Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi


Nguyên tác: A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century


của Robert Royal

Phần một

Đức tin và Lý trí

Chương 1: Sự phục hưng của Trường phái Tôma và Tư tưởng Công Giáo tiền công đồng

Vào mùa hè năm 1901, trước ngưỡng cửa của thế kỷ hai mươi, Jacques Maritain và Raïssa Oumansov, vợ tương lai của ông, đang đi dạo qua Vườn thực vật ở Paris. Đó không phải là cảnh tượng của những người yêu nhau thông thường. Cả hai đều đang nghiên cứu khoa học tại Sorbonne và vô cùng tuyệt vọng trước bức tranh ảm đạm về cuộc sống do chủ nghĩa duy vật khoa học gây ra. Họ đã thề với nhau về một hiệp ước tự sát: nếu không tìm được điều gì xứng đáng hơn để sống, họ thà chết cùng nhau. Nhưng sự vật diễn ra nhanh chóng từ đó. Charles Péguy đã đưa họ đến các khóa giảng của Henri Bergson tại Collège de France, nơi họ và nhiều người khác nghe nói rằng có thể có những chiều kích khác, những chiều kích nhân bản hơn và có thể bảo vệ được về mặt triết học, đối với thực tại. Họ đọc Maurice Maeterlinck, một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Bỉ, kể về một người đàn ông thánh thiện - cũng là một loại tiểu thuyết gia - tên là Léon Bloy, sống ở Paris gần nhà thờ Sacré Coeur. Họ đến thăm nhân vật tội nghiệp và rất lập dị này. Vào tháng 6 năm 1906, Bloy là cha đỡ đầu của họ khi họ được nhận vào Giáo Hội Công Giáo, không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng thậm chí sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trí óc, nếu cần, để có một sự hiện hữu đích thực và trọn vẹn hơn.

Câu chuyện kỳ lạ này, liên quan đến triết gia Công Giáo có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20, phản ảnh điều có thể gọi là cuộc đấu tranh đặc trưng để duy trì cả đời sống đức tin lẫn đời sống lý trí trong thế kỷ vừa qua. Câu cuối cùng trong tiểu thuyết La femme pauvre [Người Đàn bà Nghèo] của Bloy sẽ được trích dẫn bởi nhiều người Công Giáo—đôi khi là những người phiêu lưu trí thức nhất—trong những thập niên sau: “Nỗi buồn duy nhất là không được nên thánh” (“Il n'y a qu'une tristesse, c 'est de n'être pas des Saints”). Một số người cho rằng điều này có nghĩa là sự thánh thiện không liên quan gì đến cái đầu, tất cả chỉ là vấn đề tranh luận nổi tiếng của Pascal rằng trái tim có lý lẽ riêng của nó và chính trái tim đáp ứng lại Thiên Chúa. Trước những phản bác hữu lý đối với ý tưởng đơn thuần về thần linh, đó là một phản ứng dễ hiểu. Nhưng đó không phải là một phản ứng hoàn toàn Công Giáo, theo nghĩa Công Giáo, hơn bất cứ hình thức Kitô giáo nào khác, luôn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa đầu và tim để đáp ứng lại Thiên Chúa.

Vào cuối thế kỷ 20, vào tháng 9 năm 1998, chỉ hai năm trước khi bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành văn kiện Fides et Ratio, một trong những thông điệp có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất dưới triều giáo hoàng có ảnh hưởng hoàn cầu của ngài. Như cái tên (“Về Đức tin và Lý trí”) ngụ ý, bản văn này - thành quả của những nỗ lực cả đời của ngài trong tư cách một triết gia được đào tạo bài bản và một mục tử biết quan tâm - tất nhiên nhằm mục đích bênh vực niềm tin. Nhưng nó cũng khẳng định những tuyên bố mạnh mẽ, trong thời đại hậu hiện đại đầy hoài nghi, về sức mạnh của lý trí. (Người kế nhiệm ngài, Đức Bênêđictô XVI, cũng đưa ra lập luận tương tự—chỉ ra tầm quan trọng của việc tin vào một Thiên Chúa có lý trí để tránh chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bạo lực—trong một bài phát biểu gây tranh cãi năm 2006 (1) tại Đại học Regensburg, nơi ngài từng giảng dạy, trong tư cách một giáo sư trẻ.) Không giống như một số truyền thống tôn giáo khác, Công Giáo từ lâu vốn nhận ra tầm quan trọng của triết học đối với thần học. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Voltaire hoặc các trí thức khác đã ngạc nhiên kể từ thời Phong trào Ánh sáng rằng Giáo Hội Công Giáo và các giáo hoàng của Rôma, vào cuối hai nghìn năm của Kitô giáo, sẽ bảo vệ lý trí theo một nghĩa mạnh mẽ vào chính thời điểm khi hầu hết các nhà tư tưởng thế tục tin rằng nó có phạm vi khá hạn chế.

Tuy nhiên, Fides et Ratio cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển phức tạp bên trong Giáo Hội Công Giáo trong suốt thế kỷ 20, trong đó triết học Công Giáo chuyển từ sự nhấn mạnh lớn lao đối với tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô - nơi Maritain đã tạo nên những tác phẩm vĩ đại nhất của mình, được Đức Giáo Hoàng trích dẫn (Fides et Ratio 74)—sang một sự pha trộn chiết trung của nhiều trào lưu triết học cổ đại và hiện đại. Một số trào lưu đó, thay vì khuyến khích theo đuổi những câu hỏi triết học lâu đời—Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu? Tại sao lại có cái ác? Có gì sau cuộc sống này? như Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt chúng— lại tự giới hạn vào các vấn đề kỹ thuật của ngôn ngữ thông thường hoặc tính nhất quán hợp luận lý và tuyên bố những cách sử dụng lý trí nhiều tham vọng nhưng bất hợp pháp. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi triết học—và các triết gia, trong và ngoài Giáo hội—hãy trở nên mạo hiểm và tham vọng hơn và phục hồi niềm tin vào sức mạnh của lý trí trong việc nắm bắt mọi sự vật, nhân bản và thần linh. Đối với ngài, đây không chỉ là một vấn đề trí thức trừu tượng. Ngài từng chịu đựng cả Chủ nghĩa Quốc xã lẫn Chủ nghĩa Cộng sản ở quê hương Ba Lan và là người có công trong việc hạ bệ khối Xô Viết vào năm 1989. Những quan niệm sai lầm về sự thật hoặc những phản ứng lý trí yếu ớt đối với các ý thức hệ nguy hiểm đã dẫn đến khoảng một trăm triệu cái chết trong thế kỷ XX.

