1. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 – Thứ Sáu Tuần Thánh 29/3/2024
Isaia 52:13-53:12
Thánh Vịnh 30(31):2, 6, 12-13, 15-17, 25
Do Thái 4:14-16, 5:7-9
Ga 18:1-19:42
Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. (Dt 4:16)
Niềm tin tưởng mà chúng ta tìm thấy trong thư gửi tín hữu Do Thái hoàn toàn trái ngược với nỗi sợ hãi của Tông đồ Phêrô khi ông chối Chúa Giêsu. Phêrô đang chứng kiến thế giới xung quanh mình sụp đổ – Thầy của ông bị xiềng xích, và các anh em của ông thì chạy tán loạn. Có thể đã từng chứng kiến nhiều vụ hành quyết trước đây nên ông biết câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Có lẽ khi đó, niềm tin được thấy trong sách Do Thái là về sự Phục sinh - niềm tin về việc biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Ngược lại, điều chúng ta học được là chính sự đau khổ của Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự dạn dĩ trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu cảm nhận được những điểm yếu của con người nơi chúng ta, Ngài đã bị cám dỗ trong mọi cách như chúng ta, tuy nhiên, Ngài vẫn vâng phục ngay cả trong đau khổ.
Hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh thường được gọi là Good Friday, ngày Thứ Sáu tốt lành, vì nhiều lý do. Thật tốt lành vì tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa đã được thể hiện. Thật tốt lành vì tội lỗi đã bị đánh bại bởi Chúa Giêsu chịu chết một lần là đủ. Nhưng cũng tốt lành vì trong thân xác đầy vết thương, đẫm máu của Vua Cứu Thế, chúng ta thấy được lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta muốn nhìn đi chỗ khác, nhưng chúng ta phải nhìn. Nơi thân xác Người, chúng ta thấy được sự gần gũi, lòng thương xót và tình yêu của Người. Nơi thân xác Người, chúng ta thấy việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa trong sự hoàn hảo của Người, nhưng chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu ở với chúng ta trong mọi thăm trầm của cuộc sống.
Hãy cho phép bản thân trải nghiệm ngày này ở cấp độ con người, và nếu nỗi đau, nỗi sầu hay nỗi buồn của chính bạn hiện lên trong đầu bạn, đừng chống lại nó.
Mục đích của Thập Giá không phải là để cho chúng ta một tấm gương đủ lớn để hợp lý hóa kinh nghiệm của chúng ta, nhưng để cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa – Ngài sẵn lòng chịu đau khổ với chúng ta.
Chúa Giêsu ở với chúng ta trong mọi sự - kể cả cái chết - vì vậy, chúng ta hãy đến gần Đấng mà Người gọi là Cha, và cầu xin lòng thương xót và ân sủng mà chúng ta cần.
Lạy Chúa Kitô, chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ. Amen.
2. Các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương bị phong tỏa ở Donetsk
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết: “Vào đầu năm 2024, những “người Cossacks” của cái gọi là “Cộng hòa Nhân Dân Donetsk” đã phong tỏa tất cả các nhà thờ và các vùng lãnh thổ lân cận, đồng thời không cho phép các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vào các nhà thờ và lãnh thổ để cầu nguyện và cử hành thánh lễ.”
Lời kêu gọi của các tín hữu lên chính quyền địa phương của “Cộng hòa Nhân Dân Donetsk” về việc niêm phong các nhà thờ và cản trở các hoạt động tôn giáo của những “Người Cossacks” đều không mang lại kết quả nào. Các tín hữu không thể vào nhà thờ hoặc tiến hành các buổi lễ.
Trước những sự kiện này, các linh mục phục vụ trong các nhà thờ này đã bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Ngoài ra, vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, các linh mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Berdiansk, là Cha Ivan Levytsky và Cha Bohdan Geleta, đã bị cầm tù và vẫn đang bị giam giữ.
Điều đáng chú ý là vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, trên lãnh thổ bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia, chính quyền xâm lược đã ban hành cái gọi là lệnh cấm Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hoạt động và cầm các tổ chức dịch vụ xã hội của Giáo Hội trong vùng bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia.
