Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa nói về Giáo Hội Việt Nam


PARIS – Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giám mục Giáo Phận Nha Trang, đã đáp lời mời của Giáo Xứ Việt Nam Paris đến thăm Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Paris. Ngài sẽ chủ tế thánh lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào chủ nhật 18.11.2007. Trong thánh lễ này cũng là ngày lãnh Ân Toàn Xá lần thứ ba và là lần cuối cùng của Năm Hồng Ân, mừng 60 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Sáng thứ bảy, 17 tháng 11 năm 2007, Ngài đã dành cho Giáo Sư Trần Văn Cảnh, biên tập viên « Giaoxuvnparis » và « VietCatholic » một cuộc phỏng vấn. Ngài đã trả lời những câu hỏi liên quan tới :
  • Những công việc mà Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện cho Giáo Hội Việt Nam
  • Những công việc mà giáo phận Nha Trang đã và đang thực hiện trong lãnh vực đào tạo
  • Một tâm tình với giáo dân công giáo việt nam Paris và hải ngoại.
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa và GS Trần Văn Cảnh
GS Cảnh : Xin kính chào Ðức Cha và xin cám ơn Đức Cha đã cho con được dịp nói chuyện với Đức Cha. Trước hết, Xin Ðức Cha gợi ra vài kết quả quan trọng mà HÐGMVN đã thực hiện được trong những năm gần đây.
ĐC Hòa : Xin chào giáo sư. Về Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, tôi xin nói đặc biệt về Các Ủy Ban Giám Mục và tóm gọn thế này : Ðược thành lập vào năm 1980, theo nội qui làm tại Hà Nội ngày 01-05-1980, HÐGMVN qui tụ tất cả các giám mục trong ba giáo tỉnh.
Ban đầu, từ năm 1980 đến 1998, ngoài Ban Thường Vụ gồm Chủ Tịch, 2 Phó Chủ Tịch, Tổng thơ ký và 3 Phó Tổng Thơ ký, chỉ có 3 Ủy Ban Giám Mục. Ðó là các Ủy Ban Giám Mục về Phụng tự; về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh; và về Giáo Dân. Từ nhiệm kỳ VII, 1998-2001, Có thêm Ủy Ban Giám Mục về Thánh Nhạc.
Năm 2001 có thêm 5 Ủy Ban Giám Mục mới. Vị chi tất cả có 9 Ủy Ban Giám Mục. Ðó là các UBGM sau đây :
  • Về Phụng tự (lập từ 1980)
  • Về Giáo dân (lập từ 1980)
  • Về Linh mục, Tu sĩ và chủng sinh (lập từ 1980), đổi là Giáo sĩ và chủng sinh (từ năm 2001)
  • Về Tu sĩ (biệt lập từ 2001)
  • Về Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh (lập từ 1998, 2001)
  • Về Giáo lý Ðức tin (lập 2001)
  • Về Phúc Âm hoá (lập 2001)
  • Về Văn Hoá (lập năm 2001)
  • Về Bác Ái Xâ hội (lập năm 2001)
Trong Ðại Hội lần X tại Hà Nội, từ 08 đến 12 tháng 10 năm 2007, 6 Ủy Ban Giám Mục mới đã được thành lập. Như vậy, hiện nay Hội Ðồng Giám Mục, ngoài Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch, Tổng thơ ký và Phó Tổng Thơ Ký, có 15 Ủy Ban Giám Mục làm việc :
  • - Chủ tịch : Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
  • - Phó Chủ tịch : Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh
  • - Tổng Thư ký : Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
  • - Phó Tổng Thư ký : Giám Mục Giuse Võ Ðức Minh
  • Uỷ ban Giáo lý Ðức tin : Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc
  • Uỷ ban Kinh thánh : Giám Mục Giuse Võ Ðức Minh
  • Uỷ ban Phụng tự : Giám Mục Phêrô Trần Ðình Tứ
  • Uỷ ban Nghệ thuật thánh : Giám Mục Phêrô Trần Ðình Tứ
  • Uỷ ban Thánh nhạc : Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà
  • Uỷ ban Loan báo Tin mừng : Giám Mục Micae Hoàng Ðức Oanh
  • Uỷ ban Giáo sĩ - Chủng sinh : Giám Mục Antôn Vũ Huy Chương
  • Uỷ ban Tu sĩ : Giám Mục Giuse Hoàng Văn Tiệm
