3. Con sẽ là tình yêu

30. Vì “cao cả” hơn đức tin và đức cậy, đức ái sẽ không bao giờ qua đi (x. 1 Cr 13:8-13). Đó là hồng ân tối thượng của Chúa Thánh Thần và là “mẹ và cội nguồn của mọi nhân đức”. [49]



Đức ái như một thái độ bản thân của tình yêu

31. Câu chuyện Một Linh hồn là một chứng từ về đức ái, trong đó Thánh Têrêsa đưa ra cho chúng ta lời bình luận về điều răn mới của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12). [50] Chúa Giêsu khao khát sự đáp trả này đối với tình yêu của Người. Thật vậy, Người “không ngại xin người đàn bà Samaria một ít nước. Người thấy khát. Nhưng khi Người nói 'Cho tôi uống', thì chính tình yêu của tạo vật khốn khổ của Người mà Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đang tìm kiếm. Người khát khao tình yêu”. [51] Thánh Têrêsa muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu, dâng hiến cho Người tình yêu để đáp lại tình yêu. [52]

32. Tính biểu tượng của tình yêu phu thê nhấn mạnh đến sự tự hiến cho nhau của chàng rể và cô dâu. Do đó, lấy cảm hứng từ Diễm ca (2:16), Thánh Têrêsa viết, “Tôi nghĩ rằng Trái tim Người Phối Ngẫu của tôi là của riêng tôi, cũng như trái tim của tôi là của riêng Người, và tôi nói chuyện với Người trong sự cô tịch của trái tim vui vẻ này nói với trái tim kia, trong khi chờ đợi một ngày nào đó được chiêm ngưỡng Ngườii mặt đối mặt”. [53] Mặc dù Chúa yêu thương chúng ta như một dân tộc, nhưng đồng thời đức ái cũng hoạt động một cách bản thân nhất: “trái tim với trái tim”.

33. Thánh Têrêsa hoàn toàn chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ngài và biết đích danh ngài vào lúc chịu khổ nạn: “Người yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong cơn hấp hối, ngài nói với Người: “Chúa đã thấy con”. [54] Cũng vậy, ngài nói với Hài Nhi Giêsu trong vòng tay của Mẹ Người: “Với bàn tay nhỏ bé Chúa vuốt ve Đức Maria, Chúa đã nâng đỡ thế giới và ban cho nó sự sống, và Chúa đã nghĩ đến con”. [55] Cũng vậy, khi bắt đầu Câu chuyện một Linh hồn, ngài đã chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại và đối với mỗi cá nhân, như thể họ là người duy nhất trên thế giới. [56]

34. Hành vi yêu thương – lặp đi lặp lại những lời “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa” – đối với Thánh Têrêsa trở nên tự nhiên như hơi thở, là chìa khóa giúp ngài hiểu Tin Mừng. Với tình yêu đó, ngài đắm mình trong tất cả các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, trở nên đương thời với Người và đặt mình vào trong Tin Mừng cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, thánh Maria Mađalêna và các tông đồ. Cùng với họ, ngài đã đi sâu vào tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: “Khi tôi nhìn thấy Mađalêna bước tới trước nhiều quan khách, lấy nước mắt rửa chân cho Thầy kính yêu của mình, Đấng mà bà chạm vào lần đầu tiên, tôi cảm thấy rằng trái tim bà đã hiểu được các vực thẳm của tình yêu và lòng thương xót của Trái Tim Chúa Giêsu, và dù bà là người tội lỗi, Trái Tim tình yêu này không chỉ sẵn sàng tha thứ cho bà, mà còn ban cho bà những phúc lành của sự thân mật thần linh, nâng bà lên đỉnh cao nhất của sự chiêm niệm”. [57]

Tình yêu lớn nhất trong sự đơn giản tối cao

35. Ở cuối Câu chuyện một Linh hồn, Thánh Têrêsa trình bày cho chúng ta Hành vi Hiến dâng Tình yêu Thương xót. [58] Một khi hoàn toàn phó thác cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, ngài đã nhận được, một cách lặng lẽ và kín đáo, một dòng nước hằng sống dồi dào: “những dòng sông, hay đúng hơn là những đại dương ân sủng tràn ngập linh hồn tôi”. [59] Đây là đời sống huyền nhiệm, ngoài những hiện tượng ngoại thường, nó cung ứng cho mọi tín hữu như một kinh nghiệm yêu thương hằng ngày.

