1. Đức Giáo Hoàng Wojtyła đã thay đổi tiến trình lịch sử của thế kỷ trước như thế nào?

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2 tháng Tư, 2005, Camera dei Deputati hay Hạ Viện Italia đã có buổi thuyết trình về Sự nghiệp giải phóng thế giới của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã có bài thuyết trình được đăng lại trên tờ Quan Sát Viên Rôma ngày hôm sau.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, tôi đang ở trên sân thượng của Phủ Quốc vụ khanh thì Đức Hồng Y Pericle Felici, sau làn khói trắng bốc lên từ nhà nguyện Sistina, đã công bố tên của Đức Tân Giáo hoàng: Đức Hồng Y Karol Wojtyła. Đức Tổng Giám Mục Agostino Casaroli (người đã trở thành Hồng Y vào năm sau), đang có mặt ở đó với chúng tôi, đã bình luận: “Các Hồng Y thật can đảm khi chọn một tổng giám mục từ một quốc gia bên kia 'bức màn sắt'! Thật can đảm!”

Tất cả chúng tôi vây quanh Đức Tổng Giám Mục Casaroli, đặt nhiều câu hỏi với ngài, trong khi chúng tôi chờ đợi Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện trên ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Tổng Giám Mục trả lời chúng tôi: “Ngài là một nhân vật mạnh mẽ và hấp dẫn với nhiều phẩm chất của mình, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến khả năng Đức Tân Giáo Hoàng lại có thể đến từ bên kia “bức màn sắt”“.

Giờ đây, hai mươi năm sau khi triều đại giáo hoàng đó kết thúc, chúng ta phải công nhận rằng Đức Gioan Phaolô II là một nhân vật phi thường, một Giáo hoàng đã đặt mình vào truyền thống với dấu ấn mới mẻ đáng kể, và triều đại giáo hoàng của ngài được đánh dấu bằng sự bao la và vĩ đại của những công trình ngài đã hoàn thành, bằng sự đồng thuận ngài đạt được và bằng sự hướng dẫn về mặt tinh thần và đạo đức của ngài trong hơn một phần tư thế kỷ.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Wojtyła đã làm mọi người kinh ngạc không chỉ vì những gì ngài đã thực hiện được, mà còn vì tình yêu thúc đẩy ngài thực hiện những điều đó, cũng như mong muốn giúp đỡ mọi người trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa và gia tăng sự tôn trọng đối với nhân quyền, công lý, tình anh em và tình đoàn kết trên thế giới. Chúng ta không thể không thừa nhận rằng Chúa Quan Phòng đã giao cho Đức Gioan Phaolô II những nhiệm vụ lớn lao trong lịch sử thế giới vào thời đại của ngài.

Người của Chúa

Thánh Gioan Phaolô II trước hết và trên hết là một người vĩ đại của Thiên Chúa. Chiều kích đầu tiên và cơ bản của triều đại giáo hoàng của ngài là chiều kích tôn giáo. Động cơ của toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài, trung tâm truyền cảm hứng cho những suy nghĩ của ngài và tất cả các sáng kiến của ngài đều mang tính chất tôn giáo: tất cả những nỗ lực của vị Giáo hoàng Ba Lan đều nhằm mục đích đưa con người đến gần Thiên Chúa hơn và khiến Thiên Chúa trở lại như một nhân vật chính trong thế giới này. Đức Giáo Hoàng Ba Lan muốn rằng vẫn có một vị trí cho Thiên Chúa trong thế giới này của chúng ta.

Lời kêu gọi sôi nổi được tuyên bố trong Thánh lễ đầu tiên của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Đừng sợ! Hãy mở, hãy thực sự mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô”, đã diễn tả rất rõ câu nói đầy cảm hứng và chương trình của toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài.

Những lời này thể hiện nỗi lo lắng tông đồ thúc đẩy ngài đi khắp các nẻo đường thế giới, gặp gỡ những con người thuộc mọi nền văn hóa và chủng tộc, để loan báo cho mọi người rằng chỉ nơi Thiên Chúa, Đấng đã đến gần chúng ta trong Chúa Kitô, thì nhân loại mới có thể tìm thấy ơn cứu độ đích thực.

Ngài đã tuyên bố sự thật này một cách trung thực và dũng cảm đến nỗi ngay cả hai viên đạn bắn vào ngài ngày 13 tháng 5 năm 1981 cũng không thể làm suy yếu hay phá hoại được lóng can đảm tuyên xưng sự thật này cho thế giới.

