1. Ai sẽ vào luyện ngục sau khi qua đời?
Nhân tháng các linh hồn, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cảnh báo rằng, ngày nay không mấy người chú ý xin lễ hay đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn. Lý do chủ yếu là có những lý thuyết bác bỏ luyện ngục. Họ cho rằng niềm tin về luyện ngục không xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người vô hạn.
Tuy nhiên, anh chị em hãy cẩn thận, trong thư Thứ Hai gởi Timôthêô, Thánh Phaolô đã cảnh cáo:
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.” (Thơ 2 gởi Timôthêô 4: 1-4)
Luyện ngục là trạng thái ở thế giới bên kia chuẩn bị linh hồn cho niềm vui Thiên đàng. Người Công Giáo tin rằng luyện ngục tồn tại và là một trạng thái ở thế giới bên kia chuẩn bị cho các linh hồn bước vào hạnh phúc thiên đàng của cuộc sống vĩnh cửu.
Ai đi vào luyện ngục?
Luyện ngục không dành cho tất cả những người chết, mà chỉ dành cho những linh hồn cần được thanh luyện và chuẩn bị thêm cho Thiên đàng.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mục 1030 và 1031 cho biết như sau
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô và Triđentinô. Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện:
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12:32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”
Bách khoa toàn thư Công Giáo đưa ra một định nghĩa tương tự, gọi luyện ngục là “một nơi hoặc tình trạng trừng phạt tạm thời dành cho những người từ bỏ cuộc sống này trong ân sủng của Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những lỗi nhẹ hoặc chưa đền bù đầy đủ do sự vi phạm của mình”.
Về cơ bản, trạng thái này dành riêng cho những người muốn vào cổng Thiên đường nhưng vẫn còn chút gắn bó với những thứ trần thế.
Một số người đã sử dụng ví dụ sau. Khi chịu phép rửa tội, chúng ta được ban cho một chiếc áo trắng và khi chết, chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa chiếc áo trắng đó không tì vết. Tuy nhiên, nếu chiếc áo đó vẫn còn một vài vết bẩn thì cần phải giặt sạch. Trong ví dụ này, luyện ngục được xem giống như một nơi giặt giũ, nơi bạn đến để tẩy sạch bộ quần áo màu trắng đó.
Những linh hồn nào có thể mặc bộ áo trắng không tì vết hay nhăn nheo đó thì có thể vào Thiên đàng ngay lập tức.
Mặt khác, những linh hồn không muốn đến trước sự hiện diện của Thiên Chúa và tự nguyện khước từ Ngài thì không được phép vào luyện ngục và tự do lựa chọn đi vào Địa ngục.
Luyện ngục không phải là nơi mọi người đều đến, nhưng nó tồn tại nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta một trạng thái để vượt qua, nơi chúng ta có thể được thanh tẩy trước khi đạt đến vinh quang Thiên Đàng.
2. Putin phản ứng trước các cáo buộc cho rằng quân Nga đang tận diệt đạo Công Giáo ở các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm.
Các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Latinh và Đông phương tại Ukraine và trên thế giới đã có cuộc thảo luận với chủ đề “Niềm tin dưới lửa trong cuộc chiến của Nga với Ukraine” do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, DC, từ hôm thứ Hai 30 Tháng Mười.
Các Giám Mục đã cáo buộc Nga cướp bóc và bắt bớ các linh mục Công Giáo trong các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm. Cho đến nay, khắp tất cả các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm không còn một giáo xứ nào hoạt động, không còn một linh mục nào hoạt động.
Đáp lại trước các chỉ trích này, Tass đưa tin hôm Thứ Sáu, Vladimir Putin cho biết Nga đang bảo vệ văn hóa và lịch sử của mình tại các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine mà nước này tuyên bố đã sáp nhập từ cuối năm ngoái.
Putin nói:
“Tại sao chúng ta lại tôn kính Alexander Nevsky như một vị thánh? Chính vì sự lựa chọn này - ngài đã nghĩ đến việc bảo tồn người dân Nga, và sau đó là tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ đất nước rộng lớn của chúng ta. Theo nhiều cách, điều tương tự đang xảy ra ngày nay khi chúng ta nói rằng chúng ta bảo vệ các giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của chúng ta, bao gồm cả việc giúp đỡ anh chị em của chúng ta ở Donbass và Novorossiya làm điều này.”
