HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất phát triển rất mạnh! Bằng chứng là nhiều người đã đổi thay tính bạo lực và độc tài của mình. Họ bị khuất phục bởi sự kiên định trong đức tin của những người theo đạo Kitô; bởi sự nhẫn nhịn phi thường của các Kitô hữu bị lừa dối; bởi sự trung thực nơi những người mà họ giao thương. Và nhất là bởi sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những vị lãnh đạo các giáo đoàn!” - Sử gia Justin.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của Justin. Đặc biệt là sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những con người lãnh đạo Hội Thánh sơ khai, những con người phải “đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” - Thánh Vịnh đáp ca.

Sau 14 năm, Phaolô lên Giêrusalem - bài đọc một. Mục đích là để các nhà lãnh đạo tại đây - Phêrô, Giacôbê và Gioan - biết cách ông rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Phaolô gặp các ngài vì biết có nhiều người tại Giêrusalem phản đối mạnh mẽ việc chấp nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Lý do, “vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích”. Phaolô muốn bảo đảm rằng, việc rao giảng của mình phù hợp với giáo lý của ‘Hội Thánh Mẹ’. Không phải nghi ngờ tính đúng đắn của những gì mình làm, nhưng Phaolô lo lắng rằng, các giáo đoàn mới được thành lập cần giữ liên lạc với Hội Thánh Mẹ.

Các tông đồ tại Giêrusalem đã hoàn toàn ủng hộ ông. Họ nhận ra rằng, Phaolô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘không chịu cắt bì’ như Phêrô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘đã chịu cắt bì’. Phêrô và Phaolô, dẫu mỗi người rao giảng Phúc Âm trong các lĩnh vực khác nhau và có thể có những bất đồng cụ thể, nhưng họ vẫn ‘hiệp nhất trong khác biệt’; để sau đó, cả hai cùng chịu tử đạo vì danh Chúa Kitô.

Căn bản nhất, các tông đồ đã hiệp nhất với nhau trong đức tin. Điều này được tìm thấy trong Kinh Tin Kính hoặc Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy hôm nay. Họ hiệp nhất để kiến tạo không gian cho Vương Quốc, “Danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến!”; hiệp nhất trong cầu nguyện và hoạt động để có của ăn cho mọi người, “Cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy!”; hiệp nhất trong việc nhìn nhận mình là tội nhân trước Chúa và sẵn lòng tha thứ cho người khác, “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con!”; và hiệp nhất để mạnh mẽ đương đầu với các thế lực sự ác, “Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ!”.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Ngày nay, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn có những thách đố cần thảo luận và tranh luận. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa cái được gọi là ‘đôi cánh thể chế’ và ‘đôi cánh tiên tri’. Chúng ta cần ‘thể chế’ với tư cách là những người bảo tồn tính chính thống, truyền thống và tính liên tục; nhưng cũng cần đôi cánh ‘tiên tri’ để khơi lên những thích ứng với các nhu cầu vốn thay đổi trong một thế giới liên tục thay đổi. Không thay đổi có nghĩa là ‘chết’; thay đổi quá nhiều đồng nghĩa với ‘tha hoá’. Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng, vì Thánh Thần là tác nhân duy nhất giữ cho Hội Thánh luôn ‘hiệp nhất trong khác biệt’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để những khác biệt làm con nên xa lạ. Cho con biết trân trọng sự đa dạng trong khác biệt hầu xây dựng một Hội Thánh luôn hiệp nhất yêu thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)