  • Uỷ ban Giáo dân : Giám Mục Giuse Trần Xuân Tiếu
  • Uỷ ban Mục vụ Gia đình : Giám Mục Giuse Châu Ngọc Tri
  • Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ : Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên
  • Uỷ ban Di dân : Ðức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn
  • Uỷ ban Bác ái Xã hội : Giám Mục Ðaminh Nguyễn Chu Trinh
  • Uỷ ban Văn hoá : Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống
  • Uỷ ban Truyền thông Xã hội : Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ
Từ 3 Ủy ban vào năm 1980, tăng lên 9 vào năm 2001 và vọt lên 15 vào năm 2007. Nếu biết rằng các công việc thường xuyên mà các Ủy Ban này thực hiện được thì sẽ thấy những kết quả mà HÐGMVN đã thực hiện được trong những năm gần đây. HÐGMVN không chỉ lo việc phụng tự, lo cho linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân; mà đã nới rộng phạm vi hoạt động của mình vào những lãnh vực thánh nhạc và nghệ thuật, giáo lý và đức tin, phúc âm hoá, văn hoá, bác ái xã hội; và đang mở ra vào các lãnh vực kinh thánh, gia đình, giới trẻ, đi dân, truyền thông xã hội.
GS Cảnh : Một trong những công việc mà HÐGMVN đã thực hiện là biên Thơ Chung Mục Vụ. Xin Ðúc Cha cho biết nguồn hứng và ảnh hưởng của những thơ chung trong những lãnh vực mà chúng đề cập tới, cho dân Chúa và cho xã hội Việt Nam nói chung.
ÐC Hòa : Như mọi người đều biết, các Thư Chung Mục Vụ của HÐGMVN đã được viết, từ những năm gần đây, theo chủ đề :
  • 1999 : Năm thánh 2000
  • 2000 : Sống, làm chứng và loan báo tin mừng trong cuộc sống Kitô hữu
  • 2001 : Ðể họ được sống và sống dồi dào
  • 2002 : Thanh hoá gia đình
  • 2003 : Sứ mạng loan báo tin mừng của Hội Thánh VN hôm nay
  • 2004 : Sống mầu nhiệm Thánh Thể
  • 2005 : Sống lời Chúa
  • 2006 : Sống đạo hôm nay
  • 2007 : Giáo dục hôm nay, xã hội và giáo hội ngày mai
Tất cả những chủ đề này đều lấy nguồn hứng từ Tông Huấn « Giáo Hội tại Á Châu » do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành tại New Delhi, ngày 06 tháng 11 năm 1999. Ðây là một tông huấn có nội dung xúc tích, có tầm quan trọng lâu dài và làm cho người công giáo Á Châu hãnh diện. Châu Á là nơi Chúa đã giáng trần. Nội dung của nó có thể còn được đề cập và khai triển nhiều năm nữa.
  • Ðức Giêsu là con người Á châu
  • Ngài sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống nghèo nàn.
  • Ngài là người tỵ nạn.
  • Ngài vâng phục cha mẹ.
  • Ngài cầu nguyện liên lỉ (s. 10)
  • Ngài sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé.. (s. 10)
  • Nhưng Ðức Giêsu bị tố cáo là phạm thượng, một người lỗi luật thánh, một mối họa công khai cần thanh toán (s. 11)
  • Thiên Chúa đã đặt Người làm Trung gian duy nhất của ơn cứu độ.
Kèm theo mỗi thơ chung, từ 3 năm nay, có một tài liệu học tập, do Ban Giáo lý soạn. Thành ra ảnh hưởng của các thơ chung tương đối tốt đẹp. Ngoài ra, theo nội dung của thơ chung, một câu châm ngôn đã được chọn để hướng dẫn các sinh hoạt mục vụ, sự cầu nguyện và đời sống giáo dân tại các giáo xứ. Thí dụ thơ mục vụ 2006 đề cập đến đề tài «Sống đạo hôm nay», thì câu châm nhôn đã được chọn là « Yêu thương và phục vụ », viết trên hình vẽ Chúa Giêsu đang rửa chân cho các tông đồ. Câu châm ngôn và hình vẽ đã được chưng trong khắp các nhà thờ trong năm phụng vụ, từ mùa vọng này cho tới mùa vọng sau. Nhiều người ngoại đạo cũng tò mò nhìn đọc. Có người cảm kích. Ðây là một áp dụng sư phạm, phổ biến tốt sứ điệp của giáo hội và góp phần truyền giáo hữu hiệu.
