HÀNH TRÌNH SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG
CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ


Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt. 28, 18-20)

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG

1. Sống Đạo là sống những lời dậy dỗ, là sống cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Lời dậy dỗ và cuộc đời của Chúa là chân lý và tình yêu. Sống những lời dậy dỗ của Chúa là sống Tám Mối Phúc Thật, là sống giới răn yêu thương là giới răn riêng của Chúa Giêsu Kitô. Sống cuộc đời của Chúa Giêsu là sống trong chân lý và yêu thương khi kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và hiệp thông với anh chị em.

2. Nên Thánh là nên giống Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng, lời nói và việc làm; là sống kết hiệp chặt chẽ với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và hiệp thông với anh chị em. Nên thánh cũng có nghĩa là sống hy sinh từ bỏ, thậm chí cả bản thân mình, để yêu thương và phục vụ tha nhân như chính Chúa Giêsu đã sống.

3. Loan báo Tin Mừng là “đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vào trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống của con người nhằm hoán cải các cá nhân và biến đổi xã hội bằng sức mạnh của chính Tin Mừng” (1). “Cốt yếu của loan báo Tin Mừng là công bố Ơn Cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và sự đáp trả của con người bằng lòng tin, cả hai công việc ấy đều là của Chúa Thánh Thần” (2).

Thật ra thì Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng gắn liền với nhau không thể tách rời ra được. Vì không thể Sống Đạo mà không Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Cũng không thể Nên Thánh mà không Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng. Càng không thể Loan Báo Tin Mừng mà không Sống Đạo và Nên Thánh. Sống đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng là ba mặt của một thực tại duy nhất và thống nhất là đời sống đức tin trưởng thành, xác tín và dấn thân của người Công giáo nói chung và của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng.

II. YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA VIỆC SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG

Có hai yếu tố có tính quyết định để người Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng có thể Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Đó là:

1. Thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô để được ơn hoán cải: Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (3). Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ném lửa vào thế giới này và vẫn ước mong ngọn lửa ấy bùng lên. Những người gặp gỡ thực sự Chúa Giêsu thì sẽ được ngọn lửa ấy thiêu đốt, thanh tẩy và biến đổi.

Trong Phúc âm đã có nhiều con người như thế. Ví dụ: anh chàng Báctimê, mù và ăn xin bên vệ đường. Khi anh ta biết Chúa Giêsu sắp đi qua đó thì anh lớn tiếng kêu xin. Và sau khi được chữa lành, anh ta đã đi theo Chúa (4). Một ví dụ khác: người phụ nữ Samari đến giếng lấy nước. Sau khi gặp Chúa Giêsu và cảm nhận tấm lòng yêu thương của Người thì chị mở lòng (và cuộc sống) của chị ra với Người. Chẳng những chị đã tin vào Người mà chị còn trở thành người loan báo Tin Mừng cho những người khác nữa (5). Một ví dụ nữa: Ông Giakêu là người đứng đầu những người thu thuế và là người giầu có ở Giêrikhô. Sau khi được Chúa Giêsu đến nhà thăm ông, ông Giakêu đã có quyết định ‘động trời’: “Thưa Ngài này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (6).

Thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được ơn hoán cải. “Hoán cải là chúng ta thay đổi đời sống nhờ sức mạnh của Thần Khí. Tất cả những ai chấp nhận Tin Mừng thì chấp nhận thay đổi bằng cách giũ bỏ tội lỗi và trở thành môn đệ trung tín của Chúa Kitô trong Giáo hội. Không hoán cải là chúng ta không thực sự chấp nhận Tin Mừng” (7).

2. Được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, tác động: Trong bài diễn văn dành cho Hội nghị quốc tế lần thứ ba của Phong trào Canh Tân Thánh Linh Công giáo tại Roma năm 1975, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc lại lời mà Ngài đã nói với một số thành viên của Phong Trào này vào tháng 10 năm 1974: “Giáo hội và thế giới cần hơn bao giờ hết sự kỳ diệu của Ngày Lễ Hiện Xuống được tiếp tục trong lịch sử” (8).

Muốn Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng cho con người và thế giới ở thiên niên kỷ thứ ba này, người Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng rất cần được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động. Chính Chúa Giêsu là Đấng luôn được Chúa Thánh Thần đồng hành, thúc đẩy và hướng dẫn trong cuộc hành trình loan báo Nước Trời và hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại. Chúng ta không thể Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng một cách có kết quả mà không có Chúa Thánh Thần ở nơi mình và bên mình. Người vừa là bạn đường, vừa là người dẫn lộ của chúng ta. Người vừa là ánh sáng, vừa là sức mạnh của chúng ta. Người vừa là Đấng nói bằng môi miệng của chúng ta vừa là Đấng nghe bằng đôi tai và tâm hồn của người đối thoại với chúng ta. Người còn là Đấng bào chữa bênh vực chúng ta nữa. Nói tóm lại, càng gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần thì đời sống đức tin của chúng ta càng phong phú và sâu sắc.

III. LÝ DO SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Có hai lý do chính thúc đẩy người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ phải ra sức nỗ lực Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Đó là:

1. Thực thi thánh ý và kế hoạch của Thiên Chúa, lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Hội Thánh:

(a) Sống Đạo: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (9).

(b) Nên Thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (10).

(c) Loan báo Tin Mừng:

* “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Ađam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, ‘là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật’ (11). Thực vậy, từ muôn thưở, tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha đã biết trước và tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được nên Trưởng Tử trong nhiều anh em’ (12). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội. Từ nguyên thủy, Giáo hội được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Ítraen và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang…” (13).
* “Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Đấng ‘muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (14), người là con người Giêsu Kitô, Đấng đã hiến để cứu chuộc mọi người’ ‘và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác’ (15). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Giáo hội mà nhận biết Người, phải trở lại với Người và chịu Phép Rửa để sát nhập vào chính Người và vào Giáo hội, Thân Thể Người.” (16).
* “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (17).
* “Như Công đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô (18). Do ơn sủng và do tiếng gọi của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…. Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Chúa Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt” (19).

2. Thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, đối với tổ tiên là các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam và đối với đất nước và dân tộc Hoa Kỳ đã đón nhận chúng ta

(a) Với Thiên Chúa là Cha Con và Thánh Thần: So với các dân tộc Á châu khác, rõ ràng là người Việt Nam đã có may mắn hơn nhiều dân tộc khác là đã được các thừa sai và các nhà buôn thương từ Phương Tây đến truyền Đạo Chúa cho cha ông chúng ta cách đây hơn 470 năm (lấy năm 1533 làm cột mốc). Vì thế mà người Công giáo Việt Nam phải thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa bằng cách Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng.

