Nicolás de Cárdenas của ACI Prensa, đối tác của CNA, ngày 21 tháng 11 năm 2024, đã phỏng vấn Marta Rodríguez Díaz, một chuyên gia Công Giáo về ý thức hệ phái tính. Chuyên gia này cho biết thay vì đấu tranh chống lại ý thức hệ phái tính, sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo là "tìm cách làm cho ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối" và đưa ra đối thoại mang tính phê phán.
Rodríguez cũng chỉ ra rằng “nếu Giáo hội không đáng tin cậy ngày nay về mặt giới tính, thì không phải vì không có nhiều điều để nói mà vì thiếu những nhà giáo dục biết cách truyền tải thông điệp của mình một cách toàn diện và chính xác”.
Rodríguez được Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha chọn để đào tạo cho các đại biểu giáo phận về mục vụ chăm sóc gia đình và cuộc sống liên quan đến thách thức mà vấn đề ý thức hệ phái tính gây ra cho Giáo Hội Công Giáo.
Bà có bằng tiến sĩ triết học từ Đại học Giáo hoàng Gregorian và là giáo sư khoa triết học của Đại học Giáo hoàng Athenaeum Regina Apostolorum. Bà cũng là điều phối viên lĩnh vực học thuật của Viện Nghiên cứu Phụ nữ.
Rodríguez cũng là giám đốc học thuật của khóa học về giới tính, tình dục và giáo dục tại Đại học Francisco de Vitoria hợp tác với Regina Apostolorum và là thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống.
Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:
ACI Prensa: Giáo hội nên chống lại ý thức hệ phái tính như thế nào?
Rodríguez: Tôi không biết mình có thích hạn từ "chiến đấu" không… Tôi nghĩ rằng sứ mệnh của Giáo hội là trở thành ánh sáng và tìm cách làm cho ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối. Trở thành ánh sáng có nghĩa là đề xuất toàn bộ sự thật về con người, giáo dục và cũng cảnh cáo và chỉ ra những ý tưởng mâu thuẫn với phẩm giá của con người hoặc không giúp đạt được sự trọn vẹn của con người.
Cá nhân tôi muốn thấy chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, cống hiến nhiều hơn cho một cuộc đối thoại có khả năng giải quyết nghiêm túc các ý thức hệ của thời đại chúng ta hơn là đưa ra những lời lên án hoàn toàn mà chỉ những người đã suy nghĩ như chúng ta mới hiểu.
Theo dữ kiện mà bà cung cấp, những người làm công tác mục vụ hoặc có hiểu biết mơ hồ về giáo lý Công Giáo về chủ đề này hoặc không biết hoặc không hiểu gì cả. Những bước nào phải được thực hiện để đảo ngược tình thế này?
Đào tạo, đào tạo, đào tạo. Cần phải đào tạo về nhân chủng học Kitô giáo. Theo kinh nghiệm của tôi, những người làm công tác mục vụ không có đủ kiến thức về nó và không có khả năng đề xuất nó trong tất cả vẻ đẹp và chiều sâu của nó. Ngoài ra, cần phải đào tạo về thần học luân lý để họ biết cách phân định các ứng dụng mục vụ phù hợp trong từng trường hợp, mà không làm lu mờ sự thật về nhân vị. Cũng cần phải đào tạo theo phong cách mục vụ biết cách kết nối với thế giới hậu hiện đại và đề xuất vẻ đẹp trường tồn của Tin Mừng bằng ngôn ngữ mà thế giới ngày nay có thể hiểu được.
Tôi nghĩ rằng nếu Giáo hội không đáng tin cậy ngày nay về các vấn đề giới tính, thì không phải vì Giáo hội không có nhiều điều để nói mà vì thiếu những người đào tạo biết cách truyền tải thông điệp của mình một cách toàn diện và chính xác.
Có một cuộc khủng hoảng trong gia đình, trong đó vai trò của nam giới và nữ giới bị nhầm lẫn. Đây có phải là nguyên nhân chính gây ra sự nhầm lẫn trong giới trẻ về vấn đề giới tính không? Những yếu tố nào khác thúc đẩy theo hướng này?
Chắc chắn, cuộc khủng hoảng về nữ tính và nam tính mà chúng ta đang trải qua có tác động rất mạnh đến những người trẻ tuổi. Nếu không có những hình mẫu hấp dẫn, sẽ rất khó để thực hiện quá trình xác định giới tính của chính mình, điều cần thiết ở tuổi vị thành niên. Ngoài ra, còn có cuộc khủng hoảng của chính gia đình: nhiều gia đình bất ổn, không có cha và mẹ.
Phương tiện truyền thông, mạng xã hội và phim ảnh chắc chắn cũng có ảnh hưởng, vì chúng nhấn mạnh rất rõ ràng vào một thông điệp duy nhất. Tóm lại, tôi nghĩ rằng trẻ em ngày nay bị tấn công bởi những ý tưởng khiến chúng bối rối và chúng không có điểm tham chiếu vững chắc nào để hướng dẫn chúng.
Bà nói rằng việc biết mọi điều chưa được thực hiện tốt cho đến nay là "giải phóng". Theo nghĩa nào?
Theo nghĩa là nó khiến chúng ta thấy được điều gì phụ thuộc vào chúng ta và chúng ta có thể cải thiện diễn ngôn của mình ở đâu để đáng tin cậy hơn. Cá nhân tôi rất lo ngại khi người ta nói rằng nguyên nhân gây ra mọi sự bối rối ở những người trẻ tuổi là từ phương tiện truyền thông xã hội, phương tiện truyền thông, luật pháp... bởi vì tất cả những điều đó là đúng, nhưng cũng đúng là có vẻ như điều đó sẽ không thay đổi trong vài năm tới.
