1. Các nữ tu Texas bị trục xuất khỏi đời sống tu trì sau cuộc tranh cãi kéo dài với giám mục và Vatican

Một nhóm nữ tu Texas đã bị đuổi khỏi đời sống tu trì và trở về đời sống thế tục sau một thời gian dài bất đồng với giám mục về cách quản lý tu viện.

Mẹ Marie Nhập Thể, chủ tịch của Hiệp hội Chúa Kitô Vua, đã viết trong một lá thư gửi đến Giáo phận Fort Worth vào thứ Hai rằng các nữ tu của Tu viện Chúa Ba Ngôi ở Arlington, Texas, đã bị đuổi khỏi Dòng Cát Minh Nhặt Phép và “trở lại trạng thái thế tục” sau hơn một năm liên tục chống đối cấp trên.

Việc sa thải này là đỉnh điểm của mối hiềm khích cay đắng và chia rẽ giữa các nữ tu dòng Carmelô và các nhà chức trách Giáo hội, từ Giám mục Michael Olson của Fort Worth cho đến chính Vatican.

Cuộc tranh cãi bắt đầu vào năm ngoái khi Đức Cha Olson mở cuộc điều tra về tu viện sau khi có cáo buộc rằng Mẹ Bề Trên Teresa Agnes Gerlach có quan hệ bất chính với một linh mục.

Vào tháng 5 năm 2023, các nữ tu đã đệ đơn kiện Đức Cha Olson về cuộc điều tra, cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nữ tu. Đức Cha Olson cuối cùng đã trục xuất Gerlach khỏi đời sống tu trì.

Vào tháng 4 năm nay, Vatican tuyên bố rằng Hiệp hội Chúa Kitô Vua tại Hoa Kỳ sẽ giám sát “việc quản trị, kỷ luật, nghiên cứu, hàng hóa, quyền lợi và đặc quyền” của tu viện Texas.

Tuy nhiên, các nữ tu đã bất chấp lệnh của Vatican, thậm chí còn liên kết với Hội Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX, một nhóm theo chủ nghĩa truyền thống không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo và có địa vị không hợp lệ về mặt giáo luật.

Vào thứ Hai, Mẹ Marie Nhập Thể cho biết sự thách thức liên tục của các nữ tu bao gồm việc phủ nhận thẩm quyền của Bộ các Hiệp hội Đời sống Thánh hiến và Tông Đồ của Vatican cũng như phủ nhận thẩm quyền của giám mục của họ và của chính Marie với tư cách là bề trên của họ. Bà cho biết các nữ tu cũng đã “có liên kết chính thức bất hợp pháp” với SSPX.

Mẹ Marie viết rằng những vi phạm này “trở nên trầm trọng hơn do họ chiếm đoạt trái phép tư cách pháp nhân của tu viện Carmelô”.

Các nữ tu đã “ủy thác cho giáo dân” tài sản của tu viện, “mà vô số nhà hảo tâm đã ủy thác cho họ, với mục đích phục vụ Chúa Kitô trong Giáo hội thông qua đời sống Dòng Cát Minh Nhặt Phép”.

Mẹ Marie viết rằng việc các nữ tu bị trục xuất khỏi đời sống tu trì là do “chính hành động của họ”.

Bà nói: “Tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện và hy sinh thay mặt cho bảy người phụ nữ này”, đồng thời nói thêm rằng “mong muốn duy nhất của chúng tôi là các thành viên bị sa thải của Dòng Cát Minh sẽ ăn năn, để cơ sở tu viện một lần nữa có thể được gọi một cách chính đáng là một tu viện, nơi sinh sống của các nữ tu Dòng Cát Minh Nhặt Phép, có uy tín giáo luật tốt với Giáo hội Rôma”.

Trong một tuyên bố ngắn kèm theo thông báo, Đức Cha Olson nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện cho các nữ tu bị sa thải của Mẹ Marie, đồng thời chỉ đạo người Công Giáo không tham dự Thánh lễ tại tu viện.

Ngài cũng yêu cầu các tín hữu “không hỗ trợ tài chính” cho các nữ tu.

Trong một lá thư vào tháng trước, Đức Cha Olson đã trả lời các báo cáo rằng các nữ tu đã tái bổ nhiệm Gerlach làm bề trên trong một cuộc bầu cử bất hợp pháp. Vị giám mục mô tả động thái này là “gây tai tiếng” và “thấm đẫm mùi ly giáo”.

Trong lá thư thứ Hai của mình, Mẹ Marie lưu ý rằng mọi nữ tu dòng Cát Minh đều “thề sống theo luật lệ và hiến pháp của Dòng Cát Minh Nhặt Phép”.

