Tôi tư duy nên tôi hiện hữu

(René Descartes: Meditationen)


Trong suốt dòng lịch sử triết học nhân loại, người ta khó tìm thấy được nơi bất cứ một triết gia nào khác đã có được một câu nói có thể đi sâu vào ý thức của từng lớp đại chúng, dù thuộc về triết học hay không, như câu nói “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu) của nhà triết học, toán học và nhà khoa học người Pháp này: René Descartes (1596-1650). Cũng như nhiều học giả nổi danh đồng thời với ông, Descartes đã theo học tại phân khoa khoa học tự nhiên (Toán học) mà vào thời bấy giờ rất được giới trí thức ưa chuộng và đánh giá cao. Khi vừa đúng 16 tuổi, Descartes đã nghỉ học tại trường của các Cha Dòng Tên tại La Fléche ở Paris để trước hết theo học ngành quân sự và sau đó là phân khoa luật, hầu có thể “đọc được nhiều hơn trong cuốn sách vũ trụ” như chính ông đã phát biểu về sau.

Triết gia thời danh René Descartes
Thời hậu phục hưng là một thời đại đột phá, thời đại cách mạng. Vâng, chẳng những nó đã kéo theo một sự giải phóng và tự phục hồi lại giá trị cá nhân, nhưng đồng thời nó cũng đã dẫn đưa từng cá nhân quay trở lại với chính mình xét như chủ thể tư duy bằng một cách thức hoàn toàn mới mẽ. Từ đây những sự xác tín chỉ được lưu truyển bằng miệng đều bị “Quan tòa lý trí” (Kant) nghi ngờ và xem ra hoàn toàn mất hẳn giá trị của chúng.

Sự hoài nghi theo phương pháp

Và nhờ thế, “Những Suy Niệm về Đệ Nhất Triết Học” (Meditationes de prima philosophia), xuất bản năm 1641, - tác phẩm thứ nhất trong hai tác phẩm triết học quan trọng nhất của Descartes – đã liên kết hai cảm nghiệm nổi bật nhất về hoàn cảnh sống của ông lại với nhau, đó là:

1. Quay trở lại với lãnh vực chắc chắn duy nhất, mà theo Descartes là tư duy của chính chủ thể tư duy.

2. Sự cấu trúc chính thức phản ảnh sự cắt đứt với thế giới cảm giác vô thường và bất định thuộc cảm quan để chủ thể rút lui vào trong thế giới tư duy nội tại, tương tự như hành động một người lìa bỏ cõi tục để bước vào chốn thiền môn cô tịch, trong đó nhà triết học sống vào thời điểm lúc bấy giờ. Bởi vì tác phẩm đã được viết ra dưới hình thức ngã quy của tác giả, tương tự như một cuốn nhật ký của cuộc tĩnh tâm 6 ngày (tương ứng với 6 bài suy niệm) và như thế Descartes đã noi theo gương thực tập con đường thiêng liêng của vị sáng lập Dòng Tên, thánh Ignatius Loyola (1491-1556), người đã truyền cho áp dụng hình thức đó vào trong linh đạo của Dòng.

Trong diễn biến đó người ta không nên để cho mình thất vọng khi chủ thể tư duy được đặt làm trọng tâm một cách chủ ý đầy khéo léo. Nói cách khác, hình thức những suy niệm thực ra không được xây dựng trên tính chất duy ngã nông nổi và ích kỷ, nhưng là trình bày về phương pháp của tác giả. Nói cách khác, diễn tiến sự nhận thức – nơi Descartes là một tác động của tinh thần – cần phải mở ra trong những bước đi suy lý có trật tự không chỉ đối với chủ thể tư duy mà còn khả thi đối với độc giả nữa, là người cũng có thể tham dự vào hành động nhận thức.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là người ta cần phải nhận thức những gì? Chính Descartes đã tự đưa ra câu trả lời trong những ghi nhận do ông soạn thảo ra (Những Suy Niệm cần phải mang lại cho ông sự chuẩn y của đại học Sorbonne, tuy nhiên điều đó đã hoàn toàn bất thành. Trái lại, sau khi ông chết, tác phẩm “Meditationes” cùng với các văn bản khác của ông đã bị nêu tên trong danh mục những loại sách cấm vào năm 1663). Trong đó vấn đề chính yếu luôn luôn là những vấn nạn về Thiên Chúa và linh hồn con người, những điều mà chính cả lãnh vực triết học duy lý cũng đang đi tìm kiếm câu trả lời.

