1. Đại hội Thánh Thể Quốc tế Lần thứ 53 tại Quito, Ecuador
Trưa ngày 20 tháng Năm vừa qua, Đức Cha Alfredo José Espinosa Mateus, Tổng giám mục Giáo phận Quito, thủ đô Ecuador, đã mở cuộc họp báo, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, để trình bày Đại hội Thánh Thể Quốc tế Lần thứ 53, sẽ diễn ra tại thành phố này, từ ngày 08 đến ngày 15 tháng Chín năm nay (ICC2004), với chủ đề là: “Tình huynh đệ để chữa lành thế giới”.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế Lần thứ 52 trước đây đã diễn ra hồi tháng Chín năm 2021 và Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới đây để chủ sự thánh lễ bế mạc, vào Chúa nhật ngày 10 tháng Chín.
Cách đây mười năm (2014), Hội đồng Giám mục Ecuador, trong phiên họp toàn thể, đã phê chuẩn đơn một năm trước đó, thỉnh cầu Tòa Thánh tổ chức Đại hội Thánh Thể năm 2024 tại nước này, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ecuador là nước đầu tiên trên thế giới thánh hiến đất nước cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha để ý đến kỷ niệm đặc biệt này và ngày 20 tháng Ba năm 2021, ngài đã thông báo cho thế giới rằng Ecuador sẽ là nơi diễn ra Đại hội Thánh Thể Lần thứ 53, cụ thể là tại thủ đô nước này.
Một tài liệu căn bản về đề tài “Tình huynh đệ chữa lành thế giới” đã được soạn thảo và dịch ra mười hai thứ tiếng. Liền trước đại hội, một hội nghị thần học, từ ngày 04 đến ngày 07 tháng Chín năm nay sẽ đọc lại tình Huynh đệ dưới những khía cạnh khác nhau: chính trị, kinh tế, triết học, nhân học và thổ dân. Trong những ngày cử hành kế tiếp, từ ngày 08 đến ngày 15 tháng Chín, trong các bài giáo lý lớn, có tiếng nói của các đại diện toàn dân Chúa, kể cả các giáo dân.
Cha Juan Carlos Garzón, Tổng thư ký Đại hội Thánh Thể Ecuador, nói rằng: “Từ Quito, chúng tôi muốn mở ra Đại hội cho toàn thế giới, để nhờ tình huynh đệ chữa lành những vết thương của thế giới”. Cha cho biết trong số các đề tài của hội nghị, cũng có một suy tư trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Điểm khởi hành là ý thức tình thương của Thiên Chúa, nhập thể trong Chúa Kitô, mạnh mẽ hơn sự ác, bạo lực và chết chóc”.
Trong cuộc họp báo, cha Corrado Maggiori, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về các Đại hội Thánh Thể quốc tế, đã định nghĩa Đại hội tới đây ở Quito là “Một lời kêu gọi quyết liệt về tình huynh đệ, hồng ân của Trời và là sự dấn thân của con người, nhắm hoán cải những mối quan hệ thù địch thành những mối quan hệ huynh đệ, giữa những chao đảo của lịch sự hiện nay”.
2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ không thể nhận chức thánh, ngay cả như là phó tế
Tạp chí Crux, ngày 21 tháng 5 năm 2024, đưa tin: Trong cuộc trò chuyện với CBS News, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng phụ nữ không thể được phong chức phó tế.
Được phát sóng vào tối thứ Hai tại Hoa Kỳ, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Người đầu tiên” là phiên bản mở rộng của cuộc phỏng vấn được giới thiệu trên “60 Minutes” vào Chúa nhật.
Nhà báo CBS Norah O’Donnell đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng liệu phụ nữ có bao giờ có “cơ hội làm phó tế và tham gia với tư cách là thành viên giáo sĩ trong Giáo hội không?”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời nhanh chóng: “Không.”
Khi bị ép, ngài giải thích: “Nếu là phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không? Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, chứ không phải với tư cách là thừa tác viên, với tư cách là thừa tác viên về mặt này, trong các Chức Thánh.”
Điều này trái ngược với tuyên bố hồi tháng 2 của nữ tu và nhà thần học người Tây Ban Nha Linda Pocher, một trong ba phụ nữ phát biểu tại cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng Hồng Y của Đức Giáo Hoàng.
“Chức phó tế cũng đã được thảo luận. Chúng tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng rất ủng hộ chức phó tế nữ, nhưng ngài vẫn đang cố gắng hiểu cách áp dụng nó vào thực tế”, Pocher nói với Europa Press.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ “là những người thúc đẩy những thay đổi về phía trước, tất cả các loại thay đổi”.
“Họ dũng cảm hơn đàn ông,” ngài nói tiếp.
“Họ biết cách tốt nhất để bảo vệ sự sống. Phụ nữ là những người bảo vệ tuyệt vời của sự sống. Phụ nữ thật tuyệt vời. Họ rất tuyệt vời. Và tạo không gian trong Giáo hội cho phụ nữ không có nghĩa là trao cho họ một thừa tác vụ, không. Giáo hội là một người mẹ, và những người phụ nữ trong Giáo hội là những người giúp nuôi dưỡng tình mẫu tử đó. Đừng quên rằng những người không bao giờ bỏ rơi Chúa Giêsu chính là phụ nữ. Tất cả những người đàn ông đều bỏ chạy”, Đức Giáo Hoàng nói.
Sau đó, O’Donnell nêu ra sự kiện Đức Phanxicô đã chúc lành và hôn chân các nữ tù nhân, và nhiều người giải thích rằng đó là một thông điệp mà Đức Phanxicô đang cố gắng gửi đi về sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
“Đúng là lần này chỉ có phụ nữ vì đó là nhà tù dành cho phụ nữ. Và thông điệp là đàn ông cũng như phụ nữ, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng trả lời.