Sự vĩ đại của triều đại giáo hoàng dài của ngài nằm trên hết ở việc đánh thức lại ý thức tôn giáo trên thế giới. Trong xã hội thế tục hóa vào thời đại của ngài, ngài đã giúp các Kitô hữu không sợ tự gọi mình là Kitô hữu. Lời kêu gọi trở về với Chúa của ngài không mệt mỏi, được gửi đến một xã hội ở phương Tây đang lãng quên ngài; và thậm chí đã chiến đấu chống lại ngài ở bên kia “bức màn sắt”.

Ngài có đức tin vào sức mạnh của tâm linh và đạo đức và là một nhân chứng có tầm vóc đặc biệt cũng vì sự mạch lạc rõ ràng của ngài: trong ngài không có sự đứt gãy giữa những gì ngài nghĩ và những gì ngài nói; giữa những gì ngài tin và những gì ngài là. Trong ngài có sự thống nhất hoàn toàn của đức tin và cuộc sống.

Người bảo vệ nhân quyền

Ngoài việc là một người của Chúa, Đức Gioan Phaolô II còn là một người bảo vệ nhiệt thành cho con người, cho phẩm giá, quyền lợi và tự do của mỗi con người. Đây cũng là một chủ đề đặc trưng trong giáo huấn của ngài, giúp nhiều người khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống. Gốc rễ của cam kết này đối với con người là một tầm nhìn rõ ràng về phẩm giá của mỗi con người, “độc nhất và không thể lặp lại”, như ngài vẫn nói. Mọi cuộc tấn công vào phẩm giá của bất kỳ con người nào đều là một sự xúc phạm đến Chúa, Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Ngài đã tuyên bố và bảo vệ nhân quyền như những quyền mà Chúa đã đặt vào bản chất con người.

Là một cộng sự viên của ngài, tôi có thể làm chứng cho cam kết và lòng nhiệt thành mà ngài dành cho việc bảo vệ nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, đại sứ, và đại diện của các tổ chức quốc tế. Tôi cũng có cơ hội ghi nhận lòng dũng cảm và quyết tâm của ngài trong việc khẳng định cả quyền của cá nhân và quyền tự do, tự quyết của các dân tộc.

Ngài có thể nhìn xa hơn những người khác

Tôi chỉ đề cập đến hai trường hợp. Khi những nền tảng đầu tiên của Công Đoàn Đoàn Kết được đặt ra, Lech Wałęsa và những cộng sự đầu tiên của ngài đã đến gặp Đức Hồng Y Wyszyński, Giáo Chủ Ba Lan và Tổng giám mục Warsaw, người có “cái mũi” chính trị phi thường và hiểu biết sâu sắc về tình hình ở Ba Lan vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trong lần tiếp xúc đầu tiên, ngài đã không khuyến khích họ; ngài nói rằng dự án của họ rất đẹp, nhưng sẽ không thể thực hiện được, do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ mọi thứ thông qua mạng lưới cảnh sát chế độ và mạng lưới các cơ quan tình báo. Đó là một giấc mơ đẹp mà ngài chia sẻ, nhưng sẽ bị Chính phủ dập tắt ngay lập tức. Ngài cũng lo ngại rằng, nếu Chính phủ Ba Lan không dập tắt sáng kiến này, Liên Xô sẽ can thiệp bằng xe tăng của mình (như ở Budapest, Hung Gia Lợi và Praha, Tiệp Khắc). Xét về mặt con người, Đức Hồng Y Wyszyński đã đúng.

Wałęsa và bạn bè ngay lập tức quay sang Đức Gioan Phaolô II, người thay vào đó bắt đầu từ một quan điểm khác. Ngài nói với họ: “Những ý tưởng và dự án của các bạn là đúng đắn và một ngày nào đó sẽ thành công.” Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng họ nên kiên nhẫn chờ đợi thời cơ thuận lợi và khuyến nghị hết sức thận trọng, vì họ sẽ gặp phải sự phản đối công khai. Do đó, ngài đã khuyến khích họ. Từ thời điểm đó, Đức Hồng Y Wyszyński cũng ủng hộ và hậu thuẫn cho Công Đoàn Đoàn Kết; trên thực tế, chính ngài là người đề xuất tên gọi Solidarność /sô-li-đa-nồ/ hay Công Đoàn Đoàn Kết.

Tôi muốn nhắc lại một trường hợp khác. Trong chuyến đi thứ hai của mình đến Ba Lan (16-23 tháng 6 năm 1983), Đức Gioan Phaolô II không muốn bất kỳ ai nghĩ rằng chuyến thăm của ngài có nghĩa là sự khoan dung ngầm hoặc chấp nhận gián tiếp thực tế của cuộc đảo chính do Tướng Jaruzelski thực hiện hai năm trước đó. Vì lý do này, ngay từ bài phát biểu đầu tiên, ngài đã lên tiếng bảo vệ tự do và nhân quyền. Một số đoạn trong bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng cho thấy rõ ràng rằng ngài phản đối thiết quân luật vào tháng 12 năm 1981 và tình hình phát sinh do hậu quả của nó.