Tác phẩm bắt đầu với sự hoài nghi nổi danh của Descartes, đó là ngay trong bài suy niệm đầu tiên ông đã đặt sự xác tín thành vấn đề, tức liệu một tư tưởng có thể biểu tượng cho một sự vật cụ thể nào đó hay chỉ là tư tưởng thuần tuý mà thôi. Để có thể tiến nhanh hơn, Descartes đã lập tức hoài nghi về toàn bộ tất cả các ý niệm. Nói cách khác, tất cả các ý niệm chỉ có thể là những mộng mị mà thôi, nên vì thế đều sai lạc.

Tuy nhiên, người ta sẽ sai lầm khi cho rằng một sự hoài nghi như thế là muốn nói lên một sự nghi ngờ thuần tuý (và qua đó, sự hoài nghi sẽ đạt tới hình thức tuyệt đối của nó). Thật ra, sự hoài nghi chỉ được sử dụng như một phương pháp để nói lên sự cần thiết cho một sự bắt đầu mới trên lý thuyết một cách tuyệt căn và để chứng minh rằng chỉ thuần tuý nhờ vào những cảm nghiệm thuộc lãnh vực cảm giác cung cấp mà thôi người ta sẽ không thể có được những nhận thức chính xác rõ ràng được. Vì thế đối với Descartes, chỉ nhờ sự trợ giúp của sự hoài nghi theo phương pháp thì tinh thần con người mới có thể được giải phóng khỏi tất cả những tiên kiến và tìm ra được con đường để tạo ra được một nền tảng vững chắc và cơ bản cho tất cả những diễn tiến khác của tư duy.

Nền tảng của tất cả mọi hữu thể

Bởi vì, nếu tất cả mọi sự đều có thể bị nghi ngờ, thì ít ra một điều chắc chắn đối với tôi là tôi đang nghi ngờ. Để có được hoài nghi này, thì sự tách biệt cần thiết khỏi tất cả mọi tình huống ngoại cảnh phải được dựa trên một điều kiện rõ ràng mà người ta thường hay bỏ qua không nhìn thấy: Lý do tuyệt đối của tri thức mà Descartes cố công gầy dựng nên cần tới một vị trí đặc biệt của một chủ thể tự do. Bởi vì, chỉ khi đặt nền tảng trong sự tự do thì khả năng con người mới có thể tách mình ra khỏi tất cả những sự vật ngoại giới mà thôi. Qua đó, Descartes muốn nói rằng bây giờ ông đã tìm ra được một con đường dẫn tới một sự nhận thức rõ ràng chính xác cuối cùng, hoàn toàn bất khả đổi thay: Đó chính là sự hiện hữu cá thể của tôi như một hữu thể tinh thần.

Và từ đó còn phát xuất một sự phân biệt quan trọng khác nữa, đó là tinh thần được coi là “res cogitans” (vật thể tư duy), đối lập với thể xác được coi là “res extensa” (vật thể thuộc trương độ), và cả hai tuy cùng hợp nhất với nhau trong hành động, nhưng mỗi phía lại có những đặc tính riêng biệt mà phía kia lại không có; thí dụ: Tinh thần thiếu đi tính chất khuếch trương hay trương độ của thể xác; còn thể xác lại không có được sự ý thức như nơi tinh thần biết tư duy.