GS Cảnh : Trong những năm gần đây, HÐGMVN giao lưu và góp phần tham dự nhiều hơn với các Giáo Hội Á Châu. Xin Ðúc Cha gợi ra một vài kết quả tích cực do những giao lưu này cho việc mục vụ trong các giáo phận Việt Nam
ÐC Hòa : Cùng với một số Giám Mục Việt Nam khác, chúng tôi đã tìm cách tham dự vào công việc của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu từ những năm trước 2000. Sự tham dự này mỗi ngày mỗi tăng thêm. Các cuộc giao lưu này làm chúng ta học hỏi được nơi các Giáo Hội Á Châu khác rất nhiều. Họ đặc biệt trổi vượt về khả năng và kết quả làm việc. Họ làm việc hăng say và có phương pháp, đã phát hành rất nhiều tài liệu. Chúng ta sẽ phải dịch các tài liệu này sang tiếng việt để phổ biến. Nhưng họ cũng thấy rằng họ nói nhiều lý thuyết, còn Giáo Hội Việt Nam mình thì có sức sống thực tế dồi dào, việc dậy giáo lý tốt đẹp, giáo dân sống đạo khá nhiệt thành, ơn gọi còn nhiều. Họ thấy giáo dân Việt Nam yêu mến Giáo Hội hoàn vũ và tha thiết với Giáo Hội Việt Nam. Họ mong muốn sẽ tổ chức tại Việt Nam những cuộc họp liên HÐGM Á Châu. Vấn đề là hiện nay, mình chưa đủ khả năng về cơ sở. Hy vọng vài ba năm nữa, từ khoảng năm 2010, mình sẽ có thể có cơ sở có khả năng tiếp đón Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Riêng về khả năng tiếng anh, hiện nay cũng còn là một trở ngại. Nhưng điểm này sẽ được giải quyết tương đối dễ dàng.
GS Cảnh : Xin Ðức Cha vắn tắt cho biết chiều hướng hoạt động mới của HÐGMVN, quyết định vào tháng 10 năm 2007 mới đây, theo đó mục đích mới là « xây dựng Giáo Hội địa phương hiệp thông, yêu thương và phục vụ mọi người ».
ÐC Hòa : Một trong những công trình mới sẽ được thực hiện trong những năm sắp tới đây là việc tổ chức "Công Nghị Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào năm 2010" nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Công việc này đã được HÐGMVN ủy nhiệm cho Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Ngài đã làm một Dự Thảo, nói về ý nghĩa, mục dích và công việc chuẩn bị cho Công Nghị, mà nhiều mạng tin học Công Giáo Việt Nam đã phổ biến gần đây, trong đó có Vietcatholic. Ðây là một dự án lớn, vì trong Công Nghị, Giáo Hội Việt Nam sẽ có dịp nhìn lại những việc đã qua và hoạch định những việc sẽ làm trong tương lai. Các Ủy Ban Giám Mục, Các Ủy ban trù bị, nghiên cứu sẽ có rất nhiều việc phải làm : xem lại các mặt đã có, đánh giá lịch sử những mặt ấy,…,.. sẽ có nhiều mặt nghiên cứu phải thực hiện trong nhiều lãnh vực mục vụ khác nhau : tiên tri, tư tế, mục tử, loan báo tin mừng,…
GS Cảnh : Xin Ðức Cha có đôi lời về khẩu hiệu giám mục của Ðức Cha và về công việc giáo dục đào tạo tại địa phận Nha Trang.
ÐC Hòa : Khẩu hiệu giám mục của tôi rút ra từ Phúc Âm Thánh Gioan « Trong tinh thần và chân lý » (Gioan IV, 23). Cả Tinh thần và Chân lý đều ám chỉ sức sống và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh này không chùn chân trước bất cứ một khó khăn nào. Khẩu hiệu này giúp tôi tin tưởng vững mạnh vào sức tác động của Chúa Thánh Thần. Tôi tin rằng có chân lý và có tinh thần là có sức mạnh.