36. Thánh Têrêsa thực hành đức ái trong sự bé nhỏ, trong những điều đơn giản nhất của cuộc sống hằng ngày, và ngài đã làm như vậy khi đồng hành với Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà từ đó ngài đã học được rằng “yêu thương là cho đi tất cả. Đó là hiến dâng chính mình”. [60] Trong khi các nhà giảng thuyết thời đó thường tôn vinh sự cao cả của Đức Maria theo những cách khiến cho Mẹ dường như xa rời chúng ta, Thánh Têrêsa đã cho thấy, bắt đầu từ Tin Mừng, rằng Đức Maria là người cao trọng nhất trong Nước Trời vì Mẹ là người bé nhỏ nhất (x. Mt 18:4), người gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong sự hạ mình của Người. Ngài thấy rằng, nếu ngụy thư đầy rẫy những chiến công nổi bật và đáng kinh ngạc, thì Tin Mừng cho chúng ta thấy một cuộc sống thấp hèn và nghèo khó sống trong đức tin đơn sơ. Chính Chúa Giêsu muốn Đức Maria trở thành mẫu gương của một tâm hồn tìm kiếm Người với một đức tin đơn sơ. [61] Đức Maria là người đầu tiên trải nghiệm “con đường nhỏ” trong đức tin thuần khiết và lòng khiêm nhường. Vì vậy, Thánh Têrêsa đã không ngần ngại viết:

“Lạy Mẹ đầy ân sủng, con biết rằng ở Nazareth
Mẹ sống trong cảnh nghèo khó, không muốn gì hơn nữa.
Không có sung sướng, phép lạ hay sự xuất thần
Lạy Nữ hoàng của những người được chọn, xin Mẹ làm đẹp cuộc sống của Mẹ!…
Số lượng những người bé nhỏ trên trái đất thực sự rất lớn.
Họ có thể ngước mắt nhìn Mẹ mà không run rẩy.
Lạy Mẹ khôn sánh, chính một cách thông thường,
Mẹ đã thích tiến bước để dẫn họ lên thiên đàng”. [62]

37. Thánh Têrêsa kể cho chúng ta nghe về những giây phút ân sủng được trải nghiệm giữa sự đơn sơ của cuộc sống hằng ngày, giống như sự hiểu biết thông sáng bất ngờ mà ngài có được khi đồng hành cùng một nữ tu bệnh hoạn và có phần nóng nảy. Mặc dù vậy, những trải nghiệm về lòng đức ái mãnh liệt hơn đó vẫn diễn ra theo những cách bình thường nhất. “Một đêm mùa đông, tôi đang thực hiện nhiệm vụ nhỏ bé của mình như thường lệ; trời lạnh, trời đã về đêm. Đột nhiên tôi nghe thấy từ xa tiếng âm thanh hòa điệu của một nhạc cụ. Lúc đó, tôi hình dung ra một phòng khách được chiếu sáng tốt, mạ vàng rực rỡ, đầy những thiếu nữ trẻ ăn mặc sang trọng đang trò chuyện và dành cho nhau đủ loại lời khen ngợi cũng như những nhận xét trần tục khác. Rồi tôi liếc nhìn người bệnh tật tội nghiệp mà tôi đang giúp đỡ. Thay vì những dòng nhạc hay, tôi chỉ nghe thấy những lời phàn nàn thỉnh thoảng của bà, và thay vì những món đồ mạ vàng sang trọng, tôi chỉ nhìn thấy những viên gạch của tu viện khắc khổ của chúng tôi, khó nhìn thấy được dưới ánh sáng mờ mờ. Tôi không thể diễn tả bằng lời điều gì đã xảy ra trong linh hồn tôi; điều tôi biết là Chúa đã soi sáng nó bằng những tia sáng của sự thật, những tia sáng ấy vượt xa ánh sáng rực rỡ tăm tối của những bữa tiệc trần thế đến nỗi tôi không thể tin được vào niềm hạnh phúc của mình. Ah! Tôi sẽ không đánh đổi mười phút được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bác ái khiêm tốn của mình để tận hưởng những bữa tiệc ngàn năm thế gian”. [63]