Bắt đầu từ nền tảng trên, Descartes có thể tiến thêm một bước khác, đó là băng qua sự phát triển thêm sự minh chứng mang tính cách hữu thể học về Thiên Chúa của Anselm von Canterbury và từ nền tảng nhận thức mang tính cách lý thuyết về nhân chủng học, ông đã đạt tới sự nhận thức chắc chắn rằng khi ông có ý tưởng về Thiên Chúa thì nhất thiết phải có một sự hiện hữu thực tại nào đó tương ứng với ý tưởng đó, bởi vì nguyên nhân của tất cả mọi hữu thể đều phải phát xuất từ nơi một mình Thiên Chúa mà thôi, đặc biệt nhất là với sự hiện hữu của Thiên Chúa người ta mới có được một nền tảng thực sự cho niềm xác tín về sự hiện hữu của các sự vật ở bên ngoài sự hiện hữu của tôi. Với sự minh chứng này về Thiên Chúa, Descartes đã đạt tới được đỉnh cao những dự định mà ông hằng nhắm tới. Cuối cùng, qua Thiên Chúa vấn đề về hữu thể đã được giải quyết. Hay như lời thánh Augustinô đã phát biểu: “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con sẽ phải khắc khoải mãi, cho tới khi nó được nghỉ yên trong Ngài”.

Như thế, đồng thời vấn nạn về lý do cuối cùng sự tri thức của con người đã trở thành vấn nạn về sự khởi đầu và về nền tảng của toàn diện nền triết học. Qua suy tư khảo cứu của Descartes vấn nạn trên đã tìm ra được câu giải đáp trên hai lãnh vực khác nhau: Bởi vì, mặc dù trước hết tôi tìm thấy nền tảng đó cắm dùi trong tôi, nhưng đàng khác chính nó lại cũng được đâm rễ sâu trong sự hữu và qua đó nó bắt nguồn trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn cội mọi sự hữu.

Con đường của một chủ thuyết duy lý tân thời do Descartes vạch ra như thế, đã được các triết gia nối gót, từ Malebranche, Leibniz, Spinoza và Kant mãi cho tới chủ nghĩa duy tâm lý của Brentano và vì thế đã biến Descartes trở thành cha đẻ của nền triết học về ý thức trong thời tân đại. Điều đó cũng muốn nói lên rằng chính trong sự nổ lực phát huy một nền triết học vô chủ quan tính như chúng ta tìm gặp trong Hiện Tượng Luận của Edmund Husserl, luôn luôn lại phải tìm đến nương tựa nơi đường lối tư tưởng Descartes.

Nhưng ngay cả đến những nổ lực khác tìm cách vượt qua quan điểm duy lý của Descartes, như chủ nghĩa thực dụng hay sự chối bỏ sự nhận thức chắc chắn của Popper và Derrida cũng sẽ chỉ là một điều không tưởng nếu không có Descartes. Bởi vì vấn nạn còn để ngỏ chưa được giải đáp là trong mức độ nào hay đến điểm nào thì trong những tranh cãi hiện thời về sự phê bình lý trí hay về sự tự quyết của con người (gợi lên bởi sự khảo cứu về thần kinh học) dưới lớp vỏ mang màu sắc của ý niệm mới như nhị nguyên luận: “Nảo bộ-tinh thần” (một điều xem ra không có gì khác với nhị nguyên luận của Descartes: “Thể xác-linh hồn”) thì không phải là sự tái xuất hiện vấn nạn cũ mà Descartes đã nêu lên hay sao? Nếu sự thật của vấn đề hoàn toàn đúng như vậy, thì bấy giờ rất đáng cho chúng ta phải suy nghĩ lại về điều đó, cả đến việc phải chấp nhận những câu giải đáp mà Descartes đã tiên đoán trước với sự trân trọng.

_________________

Sách tham khảo:

Meditationen über die Grundlagen der Philosophie mit den sämtlichen Einwänden und Erwiderungen (Meditationes de prima philosophia). Felix Meiner Verlag, Hamburg 1994.