Đức Hồng Y Casaroli, một nhà ngoại giao thông minh và là cộng sự trung thành của Đức Giáo Hoàng, vào buổi tối ngày thứ hai, khi chỉ có ngài và Đức Gioan Phaolô II, đã nói với ngài rằng, theo Đức Hồng Y, tốt nhất là nên hạ giọng xuống, và đưa ra hai lý do để ủng hộ cho suy nghĩ của mình:

Thứ nhất, một số biểu hiện mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng có thể linh hứng cho ai đó có hành động chống lại tình hình độc tài và chống lại Chính phủ. Hậu quả là những người liên quan sẽ ngay lập tức bị bỏ tù và có lẽ sẽ biến mất;

Thứ hai, đúng là chính quyền cộng sản Ba Lan không thể làm gì được Đức Giáo Hoàng, nhưng sau khi ngài trở về Rôma, họ sẽ trả thù các giám mục và Giáo hội bằng cách hạn chế hàng loạt quyền tự do.

Đức Gioan Phaolô II chăm chú lắng nghe Đức Hồng Y Casaroli, nhưng ngài không để mình bị thuyết phục: ngài tiếp tục đi theo con đường mà ngài đã chọn cho đến cùng. Khi ngài trở về Rôma, tôi nhớ rằng tại bữa tối làm việc ngày hôm sau, ngài đã nói một cách tự tin: “Tôi rất vui khi có thể nói ra mọi điều mà tôi cho là đúng”. Như người ta vẫn nói trong ngạn ngữ dân gian Italia, ngài đã kéo sợi dây đến tận cùng, nhưng không đứt.

Tôi hiểu rõ trường hợp thứ hai này: Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ sức mạnh của Giáo hội Ba Lan hơn Đức Hồng Y Casaroli. Nhưng trong trường hợp liên quan đến sự khởi đầu của Công Đoàn Đoàn Kết, tôi nghĩ ngài chỉ có thể nhìn xa hơn nhờ sự hỗ trợ đặc biệt đến với ngài từ Trời Cao qua lời cầu nguyện liên tục của ngài.

Người cầu nguyện

Làm việc gần gũi với Đức Gioan Phaolô II, có nhiều điều khiến tôi có ấn tượng mạnh mẽ như sự tự tin, sự chắc chắn, khả năng nói trước đám đông... khả năng nhìn xa hơn người khác của ngài, nhưng điều luôn làm tôi kinh ngạc nhất là cường độ sâu sắc trong lời cầu nguyện của ngài. Bạn không thể hiểu Đức Gioan Phaolô II nếu không xem xét mối quan hệ của ngài với Chúa.

Ngài là một người cầu nguyện vĩ đại, được thúc đẩy bởi một tinh thần Kitô giáo và lòng yêu mến Đức Mẹ mạnh mẽ. Ngài có trong mình một sự căng thẳng tâm linh và huyền bí không thể nhầm lẫn và chính từ lời cầu nguyện đã tuôn chảy sự an toàn, sự tự chủ tuyệt đối và sự thanh thản của ngài trong mọi hoàn cảnh.

Thật là một ấn tượng khi nhìn thấy ngài phó thác mình trong lời cầu nguyện: người ta có thể thấy nơi ngài một sự tham gia hoàn toàn, điều này đã cuốn hút ngài như thể ngài không có vấn đề gì phải giải quyết và cũng chẳng có những cam kết cấp bách nào kêu gọi ngài phải đến với một cuộc sống năng động. Thái độ của ngài điềm tĩnh và đồng thời tự nhiên một cách tự phát. Thật cảm động trước sự dễ dàng và sẵn sàng mà ngài chuyển từ sự tiếp xúc con người với mọi người sang sự hồi tưởng về một cuộc trò chuyện thân mật với Chúa. Khi ngài cầu nguyện, ngài cho thấy khả năng tập trung tuyệt vời. Khi ngài tập trung cầu nguyện, những gì đang diễn ra xung quanh ngài dường như không chạm đến ngài hay làm ngài bận tâm, vì ngài đắm chìm trong cuộc gặp gỡ với Chúa.

Ngài đã trưởng thành trong mọi quyết định quan trọng trong lời cầu nguyện. Trước mỗi quyết định quan trọng, Đức Gioan Phaolô II đều cầu nguyện về điều đó diễn ra trong một thời gian dài, đôi khi là trong nhiều ngày. Dường như ngài đang thảo luận về những vấn đề khác nhau với Chúa. Trong những quyết định có trọng lượng nhất định, ngài không bao giờ quyết định ngay lập tức. Đối với những người đối thoại đã hỏi ngài hoặc đề xuất điều gì đó, ngài trả lời rằng ngài muốn suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Trên thực tế, ngài đã dành thời gian để lắng nghe một số ý kiến, nhưng trên hết, ngài có ý định cầu nguyện để xin ánh sáng từ trên cao trước khi quyết định.