(b) Với Tổ Tiên là các bậc Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như người Công giáo Việt Nam ở trong nước và ở các nước khác đều là con cháu của 117 Vị Thánh Tử Đạo và của hàng chục ngàn Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam là những người đã lấy máu đào và cái chết để làm chứng cho Đạo. Nếu máu các vị tử đạo là hạt giống Đức Tin, thì Đức Tin mà chúng ta đã đón nhận là món quà quí giá mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta nhờ công lao và xương máu của tổ tiên cha ông chúng ta. Vì thế, Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng là cách thể hiện tốt nhất lòng biết ơn của chúng ta đối với Tổ Tiên, nhất là đối với các Thánh và Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam là cha ông chúng ta.

(c) Với dân tộc và đất nước Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã vì rất nhiều lý do khác nhau đến sinh sống và định cư tại đất nước, quốc gia này. Chúng ta chẳng những đã được đón nhận mà còn được tạo những điều kiện tốt nhất để sống và xây dựng tương lai. Cách tốt nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với dân tộc và đất nước Hoa Kỳ là chúng ta đóng góp phần mình vào việc xây dựng một nền văn hóa đa sắc mầu và một nền văn minh tình thương của quốc gia này bằng cách tích cực Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng trên mảnh đất mênh mông và trong xã hội Hoa Kỳ này.

IV. MỤC TIÊU SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO MỸ VỚI CHUNG VÀ CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG

Việc Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng của người Công giáo Mỹ nói chung và của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng, cùng một lúc nhắm 3 mục tiêu lớn sau đây:

1. Mục tiêu lớn thứ nhất: “Làm cho mọi người Công giáo cảm nhận niềm phấn khởi về đức tin vào Chúa Giêsu và khi tin vào Người thì họ được tự do chia sẻ với người khác niềm tin ấy” (20).

2. Mục tiêu lớn thứ hai: “Mời gọi mọi người, không phân biệt thành phần xã hội hay nền văn hóa, hãy lắng nghe và đón nhận sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để mọi người có thể chia sẻ đức tin Công giáo trọn vẹn với chúng ta” (21).

3. Mục tiêu lớn thứ ba: “Cổ võ các giá trị Phúc Âm trong xã hội, thăng tiến phẩm giá con người, đề cao vai trò của gia đình và lợi ích chung của xã hội, nhờ đó quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục được biến đổi bằng sức mạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô” (22).

Do đó, mỗi Kitô hữu và mỗi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hãy hãnh diện về đức tin và truyền thống Công giáo mà mình đang sống. Mỗi Kitô hữu và mỗi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hãy đào sâu đời sống đức tin và hãy thể hiện đời sống đức tin ấy một cách ý thức, trưởng thành để có khả năng chia sẻ với người khác sống trong cùng môi trường dân cư, nghề nghiệp và xã hội với chúng ta.

V. NGUỒN SỨC MẠNH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG

1. Nguồn sức mạnh 1: là chính Thiên Chúa là Cha quyền năng và yêu thương. Chính Người đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người và cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết bằng hy lễ thập giá của Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thiên Chúa còn muốn chúng ta sống đầy đủ chức danh làm con của Người trong đời sống cá nhân cũng như xã hội. Người còn ban mọi ơn cần thiết cho chúng ta để chúng ta sống được như thế.

2. Nguồn sức mạnh 2: là Thánh Kinh, nhất là Bốn Phúc Âm, là Lời Thiên Chúa và là sức mạnh thần linh như Công đồng Vatican II đã dậy: “Thực thế, trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội” (23).

3. Nguồn sức mạnh 3: là Giáo hội Công giáo trong đó chúng ta có Chúa Giêsu Thánh Thể, có Chúa Thánh Thần và 7 ơn của Người, có 7 bí tích và đời sống cầu nguyện, hy sinh và bác ái của các thành viên, nhất là của các Thánh Nam Nữ và của những con người thánh thiện.

4. Nguồn sức mạnh 4: là văn hóa truyền thống của người Việt Nam với những nét đẹp riêng như:
(a) tinh thần cộng đồng,
(b) lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên ông bà và với những người làm ơn cho mình (ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn),
(c) lòng quảng đại vị tha,
(d) tình yêu gia đình và quê hương đất nước,
(e) lòng tôn trọng tôn ty trật tự gia đình và xã hội,
(f) tinh thần phấn đấu vươn lên và óc cầu tiến.

Tất cả những đặc điểm trên là kho tàng tinh thần và văn hóa vô giá của người Việt Nam. Nếu chúng ta biết phát huy thì chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và khả năng để thích ứng, hội nhập và đóng góp cho xã hội trong đó chúng ta đang sống.

VI. TRỞ NGẠI SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Nhìn sâu vào đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chúng ta thấy còn những trở ngại không phải là nhỏ sau đây:

1. Trở ngại 1: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng sâu đậm của một phương pháp giáo dục đức tin truyền thống, nặng cảm tính và chuyển đạt kiến thức giáo lý cách “từ chương” hơn là được giáo dục về cách sống đạo ý thức, cá vị (personnal), trưởng thành, xác tín và dấn thân dựa trên sự hiểu biết Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa.

2. Trở ngại 2: Trong các Cộng đoàn Công giáo và các Giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thường có rất nhiều đoàn thể hay hội đoàn và phong trào như các Bà Mẹ Công giáo, Liên Minh Thánh Tâm, Cursillo, Phong trào Thánh Linh đặc sủng, Huynh đoàn Đa Minh, Huynh đoàn Phan Sinh, Thăng tiến Hôn nhân, Hội cầu nguyện, Thanh niên Công giáo, Thanh Sinh Công, Thiếu Nhi Thánh Thể v.v... Tuy nhiên đại đa số các đoàn thể và phong trào lại có sinh hoạt khá giống nhau: đọc kinh, cầu nguyện, yểm trợ ơn gọi, thực hiện các công việc của giáo xứ. Các đoàn thể và phong trào chưa quan tâm đủ đến việc nâng cao trình độ hiểu biết về đạo và kinh nghiệm sống đức tin của các hội viên và cũng chưa đủ mạnh dạn dấn thân vào các môi trường xã hội, nghề nghiệp, mà chủ yếu là tập trung vào công việc nội bộ của giáo xứ, tự giới hạn trong khuôn viên thánh đường.

3. Trở ngại 3: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ở phạm vi cá nhân cũng như cộng đoàn chưa mấy quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết về Đạo qua việc học hỏi Giáo lý, Thần học, Thánh Kinh, Công đồng, dù sống trong một Giáo hội rất hùng mạnh và một đất nước tiên tiến nhất thế giới. Người xưa có câu: “vô tri bất mộ = không biết thì không yêu mến” nên kết quả tất yếu của việc thiếu học hỏi là thiếu hiểu biết và sự thiếu hiểu biết sẽ tạo ra một cách sống đạo hời hợt, hình thức và nặng tình cảm nơi đại đa số người Công giáo Việt Nam tại Hoa Ky.

