1. Nga mất 35 hệ thống pháo binh, 118 xe và 1.340 quân trong một ngày: Kyiv
Lực lượng của Vladimir Putin được cho là đã mất hơn một ngàn quân, hàng chục hệ thống pháo binh và hơn một trăm xe trong một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở cả hai bên chiến tuyến của Ukraine, số người chết ngày càng tăng trong hàng ngũ quân đội Nga đặt ra câu hỏi liệu Putin có thể duy trì hoạt động tốn kém này được bao lâu nữa.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã công bố số liệu mới nhất về “thiệt hại trong chiến đấu của đối phương”.
Theo ước tính, Quân đội Nga đã mất 118 xe quân sự từ ngày 19 tháng 9 đến ngày 20 tháng 9, bao gồm 20 xe tăng, 39 xe chiến đấu bọc thép và 59 xe chở nhiên liệu, nâng tổng số xe bị mất trong cuộc chiến cho đến nay lên hơn 50.000.
Khoảng 35 hệ thống pháo cũng đã bị Kyiv phá hủy trong giai đoạn này, nâng tổng số hệ thống pháo bị phá hủy lên hơn 18.212, cũng như 52 máy bay điều khiển từ xa, nâng tổng số máy bay điều khiển từ xa của Nga bị mất trong cuộc chiến lên 15.469.
Theo Kyiv, Nga cũng mất 1.340 quân nhân từ thứ năm đến thứ sáu.
Mặc dù vẫn thấp hơn con số kỷ lục 1.740 quân mà Nga mất vào ngày 12 tháng 5, trong giai đoạn giao tranh dữ dội ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, con số mới nhất là cao nhất kể từ ngày 9 tháng 9 khi 1.380 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến và nằm trong số những ngày thiệt hại nặng nề nhất đối với lực lượng Mạc Tư Khoa kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.
Theo ước tính của Kyiv, điều này nâng tổng số quân Nga thiệt hại lên tới 639.480.
Cho đến nay BBC đã xác minh được danh tính của 70.112 tử sĩ với sự trợ giúp của hãng truyền thông độc lập Mediazona của Nga.
BBC cảnh báo rằng con số thực tế có thể “cao hơn rất nhiều lần”, vì họ chỉ có thể xác nhận số ca tử vong thông qua cáo phó được công bố trên phương tiện truyền thông Nga và trực tuyến, sau đó được xác minh với chính quyền hoặc người thân của người đã khuất.
Ngoài tổn thất về người và tinh thần của quân đội, nền kinh tế Nga cũng đang cảm nhận được sức ép từ cuộc xâm lược tốn nhiều vốn này.
Theo Bộ Tài chính Ukraine, sử dụng dữ liệu từ Quân đội, Bộ Quốc phòng và Forbes Ukraine, Nga đã mất khoảng 70,7 tỷ đô la trang thiết bị kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, tương đương với mức trung bình mỗi ngày chỉ hơn 75 triệu đô la.
Về tổng chi phí của cuộc xâm lược, một quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ đã nói với các phóng viên vào tháng 2 rằng Nga “có lẽ đã chi 211 tỷ đô la” cho cuộc chiến cho đến thời điểm đó, cùng với 1,3 ngàn tỷ đô la cho “tăng trưởng kinh tế dự kiến trước đó đến năm 2026”.
Chi phí này còn tăng thêm do các lệnh trừng phạt áp đặt lên chế độ Putin kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, bao gồm các hạn chế xuất khẩu, đóng băng tài sản của Nga tại các ngân hàng nước ngoài và lệnh cấm các quốc gia khác nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Trong khi Nga đã nỗ lực để lách các lệnh cấm vận này, nền kinh tế Nga đang trong tình trạng khốn cùng, kết hợp với số liệu thương vong ngày càng tăng, đặt ra câu hỏi Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga có thể kéo dài được bao lâu.
[Newsweek: Russia Loses 35 Artillery Systems, 118 Vehicles and 1,340 Troops in a Day: Kyiv]
2. Nga cho biết 101 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ trong đêm trong một cuộc tấn công cường tập, có các vụ nổ tại các kho đạn dược
Hôm Thứ Bẩy, 21 Tháng Chín, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã bắn hạ và đánh chặn 101 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm, trong khi các vụ nổ được báo cáo tại các kho đạn dược ở Krasnodar Krai và Tver.
