Thử tìm hiểu thái độ của ĐTC Benedictô XVI đối với thần học giải phóng Mỹ châu La tinh



Đến vùng đất Mỹ châu La tinh trong chuyến tông du dầu tiên, ĐTC Benedictô XVI đối diện với nhiều vấn đề: công việc truyền giáo của Giáo hội trước những thách thức và thí nghiệm về sự nhập cảng của các phong trào thánh linh từ các nhà truyền giáo Tin lành Mỹ quốc, vấn đề luân lý và tình dục của giới trẻ, vấn đề ma túy, hôn nhân gia đình, và sự khan hiếm linh mục cho số khổng lồ giáo dân Công giáo tại vùng Nam Mỹ đặc biệt là tại Ba tây (chì có 18,000 linh mục mà đáng lý ra phải cần tới 100,000 linh mục cho số giáo dân 155 triệu người), đặc biệt nhất là làm sao đối diện và đưa đường hướng mới cho nền thần học giải phóng đã từ nửa thế kỷ ăn rễ sâu môi trường nghèo khó của dân chúng Mỹ châu La tinh.

Ba Tây với dân số là 186 triệu người mà hơn một nửa là người trẻ dưới 21 tuổi và phần lớn là nghèo. Trước khủng hoảng thiếu linh mục cộng thêm yếu tố nghèo mà Giáo Hội không thể lo xuể mục vụ cho họ, do đó những lý thuyết về một nền thần học giải phóng dễ lôi cuốn giới trẻ vào cuộc thử nghiệm tôn giáo với các sinh hoạt của Cộng Đoàn Công Giáo Nền (basic ecclesial communities) mà hiện nay có thề có tới 80,000 cộng đoàn như thế vần còn sinh hoạt.

Việc ĐTC Benedictô XVI đến Sao Paulo nhắc nhở dân chúng nhớ lại hình ảnh của vị Giáo hoàng khi còn là hồng y Ratzinger, chính Ngài là người đã từng phê bình và cảnh giác các nhà “thần học giải phóng” quá khích cách đây mấy thập niên. Thời gian đó nhiều linh mục và giáo dân Nam Mỹ đã hô hào việc muốn giải phóng dân nghèo, ngay cả việc một số các linh mục tham dự vào tiến trình chính trị và khuyến khích võ trang. Họ chủ trương rằng Giáo hội cần phải dấn thân để thay đổi bộ mặt chính trị, và nếu cần thể thay đổi ngay cả thể chế chính trị để dân nghèo có được công lý, tự do và được hưởng đời sống vật chất xứng đáng phẩm giá con người, nhất là xét về bối cảnh chính trị của Mỹ châu La tinh khi đó có rất nhiều người lãnh đạo quốc gia là quân phiệt, độc tài...

Phong trào “Thần học giải phóng” quá khích không những đã bị ĐHY Ratzinger cảnh cáo mà ngay chính ĐGH Gioan Phaolô II cũng cảnh cáo một cách mạnh mẽ, dù Đức Gioan Phaolô II là người rất dấn thân cho công lý của người nghèo.

Chúng ta nhớ lại hồi thập niên 1980 ĐGH Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ cảnh cáo sự sai lầm của các nhà thần học giải phóng quá khích vì họ "trộn lẫn giáo thuyết xã hội của Giáo hội với chủ nghĩa Max-xít.

Vào năm 1983 khi ĐGH Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua, vừa đến phi trường, các quan chức chính quyền Sandinista đang đứng xếp hàng đón chào Ngài, trong số này có linh mục Ernesto Cardenal là một bộ trưởng trong chính quyền, khi giáp mặt LM Cardenal, ĐGH Gioan Phaolô II đã không bắt tay linh mục này và còn chỉ thẳng mặt LM Cardenal và cảnh cáo rằng: “Cha hãy thu xếp xòng phẳng lại tình trạng của Cha trong Giáo hội đi”. Thời gian sau LM Cardenal đã từ chức bộ trưởng.

Người Công giáo tại Mỹ châu La tinh tiếp tục chiến đấu cho công bình xã hội và đang khi đó tiếp tục có những bất đồng là làm thế nào và tới mực độ nào chính sách chính trị xã hội và lòng đạo đức chân chính Kitô giáo có thể chung sống hòa bình được. Thế nhưng sau khi cao trào của chủ thuyết cộng sản Mac-xít dần dần mờ nhạt đi tại Nam Mỹ và chính ĐGH Gioan Phaolô II chứng tỏ ngài là một người vô địch vĩ đại cho người nghèo, thì các cao trào mới lại được thành hình. Các thần học gia giải phóng vẫn còn nói và viết những điều đi ngược với Vatican, thế nhưng thần học giải phóng theo trào lưu mới không còn là trung tâm điểm cho các cuộc tranh luận nữa.