Trong lòng Giáo Hội

38. Từ Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Têrêsa thừa hưởng một tình yêu lớn lao đối với Giáo hội và có thể thăm dò các chiều sâu của mầu nhiệm này. Chúng ta thấy điều này khi ngài khám phá ra “trái tim của Giáo hội”. Trong một lời cầu nguyện dài với Chúa Giêsu, [64], được viết vào ngày 8 tháng 9 năm 1896, nhân kỷ niệm sáu năm khấn dòng, vị thánh đã tâm sự với Chúa rằng ngài cảm thấy được thúc đẩy bởi một ước muốn vô biên, một niềm đam mê Tin Mừng mà không một ơn gọi nào, tự nó có thể thỏa mãn. Và vì vậy, khi tìm kiếm “vị trí” của mình trong Giáo hội, ngài đã mở các chương 12 và 13 của Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.

39. Ở đó, trong Chương 12, vị tông đồ sử dụng phép ẩn dụ thân xác và các chi thể của nó để giải thích rằng Giáo hội bao trùm rất nhiều đặc sủng được sắp xếp theo trật tự phẩm trật. Tuy nhiên, mô tả này vẫn chưa đủ đối với Thánh Têrêsa. Ngài tiếp tục tìm kiếm và đọc “bài thánh ca về đức ái” ở Chương 13. Ở đó, ngài đã tìm ra câu trả lời xuất sắc cho câu hỏi của mình và viết ra trang đáng nhớ này: “Xét về thân thể huyền nhiệm của Giáo hội, tôi đã không nhận ra chính mình trong bất cứ những chi thể nào được Thánh Phaolô mô tả, hay đúng hơn là tôi mong muốn nhìn thấy chính mình trong tất cả họ. Đức ái đã cho tôi chìa khóa ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng nếu Giáo hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau thì không thể thiếu những chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất, và vì vậy tôi hiểu rằng Giáo hội có một Trái tim, và Trái tim này đang cháy bỏng tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới khiến các chi thể của Giáo hội hành động, nếu có bao giờ Tình yêu bị tuyệt chủng thì các tông đồ sẽ không còn rao giảng Tin Mừng và các vị tử đạo sẽ không còn đổ máu. Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi, tình yêu đó là tất cả, nó bao trùm mọi thời và mọi nơi… tóm lại: nó là vĩnh cửu! Sau đó, trong niềm vui sướng tột độ, tôi đã kêu lên: Ôi Chúa Giêsu, Tình Yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy nó... ơn gọi của con là Tình Yêu! Vâng, tôi đã tìm được vị trí của mình trong Giáo hội, và chính Chúa, lạy Thiên Chúa của con, đã ban cho con vị trí này; trong trái tim của Giáo hội, Mẹ của con, con sẽ là Tình yêu. Như vậy consẽ là tất cả, và như vậy giấc mơ của con sẽ thành hiện thực”. [65]

40. Trái tim này không phải là trái tim của một Giáo hội hãnh chiến, mà là một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và xót thương. Thánh Têrêsa không bao giờ đặt mình lên trên người khác, nhưng cùng đứng ở vị trí thấp nhất với Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành nô lệ và hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2:7-8).

41. Việc khám phá trái tim của Giáo hội này cũng là nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay. Nó bảo vệ chúng ta khỏi bị xúc phạm bởi những hạn chế và yếu đuối của định chế giáo hội với những bóng tối và tội lỗi của nó, đồng thời giúp chúng ta bước vào “trái tim cháy bỏng tình yêu” của Giáo hội, trái tim bùng cháy vào Lễ Hiện Xuống nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trái tim đó có ngọn lửa được nhen nhóm lại qua mỗi hành động bác ái của chúng ta. “Con sẽ là tình yêu”. Đây là lựa chọn triệt để của Thánh Têrêsa, sự tổng hợp dứt khoát và bản sắc thiêng liêng sâu sắc nhất của ngài.