Một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở quận Tikhoretsk thuộc vùng Krasnodar Krai của Nga đã gây ra các vụ nổ lớn, Veniamin Kondratyev, thống đốc khu vực, báo cáo vào sáng Thứ Bẩy, 21 Tháng Chín.
Theo tờ Washington Post, quận Tikhoretsk có một kho đạn dược lớn đã được mở rộng trong năm qua để tiếp nhận các chuyến hàng đạn dược từ Bắc Hàn.
Các đơn vị phòng không Nga đã chặn hai máy bay điều khiển từ xa trên quận Tikhoretsk vào ngày 21 tháng 9, Kondratyev cho biết. “Các mảnh vỡ rơi xuống của một trong số các kho đạn đã gây ra hỏa hoạn lan sang các đối tượng nổ làm bùng lên một vụ nổ.”
Kondratyev cho biết người dân địa phương đang được di tản khỏi khu vực gần vụ nổ.
Trong khi Kondratyev không nêu rõ địa điểm xảy ra vụ nổ, kênh tin tức Astra của Telegram Nga đưa tin rằng kho đạn dược Tikhoretsk đã bị tấn công.
Theo Astra, một kho đạn dược ở làng Oktyabrsky thuộc Tver cũng bị tấn công vào đêm qua. Kho đạn dược này nằm gần một kho vũ khí ở Toropets, là một trong những kho vũ khí lớn nhất của Nga, đã bị máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công vào ngày 18 tháng 9.
Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Estonia cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào kho vũ khí của Nga ở Toropets, Tver đã phá hủy số đạn dược đủ dùng trong 3 tháng
Chính quyền địa phương ở Tỉnh Tver báo cáo rằng một số lượng máy bay điều khiển từ xa không xác định đã bị bắn hạ trong khu vực nhưng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về hậu quả của cuộc tấn công.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, 53 máy bay điều khiển từ xa đã bị chặn trên vùng Bryansk, 18 trên vùng Krasnodar, 16 trên biển Azov, 5 trên vùng Kaluga và 9 trên vùng Kursk và Smolensk và Crimea bị Nga tạm chiếm.
[Kyiv Independent: Russia says 101 drones downed overnight, explosions reported at ammunition depots]
3. Cựu Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Moldova bị buộc tội phản quốc vì cáo buộc làm gián điệp cho Nga
Igor Gorgan, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Moldova, đã bị buộc tội phản quốc, Đài phát thanh Âu Châu Tự do/Đài phát thanh Tự do đưa tin hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, trích dẫn thông tin từ các công tố viên nước này.
Văn phòng Công tố chống tội phạm có tổ chức và các vụ án đặc biệt cho biết Gorgan “bị buộc tội trong vụ án liên quan đến cáo buộc làm gián điệp cho Nga”.
Trang tin điều tra The Insider đưa tin vào tháng 6 rằng Gorgan đã là người cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo quân sự Nga, gọi tắt là GRU, trong nhiều năm.
Sĩ quan người Moldova này từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng từ năm 2013 đến năm 2016 và được bổ nhiệm lại vào vị trí này vào năm 2019 dưới thời Tổng thống thân Nga Igor Dodon trước khi mất chức vào năm 2021 theo yêu cầu của Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu.
Ngay cả sau khi mất chức, vị tướng này vẫn sử dụng các mối quan hệ của mình tại Bộ Quốc phòng và chuyển thông tin nhạy cảm về Moldova và Ukraine cho Nga, The Insider đưa tin.
Nội dung này được cho là bao gồm thông tin tình báo về các tuyến viện trợ quân sự từ Rumani đến Ukraine và tình hình chính trị ở Moldova.
Mặc dù không rõ sự hợp tác giữa Gorgan và GRU bắt đầu khi nào, nhưng hoạt động giao tiếp chung của họ được cho là trở nên đặc biệt tích cực vào tháng 4 năm 2022, tức là ngay sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine nổ ra.
Sau cuộc điều tra của giới truyền thông, chính quyền Moldova đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc truyền dữ liệu liên quan đến hệ thống phòng thủ quốc gia. Các công tố viên cho biết cuộc điều tra về “bản chất và nội dung của thông tin được cho là đã truyền” vẫn đang được tiến hành.
Gorgan đã phủ nhận những cáo buộc và gọi cuộc điều tra của giới truyền thông là giả mạo.