Ngay trước thế kỷ 20, một thông điệp giáo hoàng khác, Aeterni Patris [Cha Muôn Thuở] (1879) của Đức Lêô XIII, đã giải quyết một cuộc khủng hoảng tương tự bằng cách khuyến khích nghiên cứu về nhà tư tưởng vĩ đại thời trung cổ Thánh Tôma Aquinô. Trái ngược với những ấn tượng phổ biến, chủ nghĩa Tôma đã không đặc biệt nổi bật trong diễn trình huấn luyện triết học Công Giáo trước những nỗ lực của Đức Lêô. Vào thế kỷ 19, các triết gia Công Giáo thường dựa vào Descartes, Christian Wolff, Immanuel Kant, hoặc những nhân vật hiện đại khác trong những nỗ lực hơi rời rạc và không có hệ thống để giải thích niềm tin Công Giáo. Thông điệp của Đức Lêô đã tạo ra một “cuộc phục hưng chủ nghĩa Tôma” nhằm cung cấp cho các triết gia Công Giáo những công cụ trí thức mạnh mẽ quá thời điểm giữa thế kỷ XX. Các loại chủ nghĩa Tôma xuất hiện khác nhau từ mềm dẻo và sáng tạo đến cứng ngắc và nặng nề, từ những kiểu “tuân thủ nghiêm ngặt” đến những lai ghép ngoại lai và đổi mới liên quan đến tư tưởng hiện đại. (2) Nhưng Đức Lêô cũng tin rằng cần phải đổi mới triết học để đáp ứng những vấn đề hiện đại của công chúng và được dự ứng các kết quả đẫm máu sẽ xảy ra nếu sự đổi mới như vậy không được nhanh chóng thực hiện, trong văn kiện Rerum Novarum [Tân Sự], thông điệp năm 1891 khởi đầu truyền thống tư tưởng xã hội Công Giáo hiện đại.

Các nghiên cứu của Karol Wojtyła (sau này là Đức Gioan Phaolô II) về triết học tại chủng viện và nhiều năm sau đó, khi ngài chuẩn bị cho việc giảng dạy học thuật đã phản ảnh phần chính trong toàn bộ triết học Công Giáo thế kỷ XX. Năm 1949, ngài viết luận án tiến sĩ tại Rôma dưới sự hướng dẫn của Réginald Garrigou-Lagrange, một người theo chủ nghĩa Tôma nổi tiếng nghiêm ngặt và trước đó cũng là nhà dìu dắt của Maritain. (3) Trong luận án này, mà các nhà bình luận sau này chính xác coi như một biểu thức nói lên khía cạnh mục vụ và chiêm nghiệm của vị Giáo Hoàng tương lai, Wojtyła đã chọn sử dụng Aquinô để giải thích nhà huyền nhiệm Tây Ban Nha, Thánh Gioan Thánh Giá. (4) Nhưng bản thân Garrigou-Lagrange là một nhà bình luận tài năng về đời sống tâm linh, (5) điều này cho thấy chủ nghĩa Tôma nghiêm ngặt không phải lúc nào cũng dẫn đến sự khô khan về mặt công thức hoặc chủ nghĩa duy lý. Tuy nhiên, học vị tiến sĩ thứ hai (Habilitationsschrift) của Wojtyła, học vị mà hầu hết các quốc gia châu Âu đòi hỏi để được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức, đã dấn thân vào nền triết học hiện đại nổi bật gọi là hiện tượng học: Lượng giá về Khả thể Xây dựng Nền Đạo đức Kitô giáo dựa trên Hệ thống của Max Scheler. (6)

Wojtyła đã nghiên cứu hệ thống của Scheler khá cẩn thận và đi đến kết luận rằng nó không thỏa đáng. Chiều kích cảm xúc mà Scheler nhấn mạnh - điều cần phải được tính đến trong bất cứ cách nhìn toàn diện nào về đời sống con người - không hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ hiện đại, ít nhất là nếu thiếu một số chân lý chắc chắn hơn của chủ nghĩa Tôma như một phần bổ sung, một lập trường đôi khi được nhắc đến như là chủ nghĩa Tôma hiện tượng luận hay chủ nghĩa Tôma Lublin bởi vì Đại học Lublin ở Ba Lan, nơi Wojtyła giảng dạy, là một trung tâm cho những cách tiếp cận thuộc loại này. (7) Dù không tính đến công trạng phân tích của vị Giáo Hoàng tương lai, điều thực sự đáng lưu ý là một trong những nhà lãnh đạo Công Giáo vĩ đại nhất trong lịch sử gần đây đã chọn khám phá những loại thách thức triết học hiện đại này một cách linh hoạt nhưng kiên quyết. Nó cũng nói nhiều về cuộc đối thoại Công Giáo rộng lớn hơn giữa đức tin và lý trí mà Đức Lêô XIII đã khởi xướng.

Để phù hợp với tinh thần rộng rãi của cả Thán Tôma Aquinô lẫn phương pháp hiện tượng học, Fides et Ratio của Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra một sự mở cửa thẳng thắn dành cho các loại triết học khác:

“Giáo hội không có triết lý của riêng mình và cũng không phong thánh cho bất cứ một nền triết lý đặc thù nào có ưu tiên hơn những triết lý khác. Lý do nằm dưới sự miễn cưỡng này là, ngay cả khi nó dấn thân vào thần học, triết học vẫn phải trung thành với các nguyên tắc và phương pháp của chính nó. Nếu không thì sẽ không có gì bảo đảm rằng nó sẽ tiếp tục hướng tới sự thật và nó đang hướng tới sự thật bằng một diễn trình do lý trí chi phối. Một nền triết lý không tiến hành dưới ánh sáng của lý trí theo các nguyên tắc và phương pháp riêng của nó sẽ không phục vụ được mục đích gì. Ở bình diện sâu xa nhất, quyền tự chủ mà triết học được hưởng bắt nguồn từ sự kiện này là lý trí tự bản chất hướng tới chân lý và hơn nữa được trang bị những phương tiện cần thiết để đi đến chân lý. Một nền triết lý ý thức được điều này như “tình trạng cấu thành” của nó không thể không tôn trọng những đòi hỏi và dữ kiện của chân lý mặc khải”. (FR 49)

Ít nhất phải nói rằng tuyên bố cuối cùng không hiển nhiên chút nào đối với nhiều triết gia hiện đại. Đức Gioan Phaolô II ý thức rằng một số trào lưu triết học đương thời, ngay cả triết học Công Giáo đương thời, coi lý trí là yếu ớt, không chắc chắn, tự mâu thuẫn, thậm chí tự hủy hoại. Nhưng toàn bộ mục đích khi trước tác của ngài thể hiện trong câu mở đầu của ngài: “Đức tin và lý trí giống như hai đôi cánh mà tinh thần con người dựa vào đó để chiêm ngưỡng chân lý; và Thiên Chúa đã đặt vào lòng con người ước muốn biết sự thật - nói tóm lại là biết chính Người - để nhờ biết và yêu mến Thiên Chúa, con người cũng có thể đạt đến sự thật trọn vẹn về chính họ”.