Tôi nhớ một trường hợp, trong những năm tôi làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong đó tôi thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã quyết định ủng hộ một lựa chọn khó khăn nào đó. Do đó, tôi đã hỏi ngài liệu chúng tôi có thể tiến hành truyền đạt điều đó không. Câu trả lời là: “Chúng ta hãy đợi, tôi muốn cầu nguyện thêm một chút trước khi quyết định.”

Khi một vấn đề đang được nghiên cứu và không thể tìm ra giải pháp công bằng và thỏa đáng, Đức Giáo Hoàng sẽ kết luận bằng cách nói: “Chúng ta phải cầu nguyện thêm lần nữa, để Chúa có thể giúp đỡ chúng ta.” Ngài dựa vào lời cầu nguyện để tìm thấy ánh sáng trên con đường cần theo.

Không mệt mỏi đến cùng

Trong giai đoạn đầu của triều đại giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã gây ấn tượng với năng lượng, sự năng động, vô số sáng kiến và những chuyến đi vĩ đại của ngài trên mọi nẻo đường thế giới. Trong giai đoạn cuối, ngài đã gây ấn tượng với sức mạnh và sự thanh thản mà ngài tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, bất chấp những vấn đề sức khỏe và bệnh tật đáng chú ý; tuy nhiên, ngài luôn trong trạng thái tinh thần minh mẫn hoàn toàn.

Với tấm gương của những tháng cuối cùng, Đức Gioan Phaolô II đã dạy rằng những khó chịu của tuổi già và bệnh tật phải được chào đón một cách thanh thản. Việc nhờ đến sự hỗ trợ của tiến bộ y khoa là đúng đắn và thích hợp, nhưng sau đó người ta phải tin tưởng vào Chúa.

Bằng tấm gương của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta cách bước đi trên con đường hướng đến mầu nhiệm đang chờ đợi chúng ta khi cánh cửa vĩnh hằng mở ra cho mỗi người chúng ta.

Đây là lời dạy cuối cùng của ngài; một lời dạy không lời, nhưng là lời dạy với tư cách là Giáo hoàng.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng Đức Gioan Phaolô II là một con người vĩ đại, một Giáo hoàng vĩ đại và một vị thánh vĩ đại.

Vĩ đại như một con người: ngài có chiều rộng của những ý tưởng và chiều sâu khác thường của tư tưởng, trong khuôn khổ triết học; ngài có khả năng ngôn ngữ tuyệt vời; một khả năng đáng ngạc nhiên là nói chuyện phù hợp với cá nhân và đám đông. Đồng thời, ngài là một nhà huyền môn có trong mình một sự căng thẳng tâm linh mạnh mẽ, nhưng là một nhà huyền môn chú ý đến con người và các tình huống; một nhà huyền môn có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử. Một Giáo hoàng mà thế giới kính trọng vì sự năng động không thể ngăn cản của ngài, vì nhiều cử chỉ của ngài, vì vô số sáng kiến của ngài, vì những chuyến đi vĩ đại của ngài và là một người được thế giới ngưỡng mộ vì công việc ngài đã hoàn thành để thế giới hiện đại của chúng ta mở rộng cánh cửa và trái tim của mình cho Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người.

Ngài cũng có khả năng phi thường trong việc đánh giá và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, nghệ thuật, văn học, sự ấm áp của tình bạn, những thành tựu của con người. Luôn có sự nhất quán lớn giữa những gì ngài nói và những gì ngài làm, giữa những gì xuất hiện trong tư duy và những gì thực tế.

Một vị Giáo hoàng vĩ đại: ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đã đi khắp thế giới, đi qua tổng cộng một lần rưỡi khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Ở mọi nơi, ngài đều là người gieo hy vọng vĩ đại. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đã vào một hội đường Do Thái; vị Giáo hoàng đầu tiên đã đến thăm một đền thờ Hồi giáo. Ngài là một nhà truyền giáo bẩm sinh; khi đến thăm các cộng đồng Kitô giáo trên cả năm châu lục, ngài biết cách để mọi người lắng nghe mình.

Nhà báo Gian Franco Svidercoschi đã viết một cách táo bạo rằng Đức Gioan Phaolô II đã “thu hẹp khoảng cách giữa trời và đất”, theo nghĩa là ngài đã làm rất nhiều để giúp những người nam và nữ trên thế giới này đến gần Chúa hơn.