Chisinau đã ủng hộ Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện và trấn áp các hoạt động phá hoại của Nga trong nước, trục xuất hàng chục nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán vào tháng 7 năm 2023 sau khi phát hiện ra các hoạt động gián điệp.
Cuộc xâm lược của Nga đã làm dấy lên lo ngại ở Moldova về khả năng lan rộng của các cuộc xung đột, cụ thể là thông qua khu vực Transnistria của Moldova bị Nga tạm chiếm.
[Kyiv Independent: Moldova's ex-military chief charged with treason over alleged espionage for Russia]
4. Những người đàn ông Ghana bị dụ dỗ chiến đấu cho Nga kêu gọi sự giúp đỡ từ bên trong Ukraine bị tạm chiếm
Những thành viên còn sống sót trong nhóm 14 người đàn ông Ghana bị dụ vào quân đội Nga để chiến đấu chống lại Ukraine đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Tỉnh Donetsk bị Nga tạm chiếm, kênh tin tức Ghana TV3 đưa tin hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín.
Nga vẫn tiếp tục cố gắng bổ sung quân đội bằng người nước ngoài và lao động nhập cư để tránh phải huy động quân trong nước thêm một lần nữa khi tổn thất từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine ngày càng gia tăng.
Theo TV3, những người đàn ông này đến Nga vào ngày 6 tháng 8 và được đưa đến Kostroma, một thành phố ở phía tây nước Nga, cách Mạc Tư Khoa 300 km về phía đông bắc.
Một người đàn ông khác từ Ghana được cho là chịu trách nhiệm dụ dỗ nhóm này, hứa hẹn cho họ những công việc được trả lương cao ở Nga. Những người đàn ông này cho biết họ đã tự trả tiền vé máy bay và thị thực và được thông báo rằng họ sẽ nhận được một công việc làm trong ngành an ninh, nhưng trước tiên sẽ được quân đội đào tạo.
Những người đàn ông này cho biết sau đó họ đã ký một hợp đồng bằng tiếng Nga, một ngôn ngữ mà không ai trong số họ nói được, và hộ chiếu của họ sau đó đã bị tịch thu.
Ba người đàn ông trong nhóm nói với TV3 rằng họ đang bị giam giữ trái ý muốn tại Tỉnh Donetsk bị Nga tạm chiếm và họ tin rằng họ có thể là những thành viên duy nhất còn sống sót trong nhóm ban đầu gồm 14 người.
Những thành viên khác trong nhóm được cho là đã bị bắt đi chiến đấu và một người đàn ông đã trốn thoát, nhưng không rõ tung tích.
“Chúng tôi hiện đang ở Ukraine... chúng tôi không có kinh nghiệm chiến đấu,” một người đàn ông nói với TV3. “Chúng tôi đang cầu xin, chúng tôi muốn trở về nhà.”
Gia đình của 14 người đàn ông đã kêu gọi Trụ sở Cảnh sát Ghana giúp đỡ, nhà báo Godwin Asediba của TV3 đăng trên X vào ngày 20 tháng 9.
Những trường hợp tương tự về người nước ngoài bị dụ dỗ vào quân đội Nga đã được báo cáo ở Ấn Độ, Ai Cập, Nepal và Cuba, bất chấp những nỗ lực từ các quốc gia này nhằm trấn áp các đường dây buôn người và các chương trình tuyển dụng đưa người đàn ông đến Nga.
Bloomberg đưa tin vào tháng 6 rằng Nga đã ép buộc sinh viên và người di cư Phi Châu chiến đấu bằng cách đe dọa sẽ thu hồi thị thực nếu họ không đồng ý tham gia quân đội.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin vào ngày 12 tháng 9 rằng 45 người Ấn Độ bị lừa tham gia quân đội Nga chiến đấu ở Ukraine đã được thả sau khi chính phủ Ấn Độ can thiệp, và Putin đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 7.
[Kyiv Independent: Ghanaian men lured to fight for Russia appeal for help from inside occupied Ukraine]
5. Đức chuyển giao hơn 20 xe tăng Leopard 1, pháo phòng không Gepard và nhiều viện trợ khác cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, cho biết hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, rằng Berlin đã bàn giao xong 22 xe tăng Leopard 1 A5, 61.000 viên đạn 155 ly, ba pháo phòng không tự hành Gepard cùng các bộ phận thay thế và các thiết bị khác trong đợt cung cấp viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Đợt tiếp nhận này cũng bao gồm năm xe địa hình Bandvagn 206, hai radar giám sát trên không TRML-4D và một xe chở quân địa hình bánh xích Warthog, cũng như 112 xe từ kho vũ khí của Bundeswehr và các ngành công nghiệp.
