1. Thượng Phụ Kirill quá sức báng bổ khi nói vũ khí hạt nhân là 'sự quan phòng của Chúa'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Priest Says Nuclear Weapons Are 'Divine Providence'“, nghĩa là “Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói vũ khí hạt nhân là 'sự quan phòng của Chúa'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, đã nói rằng vũ khí hạt nhân của nước ông đã cứu đất nước.

Kirill, người đã biện minh cho quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022 vì lý do tinh thần và ý thức hệ, đã đưa ra nhận xét trên vào ngày 18 tháng 10 khi ông trao tặng vinh dự của Giáo hội cho nhà vật lý Radiy Ilkaev, giám đốc khoa học danh dự của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga ở thị trấn Sarov.

Ngày càng có nhiều lo ngại trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhiều người lo ngại rằng việc Ukraine chiếm lại Crimea sẽ là ranh giới đỏ đối với Nga và Putin có thể sử dụng năng lực hạt nhân của nước mình để bảo vệ vùng lãnh thổ mà ông đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Kirill nói: “Vũ khí hạt nhân của Nga được tạo ra dưới sự quan phòng thần thánh không thể diễn tả được”.

Ông nói: “Nếu không có công trình của người chế tạo bom nguyên tử Liên Xô Igor Kurchatov và các đồng nghiệp của ông, thật khó để nói liệu đất nước chúng ta có còn tồn tại hay không”.

Các nhà khoa học Liên Xô “đã tạo ra vũ khí dưới sự bảo vệ của Thánh Seraphim thành Sarov bởi vì, nhờ sự quan phòng khôn tả của Thiên Chúa, những vũ khí này đã được tạo ra trong tu viện của Thánh Seraphim,” Kirill nói. “Nhờ sức mạnh này, nước Nga vẫn độc lập và tự do, và tất nhiên, tất cả chúng ta phải trân trọng chiến công đáng chú ý này của các nhà khoa học, những người đã thực sự cứu được đất nước, trong trái tim và ký ức của chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tháng trước, Mikhail Kovalchuk, đồng minh của Putin, đề xuất thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại bãi thử hạt nhân của Nga ở Novaya Zemlya, một quần đảo ở Bắc Băng Dương, “ít nhất một lần” để khiến phương Tây sợ hãi.

Mạc Tư Khoa đã không tiến hành vụ thử hạt nhân nào kể từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Lần cuối cùng Liên Xô thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân là vào năm 1990.

Liên Xô đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, một vụ nổ dưới nước, tại Novaya Zemlya vào năm 1955. Cho đến năm 1990, tổng cộng 130 cuộc thử nghiệm đã được thực hiện tại địa điểm này, bao gồm vụ nổ tháng 10 năm 1961 của vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được thử nghiệm, theo tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân.

Kirill đã biện minh cho quyết định xâm chiếm Ukraine của Putin bằng cách nói rằng Nga là một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” và không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6 năm 2022, ông nói rằng Nga đang bị tấn công trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ, đồng thời nói thêm rằng ông tin điều này xảy ra vì Nga “khác biệt”.

Source:Newsweek

2. Đức Thánh Cha điện đàm với Tổng thống Mỹ

Chiều Chúa nhật, ngày 22 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với nhau trong 20 phút, về những tình trạng xung đột trên thế giới.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên và nói thêm rằng hai vị đã bàn tới sự cần thiết tìm ra những con đường hòa bình.

Trước đó, trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật cùng ngày 22 tháng Mười, Đức Thánh Cha đã nói với khoảng 30.000 tín hữu hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô rằng:

“Một lần nữa, tôi nghĩ đến những gì đang xảy ra tại Israel và Palestine. Tôi rất lo âu, đau khổ, cầu nguyện và gần gũi tất cả những người đang phải chịu đau khổ, cầu cho các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và gia đình họ. Tôi nghĩ đến tình trạng nhân đạo trầm trọng ở Gaza và đau lòng vì cả bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Đông Phương cũng đã bị trúng bom trong những ngày qua. Tôi tái kêu gọi để các không gian được mở ra, các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới và các con tin được trả tự do.

Chiến tranh, mỗi cuộc chiến tranh trên thế giới là một thất bại. Tôi nghĩ đến Ukraine đau thương, đó là một sự tàn phá tình huynh đệ nhân loại. Anh chị em hãy ngưng lại!”