Một cơn mưa hoa hồng

42. Sau nhiều thế kỷ, trong đó vô số các vị thánh đã hết sức nhiệt thành và hùng hồn bày tỏ ước muốn “lên thiên đàng”, Thánh Têrêsa có thể thừa nhận một cách hết sức chân thành: “Vào thời điểm đó, tôi đang phải chịu đựng đủ loại thử thách nội tâm, thậm chí đến mức tự hỏi liệu thiên đàng có thực sự tồn tại hay không”. [66] Vào một lúc khác, ngài nói: “Khi tôi hát về hạnh phúc thiên đàng và về sự sở hữu vĩnh cửu Thiên Chúa, tôi không cảm thấy vui mừng gì cả, vì tôi chỉ hát những gì tôi muốn tin”. [67] Chuyện gì đã xảy ra vậy? Thánh Têrêsa đã nghe thấy tiếng Chúa mời gọi thổi lửa vào trái tim Giáo hội hơn là nghĩ đến hạnh phúc bản thân của ngài.

43. Sự biến đổi đang diễn ra đã giúp ngài chuyển từ lòng khao khát thiên đàng nhiệt thành sang lòng khao khát thường xuyên, cháy bỏng vì lợi ích của mọi người, lên đến tuyệt đỉnh là giấc mơ tiếp tục trên thiên đàng sứ mệnh yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Người được yêu mến. Như ngài đã viết trong một trong những lá thư cuối cùng của mình: “Tôi thực sự tin tưởng vào việc không tiếp tục thụ động trên thiên đàng. Mong muốn của tôi là vẫn tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các linh hồn”. [68] Và trong chính những ngày đó, ngài nói, thậm chí còn trực tiếp hơn: “Thiên đàng của tôi sẽ dành để sống trên trái đất cho đến ngày tận thế. Vâng, tôi muốn dành cả thiên đàng của mình để làm những điều tốt đẹp trên trái đất”. [69]

44. Bằng những lời đó, Thánh Têrêsa bày tỏ sự đáp trả chắc chắn nhất của mình trước hồng ân độc đáo mà Chúa đã ban cho ngài, ánh sáng đặc biệt mà Thiên Chúa đang chiếu soi trên ngài. Bằng cách này, ngài đã đạt được sự tổng hợp Tin Mừng cuối cùng của bản thân mình, một sự tổng hợp bắt đầu bằng sự tin tưởng hoàn toàn và kết thúc bằng sự phó thác hoàn toàn vì lợi ích của người khác. Ngài không nghi ngờ gì về kết quả của việc phó thác đó: “Tôi nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà tôi muốn làm sau khi chết”. [70] “Chúa sẽ không ban cho tôi ước muốn làm điều tốt trên trái đất sau khi tôi chết, nếu Ngườ đãi không muốn thể hiện điều đó”. [71] “Nó sẽ giống như một cơn mưa hoa hồng”. [72]

45. Ngài đã đi hết vòng. “C’est la confiance”. Chính sự tín thác đưa chúng ta đến tình yêu và do đó giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi. Chính niềm tín thác giúp chúng ta ngừng nhìn vào chính mình và giúp chúng ta phó thác vào tay Thiên Chúa những gì chỉ có Người mới có thể hoàn thành được. Làm như vậy sẽ mang lại cho chúng ta nguồn tình yêu và năng lực bao la để tìm kiếm lợi ích cho anh chị em chúng ta. Và vì thế, giữa nỗi đau khổ của những ngày cuối đời, Thánh Têrêsa đã có thể nói: “Tôi chỉ trông cậy vào tình yêu”. [73] Cuối cùng, chỉ có tình yêu mới có giá trị. Niềm tin tưởng làm cho những bông hồng nở hoa và tuôn đổ chúng như sự tràn ngập tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cầu xin niềm tin tưởng như một món quà ân sủng miễn phí và quý giá, để những con đường Tin Mừng có thể mở ra trong cuộc sống của chúng ta.

4. Trọng tâm của Tin Mừng

46. Trong Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã kêu gọi quay trở lại với nguồn mạch tươi mới, để nhấn mạnh điều thiết yếu và không thể thiếu được. Bây giờ tôi thấy thật phù hợp để tiếp nhận lời mời đó và đề xuất nó một lần nữa.

