1. Quốc hội Ukraine thông qua luật cấm Giáo Hội Chính thống có liên kết với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa làm tuyên úy quân đội

Quốc hội Ukraine vừa thông qua luật cấm Giáo hội Chính thống, có trụ sở trung ương ở quốc gia gây hấn chống Ukraine, là Chính thống Nga, không được bổ nhiệm giáo sĩ làm tuyên úy quân đội nữa.

Hãng tin “Các Giáo hội Đông phương” (Eastern Churches New Service) đưa tin trên đây, hôm 14 tháng Sáu vừa qua.

Trước đây, tại Ukraine, Giáo hội Chính thống Nga chiếm đại đa số. Nhưng từ khi được độc lập khỏi Nga, Giáo hội Chính thống Ukraine ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là kể từ khi được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople, công nhận quyền độc lập hồi năm 2019.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thường được gọi là UOC, cũng tự tuyên bố độc lập với Thượng Phụ Kirill. Chính phủ Ukraine ủng hộ và dành ưu tiên cho Chính thống Ukraine, nhưng có nhiều hạn chế đối với Chính thống trước đây lệ thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa và nay Quốc hội ở Kyiv thông qua luật cấm Giáo hội này bổ nhiệm linh mục tuyên úy quân đội, dù rằng tín hữu quân nhân thuộc Giáo hội này là những công dân Ukraine hoàn toàn và cũng chiến đấu tại mặt trận.

Chính phủ Ukraine vẫn cáo buộc Giáo hội Chính thống, vốn lệ thuộc Mạc Tư Khoa, là vẫn còn bị Chính thống Nga kiểm soát, dù họ đã tuyên bố độc lập với Chính thống Nga.

Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đưa ra các nỗ lực nhằm cấm UOC hoạt động tại Ukraine nhưng không thành công.

Tuy nhiên, xu hướng đưa ra các biện pháp mạnh chống lại UOC lại bùng phát trong những ngày gần đây. Thật vậy, trong một diễn biến lạnh tóc gáy, hôm 8 Tháng Sáu, tại Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tại thành phố St. Petersburg, Giáo sư Sergei Karaganov, cánh tay phải mới của Putin, tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là Đấng Mêsia, vị cứu tinh của thế giới, kẻ sẽ không chỉ giành chiến thắng trước Ukraine mà còn ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Những bình luận kỳ quái của vị giáo sư này cho thấy Điện Cẩm Linh đang đẩy mạnh tuyên truyền ảo tưởng tôn giáo để biện minh cho cuộc chiến máy xay thịt chống lại Ukraine như thế nào.

Thật là quá sức báng bổ khi xưng tụng Putin, một kẻ đã giết hàng triệu người, một tên hoang dâm vô độ, có vô số nhân tình, là Đấng Thiên Sai.

Thượng phụ Kirill, một đồng minh lâu năm của Putin, cũng tham dự cuộc họp. Ông ta đã không bác bỏ tuyên bố của Karaganov thì chớ, lại còn nói trên TV: “Chúa đã sai Vladimir Putin đến cứu lấy đất Nga.”

Cha Ioann Koval, một linh mục Chính Thống Giáo, hiện đang coi sóc một giáo xứ Chính Thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Thượng Phụ Kirill huyền chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Ngài nhận định rằng luận điệu của Giáo sư Sergei Karaganov vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý của các Kitô Hữu.

Sau câu chuyện này, nhiều thành viên Quốc Hội Ukraine cho rằng Chính Thống Giáo Nga đang quay sang thờ Putin chứ không phải là Chúa Kitô. Luật cấm Giáo hội Chính thống có liên kết với Chính Thống Giáo Nga đã được thông qua dễ dàng trong bối cảnh đó.

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng

Sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, giữa những người theo Chúa Kitô là dấu chỉ phản chứng đối với sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và việc truyền giáo. Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề tại Đại Học Tangaza ở Kenya.

