NHÌN VỀ SỰ KIỆN NGƯỜI KƠHO TRỞ LẠI VỚI ĐỨC TIN KITÔ-GIÁO

Sự kiện có rất nhiều người Thượng trở lại với Kitô-giáo trong những thập niên gần đây, hẳn đã gây khá nhiều sự chú ý của dư luận. Cách riêng con số trên 100 ngàn đã ghi danh rửa tội trong các xứ đạo thuộc phần đất Đàlạt nói lên rằng hiện nay đa số người Thượng thuộc miền này là tín hữu Công giáo, con số nhỏ hơn thì thuộc các Giáo hội Tin Lành anh em.

Số còn giữ và thực hành tín ngưỡng cổ truyền có vẻ còn rất ít trong những vùng sâu vùng xa, do sự liên lạc với bên ngoài đối với họ chưa có điều kiện thuận lợi.

Trước đây đã có dư luận đặt vấn đề rằng :

“Tại sao dân Thượng trở lại Kitô-giáo rầm rộ như thế ? Trong khi không thấy, hoặc rất hiếm thấy hiện tượng này nơi các cộng đồng dân cư khác, từ lâu nay vốn chung sống với họ trong cùng một miền đất.”

Vấn đề này đã có lúc được cho rằng vì Kitô-giáo, đặc biệt các nhà thờ Công giáo đã có những pha chiêu mộ tín đồ tinh vi, nên mới lôi cuốn được đa số người Thượng theo đạo mới, trong khi trước đây họ là một dân tộc vốn gắn bó với tín ngưỡng cổ truyền do cha ông họ lưu truyền lại.

Khi tìm hiểu và nhìn từ gốc độ trong cuộc thì thấy rằng đã không thấy có pha chiêu dụ tinh vi nào cả của Kitô-giáo, sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội cũng khá bình thường như sự hiện diện của các tôn giáo bạn.

Vậy thì phải nói đúng hơn rằng chính các cộng đồng Thượng đã tự ý xin gia nhập đạo mới, trong khi Giáo Hội chỉ hiện diện và mở rộng vòng tay đón nhận họ trở về.

Rất dễ hiểu rằng trong thời điểm người Thượng lũ lượt trở về, thì Giáo Hội cũng không đủ tự do và phương tiện hoạt động tại các làng Thượng để mà chiêu dụ, chỉ có một số ít làng Thượng ở gần các nhà thờ, còn hầu hết các làng mạc đều ở xa, thậm chí nằm ngoài tầm đi lại “hợp pháp” của các linh mục quản xứ.

Vậy thì vấn đề có thể được nhìn và hiểu như thế nào ?

Để rộng đường cho những suy nghĩ và nhận định từ nhiều hướng khác nhau, có lẽ hai cách nhìn và hiểu sau đây có thể phần nào đó đem lại một sự giải thích, hầu có thể coi đó như một kinh nghiệm quí báu cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.

1. Hạt giống đã được gieo vãi nay tới lúc nảy mầm.

Trên miền đất Đàlạt nói riêng, hoạt động truyền giáo là công việc đã được thực hiện trước đây bởi các Thừa sai Công giáo ngoại quốc, đặc biệt là các Linh mục Thừa sai Paris, các Linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế, dòng Vinh Sơn…, và sau này được tiếp nối bởi một số Linh mục triều Việt Nam.

Còn các Giáo hội Tin Lành thì một số Mục sư người Mỹ cũng hoạt động song song bằng việc tiếp xúc và lập một số Trung tâm truyền giáo của họ.

Nhưng sau biến cố 1975 thì tất cả những hoạt động này hoàn toàn khép lại, các Linh mục Việt Nam tuy còn đó, nhưng cũng không thể đi lại như trước được nữa, trong khi theo như những ghi nhận thì việc trở lại của người Thượng rộ nhất là trong thời kỳ 1987-1990, là thời kỳ mà mọi hoạt tôn giáo bị rút lại trong phạm vi nhỏ hẹp của nhà thờ, không còn trường học, không còn những trợ giúp về y tế và thăm viếng…

Hơn nữa, trong thời kỳ trước 1975, con số Kitô-hữu Thượng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng độ 7000 người là tối đa. Khi ấy các nhà truyền giáo cũng nhận ra rằng, không dễ để đưa người Thượng trở về với Đức tin, dù cho bối cảnh khi ấy thuận lợi trăm chiều.

Nhưng rồi bỗng hiện tượng trở lại dấy lên như một phong trào lan rộng nhanh chóng, từ một ít gia đình cho đến cả làng, từ làng này rồi sang làng khác và cứ thế mà lan rộng dần cho đến tận những vùng sâu vùng xa và hầu như xưa nay khó có một linh mục hay tu sĩ nào đặt chân đến được.

Người ta thấy rất rõ càng gặp khó khăn họ càng trở lại đông hơn.

Đây là một hiện tượng lạ lùng và chưa từng xảy ra trong các cộng đồng Kơho.

2. Bản thân tín ngưỡng cổ truyền của người Thượng dễ đưa họ đến với Đức tin Kitô-giáo

Tín ngưỡng cổ truyền đã hình thành hệ thống niềm tin và lễ tế mang tính phổ quát trong các cộng đồng Thượng.

a. Tin có yàng

Người Thượng gọi thần linh mà họ thờ là yàng.

Các Thừa sai đã khôn ngoan giữ lại danh xưng yàng trong tín ngưỡng cổ truyền, rồi khéo léo chuyển sang ý nghĩa mới của Đức tin Kitô-giáo.

Đó là việc làm khá táo bạo, do vấn đề bản thân danh gọi yàng của người Thượng cũng đầy chất tưởng tượng do óc mê tín dị đoan.

