1. Linh mục người Ý bị vạ tuyệt thông vì gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là ‘kẻ soán ngôi’

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình về một diễn biến không may vừa xảy ra tại Ý liên quan đến Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Bài báo có nhan đề “Italian priest excommunicated for calling Pope Francis a ‘usurper’”, nghĩa là “Linh mục người Ý bị vạ tuyệt thông vì gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là ‘kẻ soán ngôi’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một linh mục người Ý đã bị giám mục địa phương rút phép thông công vì đã nói trong một bài giảng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “không phải là giáo hoàng” và gọi ngài là “kẻ soán ngôi”.

Giáo phận Livorno ở Tuscany đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 1 Tháng Giêng thông báo cho người Công Giáo rằng Cha Ramon Guidetti “đã công khai thực hiện một hành vi ly giáo” trong Thánh lễ và đã phải gánh chịu “vạ tuyệt thông tiền kết”

Đức Giám Mục Simone Giusti đã thông báo cho giáo phận của mình rằng người Công Giáo không được tham dự bất kỳ Thánh lễ nào do vị linh mục bị vạ tuyệt thông cử hành, nếu không họ cũng sẽ “phải chịu hình phạt vạ tuyệt thông rất nghiêm trọng”.

Đức Giám Mục trích dẫn Điều 751, trong đó định nghĩa ly giáo là “từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc hiệp thông với các thành viên của Giáo hội phục tùng ngài”.

Một video được tải lên YouTube cho thấy Cha Guidetti gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “kẻ soán ngôi” và “thuộc bè tam điểm” trong bài giảng của ngài vào ngày 31 tháng 12 năm 2023, để đánh dấu một năm ngày mất của Đức Bênêđíctô XVI.

Trong bài giảng, vị linh mục còn phủ nhận thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là giáo hoàng trong thập kỷ qua.

Cha Guidetti, 48 tuổi, đã phục vụ từ năm 2017 với tư cách là linh mục chính xứ của Nhà thờ San Ranieri, nằm bên ngoài thành phố ven biển Livorno, cách Rôma khoảng 250 dặm về phía bắc.

Theo một tờ báo địa phương ở Livorno, vị giám mục đã gặp Cha Guidetti trước Giáng Sinh để thảo luận về sự bất đồng quan điểm của ngài và công bố sắc lệnh vạ tuyệt thông chính thức sau hành động được coi là ly giáo công khai của vị linh mục vào ngày 31 tháng 12 vừa qua.

2. Các giám mục Công Giáo Nam Phi bác bỏ cáo buộc của Rabbi trưởng chống Đức Giáo Hoàng

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi bác bỏ những lời cáo buộc của Rabbi trưởng Do thái giáo Nam Phi, Warren Goldstein, cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “cấu kết với những thế lực sự ác” vì lập trường của ngài đối với chiến tranh giữa Israel và Hamas. Các giám mục nói rằng lời tuyên bố của Rabbi trưởng Goldstein “là không đúng sự thật và thiếu khách quan, tỏ ra nghi kỵ và có tính cách ám sát nhân cách”.

Rabbi bày tỏ lập trường này, sau khi có tin của tờ Washington Post về cuộc điện đàm giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Isaac Herzog của Israel, trong đó báo này cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói: “dùng khủng bố để đáp lại khủng bố là điều bị cấm”. Rabbi Goldstein cho rằng “nhận định như thế của Đức Giáo Hoàng có nghĩa là ngài đặt Israel đồng hàng với Hamas. Khi so sánh cuộc chiến chính nghĩa tự vệ của Israel với sự man rợ của Hamas, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại những tội của Giáo hoàng Piô XII trong thời Đức Quốc xã đã ủng hộ những thế lực sự ác tìm cách tiêu diệt dân tộc Do thái và phản bội nghĩa vụ của thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo là bảo vệ các tín hữu Kitô trên thế giới khỏi những hành vi oán ghét sát nhân chống người Do thái, mà không ý thức rằng chúng ta cùng ở với nhau trong chiến tranh này”.

Rabbi Goldstein đã đưa ra lời cáo buộc qua một sứ điệp Video được phổ biến trên mạng xã hội, hôm 19 tháng Mười Hai vừa qua.

Thông cáo của các giám mục Công Giáo Nam Phi công bố ngày 23 tháng Mười Hai, với chữ ký của Đức Cha Chủ tịch Sithembela Anton Sipuka, Giám mục Giáo phận Umtata ở Nam Phi, trong đó có khẳng định rằng cả cuộc diệt chủng Do thái và những cuộc tấn công bất ngờ của Hamas chống Israel hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, đều là điều man rợ, và phải phòng ngừa để nó khỏi tái diễn, “nhưng những biến cố ấy không thể bị lạm dụng để bỏ qua và làm tê liệt những người bạn không được phê bình những hành vi vô nhân đạo và bất hợp pháp của quân đội Israel trong cuộc chiến tranh hiện nay”.

Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi nhấn mạnh tương quan lâu dài giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do thái, và sự dấn thân của Đức Thánh Cha trong sự đối thoại và cộng tác với người Do thái: “Đứng trước sự đối thoại tôn giáo với dân tộc Do thái và quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và nhà nước Israel, sự công khai tấn công của Rabbi đối với Đức Giáo Hoàng là điều đáng tiếc”.

“Cảm xúc qua đó Rabbi thốt lên những lời như thế làm cho người ta nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng ghét người Do thái, vì Rabbi kêu gọi ngài hãy thống hối, nhưng đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu triều đại Giáo hoàng với cuộc viếng thăm Israel hồi năm 2014, trong đó ngài bày tỏ vui mừng vì người Công Giáo và Do thái được liên kết “bằng một mối liên hệ tinh thần rất đặc biệt” và ngài hứa hoạt động để thăng tiến quan hệ giữa hai bên đã khởi sự từ Công đồng chung Vatican II”.