Đức Hồng Y Sarah, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích từ năm 2014 đến năm 2021, cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các tín hữu Chúa Kitô khiến họ bị “lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng”, Đức Hồng Y Sarah nói

Đức Hồng Y Sarah kêu gọi những người theo Chúa Giêsu Kitô ở Phi Châu ưu tiên việc tuân thủ sứ điệp Tin Mừng, cho phép các nguyên tắc của đức tin Kitô giáo vượt lên trên tất cả các bản sắc khác, bao gồm bộ lạc, quốc tịch và chủng tộc, cùng các liên kết khác.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo và sau đó với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài diễn văn có tựa đề “Làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ: Nhiệm vụ truyền giáo của Chúa Kitô”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, vị Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta - tôn giáo, sắc tộc và chính trị - dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”, ngài nói.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Fiducia Supplicans, là tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng kể từ khi nó được phát hành vào ngày 18 tháng 12 năm 2023.

Trong một bài suy ngẫm ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y Sarah đã duy trì lập trường trước đây của mình là không chống đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là thân thể của Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ngài đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên hàng giáo sĩ ban phước lành cho “các cặp đồng giới” và các cặp trong “những tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù ngục” của tội lỗi và cần sự thật của “lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói thêm: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi”.

Ngài nói: “Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của Lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và Chúa mong muốn điều đó?”

Sự thiếu rõ ràng của trong Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng, và một số thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”, Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư ngày 6 tháng Giêng, đề cập đến sự chia rẽ do các khuyến nghị của Fiducia Supplicans gây ra.

Trong bài phát biểu tại Kenya, Đức Hồng Y Sarah đã liên kết sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô với sự tiến bộ. Ngài nói: “Chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và chay tịnh”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và chay tịnh, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác. Ngài kỷ luật chúng ta, vì vậy chúng ta không cho phép những khác biệt nhỏ ngăn cản chúng ta làm việc cùng nhau theo mọi cách được phép”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”


Source:National Catholic Register

3. Cảm giác “Tháp Ngà” trong tài liệu 'Giám mục Rôma' của Vatican

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bài phân tích nhan đề “Vatican’s ‘Bishop of Rôma’ Document Has an ‘Ivory Tower’ Feel”, nghĩa là “Cảm giác “Tháp Ngà” trong tài liệu 'Giám mục Rôma' của Vatican” đăng trên tờ National Catholic Register ngày 14 tháng Sáu, 2024, ngài nhận định rằng những đề xuất của Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo có vẻ khá xa vời với thực tế của sự hiệp nhất Kitô giáo ngày nay.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Giám mục Rôma”, một tài liệu nghiên cứu của Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và phong trào đại kết trong đó kết hợp báo cáo chi tiết về những phát triển thần học gần đây với những đề xuất phớt lờ những phát triển quan trọng của Giáo hội trong vài năm qua.

Trong thông điệp Ut Unum Sint, nghĩa là “Để họ nên một”, được công bố vào năm 1995, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi các giáo hội Kitô khác và các cộng đồng giáo hội suy nghĩ lại về cách thức thừa tác vụ Phêrô có thể được thực thi nhằm phục vụ sự hiệp nhất Kitô giáo lớn hơn. Đó là một lời mời gọi táo bạo nhưng không tạo ra phản ứng đáng kể từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác.

Vào năm 2020, nhân kỷ niệm 25 năm ban hành thông điệp, Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo đã bắt đầu quá trình tham vấn kéo dài nhiều năm để đưa ra tài liệu 43.000 từ hiện tại. Không nhận được phản hồi thực tế từ các hệ phái Kitô giáo khác, bộ quyết định ủy thác phản hồi của riêng mình từ hiệp hội thần học.

Bộ mô tả nó là “thành quả của gần ba năm làm việc thực sự mang tính đại kết và đồng nghị”:

“Nó tóm tắt khoảng 30 câu trả lời cho Ut Unum Sint và 50 tài liệu đối thoại đại kết về chủ đề này. Nó không chỉ có sự tham gia của các viên chức mà còn có sự tham gia của 46 Thành viên và Cố vấn của Bộ, những người đã thảo luận về vấn đề này tại hai Phiên họp Toàn thể. Các chuyên gia Công Giáo giỏi nhất về chủ đề này đã được tham khảo ý kiến, cũng như nhiều chuyên gia Chính thống giáo và Tin lành, phối hợp với Viện Nghiên cứu Đại kết Angelicum.”

Một cuộc khảo sát về nghiên cứu gần đây nhất chắc chắn rất hữu ích cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Việc tìm hiểu lý do tại sao lời mời của Đức Gioan Phaolô hầu như không được chú ý là điều cần thiết. Nhưng những đề xuất – và chúng chỉ là những đề xuất – từ Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo có cảm giác như “tháp ngà”, khá xa rời thực tế của sự hiệp nhất Kitô giáo ngày nay.

