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là những Kitô hữu và Mục tử là phải hạn chế ảnh hưởng của nó càng nhiều càng tốt, bằng lời nói và hành động”, – Đức Hồng Y Parolin tuyên bố.

Trong một bài phát biểu dài Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ca ngợi sự cam kết của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, đồng thời nhắc lại sự gần gũi của Tòa thánh đối với nỗi đau khổ của người dân Ukraine, cũng như sự hỗ trợ của Tòa thánh đối với các sáng kiến khác nhau được đưa ra.

Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại lịch sử hàng ngàn năm của mối quan hệ giữa Kyiv và Rôma, thậm chí không bị gián đoạn bởi cuộc ly giáo năm 1054, và ca ngợi thực tế là Giáo Hội Công Giáo-Đông Phương Ukraine coi mối quan hệ với người kế vị Thánh Phêrô là một “chiều kích cấu thành”.

Đức Hồng Y Parolin cũng đánh giá cao rằng những người tham gia Thượng Hội đồng đã không “tự giới hạn mình vào những cân nhắc thần học lý thuyết”, mà “đi thẳng vào vấn đề cụ thể”, để cho mình được thách thức bởi câu hỏi “Làm thế nào để trở thành Giáo hội?”

Đức Hồng Y Parolin cũng đề cập đến các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Berdiansk là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bogdan Heleta, là những vị đã biến mất sau khi các ngài bị bắt vào tháng 11 năm 2022, và nhấn mạnh rằng “Tòa thánh chia sẻ mối quan tâm của các hiền huynh đối với số phận của họ và không bỏ qua bất kỳ dịp nào để hỏi tin tức và yêu cầu trả tự do cho các ngài”.

Sau đó, Đức Hồng Y Parolin lưu ý đến việc chăm sóc mục vụ cho những người lính tham gia bảo vệ quê hương, và nhấn mạnh rằng “việc bảo vệ chủ quyền và tự do của lãnh thổ quốc gia, cũng phải đi kèm với việc bảo vệ trái tim của chính mình để không nhượng bộ trước hận thù, trong đó họ có thể dễ dàng trở thành con mồi trước rất nhiều hành động tàn bạo.”

Đức Hồng Y cũng bảo đảm sự gần gũi của Tòa Thánh và cả sự gần gũi của Đức Thánh Cha, với những lời kêu gọi công khai của ngài, bức thư gửi người dân Ukraine ngày 24 tháng 11 năm 2022, và những hành động của ngài, những cử chỉ “lặp đi lặp lại và có ý nghĩa” khiến “thật không công bằng khi nghi ngờ tình cảm của ngài dành cho người dân Ukraine và nỗ lực của ngài, vốn không phải lúc nào cũng được hiểu và đánh giá cao, nhằm giúp chấm dứt thảm kịch đang diễn ra và bảo đảm một nền hòa bình công bằng và ổn định thông qua đàm phán”.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh sự chú ý của Phủ Quốc vụ khanh, “cùng với Đức Thánh Cha, đã quan tâm đến việc trao đổi tù nhân, việc hồi hương trẻ em Ukraine từ Nga, về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, về các khía cạnh nhân đạo của kế hoạch hòa bình do chính quyền Ukraine đề xuất”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Koch cũng cho biết ngài rất ấn tượng “về cách thức mà các giám mục và linh mục của các hiền huynh đồng hành mục vụ với các tín hữu và củng cố niềm hy vọng của họ vào đức tin”, đặc biệt đề cập đến “các tuyên bố và các bài phát biểu khích lệ” của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk.

Đức Hồng Y Koch nói rằng “hậu quả của cuộc chiến này vẫn chưa thể đoán trước được”, và “sẽ cần thời gian để những vết thương trong thể xác và tâm hồn của rất nhiều người được chữa lành”. Vị đứng đầu Bộ Đại kết cũng ghi nhận những thiệt hại nghiêm trọng đối với cuộc đối thoại đại kết do chiến tranh gây ra. Để kết thúc, Đức Hồng Y Koch cầu nguyện rằng chiến tranh sẽ chấm dứt và “một nền hòa bình công bằng có thể được thiết lập”.

Trong các cuộc họp, các giám mục Ukraine đã có cơ hội nêu lên sự chú ý của các đại diện Tòa thánh về những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.


