Quan điểm triết học của I. Kant về sự nhận thức

Triết gia Immanuel Kant sống cách đây trên 200 năm (1724-1804). Tác phẩm chính của ông là cuốn «Kritik der reinen Vernunft» - (Phê bình lý trí thuần tuý), được xuất bản năm 1787. Tác phẩm «Phê bình lý trí thuần tuý» này chứa đựng toàn bộ khuynh hướng triết học của Kant mà người ta thường gọi là «Transzendentalphilosophie» - (Triết học tiên nghiệm; cũng có người dịch là Triết học siêu nghiệm). Nhưng nay khuynh hướng triết học đó của Kant hầu như không còn gì nữa ngoài ý tưởng về triết học tiên nghiệm.

Kant muốn đặt ra cho triết học một sứ mệnh mới và thiết lập tính chất khoa học của triết học một cách mới mẻ. Như thế, khác với khoa siêu hình học cũ, Kant đã không khởi đầu từ hữu thể, một thực tại hiện hữu độc lập với tính khả nhận thức của nó, nhưng sự tri thức được lãnh hội phải được minh chứng qua những điều kiện của sự nhận thức.

Triết gia Kant gọi nền triết học của ông là khúc quanh Kô-per-níc(1), và qua nền triết học đó ông đã muốn trình bày một quan điểm hoàn toàn mới mẻ trong tư duy về vũ trụ. Do đó trong sự diễn giải các tác phẩm của ông, tất cả đều thùy thuộc vào nhãn quan này. Bởi vì, Kant đã trình bày các tác phẩm của ông theo đúng với điều mà ông cho là triết học tiên nghiệm: «Tôi gọi tất cả những nhận thức tiên nghiệm là những nhận thức không có một chút gì liên quan tới các đối tượng cả, nhưng chỉ có liên quan tới cách nhận thức của chúng ta về đối tượng, miễn là cách nhận thức đó khả dĩ một cách tiên nghiệm.» (B25) Qua đó cương lĩnh triết học của Kant đã được xác minh.

Nơi Kant, vấn đề không còn là sự nhận thức các đối tượng, cho dù sự nhận thức này là một nhận thức thực tiễn (siêu hình học, thực nghiệm hay duy vật) hay một sự nhận thức thuần tuý duy tâm. Đối với Kant, sự nhận thức đối tượng là công việc của khoa học cá biệt. Thay vì đề cập tới chuyện đó, thì vấn đề được bàn đến ở đây là «cách nhận thức về đối tượng», hay như chính Kant nói: «điều kiện sự khả hữu (hợp lý)» của các đối tượng. Như vậy đối với Kant, điểm xuất phát không phải là đối tượng nhận thức đã được cấu thành theo một cách thức nhất định nào đó, nhưng là sự thẩm định phẩm chất giá trị (Geltungsqualifikation), tức những điều kiện làm cho sự tri thức trở thành sự tri thức có dẫn chứng (begründetes Wissen), nghĩa là sự tri thức hữu lý. Theo quan điểm Kant, triết học trở thành học thuyết về nguyên nhân cuối cùng của sự tri thức nói chung. Sự tri thức triết học là sự tri thức các nguyên lý, chứ không phải là sự tri thức các đối tượng.

Nhưng tại sao vấn đề giá trị của sự tri thức đối với Kant lại mang tính cách quyết định như thế? Kant cho rằng, là một «xì-căn-đan của triết học» khi nó còn quan tâm tìm hiểu về «thế giới ngoại cảnh bên ngoài», nghĩa là về thực tại, để biết nó độc lập với tư duy như thế nào. Dĩ nhiên, tư duy được nói đến ở đây không phải là tư duy của một cá nhân nào đó, nhưng là tư duy xét như là nguyên lý, tức cái tinh hoa hay cái nòng cốt làm điểm tựa cho những hình thức nhận thức, tức những hình thức được tìm gặp trong sự suy tư. Theo Kant, tự bản chất, hữu thể trong triết học thì bất khả tiếp cận.

Nếu bản chất hữu thể là như vậy, thì nó cần phải có một sự tự khẳng định riêng (Eigenbestimmtheit) đối diện với sự nhận thức. Tiếp đến, dĩ nhiên sự tư duy không còn có thể chắc chắn về những nhận thức của nó nữa, và không có thể tạo nên những nhận thức có giá trị như thế, bởi vì những điều kiện của tri thức thì tiên nghiệm đối với sự tư duy hay nói một cách khác: những điều kiện tư duy thì vượt ra ngoài sự tư duy. Vậy, theo Kant, chứng cớ của sự tri thức có giá trị chỉ có thể đi theo con đường khác ngược lại, tức sự tư duy xác định cái được gọi là «khách quan tính». Còn theo chính ngôn ngữ của Kant thì: «Trí năng không nhận lãnh các quy luật (tiên nghiệm) của nó từ thiên nhiên, nhưng chính trí nắng điều khiển thiên nhiên.»