Tính đồng nghị không phải là một giải pháp

Tiêu đề đầy đủ của tài liệu gợi ý những giả định về việc mọi thứ có thể diễn ra như thế nào hơn là chúng thực sự như thế nào: “Giám mục Rôma: Tính ưu việt và tính đồng nghị trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời cho Thông điệp Ut Unum Sint”.

Tính đồng nghị hiện đang là mốt thịnh hành ở Rôma, nhưng chưa bao giờ được đề cập đến trong Ut Unum Sint. Hơn nữa, tính đồng nghị ngày nay không tạo ra sự hiệp nhất mà tạo ra sự chia rẽ. Các cơ cấu đồng nghị đã có từ lâu, và do đó không phải tính đồng nghị luôn tạo ra sự chia rẽ, nhưng trong trường hợp hiện nay, nó đang gây ra chia rẽ.

Việc Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo đề xuất rằng tính đồng nghị lớn hơn sẽ dẫn đến sự hiệp nhất Kitô giáo đã bỏ qua những phát triển quan trọng trong thế giới Kitô giáo, diễn ra ngay cả khi thánh bộ đang tập hợp các tài liệu nghiên cứu của mình:

Các Giáo hội Chính thống - được điều hành bởi tính đồng nghị - không còn hiệp thông với nhau nữa. Mạc Tư Khoa, Giáo hội Chính thống lớn nhất, đã rút phép thông công Constantinople và Kyiv.

Tương tự bị bỏ qua là thực tế là vào năm 2023, nhiều linh trưởng Anh giáo - chiếm 80% Cộng đồng Anh giáo toàn cầu - đã tuyên bố rằng họ không còn công nhận Tổng Giám mục Canterbury là “công cụ của sự hiệp thông”. Vatican đã chọn cách giả vờ rằng điều này đơn giản là không hề xảy ra, đầu năm nay đã tổ chức cuộc họp của Tổng Giám mục Justin Welby và các linh trưởng như thể không có gì thay đổi. Nhưng Cộng đồng Anh giáo - cũng được điều hành bởi tính đồng nghị thông qua các thượng hội đồng - không còn tồn tại nữa.

Giáo hội Chính thống Coptic - một Giáo hội đồng nghị khác - đã cắt đứt quan hệ đại kết với Rôma chỉ vài tháng trước đây vì cho là Vatican chấp thuận chúc lành cho các cặp đồng giới qua Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Tiến trình “Con đường Thượng hội đồng” ở Đức đã tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng giữa Đức Thánh Cha và các giám mục Đức. Tính đồng nghị hiện đang làm xói mòn sự hiệp nhất nội bộ Công Giáo. Vậy thì tại sao Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo lại đề xuất mở rộng thêm?

Trong một vài tuần nữa, nghi lễ Công Giáo lớn thứ hai ở phương Đông, Nhà thờ Syro-Malabar, có thể phải đối mặt với vạ tuyệt thông của nhiều linh mục vì một tranh chấp phụng vụ kéo dài. Nếu xảy ra vạ tuyệt thông hàng loạt thì có thể xảy ra ly giáo. Nhà thờ Syro-Malabar được điều hành bởi tính đồng nghị.

Tính đồng nghị có thể đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của nó. Nhiệm vụ cấp bách của các mục tử Kitô giáo là hạn chế thiệt hại chứ không phải mở rộng ảnh hưởng của nó.

Tài liệu nghiên cứu nói về tính đồng nghị và tính ưu việt bằng những thuật ngữ trừu tượng. Thực tế của thế kỷ 21 là sự chia rẽ chứ không phải sự thống nhất. Về mặt lý thuyết, có thể việc thực thi tính đồng nghị nhiều hơn về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng có thể dẫn đến tiến bộ đại kết, nhưng điều đó đơn giản không xảy ra ngày nay cũng như trong tương lai gần. Vì vậy, tài liệu của Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo vẫn là một công việc mang tính trí tuệ thú vị, nhưng ngày nay không có ứng dụng mục vụ nào cả.