Một vị thánh vĩ đại: danh hiệu “người khổng lồ của Chúa” mà các nhà báo dành cho ngài có vẻ phù hợp. Đối với ngài, Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là Đấng Tạo Hóa và là Cha yêu thương chúng ta. Tiếng kêu vang lên giữa đám đông tại tang lễ của ngài: “hãy phong thánh ngay lập tức” thể hiện niềm tin trong trái tim của nhiều người, những người ngưỡng mộ tinh thần cao cả của ngài và sự gắn kết giữa những gì ngài nói và những gì ngài là.

Tóm lại, ngài là vị Giáo hoàng đã thay đổi tiến trình lịch sử trong thế kỷ qua và là người đã chứng minh cho mọi người thấy rằng con đường chân lý, các giá trị đạo đức và tinh thần là con đường duy nhất có thể đảm bảo một tương lai công bằng hơn, nhân đạo hơn và hòa bình hơn.

Nhiều người đã rút ra từ Đức Giáo Hoàng này niềm hy vọng và lòng tin vào việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều người đã học được từ ngài con đường để tìm ra thông lộ dẫn đến Thiên Chúa.

Chúng ta không được phép quên lời chứng và thông điệp mà Đức Gioan Phaolô II đã gửi đến chúng ta. Vì lý do này, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sáng kiến tưởng nhớ ngài tại đây, tại trụ sở của Hạ viện, nơi ngài đã đến, khi chấp nhận lời mời của Chủ tịch Casini và Thượng nghị sĩ Pera.


Source:L'Osservatore Romano

2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Tư Tuần Thứ 5 Mùa Chay Ngày 09-04

Đn 3:14-20, 24-25, 28

3:52-56

Ga 8:31-42

“Chúng tôi không cần trả lời ngài về điều này.” Đn 3:16

Cuộc sống thường chất vấn chúng ta - đôi khi, lần này mạnh mẽ hơn những lần khác. Nhưng câu hỏi do Vua Nebuchadnezzar đặt ra không phải là đặc thù trong cuộc sống của chúng ta sao? Trên thực tế, Chúa Giêsu đã trải qua những câu hỏi tương tự trong quá trình thử thách của Người trong sa mạc: Ngươi không phải là Con Thiên Chúa sao? Và trong thử thách cuối cùng, Satan nói, “Tất cả những thứ này, ta sẽ cho ngươi nếu ngươi sấp mình xuống và thờ lạy ta” (x. Mt 4:9).

Có lẽ khi bạn ngồi đọc bài đọc này hôm nay, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những câu hỏi của chính mình, những câu hỏi cuối cùng sẽ làm suy yếu tình yêu và lòng tin vào Chúa:

Bạn có chắc chắn mình có sự an toàn về tài chính không?

Họ có thực sự yêu thương và chấp nhận con người thật của bạn không?

Bạn có thiếu thốn gì không?

Bạn không nên làm nhiều hơn sao?

Bạn thực sự không định thực hiện lựa chọn đó phải không?

Hãy dành thời gian dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để cho Chúa Thánh Thần tiết lộ những điều đòi hỏi chúng ta phải “thờ phượng” dưới hình thức thời gian, sự chú ý, năng lượng, sự tập trung, không gian trong tim và theo những cách tinh quái, dẫn chúng ta ra khỏi tình yêu sâu sắc hơn và lòng tin vào Chúa.

Khi tôi tiến tới sự biểu lộ cuối cùng của tình yêu và quyền năng của Chúa trên Thập giá, tôi thấy sự tự tin của Shadrach, Meshach và Abednego trở nên rõ nét. Với cùng một sức mạnh và sự tin tưởng, tôi cũng có thể khiển trách những câu hỏi của các loại “thần tượng” giả dối bằng sức mạnh của sự tin tưởng: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về điều này”, bởi vì sự tin tưởng của tôi nằm ở tình yêu mà Chúa dành cho tôi.

Vinh quang và ngợi khen Chúa đến muôn đời! Amen.

3. Ủy ban Di trú và Dịch vụ Tị nạn của USCCB ban hành Báo cáo chung với các Đối tác Tin lành về Tác động tiềm tàng của việc trục xuất hàng loạt đối với các Gia đình Kitô giáo

Báo cáo nhấn mạnh rằng cứ khoảng 12 người theo Kitô giáo ở Hoa Kỳ thì có 1 người—và 20% người theo đạo Công Giáo—phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất hoặc sống trong một gia đình có người bị trục xuất.