“Những người nam nữ chúng ta đều là tông đồ và tất cả chúng ta đều có thể lãnh đạo. Chúng ta đừng quên rằng các tông đồ dũng cảm nhất, can đảm nhất chính là các phụ nữ: Mary Magdalene, Mary Salomeì, Mary of Santiago. Họ đã ở lại với Chúa Giêsu cho đến phút cuối cùng,” ngài nói.
Nhà báo CBS sau đó đã hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng “quyết định cho phép các linh mục Công Giáo ban phước lành cho các cặp đồng tính”.
Đức Giáo Hoàng nhanh chóng phủ nhận cách giải thích này.
“Không, điều tôi cho phép không phải là chúc phúc cho sự kết hợp. Điều đó không thể được thực hiện bởi vì đó không phải là… đó không phải là bí tích. Tôi không thể. Chúa đã làm như vậy. Nhưng để ban phước cho mỗi người thì có. Phước lành dành cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Dành cho tất cả mọi người”, Đức Giáo Hoàng nói thế.
3. Tòa Thánh gởi điện chia buồn trước tai nạn của Tổng thống Iran. Vấn đề là các phụ nữ nước này cho rằng Ebrahim Raisi có mối thâm thù với phụ nữ Ba Tư
Đức Giáo Hoàng bày tỏ ‘sự gần gũi thiêng liêng’ với Iran sau cái chết của tổng thống trong vụ tai nạn trực thăng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện chia buồn và hứa cầu nguyện cho Cộng hòa Hồi giáo Iran sau khi tổng thống nước này thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hôm Chúa Nhật.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nằm trong số 8 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng của Không quân Iran ở tỉnh Đông Azerbaijan của nước này vào ngày 19 tháng 5.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.
Trong một bức điện được Đức Thánh Cha Phanxicô ký hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha viết rằng ngài đã gửi “lời chia buồn về cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian, và tất cả những người đã thiệt mạng” trong thảm họa.
Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi xin phó thác linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót của Đấng Toàn Năng, và với những lời cầu nguyện cho những người đang thương tiếc sự mất mát của họ, đặc biệt là gia đình họ, tôi gửi lời bảo đảm về sự gần gũi tinh thần đến đất nước trong thời điểm khó khăn này”.
Bức thư được gửi tới Grand Ayatollah Sayyed Ali Hosseini Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của nước cộng hòa Hồi giáo Iran, hay còn được gọi là Ba Tư.
Đức Thánh Cha đã nói chuyện với Raisi vào tháng 11 năm ngoái khoảng một tháng sau khi cuộc chiến Israel-Hamas bùng nổ. Trong cuộc thảo luận đó, Tổng thống Iran được cho là đã yêu cầu Giáo hoàng sử dụng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc tấn công của Israel ở Gaza.
Raisi được cho là cũng đã buộc Đức Giáo Hoàng phải “giải thích chính xác lập trường liên quan đến kẻ áp bức và người bị áp bức” trong cuộc xung đột. Iran và Israel đã tham gia vào một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” kéo dài hàng thập niên. Thực ra, Tòa Thánh không bênh vực Israel và đã có những căng thẳng gay gắt với Israel khi bênh vực quyền của người Palestine.
Trong khi đó, Amir-Abdollahian đã nói chuyện với Ngoại trưởng Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher vào tháng 10, và hai nhà ngoại giao này cũng thảo luận về cuộc chiến Israel-Hamas.
Mohammad Mokhber, trước đây là phó tổng thống Iran, hiện đang giữ chức quyền tổng thống nước này sau cái chết của Raisi.
Một số phụ nữ Iran cho rằng Tòa Thánh không nên gởi điện chia buồn trước cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi, người mà họ gọi là “tên đồ tể của thành Tehran”, và là “kẻ thù của phụ nữ.”
Ebrahim Raisi được cho là đã tung ra rất nhiều các quy định có tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ, đến mức người ta ngờ rằng ông ấy có mối thù đặc biệt với phụ nữ. Năm 2022, Iran đã chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ khắp đất nước sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trước đó đã bị giam giữ vì bị cáo buộc không đội khăn trùm đầu theo đúng ý thích của chính quyền. Được biết, cô gái 22 tuổi đã chết vào ngày 16 tháng 9 năm 2022 sau khi bị cảnh sát đạo đức của chế độ đánh tới tấp trước khi bỏ rơi cô ta trong tình trạng hôn mê.
Sự phẫn nộ của công chúng về cái chết của Mahsa đã biến thành một cuộc tắm máu với ít nhất 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động, theo một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước Iran.
Cô bị cáo buộc đã bị cảnh sát bắt và đánh đập vì để lộ một số sợi tóc dưới khăn trùm đầu mà phụ nữ Iran bắt buộc phải đội theo luật bất kể người phụ nữ ấy theo Hồi Giáo hay không.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc sau cái chết của cô khi hàng ngàn công dân chán nản tập hợp chống lại luật pháp nghiêm ngặt.
Những phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình đã không đội khăn. Nhiều người thậm chí còn mang khăn ra đốt trên đường phố và chia sẻ video họ xé khăn quàng cổ.
Cuộc đàn áp an ninh kéo dài nhiều tháng sau các cuộc biểu tình đã giết chết hơn 500 người và khiến hơn 22.000 người bị giam giữ.
Sau cái chết của Ebrahim Raisi, nhiều phụ nữ Iran sống ở các nước khác đã tập trung trên các đường phố nhảy múa reo hò. Trong khi đó, trên các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông các phụ nữ Iran đã chia sẻ lý do họ ăn mừng cái chết của Ebrahim Raisi.