Ukraine đã nhận được 30 máy bay điều khiển từ xa Vector, 20 máy bay điều khiển từ xa trinh sát Heidrun RQ-35, 12 máy bay điều khiển từ xa Songbird, sáu máy bay điều khiển từ xa Hornet XR và 20 thuyền điều khiển từ xa.
Berlin còn chuyển giao ba xe tăng đặt cầu Beaver cùng các phụ tùng thay thế, một xe thiết giáp công binh Dachs cùng các phụ tùng thay thế và sáu xe tăng rà phá mìn Wisent 1.
22 xe tăng Leopard 1 A5 cùng phụ tùng thay thế được chuyển giao theo sáng kiến chung với Đan Mạch.
Ban đầu là một đối tác còn do dự, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Hoa Kỳ, mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn còn ngần ngại cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là hỏa tiễn tầm xa Taurus.
Theo ngân sách liên bang đã được thống nhất, viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine sẽ bị cắt giảm một nửa vào năm tới khi so sánh với năm 2024. Berlin đã phân bổ khoảng 8 tỷ euro hay 8,7 tỷ đô la, cho Kyiv vào năm 2024, trong khi mức hỗ trợ cho năm tới hiện được ấn định ở mức 4 tỷ euro hay 4,35 tỷ đô la.
[Kyiv Independent: Germany delivers over 20 Leopard 1 tanks, Gepard anti-aircraft guns, other aid to Ukraine]
6. Báo cáo cho thấy Nga đã biết về kế hoạch Kursk của Ukraine trong nhiều tháng nhưng không hành động
Theo các tài liệu mới được tiết lộ của Nga, Mạc Tư Khoa đã biết về kế hoạch tấn công bất ngờ của Ukraine vào khu vực phía Tây Kursk từ năm 2023.
Đã 45 ngày trôi qua kể từ cuộc đột kích, cho đến nay Nga vẫn chưa thể đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi các vùng lãnh thổ phía Tây và buộc phải di tản khỏi các thị trấn và chuyển quân khỏi tiền tuyến để ngăn chặn bước tiến của Kyiv.
Trong khi vẫn còn nhiều đồn đoán xung quanh mục tiêu, cuộc đột kích Kursk đã phơi bày sự hỗn loạn đang hoành hành trong bộ chỉ huy quân sự Nga và gây áp lực lên giới lãnh đạo chính trị nước này.
Trong một diễn biến có thể phơi bày hơn nữa tình trạng hỗn loạn của Nga, Vladimir Putin đã chấp thuận một kế hoạch đặt thuốc nổ tại các con đập ở tỉnh Belgorod của nước này. Nhiều người cho rằng biện pháp kịch tính này có thể là nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công xuyên biên giới khác tiến sâu vào lãnh thổ Nga qua ngã Belgorod.
Theo các tài liệu mà quân đội Ukraine thu thập được và chia sẻ với The Guardian, bộ chỉ huy quân sự Nga đã lường trước được cuộc tấn công của Ukraine vào ngày 6 tháng 8 nhưng không hành động theo cảnh báo từ những người trong khu vực.
Các tài liệu mà Ukraine cho biết đã thu giữ được từ các tòa nhà bỏ hoang ở khu vực Kursk bị tạm chiếm có niên đại từ cuối năm 2023 đến chỉ sáu tuần trước cuộc xâm nhập.
Những điều này bao gồm cảnh báo về “khả năng đột phá tại biên giới quốc gia” của Ukraine, cùng các lệnh tăng cường nhân sự và tổ chức để chuẩn bị cho quân đội ứng phó với khả năng đó.
Tờ Guardian cho biết chúng có vẻ là những thông tin liên lạc quân sự thực sự, chủ yếu từ các đơn vị thuộc Trung đoàn súng trường cơ giới cận vệ 488 của Nga.
Những lo ngại cụ thể về việc Ukraine chiếm thành phố Sudzha và phá hủy các cây cầu bắc qua sông Seym sau đó đã trở thành sự thật, cũng như những cảnh báo rằng lực lượng đồn trú ở biên giới là “lực lượng dự bị có trình độ huấn luyện yếu”.
