Như mọi người đã biết, gần đây, Bộ Giáo Lý Đức Tin, dưới sự điều khiển của tân Hồng Y Fernández, đã trả lời các câu hỏi của một vị Giám Mục Ba Tây về việc rửa tội cho người chuyển giới. Câu trả lời khiến các cơ quan truyền thông thế tục hoan nghinh nhưng không khỏi làm một số giới Công Giáo lo âu. Trong hai bài liên tiếp, chúng tôi xin cho đăng nguyên văn bài trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin, dựa vào bản tiếng Anh của Hãng tin Zenit, sau đó, sẽ trình bầy một số phản ứng đối với bài trả lời này.
I.Bộ Giáo lý Đức tin giải đáp những nghi ngờ về việc rửa tội cho người chuyển giới và đồng tính với tư cách là cha mẹ đỡ đầu trong các Bí tích
Theo bản tin ngày 10 tháng 11 năm 2023 của hãng tin Zenit, ngày 14 tháng 7 năm 2023, Bộ Giáo lý Đức tin nhận được thư của Đức cha José Negri, Giám mục Santo Amaro, ở Ba Tây, đặt câu hỏi về khả năng tham gia các Bí tích Rửa tội và Hôn nhân của những người chuyển giới và những người đồng tính luyến ái.
Sau khi nghiên cứu vấn đề, Bộ có phản hồi như sau:
Câu trả lời của Bộ cho Đức cha Negri
Trong yếu tính, những câu trả lời sau đây đề xuất lại những nội dung cơ bản của những gì đã được Bộ khẳng định trước đây liên quan đến vấn đề này (1).
1.Người chuyển giới có được rửa tội không?
Một người chuyển giới – người đã trải qua điều trị nội tiết tố và phẫu thuật điều chỉnh lại giới tính – có thể được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trong cùng điều kiện như các tín hữu khác, nếu không có những tình huống trong đó có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai hoặc làm mất phương hướng giữa các tín hữu. Trong trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên có vấn đề về chuyển giới, nếu chuẩn bị tốt và sẵn lòng, các em có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Đồng thời, phải tính đến những điều sau đây, đặc biệt khi có nghi ngờ về hoàn cảnh đạo đức khách quan hoặc thiên hướng chủ quan đối với ân sủng của một người. Trong trường hợp Rửa tội, Giáo hội dạy rằng khi lãnh nhận Bí tích mà không sám hối tội trọng, cá nhân không nhận được ơn thánh hóa nhưng nhận được ấn tích bí tích.
Sách Giáo lý dạy: “Việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và với Giáo hội, do Chúa Thánh Thần thực hiện, là không thể xóa nhòa; nó mãi tồn tại nơi người Kitô hữu như một thiên hướng tích cực hướng tới ân sủng, như lời hứa và bảo đảm được sự bảo vệ của Thiên Chúa, và như ơn gọi thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội” (2). Thật vậy, Thánh Tôma Aquinô đã dạy rằng khi trở ngại đối với ân sủng biến mất, đối với người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà không sám hối các tội trọng, thì chính ấn tích “là nguyên nhân trực tiếp giúp họ sẵn sàng đón nhận ân sủng” (3). Thánh Augustinô thành Hippo nhắc lại tình huống này khi nói rằng, ngay cả khi một người phạm tội, Chúa Kitô không hủy bỏ ấn tích mà người đó đã nhận được trong Bí tích Rửa tội và luôn tìm kiếm (quaerit) tội nhân, nơi họ, có in dấu ấn tích này, một ấn tích xác định họ thuộc sở hữu của Người ( 4).
Như vậy có thể hiểu tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng Bí tích Rửa tội “là cánh cửa giúp Chúa Kitô thiết lập Người trong con người chúng ta và nhận chìm chúng ta trong Mầu nhiệm của Người” (5). Điều này ngụ ý một cách cụ thể rằng “ngay cả các cánh cửa Bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì. Điều này đặc biệt đúng khi Bí tích đó là “cánh cửa”, tức Bí tích Rửa tội […] Giáo hội không phải là một cơ quan hải quan; mà chính là Nhà Cha, là nơi dành cho mỗi người với cuộc sống lao nhọc của riêng mình”(6). Do đó, ngay cả khi có những nghi ngờ về hoàn cảnh luân lý khách quan của một người hoặc về thiên hướng chủ quan của họ đối với ân sủng, người ta không bao giờ được quên khía cạnh này là tính trung thành của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, có khả năng tạo ra, cả với tội nhân, một liên minh không thể thay đổi, luôn luôn mở cửa chào đón một sự phát triển không thể lường trước được.
Điều này đúng ngay cả khi quyết định sửa đổi không xuất hiện một cách rõ ràng nơi hối nhân, bởi vì sự sa ngã mới có thể thấy trước thường “không làm suy yếu tính chân chính của ý định” (7). Dù thế nào đi nữa, Giáo hội phải luôn kêu gọi sống trọn vẹn mọi hệ luận của Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, những điều này phải luôn được hiểu và bày tỏ trong hành trình khai tâm Kitô giáo.
