Tạp chí Crux, ngày 28 tháng 9 năm 2024, nhận định rằng chuyến đi Lục Xâm Bảo và Bỉ của Đức Phanxicô khởi đầu dường như có điềm gở ở chỗ ngài đã chỉ chào các nhà b1o trên chuyến máy bay từ Rome tới Lục Xâm Bảo, không nói chuyện với họ như thường lệ.



Và điều cũng có thể chắc chắn là thứ Sáu ở Bỉ cũng không giúp ngài phấn chấn hơn nhiều, vì đó là một trong những ngày khó khăn nhất mà ngài phải tạm trải qua trong diễn trình.

Ta có Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, chỉ trích ngài về các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của Giáo hội. Lại có Viện trưởng Luc Sels của Đại học Công Giáo Leuven, mở đầu bằng lời kêu gọi cho phép phụ nữ làm linh mục, một đề xuất mà Đức Phanxicô đã kiên quyết nói "không" và cũng thúc đẩy Giáo hội cởi mở hơn nữa với cộng đồng LGBTQ+.

Và, trong bài phát biểu trước các phóng viên, có Benedict Lemley, trưởng khoa thần học của Leuven, nói một cách bình thản rằng sự ám ảnh của Giáo hội với "chân lý phổ quát" có thể là vấn đề ở một trường đại học Công Giáo muốn "trung thành tuyệt đối" với đức tin.

Ngay cả cuộc họp trễ của Đức Giáo Hoàng vào tối thứ Sáu với một nhóm nạn nhân lạm dụng tình dục, được coi là một cử chỉ nhạy cảm về mặt mục vụ, cũng đã bị một nhóm vận động chỉ trích, coi phiên họp này chỉ là "chống đỡ thiệt hại".

Nhìn chung, không phải là một ngày dễ dàng để đại diện cho một tôn giáo định chế tại một trong những xã hội thế tục nhất trên trái đất - và tất cả những điều đó xảy ra cùng với sự kiện lạnh và mưa ở Brussels, làm tăng thêm bầu không khí hơi ảm đạm.

Trong suốt thời gian đó, Đức Phanxicô vẫn giữ vững thông điệp, nhấn mạnh rằng Giáo hội “không bao giờ tuân theo nền văn hóa chiếm ưu thế, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng, theo cách thao túng, các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, rút ra từ đó những kết luận không chân thực gây ra đau khổ và sự loại trừ”.

Ngày này bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Vua Philippe & Hoàng hậu Mathilde, sau đó là cuộc gặp gỡ của ngài với De Croo, người hiện đang giữ chức quyền thủ tướng cho đến khi chính phủ mới có thể được thành lập.

Nếu đây là bài ca vĩnh biệt của ông, De Croo có vẻ quyết tâm tận dụng nó tối đa.
“Chúng ta không thể phớt lờ những vết thương đau đớn tồn tại trong cộng đồng Công Giáo và trong xã hội dân sự”, ông nói với Đức Giáo Hoàng. “Nhiều trường hợp lạm dụng tình dục và cưỡng ép nhận con nuôi đã làm suy yếu lòng tin”.

“Ngài đã cam kết thực hiện một cách tiếp cận công bằng và bình đẳng, nhưng con đường vẫn còn dài”, De Croo nói với Đức Giáo Hoàng. “Các mục tử của Giáo hội làm việc với niềm tin và lòng bác ái, nhưng nếu có điều gì đó không ổn, thì việc che đậy là không thể chấp nhận được”.

Bỉ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ tai tiếng lạm dụng của giáo sĩ, bao gồm vụ việc khét tiếng của cựu Giám mục Roger Vangheluwe, người đã từ chức sau khi thừa nhận đã lạm dụng trẻ vị thành niên, bao gồm cả hai người cháu trai của chính mình.
"Ngày nay, lời nói là không đủ", De Croo nói. "Cần phải có những bước đi cụ thể. Nạn nhân phải được lắng nghe và chiếm một vị trí trung tâm. Họ có quyền được biết sự thật và những bất công phải được thừa nhận".

"Để có thể hướng tới tương lai, trước tiên Giáo hội phải thành thật về quá khứ của mình", ông nói.
Đức Phanxicô không né tránh vấn đề, gọi lạm dụng là "một tai họa mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người đã bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới".

Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực đối với các vụ tai tiếng lạm dụng không phải là lời chỉ trích duy nhất mà Đức Giáo Hoàng nghe được, vì Sels, viện trưởng tại Leuven, cũng đã thúc đẩy ngài về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

“Quyền hạn của Giáo hội cũng phụ thuộc vào mức độ mà Giáo hội chào đón sự đa dạng trong xã hội”, Sels nói, lớn tiếng hỏi tại sao Công Giáo “dung thứ cho sự chia rẽ to lớn này giữa nam và nữ, trong một Giáo hội mà trên thực tế thường do phụ nữ lãnh đạo?”

“Giáo hội sẽ không thân thiện hơn nếu trao cho phụ nữ một vị trí nổi bật hơn, bao gồm cả chức linh mục sao”? ông hỏi - tất nhiên là biết rõ, giáo hoàng đã đưa ra câu trả lời của ngài, vì vậy đó là một câu hỏi có tính tu từ hơn.

Sels cũng kêu gọi có lập trường cởi mở hơn về các vấn đề LGBTQ+, nói rằng “Giáo hội trên toàn thế giới được kêu gọi đưa những khám phá khoa học gần đây vào cuộc đối thoại với thần học” và nói thêm rằng Công Giáo nên cảnh giác với những câu trả lời “một lần và mãi mãi”.

Cuối cùng, Lemley, trưởng khoa thần học và nghiên cứu tôn giáo tại Leuven, đã thông báo với Đức Giáo Hoàng rằng trong khi trường đại học “phục vụ Giáo hội của chúng ta”, thì cam kết đó được thể hiện theo cách mà ông gọi là “một cách trung thành có phê phán”.

“Một người bạn thực sự không phải lúc nào cũng nói với bạn những điều bạn thích nghe”, Lemley nói. “Ông ta cũng nói … những gì bạn cần cải thiện.”
Lemley đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách có tựa đề The Bishop of Rome and the Theologians of Leuven [Giám mục Rôma và các Thần học gia Leuven], trong đó có một chương dành riêng cho việc “suy nghĩ lại về các chuẩn mực của Giáo hội về tình dục.”

Cuốn sách bắt đầu bằng một lời thừa nhận trung thực: “Chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng này không phải là không có tranh cãi, một phần là do nhiều vụ tai tiếng xung quanh vấn đề tình dục, lạm dụng về mặt tình cảm và tinh thần trong Giáo hội,” phần giới thiệu viết. “Những người liên kết với Giáo hội không thể trông chờ nhiều thiện chí từ xã hội và văn hóa.”

Lemley gợi ý rằng Giáo hội có thể cần phải xem xét lại một số nguyên tắc cơ bản. “Tôi nghĩ rằng một vấn đề mà Giáo hội ngày nay đang phải đối đầu là Giáo hội có xu hướng tìm kiếm những chân lý phổ quát, ngài biết đấy, những giáo điều phổ quát, quan điểm phổ quát… cách nào đó, đấy là vấn đề vì chúng ta có quá nhiều quốc gia khác nhau với quá nhiều nền văn hóa khác nhau, và một số đã bị thế tục hóa, một số thì không.”

“Và vì vậy, bao lâu chúng ta cố gắng có một chân lý phổ quát, không thể chạm tới cho tất cả mọi người, thì điều đó thật khó khăn,” ông nói – một lần nữa tạo ra một chút đau đầu cho một vị giáo hoàng đại diện cho một Giáo hội tự cho mình là công bố những chân lý phổ quát như vậy.

Theo cách riêng của ngài, Đức Phanxicô đã không lùi bước trước thách thức, ngài nói với các giáo sư tại Leuven vào chiều thứ Sáu rằng “thật tuyệt khi coi các trường đại học là nơi tạo ra văn hóa và ý tưởng, nhưng trên hết là thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm chân lý, phục vụ cho sự tiến bộ của con người.”

Đức Phanxicô than thở về điều được ngài gọi là “sự mệt mỏi trí thức” của những người từ chối tìm kiếm chân lý và do đó vẫn ở trong “trạng thái bất định liên tục, thiếu mọi đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa là vô ích và thực tế là không thể hiểu nổi”.

Nó tương đương với một phản biện mạnh mẽ vào cuối một ngày khó khăn – một ngày mà bản thân Đức Phanxicô có thể được tha thứ khi cảm thấy hơi mệt mỏi, nếu không phải về mặt trí thức thì ít nhất là về mặt thể chất và thậm chí có lẽ là về mặt mục vụ.