Bà lưu ý rằng các nữ tu đã được trao cơ hội để đoàn tụ với Giáo hội, nhưng họ “đã chọn cách khác, và sự lựa chọn của họ đã mang lại cho họ địa vị khác biệt mà hiện tại họ đang có”.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino

Chiều ngày lễ Các Linh hồn, thứ Bảy, ngày 02 tháng Mười Một sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến viếng và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino, cách Vatican khoảng 28 cây số, ở mạn nam.

Đây là lần thứ hai ngài đến viếng nghĩa trang này. Lần đầu cách đây sáu năm, hay 2018. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm nghĩa trang Laurentino.

Trong dịp đó, Ðức Thánh Cha đã viếng thăm “Vườn thiên thần” là một khu vực rộng 600 mét vuông dành riêng cho việc chôn cất các thai nhi chết khi chưa chào đời. Ngài đã cầu nguyện ở nơi có hai bức tượng bằng đá cẩm thạch tạc hình các thiên thần, biểu tượng của sự ngây thơ và tinh khiết.

Sau đó, Ðức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ Chúa Giêsu Phục Sinh, được khánh thành vào năm 2012. Khu vực này hình tròn với diện tích 220 mét vuông, và có 140 chỗ ngồi. Trước bàn thờ là một sân rộng 120 mét vuông.

Ðức Hồng Y Camillo Ruini, quản nhiệm Rôma, đã thánh hiến nghĩa trang Laurentino vào ngày 9 tháng 3 năm 2002.

Phụng vụ ngày hôm nay rất thực tế, rất là cụ thể. Phụng vụ ngày hôm nay là một phần của ba chiều kích cuộc đời mà ngay cả trẻ em cũng hiểu: đó là quá khứ, tương lai, và hiện tại.

Hôm nay là một ngày tưởng nhớ về quá khứ, một ngày để nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta, những người đã cũng đồng hành với chúng ta, và những người đã ban cho chúng ta sự sống. Hãy ghi nhớ, hãy ghi khắc trong lòng. Ký ức là điều làm cho một dân tộc mạnh mẽ vì nó cảm thấy mình có căn cội trong cuộc hành trình, được bắt nguồn từ một lịch sử, và có nguồn gốc sâu xa từ một dân tộc. Ký ức làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn, chúng ta là một dân tộc: một dân tộc có lịch sử, đã trôi qua; và có sự sống. Ký ức giúp chúng ta nhớ đến nhiều người đã chia sẻ cuộc lữ hành trần thế với chúng ta, và đó là lý do tại sao tôi đang hiện diện nơi đây [chỉ ra những ngôi mộ xung quanh]. Không phải dễ để có thể nhớ hết mọi chuyện. Nhiều lần chúng ta phải cố gắng mới quay trở lại được với ý nghĩ về những gì đã xảy ra trong cuộc đời ta, với gia đình ta, và với dân tộc ta... Hôm nay là một ngày tưởng niệm, ngày mà ký ức đưa chúng ta đến tận những gốc rễ: đến nguồn cội của ta và dân tộc ta.

Và hôm nay cũng là một ngày của hy vọng: bài đọc hai cho chúng ta thấy những gì đang chờ đợi chúng ta. Một trời mới, đất mới và thành thánh Giêrusalem mới. Vẻ đẹp là hình ảnh Giáo Hội thường dùng để làm cho chúng ta hiểu những gì đang chờ đợi chúng ta: “Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (x. Khải huyền 21: 2). Vẻ đẹp đang chờ chúng ta... Trí nhớ và hy vọng, hy vọng được gặp gỡ, hy vọng đến được nơi Tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta, nơi Tình yêu đang chờ đợi chúng ta: là tình yêu của Chúa Cha.

Và giữa ký ức và hy vọng, có chiều kích thứ ba, đó là con đường chúng ta phải làm và là điều chúng ta đang làm. Và làm thế nào để làm con đường này mà không gây ra những lầm lỗi? Ðâu là những ánh sáng giúp tôi không phạm những sai lầm? Ðâu là “máy định hướng” mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta không mắc những lầm lỗi? Ðó là Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Những Mối Phúc này - hiền lành, có tâm hồn nghèo khó, khát khao nên người công chính, xót thương người, có lòng thanh sạch - là những ánh sáng đồng hành cùng chúng ta để chúng ta không phạm sai lầm: đây là hiện tại của chúng ta.