Các hoạt động của tôi ở Ðịa Phận Nha Trang tương đối đa tạp, nhưng một trong những lãnh vực thu hút nhiều chú ý của tôi là lãnh vực giáo dục đào tạo. Ngày nay, nhờ cơ sở Ðại Chủng Viện Sao Biển, khởi công xây cất vào năm 1993 và hoàn tất khánh thành ngày 11.04.1996, giáo phận Nha trang có một cơ sở giáo dục đủ khả năng đào tạo giáo sĩ và giáo dân.
Về đào tạo chủng sinh linh mục, có hai khoá trình. Khoá trình chính qui và khoá trình bổ túc.
Khoá Chính Qui, từ ngày chính thức hoạt động trở lại cho đến nay, Ðại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang đã khai giảng được 8 khoá học chính qui với 247 học viên thuộc 3 giáo phận Nha Trang, Qui Nhơn và Ban Mê Thuột. Cụ thể như sau :
  • 1. Khoá I (1991-1997) gồm 30 chủng sinh
  • 2. Khoá II (1993-1999) gồm 32 chủng sinh
  • 3. Khoá III (1995-2001) gồm 31 chủng sinh
  • 4. Khoá IV (1997-2003) gồm 31 chủng sinh
  • 5. Khoá V (1999-2005) gồm 27 chủng sinh
  • 6. Khoá VI (2001-2007) gồm 31 chủng sinh
  • 7. Khoá VII (2003-2009) gồm 33 chủng sinh
  • 8. Khoá VIII (2005-2011) gồm 32 chủng sinh
Trong số 247 học viên, có 154 học viên đã tốt nghiệp, 119 linh mục đang là cha quản xứ hoặc cha phó xứ, 25 đang giúp xứ, trong đó có 16 phó tế, 93 học viên đang trong thời gian tu học tại Ðại Chủng Viện
Ngoài những khoá chính qui trên đây, Ðại Chủng Viện Sao Biển đã tổ chức được 2 khoá đặc biệt cho các chủng sinh lớn tuổi tồn đọng của các giáo phận Việt Nam.
Khoá Bổ Túc Thần học 2 năm (1993-1995) cho các chủng sinh thuộc 2 giáo phận Nha Trang và Ban Mê Thuột, gồm tất cả 37 học viên : 24 thuộc Nha Trang và 13 thuộc Ban Mê Thuột.
Khoá Bổ Túc Thần học 2 năm (2004-2006) để hợp thức hoá một số linh mục và đại chủng sinh lớn tuổi của 10 giáo phận trong toàn Giáo Hội Việt Nam : Lạng sơn, Hưng Hoá, Hà Nội, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Kon Tum, Ðà Lạt, Phan Thiết, Phú Cường,. Khoá này qui tụ 75 học viên.
Hiên nay, Ðại Chủng Viên đã tiếp nhận một khoá Bổ Túc Thần Học ngắn hạn mới, dành cho các chủng sinh lớn tuổi còn sót lại của các giáo phận. Khoá bổ túc này đã được khai giảng vào đầu niên học 2007-2008, gồm trên 80 học viên.
Tại Tòa Giám Mục hàng năm có Khoá thần học tu sĩ cho các tu sĩ trong địa phận. Khoá học này kéo dài 5 năm, mỗi năm 1 tháng
Về việc đào tạo tông đồ giáo dân, chính yếu có 5 loại khoá trình sau đây : Hội Ðồng Giáo Xứ, Giáo lý viên, Ca đoàn, Giới trẻ và Nghệ thuật thánh. Cho ba loại khoá đầu là Hội Ðồng giáo xứ, Giáo lý viên và Ca đoàn, đã làm được 10 khoá cho mỗi loại, vào tháng 7 hàng năm, mỗi khoá kéo dài 1 tuần. Khoá trình Giáo lý viên, giới trẻ và Thánh nhạc làm việc đặc biệt tốt đẹp.