Bất chấp những cảnh báo này, theo Kyiv, Ukraine cho biết họ có thể kiểm soát 1300km vuông lãnh thổ của Nga cho đến nay và cuộc tấn công xuyên biên giới dường như mang dấu hiệu bất ngờ đối với bộ chỉ huy quân sự của Nga.
Vào giữa tháng 8, Tướng Christopher Cavoli đã ca ngợi “sự bất ngờ về mặt hoạt động và chiến thuật” mà Ukraine đạt được trong cuộc tấn công, đồng thời chỉ trích phản ứng của Nga là “chậm chạp và rải rác”.
Vladimir Putin đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến sau vài tuần diễn ra chiến dịch của Ukraine, trong đó ông chỉ trích các cơ quan an ninh của nước này về tình hình ngày càng xấu đi “hiện đang diễn ra ở các khu vực biên giới”.
Gần đây hơn, Nga đã tổ chức một chiến dịch phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine, với thời hạn chót là ngày 1 tháng 10.
Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đơn vị theo dõi diễn biến cuộc tấn công của Ukraine kể từ ngày 6 tháng 8, lời khai của các blogger quân sự Nga cho thấy Nga có khả năng đã chiếm lại được một thị trấn duy nhất, nhưng một số thị trấn khác lại rơi vào tay quân Ukraine.
Lực lượng của Kyiv đã có thể “đè bẹp” lực lượng phản công này của Nga và điều này chứng tỏ ưu thế của quân đội họ.
[Newsweek: Russia Knew About Ukraine's Kursk Plan for Months, Failed To Act: Report]
7. Điện Cẩm Linh bắt đầu điều tra hình sự đối với tổng biên tập của cơ quan truyền thông độc lập Novaya Gazeta Europe của Nga
Ủy ban điều tra Nga đã bắt đầu cuộc điều tra hình sự đối với Kirill Martynov, tổng biên tập của tờ báo truyền thông độc lập Novaya Gazeta Europe của Nga, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết như trên hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín.
Ủy ban điều tra được cho là đã cáo buộc Martynov “đang tiến hành các hoạt động của một tổ chức không mong muốn”.
Novaya Gazeta Europe là một nhánh của tờ báo Nga Novaya Gazeta. Tờ báo này được thành lập tại Latvia ngay sau khi cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra và sau đó là cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận của Nga. Novaya Gazeta đã bị tước giấy phép truyền thông tại Nga vào tháng 9 năm 2022.
Vào tháng 6 năm 2023, Văn phòng Tổng công tố Nga tuyên bố Novaya Gazeta Europe là một tổ chức “không mong muốn”.
Luật về các tổ chức “không mong muốn” đã có hiệu lực từ năm 2015 và được sử dụng để nhắm vào những đối tượng bị coi là đối thủ của chế độ Putin, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông độc lập, các nhóm nhân quyền và nhiều tổ chức khác.
Chính phủ Nga đã thông qua luật vào tháng 5, mở rộng danh sách các tổ chức “không mong muốn” để bao gồm cả những tổ chức được nước ngoài tài trợ.
Sau vụ kiện tiếp theo do các tổ chức Nga hoạt động bên ngoài đất nước đệ trình, Tòa án Nhân quyền Âu Châu đã phán quyết rằng luật mở rộng này vi phạm Công ước Âu Châu về Nhân quyền.
Các tổ chức “không mong muốn” bị cấm hoạt động tại Nga và việc cá nhân hoặc các phương tiện truyền thông khác chia sẻ nội dung của họ là bất hợp pháp. Những người lãnh đạo các tổ chức như vậy có thể phải đối mặt với án tù lên tới sáu năm và các thành viên có thể bị phạt tù lên tới bốn năm.
[Kyiv Independent: Kremlin begins criminal investigation into chief editor of Russian independent media outlet Novaya Gazeta Europe]
8. 'Đó là vấn đề cá nhân' — Tại sao Đức vẫn từ chối gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine
Trong khi Washington và Luân Đôn đang phải đối mặt với áp lực cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng các hỏa tiễn do phương Tây sản xuất hiện có trong nước này, Berlin thậm chí vẫn tiếp tục từ chối cung cấp các hỏa tiễn như vậy.
“Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm và những gì chúng tôi sẽ không làm. Quyết định này sẽ không thay đổi”, Scholz cho biết hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín. Ông khẳng định vẫn kiên quyết từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus của nước này cho Ukraine.
Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer không dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp trên lãnh thổ Nga trong cuộc gặp tại Washington.
Vào mùa xuân, Washington xác nhận rằng họ đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS). Trước đó, Kyiv đã nhận được hỏa tiễn có thể bay xa tới 160 km, và lô mới bao gồm các hỏa tiễn tiên tiến có tầm bắn lên tới 300 km.
Nhưng việc chuyển giao hỏa tiễn Taurus của Berlin thì không diễn ra sau đó.
Trước đó, Đức đã đi theo Hoa Kỳ trong việc bàn giao hệ thống phòng không Patriot đầu tiên vào đầu năm 2023 và các xe tăng chiến đấu được mong đợi từ lâu.
Khi Kyiv bất ngờ tấn công vào Kursk của Nga, chiến dịch này đã nhận được sự ủng hộ từ Berlin. Bộ Quốc phòng Đức cho biết Ukraine “tự do lựa chọn” vũ khí để sử dụng bên trong nước Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Berlin vẫn tiếp tục trì hoãn yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp mảnh ghép cuối cùng, đó là hỏa tiễn có thể nhắm vào quân đội Nga ở phía sau.
“Một kịch bản ác mộng đối với Scholz là Ukraine sẽ sử dụng Taurus để tấn công các mục tiêu chính trị nhạy cảm bên trong nước Nga. Scholz lo ngại rằng điều này có thể leo thang chiến tranh và đẩy Đức vào tình trạng thù địch trực tiếp với Nga”, Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, chuyên về công nghệ hỏa tiễn, đã nói với tờ Kyiv Independent vào đầu mùa xuân này.
“Về cơ bản, điều này có nghĩa là Scholz bị hạn chế do thiếu ý chí chính trị, xuất phát từ việc không tin tưởng vào giới lãnh đạo Ukraine sẽ không phá vỡ bất kỳ lời hứa nào.”
Một quyết định chính trị
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho rằng việc Đức từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine có liên quan đến động thái đe dọa hạt nhân của Putin.
“Theo tôi hiểu, thủ tướng nói rằng Đức không phải là quốc gia hạt nhân và rằng hỏa tiễn Taurus là hệ thống vũ khí mạnh nhất ở Đức”, tổng thống Ukraine phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild.
Trong những bình luận gần đây, Putin tuyên bố rằng việc bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga có nghĩa là NATO đang “có chiến tranh” với Mạc Tư Khoa. Nga liên tục đưa ra những lời đe dọa không thành hiện thực.
Được thiết kế để tấn công các mục tiêu được chôn sâu dưới lòng đất và bảo vệ vững chắc bằng các khối bê tông kiên cố, chẳng hạn như các sở chỉ huy và các cây cầu, hỏa tiễn hành trình Taurus có thể tấn công mục tiêu cách xa 500 km, vượt trội hơn khả năng của các hệ thống tầm xa khác của phương Tây mà Ukraine đang sử dụng.
Ngoài ATACMS, Ukraine còn nhận được hỏa tiễn Storm Shadow của Anh, cùng với hỏa tiễn tương đương của Pháp, hỏa tiễn SCALP, có tầm bắn lên tới 250 km. Kho vũ khí này đã giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, bao gồm cả Crimea.
Kyiv đã nhiều lần hứa sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp nếu không có sự chấp thuận chính thức. Berlin dường như không quan tâm.
Trong số những lý do Scholz đưa ra để không cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine là lý do được cho là không thể sử dụng chúng nếu không có sự tham gia của binh lính Đức, nhưng lý do này đã bị bác bỏ.
“Vào thời điểm này, nó thậm chí đã trở thành thứ mà bạn có thể gọi là vấn đề cá nhân của thủ tướng,” Jessica Berlin, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu (CEPA), cho biết. “Có một yếu tố cá nhân liên quan đến các cân nhắc chính trị khác. Đó không phải là động lực duy nhất của quyết định, nhưng chắc chắn đóng một vai trò nào đó.”
Dư luận phản đối Ukraine
Một năm trước cuộc bầu cử quốc hội Đức, phần lớn người Đức ủng hộ quyết định của Scholz không cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine.
Cuộc thăm dò do Viện Forsa thực hiện vào tháng 4 theo yêu cầu của kênh truyền hình Đức RTL cho thấy chỉ có 37% người Đức ủng hộ việc chuyển giao Taurus cho Kyiv, trong khi 56% phản đối động thái này.