Trong nghĩa trang này có ba chiều kích của cuộc sống: ký ức, chúng ta có thể thấy ở đây [chỉ ra những ngôi mộ]; hy vọng, là điều chúng ta sẽ cử hành trong đức tin ngay bây giờ, chứ không phải trong một viễn kiến tương lai; và những ánh sáng mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng để hướng dẫn chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế để chúng ta không mắc những lầm lỗi: đó là Tám Mối Phúc Thật.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đừng bao giờ đánh mất ký ức, đừng bao giờ che dấu ký ức của chúng ta - ký ức của cá nhân, của gia đình, của dân tộc; và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hy vọng, hy vọng là hồng ân Chúa ban cho ta để ta biết làm sao trông cậy, làm sao nhìn đến chân trời, chứ đừng mãi đóng kín trước một bức tường. Hãy luôn nhìn đến chân trời và hy vọng. Và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra đâu là những ánh sáng sẽ đồng hành cùng chúng ta trên con đường để đừng mắc sai lầm, và nhờ thế chúng ta đến được nơi những người đi trước đang chờ đợi chúng ta với tình thương mến dạt dào.

3. Đức Hồng Y Renato Martino qua đời

Hôm 28 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Renato Martino, người kế nhiệm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã qua đời tại Vatican, hưởng thọ 91 tuổi.

Đức Hồng Y Martino người Ý, vốn là một nhà ngoại giao Tòa Thánh, sinh ngày 23 tháng Mười Một năm 1932, tốt nghiệp trường ngoại giao và bắt đầu phục vụ từ năm 1962 tại các Tòa Sứ thần ở Nicaragua, Philippines, Liban, Canada, và Brazil. Sau đó, ngài trở về Vatican đặc trách phân bộ các tổ chức quốc tế. Năm 1980, ngài được bổ nhiệm Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, kiêm Khâm sứ tại Lào và một số nước khác. Năm 1986, ngài làm Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Trong nhiệm vụ này, ngài đã tích cực tham dự nhiều hội nghị lớn do Liên Hiệp Quốc triệu tập.

Sau 16 năm phục vụ tại Liên Hiệp Quốc, ngày 01 tháng Mười năm 2002, Đức Tổng Giám Mục Renato Martino được gọi về Vatican để làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, kế nhiệm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, qua đời ngày 16 tháng Chín trước đó.

Năm sau, 2003, Đức Tổng Giám Mục Martino được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Hồng Y, hay 21-10-2003. Và một năm sau, Đức Hồng Y đã công bố cuốn “Toát yếu Giáo huấn xã hội Công Giáo”, do Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khởi xướng trước đó. Năm 2006, ngài kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động.

Từ năm 2014, Đức Hồng Y Martino làm Hồng Y Trưởng đẳng Phó tế, trong tư cách này ngài thường xuất hiện cạnh Đức Thánh Cha trong các buổi công bố sứ điệp, trưa ngày Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, thông báo ý của Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh cho Roma và toàn thế giới.

Lễ an táng Đức Hồng Y Renato Martino sẽ được Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, cử hành lúc 3 giờ chiều thứ Tư, ngày 30 tháng Mười này, tại Đền thờ thánh Phêrô và cuối lễ, Đức Thánh Cha sẽ đến để cử hành nghi thức tiễn biệt.

Đức Thánh Cha đã gửi điện văn chia buồn tới người em của Đức Hồng Y là kỹ sư Marcello Martino và toàn thể gia quyến, cũng như Tổng giáo phận Salerno, nguyên quán của Đức Cố Hồng Y. Ngài nhắc đến Đức Cố Hồng Y Martino như một linh mục nhiệt thành, được quý chuộng, đã phục vụ Tin mừng và Giáo hội.

Đức Thánh Cha viết: “Với lòng biết ơn, tôi cũng nghĩ đến sự cộng tác lâu dài và sự cộng tác chân thành với các vị tiền nhiệm của tôi trong tư cách là Sứ thần Tòa Thánh tại một số nước Á châu, đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc, nơi người đã không nề quản năng lực để làm chứng về mối quan tâm phụ tử của Đức Giáo Hoàng đối với số phận của nhân loại, sau cùng như Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Trong các vai trò khác nhau được ủy thác, Đức Hồng Y Martino đã hăng say hoạt động để bênh vực thiện ích của các dân tộc, liên lỷ thăng tiến đối thoại và hòa hợp. Tôi cầu xin Chúa đón nhận người tôi trung của Ngài vào thành Giêrusalem thiên quốc và tôi thành tâm ban phép lành cho những người đang khóc thương sự ra đi của Đức Cố Hồng Y và tôi biết ơn những người đã chăm sóc cho người”.