Ban Giáo lý đã thực hiện được 3 kế hoạch 5 năm; đã soạn và xuất bản được 15 quyển sách thủ bản giáo lý cho học sinh từ 4 đến 18 tuổi, hơn 20 đầu sách hỗ trợ cho việc dạy và học giáo lý, 8 cuốn sách tu đức và cầu nguyện, 100.000 cuốn Kinh Thánh Cựu Ước tuyển chọn.. Năm 2005-2006 có 1.929 thầy cô giáo lý viên và 37.066 học sinh giáo lý.
Ðại Hội Giới trẻ Giáo Phận Nha Trang, từ 2000 đến 2006, đã được tổ chức 4 lần.
  • Lần thứ nhất, từ 31.12.2000 đến 01.01.2001, với chủ đề « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga I,14)
  • Lần thứ hai, từ 31.12.2002 đến 01.01.2003, với chủ đề « Chúng con là muối đất,…Chúng con là ánh sáng thế gian » (Mt 5,13â14a)
  • Lần thứ ba, từ 31.12.2004 đến 01.01.2005, với chủ đề « Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế » (Ga1,41)
  • Lần thứ tư, từ 31.12.2005 đến 01.01.2006, với chủ đề « Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi » (Tv 119, 105)
Ban Thánh nhạc,
qua 4 giai đoạn sinh hoạt khác nhau, đã ấn hành và phổ biến nhiều tập thánh ca khác nhau :
1. 1976-1978 : phổ biến
  • 8 tập CA LỜI HẰNG SỐNG
2. 1978-1987 : các sách :
  • CA KHÚC LÊN ÐỀN, 10 tập;
  • CA KHÚC TRƯỜNG SINH, 5 tập;
  • CA GIÁO LÝ, 2 tập;
  • BÀI CA Ý LỰC, Hai bộ cho 3 năm ABC

3. 1987-2007 : thực hiện được các sách :
  • THƯỜNG NIÊN ABC
  • VỌNG GIÁNG SINH ABC
  • CHAY PHỤC SINH ABC
  • CHỦ ÐỀ I, về lễ cưới, lễ tang
  • CHỦ ÐỀ 2, về tận hiến
4. 2006 : thực hiện và ra mắt các sách :
  • THƯỜNG NIÊN ABC, bộ II
  • VỌNG ABC, bộ II
  • CHAY PHỤC SINH, bộ II
  • HÁT CỘNG ÐỒNG, tu chính
GS Cảnh : Năm 2007 là năm kỷ niệm 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris được chính thức thành lập, Xin Ðức Cha cho một cảm tưởng chung về các sinh hoạt mục vụ ở Giáo Xứ và một vài nhắn nhủ về tinh thần và đường hướng tương lai, đặc biệt trong lãnh vực liên hệ giữa một cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
ÐC Hòa : Về Giáo Xứ Việt Nam Paris, tổng quát, tôi biết rằng Giáo Xứ, dưới sự lãnh đạo của Ðức Ông Giuse Mai Ðức Vinh, có nhiều hoạt động mục vụ tốt đẹp. Về giáo dân Việt Nam hải ngoại, tôi có hai ý kiến đơn sơ thế này :
Người việt nam ở hải ngoại nên học cái hay của địa phương hải ngoại. Cái hay của họ là tinh thần làm việc. Họ chịu khó làm việc. Họ làm việc có phương pháp, có tổ chức, có nguyên tắc.
Nhưng người việt nam ở hải ngoại cũng phải mang cái hay của người việt nam cho người địa phương hải ngoại. Cái hay của người việt nam mình là tình nghĩa gia đình, liên đới giáo xứ, yêu thương quê hương dân tộc, yêu mến giáo hội.
Cầu mong cho người việt nam hải ngoại làm sao luôn luôn quân bình thực hiện và xúc tiến được hai điều ấy, thì đi đâu, ở đâu, họ cũng giúp ích được ở đó!
GS Cảnh : Con xin cám ơn Đức Cha rất nhiều. Cầu chúc Đức Cha nhiều ơn lành của Chúa và Giáo hội Việt Nam ngày càng phát triển. Xin Tinh Thần và Chân Lý của Chúa Thánh Thần luôn là sức mạnh hộ phù Ðức Cha và Giáo hội Việt Nam.
(Paris, ngày 18 tháng 11 năm 2007)