Ủy ban Di cư và Dịch vụ Tị nạn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, phối hợp với Hiệp hội Tin lành Quốc gia, World Relief và Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo Toàn cầu tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell, đã công bố báo cáo có tựa đề “Một phần của Cơ thể: Tác động tiềm tàng của việc trục xuất đối với các Gia đình Kitô giáo Hoa Kỳ”. Phân tích toàn diện này nêu bật tác động sâu sắc mà việc trục xuất hàng loạt có thể gây ra đối với các gia đình và các cộng đoàn Kitô trên khắp Hoa Kỳ nếu được thực hiện theo cách mà một số nhà hoạch định chính sách đã đề xuất.

Báo cáo nhấn mạnh rằng khoảng một trong mười hai người theo Kitô giáo ở Hoa Kỳ—và một trong năm người theo đạo Công Giáo nói riêng—phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất hay phải sống trong một gia cư có người bị trục xuất. Báo cáo nhấn mạnh thêm tác động của việc trục xuất hàng loạt đối với mọi tín hữu theo Kitô giáo, ngoài những người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những nỗ lực thực thi như vậy. Về điểm này, Đức Cha Mark J. Seitz của El Paso, chủ tịch Ủy ban Di cư của USCCB, và đại diện của các tổ chức đối tác đã giới thiệu báo cáo với những lời này “Tông đồ Phaolô mô tả hội thánh của Chúa Giêsu Kitô là ‘một thân thể’ ‘không phải gồm một bộ phận mà gồm nhiều bộ phận,’ mỗi bộ phận đều khác biệt nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau (1 Cr 12:13-14). Hơn nữa, chúng ta được kêu gọi vui mừng và cùng nhau chịu đau khổ: ‘Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.’ (1 Cr 12:26)

Cũng như bàn tay không thể tiếp tục công việc của mình mà không bị ảnh hưởng nếu bàn chân bị đau nhức dữ dội, bất cứ khi nào một bộ phận của hội thánh đau khổ, thì toàn thể được kêu gọi cùng chịu khổ đau.”

Thông tin trình bày trong báo cáo hợp tác này dựa trên phân tích dữ liệu mở rộng và lời chứng thực trực tiếp để vẽ nên bức tranh sống động về cách phạm vi trục xuất được đề xuất có thể ảnh hưởng đến các gia đình Kitô giáo, các cộng đoàn địa phương và cộng đồng người Mỹ nói chung.

Những phát hiện chính bao gồm:

Hơn mười triệu người nhập cư theo Kitô giáo tại Hoa Kỳ có nguy cơ bị trục xuất, bao gồm cả những người được bảo vệ tạm thời nhưng có thể bị thu hồi.

Gần bảy triệu người theo Kitô giáo là công dân Hoa Kỳ đang sống trong những gia cư có người có nguy cơ bị trục xuất.

80% người nhập cư có nguy cơ bị trục xuất tự nhận mình là người theo Kitô giáo, trong đó 61% theo đạo Công Giáo và 13% theo đạo Tin lành.

Cuối cùng, báo cáo kêu gọi tất cả các Kitô hữu nhận ra và ứng phó với hậu quả đối với con người do những nỗ lực trục xuất không ngừng và có đường lối chu đáo và nhân ái đối với chính sách nhập cư nhằm thúc đẩy công lý, đồng thời bảo vệ phẩm giá do Chúa ban cho mỗi người và sự thiêng liêng của các gia đình.


Source:USCCB

4. Nghiên cứu mới phát hiện ra 'hiệu ứng Gioan Phaolô Đệ Nhị' trong việc thúc đẩy khả năng sinh sản ở Mỹ Latinh

Một nghiên cứu mới khẳng định rằng bằng cách nhấn mạnh chủ đề về hôn nhân và gia đình trong 13 chuyến viếng thăm khu vực này từ năm 1979 đến năm 1996, Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ sinh trên khắp Mỹ Châu Latinh, dẫn đến việc có thêm một phần tư triệu ca sinh nở.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Notre Dame phát hiện ra rằng mặc dù mục đích trực tiếp của chuyến đi của Đức cố Giáo Hoàng không phải là tăng tỷ lệ sinh sản, nhưng thông điệp của ngài vẫn củng cố các chuẩn mực văn hóa hiện có ở Mỹ Latinh, gây ra sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê trong tỷ lệ sinh tại 16 quốc gia mà ngài đến thăm.

Lakshmi Iyer, giáo sư kinh tế tại Notre Dame, cho biết: “Những kết quả này cho thấy mọi người thực sự lắng nghe những gì Đức Giáo Hoàng muốn nói”. “Và các chủ đề mà ngài đề cập thực sự quan trọng”.