Tiến sĩ của tổng hợp

47. Tông huấn về Thánh Têrêsa này cho phép tôi nhận xét rằng, trong một Giáo hội truyền giáo, “sứ điệp phải tập trung vào những điều thiết yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Thông điệp được đơn giản hóa nhưng không mất đi chiều sâu và tính chân thực của nó, và do đó trở nên mạnh mẽ và thuyết phục hơn”. [74] Điểm cốt lõi sáng chói của thông điệp đó là “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết”. [75]

48. Không phải mọi thứ đều có vai trò trung tâm như nhau, bởi vì có một trật tự hoặc phẩm trật giữa các chân lý của Giáo hội, và “điều này đúng đối với các tín điều đức tin cũng như đối với toàn bộ giáo huấn của Giáo hội, bao gồm cả giáo huấn luân lý của Giáo hội”. [76] Trọng tâm của luân lý Kitô giáo là đức ái, như sự đáp trả của chúng ta trước tình yêu vô điều kiện của Chúa Ba Ngôi. Do đó, “những việc yêu thương hướng tới người lân cận là biểu hiện hoàn hảo nhất của ân sủng bên trong của Chúa Thánh Thần”. [77] Cuối cùng, chỉ có tình yêu mới có giá trị.

49. Sự đóng góp chuyên biệt mà Thánh Têrêsa cống hiến cho chúng ta trong tư cách một vị thánh và một Tiến sĩ Giáo hội không mang tính phân tích, chẳng hạn như của Thánh Tôma Aquinô. Sự đóng góp của ngài mang tính tổng hợp hơn, vì thiên tài của ngài hệ tại ở việc dẫn chúng ta đến điều trung tâm, thiết yếu và không thể thiếu được. Bằng lời nói và kinh nghiệm bản thân của mình, ngài cho thấy rằng, mặc dù đúng là tất cả các giáo huấn và quy tắc của Giáo hội đều có tầm quan trọng, giá trị, sự rõ ràng của chúng, nhưng một số lại cấp bách hơn và nền tảng hơn đối với đời sống Kitô hữu. Đó là nơi Thánh Têrêsa hướng đôi mắt và trái tim của ngài tới.

50. Như những nhà thần học, nhà luân lý và tác giả tâm linh, như các mục tử và như các tín hữu, ở bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta cần phải liên tục áp dụng cái nhìn sâu sắc này của Thánh Têrêsa và rút ra từ đó những hệ quả cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, giáo lý và mục vụ, bản thân và cộng đồng. Chúng ta cần sự mạtnh dạn và tự do nội tâm để làm điều đó.

51. Đôi khi, những trích dẫn duy nhất mà chúng ta thấy được trích dẫn từ vị thánh này chỉ là thứ yếu đối với sứ điệp của ngài, hoặc bàn đến những điều ngài có chung với bất cứ vị thánh nào khác, chẳng hạn như cầu nguyện, hy sinh, lòng sùng kính Thánh Thể, và bất cứ chứng từ nào đẹp đẽ khác. Tuy nhiên, theo cách này, chúng ta có thể đang tước đi điều đặc biệt nhất về món quà của ngài dành cho Giáo hội. Chúng ta quên rằng “mỗi vị thánh là một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản ảnh và hiện thân, vào một thời điểm chuyên biệt trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng”. [78] Thật vậy, “để nhận ra lời Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải đi sâu vào các chi tiết… Điều chúng ta cần chiêm ngưỡng là toàn bộ đời sống của các ngài, toàn bộ hành trình lớn lên trong sự thánh thiện, sự phản ảnh Chúa Giêsu Kitô hiện lên khi chúng ta nắm bắt được ý nghĩa tổng thể của các ngài trong tư cách một ngôi vị”. [79] Điều này càng đúng hơn trong trường hợp của Thánh Têrêsa, vì chúng ta đang nói đến một “Tiến sĩ của tổng hợp”.

52. Từ trời xuống đất, chứng tá kịp thời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan vẫn tồn tại trong tất cả sự cao cả của con đường bé nhỏ của ngài.