Nhưng nếu, cùng một lúc chúng ta nhận ra tác động của tất cả các yếu tố bên ngoài này, chúng ta nhận ra rằng với tư cách là một Giáo hội, chúng ta không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho nhiệm vụ; chúng ta chưa thể đề xuất thông điệp với chiều sâu và vẻ đẹp mà thời đại chúng ta đòi hỏi… thì chúng ta có những thứ phụ thuộc vào chúng ta, và cho phép chúng ta hy vọng rằng cảnh quan thực sự có thể được cải thiện.
Bà liệt kê một số rủi ro trong lĩnh vực giáo dục. Bà đang ám chỉ điều gì khi nói đến “các phương pháp y khoa ít được chứng minh từ quan điểm khoa học?”
[Tôi muốn nói] đến các phương pháp điều trị bằng hormone cho trẻ em và thanh thiếu niên. Tôi không phải là bác sĩ, nhưng nhiều bác sĩ và nhà tâm lý học đã đưa ra những phản đối nghiêm trọng đối với loại hình thực hành này. Ở các quốc gia khác, họ đang lùi bước, nhưng ở Tây Ban Nha, chúng tôi vẫn đang tiến hành các thí nghiệm.
Bà tuyên bố rằng “không cần thiết phải tuyên chiến với thuật ngữ ‘phái tính’: Có thể tiếp nhận nó một cách phê phán”. Theo giáo huấn của Giáo hội, phần nào của ngôn từ đó được chấp nhận?
Vấn đề không phải là thuật ngữ phái tính mà là nhân học mà nó rút ra. Amoris Laetitia số 56 nêu rằng “phá tính và giới tính có thể phân biệt được, nhưng không thể tách rời”. Điều tương tự cũng được nói trong văn kiện Male and Female He Created Them ở số 6 và 11. Và Dignitas Infinita một lần nữa khẳng định điều này. Tôi tin rằng xu hướng hợp nhất của huấn quyền trong những năm gần đây là ngừng tuyên chiến với thuật ngữ này và tham gia vào một cuộc đối thoại phê phán với điều mà tôi gọi là "các lý thuyết phái tính".
Phái tính là sự phát triển hoặc diễn giải văn hóa về giới tính. Phân biệt nó với giới tính là công bằng, nhưng không được tách biệt nó khỏi giới tính.
Điều gì làm cho thời đại này khác với những thời đại khác về mặt thay đổi văn hóa và khoảng cách giữa các thế hệ khiến cho việc đối thoại về những vấn đề này trở nên khó khăn như vậy?
Tôi nghĩ rằng khó khăn nằm ở điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là "sự thay đổi của thời đại". Văn hóa luôn thay đổi liên tục, nhưng có những thời điểm trong lịch sử khi sự thay đổi thực sự của thời đại xảy ra. Đó là thời điểm đứt gãy, khi thời gian "thay đổi lớp da" và cần phải có sự thích nghi sâu sắc hơn về ngôn ngữ, quan điểm và tầm nhìn.
Tông hiến Veritatis Gaudium thừa nhận rằng "chúng ta vẫn thiếu nền văn hóa cần thiết để đối diện với cuộc khủng hoảng này; chúng ta thiếu sự lãnh đạo có khả năng mở ra những con đường mới". Đó là về việc học cách đề xuất vẻ đẹp của Chúa Kitô và của con người trong thế giới hậu hiện đại. Điều này đòi hỏi một lời tiên tri mới.
Làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa việc chào đón những người bị tổn thương bởi ý thức hệ phái tính như người Samaritanô nhân hậu đã làm, với việc tuyên bố chân lý nhân học về việc tạo ra đàn ông và đàn bà như hình ảnh của Thiên Chúa và những gì tiếp theo từ lời khẳng định này?
Trong Chúa Giêsu không có mâu thuẫn giữa chân lý và lòng bác ái. Cùng một Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố Bài giảng trên núi và nói rằng ngoại tình bắt đầu từ trái tim, đã nâng đỡ người phụ nữ ngoại tình.
Khẳng định rằng giới tính là một thực tại cấu thành của con người và nó thấm nhuần vào cơ thể và tâm hồn không mâu thuẫn với sự công nhận rằng bản sắc theo nghĩa tâm lý có tính sinh học-tâm lý-xã hội và con người có nhiệm vụ tích hợp các yếu tố khác nhau: cơ thể, tâm lý, văn hóa…
Chúng ta có thể nói rằng tôi sinh ra là một người phụ nữ, nhưng đồng thời tôi phải trở thành một người phụ nữ. Quá trình này không hề đơn giản, và thậm chí còn không đơn giản như vậy ngày nay. Tôi tin rằng chúng ta phải nghiêm túc xem xét trải nghiệm của mỗi người.
Nhân chủng học Kitô giáo không phải là một chân lý lý thuyết mà chúng ta phải ném vào mọi người… Nếu chúng ta tin rằng chúng ta được tạo ra tốt đẹp [bởi Thiên Chúa], chúng ta biết rằng chân lý nằm trong mỗi chúng ta và chúng ta có thể nhận ra nó trong những khát khao của trái tim mình.
Có lẽ nhiệm vụ của người bạn đồng hành Kitô hữu là đồng hành với mọi người như Chúa Giêsu đã làm với các tông đồ [trên đường đến] Emmaus, giúp họ làm giàu ngữ pháp mà họ dùng để diễn giải câu chuyện của mình. Nếu chúng ta tin rằng “chân lý giải phóng chúng ta”, thì có lẽ điều chúng ta cần là rất nhiều sự kiên nhẫn và tình yêu để đồng hành với mọi người để họ ngày càng trở nên chân thực hơn.