Khi chưa trở lại Kitô-giáo thì họ thờ yàng, nào là yàng nhà cửa, nào là yàng kho lúa, yàng núi non, suối nguồn, sông ngòi, cuối cùng họ tin có yàng cao nhất là yàng măt-tơngai (thần mặt trời).

Rất dễ thấy rằng người Thượng thường hay nhân cách hóa về yàng mà họ tin, nghĩa là yàng cũng được mường tượng như con người, cũng ăn uống, cũng dựng vợ gả chồng, thậm chí cưới chồng loài người như điển hình trong chuyện ỒNG IĂH BRĂH YÀNG, là truyện mà rất nhiều người Thượng tin là chưa cổ lắm, và thời nay vẫn còn rất nhiều người Thượng tin là có thật.

Chỉ có điều khác với con người là yàng thì có quyền phép biến hóa vạn vật mà họ gọi là gơnrơh.

Cũng dễ thấy hình ảnh về yàng của họ mang đầy chất thần thoại dân dã, các câu truyện cổ tích loại này thì lại ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành niềm tin cổ truyền trong hồn người Thượng.

Các Thừa sai đã đổi chữ yàng sang nội dung mới, vẫn là yàng, nhưng thay vì nhiều yàng thì nay chỉ có một Yàng viết chữ hoa, là Yàng duy nhất nhưng có Ba Ngôi : Yàng Bàp, Yàng Kòn, Yàng Nhơm.

b. Vấn đề lễ tế

Tín ngưỡng cổ truyền đã sản sinh cả một hệ thống lễ tế mang tính phổ quát, nghĩa là tất cả người Thượng đều thực hành cách phổ quát trong các cộng đồng của họ.

Những tiếng chuyên môn truyền thống của họ về vấn đề này như :

• Lơh yàng (tế lễ),

• Pơdơng (dâng tiến),

• Phan pơdơng (lễ vật),

• Tơwài (chuộc lỗi),

• Hòi yàng (kêu cầu),

• Răc yàng (cầu khẩn)

• Lis (xức)

• Bong (bôi)…………

Những tiếng này đều đã được các Thừa sai giữ lại từng chữ một và chuyển sang ý nghĩa mới của lễ tế Kitô-giáo.

Có thể nhận rằng các Thừa sai đã rất khéo léo và thành công về mặt này, khiến cho người Thượng không cảm thấy hụt hẫng và xa lạ với niềm tin mới, vì cũng dùng chữ yàng như nhau, nhưng nay trong niềm tin mới là Yàng hoàn hảo hơn, rõ ràng chắc chắn hơn, chứ không mù mờ huyền ảo như trong niềm tin cổ truyền.

Rất có lý để nói rằng Kitô-giáo là sự hoàn tất cho niềm tin cổ truyền của người Thượng, người Thượng dường như chuyển hóa nhanh từ chỗ coi Kitô-giáo là đạo của người ta thành đạo của mình, với điều kiện là được trình bày hợp lý thì Kitô-giáo sẽ hoàn toàn có khả năng thay thế tương đối nhanh niềm tin cổ xưa của họ.

3. Thay lời kết

Gia sản tinh thần quan trọng nhất của người Thượng là tin và thờ yàng.

Không có một người Thượng nào mà lại không tin và thờ yàng như tổ tiên họ đã truyền lại.

Sự thành công của các nhà truyền giáo Thượng là giữ lại nguyên vẹn danh gọi yàng cũng như những tiếng chỉ về các lễ tế cổ xưa của người Thượng.

Theo cách đó họ đã giúp chuyển đổi một dân tộc bước theo niềm tin mới. Như thế cho thấy rằng sứ vụ truyền giáo nói lên tính cần thiết của nó, nếu không có công cuộc truyền giáo thì tín ngưỡng cổ truyền cũng không thể tự mình thoát khỏi cái ách nặng nề của mê tín di đoan và lầm lạc để vươn tới chân lý đích thực.

Truyền giáo có thể ví như hạt mưa rơi trên những mảnh đất, làm cho những hạt giống chân lý đã được gieo vãi trong niềm tin và lễ tế cổ xưa có cơ hội và điều kiện nẩy mầm và lớn lên, nghĩa là đi tới sự hoàn tất trong Chúa Kitô.

Không có những hạt mưa truyền giáo thì tín ngưỡng cổ truyền không thể tự chuyển hóa, có khi còn có nguy cơ đi vào sự tàn lụi khó tránh khỏi trong thời đại ngày nay.

Lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở new Zealand nói với những người thổ dân rằng :

“Đức tin không phá hủy nền văn hóa cổ truyền của các dân tộc, nhưng thanh luyện và nâng lên cao.”

Quả cũng rất thích hợp và áp dụng cho dân Kơho cách riêng. (Auckland 22/11/1986).

Vậy thì chỉ cần phủi đi lớp bụi của mê tín và lầm lạc, để cho chính những hạt giống do Chúa quan phòng đã gieo vãi có cơ hội vươn lên thành cây xanh tươi tốt. Đó là cách mà các Thừa sai đã và đang làm trên những vùng truyền giáo Thượng.

Truyền giáo cũng có thể gọi là cú hích quan trọng cho cuộc gặp gỡ lịch sử và đổi đời, đó là niềm tin cổ truyền đi tới Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất toàn thể nhân loại đợi trông.

Đẹp thay những bước chân rao giảng Tin mừng !

Linh mục Phanxicô-Xaviê Brel

(Người Kơho, gx Tam Bố, Dilinh, gp Đàlạt)

Đàlạt 08/2007

www.simonhoadalat.com