Trong thời đại thúc giục chúng ta tập trung vào bản thân và sở thích của mình, Thánh Têrêsa cho chúng ta thấy vẻ đẹp của việc biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà.

Vào thời điểm mà những nhu cầu và ước muốn hời hợt nhất được tôn vinh, ngài làm chứng cho tính triệt để của Tin Mừng.

Trong thời đại cá nhân chủ nghĩa, ngài làm cho chúng ta khám phá ra giá trị của một tình yêu trở thành lời chuyển cầu cho người khác.

Vào thời điểm con người bị ám ảnh bởi sự vĩ đại và những dạng quyền lực mới, ngài đã chỉ ra cho chúng ta con đường bé nhỏ.

Trong một thời đại đã gạt bỏ rất nhiều anh chị em của chúng ta, ngài dạy chúng ta vẻ đẹp của sự quan tâm và trách nhiệm đối với nhau.

Vào thời điểm vô cùng phức tạp, ngài có thể giúp chúng ta khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản, tính ưu việt tuyệt đối của tình yêu, sự tín thác và sự phó mình, và do đó vượt ra ngoài một quan niệm mang tính luật pháp hoặc luân lý vốn sẽ lấp đầy đời sống Kitô hữu bằng những quy tắc và quy định, và làm cho niềm vui Tin Mừng trở nên nguội lạnh.

Trong thời đại thờ ơ và thu mình, Thánh Têrêsa truyền cảm hứng cho chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, được thu hút bởi sức hấp dẫn của Chúa Giêsu và Tin Mừng.

53. Một thế kỷ rưỡi sau khi sinh ra, Thánh Têrêsa vẫn sống động hơn bao giờ hết trong Giáo hội lữ hành, trong lòng dân Chúa. Ngài đồng hành cùng chúng ta trên con đường hành hương, làm những điều tốt đẹp trên trái đất, như ngài rất mong muốn. Dấu hiệu đáng yêu nhất về sức sống thiêng liêng của ngài là vô số “bông hồng” mà Thánh Têrêsa tiếp tục gieo: những ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta qua lời chuyển cầu yêu thương của ngài để nâng đỡ chúng ta trên hành trình suốt cuộc đời.

Lạy Thánh Têrêsa thân yêu,
Giáo Hội cần tỏa vẻ sáng lạn
hương thơm và niềm vui của Tin Mừng.
Xin Thánh nữ gửi cho chúng con hoa hồng của ngài!
Xin giúp chúng con được như chính ngài,
luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng con,
để chúng con có thể bắt chước mỗi ngày
“con đường nhỏ” thánh thiện của ngài.

Amen.

Ban hành tại Rôma, tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 15 tháng 10, Lễ nhớ Thánh Têrêsa thành Avila, vào năm 2023, năm thứ 11 trong Triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

1] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu Và Thánh Nhan, Thư 197 Gửi Nữ Tu Marie Thánh Tâm (17/09/1896): Letters II, tr. 1000. Các trích dẫn tiếng Anh của các bài viết của Thánh nữ được lấy từ bản dịch các tác phẩm của ngài do Viện Nghiên cứu Cát Minh (ICS), Washing-ton, D.C. xuất bản: Story of a Soul [truyện một linh hồn] (1996); Letters I [Các thư I]: 1877-1890 (1996); Letters II [Các Thư II]: 1890-1897 (1988); Prayers [Các Lời Cầu nguyện] (1997); Poetry [Thi ca] (1996); Her Last Conversations [Các Đàm luận sau cùng] (1977).

[2] Prayer 6, Act of Oblation to Merciful Love (9 June 1895): Prayers, p. 54; Story of a Soul, pp. 276-277.

[3] Trong giai đoạn hai năm 2022-2023, UNESCO đã công nhận Thánh Têrêsa là nhân vật được tôn vinh nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài.

[4] 29 tháng 4 năm 1923.

[5] Xem Decretum super Virtutibus (14 tháng 8 năm 1921): AAS 13 (1921), 449-452.

[6] Bài giảng lễ phong thánh (17/05/1925): AAS 17 (1925), 211.

[7] Xem AAS 20 (1928), 147-148.