Nhân tiện, ngài đề cập đến tầm quan trọng của Thánh Tôma,

“Mặc dù ngài đề cao đặc tính siêu nhiên của đức tin, nhưng Tiến sĩ Thiên thần không bỏ qua tầm quan trọng của tính hợp lý của nó; thực sự ngài đã có thể tìm hiểu sâu và giải thích ý nghĩa của sự hợp lý này. Đức tin theo một nghĩa nào đó là một “thao tác suy nghĩ"; và lý trí của con người không bị hủy bỏ hay hạ thấp giá trị khi thuận ý với nội dung của đức tin, mà trong bất cứ trường hợp nào cũng đạt được bằng sự lựa chọn tự do và có hiểu biết. Đây là lý do tại sao Giáo hội đã được biện minh khi liên tục đề nghị Thánh Tôma làm bậc thầy về tư tưởng và một kiểu mẫu về cách thức đúng đắn để làm thần học”. (FR 43)

Rõ ràng là trong các tác phẩm của họ, Thánh Tôma và những người đương thời vĩ đại của ngài đã hoan nghênh và cố gắng kết hợp các chân lý từ mọi nguồn có sẵn cho họ trong thời Trung cổ: Hy Lạp và Latinh, Do Thái và Hồi giáo. Phần nào, đây là ý nghĩa của việc trở thành Công Giáo, nghĩa là “phổ quát”. Đức Lêô XIII và Đức Gioan Phaolô II, mỗi vị theo cách riêng của mình, đã khuyến khích chính kiểu cởi mở này—một sự cởi mở với chính sự thật, trái ngược với lối “tìm kiếm sự thật” bỏ ngỏ của thời hiện đại—điều này đã dẫn đến những phát triển đáng chú ý trong tư tưởng Công Giáo trong thế kỷ XX.

Thế kỷ suy nghĩ

Nhìn từ viễn ảnh của chúng ta vào đầu thế kỷ XX, toàn bộ hiện tượng đôi khi trông giống như một dự án thất bại đã thoái hoá thành một sự bất nhất. Việc giải phóng tư tưởng như Đức Lêô XIII đã làm đã dẫn đến một diễn trình vượt quá khả năng dự đoán hay kiểm soát của bất cứ ai. Nếu thuyết Tôma thống trị triết học Công Giáo trong khoảng hai phần ba đầu thế kỷ 20, thì nó đã sớm phân chia thành các trường phái và phe phái cạnh tranh thậm chí không phải lúc nào cũng nói chuyện với nhau được (có những nhân vật chính không bao giờ đọc lẫn nhau). Chủ nghĩa Tôma nghiêm ngặt của một số tổ chức Công Giáo chính thức đã cố gắng duy trì sự gần gũi một cách cứng ngắc với chính bậc thầy nhưng lại thấy mình có nhiều cách giải thích hoa lá cành và khác nhau về điều triết lý ban đầu thực sự là. Nhiều người chống lại chủ nghĩa Tôma nghiêm ngặt (hầu hết ở các chủng viện châu Âu) coi nó như nhằm trả lời các vấn đề về kiến thức của chúng ta đối với thế giới và sự hiện hữu của Thiên Chúa được các nhân vật như Descartes và Kant nêu ra — nói cách khác, các vấn đề triết học hiện đại chính, những câu hỏi mà Thánh Tôma chưa bao giờ giải quyết theo cách tranh luận hiện đại. Các nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận này là sai lầm vì nó trả lời cho chủ nghĩa duy lý hiện đại bằng một chủ nghĩa duy lý khác, một chủ nghĩa duy lý rút tỉa từ sự phong phú của Thánh Tôma, nhưng thực sự xa lạ với nó. Những người khác đã thực hiện một chiến thuật khác và tìm cách tích hợp một số nhà tư tưởng hiện đại vào thuyết Tôma, tạo ra những lai tạo như thuyết Tôma siêu việt (về cơ bản là Tôma + Kant) và thuyết Tôma hiện sinh (Tôma + nhận thức đương thời về mầu nhiệm hữu thể). Trong một bài phát biểu năm 1974 tại Đại học Chicago, Dom Hélder Câmara, Tổng Giám mục Olinda và Recife ở Ba Tây, đã đi xa đến mức viện dẫn Thánh Tôma trong bối cảnh thần học giải phóng: “Chúng ta phải lấy những phạm trù của thời đại chúng ta và làm với Marx điều Thánh Tôma đã làm với Aristốt.” (8) Chủ nghĩa Mác và thần học giải phóng đã thoái trào cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng những thí nghiệm lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Tôma vẫn tiếp tục—và tiếp tục gây tranh cãi.

Trong nửa sau của thế kỷ 20, triết học Công Giáo cũng vượt ra ngoài những biến thể này của chủ nghĩa Tôma để chuyển sang các hình thức triết học khác. Ngày nay, các khoa triết học tại các trường đại học Công Giáo khá phổ biến với các nhà triết học phân tích, những người theo chủ nghĩa hiện sinh, những người theo chủ nghĩa hậu cấu trúc và hậu hiện đại, những người theo chủ nghĩa Heidegger, Whitehead, Teilhard, Wittgenstein, Derrida, Foucault, Rawls, và những người khác – nằm ở nhiều góc độ khác nhau đối với Công Giáo. Theo một cách nào đó, hiện tượng này chứng tỏ một sức sống văn hóa nhất định: các nhà tư tưởng Công Giáo trong thế kỷ 20 không hề lưỡng lự sử dụng các công cụ khác nhau của nền văn hóa phi Công Giáo để giải thích các nguyên lý đức tin cổ xưa. Tuy nhiên, theo một cách khác, sự phong phú bề ngoài này có thể được coi là sự phân tán. Các công cụ vay mượn từ nền văn hóa thế tục dường như đã tạo ra sự bất hòa về tiếng nói khiến cho bất cứ sự hiểu biết triết học đơn giản nào về mặc khải—dù sao cũng luôn là một nhiệm vụ khó khăn—tất cả đều gần như bất khả. Ngoài ra, tất cả sự vay mượn này dường như làm lu mờ sự khác biệt giữa thánh thiêng và thế tục, làm nảy sinh thêm nhiều nhầm lẫn.