Đồng thời, theo cuộc thăm dò của kênh truyền hình ZDF vào tháng 2, 62% người Đức ủng hộ các nước Âu Châu cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho Kyiv, trong khi 32% phản đối.
Jessica Berlin cho biết sự ủng hộ của Đức đối với việc cung cấp Taurus đã giảm trong các cuộc thăm dò, một phần là do thiếu quyết đoán, rõ ràng và lãnh đạo chính trị. Điều này tạo ra một môi trường chín muồi cho tuyên truyền và tường thuật của Nga về “leo thang”, mà không có chiến lược nào của Đức để chống lại hiệu quả, theo chuyên gia.
“Nếu công chúng Đức hiểu đầy đủ bản chất của tình hình và bản chất của mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt từ Nga, họ sẽ bớt sợ hãi khi giúp Ukraine tự vệ bằng vũ khí của Đức, và họ sẽ hiểu rằng đầu tư vào quốc phòng của Ukraine cũng chính là đầu tư vào quốc phòng của Đức.”
Christian Mölling, một chuyên gia an ninh tại Quỹ Bertelsmann có trụ sở tại Đức, nói với tờ Kyiv Independent rằng “mọi người về cơ bản đã từ bỏ việc tranh luận về Taurus”.
[Kyiv Independent: ‘It’s personal’ — Why Germany still refuses to send Taurus missiles to Ukraine]
9. Nga tấn công Kharkiv bằng bom dẫn đường, làm bị thương ít nhất 15 người
Thị trưởng Ihor Terekhov cho biết Nga đã tấn công Kharkiv bằng bom dẫn đường vào tối ngày 20 tháng 9, làm bị thương ít nhất 15 người.
Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, thường xuyên bị Nga tấn công, gây ra thương vong cho dân thường và thiệt hại cho thành phố.
Theo Văn phòng Công tố Tỉnh Kharkiv, máy bay phản lực Su-34 của Nga đã phóng ba quả bom dẫn đường từ bên kia biên giới khi còn trong không phận Tỉnh Belgorod của Nga.
Những quả bom đã tấn công nhiều địa điểm trên khắp thành phố, bao gồm nhà dân, xa lộ gần bệnh viện và các doanh nghiệp.
Terekhov cho biết tám người đã phải vào bệnh viện do vụ tấn công. Những người bị thương bao gồm hai trẻ em 10 và 12 tuổi và một thiếu niên 17 tuổi.
Văn phòng công tố làm rõ rằng hai đứa trẻ đang được điều trị những chấn thương liên quan đến căng thẳng.
Vào ngày 15 tháng 9, một cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv đã đánh trúng một tòa nhà cao tầng, khiến một phụ nữ 94 tuổi tử vong. 42 người khác bị thương trong vụ tấn công.
[Kyiv Independent: Russia strikes Kharkiv with guided bombs, injuring at least 15]
10. Von der Leyen công bố khoản vay 35 tỷ euro của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine
Hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã công bố một kế hoạch tại Kyiv nhằm cung cấp khoản vay lên tới 35 tỷ euro của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine.
“Các cuộc tấn công liên tục của Nga có nghĩa là Ukraine cần sự hỗ trợ liên tục của Liên Hiệp Âu Châu”, bà nói. “Đây là một đóng góp lớn khác của Liên Hiệp Âu Châu cho sự phục hồi của Ukraine.”
Khoản vay này là một phần trong cam kết của các nước G7 vào tháng 7 này nhằm hỗ trợ Kyiv lâu dài thông qua việc cung cấp vũ khí và viện trợ phục hồi, và sẽ được tài trợ từ lợi nhuận trong tương lai từ các tài sản nhà nước bị đóng băng của Nga, chủ yếu được nắm giữ tại Âu Châu.
“Chúng tôi hiện tự tin rằng chúng tôi có thể cung cấp khoản vay này cho Ukraine rất nhanh chóng”, von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Khoản vay phải được đa số các nước Liên Hiệp Âu Châu và Nghị viện Âu Châu chấp thuận trước khi kết thúc năm. Số tiền cụ thể của khoản vay Liên Hiệp Âu Châu thực sự được chuyển đến Ukraine phụ thuộc vào số tiền các nước G7 khác sẵn sàng đóng góp.
