
Dựa trên lời kể trong Tin mừng về "Người thanh niên giàu có", Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét điều gì đang ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc.
Mặc dù sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cải thiện ổn định, nhưng ngài vẫn chưa tổ chức các buổi tiếp kiến công khai vào thứ Tư với các tín hữu. Tuy nhiên, giống như những tuần trước, bài suy gẫm của ngài đã được Vatican công bố.
Ngày 9 tháng 4 này, ngài tiếp tục chủ đề hiện tại của các bài nói chuyện: Những câu chuyện Tin mừng về các cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và hy vọng nảy sinh từ đó.
Hôm nay, bài suy gẫm của ngài là về "người thanh niên giàu có", điều này đã dẫn Đức Giáo Hoàng đến một bài suy gẫm về hạnh phúc, hiểu tình yêu là thứ được ban tặng một cách tự do và đại dịch cô đơn hiện nay.
Sau đây là bản dịch sang Việt ngữ dựa vào bản tiếng Anh của Vatican:
Chu kỳ Giáo lý: Năm Thánh 2025-Chúa Giêsu Ki-tô Niềm Hy vọng của chúng ta. Đời sống của Chúa Giêsu. Các cuộc gặp gỡ. Người Thanh niên Giầu có. Chúa Giêsu nhình anh ta (Mc 10:21).
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ xem xét một cuộc gặp gỡ khác của Chúa Giêsu, được thuật lại trong các sách Tin mừng. Tuy nhiên, lần này, người được gặp không có tên. Thánh sử Máccô mô tả anh đơn giản là "một người đàn ông" (10:17). Anh là một người đàn ông đã tuân giữ các điều răn từ khi còn trẻ nhưng mặc dù vậy, anh vẫn chưa tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Anh đang tìm kiếm nó. Có lẽ anh là người vẫn chưa thực sự quyết định, mặc dù anh có vẻ là một người tận tụy. Thật vậy, ngoài những việc chúng ta làm, những hy sinh và thành công của chúng ta, điều thực sự quan trọng để được hạnh phúc là những gì chúng ta mang trong trái tim. Nếu một con tàu phải giương buồm và rời cảng để ra khơi, thì đó có thể là một con tàu tuyệt vời, với một thủy thủ đoàn đặc biệt, nhưng nếu nó không kéo vật nặng và và các mỏ neo lên, thì nó sẽ không bao giờ có thể rời đi. Người đàn ông này đã tự biến mình thành một con tàu xa hoa, nhưng anh vẫn ở lại bến cảng!
Khi Chúa Giêsu đi qua phố, anh này chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (câu 17). Hãy lưu ý các động từ: “tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời”. Vì việc tuân giữ Luật pháp không mang lại cho anh hạnh phúc và sự an toàn khi được cứu rỗi, nên anh quay sang Chúa Giêsu là Thầy. Điều đáng chú ý là người đàn ông này không biết từ vựng của tính cho không! Mọi thứ dường như đều phải được nợ. Mọi thứ đều là bổn phận. Đối với anh, sự sống đời đời là một gia tài, một thứ có được bằng quyền, thông qua việc tuân thủ chặt chẽ các cam kết. Nhưng trong một cuộc sống được sống theo cách này, mặc dù chắc chắn là vì mục đích tốt, thì tình yêu có thể có chỗ nào?
Như thường lệ, Chúa Giêsu vượt ra ngoài vẻ bề ngoài. Trong khi một mặt, người đàn ông này trình bày trước Chúa Giêsu lý lịch đẹp đẽ của mình, Chúa Giêsu vượt ra ngoài và nhìn vào bên trong. Động từ mà Mác-cô sử dụng rất có ý nghĩa: “nhìn vào anh” (câu 21). Chính xác là vì Chúa Giêsu nhìn vào bên trong mỗi người chúng ta, Người yêu chúng ta như chúng ta thực sự là. Thật vậy, Người sẽ nhìn thấy điều gì bên trong người này? Chúa Giêsu nhìn thấy điều gì khi Người nhìn vào bên trong mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta, bất chấp những xao lãng và tội lỗi của chúng ta? Người nhìn thấy sự mong manh của chúng ta, nhưng cũng nhìn thấy mong muốn được yêu thương như chúng ta là.