Các giám mục Nam Phi cũng bênh vực lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh tại Gaza, và nói rằng không những ngài lên án khủng bố nhưng còn lên án sự sử dụng thái quá và bừa bãi của Israel, khiến cho hàng chục ngàn thường dân bị thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đức Giáo Hoàng không chống Israel, nhưng bênh vực hòa bình, công lý và ngài liên đới, cảm thương các nạn nhân bạo lực thuộc cả hai phía”.

3. CẬP NHẬT: 4 linh mục bị bắt trong 2 ngày bởi chế độ độc tài Nicaragua

Tổng cộng có bốn linh mục đã bị bắt chỉ trong hai ngày ở Nicaragua. Từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 12, chế độ Sandinista, do Daniel Ortega đứng đầu, đã bắt cóc các linh mục mà vẫn chưa rõ tung tích của họ.

Đức Cha Silvio José Báez, Giám Mục Phụ Tá của Managua sống lưu vong ở Hoa Kỳ do bị chế độ Ortega đàn áp, đã tố cáo ngày 28 tháng 12 về vụ bắt cóc ba trong số các linh mục này.

Các linh mục gồm có: Đức ông Carlos Avilés, tổng đại diện Tổng giáo phận Managua; Cha Héctor Treminio, chánh xứ Giáo xứ Chúa Kitô ở Esquipulas trong cùng tổng giáo phận; và Cha Fernando Calero, chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande thuộc Giáo phận Matagalpa. Nơi ở của các ngài vẫn không được rõ.

Đức Cha Báez nói: “Tôi phẫn nộ trước vụ bắt cóc bất công ba linh mục yêu quý ở Managua bởi chế độ độc tài tội phạm Sandinista.”

Hôm Chúa Nhật, 31 Tháng Mười Hai, báo chí Nicaragua và luật sư Martha Patricia Molina đưa tin về vụ bắt cóc thêm một linh mục, Cha Marcos Diaz Prado, cha sở của Giáo xứ Thánh Thomas Tông đồ ở Puerto de Corinto thuộc Giáo phận León.

Ngoài 4 trường hợp mới này, Cha Pablo Villafranca, linh mục của Giáo phận Veracruz ở Nindirí (Masaya), cũng thuộc Tổng Giáo phận Managua, đã bị cảnh sát bắt cóc vào ngày 26 tháng 12. Cho đến nay, không có thông tin gì về nơi ở của ngài..

Vào giữa tháng 12, Đức Cha Isidoro del Carmen Mora Ortega của Giáo phận Siuna bị bắt cóc và bỏ tù. Hai chủng sinh cũng bị bọn cầm quyền bắt giữ cùng với Mora mà không có thêm thông tin gì về họ. Ngoài ra, Đức ông Óscar Escoto, tổng đại diện Giáo phận Matagalpa, đã bị bắt và tạm giam trong vài giờ.

Một linh mục khác, Cha Jader Guido, bị bắt vào ngày 24 tháng 12 và sau đó được thả.

Cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo dưới chế độ của Ortega, vợ ông và phó tổng thống Rosario Murillo, đã gia tăng trong những tháng gần đây. Trường hợp tiêu biểu nhất là trường hợp của Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, người đã bị bắt cóc và quản thúc tại gia vào tháng 8 năm 2022 cho đến tháng 2 năm nay khi cuối cùng ngài bị kết án hơn 26 năm tù, bị buộc tội “ kẻ phản bội quê hương.”

Năm 2023 là năm xảy ra nhiều cuộc tấn công nhất nhằm vào Giáo hội ở Nicaragua

Molina, một nhà nghiên cứu người Nicaragua và là tác giả của nghiên cứu “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp?”, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngày 28 tháng 12 rằng những người bị bắt “là những linh mục có thâm niên hoạt động mục vụ và rất được giáo dân yêu mến.” Cô cáo buộc rằng chế độ độc tài Sandinista đã bắt giữ họ “không vì lý do gì, không có lệnh bắt giữ”.

“Từ năm 2018 đến năm 2023, Giáo Hội Công Giáo đã phải hứng chịu 756 cuộc tấn công chống lại Giáo Hội ở Nicaragua. Chỉ riêng năm 2023 đã có 291 vụ tấn công được thực hiện. Chúng ta có thể coi năm ngoái là năm có nhiều cuộc tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo nhất trong khoảng thời gian 5 năm gần đây. Chỉ riêng trong tháng 12 năm 2023, 25 hành động thù địch đã được ghi nhận”, Molina nói.

Ngoài các trường hợp bị cưỡng bức mất tích, 177 tu sĩ nam nữ đã bị ngăn cản trực tiếp thực hiện sứ vụ mục vụ của mình, buộc họ phải sống lưu vong.

Molina nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần phát biểu về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo Hội Công Giáo đang phải trải qua ở Nicaragua kể từ tháng 4 năm 2018. Đức Thánh Cha đã so sánh chế độ Sandinista năm nay với các chế độ độc tài “thô tục” đầu thế kỷ 20. Anh ta cũng gọi Ortega là một người “không ổn định”.

Nhà nghiên cứu người Nicaragua lưu ý rằng “Tòa thánh tiếp tục đàm phán với chế độ độc tài, nhưng điều đang diễn ra là gia đình Ortega-Murillo muốn có quyền kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục hoặc Hồng Y”.