4. Trở ngại 4: Vì nhu cầu phải tồn tại và hội nhập vào một xã hội mới và đầy cạnh tranh, người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ dành hầu hết sức lực và thời gian cho việc tạo dựng sự nghiệp và tương lai cho mình và cho gia đình. Hơn nữa sống trong một xã hội tiêu thụ và quảng cáo nên rất nhiều người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ bị của cải vật chất và tiện nghi đời sống lôi cuốn và chi phối. Đối với một số người, việc giữ đạo chỉ còn mang tính thói quen, tập quán. Việc dấn thân theo đòi hỏi của Phúc Âm gặp nhiều khó khăn.

VII. PHƯƠNG THẾ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG DO HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ ĐƯA RA CHO TOÀN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HOA KỲ

Ngày 18 tháng 11 năm 1992, sau khi đã tham khảo ý kiến các giáo phận, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã phê chuẩn một tài liệu quan trọng do Ủy Ban Giám mục về Loan Báo Tin Mừng đệ trình và cho văn phòng Tổng Thư Ký phổ biến. Tài liệu mang tựa đề “Go and Make disciples: A National Plan and Strategy for Catholic Evangelization in the United States = Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Kế hoạch và Chiến lược toàn quốc cho việc Loan Báo Tin Mừng Công giáo tại Hoa Kỳ.”

Trong tài liệu mang tính định hướng này, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ chẳng những đã đề cập đến việc loan báo Tin Mừng mà còn đề cập đến mọi khía cạnh khác của đời sống đức tin của người Công giáo Hoa Kỳ. Tài liệu đã đưa ra ba mục tiêu lớn (goals) và nhiều mục tiêu cụ thể (objectives) đồng thời đã đề nghị nhiều chiến lược hay phương thế (strategies) để giúp mọi người Công giáo Hoa Kỳ, trong đó có người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, biết nên và phải làm gì.

1. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ nhất, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa kỳ xác định là mời gọi người Công giáo tiếp tục lắng nghe Tin Mừng ở các mức độ sâu hơn. Ơn gọi nên thánh dành cho mọi người Công giáo qua Bí tích Thanh Tẩy tận hiến mỗi người cho Thiên Chúa và cho công cuộc phục vụ Nước Trời. Việc đào sâu niềm tin này trong sự thánh thiện tập trung vào ước nguyện đem đức tin đến cho mọi người cho đến lúc Thiên Chúa trở thành ‘tất cả trong mọi sự’ trong một thế giới đã được biến đổi (24).

Trong mục tiêu lớn này có 12 mục tiêu cụ thể và rất nhiều phương thế khác nhau như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Cổ võ một kinh nghiệm hoán cải và canh tân tâm hồn của mọi tín hữu, hầu có một đời sống Kitô hữu tích cực và sống động hơn.

a.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các buổi tĩnh tâm;
* Các chương trình canh tân giáo xứ;
* Cursillo;
* Phong trào Thánh Linh đặc sủng;
* Các cuộc gặp gỡ cuối tuần của giới trẻ;
* Dự bị hôn nhân;
* Và các chương trình canh tân và hoán cải khác (25).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Cổ võ một kinh nghiệm hoán cải và canh tân trong mọi cộng đoàn giáo xứ.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phổ biến chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” (RCIA: Rite of Christian Initiation of Adults);
* Mời gọi nhiều người Công giáo tham gia chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” với tư cách là người bảo trợ;
* Tham gia vào các thừa tác vụ hòa giải (26).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Cổ võ mọi người quý trọng Lời Chúa trong đời sống của mọi người Công giáo.

c.2 Các phương thế có thể dùng:

* Cổ võ việc siêng năng đọc Thánh Kinh trong giới Công giáo;
* Triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình học hỏi Thánh Kinh và chia sẻ Lời Chúa;
* Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người Công giáo học hỏi Thánh Kinh (27).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Làm nổi bật hơn nữa chiều kích truyền giáo của Cử hành Thánh Thể Chúa nhật.

d.2 Các phương thế có thể dùng:

* Tiếp đón và hoan nghênh mọi người đến thánh đường;
* Tạo một nhận thức lớn hơn về cầu nguyện trong Thánh Lễ;
* Mời gọi, cách rõ ràng hơn, những người đến tham dự Thánh Lễ phải hoán cải và canh tân; đề cao tinh thần cộng đoàn giữa các thành viên của giáo xứ; quan tâm đến khách và người mới đến cộng đoàn;
* Giúp mọi người tham dự buổi cử hành một cách dễ dàng;
* Phát triển những phương thế giúp giáo dân mới tới và lưu động hội nhập vào giáo xứ thông qua nghi thức nhìn nhận công khai (28).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Cổ võ mọi người trân trọng hơn nữa sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và trong các Bí tích là những dấu chỉ thánh của đời sống Công giáo chúng ta.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các cử hành phụng vụ tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa;
* Các chương trình chuẩn bị đón nhận bí tích;
* Cổ võ lòng sùng kính và sự thờ phượng Thánh Thể;
* Kế hoạch phụng vụ và việc thực hiện các nghi thức được chuẩn bị kỹ càng;
* Tập trung vào các chủ đề canh tân và nhấn mạnh đến hành động trong các bí tích (29).

f.1 Mục tiêu cụ thể 6: Cổ võ mọi người trân trọng sức mạnh của Lời Chúa hơn nữa trong cử hành của chúng ta.

f.2 Các phương thế có thể dùng:

* Huấn luyện kỹ về việc giảng dạy cho hàng giáo sĩ và cho những người có ơn gọi giảng dạy;
* Chuẩn bị bài giảng bằng cầu nguyện;
* Chia sẻ việc chuẩn bị bài giảng ngày Chúa nhật;
* Chuẩn bị cho những người đọc Sách Thánh; và
* Huấn luyện lòng tôn kính đối với các sách phụng vụ chứa đựng Lời Chúa (30).

g.1 Mục tiêu cụ thể 7: Cổ võ ý thức sâu sắc hơn về cầu nguyện trong những người Công giáo.

g.2 Các phương thế có thể dùng:

* Mỗi người Công giáo có chương trình cầu nguyện hằng ngày;
* Sử dụng rộng rãi hơn Phụng Vụ Các Giờ Kinh và cầu nguyện chung trong giới Công giáo;
* Các nhóm cầu nguyện;
* Kinh nghiệm về tĩnh tâm;
* Huấn luyện về các phương pháp suy gẫm và chiêm niệm; và
* Phổ biến nhiều tài liệu sách vở đạo đức dễ đọc (31).