Novorossiya là tên lịch sử của vùng đất phía nam Ukraine bao gồm Crimea. Alexander Yaroslavich Nevsky sinh ngày 13 Tháng Năm, 1221, và qua đời ngày 14 Tháng Mười Một, 1263, là một nhân vật quan trọng của thế kỷ 13 trong lịch sử nước Nga. Ông được Chính Thống Giáo phong thánh vào năm 1547, và được xem là người có hoài bão mở rộng Chính Thống Giáo.
3. Biến cố gây hoang mang nghiêm trọng cho Chính Thống Giáo Nga: Linh mục phạm một tội ác quá sức kinh khủng
Tiến Trình Công Nghị Đức đang hô hào loại bỏ luật độc thân linh mục. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng sẽ có nhiều vấn đề khác phát sinh.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Priest 'Dismembers' Wife, Hides Head in Freezer”, nghĩa là “Linh mục chặt xác vợ rồi giấu đầu vào tủ đông lạnh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một linh mục người Nga đến từ Cộng hòa Tatarstan đã bị giam giữ vì nghi ngờ sát hại vợ mình.
Linh mục Chính thống Nga Mikhail Zubarev, phục vụ tại giáo xứ Nizhnekamsk, thuộc giáo phận Kazan, đã bị treo chén, chờ một cuộc điều tra đang diễn ra, cơ quan báo chí của Giáo phận Kazan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư. Giáo phận cho biết thêm vụ việc xảy ra vào ngày 31/10 vừa qua.
Tuyên bố của giáo phận viết: “Linh mục Mikhail Zubarev đã bị cấm thi hành các thừa tác vụ, sau khi phạm một tội ác khủng khiếp: đó là giết vợ”. Giáo phận nói thêm rằng ông ta đang bị giam giữ và các cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra vấn đề.
Tờ báo trực tuyến Mash của Nga thân với Điện Cẩm Linh cho biết Zubarev đã “đâm vợ rồi chặt xác cô ấy” rồi giấu đầu trong tủ đông lạnh nơi con cái họ đã tìm thấy”.
“Cho đến nay, phiên bản chính là thế này: giáo sĩ đã giết vợ mình vì ghen tuông,” Mash nói thêm trên kênh Telegram của mình.
Các cơ quan thực thi pháp luật Nga chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ việc.
Giáo phận cho biết, trong những tháng gần đây, đã có “những điều kỳ lạ đáng chú ý” về sức khỏe của Zubarev, “gây ra nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của ông ấy”.
Tuyên bố viết: “Ông ta coi thường các Phụng Vụ Thánh và cư xử không đúng mực với giáo dân và các giáo sĩ”. “Không phải là ông ta xúc phạm ai cả…Chỉ đơn giản là ông ta có thái độ phục vụ thiếu tôn trọng mà thôi.” Các linh mục khác cũng làm chứng về hành vi không phù hợp của ông.
Zubarev chuyển đến Tatarstan vào năm 2014, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, trích dẫn Giáo phận Kazan. Ông đã phục vụ trong giáo phận Murmansk một thời gian dài. Zubarev sau đó đã cố tình không tiết lộ lịch sử sức khỏe tâm thần cá nhân của mình khi chuyển đến từ Murmansk.
Giáo phận Kazan cho biết: “Khi anh ta chuyển đi... hồ sơ cá nhân của ông ấy không có chi tiết, và ông ấy đã giấu giếm các giáo sĩ việc ông ấy đã ghi danh tại một cơ sở y tế, nơi cung cấp trợ giúp chuyên nghiệp cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Murmansk, nơi ông ấy sinh ra và lớn lên”
Tuyên bố cho biết thêm: “Chúng tôi đã biết được điều này ngày hôm qua từ các cơ quan điều tra”.
Giáo phận Kazan gửi lời chia buồn tới người thân của người vợ đã qua đời của Zubarev.