Hội Thảo Khai Mạc Năm Linh Mục tại TGM Bùi Chu ngày 16/6/2009

VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY
HIỆP THÔNG VỚI TRUYỀN THỐNG KHÔNG GIÁN ĐOẠN CỦA GIÁO HỘI


ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục. Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ, là các linh mục đầu tiên của Ngài, và qua họ, cho mọi linh mục sẽ tới, và chúng ta hôm nay: “Lạy Cha chí thánh, xin Cha thánh hóa họ trong sự thật. Như Cha đã sai con vào thế gian, con cũng sai họ vào thế gian. Vì họ, con thánh hóa chính mình để họ cũng được thánh hóa trong sự thật” [1]

Chính vì thế, trong diễn văn loan báo Năm Linh Mục vào dịp Hội nghị khoáng đại của Bộ Giáo sĩ ngày 16/03/2009 vừa qua, Đức Thánh Cha mong muốn “giúp các linh mục hướng đến sự hoàn thiện thiêng liêng mà tính hiệu quả của thừa tác vụ của họ đặc biệt tùy thuộc.” [2]

Để mừng Năm Linh Mục (19/6/2009-19/6/2010) với Ơn Toàn Xá, mà Đức Thánh Cha sẽ khai mạc vào ngày 19 tháng 6, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và ngày Quốc tế cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục, kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha thánh Gioan Maria Vianey, với sự hưởng ứng của linh mục đoàn Giáo phận Bùi Chu chúng ta hôm nay, con xin trình bày đề tài việc đào tạo linh mục hôm nay hiệp thông với truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội “để hăng say tìm hiểu giá trị của căn tính linh mục, hiểu biết thần học về chức linh mục công giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của linh mục trong Giáo hội và trong xã hội.” [3]

I. TRUYỀN THỐNG KHÔNG GIÁN ĐOẠN CỦA GIÁO HỘI

1. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về nguồn gốc chức Linh mục

Trong xã hội tục hóa hôm nay, ảnh hưởng của tinh thần tôn sùng vật chất đang thao túng mãnh liệt. Địa vị, tiền bạc và lạc thú được đại đa số xem như là tất cả hạnh phúc của con người. Sự phóng túng tình dục và chủ nghĩa hưởng lạc cuốn hút bao trái tim và đầu óc của người trẻ. Do đó, độc thân khiết tịnh, nhất là nơi giới đàn ông, bị nghi ngờ và coi là không thể.

Nhưng đối với Giáo Hội Công giáo Rôma, đời sống độc thân linh mục là một thực hành bắt buộc rất cựu trào, dựa vào truyền thống Tông Đồ, chẳng hạn thế kỷ IV, Công Đồng Carthage (năm 390) đã nói: “Những người phục vụ các mầu nhiệm thánh phải hoàn toàn tiết dục hầu cho những gì các Tông Đồ đã giảng dạy và người xưa gìn giữ thì nay chúng ta cũng tuân giữ nó.” Quả thế, ngay từ đầu, Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã nêu gương chọn cuộc sống ấy. Rõ nét hơn từ Công đồng Latêranô I (1123), luật độc thân được áp dụng trong Giáo Hội Công Giáo đối với mọi linh mục theo lễ nghi La-tinh.

Thế kỷ 14-15 cho thấy bức tranh toàn cảnh lịch sử Giáo Hội của một nền luân lý suy đồi dẫn đến thời kỳ Phục Hưng nguy hiểm và kết thúc với cuộc ly khai Thệ phản. Công đồng Trentô (1543) đã đưa đến một cuộc canh tân thiêng liêng sâu xa và bền bỉ về chức linh mục và thừa tác mục vụ linh mục.