Cũng nên nhớ rằng thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm 2023 đã phát hiện ra rằng không có sự đồng thuận nào về ý nghĩa của tính đồng nghị. Thật vậy, một nhóm làm việc của Vatican đã bị tấn công vào đầu năm nay khi cố gắng tìm ra ý nghĩa cho tính đồng nghị. Nếu Vatican không hiểu tính đồng nghị nghĩa là gì, thì điều đó không thể hữu ích trong việc suy nghĩ lại về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong bối cảnh đồng nghị.

Vatican I và Vatican II

Trong khi Công đồng Vatican I (1869-1870) được biết đến nhiều nhất với định nghĩa về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, thì giáo huấn của Vatican I về “quyền tài phán phổ quát” lại quan trọng hơn trong đời sống hàng ngày của Giáo hội.

Vatican I đã làm rõ rằng Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền đối với toàn bộ Giáo hội - quyền lực đầy đủ, ngay lập tức và thông thường. Chắc chắn đó là một cách giải thích theo chủ nghĩa tối đa về sứ vụ Phêrô. Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo cho rằng điều này có thể gây ra vấn đề và thay vào đó đề xuất:

“Giáo Hội Công Giáo đưa ra một sự 'tiếp nhận lại', 'tái giải thích', 'giải thích chính thức', 'bình luận cập nhật' hoặc thậm chí 'viết lại' những giáo huấn của Vatican I. Thật vậy, một số cuộc đối thoại nhận thấy rằng những giáo huấn này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lịch sử của chúng. bối cảnh, và gợi ý rằng Giáo Hội Công Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý hướng ban đầu nhưng được tích hợp vào nền giáo hội học hiệp thông và thích nghi với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay.”

“Diễn đạt lại” giáo huấn của một công đồng đại kết là một nhiệm vụ quan trọng, điều mà một công đồng đại kết khác có thể mong muốn đảm nhận. Thật may mắn cho Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, Vatican II đã thực hiện chính xác điều đó, bổ sung cho giáo huấn của Vatican I về sứ vụ Giáo Hoàng với tính đoàn thể của các giám mục, những người cùng nhau sống tình cộng đoàn của Giáo hội. Vào năm 1995, Đức Gioan Phaolô đã nghĩ chính xác rằng nền giáo hội học hiệp thông của Vatican II đã đưa ra con đường tiến tới. Đó dường như là một con đường hiệu quả hơn là việc xây dựng lại giáo huấn của Vatican I.

Phải chăng là một bước lùi?

Một ví dụ khác cho thấy tài liệu nghiên cứu bỏ qua thực tế hiện tại là Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện hai bước lùi quan trọng liên quan đến đường lối hiệp thông của Vatican II.

Đầu tiên, việc ngài loại bỏ hàng loạt giám mục. Chắc chắn là việc kỷ luật và cách chức các giám mục thường khá phổ biến; nhiều tiếng nói cho rằng Đức Thánh Cha nên làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, việc bãi nhiệm một giám mục, đặc biệt nếu quá trình này diễn ra mờ mịt hoặc tùy tiện, lại được tinh thần của Vatican I sinh động hơn là Vatican II. Những Kitô Hữu hiện đã tách khỏi Rôma có thể sẽ không quan tâm đến quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng có thể sa thải các giám mục cấp địa phương.

Thứ hai, trong cuộc cải cách Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định rằng việc quản lý có thể được thực hiện bởi giáo dân, nghĩa là quyền lực đó không đến từ chức vụ giám mục, mà là từ sự ủy quyền của chính Đức Thánh Cha. Đó là một quan điểm gây nhiều tranh cãi và chưa được giải quyết chính thức giữa các chuyên gia giáo luật Công Giáo.

Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng quyền lực xuất phát từ sự ủy nhiệm của Giáo hoàng chứ không phải là sự chia sẻ quyền kế vị tông đồ là một bước lùi từ Vatican II tới Vatican I. Không chắc rằng đường lối lạc hậu như vậy sẽ hấp dẫn các Kitô hữu khác liên quan đến việc thực thi sứ vụ giáo hoàng..

“Tài liệu nghiên cứu” là một đóng góp học thuật hữu ích. Nhưng phải chăng đó chỉ là loại công trình thần học mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường chê bai là “thần học bàn giấy”, xa rời đời sống thực tế của người Kitô hữu.


Source:National Catholic Register