HÀ NỘI - Chiều ngày 10.04.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Chủ tịch HĐGMVN, nhân dịp họp Ban Thường trực HĐGM, tại Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, tới thăm và chia sẻ kinh nghiệm mục vụ với các chủng sinh ĐCV Thánh Giuse Hà Nội.

Thay mặt nhà trường, Cha Giám đốc Laurensô, đã nói lên lòng biết ơn sâu xa về sự ưu ái của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN.

Trước hết, Đức cha chủ tịch chia sẻ sơ lược về tình hình truyền giáo của Giáo Hội: thiên niên kỉ thứ nhất Giáo Hội tập trung truyền giáo tại Châu Âu và Châu Phi; thiên niên kỉ thứ hai tại Châu Mỹ; thiên niên kỉ thứ ba tại Châu Á thân yêu của chúng ta.

Tiếp theo, Đức cha đưa ra vấn nạn: truyền giáo tại lục địa này có gì đặc biệt ? Châu Á là nơi tồn tại ba tôn giáo rất lớn: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Những tôn giáo này đã ăn sâu vào nếp sống văn hóa của hầu hết những người dân nơi đây. Nhiều nhà nghiên cứu về tôn giáo cho rằng đây thực sự không phải là tôn giáo mà nên gọi là truyền thống tâm linh.

Truyền thống tâm linh là vì người Châu Á rất ưa thích sống thinh lặng, âm thầm, chiêm niệm. Hơn nữa, người Châu Á ham học và thích truy tìm chân lí, qua việc chiêm niệm. Có thể gọi đây là tôn giáo của lòng bao dung. Tại sao lại nói là tôn giáo bao dung ? Bởi vì những tôn giáo này khi du nhập vào Việt Nam rất phù hợp với bản sắc văn hóa nơi đây. Nó có sự chung sống rất tốt với văn hoá bản địa. Chẳng hạn như thờ cúng Ông bà tổ tiên, thờ Trời… Đây là cơ hội rất tốt để ta giới thiệu đạo Chúa cho họ.

Ngài đã lấy Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu của ĐTC Gioan Phaolô II để nói lên sự cần thiết của Lời Chúa phải được giới thiệu tại lục địa này. Lời Chúa phải được rao giảng trực tiếp, bên cạnh những hình thức khác, tại Châu lục này.

Nhưng giới thiệu như thế nào và cách thức làm sao ? Chính khi Đức Gioan Phaolô II công bố Tông Huấn này năm 1998 đã có nhiều tôn giáo lên tiếng phản đối. Đặc biệt, khi ngài đặt một số Giáo phận tại Nga thì lại bị chỉ chích “chiêu mộ tín đồ”. Vậy sao đây ? Có một số nhà thần học Châu Á cho rằng chỉ cần dạy cho người ta giữ đúng cái đạo đang theo là tốt lắm rồi. Sau đó, tự người ta tìm đến với Công giáo.

Ngài nhấn mạnh đến việc tôn trọng giữa các tôn giáo trong khi đối thoại. Chúng ta tôn trọng mà vẫn giữ vững lập trường của mình. Chúng ta tiếp thu có chọn lựa. Trong khi, mọi người quan niệm rằng có nhiều trung gian để cứu con người khỏi đau khổ, thì Giáo Hội lại công bố một tuyên ngôn về “Đức Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất” (Dominus Jesus). Chúng ta cần phải tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng mình tin. Dĩ nhiên, chúng ta bị chống đối bởi người ta cho rằng Đức Giêsu cũng chỉ ngang hàng với các vị sáng lập ra các đạo khác mà thôi.

Đứng trước tình hình đó, chúng ta cần giải thích. Tin Mừng mà chúng tôi được hưởng, nay chúng tôi đem chia sẻ cho hết mọi người. Đó là món quà rất quí giá. Vì thế, cơ hội và thách đố dành cho chúng ta rất lớn.

Đức cha nhắc tới các nhà truyền giáo tới Việt Nam. Nhiều người đã nghĩ không đúng về các ngài. Họ cho rằng các nhà truyền giáo tới Việt Nam mang theo những tập tục của Tây phương. Một cách nào đó, chúng ta không phủ nhận. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta cũng làm như vậy. Nên chúng ta cần có cái nhìn khách quan hơn.

Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân hùng hồn đã rao giảng Lời Chúa bằng chính cuộc đời và cái chết của mình. Giáo Hội Việt Nam ngày nay được như thế này, một phần là do những giọt máu của các ngài đã đổ ra để sinh nhiều bông hạt. Cái chết của các ngài thật đẹp.

Cuối cùng, Đức cha cũng dành thời gian để trao đổi với anh em chủng sinh về một số những vấn nạn. Tuy thời giờ có hạn, nhưng mọi ý kiến đều được ngài giải đáp cách rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu. Anh em đều cảm thấy thoả mãn.

Bài chia sẻ của Đức Cha chủ tịch đã đem lại cho anh em chủng sinh bữa ăn tinh thần rất quan trọng. Bởi truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Truyền giáo làm cho Giáo Hội sinh động và phát triển. Quả thật, Châu Á là cánh đồng truyền giáo đầy triển vọng, nhưng cũng không thiếu những thách đố.

Để kết thúc buổi nói chuyện, Đức cha Chủ tịch cùng nguyện kinh Truyền Tin với anh em chủng sinh để cám ơn Chúa.