h.1 Mục tiêu cụ thể 8: Cổ võ một sự hiểu biết được đổi mới về đức tin trong những người Công giáo.

h.2 Các phương thế có thể dùng:

* Những phương pháp mới để huấn luyện người trưởng thành sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến khác nhau và làm cho người Công giáo dấn thân hơn vào các buổi cử hành và phục vụ của giáo xứ;
* Diễn tả nội dung giáo lý một cách rõ ràng, bằng ngôn ngữ dễ hiểu;
* Xem lại việc/cách giảng dậy giáo lý hiện hữu để tạo điều kiện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và đem Giáo Lý Hội Thánh Công giáo thích nghi vào hoàn cảnh của Hoa Kỳ;
* Phát triển những kỹ thuật giảng dậy giáo lý tại nhà và thích hợp cho một gia đình; và
* Đưa các vị hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tôn giáo vào trong chương trình loan báo Tin Mừng của giáo xứ và vào kế hoạch giáo lý của các nhóm loan báo Tin Mừng (32).

i.1 Mục tiêu cụ thể 9: Cổ võ ý thức ơn gọi làm môn đệ (Chúa Giêsu) trong những người Công giáo đã trưởng thành cũng như còn nhỏ.

i.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển sự giáo dục tôn giáo của giáo xứ dựa trên những đề tài về ơn gọi làm môn đệ (Chúa Giêsu) tập trung vào công cuộc loan báo Tin Mừng;
* Huấn luyện về ơn gọi làm môn đệ;
* Những biến cố cầu nguyện trong các giáo xứ và các tổ chức Công giáo lớn hơn; và
* Giúp nhiều người dấn thân hơn vào thừa tác vụ và phục vụ như là một cách thể hiện các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội (33).

k.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ một kinh nghiệm tôn giáo tích cực và riêng tư thông qua việc tham gia các nhóm nhỏ và các kinh nghiệm cộng đoàn trong đó Lời Chúa được chia sẻ, cảm nghiệm và áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

k.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển các nhóm cầu nguyện;
* Giáo xứ đầu tư cho việc hình thành các nhóm nhỏ chuyên cầu nguyện, thăng tiến tâm linh và hoạt động tông đồ;
* Các hiệp hội cầu nguyện trong các giáo xứ và trong các tổ chức Công giáo rộng lớn; và
* Kinh nghiệm về tĩnh tâm (34).

l.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ ý thức về Giáo hội địa phương trong đó có các gia đình, cá nhân và các nhóm.

l.2 Các phương thế có thể dùng:

* Huấn luyện cầu nguyện hằng ngày và các thời gian cầu nguyện trong gia đình;
* Thiết lập những giờ chia sẻ trong gia đình;
* Các nghi thức lấy gia đình làm căn bản;
* Hình thành các nhóm phụ huynh, gia đình và các nhóm để phát huy đời sống tâm linh trong gia đình; và
* Thích nghi những thực hành đức tin mới và có ý nghĩa trong gia đình trong chiều hướng cầu nguyện gia đình suy giảm (35).

m.1 Mục tiêu cụ thể 11: Cổ võ và phát huy một linh đạo cho sở làm.

m.2 Các phương thế có thể dùng:

* Khuyến khích việc suy tư về sự hiện diện có sức biến đổi của Thiên Chúa tại sở làm;
* Nhìn nhận những người lao động là những tác nhân của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi sở làm; và
* Khuyến khích việc hình thành các nhóm Công giáo và Kitô giáo khác và các tổ chức cổ võ các gía trị nơi sở làm (36).

n.1 Mục tiêu cụ thể 12: Cổ võ mọi người biết trân trọng hơn linh đạo có tính văn hóa và sắc tộc.

n.2 Các phương thế có thể dùng:

* Cử hành sự đa dạng tâm linh của các nền văn hóa khác nhau tạo nên sự phong phú cho Giáo hội ở Hiệp Chủng quốc;
* Nhìn nhận và kính trọng đối với các hình thái khác nhau của lòng đạo đức cá nhân;
* Cử hành các truyền thống văn hóa; và
* Khuyến khích sự đa dạng trong diễn tả bằng âm nhạc và văn hóa (37).

2. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ hai, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa kỳ xác định là mời gọi mọi người, không phân biệt thành phần xã hội hay nền văn hóa, hãy lắng nghe và đón nhận sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để mọi người có thể chia sẻ đức tin Công giáo trọn vẹn với chúng ta (38). Thực hiện mục tiêu này có nghĩa là chúng ta phải mời gọi mọi người nhận biết Tin Mừng của Đức Giêsu mà Giáo hội Công giáo công bố.

Mục tiêu lớn thứ hai này gồm 11 mục tiêu cụ thể và rất nhiều phương thế như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Làm cho các tổ chức Công giáo, nhất là các giáo xứ trở nên những địa chỉ nồng ấm hơn.

a.2 Các phương thế có thể dùng:

* Xem xét lại tính hiếu khách của các tổ chức của chúng ta;
* Sử dụng các trường học của giáo xứ và các chương trình của giáo dục tôn giáo để tiếp cận và đón rước cả gia đình;
* Tổ chức những buổi họp mặt để chúc mừng và tiếp đón;
* Huấn luyện lại những nhân viên hướng dẫn, tiếp tân và nhân viên khác; và
* Nghiên cứu tính quần chúng và gía trị của các cơ chế giao tiếp với người (ví dụ xem xét thời gian biểu của các sự kiện, việc thắp sáng, các bảng hiệu và bảng quảng bá), đặc biệt quan tâm đến các cách tiếp đón ngững người tàng tật (ví dụ: có lối vào nhà thờ có tay vịn, các hệ thống âm thanh thích hợp và có người thông dịch bằng dấu (tay) cho những người điếc (39).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Làm cho mọi người Công giáo cảm thấy thoải mái trong việc chia sẻ niềm tin của mình và mời người khác khám phá Chúa Kitô trong gia đình Công giáo.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các nhóm chia sẻ niềm tin;
* Huấn luyện và biện phân kinh nghiệm tôn giáo và đồng cảm với kinh nghiệm ấy;
* Phát triển khả năng lắng nghe và cảm thông lớn hơn; và
* Khuyến khích những người trở lại chia sẻ câu chuyện đức tin của họ (40).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Phát triển khả năng chia sẻ Phúc âm giữa các gia đình.