Quan điểm này đem đến những hậu quả cho ý niệm về chân lý. Sự định nghĩa cổ điễn về chân lý được dựa theo lý thuyết thích đáng (Adäquationslehre), tức cho rằng chân lý là sự hoà điệu hay sự đồng thuận giữa sự nhận thức và đối tượng. Nhưng nếu như vấn đề không còn liên quan gì tới cái ở trong «thế giới bên ngoài», tức đối tượng nữa, thì sự thể sẽ ra sao? Và trong trường hợp này thì sự nhận thức có thể được dẫn vào trong sự hòa điệu hay sự đồng thuận bằng cái gì? Với những câu hỏi này, ý niệm trọng tâm về «phê bình lý trí thuần tuý» đã đạt tới đích, đó là: Sự phán đoán!

Trong chính trọng tâm của nó thì lý thuyết về giá trị là lý thuyết về sự phán đoán, và điều đó cho thấy triết gia Kant vẫn còn tắm gội trong dòng nước triết học Aristote, vì ông đã gọi sân khấu của nhận thức là sân khấu của phán đoán. Tuy nhiên, một điều quá minh bạch đối với Kant là chủ đề về triết học lý thuyết chỉ có thể là điều thuộc về lý thuyết phán đoán như là sân khấu của nhận thức và của tri thức. Và trong điểm này lại chứng minh cho thấy Kant đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng triết học của Aristote.

Kant hiểu rằng khoảnh khắc tiên nghiệm của sự chiêm ngưỡng và của ý niệm trước hết thuộc về lý thuyết phán đoán; và trong «sự phê bình» thì «tính thẩm mỹ tiên nghiệm» với lý thuyết về không gian và thời gian; cũng vậy, «luận lý tiên nghiệm» với sự suy diễn của nó về các phạm trù, thì tương hợp với những khoảnh khắc tiên nghiệm như thế. Bởi vì, trong sự phán đoán, vấn đề được đề cập tới là sự tương quan xác định giữa ý niệm về chủ thể và ý niệm về thuộc từ, ví dụ như trong câu «tờ giấy thì xanh» (CT là TT). Nói một cách triết học tiên nghiệm: Ý niệm về chủ thể thay thế vị trí sự khả bảo đảm chắc chắn, bởi vì người ta muốn cảm nghiệm được nhiều hơn nữa ý niệm về chủ thể qua một dãy các thuộc từ, và ý niệm về thuộc từ thay thế sự bảo đảm chắc chắn, bởi vì ý niệm về thuộc từ là ý niệm đã mang tính cách chắc chắn hơn. Điểm then chốt nơi Kant là sự khả bảo đảm chắc chắn về một cái gì đó thì không thể bất định một cách tuyệt đối được; nếu không, nó không phải là một số lượng lý thuyết và hoàn toàn trống rỗng, như trường hợp của hữu thể đối với Kant vậy. Chỉ có thể trở nên khả bảo đảm chắc chắn một điều tối thiểu đã được xác định trong không gian và thời gian qua sự thoả mãn được những điều kiện nhận thức. Như vậy, «hữu thể» ở đây trong sự bảo đảm chắc chắn của nó luôn luôn là «hữu thể thực hữu», thực hữu bởi những điều kiện nhận thức và thực hữu cho sự nhận thức tiếp theo. Dĩ nhiên, cái hữu thể thực hữu đó chắc chắn không được phát sinh do sự nhận thức, nhưng cái hữu thể thực hữu đa dạng thay thế cho tính ngẫu nhiên bất khả dụng trong sự nhận thức không do tư duy.

Trở lại sự thích đáng và vấn đề chân lý. Để tiến xa hơn nữa trong vấn đề này, Kant đã vượt ra khỏi luận lý học hình thức mà trong lãnh vực của nó bao gồm cả lý thuyết về sự phán đoán. Bởi vì luận lý hình thức chỉ có liên hệ với hình thức nhận thức và trừu xuất tất cả mọi nội dung ra. Nhưng khách quan tính được lý hội nhờ các phạm trù. Kant nêu lên mười hai cách thức phán đoán khả dĩ, tương đương với mười hai chức năng đồng nhất (phạm trù), tức những yếu tố cấu thành sự đồng nhất giữa ý niệm chủ thể và ý niệm thuộc từ. Mười hai phạm trù này là qui luật tối cao của luận cứ về khách quan tính.