Thật đáng xem xét kỹ hơn những sự phát triển này như một cách để hiểu cả những lợi ích và mất mát trí thức bên trong một trong những tôn giáo lớn và những ảnh hưởng đôi khi đáng kể, dù ít được biết đến của chúng đối với thế giới đương thời. Hiện tượng này quá đa dạng và rộng lớn để có thể giải quyết thấu đáo, nhưng các hướng phát triển chính tương đối rõ ràng, cũng như các câu hỏi mà cuộc đối thoại Công Giáo giữa đức tin và lý trí tìm cách trả lời.

Sự hồi sinh của học thuyết Tôma

Kể từ Công đồng Vatican II (1962–1965), một công đồng dù đúng hay sai, vẫn được coi là một phong trào giải phóng trong Giáo Hội Công Giáo, việc hồi sinh của học thuyết Tôma, vốn ít khi được chú ý, thường bị coi là một phong trào hẹp hòi và hạn chế được những phần tử phản động và cứng ngắc nhất trong Giáo hội xác định. Huyền thoại này chứa đựng một phần cốt lõi của sự thật, đặc biệt về cách thức giảng dạy học thuyết Tôma trong các chủng viện châu Âu nửa đầu thế kỷ XX, theo đánh giá của một số người đã sống qua kinh nghiệm này. Một lời phàn nàn thường xuyên là các “sách giáo khoa” bằng tiếng Latinh rất ngây ngô và kém hấp dẫn về triết học của học thuyết Tôma đã được gieo vào đầu các chủng sinh trẻ, những người ít có khái niệm gì về việc những tài liệu khô khan và khó hiểu như vậy có liên quan gì đến Đạo Công Giáo hoặc các nhiệm vụ mục vụ trong tương lai của họ hay không. Hầu như không có liên hệ nào với các bản văn xuất sắc của chính Thánh Tôma. Nhưng niềm tin cho rằng đây là tất cả những gì học thuyết Tôma hiện đại có không thể tồn tại đối với người dù chỉ biết chút ít những gì đã thực sự đạt được bởi nhiều nhà tư tưởng đa dạng, những người thuộc về một trào lưu tư tưởng Công Giáo mạnh mẽ và sáng tạo đã tiếp tục diễn ra tốt đẹp trong thế kỷ 21. (9)

Những nhân vật nổi tiếng nhất, chẳng hạn như Jacques Maritain và Étienne Gilson, vào thời của họ có ảnh hưởng và được kính trọng cao ngay cả trong giới trí thức có uy tín ngoài Công Giáo. Cả hai đã giảng dạy rộng rãi tại các học viện như Harvard, Princeton, Đại học Chicago, Đại học Virginia và các trung tâm học tập thế tục khác ngoài các trường đại học Công Giáo. Và với lý do chính đáng: tác phẩm của họ—thường cảm động, sâu sắc và hùng hồn—bao trùm một cách táo bạo về các chủ đề đa dạng như siêu hình học, lịch sử, triết học chính trị, các vấn đề xã hội, tâm linh, giáo dục và mỹ học. Chẳng hạn, việc Jacques Maritain cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng trong triết học chính trị do hai cuộc chiến tranh thế giới và những đường đứt gẫy trí thức gây ra – chủ yếu là những quan niệm sai lầm về con người và xã hội – vốn tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các phong trào toàn trị như Chủ nghĩa phát xít, Chủ nghĩa quốc xã và Chủ nghĩa cộng sản. Trong quá trình này, ông hầu như đã phát minh ra hình thức trưởng thành của triết lý xã hội nằm đằng sau tất cả các đảng dân chủ Kitô giáo hiện đại, chính những đảng này đã tái thiết châu Âu sau chiến tranh thế giới. Maritain cũng là người soạn thảo chính của Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc. Ông và triết học mà ông phát triển, theo cách này và nhiều cách khác, đã có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ trật tự thế giới hiện đại.(10)

Và có những trào lưu lớn khác trong học thuyết Tôma đã tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong điều kiện hiện đại. Đương nhiên, không phải tất cả những điều này đều chứng tỏ hữu hiệu như nhau, nhưng có lẽ đó là bằng chứng cho sự phong phú được tri nhận của tư tưởng Tôma mà những nhân vật sáng tạo như Maurice Blondel, Henri Bergson, Pierre Rousselot, Joseph Maréchal, Karl Rahner, Bernard Lonergan, và nhiều người khác đã rút tỉa từ Thánh Tôma. Thích ứng học thuyết Tôma cho phù hợp với những mục đích sử dụng đương thời rõ ràng có nghĩa là vượt quá và ra ngoài những vấn đề mà chính Thánh Tôma đã đề cập, và điều này dẫn đến không ít cuộc đấu tranh nội bộ giữa các trường phái khác nhau. Theo một số cách nào đó, điều này sẽ không gây ngạc nhiên. Đức Lêô XIII không chỉ tìm cách quay trở lại quá khứ khi ngài đề nghị nghiên cứu về Thánh Tôma trong Aeterni Patris. Từ lâu, ngài đã tham gia vào các vấn đề công cộng hiện đại từ thời còn là giám mục của Perugia, và ngài đã đề xuất Thánh Tôma vì ngài nghĩ rằng Tiến sĩ Thiên thần là một nguồn phong phú về chính loại nhìn sâu sắc và suy nghĩ cẩn thận mà Giáo hội và thế giới cần khi tiếp cận thế kỷ XX. Aeterni Patris đôi khi được đọc theo lối nhìn lại chủ yếu là một nỗ lực nhằm khôi phục các lý thuyết về tri thức và siêu hình học của Aristốt-Tôma, trái ngược với những con đường hoài nghi hơn của tư tưởng hậu Kant. Nhưng Đức Lêô dường như đã coi những nghiên cứu như vậy là bước khởi đầu cho một cuộc đổi mới xã hội lớn hơn nhiều. Như một học giả đã lưu ý: “Trong chính công trình của Đức Lêô — khoảng 110 thông điệp và các bức thư giáo huấn khác—Thánh Tôma hiếm khi được thảo luận hoặc nhắc đến ngoài các vấn đề chính trị-xã hội.” (11)