Source:Sismografo

2. Chính Thống Giáo Nga kỷ niệm 45 năm Tổng Giám mục Chính thống Nikodim đột tử tại Điện Tông tòa của Vatican trong vòng tay của Đức Gioan Phaolô I

Hôm 5 tháng Chín vừa qua, tại Mạc Tư Khoa, trước khi bắt đầu công việc của Hội đồng tối cao của Giáo Hội Chính thống Nga, trong Nhà thờ Chúa Cứu thế của Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill, Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, đã chủ trì buổi cầu nguyện kỷ niệm 45 năm ngày mất của Đức Tổng Giám Mục Rotov Nikodim của tổng giáo phận St. Petersburg, diễn ra trong vòng tay của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tại Điện Tông tòa.

Vào ngày 5 tháng 9 năm 1978, trong buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Luciani, một khoảnh khắc mà theo một số tường trình, Thượng phụ đương nhiệm Kirill, lúc đang có mặt với tư cách là Tổng Giám Mục Vyborg trong phái đoàn Chính Thống Giáo đến chúc mừng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I vừa được bầu vào ngôi Giáo Hoàng một tuần trước đó vào ngày 26 Tháng Tám, 1978.

Trong một tình huống hoàn toàn bất ngờ mà những người có mặt không thể tin vào mắt mình, sau một cuộc trò chuyện ngắn, Tổng Giám mục Rotov Nikodim đã gục xuống vì một cơn đau tim bất chợt.

Đức Cha Rotov Nikodim là Tổng Giám Mục của St. Petersburg, lúc bấy giờ vẫn còn gọi là Leningrad, và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga.

Bên cạnh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I là Đức Hồng Y Johannes Willebrands, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo, một vị trí hiện nay do Đức Hồng Y Kurt Koch đảm nhận. Ngoài ra còn có một nhân vật chính trong câu chuyện này là linh mục Dòng Tên Miguel Arranz, người đóng vai trò thông dịch viên.

Khi Đức Cha Rotov Nikodim gục xuống, Cha Arranz đã đề nghị Đức Giáo Hoàng John Paul I ban phép xá giải cho Đức Cha Nikodim. Vì thế, Đức Thánh Cha đã quỳ xuống, và ban phép xá giải cho ngài bằng tiếng Latinh. Đức Cha Nikodim đã chết trong trong vòng tay của một vị Giáo Hoàng vừa mới được bầu 10 ngày trước đó.

Những gì đã xảy ra đầy kịch tính và bất thường đến mức vào năm 2004, nó cũng truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “L'hôte du pape”, nghĩa là “Vị khách của Giáo Hoàng”, của nhà văn người Pháp gốc Nga Vladimir Volkoff. Hai năm sau người ta đã chuyển thể nó thành dạng sân khấu nhưng đáng buồn là trong bối cảnh bài Công Giáo, câu chuyện đã bị xuyên tạc thành một âm mưu hạ sát một giáo phẩm Chính Thống Giáo.

Buổi tiếp kiến sáng hôm đó dành cho các phái đoàn không Công Giáo đã tham dự thánh lễ khai mạc chính thức triều đại giáo hoàng. Đức Cha Nikodim, một người ủng hộ đối thoại đại kết với Công Giáo, đã nhất quyết yêu cầu được nói chuyện riêng với Đức Giáo Hoàng. Sau khi diễn ra các cử chỉ xã giao, cả hai vị đã ngồi xuống nói chuyện riêng trong khoảng mười lăm phút, chỉ có một người phiên dịch hỗ trợ là Arranz.

Vị Tổng Giám Mục người Nga - một bệnh nhân tim - đã đưa cho Cha Arranz một “lọ nitroglycerin”, nhờ mở giùm cái nắp. Đức Cha Nikodim cúi xuống mà không nói gì. Ban đầu, Cha Arranz nghĩ đó là một “cử chỉ khúm núm”, nhưng một lúc sau vị Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo “gục ngay dưới chân Đức Giáo Hoàng”. Vị Tân Giáo Hoàng cúi xuống, cố gắng đỡ Đức Cha Nikodim. Đức Thánh Cha Luciani không nhận ra ngay được chuyện gì đang xảy ra cho đến khi một thành viên trong phái đoàn Chính Thống Giáo cho biết Đức Cha Nikodim bị bệnh tim. Khi đó, vị linh mục Dòng Tên đề nghị Đức Gioan Phaolô ban phép xá giải cho Đức Cha Nikodim. Vì vậy, “Đức Giáo Hoàng đã quỳ xuống và ban phép xá giải cho vị Tổng Giám Mục Nga bằng tiếng Latinh. Bác sĩ bước vào ngay sau đó và xác nhận cái chết của Đức Cha Nikodim, vẫn còn trong vòng tay của Đức Giáo Hoàng”. Tất cả mọi diễn biến xảy ra trước mắt Thượng Phụ Kirill, lúc bấy giờ là một Tổng Giám Mục của Chính Thống Giáo Nga.