Dĩ nhiên, người ta không được quan niệm tác phẩm «Phê bình lý trí thuần tuý» như một hệ thống tuyệt đối về lý trí, hay như một «Organon»(2), nhưng như là sự «phê bình» bao quát mở rộng, và do đó các khoa học sau thời đại Kant, như các khoa học về tinh thần, đã dễ dàng được hòa nhập. Nhưng một điểm có tính cách quyết định vẫn luôn là nguyên lý hợp nhất, một nguyên lý không những làm nhiệm vụ nguyên lý hợp nhất mười hai phạm trù, nhưng cả cho sự mở rộng của các phạm trù đó nữa. Đó chính là nguyên lý mà trong §16 Kant đã ghi nhận như sự hợp nhất thuộc về phép tổng hợp tối cao của sự trực cảm và như thế là của khách quan tính: «‘Bản ngã tư duy’ cần phải đi kèm tất cả những ý tưởng và quan niệm của tôi.» Tất cả những cái thực hữu trong chiêm ngưỡng và tất cả những cái được suy tưởng tới trong những ý niệm đều phải tùy thuộc sự hợp nhất hợp lý tối cao này của tư duy. Dĩ nhiên, «bản ngã tư duy» ở đây không muốn nói là «bản ngã» cá biệt của chúng ta, nhưng người ta có thể gọi đó là «cái nội tại sâu kín hợp lý», tức cái nòng cốt đồng nhất của sự tự khẳng định của tư duy.

Vậy, theo Kant, chân lý không phải là kết quả của sự đồng thuận giữa sự nhận thức và «thế giới bên ngoài», nhưng ở chỗ: tính xác thực của đối tượng thực tiễn trong quan niệm thuộc về không gian và thời gian và sự tự khẳng định của sự tư duy có chung cùng một nền tảng là các phạm trù. Và cái nền tảng chung là chức năng hợp nhất hợp lý của «bản ngã tư duy» như đã nói đến ở trên.

Bởi vì, trong sự nhận thức, Kant chỉ chấp nhận sự tham chiếu các ý niệm với sự chiêm ngưỡng, chứ không như nơi Hegel là tham chiếu các ý niệm với nhau, nên lý thuyết của Kant là một nền triết học về lý trí tối hậu. Tuy nhiên, Kant lại cho rằng người ta không thể sử dụng phương pháp đó trong việc nhận thức về Thiên Chúa một cách triết học được. Theo Kant, người ta không thể có cơ sở hợp lý rõ ràng để nhận thức được Thiên Chúa là gì, chẳng hạn như là đệ nhất nguyên nhân. Kant cho rằng vấn đề về Thiên Chúa cũng tựa như là một đại dương bao la mà người ta không có thuyền bè để đi lại trên đó. Qua đó Kant muốn «nhường chỗ cho đức tin», tức theo quan điểm của Kant thì trong vấn đề liên quan đến Thiên Chúa chỉ có đức tin là câu trả lời duy nhất. Trong định nghĩa lý thuyết của lý trí thực hành trong việc nhận thức về Thiên Chúa thì thế giá chủ quan của Thiên Chúa là điểm tựa duy nhất, hầu cho toàn diện những hành động tìm hiểu của chúng ta được hợp lý bền vững. Bởi vì, Kant muốn hoà giải lý tính của trí năng con người với sự trình bày về Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn con người như những thực tại.

Tuy nhiên, qua quan điểm của ông như thế về Thiên Chúa, Kant đã mặc nhiên tố cáo sự nghi ngờ của ông về sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà có lẽ do áp lực của xã hội lúc bấy giơ, ông đã không dám công khai thừa nhận, nên ông phải nại đến tức tin. Trong khi đó, sự hiện hữu của Thiên Chúa còn có thể được chứng minh bởi những luận cứ hợp lý của trí năng, chứ không thuần tuý là công việc của đức tin mà thôi.

____________________

Chú thích

1. Nikolaus Kopernikus, 1473-1543, một nhà thiên văn học và toàn học. Ông đã khám phá ra thuyết nhật tâm, cho rằng mặt trời là trung tâm cho các hành tinh khác và đứng quay tại chỗ. Qua đó ông loại bỏ quan điểm từ trước tới nay vẫn cho rằng trái đất là trung tâm vũ trụ và mọi hành tinh đều quay chung quanh trái đất.

2. Organon: Luận lý toàn thư, một tác phẩm quan trọng của Aristote.