Theo Ủy ban, khoản vay của G7 sẽ lên tới 45 tỷ euro, vì Canada, Nhật Bản và Vương quốc Anh dự kiến sẽ đóng góp. Có những câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có đóng vai trò gì trong khoản vay này hay không do những lo ngại lâu nay rằng, do các quy tắc trừng phạt của khối, một quốc gia Liên Hiệp Âu Châu duy nhất có thể giải tỏa tài sản sau mỗi sáu tháng, do đó khiến khoản vay này gặp rủi ro.
Theo một quan chức cao cấp của Ủy ban, người này yêu cầu giấu tên vì không được phép phát biểu công khai, trong nỗ lực thuyết phục Hoa Kỳ tham gia khoản vay của G7, Liên Hiệp Âu Châu sẽ đề xuất mở rộng thời hạn gia hạn tài sản từ sáu tháng như hiện nay lên 36 tháng.
Nhưng điều này có thể trở nên khó khăn vì Hung Gia Lợi đã báo hiệu vào đầu tuần này rằng họ sẽ không cho phép sửa đổi lệnh trừng phạt, đòi hỏi phải có sự đồng thanh, trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11.
Thông báo hôm thứ sáu cho thấy Brussels sẽ chuyển khoản vay có hoặc không có Hoa Kỳ – mặc dù các quan chức Liên Hiệp Âu Châu khẳng định rằng họ muốn có sự tham gia của Washington.
Một quan chức cao cấp của Ủy ban cho biết họ hy vọng sẽ nhận được tín hiệu từ Hoa Kỳ về việc liệu họ có đóng góp hay không vào thời điểm diễn ra cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới vào cuối tháng 10.
“Vào khoảng cuối tháng 10, tôi mong đợi chúng tôi sẽ xác nhận hoặc điều chỉnh 'lên tới 35 tỷ euro' khi xem xét tổng cam kết của các đối tác G7”, vị quan chức này cho biết.
Cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine của Liên Hiệp Âu Châu cũng được coi là điều kiện để IMF chấp thuận gói hỗ trợ mới nhất cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.
'Rõ ràng và tàn ác'
Von der Leyen cũng đề cập đến các cuộc tấn công gần đây của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của Ukraine, gọi các sự việc này là những nỗ lực “trắng trợn và tàn bạo” nhằm “nhấn chìm Ukraine vào bóng tối”.
“Liên minh Âu Châu ở đây để giúp các bạn trong thử thách này: duy trì điện, giữ ấm cho người dân khi mùa đông đang đến gần và duy trì nền kinh tế trong khi các bạn đấu tranh để sinh tồn”, von der Leyen cho biết.
Hôm thứ năm, chủ tịch Ủy ban Âu Châu đã công bố kế hoạch cung cấp năng lượng mùa đông của Brussels cho Ukraine, kế hoạch này sẽ giúp khắc phục thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng do các cuộc tấn công của Nga gây ra và khôi phục công suất 2,5 gigawatt trong mùa đông này, mà Liên Hiệp Âu Châu ước tính là 15 phần trăm nhu cầu của Ukraine trong mùa này.
Ủy ban cũng có kế hoạch kết nối Ukraine với lưới điện của Liên Hiệp Âu Châu để các nước thành viên có thể xuất khẩu thêm 2 gigawatt sang Kyiv trong mùa đông.
[Politico: Von der Leyen announces €35B EU loan for Ukraine]
11. Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Odessa làm 4 người bị thương, tàu treo cờ Antigua bị hư hại
Thống đốc Oleh Kiper đưa tin lực lượng Nga đã tấn công Odessa vào ngày 20 tháng 9, làm bốn người bị thương.
Theo dữ liệu sơ bộ, Nga đã phóng hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M, gây hư hại cho cảng và cơ sở hạ tầng dân sự, cũng như một tàu dân sự treo cờ Antigua.
Một cảnh báo không kích đã vang lên ở Tỉnh Odessa vào khoảng 2 giờ chiều giờ địa phương và những tiếng nổ đầu tiên được nghe thấy trong thành phố vài phút sau đó.
Tỉnh Odessa và các khu vực phía Nam khác của Ukraine thường xuyên là mục tiêu tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.
Quân đội Nga đã tấn công Tỉnh Odessa bằng một hỏa tiễn đạn đạo vào ngày 4 tháng 7, khiến một thường dân thiệt mạng, bảy người khác bị thương và đánh trúng cơ sở hạ tầng của cảng.
[Kyiv Independent: Russia missile strike on Odesa injures 4, damages Antiguan-flagged vessel]