Trong Aeterni Patris, Đức Lêô trích dẫn Hồng Y Cajetan (1469–1534), một nhà tư tưởng đáng nể phục trong tư cách riêng của ngài, khi nói rằng Thánh Tôma đã tiếp nhận, sắp xếp và tích hợp sự khôn ngoan của Kitô giáo trước đây theo cách “dường như ngài đã thừa hưởng trí hiểu của mọi người” (AP 17). Theo tinh thần của Thánh Tôma, Đức Lêô kết luận rằng “ta cho rằng mọi lời nói khôn ngoan, mọi điều hữu ích do bất cứ ai khám phá hoặc lên kế hoạch, đều phải được đón nhận với tâm thức sẵn sàng và biết ơn.” Và Đức Giáo Hoàng khuyến nghị nên khai triển một học thuyết Tôma đầy đủ và cân đối “vì việc bảo vệ và vẻ đẹp của đức tin Công Giáo, vì thiện ích của xã hội và vì tiến bộ của tất cả các ngành khoa học” (AP 31). Ngôn ngữ của Đức Lêô có thể hơi hoa mỹ, theo phong cách thời đại của ngài, nhưng rõ ràng ngài hy vọng rằng, giống như Thánh Tôma đã hòa hợp tiếng Hy Lạp mới được khám phá lại và các hình thức học tập khác với tư tưởng Kitô giáo vào thời của ngài, các nhà nghiên cứu hiện đại của ngài có thể làm được điều gì đó tương tự cho thời của họ.

Thông điệp của Đức Lêô cũng có các mục tiêu định chế. Một năm sau khi nó được công bố, ngài đã bổ nhiệm ba Hồng Y vào một ủy ban đặc biệt có trụ sở tại Grottaferrata bên ngoài Rôma với những mệnh lệnh đơn giản là xuất bản các ấn bản học thuật mới của Thánh Tôma. Vào thời điểm đó, có lẽ người ta đã nghĩ rằng công việc này sẽ hoàn thành chỉ trong vài năm. Năm 2003, Ủy ban Lêô [Leonine Commission], được gọi như vậy vì vai trò của Đức Lêô trong việc thành lập nó, vẫn hoạt động mạnh mẽ và chuyển đến Paris, nơi nó đang xuất bản các ấn bản và bình luận thận trọng, đồng thời hưởng lợi từ một thư viện bao gồm hơn nửa triệu bản chép tay đã được kỹ thuật số hóa. Ban lãnh đạo của ủy ban đã phát triển qua nhiều năm để đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới. Chỉ nguyên sự kiện hiện hữu của nó cũng đã mang lại cho các học giả một nơi để gửi các bản thảo mới được phát hiện và cung cấp cho nhiều nhà nghiên cứu khác cơ hội áp dụng những khám phá mới vào những vấn đề cũ về niên đại, mục đích sáng tác và khán giả dự kiến cho sản phẩm khổng lồ của Thánh Tôma. (12)

Một sự phát triển thể chế quan trọng khác bắt nguồn từ Aeterni Patris là Viện Triết học Cao cấp ở Louvain, Bỉ. Gioacchino Pecci, tức Đức Lêô XIII tương lai, đã từng là sứ thần của giáo hoàng ở Bỉ. Khi Aeterni Patris xuất hiện, Désiré Mercier, một giáo sư chủng viện, đề xuất rằng Đại học Công Giáo Louvain thành lập một ghế dạy triết học Tôma. Năm 1882, chỉ ba năm sau, các giám mục Bỉ bổ nhiệm Mercier vào chiếc ghế đó. Mercier đã thành lập Viện Triết học Cao đẳng vào năm 1889. Ngài nghiêm túc đối với sự dấn thân năng động với thế giới và theo đuổi chân lý mạnh mẽ dưới sự che chở của Thánh Tôma, và phân khoa của ngài không chỉ là những người theo đường lối phe đảng. Mặc dù khó tin, lúc này chúng ta đã có rất nhiều kiến thức về chủ đề này, nhưng lúc ấy, người ta biết rất ít về thời Trung cổ, chưa nói đến các trào lưu triết học đa dạng thời trung cổ. Mercier đã thuê những nhà sử học hạng nhất như Maurice De Wulf và những giáo sư có năng lực khác đã từng nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học lớn ở châu Âu. Ngài cũng khuyến khích việc tiếp xúc với triết học và khoa học hiện đại. Ngoài ra, các khóa học được giảng dạy bằng tiếng bản địa, không phải tiếng Latinh - điều mà Rôma cho phép một cách miễn cưỡng - và Viện đã xuất bản La Revue néo-scolastique [Tập san Tân Kinh viện] bằng tiếng Pháp. Bất cứ người ta có thể nói gì về các trung tâm nghiên cứu Công Giáo khác, Viện đã thực hiện được một công trình rất sáng tạo.

Cảnh tượng ở Rôma

Đôi khi xẩy ra việc các chính sách thiết lập ở thủ đô được theo đuổi mạnh mẽ hơn ở các tỉnh. Các học viện ở Rôma đã phản ứng một cách lẫn lộn hơn đối với sáng kiến của Đức Lêô, có lẽ bởi vì đã có những quan tâm mạnh mẽ và mâu thuẫn nhau trong các định chế giáo dục Công Giáo của nó. Ngay từ những năm 1820, Luigi Taparelli d'Azeglio, một tu sĩ Dòng Tên năng động người Naples, lúc bấy giờ là viện trưởng của viện Đại học Gregoriana, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi ngài cố gắng biến tác phẩm của Thánh Tôma thành triết lý chính cho chương trình thần học. Dòng Tên có một lịch sử sử dụng Thánh Tôma không đồng đều và tình cờ vào thời điểm đó có sự chia rẽ giữa những người đam mê học thuyết này và những nhân vật quan trọng như Salvatore Tongiorgi và Domenico Palmieri, những người nghĩ rằng những khái niệm nền tảng mà Thánh Tôma đã vay mượn của Aristốt chẳng hạn như chất thể và mô thức bản thể đã bị khoa học hiện đại cho nổ tung tan tác, mặc dù các yếu tố khác nơi Thánh Tôma vẫn hữu ích.