Đức Cha cũng than thở về một thực trạng diễn ra ngay cả trong hàng giáo phẩm Công Giáo, theo đó người ta cho rằng người Ukraine không muốn đối thoại để đạt được hòa bình. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói rằng quốc gia của ngài là “bên tìm kiếm đối thoại” trong cuộc chiến với Nga, nhưng ngài cho biết “Nga không coi Ukraine là đối tượng của đối thoại, và thậm chí còn phủ nhận quyền tồn tại của Ukraine”.
Người Ukraine cũng không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Mục tiêu đề ra được thể hiện bằng hành động cụ thể.
Trong suy nghĩ của Putin, không có những thứ như Ukraine, lịch sử Ukraine, ngôn ngữ và đời sống cũng như Giáo Hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tế mà chỉ là một “ý thức hệ”. Theo Putin, ý thức hệ về bản sắc Ukraine là “Đức Quốc xã”.
3. Đức Thánh Cha viết bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Rôma, Vatican cho biết
Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống vào năm 1985 khi yêu cầu những người khác nhau viết những lời cầu nguyện và suy niệm trên Đàng Thánh Giá cho buổi đi Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh hàng năm tại Đấu trường Rôma ở Rôma. Nhưng vị giáo hoàng người Ba Lan được phong thánh đã tự mình viết chúng vào năm 2000 và Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định viết chúng trong năm nay. Cử hành này được phát sóng trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo văn phòng báo chí Vatican cho biết, lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng 11 năm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn viết những bài suy niệm của riêng mình cho nghi lễ Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Rôma ở Rôma.
Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí, nói với các phóng viên ngày 26 tháng 3, rằng trong buổi đi Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề “Cầu nguyện với Chúa Giêsu trên đường thập giá”.
Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống vào năm 1985 về việc ủy thác việc viết các bài suy niệm cho các Hồng Y và các nhân vật khác trong giáo hội, các nhà văn hoặc nhóm người nổi tiếng, kể cả giới trẻ và nhà báo. Tuy nhiên, chính ngài đã viết những suy tư cho nghi lễ Đấu trường Rôma trong Năm Thánh 2000.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết các bài suy niệm cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, chưa đầy một tháng trước khi được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, mỗi năm ngài giao phó việc soạn thảo cho những người khác nhau.
Các buổi suy niệm năm 2023 tập trung vào chủ đề “Tiếng nói hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh”. Một số cơ quan của Giáo triều Rôma đã xây dựng những lời cầu nguyện và suy niệm dựa trên những nhận xét được đưa ra tại các cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô bởi những người đang phải chịu đựng tình trạng thiếu hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo coi năm 2024 là năm cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025.
Bruni nói với các phóng viên rằng việc chọn “cầu nguyện với Chúa Giêsu” làm chủ đề cho Chặng Đàng Thánh Giá là một dấu hiệu cho thấy rằng đó sẽ là “một hành động suy tư và tâm linh với Chúa Giêsu là trung tâm”.
Vatican News cho biết các bài suy niệm sẽ có ít tài liệu tham khảo trực tiếp hơn đến các sự kiện hiện tại so với nhiều ấn bản trước đây khi những người di cư và tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người hoặc những người từ các quốc gia có chiến tranh đã giúp viết hoặc truyền cảm hứng cho những suy tư.
Bruni cũng nói với các phóng viên rằng tính đến ngày 26 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn dự định tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, thời tiết và sức khỏe của Giáo hoàng sẽ là yếu tố quyết định. Được xuất viện chỉ 5 ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đến Đấu trường Rôma.