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhớ: thứ Sáu, ngày 27 tháng Mười tới đây là ngày ăn chay và cầu nguyện, thống hối do ngài ấn định và chiều hôm đó, tại Đền thờ thánh Phêrô sẽ có một giờ cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới”.

3. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher O.P. của Sydney nhận định rằng đề xuất nào ngược với Tin Mừng thì không phải của Chúa Thánh Thần

Theo Courtney Mares của hãng tin CNA, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher O.P. của Sydney nói rằng Trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, chúng ta phải cẩn thận về việc “đổ lỗi mọi thứ cho Chúa Thánh Thần”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney đã nói như thế, đồng thời lưu ý rằng nếu một đề xuất hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng thì “đó không phải là của Chúa Thánh Thần”.

“Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô. Người là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, và vì vậy Người sẽ chỉ nói những điều phù hợp với những gì Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta trong truyền thống tông đồ,” Đức Tổng Giám Mục Fisherr đã nói như thế với CNA trong một cuộc phỏng vấn ở Rôma tuần này.

Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong phiên họp tháng 10 với các đại biểu Thượng Hội đồng tập trung cho “các cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” theo nhóm nhỏ gần như hàng ngày, được mô tả trên trang web của Thượng Hội đồng là “một cuộc phân định năng động trong một Giáo hội đồng nghị”.

Vị tu sĩ Đa Minh người Úc giải thích rằng nếu một đề xuất nào đó của Thượng Hội đồng “hoàn toàn trái ngược” với Tin Mừng và truyền thống tông đồ, thì “điều đó không thuộc về Chúa Thánh Thần bởi vì chúng ta không thể để Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần gây chiến với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Chúng ta phải cẩn thận về đổ lỗi mọi điều - tất cả ý kiến, lợi ích, hoạt động vận động hành lang và phe phái của chúng ta – lên đầu Chúa Thánh Thần”.

“Người Công Giáo thích nghĩ rằng Chúa Thánh Thần bầu chọn giáo hoàng, Chúa Thánh Thần chọn các giám mục và linh mục cho chúng ta, Chúa Thánh Thần làm điều này điều kia. Và chắc chắn rằng có bàn tay của Thiên Chúa, sự quan phòng của Thiên Chúa, hiện diện trong tất cả những điều quan trọng đó trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng có một số giáo hoàng tồi tệ trong lịch sử. Chúng ta đã có một số linh mục và giám mục tồi tệ và những điều khủng khiếp xảy ra trong cuộc sống của mọi người. Và Chúa Thánh Thần có vắng mặt không? Không, nhưng Người đã cho phép những điều đó xảy ra.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta đừng gán mọi thứ cho Chúa Thánh Thần diễn ra tại Thượng Hội đồng hoặc bất cứ nơi nào khác trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ làm điều đó thực sự là mê tín”.

Ngài giải thích rằng thách thức của Thượng Hội đồng là lắng nghe và hỏi xem Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta và với Giáo hội vào thời điểm này, đồng thời cho biết thêm rằng Giáo hội đã cung cấp những “kim chỉ nam” hữu ích khi cố gắng phân biệt ý muốn của Thiên Chúa.

Ngài nói, “Chúa Kitô đã ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để được cứu rỗi, đã được mạc khải. Chúng ta truyền lại điều đó từ thế hệ này sang thế hệ khác, Tin Mừng và các giáo huấn của Giáo hội”.

“Chúng ta đã có cả một bộ giáo huấn, suy tư, bởi hàng ngàn và hàng ngàn người qua các thế hệ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn về đủ loại câu hỏi ở đó để giúp chúng ta, tức kho tàng đức tin như chúng ta gọi, nó ở đó sẽ được khai thác.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta không chỉ có các thiết bị của riêng mình, suy nghĩ của riêng mình - bất kể tâm trạng trong cuộc họp về một vấn đề đặc thù như thế nào. Chúng ta thực sự có điều gì đó vững chắc để dựa vào và kiểm tra tâm trạng cũng như trực giác”.

Về việc truyền chức cho phụ nữ, vị tổng giám mục 62 tuổi của Sydney lưu ý rằng đã có “một cuộc thảo luận lâu dài về việc phong chức cho phụ nữ” trong phiên họp thượng hội đồng.