c.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các chương trình nâng đỡ các bậc cha mẹ là những người chia sẻ đức tin với con cái họ;
* Gia đình tiếp cận các gia đình khác để cảm nghiệm Tin Mừng của Chúa Giêsu;
* Huấn luyện các chương trình phục vụ các gia đình, một cách riêng lẻ cá nhân hay trong các nhóm hỗ trợ, nhằm các phương pháp chia sẻ Phúc âm hữu hiệu hơn;
* Cổ võ việc cầu nguyện gia đình và thời gian chia sẻ đều đặn (41).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Trang bị và tăng cường khả năng cho các thành viên Công giáo tích cực thực thi ơn gọi loan báo Tin Mừng của Bí tích Thanh Tẩy.

d.2 Các phương thế có thể dùng:

* Những ngày canh tân;
* Huấn luyện chứng nhân;
* Huấn luyện để người Công giáo biết cách loan báo Tin Mừng từ một người cho một người khác;
* Tận dụng việc chuẩn bị bí tích Thanh Tẩy và các bí tích khác để giúp mọi người thấu hiểu về ơn gọi làm môn đệ;
* Phổ biến các gương điển hình và chứng nhân trong số những người tham gia chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” (RCIA: Rite of Christian Initiation of Adults);
* Những bộ phận của công cuộc loan báo Tin Mừng trong lãnh vực giáo dục;
* Công cuộc truyền giáo của giáo xứ; và
* Chuẩn bị những người sẽ được chỉ định làm tông đồ loan báo Tin Mừng toàn thời gian (42).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Dùng thời gian đặc biệt trong giáo xứ và trong đời sống gia đình để mời gọi mọi người tin.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Mời các gia đình trẻ để chia sẻ về việc huấn luyện đức tin cho con cái còn nhỏ;
* Thừa tác vụ đặc biệt dành cho những người mới trưởng thành trong các giáo xứ và các trại hè của trường trung học;
* Nhấn mạnh đến chiều kích loan báo Tin Mừng trong thừa tác vụ giới trẻ đối với các học sinh, sinh viên trường trung học và đại học; và
* Giúp người trẻ và các gia đình tham gia vào các thừa tác vụ niềm tin và trong các việc phục vụ người khác (43).

f.1 Mục tiêu cụ thể 6: Đào tạo một đội ngũ tín hữu tích cực để họ phục vụ như những người loan báo Tin Mừng trong các giáo xứ, các giáo phận, các vùng dân cư, các sở làm và các gia đình.

f.2 Các phương thế có thể dùng:

* Thành lập các ủy ban và văn phòng giáo phận về loan báo Tin Mừng;
* Thành lập các nhóm loan báo Tin Mừng trong các giáo xứ;
* Thành lập và hỗ trợ các trường loan báo Tin Mừng của toàn quốc và của miền; và
* Tổ chức các hội nghị và các nhóm hỗ trợ đối với những người tham gia công cuộc loan báo Tin Mừng một cách rõ rệt hơn (44).

f.1 Mục tiêu cụ thể 7: Mời gọi thực sự dân chúng đến với Hội Thánh chúng ta.

f.2 Các phương thế có thể dùng ở phạm vi toàn quốc:

* Đầu tư một cách nghiêm túc để có những hình ảnh tốt đẹp về Giáo hội qua các phương tiện thông tin đại chúng;
* Chiêu mộ những người Công giáo có năng khiếu về truyền thông để hỗ trợ cho việc tạo hình ảnh này;
* Quan tâm đến chiều kích loan báo Tin Mừng của mọi phát biểu mang tính chính thức của Giáo hội; và
* Phát triển những cuộc vận động truyền thông toàn quốc nhằm diễn tả Giáo hội.

f.3 Các phương thế có thể dùng ở phạm vi địa phương:

* Dùng thư từ, thăm viếng gia đình và mời người ta chuyển đến vùng gần giáo xứ;
* Thông báo những vấn đề của khu vực bằng báo chí và pan-nô;
* Thực hiện kiểm tra dân số định kỳ;
* Quan tâm đến và phục vụ những người sống trong khu vực;
* Phổ biến chuyện khu xóm, giáo xứ, các sự kiện địa phương đến những người được mời cách đặc biệt (ví dụ: rao bán nhà, tổ chức hội thảo để trình bày các vấn đề, các sự kiện cho bạn bè hay các gia đình, hay các chương trình tiếp đón khác); và
* Nhậy bén hơn nữa đối với các nhu cầu của người tìm kiếm (45).

g.1 Mục tiêu cụ thể 8: Phác thảo các chương trình tiếp cận những người không còn tích cực trong Giáo hội nữa.

g.2 Các phương thế có thể dùng:
* Phát triển các chương trình giúp dân chúng về kinh nghiệm giải hòa;
* Canh tân việc cử hành Bí tích Hòa giải;
* Chương trình riêng cho những người ly dị, ly thân và cảm thấy mình bị Giáo hội coi là vong thân;
* Nghiên cứu về những người Công giáo thụ động một cách bài bản;
* Phát triển các thừa tác vụ làm nổi bật lòng nhân từ, thương xót của Thiên Chúa; và
* Các việc truyền giáo của giáo xứ (46).

h.1 Mục tiêu cụ thể 9: Phác thảo các chương trình đặc biệt nhắm đến những người không tham gia vào một cộng đoàn Giáo hội hoặc những người tìm kiếm đức tin trọn vẹn.

h.2 Các phương thế có thể dùng:
* Hình thành các phương pháp tìm hiểu mới trong giai đoạn trước giai đoạn dự tòng;
* Các chương trình thể hiện lòng hiếu khách và tiếp đón tại Giáo hội địa phương hay tại các gia đình;
* Làm bừng sáng lên những hình thái hiện diện mới của Công giáo tại các thành phố, các vùng ngoại thành và các nơi tập trung đông người khác;
* Các cuộc thăm viếng cá nhân; và
* Dùng thư từ trao đổi trong miền (47).

i.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ sự đa dạng về văn hóa trong sự hiệp nhất của Hội Thánh.

i.2 Các phương thế có thể dùng:
* Xem xét lại một cách nghiêm túc và tăng cường các chính sách của giáo phận về các tổ chức và về sự lãnh đạo của giáo xứ, nhằm đảm bảo cho những người mới đến có chỗ trong Giáo hội;
* Đào tạo hàng giáo sĩ và các thừa tác viên về các ngoại ngữ cần thiết;
* Các chương trình thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự khác biệt văn hóa;
* Nỗ lực nhằm giúp những người mới đến trong khu vực có thể phát huy các cơ cấu xã hội và giáo hội riêng của họ; và
* Kết hợp các cử hành của nhiều nền văn hóa có mặt trong các giáo xứ của chúng ta, nhất là trong những ngày lễ lớn, để suy tư về mục tiêu Công giáo của đời sống chúng ta (48).

k.1 Mục tiêu cụ thể 11: Đào sâu sự dấn thân đại kết.

k.2 Các phương thế có thể dùng:
* Cộng tác một cách chặt chẽ với các tổ chức đại kết địa phương và của chính quyền;
* Nối kết sự nghiên cứu của Hội Thánh Công giáo Rôma và các cuộc đối thoại đại kết Kitô giáo khác liên quan tới công cuộc loan báo Tin Mừng, truyền giáo và việc chiêu mộ tín đồ;
* Nghiên cứu quan điểm của Hội Thánh Công giáo Rôma và những tiếp cận Do Thái giáo;
* Phát huy những nhạy bén về mối liên hệ liên tôn và giáo huấn của Hội Thánh Công giáo Rôma về đối thoại và loan báo;
* Cùng nhau đối thoại và chia sẻ;
* Nối kết sự nghiên cứu Thánh Kinh và các chương trình công bằng xã hội;
* Chia sẻ giữa các nhóm thảo luận và các nhóm xã hội; và
* Nối kết các phục vụ và lòng mộ đạo ở những nơi thích hợp (49).

3. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ ba Hội đồng Giám Mục Hoa kỳ xác định là cổ võ các giá trị Phúc Âm trong xã hội, thăng tiến phẩm giá con người, đề cao vai trò của gia đình và lợi ích chung của xã hội, nhờ đó quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục được biến đổi bằng sức mạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô (50).
Mục tiêu này tiếp nối hai mục tiêu trước vì sống Đức Tin sẽ kéo theo sự biến đổi xã hội. Mục tiêu này sẽ bao hàm 7 mục tiêu cụ thể và nhiều phương thế như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Làm cho các giáo xứ và các nhóm phục vụ địa phương dấn thân vào việc đáp ứng các nhu cầu của dân chúng trong khu vực.

a.2 Các phương thế có thể dùng:
* Giúp người Công giáo ý thức về các nhu cầu của người nghèo và người sống bên lề;
* Dành ưu tiên cho những công việc phục vụ công lý và tình thương trong các giáo xứ và các tổ chức khác của chúng ta;
* Gia nhập các tổ chức đại kết dấn thân cho công ích;
* Mở rộng hoạt động bác ái và giúp đỡ người thiếu thốn; và
* Ấn định những mục tiêu đặc biệt cho giáo xứ và giáo phận dấn thân vào các việc đáp ứng nhu cầu tức khắc của con người (51).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Cổ võ tầm quan trọng của gia đình.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Chuẩn bị hôn nhân và hỗ trợ các cặp mới kết hôn;
* Tĩnh tâm dành cho các gia đình và các kinh nghiệm tôn giáo khác;
* Tư vấn về tâm linh, cá nhân, xã hội và tài chánh cho các gia đình;
* Chia sẻ đức tin giữa cặp vợ chồng này với cặp vợ chồng khác;
* Các nhóm hỗ trợ và sự liên kết hoạt động cho các gia đình; và
* Ảnh hưởng của chính sách xã hội trong việc tăng cường sức mạnh cho đời sống gia đình (52).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Phát triển các nhóm đi sâu vào các vấn đề của sở làm và linh đạo giáo dân.

c.2 Các phương thế có thể dùng:
* Tổ chức các buổi hội thảo về loan báo Tin Mừng nơi sở làm;
* Các nhóm hỗ trợ chuyên viên;
* Các buổi tĩnh tâm về giá trị lao động và về các vấn về đạo đức/công lý gắn liền với việc làm; và
* Những ngày canh tân được tổ chức bởi giáo dân và cho giáo dân (53).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Khuyến khích người Công giáo làm chứng trong lãnh vực nghệ thuật và trong cộng đồng trí thức Hoa Kỳ.

d.2 Các phương thế có thể dùng:
* Phát triển nghệ thuật như là một phương thế loan báo Tin Mừng;
* Thiết lập các nhóm đức tin hỗ trợ các nghệ sĩ;
* Cổ võ các giá trị Phúc Âm trong các cơ chế Công giáo học cao hơn; và
* Hỗ trợ các trại hè cho các thừa tác vụ nhằm làm chứng cho các cơ chế học cao hơn (54).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Giúp mọi người Công giáo dấn thân - ở nhiều cấp độ khác nhau - vào các lãnh vực của đời sống công cộng.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các chương trình giáo dục của giáo xứ nhấn mạnh về công bằng xã hội;
* Nghiên cứu và giáo dục về chọn lựa chính trị mà người Công giáo thực hiện;
* Hướng dẫn ghi danh bầu cử;
* Các nhóm hỗ trợ dành cho các chuyên viên Công giáo và các Kitô hữu khác, nhất là trong các lãnh vực luật pháp, kinh tế và dịch vụ xã hội; và
* Khuyến khích giáo dân điều hành và đảm nhận các văn phòng của công quyền (55).

g.1 Mục tiêu cụ thể 6: Giúp mọi người Công giáo dấn thân - ở bất cứ cấp độ nào - vào lãnh vực truyền thông.

g.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển các kế hoạch truyền thông về loan báo Tin Mừng ở các cấp độ: toàn quốc, địa phương và giáo xứ;
* Sử dụng các phương tiện nghe nhìn và băng video để thông truyền Đức Tin Công giáo cho người khác;
* Suy tư về việc sử dụng truyền thông của người Công giáo trong gia đình, sở làm và các cơ sở giáo dục;
* Thành lập các lực lượng Công giáo và Kitô hữu khác dấn thân vào truyền thông trong nhiều miền khác nhau để thảo luận vấn đề các giá trị trong truyền thông Công giáo và đóng góp mà người Kitô hữu có thể có;
* Lôi kéo các Giám mục và các tu sĩ lãnh đạo để họ trở thành những phát ngôn viên của Giáo hội thông qua các phương tiện truyền thông và ấn phẩm địa phương;
* Chăm lo đến truyền hình cáp, kho lưu trữ quang học, máy vi tính và kỹ thuật khác để thông truyền Tin Mừng và các gía trị Kitô giáo (56).

h.1 Mục tiêu cụ thể 7: Giúp người Công giáo dấn thân - ở bất cứ cấp độ nào- vào các vấn đề của các hệ thống kinh tế.

h.2 Các phương thế có thể dùng:

* Sử dụng các nguồn lực chuyên môn trong giáo xứ và giáo phận để làm nổi bật các vấn đề liên quan tới các hệ thống kinh tế và những hệ lụy liên quan tới những vấn đề công bình đang thống lãnh, nhất là vấn đề không nhà ở, những bất công xã hội, các thuận lợi về giáo dục, sự công bình trong về nhà ở, việc làm và sắc tộc; và
* Hình thành các thừa tác vụ để trao đổi với các hệ thống và thực hành kinh tế bất công (57).