Ba tuần sau, chính Đức Giáo Hoàng cũng đột ngột qua đời, “có lẽ vào khoảng 11 giờ đêm” ngày 28 tháng 9 do “cơn đau tim cấp tính”, một tuyên bố từ Tòa thánh đưa ra vào sáng hôm sau cho biết.


Source:Sismografo

3. Thượng hội đồng giám mục thứ hai của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trong bối cảnh cuộc chiến toàn diện đã bắt đầu ở Rôma

Hôm Chúa nhật, ngày 3 tháng 9, Thượng Hội đồng Giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương năm 2023 đã khai mạc tại Rôma, với chủ đề trọng tâm là “Hỗ trợ mục vụ cho các nạn nhân chiến tranh”. Phụng vụ Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Sophia, được đồng tế bởi các giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ khắp nơi trên thế giới, được chủ trì bởi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk. Bộ trưởng Bộ Giáo Hội Công Giáo Đông phương, là Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, đã đến để chào đón các nghị phụ.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã gọi Thượng Hội Đồng năm nay tại Rôma, lần thứ hai trong thời kỳ chiến tranh toàn diện, là Thượng Hội Đồng Hy Vọng.

Dấu hiệu hy vọng đầu tiên là công việc của Thượng Hội đồng là thời điểm Chúa Thánh Thần ngự xuống: “Bất cứ khi nào Giáo hội hoặc người dân phải trải qua một số thời điểm khó khăn trong lịch sử của họ, Giáo hội đã triệu tập các hội đồng địa phương hoặc thậm chí các Hội đồng Đại kết. Đối với cuộc họp mặt như vậy của các tông đồ, là các giám mục của thời đại chúng ta, đó là một thời điểm đặc biệt để Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo hội và dân chúng”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ nỗi buồn khi nói rằng ngày nay, trong tâm tưởng của nhiều người, họ sẽ sống cuộc sống hạnh phúc và bình yên hơn nếu Ukraine, người dân, nhà nước và Giáo hội của chúng ta không tồn tại. Ngài nhắc lại một câu nói của người Á Căn Đình: “Tôi là một viên sỏi trong chiếc giày”, và lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine giống như một “viên sỏi trong chiếc giày dành cho những ai muốn tiếp tục với những công việc trần thế của mình, bất chấp lời kêu gọi của Chúa Cứu Thế.”

Dấu hiệu hy vọng thứ hai của Thượng Hội đồng năm nay là việc tập trung tại Rôma, các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nhận được một nền tảng đặc biệt để phát biểu với một giọng nói mạnh mẽ “Urbi et Orbi” - gửi tới thành phố Rôma, Đức Thánh Cha và toàn thế giới. “Ngày nay, khi các đế chế cũ đang thức tỉnh, khi kẻ xâm lược Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa mới ở Ukraine, điều quan trọng là thế giới phải nghe lịch sử thực sự của Ukraine, thậm chí cả Nga, Đông Âu, được viết không phải bởi những kẻ thực dân và đế quốc, nhưng được viết bằng máu của những dân tộc bị chà đạp hiện đang đấu tranh cho quyền tồn tại, quyền tự do, nhà nước Ukraine độc lập đặc biệt của riêng họ”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói.

“Thế giới ngày nay mong muốn được nghe về Ukraine, và thông qua tiếng nói của cộng đoàn ta, và nó đến từ Rôma,” Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương quả quyết và nói với các giám mục: “Xin cho trái tim và giọng nói của chúng ta không chùn bước khi thực hiện điều này.”

Dấu hiệu hy vọng lớn thứ ba là cơ hội để các giám mục Ukraine được gặp trực tiếp Đức Thánh Cha và nhận được một dấu hiệu hy vọng từ ngài. “Chúng ta biết rằng ngài là một bậc thầy về lắng nghe và cử chỉ. Đức Thánh Cha mong muốn lắng nghe Thượng Hội đồng Giám mục Ukraine. Ngài đặc biệt mời chúng ta đến một cuộc họp sớm hơn một giờ để không chỉ tạo cơ hội cho Nhà lãnh đạo Giáo hội nói chuyện với ngài mà còn với mọi giám mục trong cộng đoàn ta thay mặt cho các giáo đoàn, giáo phận và tổng giáo phận của chúng ta. Và với tư cách là một chuyên gia về lắng nghe, ngài sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Và với tư cách là bậc thầy về cử chỉ, đôi khi có thể truyền tải nhiều hơn lời nói hoặc chữ viết, tôi tin rằng ngài sẽ mang đến cho chúng ta một cử chỉ hy vọng như vậy,” Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói với vẻ đầy hy vọng.


Source:UGCC