Điều quan trọng là, kết quả cũng cho thấy rằng Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị không chỉ rao giảng cho các tín hữu trong những chuyến viếng thăm này, mà tác động có thể đo lường được của những lời dạy của ngài thực sự lớn nhất ở những gia cư không theo Công Giáo, giàu có và có trình độ học vấn cao. Những tác động cũng lớn hơn ở những quốc gia thế tục hóa gần đây hơn.

Một bài báo mới thể hiện những phát hiện này, có tựa đề “Tôn giáo và nhân khẩu học: Ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng đến khả năng sinh sản”, lập luận rằng ngoài những lý do kinh tế và văn hóa thông thường được đưa ra cho tỷ lệ sinh giảm trên toàn thế giới kể từ những năm 1950, các chuẩn mực xã hội và cụ thể là các giá trị tôn giáo cũng có thể đóng một vai trò nào đó.

Tuyên bố rằng sự lãnh đạo tôn giáo có thể có tác động đáng kể đến tỷ lệ sinh không phải là mới. Để trích dẫn một trường hợp nổi tiếng, vào năm 2008, Thượng phụ Ilia Đệ Nhị đã đề nghị đích thân làm lễ rửa tội cho đứa con thứ ba và những đứa con tiếp theo của tất cả các cặp kết hôn trong nhà thờ. Kể từ đó, ngài đã chủ trì một loạt lễ rửa tội hàng năm giúp nâng tỷ lệ sinh của Georgia từ dưới mức thay thế lên đến 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, có nghĩa là đất nước này hiện đang tăng dân số.

Nghiên cứu mới của Notre Dame là một trong những nghiên cứu đầu tiên đưa ra mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng và tỷ lệ sinh. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy kết quả trái chiều, với một nghiên cứu năm 2017 tuyên bố rằng các biện pháp tránh thai đã giảm nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 dẫn đến sự gia tăng ngắn hạn về khả năng sinh sản, trong khi một nghiên cứu năm 2020 về Ý phát hiện ra rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng về gia đình đã làm giảm phá thai nhưng không có tác động đến khả năng sinh sản, mà chỉ cho thấy có sự chuyển dịch từ phá thai sang các biện pháp tránh thai.

Từ năm 1979 đến năm 1996, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi khắp Mỹ Châu Latinh trong 16 chuyến đi, nhiều lần tuyên bố đây là “Lục địa của Hy vọng”. Nghiên cứu của Notre Dame phát hiện ra rằng trong vòng hai đến năm năm sau mỗi chuyến đi đó, có thêm 220.000 đến 251.000 ca sinh nở diễn ra tại 13 quốc gia được phân tích trong nghiên cứu.

Kết quả cho thấy thông điệp ủng gia đình của Đức Giáo Hoàng đã giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm đáng kể về tỷ lệ sinh trên toàn châu lục.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng người Mỹ Latinh đã lắng nghe Đức Giáo Hoàng Ba Lan trên mọi phương diện, theo những cách khiến tỷ lệ sinh tăng hoặc giảm. Khi Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh việc ủng hộ hôn nhân và phản đối phá thai và biện pháp tránh thai, số ca sinh nở sau chuyến đi đã tăng lên. Tuy nhiên, khi ngài nhấn mạnh việc phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, tỷ lệ sinh thực sự đã giảm.

Đối với Iyer, những phát hiện này là sự xác nhận rằng nhân khẩu học không hoàn toàn giống với thời tiết, nghĩa là một sức mạnh của thiên nhiên mà về cơ bản nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thay vào đó, nó là sản phẩm của các quyết định cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi sự lãnh đạo đầy cảm hứng.

“Người đưa tin là ai là điều quan trọng,” Iyer nói. “Cần phải là người có thể củng cố những gì quan trọng đối với văn hóa. Bạn có thể thay đổi các chuẩn mực xã hội bằng cách để một nhà lãnh đạo chủ chốt nhắc nhở mọi người về những gì được coi là hành vi tốt và có thể chấp nhận được trong xã hội cụ thể đó.”

Mười ba quốc gia được nghiên cứu trong nghiên cứu này là Bolivia, Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, Mexico, Nicaragua, Paraguay, Peru và Trinidad và Tobago, và các phát hiện chỉ ra sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê trong tỷ lệ sinh sản trong vòng hai đến năm năm sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng ở hầu hết các quốc gia, với tác động ròng là lớn nhất ở El Salvador.


Source:Crux

5. Tổng giám mục Iraq đưa ra tuyên bố phủ nhận về các khiếu nại kiện tụng

Một tổng giám mục Iraq đã đưa ra tuyên bố phủ nhận đối với các cáo buộc tham nhũng trong vụ kiện được đệ trình lên tòa án Hoa Kỳ để đáp lại những gì ngài mô tả là báo cáo “cực kỳ giật gân” về vụ việc.