VIII. PHƯƠNG THẾ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Là người Công giáo sinh sống tại Hoa Kỳ, người Công giáo Việt Nam có trách nhiệm phải nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng những chỉ thị của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nhất là trong tài liệu “Go and Make Disciples: A National Plan and Strategy for Catholic Evangelization in the United States.” Nhưng để áp dụng cách hiệu quả những hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong tài liệu quan trọng trên, người Công giáo Việt Nam cần phải nhìn rõ thực trạng, thách đố, nhu cầu và khả năng của mình. Nếu dùng ngôn ngữ của Phong Trào Cursillo, một phong trào canh tân của hàng giáo dân đang phát triển rất mạnh tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới, thì việc tự kiểm ấy sẽ thực hiện dưới ba góc độ: mộ đạo, hiểu đạo và hành đạo. Ba góc độ trên cũng là ba khía cạnh gắn liền với nhau của một đời sống đức tin của cá nhân, cũng như của nhóm và cộng đoàn giáo xứ.

1. Ở phạm vi cá nhân

(a) Mộ Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần siêng năng, ý thức và tích cực tham dự các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương để nâng cao lòng mộ Đạo. Mỗi người cũng cần phát huy đời sống cầu nguyện riêng tư, tự phát, nhất là biết cách đọc và suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện (lectio divina) để lòng đạo được đào sâu và có nền tảng Thánh Kinh hơn.

(b) Hiểu Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ - nhất là giới sinh viên trí thức và giáo dân lãnh đạo trong cộng đoàn, hội đoàn và giáo xứ - cần nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Sống trong một xã hội tiên tiến, đầy đủ các phương tiện về thông tin và giáo dục như Hoa Kỳ, mà người Công giáo Việt Nam, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo và trí thức, không nâng cao kiến thức về Đạo thì quả là một thiếu sót không thể biện minh được.

(c) Hành Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần đưa giáo huấn của Chúa và của Giáo hội vào trong cuộc sống hằng ngày để làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Kitô. Để thực hiện được điều ấy mỗi người phải thường xuyên kiểm điểm đời sống không chỉ để xa lánh tội lỗi mà còn để sống Phúc âm và loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh, theo tinh thần của người môn đệ chân chính (58) và của “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (59) trong Phúc âm.

2. Ở phạm vi gia đình

(a) Mộ Đạo: Để nâng cao lòng mộ Đạo của mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ con cái nên cùng tham dự các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương. Nên tổ chức những buổi cầu nguyện và đọc Kinh Thánh chung trong gia đình và nên dùng những bữa ăn gia đình để bày tỏ lòng tin và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa Quan Phòng.

(b) Hiểu Đạo: Cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái tham dự các lớp giáo lý căn bản và nâng cao, tham gia các hoạt động của lứa tuổi và đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, để con cái phát triển toàn diện cả kiến thức đời và kiến thức đạo như một người có hai chân tương xứng mới bước vững và đi xa được. Chính cha mẹ cũng nên quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao hiểu biết về Đạo nói chung và về Giáo lý về gia đình Công giáo nói riêng (60). Gương sáng của cha mẹ sẽ khuyến khích, lôi cuốn và thuyết phục con cái trong nhà hơn là lời nói xuông.

(c) Hành Đạo: Để gia đình Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đoàn sống đạo, nên thánh và loan báo Tin Mừng thì mỗi gia đình phải là một tế bào sống động và là một đơn vị tích cực tham gia vào công việc truyền giáo và hỗ trợ cho công cuộc ấy ở địa phương hay tại quê nhà, bằng cách cống hiến nhân sự và đóng góp phương tiện.

3. Ở phạm vi hội đoàn hay đoàn thể

(a) Mộ Đạo: Các hội đoàn nên tận dụng vai trò và vị thế thuận lợi của mình để giúp các hội viên có một lòng mộ đạo sâu sắc và có nền tảng vững chắc về Giáo lý, Thần học, Thánh kinh, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương cần được đầu tư cách sáng tạo, đặt nặng về chiều sâu tâm linh và chất lượng.

(b) Hiểu Đạo: Các hội đoàn nên quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội của các hội viên, nhất là của các Trưởng. Nơi nào có thể được thì tạo điều kiện cho một số người theo học các chương trình chuyên sâu của giáo phận, học viện hay đại học công giáo. Các hội đoàn ở cấp giáo xứ, giáo hạt hay giáo phận nên phối hợp với nhau để tổ chức những chương trình đào tạo chung, vừa đỡ tốn kém vừa nêu cao tinh thần hiệp thông, đoàn kết và hợp tác tông đồ. Nhất là các hội đoàn nên tổ chức các khóa học hỏi về Thánh Kinh, về các Phương pháp “Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện” (Lectio divina), “Chia sẻ Lời Chúa theo Phương pháp 7 bước” và “Chia sẻ Lời Chúa theo Phương pháp Xem Xét Làm.”

(c) Hành Đạo: Các hội đoàn không nên chỉ tập trung vào các hoạt động đối nội của giáo xứ chung quanh nhà thờ mà nên ưu tiên giúp các hội viên đi sâu vào các môi trường dân cư, nghề nghiệp và xã hội, quan tâm đặc biệt đến những người sống bên lề xã hội, bị bỏ quên hay bị loại trừ để gần gũi, chia sẻ và nâng đỡ họ về vật chất cũng như về tinh thần, thể hiện tình liên đới và bác ái Kitô giáo theo tinh thần của các tổ chức Công Giáo Tiến Hành của Giáo hội (61).

4. Ở phạm vi cộng đoàn và giáo xứ

(a) Mộ Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ cần quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn ngày Chúa nhật, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm hàng năm, các buổi hành hương để nâng cao lòng mộ Đạo của mọi thành phần dân Chúa. Nên có những buổi cử hành và cầu nguyện, sinh hoạt riêng cho từng thành phần giáo dân và tạo cơ hội cho càng nhiều người tham gia một cách chủ động càng tốt vào các sinh hoạt chung ấy. Tuyệt đối tránh cảnh phô trương hình thức, bề ngoài và không chịu đổi mới. Trái lại cần đặc biệt chú tâm vào việc giúp cho mọi người tham dự có được cảm nghiệm tâm linh sâu sắc và vững chắc.