4. Tài liệu của Ủy ban Thần học-Thánh kinh của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa để đáp lại Tuyên bố “Fiducia supplicans”
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài tường trình nhan đề “Document of the Synodal Biblical-Theological Commission of the Mạc Tư Khoa Patriarchate in response to the Declaration “Fiducia supplicans”“ nghĩa là “Tài liệu của Ủy ban Thượng Hội Đồng về Thần học-Thánh kinh của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa để đáp lại Tuyên bố “Fiducia supplicans”“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Vào ngày 25 tháng 3, trang web chính thức của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã công bố một tài liệu có tựa đề “Về thái độ của Chính thống giáo đối với thực hành mới về việc chúc lành cho 'các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới' trong Giáo Hội Công Giáo Rôma”. Văn bản, được viết theo yêu cầu của Thượng Phụ Kirill bởi Ủy ban Thần học-Kinh Thánh của Thượng Hội đồng Chính Thống Giáo Nga, do Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeev, Tổng Giám Mục Budapest và toàn Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hung Gia Lợi, chủ trì, trình bày một số cân nhắc nhằm đáp lại tuyên bố Fiducia supplicans, do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố vào ngày 18 tháng 12 năm 2023.
Phần giới thiệu tài liệu của Ủy ban Thượng Hội đồng cho biết: “Những ý tưởng được thể hiện trong tuyên bố 'Fiducia supplicans' thể hiện một sự đoạn tuyệt đáng kể khỏi giáo huấn luân lý Kitô giáo và đòi hỏi sự phân tích thần học”. Phần đầu tiên của văn bản, có tựa đề “Về ý nghĩa ‘cổ điển’ và ‘mở rộng’ của phép lành trong tài liệu này”, bắt đầu từ những cân nhắc trong đoạn 12 và 13 của Fiducia supplicans, khẳng định: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Con người không thể là cơ sở để chúc phúc cho các cặp vợ chồng chung sống tội lỗi. Thiên Chúa yêu thương con người nhưng cũng kêu gọi họ nên hoàn thiện: ‘Vậy hãy hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện’ (Mt 5:48). “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mời gọi con người quay lưng lại với tội lỗi đang hủy hoại cuộc đời mình. Do đó, việc chăm sóc mục vụ phải kết hợp hài hòa giữa dấu hiệu rõ ràng về việc không thể chấp nhận lối sống tội lỗi với tình yêu dẫn đến sự sám hối”. Và sau đó Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói tiếp: “Tuyên bố không nói gì về việc chống lại tội lỗi, từ bỏ lối sống tội lỗi hay giúp đỡ tín hữu chiến thắng tội lỗi về mặt mục vụ.”
Văn bản của lời tuyên bố được diễn đạt khéo léo để người đọc có thể suy ra rằng lối sống tội lỗi không phải là một trở ngại cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Tuyên bố Fiducia supplicans hoàn toàn im lặng về bí tích Sám Hối như nguồn ân sủng thiêng liêng cần thiết cho tất cả những ai muốn sửa chữa mọi điều trong cuộc sống của họ không phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa.” Hơn nữa, Ủy ban nhận thấy rằng trong tài liệu được đề cập, cụm từ “các cặp đồng giới” có vẻ khác biệt với cụm từ “các cặp bất quy tắc”, mà cụm từ sau không được định nghĩa trong văn bản.
Phần thứ hai của văn bản do Ủy ban Thượng Hội đồng xuất bản, có tựa đề “Về việc chúc phúc cho 'các cặp đồng giới'“, nhấn mạnh rằng định nghĩa về hôn nhân nêu trong đoạn 4 và 5 của tuyên bố Fiducia supplicans là phù hợp với giáo huấn Chính thống giáo ( “xem tài liệu của Giáo hội Chính thống Nga 'Về các khía cạnh kinh điển của hôn nhân Kitô giáo'“). Đồng thời, Ủy ban Thượng Hội đồng khẳng định rằng Fiducia supplicans tuyên bố khả năng ban phước cho các cặp đồng giới, một điều đi ngược lại với đạo đức Kitô giáo, và trên thực tế, coi họ ngang hàng với việc chung sống ngoài hôn nhân của các cặp vợ chồng khác giới. “Cũng đáng lưu ý là những người ở trong một cuộc kết hợp tội lỗi được gọi là 'người nghèo', như thể khiếm khuyết về đạo đức không bao hàm sự lựa chọn có ý thức và tự do về phía họ. Sự chú ý được chuyển từ việc tội nhân đã đưa ra một quyết định đạo đức sang bản chất cơ cực của hoàn cảnh của anh ta. Trong 'Fiducia supplicans', định nghĩa 'sống chung đồng giới' là tội lỗi đã bị thiếu sót.”