Trong tuyên bố gửi tới tờ The Pillar, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda đã bày tỏ “sự ngạc nhiên lớn” trước việc nữ doanh nhân người Mỹ gốc Iraq Sara Saleem đệ đơn kiện, cáo buộc ngài đồng lõa trong vụ bắt cóc bà vào năm 2014 tại Iraq.

Vụ kiện, được đệ trình vào ngày 13 tháng 2 tại Tòa án Quận Hoa Kỳ thuộc Quận phía Đông Virginia, tuyên bố rằng Đức Cha Warda “thông qua mối quan hệ của mình với các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn như Lữ đoàn Babylon của Rayan al Kildani, đã tạo điều kiện cho âm mưu tống tiền, bắt cóc, tra tấn và cố gắng giết” Saleem — một cáo buộc mà trước đó vị tổng giám mục này đã kiên quyết phủ nhận.

Đức Cha Warda cho biết ngài đã bị đưa vào danh sách 16 bị cáo một cách “bất công” với cáo buộc tham gia ở nhiều mức độ khác nhau vào các nỗ lực phá hoại lợi ích kinh doanh của Saleem tại Iraq.

Đức Cha Warda lưu ý rằng: “Bà ấy đã vu cáo chúng tôi cản trở tiến trình xét xử của ngành tư pháp Iraq và gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án mà bà ấy đã đệ đơn kiện các đối tác kinh doanh của mình”.

“Bà ấy cũng cáo buộc mà không có bằng chứng rằng chúng tôi đã hối lộ một nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng nổi tiếng, người được xã hội Iraq kính trọng rộng rãi để tạo điều kiện thả những người đối lập với bà ấy.”

Tuyên bố của Đức Cha Warda cho biết: “Chúng tôi kiên quyết và dứt khoát bác bỏ những cáo buộc sai trái và phỉ báng này”.

Bản đơn kiện dài 56 trang cho biết Saleem, một công dân Hoa Kỳ gốc Iraq có dòng dõi người Kurd, đã bị bắt cóc tại thành phố Basra, miền nam Iraq vào ngày 8 tháng 9 năm 2014 và bị giam giữ trong một tháng, trong thời gian đó bà đã bị tra tấn. Bà đã trốn thoát và trở về Hoa Kỳ

Khi bà trở về Iraq ba năm sau đó, bà đã bị cuốn vào một cuộc chiến pháp lý phức tạp bao gồm các vụ kiện do các đối tác kinh doanh cũ của bà, là anh em nhà Hanna, đệ đơn kiện, những người mà bà cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc bà.

Trong tuyên bố của mình, Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến khiếu nại của Saleem rằng ngài đã can thiệp thay mặt cho hai anh em Hanna, những người mà theo đơn kiện, đã bị kết tội lừa đảo hình sự đối với Saleem vào tháng 7 năm 2023 và bị kết án ba năm tù.

Vụ kiện cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Warda đã bảo lãnh cho hai anh em với Nechirvan Barzani, chủ tịch Khu vực Kurdistan của Iraq, “chuyển hối lộ cho Barzani thay mặt cho anh em Hanna” và thuyết phục ông ta bảo đảm việc thả hai anh em trước phiên tòa xét xử lại. Hai anh em được tại ngoại vào tháng 11 năm 2024 và được Chánh án Faiq Zidane của Iraq tuyên bố trắng án vào tháng 2.

Đức Cha Warda cho biết một trong những vai trò cơ bản của giáo sĩ Iraq là giúp giải quyết các tranh chấp trước khi họ đưa nhau ra tòa.

Ngài giải thích rằng: “Chúng tôi đảm nhận vai trò này một cách công khai và tự do đối với tất cả những ai đến tìm kiếm sự hỗ trợ một cách thiện chí”.

“Đây chính xác là những gì chúng tôi đã làm khi những người bạn của quý bà đáng kính này tìm đến chúng tôi để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm giải quyết xung đột với bà ấy.”

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đã nỗ lực để đưa hai bên lại gần nhau hơn và liên lạc với bà ấy để cố gắng đạt được sự hòa giải. Thật không may, những nỗ lực này đã không thành công và cả hai bên đã chuyển sang cơ quan tư pháp Iraq, nơi đã nắm giữ thẩm quyền đối với tranh chấp kể từ đó.”

“Chúng tôi tái khẳng định rằng Giáo hội chưa bao giờ là — và sẽ không bao giờ là — một bên cản trở con đường công lý. Ngược lại, Giáo hội sẽ luôn là một diễn đàn cởi mở và trung gian cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo. Giáo hội nói lên sự thật, bảo vệ những người bị áp bức và ủng hộ sự độc lập và toàn vẹn của ngành tư pháp Iraq.”


Source:Crux