[8] Xem AAS 36 (1944), 329-330.

[9] Xem PIUS XII, Thư gửi Đức ông François-Marie Picaud, Giám mục Bayeux và Lisieux (7 tháng 8 năm 1947); Thông Điệp Truyền Thanh Thánh Hiến Vương Cung Thánh Đường Lisieux (11/07/1954): AAS 46 (1954), 404-407.

[10] Xem Thư gửi Đức Cha Jean-Marie-Clément Badré, Giám mục Bayeux và Lisieux nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (02/01/1973): AAS 65 (1973), 12-15.

[11] Xem AAS 90 (1998), 409-413, 930-944.

[12] Tông Thư Novo Millennio Ineunte (6-01-2001), 42: AAS 93 (2001), 296.

[13] Giáo lý (06/04/2011), L’Osservatore Romano (07/04/2011), 8.

[14] Giáo lý (7 tháng 6 năm 2023): L’Osservatore Romano (7 tháng 6 năm 2023), 2-3.

[15] Thư 220 gửi l’Abbé Bellière (24 tháng 2 năm 1897), Thư II, tr. 1060.

[16] Bản chép tay A, 69v: Truyện một Linh hồn, tr. 149.

[17] Xem Bản chép tay C, 33v-37r: Truyện một Linh hồn, trang 253-259.

[18] Xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 14, 264: AAS 105 (2013), 1025-1026.

[19] Bản chép tay C, 34r: Truyện một Linh hồn, tr. 254.

[20] Đã dẫn, 36r, Truyện một Linh hồn, tr. 257.

[21] Những cuộc đàm luận sau cùng, Sổ vàng (9/6/1897, 3), tr. 62.

[22] Xem Bản chép tay C, 2v-3r: Truyện một Linh hồn, trang 207-208.

[23] Đã dẫn,, 2v: tr. 207.

[24] Đã dẫn,, 3r: p. 208.

[25] Xem Bản chép tay A, 84v: p. 181.

[26] Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), 47-62: AAS 110 (2018), 1124-1129.

[27] Bản chép tay A, 32r: Truyện một Linh hồn, tr. 72.

[28] Điều này đã được Công đồng Trent giải thích: “Bất cứ ai xem xét mình, các điểm yếu của mình, và việc thiếu quyết tâm của mình thì có thể sợ hãi và run rẩy về ân sủng của chính mình” (Sắc lệnh về Công chính hóa, IX: DS 1534). Nó được tiếp thu bởi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, dạy rằng không thể có được sự chắc chắn bằng cách nhìn vào bản thân hoặc hành động của chính mình (x. Số 2005). Sự chắc chắn phát sinh từ sự tín thác không đến từ chính chúng ta, ý thức của chúng ta cũng không thể đặt nền tảng cho sự an toàn đó, vốn không dựa trên sự quan sát nội tâm. Như lời Thánh Phaolô: “Tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:3-4). Thánh Tôma Aquinô giải thích điều đó như sau: vì ân sủng “không chữa lành con người một cách hoàn hảo” (ST I-II, q. 109, art. 9, ad 1), “trong trí tuệ vẫn còn bóng tối của sự thiếu hiểu biết” (A dẫn, tương ứng.)

[29] Lời cầu nguyện 6 (9 tháng 6 năm 1895): Lời cầu nguyện, tr. 54.

[30] Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 2011.

[31] Điều này cũng được Công đồng Trent tuyên bố rõ ràng: “Không người sùng đạo nào được nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa” (Sắc lệnh về Công chính hóa, IX: DS 1534); “Mọi người nên đặt niềm hy vọng vững chắc nhất vào sự trợ giúp của Thiên Chúa” (đã dẫn., XIII: DS 1541).

[32] Bản chép tay B, 1v: Truyện một Linh hồn, tr. 188.

[33] Xem Bản chép tay A, 48v: Truyện một Linh hồn, trang 104-105; Thư 92 gửi Marie Guérin (30 tháng 5 năm 1889): Thư I, trang 567-569.

[34] Lời cầu nguyện 6 (09/06/1895): Truyện một Linh hồn, tr. 276.

[35] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (23/07/1897, 3): p. 106.