2. Người chuyển giới có thể làm cha đỡ đầu hay mẹ đỡ đầu của Bí tích Rửa tội không?
Trong một số điều kiện nhất định, một người chuyển giới trưởng thành, hơn nữa, đã trải qua điều trị nội tiết tố và phẫu thuật điều chỉnh lại giới tính có thể được phép thực hiện chức năng làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ này không phải là một quyền, nên sự thận trọng mục vụ quy định rằng nó không được phép thực hiện nếu có nguy cơ gây gương xấu, hợp pháp hóa quá đáng hoặc mất phương hướng trong khuôn khổ giáo dục của cộng đồng giáo hội.
3. Người chuyển giới có được làm nhân chứng trong đám cưới không?
Không có điều gì trong giáo luật phổ quát hiện hành cấm người chuyển giới làm nhân chứng trong một đám cưới.
4. Liệu hai người đồng tính luyến ái có thể được xuất hiện như cha mẹ của một đứa trẻ phải được rửa tội và được nhận làm con nuôi hoặc nhận được bằng các phương pháp như mang thai hộ không?
Để một đứa trẻ được rửa tội, phải có hy vọng trên cơ sở [sự kiện] này là em sẽ được giáo dục theo đạo Công Giáo (xem hoặc Bộ Giáo luật, điều 868 § 1,2; hoặc Bộ Giáo luật Đông phương, điều 681, § 1, ).
5. Một người đồng tính luyến ái và sống chung có thể là cha mẹ đỡ đầu của một người được rửa tội không?
Theo các điều 874 § 1, 1 và 3 của Bộ Giáo luật, một người có thể là cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu nếu họ có khả năng làm như vậy (x. 1) và “sống phù hợp với đức tin và nhiệm vụ được giao phó” (x. c. 685, § 2 Bộ Giáo luật Đông phương). Trường hợp sẽ khác khi sự chung sống của hai người đồng tính không hệ ở việc chung sống đơn thuần mà là một cuộc sống ổn định và được thừa nhận như more uxorio [như một người đàn ông và một người vợ] mà cộng đồng ai cũng biết.
Dù sao, sự thận trọng mục vụ đòi hỏi phải cân nhắc một cách khôn ngoan từng tình huống một, để bảo vệ Bí tích Rửa tội và đặc biệt, việc lãnh nhận nó, vốn là một thiện ích quý giá cần phải được bảo vệ, vì nó cần thiết cho sự cứu rỗi (8).
Đồng thời, giá trị thực sự phải được xem xét, điều mà cộng đồng Giáo hội vốn dành cho các nghĩa vụ làm cha mẹ đỡ đầu, vai trò họ thực hiện trong cộng đồng và sự quan tâm mà họ biểu lộ đối với giáo huấn của Giáo hội.
Cuối cùng, cũng phải tính đến khả thể một người khác trong vòng gia đình đóng vai trò làm người bảo đảm cho việc truyền tải đúng đắn đức tin Công Giáo cho người sắp được rửa tội, biết rằng người sắp được rửa tội vẫn có thể được hỗ trợ, trong nghi thức, không chỉ với tư cách là cha đỡ đầu hay mẹ đỡ đầu, mà còn như nhân chứng của nghi thức rửa tội.
6. Người chung sống có được làm nhân chứng trong một cuộc hôn nhân không?
Không có điều gì trong Giáo luật phổ quát hiện hành cấm một người đồng tính luyến ái và chung sống làm nhân chứng trong hôn nhân.
Ghi chú:
(1) Xem. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ghi chú giữ kín về một số câu hỏi giáo luật liên quan đến việc chuyển đổi giới tính (21 tháng 12 năm 2018), Thành Vatican, Dưới sự bí mật của Giáo hoàng.
(2) Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1. 1121.
(3) Thánh Tôma Aquinô, I Sent IV, 4, 3, 2, 3: ‘est inmediata causa disponens ad gratiam’; idem. Tổng luận Thần học, III, q. 69 A. 9 ad 1: ‘Et sic omnes induunt Christum per configureem characteris, non autem per conformi-tatem gratiae’ (‘Và theo nghĩa này, tất cả đều được mặc lấy Chúa Kitô qua việc đồng hình đồng dạng với Người nhờ ấn tích, không còn bởi ân sủng’).
(4) Xem Thánh Augustinô thành Hippo, Sermo ad Caesariensis Ecclesiae Plebem, 2; PL 43, 691-692: ‘Nunc vero ipse Desertor, characterem fixit imperatoris sui. Deus et Dominus noster Jesus Christus quaerit Desertorem, delet erroris criminem, sed non exterminate suum characterem.”
(5) Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (24 tháng 11 năm 2023), n. 47.
(7) Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y William W. Baum nhân khóa học về Tòa Trong do Tòa Ân Giải tổ chức (22/03/1996), 5: Insegnamenti XIX, 1 [1996], 589.
(8) Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, n. 1277.
Kỳ sau: Các nhận định