Taparelli trở thành giám tỉnh Dòng Tên ở Naples vài năm sau đó và thực sự bị cách chức vì ngài chống lại các nỗ lực trong việc cổ vũ Thánh Tôma. Một số phản kháng bắt nguồn từ các phe phái thuộc các trào lưu khác nhau trong một tập thể vô hình dạng gồm các triết lý cổ đại và hiện đại từ lâu đang tồn tại trong các tổ chức Công Giáo. Ở Pháp, Lamennais, de Maistre và de Bonald, phản ứng chống lại chủ nghĩa cấp tiến của Cách mạng Pháp, theo đuổi một loại chủ nghĩa truyền thống nhấn mạnh đức tin hơn lý trí. Nước Đức, với những hình thức hiện đại mạnh mẽ của chủ nghĩa duy tâm, trông chờ vào những nhân vật vĩ đại trong truyền thống đó hơn là học thuyết Tôma để soi sáng triết học. Một phong trào hoàn cầu đầy mạo hiểm được gọi là hữu thể luận [ontologism] —một triết lý về một loại trực giác trực tiếp được thể thần linh rút tỉa từ Platông và Thánh Augustinô—được thúc đẩy bởi các nhà tư tưởng như Casimir Ubaghs (Bỉ), Louis Branchereau và Flavien Hugonin (Pháp), Carlo Vercellone và Vincenzo Gioberti (Ý), và một phần trong tác phẩm của Antonio Rosmini vĩ đại (người có một số tác phẩm của mình được đưa vào Danh mục Sách Cấm năm 1849 nhưng đã được Đức Bênêđictô XVI phong chân phước năm 2007). Hữu thể luận xung đột với Tân kinh viện, và Pecci, lúc ấy còn là Giám mục, đã vận động để nó bị kết án tại Vatican I. Ở nước Mỹ xa xôi, nhà lãnh đạo trí thức và trở lại Công Giáo nổi tiếng Orestes Brownson bị cáo buộc đã hấp thụ chất độc. Và sau đó, có những nhân vật khá lỗi lạc khác, chẳng hạn như Hồng Y Newman ở Anh, người đánh giá cao Thánh Tôma nhưng cảnh giác về những gì dường như quá phụ thuộc vào một nhánh trong triết học Kitô giáo, đó là Chủ nghĩa kinh viện thời trung cổ.

Tuy nhiên, Đức Lêô vẫn đã có những người ủng hộ ở Rôma. Với tư cách là giám mục của Perugia, ngài vốn đã tấn phong Tommaso Zigliara, một người Corse trẻ, và bổ nhiệm vị này làm giáo sư tại chủng viện giáo phận, một trung tâm nghiên cứu về học thuyết Tôma. Zigliara thuộc Dòng Đaminh và là người giải thích mạnh mẽ khía cạnh Aristốt của Thánh Tôma. Năm 1870, ngài trở thành giáo sư, sau đó là nhiếp chính tại Đại học Đa Minh ở Rôma, vào thời điểm thuận lợi để công bố Aeterni Patris. Đức Lêô cũng có sẵn ở Rôma một tu sĩ Đa Minh mạnh mẽ khác, Alberto Lepidi, người đã kết hợp quan điểm Tôma vững chắc với sự đánh giá cao khía cạnh Augustinô-Platông của Thánh Tôma, một khía cạnh ít được công nhận hơn so với ngày nay sau những nỗ lực của Ủy ban Lêô. Và Đức Lêô cũng có sự giúp đỡ từ Dòng Tên. Sau cuộc chạy trốn ô nhục khỏi Rôma vào năm 1848 trong một trong những giai đoạn cách mạng tái diễn ở châu Âu thế kỷ 19, Đức Piô IX đã yêu cầu các tu sĩ Dòng Tên thành lập và biên chế một ấn phẩm mới, La Civiltà Cattolica, cho đến ngày nay vẫn là một loại cơ quan ngôn luận không chính thức của Tòa thánh, đặc biệt là về các vấn đề công cộng. Taparelli trở lại với tư cách là một trong những người sáng lập (anh trai của ngài, Massimo d'Azeglio, là một chính trị gia và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Ý). Ngài được sự cộng tác của Joseph Kleutgen, một chuyên gia về Đức, Carlo Maria Curci, và Matteo Liberatore, một nhà văn người Ý lỗi lạc. Tất cả những nhân vật này đều là những người theo học thuyết Tôma vững chắc - mặc dù Liberatore và Kleutgen là những người theo học thuyết Suarez, ủng hộ cách giải thích về Thánh Tôma bắt nguồn từ Francisco Suarez, Dòng Tên (1548—1617). Quan điểm này phổ biến giữa các tu sĩ Dòng Tên nhưng không thừa nhận một số điểm khác biệt của Thánh Tôma với Aristốt, đặc biệt là việc ngài giới thiệu “hiện hữu” [existence] chứ không phải “mô thức” [form] là hành vi nguyên thủy và một số yếu tố quan trọng khác đã giúp làm cho triết học của Aristốt tương thích hơn với các giáo huấn Kitô giáo đa dạng.

Các tạp chí học thuật như Archiv für Literatur- und Kirchengeschichte [Văn khố Lịch sử Văn chương và Giáo hội] được thành lập ở Rôma và Beiträge zur Geschichte der Philosophie des Mittelalters [Đóng góp vào Lịch sử Triết học Thời Trung cổ] danh tiếng ở Đức. Năm 1893, Dòng Đa Minh Pháp phát động Revue thomiste [Tập san Học thuyết Tôma] ở Toulouse. Sự phát triển bằng tiếng Anh chậm hơn: Blackfriars [Các Tu sĩ Đa Minh] bắt đầu xuất hiện ở Anh vào năm 1920, và The Thomist [Người theo học thuyết Tôma] ở Mỹ vào năm 1939. Ủy ban Lêô vẫn đang làm việc gần Rôma. Nhưng vì nhiều lý do, Đại học Gregoriana đã không tham gia nhiều vào quá trình phát triển rầm rộ mới này. Các giáo sư mới hơn của nó có xu hướng là những người theo học thuyết Tôma nghiêm khắc, nhưng ít giàu trí tưởng tượng và độc đáo hơn so với những người khác tại thời điểm đó. Họ đã viết sách hướng dẫn về triết học Kinh viện được sử dụng rộng rãi trong các định chế Công Giáo trên khắp thế giới, nhưng những sách này bằng tiếng Latinh và hiếm khi được người Công Giáo đọc, chứ chưa nói đến các học giả nói chung, bên ngoài các chủng viện. Hơn nữa, những nhà Tân kinh viện này bị chia rẽ giữa những người theo học thuyết Tôma, những người theo học thuyết Suárez và người theo học thuyết Scotus nghiêm ngặt. Những sự chia rẽ này không được hiểu rõ ràng vào thời điểm đó, nhưng chúng sẽ phát triển theo thời gian và như nghiên cứu lịch sử cũng tiết lộ những khác biệt sâu sắc vốn đã hiện hữu giữa các triết gia trong Thời Trung cổ. Các giáo sư Rôma là những nhà tư tưởng giỏi và thận trọng, nhưng họ không tham gia vào thế giới hiện đại theo cách mà Đức Lêô đã hy vọng. Do đó, họ không phải là một lực lượng đáng kể trong việc thúc đẩy tầm nhìn bao quát của Đức Lêô.