Chuyển sang phân tích các khuyến nghị thực tế về cách thức các phép lành này nên diễn ra, cụ thể là, một cách tự nhiên, không mang tính nghi thức và ngắn gọn, Ủy ban Thượng Hội đồng mô tả chúng là “không kém phần mơ hồ so với các quan điểm thần học mà chúng xuất phát”: “Mối nguy hiểm của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là việc chúc phúc cho những cặp vợ chồng này được hiểu như sự chấp thuận cho việc chung sống mà theo quan điểm chính thống của Kitô Giáo là không hợp pháp. Không chỉ có thế, nó còn chính thức hóa các hành động được cho là ‘tự phát’ như các hình thức phụng vụ đã được thiết lập.”
Phần thứ ba của tài liệu (“Những phản ứng đối với Tuyên bố trong thế giới Công Giáo”) được dành để thể hiện tác động mà tuyên bố Fiducia supplicans đã gây ra trong Giáo Hội Công Giáo. Trong phần kết luận của tài liệu do Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng trình bày, Đức Tổng Giám Mục viết: “Việc hiểu đơn phương và không đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người được suy ra từ tuyên bố này là nguy hiểm về mặt thần học. Theo cách giải thích này, các khái niệm về tội lỗi và sự ăn năn đã bị loại bỏ một cách hiệu quả khỏi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, dẫn đến một logic nghịch lý, theo đó những người có mối quan hệ tội lỗi không cần hướng đến sự ăn năn và công việc tâm linh mà chỉ cần hướng tới một số hình thức phước lành với hy vọng nhận được sự 'chữa bệnh' và 'nâng cao'. Tuy nhiên, tuyên bố này không nêu rõ thực tế rằng việc 'chữa lành' và 'nâng cao' ít nhất phải có ý định từ bỏ các mối quan hệ tội lỗi. Trong bối cảnh các tiến trình đang diễn ra trong cộng đồng Kitô giáo, tài liệu này có thể được coi là một bước tiến tới sự công nhận hoàn toàn của Giáo Hội Công Giáo Rôma về “các kết hợp đồng giới” như một chuẩn mực, một điều đã xảy ra ở một số cộng đồng Tin lành. Tất cả các tín hữu, kể cả những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, đều cần được chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên, việc chăm sóc mục vụ như vậy không nhằm mục đích hợp pháp hóa lối sống tội lỗi, mà đúng hơn là để chữa lành tâm hồn của những người đau khổ, như đã được viết rất hay trong 'Nền tảng Học thuyết Xã hội của Giáo hội Chính thống Nga'. Mặc dù tuyên bố 'Fiducia supplicans' là một tài liệu nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng Giáo hội Chính thống Nga coi nhiệm vụ của mình là phải phản ứng lại trước những đổi mới cực đoan bác bỏ các chuẩn mực đạo đức Kitô giáo được Thiên Chúa mạc khải. Giáo hội chào đón với tình mẫu tử và lòng bao dung mọi tội nhân xin Giáo Hội Mẹ chúc phúc, nhưng không thể nào chúc lành cho “các cặp đồng tính”, vì điều này có nghĩa là trên thực tế Giáo hội đồng ý với một kết hợp có bản chất tội lỗi.” Đồng thời, Ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã công bố trên trang web chính thức của mình một ghi chú trong đó trình bày tài liệu do Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng soạn thảo và tham chiếu đến toàn văn. Theo Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng trong một ghi chú ngày 20 tháng 2, trong phiên họp toàn thể ngày hôm đó, các thành viên của Ủy ban đã đồng thanh bày tỏ quan điểm tiêu cực về tuyên bố Fiducia supplicans, mà họ đã xem xét theo yêu cầu của Thượng Phụ Kirill..