Ngài nói thêm, “Tôi không nghĩ điều đó tiết lộ bất cứ điều gì mà mọi người chưa biế. Và có rất nhiều căng thẳng và cảm xúc xung quanh một vấn đề như thế.”

Ngài nói rằng thật khó để biết toàn thể phiên họp cảm thấy thế nào về vấn đề này vì mọi người nghe thấy báo cáo từ mỗi bàn trong số 35 bàn trong hội trường, nhưng “bạn không biết liệu báo cáo đó có báo cáo những gì một người nói hoặc tất cả 12 người ở bàn đó đã nói”.

Ngài nói: “Vì vậy, bạn không biết đó là sự nhiệt tình của một hoặc hai người ở mỗi bàn hay sự nhiệt tình thực sự được hầu hết cả phòng ủng hộ”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói với EWTN News rằng ngài nghĩ Thượng Hội đồng có thể là một cơ hội để nói về những vấn đề lớn hơn trong Giáo hội ngày nay, chẳng hạn như có bao nhiêu người trẻ đang nói rằng họ không có tôn giáo nào cả.

Ngài nói: “Cuối cùng, điều này cấp bách hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều so với việc mày mò ở rìa về việc liệu 0,001% phụ nữ có thể là nữ phó tế”.

“Điều đó thật tầm thường so với sự mất niềm tin to lớn đang xảy ra cho chúng ta, đặc biệt trong ngay thế hệ này.”

Ngài nói thêm rằng khi mọi người mất niềm tin, họ đi nơi khác để tìm kiếm ý nghĩa, và “mọi người đi đến rất nhiều nơi rất tàn khốc để tìm kiếm ý nghĩa, hy vọng và hạnh phúc”.

Ngài nói thêm: “Vì lợi ích của họ, chúng ta phải tích cực hơn nhiều trong việc truyền giáo nền văn hóa của chúng ta và đặc biệt là những người trẻ tuổi của chúng ta”.

Ngài nói: “Điều tôi mong muốn đạt được từ Thượng Hội đồng là sự nhiệt tình mang đức tin trở lại với những người lẽ ra phải có đức tin đó và vì bất cứ lý do gì đã bị mất kết nối”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher, người đã giữ chức vụ tổng giám mục Sydney trong gần một thập niên, lưu ý rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị “hoàn toàn khác” so với Thượng hội đồng Giám mục trước đây mà ngài tham dự.

Ngài mô tả toàn bộ quá trình này là “một cuộc thử nghiệm” và nói thêm: “Nó đặt ra đủ loại câu hỏi thần học khá nghiêm túc”.

Ngài giải thích, Thượng Hội đồng Giám mục do Đức Phaolô VI thiết lập sau Công đồng Vatican II “có mục đích thể hiện tính hợp đoàn giám mục của giám mục đoàn với nhau, giống như sự hợp tác của các tông đồ với nhau… và đặc biệt là huấn quyền của họ, sự giảng dạy của họ với nhau.”

Trong khi đó, Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị giống như “sự kết hợp” giữa Thượng hội đồng Giám mục và các hình thức họp mặt và gặp gỡ khác của Giáo hội với các giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân.

“Nó vừa là Thượng Hội đồng Giám mục vừa là một cuộc tụ họp của giáo hội, tất cả trong một thứ. Và có những câu hỏi mà nó đặt ra. Vậy bản chất giáo hội của nó là gì? Thẩm quyền của nó là gì? … Có phải nó cố gắng trở thành các giám mục giống như việc tập hợp các tông đồ không? Hay nó đang cố gắng trở thành sự quy tụ của tất cả những người đã được rửa tội?”

“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tất cả những điều đó có ý nghĩa gì về mặt giáo hội, giáo luật, thực tế?”

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng cũng có cuộc thảo luận về tỷ lệ giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.

Ngài lưu ý: “Có nhiều phụ nữ hơn bao giờ hết trước đây và [thượng hội đồng] vẫn phải đương đầu với rất nhiều lời chỉ trích rằng vẫn không có đủ phụ nữ”.

Đức Tổng Giám Mục Úc nói thêm rằng một trong những mặt tích cực của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị là nhiều người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập cùng nhau tại Vatican trong tháng này.

Ngài nói, “Trong hai tuần qua, tôi đã gặp nhiều giám mục hơn hẳn so với 20 năm trước của tôi. Và đó phải là một điều tích cực”.