[36] Bản chép tay C, 31r: Truyện một Linh hồn, tr. 250.

[37] Xem Bản chép tay C, 5r-7v: Truyện một Linh hồn, trang 211-214.

[38] Xem Đã dẫn, 5v: Truyện một Linh hồn, tr. 211.

[39] Xem Đã dẫn, 6v: Truyện một Linh hồn, tr. 213.

[40] Xem Thông điệp Ánh sáng đức tin (29/06/2013), 17: AAS 105 (2013), 564-565.

[41] Bản chép tay C, 7r: Truyện một Linh hồn, tr. 213-214.

[42] Xem Thư 197 gửi Nữ tu Marie Thánh Tâm (17 tháng 9 năm 1896): Thư II, tr. 1000.

[43] Bản chép tay A, 83v: Truyện một Linh hồn, tr. 180.

[44] Xem Bản chép tay A, 45v-46v: Truyện một Linh hồn, trang 98-101.

[45] Đã dẫn,, 46r: Truyện một Linh hồn, tr. 100.

[46] Đã dẫn,.

[47] Đã dẫn,, 46v: Truyện một Linh hồn, tr. 100.

[48] Cầu nguyện 2 (8 tháng 9 năm 1890): Cầu nguyện, tr. 38.

[49] Tổng luận Thần học, I-II, q. 62, art. 4.

[50] Xem Bản chép tay C, 11v-31r: Truyện một Linh hồn, trang 219-250.

[51] Bản chép tay B, 1v: Truyện một Linh hồn, tr. 189.

[52] Xem Bản chép tay B, 4r: Truyện một Linh hồn, tr. 195.

[53] Thư 122 gửi Céline (14 tháng 10 năm 1890): Thư II, tr. 709.

[54] PN 24, 21: Thi ca, tr. 128.

[55] PN 24, 6: ibid., p. 124.

[56] Xem Bản chép tay A, 3r: Truyện một Linh hồn, trang 14-15.

[57] Thư 247 gửi l’Abbé Bellière (21/6/1897): Thư II, tr. 1133.

[58] Xem Lời cầu nguyện 6 (9 tháng 6 năm 1895): Lời cầu nguyện, trang 53-55; Truyện một Linh hồn, trang 276-277.

[59] Bản chép tay A, 84r: Truyện một Linh hồn, tr. 181. [60] PN 54, 22: Thi ca, tr. 219.

[61] PN 54, 15: Đã dẫn, p. 218.

[62] PN 54, 17: Đã dẫn, tr. 218.

[63] Bản chép tay C, 29v-30r: Truyện một Linh hồn, tr. 248-249.

[64] Xe Bản chép tay B, 2r-5v: Truyện một Linh hồn, trang 190-200.

[65] Bản chép tay B, 3v:Đã dẫn, p. 194.

[66] Bản chép tay A, 80v: Truyện một Linh hồn, tr. 173. Đây không phải là thiếu đức tin. Thánh Tôma Aquinô dạy rằng trong đức tin, cả lý trí lẫn ý chí đều hoạt động. Sự tuân thủ ý chí có thể rất vững chắc và bám rễ tốt, trong khi trí tuệ có thể bị u tối. Xem De Veritate 14,1.

[67] Bản chép tay C, 7v: Truyện một Linh hồn, tr. 214.

[68] Thư 254 gửi Père Adolphe Roulland (14/7/1897): Thư II, tr. 1142.

[69] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (17/7/1897), tr. 102.

[70] Đã dẫn,. (13 tháng 7 năm 1897, 17), tr. 102.

[71] Đã dẫn, (18 tháng 7 năm 1897, 1), tr. 102.

[72] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (9 tháng 6 năm 1897, 3), tr. 62.

[73] Thư 242 gửi Nữ tu Marie Chúa Ba Ngôi (6/6/1897): Thư II, tr. 1121.

[74] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 35: AAS 105 (2013), 1034.

[75] Đã dẫn,, 36: AAS 105 (2013), 1035.

[76] Đã dẫn,.

[77] Đã dẫn,, 37: AAS 105 (2013), 1035.

[78] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), 19: AAS 110 (2018), 1117.

[79] Đã dẫn, 22: AAS 110 (2018), 1117.