(b) Hiểu Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ cần đặc biệt quan tâm dành ưu tiên số một cho các lớp/khóa giáo lý từ vỡ lòng, rước lễ, thêm sức, bao đồng, vào đời cho đến các lớp/khóa dự bị hôn nhân, dự tòng. Quan tâm không chỉ đến cách tổ chức, phương pháp giáo dục đức tin mà cả nội dung giảng dậy và trình độ chuyên môn và sư phạm của các giáo lý viên và trợ úy nữa. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng cần quan tâm đến việc nâng cao và đào sâu Giáo lý, Thần học, Thánh kinh, Công đồng, Giáo huấn xã hội của Giáo hội cho giáo dân trưởng thành hay ít là cho một thành phần giáo dân có trách nhiệm đặc biệt trong cộng đoàn giáo xứ là các thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, trưởng các hội đoàn, các giáo lý viên và các tông đồ giáo dân. Các cộng đoàn và giáo xứ gần nhau nên cộng tác và phối hợp với nhau, để tổ chức các khóa huấn luyện ấy vừa để tránh tốn kém và tinh thần cục bộ vừa nêu cao tinh thần hiệp thông, đoàn kết và hợp tác tông đồ. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng nên gửi một số giáo dân nòng cốt theo học các chương trình chuyên sâu của giáo phận, học viện hay đại học công giáo.

(c) Hành Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ không nên coi cộng đồng và giáo xứ của mình là “trung tâm điểm” mà mọi hoạt động phải tập trung vào đó và chỉ giới hạn trong đó, mà nên coi cộng đoàn và giáo xứ là “xuất phát điểm” để từ đó người Công giáo lớn nhỏ đi đến với cộng đồng lớn hơn là trường học, khu dân cư, sở làm và xã hội. Loan báo Tin Mừng phải là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu của mọi hoạt động của cộng đoàn và giáo xứ. Nên có những điều tra nghiên cứu, những tổng kết và nên tổ chức định kỳ những hội nghị chuyên đề, những buổi tọa đàm, những cuộc triển lãm về Loan báo Tin Mừng. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng nên đặt ra những chỉ tiêu cụ thể về số lượng và về cả chất lượng cho Kế Hoạch Truyền Giáo hằng năm của mình, để mọi người, từ các linh mục, tu sĩ, các hội đoàn và mọi người giáo dân đều được thúc đẩy thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng

5. Ở phạm vi Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

(a) Mộ Đạo: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ liên kết với nhau trong một tổ chức gọi là Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, không phải để lập thành một nhóm khép kín, một cộng đồng cục bộ địa phương hay sắc tộc mà là để nâng đỡ và khuyến khích nhau cách hữu hiệu hơn trong đời sống đức tin. Vì thế mới có Chương trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng này. Do đó, Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần thể hiện sự quan tâm và sâu sát với nhu cầu tâm linh của các thế hệ người Công giáo Việt Nam định cư ở Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu lớn lao ấy Liên đoàn nên chú tâm đến việc nghiên cứu, dịch thuật, phổ biến các sách vở tài liệu liên quan tới đời sống tâm linh, cầu nguyện. Trong khả năng của mình Liên đoàn cũng nên khuyến khích, hỗ trợ những cố gắng của các hội đoàn, các cộng đoàn và giáo xứ nhằm nuôi dưỡng và phát triển lòng mộ đạo của mọi giáo dân Việt Nam tại Hoa Kỳ.

(b) Hiểu Đạo: Trong cương vị và chức năng của mình Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nên có kế hoạch ngũ niên nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, nhất là nhân sự giáo dân, không chỉ bằng cách khuyến khích việc nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng, Giáo huấn xã hội của Giáo hội, mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành một giới trí thức Công giáo Việt Nam vừa có chuyên môn đời vừa có trình độ Đạo. Trong trách nhiệm này Liên đoàn dành một khoản đầu tư tương xứng cho lãnh vực các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, website, internet… Liên đoàn cũng nên đặc biệt quan tâm và giúp đỡ việc tổ chức các đại hội hay hội nghị chuyên đề định kỳ của từng miền hay toàn quốc, về từng lãnh vực Giáo lý, Mục vụ, Tâm linh, Truyền giáo, Truyền thông v.v…

(c) Hành Đạo: Hơn ai hết, các thành viên ở các cấp (từ địa phương đến miền hay liên miền cho đến toàn quốc) nhất là các linh mục, của Liên đoàn phải cho thấy mình là những người đi tiên phong trong việc áp dụng Chương trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Vị trí, chức vụ trong Liên đoàn phải trở thành động lực và điều kiện để mỗi thành viên, mỗi cơ cấu, tổ chức của Liên đoàn trở thành đơn vị xung kích, đầu tầu trong việc thực hiện Kim Chỉ Nam này. Giáo huấn và gương phục vụ của Chúa Giêsu sẽ là nguồn sức mạnh để các thành viên Liên đoàn hy sinh, quên mình và phục vụ Giáo hội và anh chị em Công giáo Việt Nam sống tại Hoa Kỳ này:

“Đức Giêsu đứng dậy rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (62) và “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (63).

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2005
WASHINGTON, DC - ĐẠI HỘI KỲ VII
LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
------------------
Chú Thích:
(1) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Loan Báo Tin Mừng trong thế giới tân tiến ngày nay (Evangelii Nuntiandi), số 18.
(2) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 10.
(3) Lc 12, 49.
(4) Mc 10, 46-52.
(5) Lc 7, 2-9.
(6) Lc 19, 1-10.
(7) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 12.
(8) L’Osservatore Romano, 17 oct. 1974.
(9) Mt 5, 13-16.
(10) Mt 5, 48.
(11) Mt 5, 48.
(12) Rm 8, 29.
(13) Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, số 2.
(14) 1 Tm 2, 4-6.
(15) Cv 4, 12.
(16) Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, số 7.
(17) Mt 28, 16, 18-20.
(18) x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, 31
(19) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 45.
(20) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 46.
(21) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 53.
(22) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 56.
(23) Hiến chế Lời Thiên Chúa, số 21
(24) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 89.
(25) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 91.
(26) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 92.
(27) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 93.
(28) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 94.
(29) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 95.
(30) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 96.
(31) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 97.
(32) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 98.
(33) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 99.
(34) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 100.
(35) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 101.
(36) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 102.
(37) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 103.
(38) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 104.
(39) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 106.
(40) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 107.
(41) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 108.
(42) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 109.
(43) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 110.
(44) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 111.
(45) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 112.
(46) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 113.
(47) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 114.
(48) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 115.
(49) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 116.
(50) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 117.
(51) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 121.
(52) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 122.
(53) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 123.
(54) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 124.
(55) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 125.
(56) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 126.
(57) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 127.
(58) Mt 7, 21-27.
(59) Mt 5, 13-16.
(60) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris Consortio.
(61) Đọc “Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Công Giáo Tiến Hành” đọc trước Đại Hội Quốc Tế Công Giáo Tiến Hành do "Diễn Đàn Quốc Tế Công Giáo Tiến Hành" và "Công Giáo Tiến Hành Italia" phối hợp với “Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân” tổ chức tại Roma, từ ngày 31/8/2004 đến 5/9/2004.
(62) Ga 13, 4b-5.
(63) Ga 13, 12-16.