Động từ mà Mác-cô sử dụng rất có ý nghĩa: “nhìn vào anh ta” (câu 21). Chính vì Chúa Giêsu nhìn vào bên trong mỗi người chúng ta, nên Người yêu thương chúng ta như chúng ta thực sự là.
Tin mừng nói rằng khi nhìn vào anh, Người “yêu thương anh” (câu 21). Chúa Giêsu yêu thương người đàn ông này trước khi Người thậm chí đưa ra lời mời gọi đi theo Người. Người yêu thương anh như anh là. Tình yêu của Chúa Giêsu là vô điều kiện: hoàn toàn trái ngược với luận lý công trạng đã bao trùm người này. Chúng ta thực sự hạnh phúc khi nhận ra mình được yêu thương theo cách này, một cách tự do, bởi ân sủng. Và điều này cũng áp dụng cho các mối quan hệ giữa chúng ta: chừng nào chúng ta cố gắng mua tình yêu hoặc cầu xin tình cảm, thì những mối quan hệ đó sẽ không bao giờ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Đề xuất mà Chúa Giêsu đưa ra cho người đàn ông này là thay đổi cách sống và mối quan hệ của anh với Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu nhận ra rằng bên trong anh, cũng như trong tất cả chúng ta, có điều gì đó đang thiếu. Đó là khát khao được yêu thương mà chúng ta mang trong lòng. Có một vết thương thuộc về chúng ta với tư cách là con người, vết thương mà qua đó tình yêu đi qua. Để vượt qua sự thiếu hụt này, chúng ta không cần phải “mua” sự công nhận, tình cảm, sự quan tâm: thay vào đó, chúng ta cần phải “bán đi” mọi thứ đang đè nặng lên chúng ta, để làm cho trái tim chúng ta được tự do hơn. Không cần phải tiếp tục lấy cho riêng mình, mà thay vào đó là cho người nghèo, cung cấp, chia sẻ.
Cuối cùng, Chúa Giêsu mời gọi người đàn ông này đừng ở lại một mình. Người mời gọi anh theo Người, ở trong một mối ràng buộc, sống một mối quan hệ. Thật vậy, chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thoát khỏi sự vô danh của mình. Chúng ta chỉ có thể nghe thấy tên mình trong một mối quan hệ, trong đó có ai đó gọi chúng ta. Nếu chúng ta ở lại một mình, chúng ta sẽ không bao giờ nghe thấy tên mình được gọi, và sẽ tiếp tục là “người đàn ông” đó, vô danh. Có lẽ ngày nay, chính vì chúng ta sống trong một nền văn hóa tự cung tự cấp và chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thấy mình bất hạnh hơn vì chúng ta không còn nghe thấy tên mình được gọi bởi một người yêu thương chúng ta một cách tự do nữa.
Người đàn ông này không chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu và ở lại một mình, vì gánh nặng của cuộc đời giữ anh ở lại bến cảng. Nỗi buồn của anh là dấu hiệu cho thấy anh vẫn chưa thể rời đi. Đôi khi, những gì chúng ta nghĩ là sự giàu có thực ra chỉ là gánh nặng đang kìm hãm chúng ta. Hy vọng là người này, giống như mỗi người chúng ta, sớm muộn gì cũng sẽ thay đổi và quyết định ra khơi.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trao phó cho Trái tim Chúa Giêsu tất cả những người đang buồn bã và do dự, để họ có thể cảm nhận được ánh mắt yêu thương của Chúa, Đấng cảm động khi nhìn vào chúng ta một cách dịu dàng.