Tham vọng của Đức Lêô có thể được đánh giá cao nhất dưới ánh sáng của người tiền nhiệm và người kế vị trực tiếp của ngài. Về mặt xã hội, ngài dường như xác nhận nhận xét của Ngài Acton rằng Thánh Tôma Aquinô là “Đảng viên Whig [tiền thân của đảng Tự do ở Anh] đầu tiên”. Đức Piô IX, người đã trị vì trong tư cách giáo hoàng trước ngài, giờ đây được nhớ đến như một người cực bảo thủ và đôi khi chữ “ninth” [thứ chín] được nhắc đến theo cách chơi chữ của người Ý như là “Piô không-không”. Thực ra, ngài bắt đầu như một kiểu người theo chủ nghĩa tự do chính trị. Nhưng khi bộ trưởng nội vụ của ngài ở các Quốc gia Giáo hoàng, một người Thệ phản tên là Pellegrino Rossi, bị ám sát giống như Xêda, bởi một đám đông Rôma, ngài đã chuyển sang hướng phản động hơn. Danh sách Các Sai lạc nổi tiếng của ngài, ban hành vào Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội năm 1864, tuyên bố trong số những điều khác rằng thật điên rồ (deliramenta) khi nghĩ rằng “Giám mục Rôma có thể, và phải, tự hòa giải và chấp nhận sự tiến bộ, chủ nghĩa cấp tiến và nền văn minh hiện đại.” Ngài cũng chỉ trích sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước. Ngược lại, Đức Lêô, mặc dù đã trở thành giáo hoàng sau khi các Quốc gia Giáo hoàng bị mất vào tay nước Ý thống nhất vào năm 1870, nhưng đã ủng hộ Tập hợp những người Công Giáo tham gia nền Cộng hòa Pháp và trong thông điệp vĩ đại năm 1891 Rerum Novarum của ngài, đã đặt ra một chương trình xã hội bắt nguồn từ các nguyên tắc xã hội của học thuyết Tôma với một số khuôn khổ tiến bộ và hiện đại đã định hình giáo huấn xã hội Công Giáo kể từ đó. Về mặt tín lý chặt chẽ hơn, Đức Lêô cũng chiếm một vị thế biết nhìn về phía trước. Người kế vị của ngài, Đức Piô X, vào năm 1907 đã ban hành thông điệp Pascendi Domenici Gregis, áp đặt những lời thề trung thành và tìm cách loại bỏ “chủ nghĩa duy hiện đại” khỏi Giáo hội theo những cách gây ra sự phản kháng ngay cả từ những người Công Giáo trung thành và có thiện chí.

Dù sao, vào đầu thế kỷ 20, các sáng kiến của Đức Lêô đã dẫn đến một mạng lưới các định chế được tổ chức tốt để giảng dạy và truyền bá học thuyết Tôma: Học viện Công Giáo (Institut Catholique) ở Paris; Viện Nghiên cứu Dòng Tên tại Maria Laach ở Đức; Đại học Công Giáo Áo; Đại học Fribourg ở Thụy Sĩ, được hưởng lợi từ sự hiện diện của một trong những nhà sử học vĩ đại nhất về triết học thời trung cổ, Pierre Mandonnet; Alberto Lepidi, trước khi chuyển đến Rôma, là Giám đốc Nghiên cứu tại Nhà Đa Minh ở Flavigny, nơi đã trở nên nổi tiếng, được coi là Le Saulchoir ở Bỉ, nơi nó chuyển đến do bị chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Pháp đàn áp. Ambroise Gardeil, người đã giúp thành lập Le Saulchoir, đã học với một học trò của Albert Lepidi và tiếp tục nhấn mạnh khía cạnh Platông của Thánh Tôma. Mandonnet, A. G. Sertillanges, và M.-D. Roland-Gosselin đã giảng dạy ở đó, và hai trong số những danh nhân vĩ đại nhất sau này, Marie-Dominique Chenu và Yves Congar, những người đã học với họ ngắn hơn. Chính Gardeil đã dạy Réginald Garrigou-Lagrange, sau này là thầy của Jacques Maritain. (13)

Gardeil và Le Saulchoir cảm thấy cần phải đáp ứng một số trào lưu trong đời sống tôn giáo của Pháp. Chủ nghĩa Kant, theo một góc độ nào đó, là một loại đỉnh cao của dự án Descartes, với những giới hạn nghiêm ngặt đối với những gì con người có thể biết được, đã trở thành một thách thức lớn vào đầu thế kỷ XX ở Pháp. Để phù hợp với bản chất chiết trung của triết học Công Giáo trước thời kỳ phục hưng Tân kinh viện, thậm chí còn có những nhân vật như Maurice Blondel, một giáo dân Công Giáo chân thành, người tin rằng việc hướng tới nội dung của tâm trí, theo cách thức cổ điển của Kant, có thể khá hữu ích trong việc củng cố niềm tin Công Giáo. Đối với nhiều người theo học thuyết Tôma, việc bắt đầu suy tư triết học trên cơ sở nội dung của tâm trí khiến họ không thể đạt được điều được Kant gọi là noumena, “các sự vật trong chính chúng”. Đó chắc chắn là quan điểm riêng của Kant. Nhưng Blondel đã thực hiện một động thái đáng lưu ý - một động thái sẽ tìm thấy tiếng vang trong các trào lưu hiện sinh và hiện tượng học sau này trong triết học Công Giáo và trong học thuyết Tôma siêu việt. Việc thừa nhận những giới hạn của kiến thức thuận lý của chúng ta cho thấy sự cần thiết của những con đường chân lý khác, không chỉ mở cửa cho mặc khải mà còn cho cả sự mặc khải lịch sử cụ thể của Kinh thánh. Trong hai tác phẩm, L’Action [Hành động] và đặc biệt là Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d’apologétique (Thư về Các Đòi hỏi của Tư tưởng Hiện thời về Vấn đề Hộ giáo], (14) Blondel đã đưa ra lập luận rằng điều mà ông gọi là “khoa hộ giáo nội tại” của việc xem xét những động lực bên trong của chúng ta cho thấy rằng con người không thể hài lòng với bất cứ điều gì kém hơn chính Thiên Chúa. Chính động lực của tâm trí vượt quá chính chúng hướng tới một điều gì đó mà sau đó có thể được coi một cách chính đáng như một câu trả lời chính xác cho nhu cầu của con người, do đó khiến cho “khoa hộ giáo ngoại tại” của truyền thống có thể được lắng nghe một cách công bằng.