Ngày nay Giáo hội tại Mỹ châu La tinh đưa ra một nghị trình mới cho các cuộc bàn luận về cách làm thế nào tranh đấu cho công lý xã hội với một định nghĩa rộng lớn và bao quát hơn. Tỉ dụ, trong tuần vừa qua, có nhóm các giám mục cấp tiến đã gửi thư đến Hội Đồng Giám Mục Ba Tây thúc đẩy nên có một thế đứng khai sáng hơn về những vấn đề xã hội.

Trên đường đi đến Ba tây, ĐTC Benedictô XVI khi nói truyện với các ký giả tháp tùng, Ngài đã lập lại những lời cảnh giác như sau: “Điều lầm lẫn là pha trộn giữa Giáo Hội và chính trị, giữa đức tin và chính trị”. Rồi ĐTC nhấn mạnh rằng: “sứ mạng chính của Giáo hội là nền giáo dục các nhân đức nhân bản và xã hội chứ không phải là can thiệp trực tiếp vào lãnh vực chính trị”.

Và đang khi Ngài nói một cách tích cực về việc đẩy mạnh phong thánh cho vị Tổng giám mục cấp tiến người Salvador là Đức TGM Oscar Romero, vị tổng giám mục này bị giết vào năm 1980 khi đang cử hành thánh lễ, ĐTC than phiền rằng “lý tưởng và nguyên do của Đức TGM đã bị các người ủng hộ cho nền thần học giải phóng cưỡng đoạt đi”.

Thực tế cho thấy chủ thuyết Cộng sản coi như là kẻ thù lịch sử không đội trời chung với Giáo Hội Công giáo tại Âu châu đã biến mất tại nhiều nơi, và do đó tại một số nơi như Nam Mỹ những nhà hoạt động xã hội đôi khi đã bắt tay với Giáo hội để cùng nhau tìm ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội. Một trường hợp điển hình chính là vị tổng thống Ba tây, ông Luiz Inacio Lula da Silva, chính ông là đồng minh lâu đời của thần học giải phóng, ông là người tiếp đón ĐTC Benedictô XVI, và ông cũng đồng ý với Đức Giáo Hoàng là trong thời toàn cầu hóa hiện nay thì điều trọng tâm là phải làm khoảng cách giữa người giầu và nghèo cáng ngày càng bớt xa cách đi, và ông cùng ĐTC trong chủ trương lên án “tính cách thương mại hóa” con người trong tình trạng toàn cầu hóa hôm nay.

Khi ĐTC phong thánh vào ngày thứ Sáu ngày 11.5.2007 cho vị hiển thánh đầu tiên của Ba Tây, đó là Cha Dòng Phanxicô Frei Antonio San'Anna Galvao sống vào thế kỷ 18, ĐTC đã ca ngợi sự phục vụ người nghèo không biết mệt mỏi của vị thánh này “một lòng phục vụ bất cứ nơi nào, khi nào cần đến... đem hòa bình cho các tâm hồn và các gia đình, đặc biệt là lòng bác ái cho những người nghèo va bệnh nhân”.

Trong chuyến thăm viếng Ba tây vừa qua, Đức Benedictô cũng tới thăm một trung tâm hoàn lương nơi tái giáo dục những thanh niên nam nữ nghiện ngập ma túy, bụi đời... Cử chỉ của Ngaì nói lên thái độ dấn thân của Giáo hội cho những người nghèo khó và những người bị xã hội bỏ rơi.

Thực vậy, việc giúp đỡ và tranh đấu cho người nghèo và những người thiếu thốn là trọng tâm sủa đức tin Kitô giáo. Trong tông huấn ĐTC Benedictô viết vào năm 2005, Ngài đã đồng hóa nhu cầu đức tin và việc bác ái là một, Ngài viết như sau: “Đối với Giáo Hội, bác ái không phải là một loại hoạt động trợ cấp xã hội (welfare) mà nhiều người khác có thể làm được, nhưng bác ái là chính một phần trong bản chất của Giáo Hội, một diễn đạt không thể thiếu được trong chính sự hiện hữu của Giáo Hội. Đây chính là lúc cần phải tái khẳng định tầm quan trọng của cầu nguyện trước chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết trần tục hóa đang lan rộng của nhiều người Kitô hữu khi họ dấn thân vào các việc bác ái”.

Theo như nhận định của giám đốc Caritas quốc tế, ông Duncan MacLaren, phát biểu rằng: hình như sứ điệp của Đức Benedictô là một khởi điểm mới khác với học thuyết xã hội Công giáo truyền thống cho rằng Giáo hội cũng cần phải dấn thân thay đỗi các thể chế xã hội bất công. thực vậy nếu ta để ý đọc những bài diễn văn, những sách vở và những phát biểu của Đức Benedictô XVI, chúng ta sẽ thấy rằng ngài nhấn mạnh đến đời sống đạo đức cá nhân của những người làm công tác xã hội như là câu trả lời cho việc thăng tiến xã hội và qua đó sẽ ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người, nhất là người nghèo.

(còn tiếp...)