Một vấn đề lớn khác, rõ ràng hiện diện trong tâm trí của Đức Lêô trong Aeterni Patris, là cách tư duy khoa học hiện đại đã tạo ra ấn tượng này là mọi sự đều có thể được chia thành các phần có thể phân tích được. Đức Lêô và các cố vấn của ngài không phủ nhận rằng phương pháp khoa học có công dụng của nó. Thật vậy, như đã được đề cập ở trên, họ muốn nắm lấy những tiến bộ hợp pháp đó hướng tới lợi ích không thể phủ nhận của con người, giống như những nhà tư tưởng Công Giáo giá trị nhất trong nhiều thế kỷ. Nhưng, nói một cách thẳng thắn, khoa học mới, ít nhất là khi ngày càng có nhiều nhà khoa học và những người khác nghĩ về nó, không dành chỗ nào cho cuộc sống như cách hiểu truyền thống, chứ đừng nói đến những điều đặc trưng của con người từng chiếm lĩnh các nhà triết học kể từ khi triết học mới bắt đầu. Thực vật và động vật được coi là những cỗ máy phức tạp; vào thế kỷ 18, Julien Offray de La Mettrie đã công bố cuốn sách nhan đề L’Homme machine (Người máy) trong đó ông định nghĩa con người là một cỗ máy “đi thẳng đứng”. Vài năm sau, khi Napoléon hỏi Pierre Laplace rằng Thiên Chúa đã đến chỗ nào trong hệ thống của ông, ông đã trả lời một cách nổi tiếng: “Thưa ngài, tôi không cần giả thuyết đó.” Cách nhìn thế giới đó rõ ràng là không có chỗ cho tâm trí, tự do, ý chí, tinh thần, tội lỗi, đức hạnh, thiên đường, địa ngục và nhiều thứ khác không chỉ là đặc trưng của tư tưởng Kitô giáo mà còn của tư duy thế tục tốt nhất nữa. Ở Pháp, Auguste Comte đã nâng một loại chủ nghĩa duy nghiệm [posotivism] lấy cảm hứng từ khoa học lên mức độ của một tôn giáo mới.

Một trong những nhân vật vĩ đại và có ảnh hưởng đã hưởng ứng toàn bộ bầu không khí tư tưởng triết học này trong nửa đầu thế kỷ XX là Henri Bergson, một người bạn và người thầy của cả Charles Péguy lẫn Jacques Maritain. Mặc dù các khái niệm của Bergson về sinh đà [Élan vital] và “trực giác sáng tạo” đã không còn phù hợp, nhưng ít nhất tư tưởng của ông có công chỉ ra một vấn đề rành rành theo đó sự trừu tượng hóa, như được thực hành sau đó, đã tách rời tư tưởng hiện đại khỏi thực tại, và cuộc sống. Thay vào đó, Bergson đề xuất một sự gắn kết hùng hồn, nhân văn với thực tại trong tính cụ thể và trọn vẹn của nó, chứ không chỉ với những ý tưởng. Triết lý của ông dường như mở ra những cánh cửa sổ trong căn phòng triết học đã trở nên mốc meo vì bị đóng kín và để không khí trong lành tràn vào. Nhiều người—từ phụ nữ trong xã hội cho đến sinh viên chưa tốt nghiệp, ở Paris và những nơi khác ở Châu Âu và Châu Mỹ—những người cảm thấy nghẹt thở trước các giả định khoa học và triết học thống trị đã hưởng ứng rất nhiệt tình với lập luận hấp dẫn này về những sự vật nhân bản. Mặc dù cuốn sách đầu tiên của Jacques Maritain, (15) xuất hiện sau đó, sẽ là một cuộc tấn công vào học thuyết Bergson trong tư cách một triết học, nhưng tác phẩm tiếp theo của ông vẫn đã thừa nhận Bergson đích danh như một trong những nhân vật đã tìm cách bảo tồn toàn bộ các thực tại cần được bảo vệ nếu bản thân cuộc sống con người không thể bị thu gọn thành một trò chơi đơn thuần của các nguyên tử và lực lượng. Đối với Bergson, không thể nắm bắt được những thực tại cụ thể, sống động và năng động của đời sống con người bằng những khái niệm trừu tượng, những khái niệm mà bản chất của chúng vừa xa rời những thực tại đó vừa cố định. Bergson nói, ít nhất để có được sự hiểu biết đầu tiên về các loại thực tại vốn không thể bỏ qua bất kỳ giải thích chân thực nào về ý nghĩa của việc trở thành một hữu thể nhân bản, chúng ta cần một điều gì đó giống như một trực giác tri thức hữu cơ hơn là một phân tích thuận lý.

Hai quan điểm chính của triết học hiện đại—sự hướng nội và chủ nghĩa giản lược khoa học—là những vấn đề triết học hiện đại phổ biến mà tất cả những người theo chủ nghĩa Tân Tôma phải đối đầu (cũng như các nhà triết học Công Giáo đã chuyển sang các truyền thống tư tưởng khác trong thế kỷ XX). Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một mặt, hoàn toàn khác với cách tiếp cận của Thánh Tôma đối với các vấn đề triết học, nhận thức luận và các điều kiện để chúng ta hiểu biết các điều đặc trưng nhân bản, và mặt khác, một động thái nhằm tái quan niệm về hữu thể đã trở thành quan trọng trong các bài viết và giảng dạy của họ. Thật vậy, sẽ không quá lời khi nói rằng vào những năm 1920, chủ nghĩa Tân kinh viện đã được đặt trên hai con đường đặc biệt hiện đại: một học thuyết Tôma siêu việt chấp nhận một phần nhu cầu hướng nội và một học thuyết Tôma hiện sinh bác bỏ hướng đó trong khi nhấn mạnh một quan niệm khác về hữu thể. Joseph Maréchal ở Bỉ và Karl Rahner ở Đức (với Bernard Lonergan ở Canada, ở một mức độ nào đó) là những thành viên lỗi lạc của nhóm thứ nhất; Jacques Maritain và Étienne Gilson ở Pháp nằm trong số những người dẫn đầu trong nhóm thứ hai.