Thời đại chúng ta chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về vấn đề kỷ luật này. Một số người đã cho rằng chẳng mấy hữu lý khi đòi buộc những người sẽ chịu chức linh mục phải sống bậc độc thân; họ vịn cớ cả Chúa Giêsu lẫn thánh Phaolô không trình bày bậc độc thân như là một thực hành bắt buộc đối với các môn đệ. Một ít người còn đi xa hơn nữa đổ lỗi cho bậc độc thân phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục và những gương mù giới tính đã xảy ra tại nhiều nước Bắc Mỹ và Âu Châu. [4]

Dù vậy, qua Sắc lệnh Chức vụ và Đời sống linh mục của Công đồng Vatican II, Giáo Hội vẫn duy trì truyền thống không thay đổi, nhưng nhấn mạnh đặc biệt đến mối liên hệ chặt chẽ giữa độc thân khiết tịnh và đức ái mục tử vì Nước Trời [5] của chức linh mục thừa tác của linh mục.

Đức Phaolô VI trong Sacerdotalis Coelibatus khẳng định: “Luật độc thân thánh, mà Giáo Hội canh giữ từ nhiều thế kỷ nay như một viên ngọc quý rạng ngời, bảo tồn toàn bộ giá trị của nó cả ở thời đại chúng ta vốn tiêu biểu bằng một sự biến đổi sâu xa các não trạng và các cơ cấu.” [6]

THĐGM 1971 khẳng định sự cần thiết phải duy trì luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh, với việc giải thích nền tảng, các động cơ và điều kiện ủng hộ nó mà linh mục thi hành với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. [7]

Bộ Giáo luật 1983 lặp lại: “Các Giáo sĩ buộc phải giữ tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, và vì thế phải tuân giữ luật độc thân, ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban, nhờ đó các thừa tác viên chức thánh có thể kết hiệp dễ dàng hơn với Đức Kitô bằng một tâm hồn không chia sẻ, tự hiến trọn vẹn và tự do hơn cho việc phục vụ Chúa và con người.” [8]

Tông huấn hậu THĐGM Pastores Dabo Vobis trình bày luật độc thân như một đòi hỏi căn bản trong toàn cảnh bốn chiều kích đào tạo nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ.

Sách Giáo lý Công giáo lặp lại: “Tất cả các thừa tác viên được truyền chức linh mục trong Giáo Hội Latinh, ngoại trừ các Phó Tế Vĩnh Viễn, được chọn một cách bình thường giữa các tín hữu đang sống độc thân và có ý chí giữ luật độc thân vì Nước Trời” .

Trong cuộc họp với lãnh đạo các Bộ của Giáo triều ngày 16.11.2008, ĐTC Biển Đức XVI đã tái khẳng định giá trị của chọn lựa đời sống độc thân của các Linh mục, hợp với truyền thống Công Giáo chưa bị gián đoạn và lập lại đòi buộc phải có một đào tạo nhân bản và Kitô giáo vững vàng, cho cả các chủng sinh lẫn các Linh mục đã chịu chức.

Chỉ Nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục năm 1994 của Bộ Giáo sĩ khẳng định: “Xác tín vào những động cơ thần học và mục vụ sâu xa làm cơ sở cho mối tương quan giữa sự độc thân và chức linh mục, được soi sáng bằng chứng tá còn giá trị ngày hôm nay của rất nhiều cuộc đời linh mục vững mạnh về mặt thiêng liêng và Phúc Âm, mặc dầu xảy ra nhiều trường hợp đau thương, Giáo Hội đã tái xác nhận, qua Công đồng Vatican II và giáo huấn của các Giáo hoàng về sau, ‘ý muốn mãnh liệt duy trì luật đòi buộc tình trạng độc thân vĩnh viễn tự do chọn lựa cho các ứng viên linh mục theo nghi lễ Latinh’ [9], xác tín rằng đó là ân huệ mang lại thiện ích cho Giáo Hội và thế giới.” [10]

Và mới đây nhất, trong bài diễn văn khai mạc Công Nghị Giáo Phận Rôma ngày 26/5/2009 “Mọi thành viên Giáo Hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ” , ĐTC Biển Đức XVI khẳng định ”không hề có gián đoạn hay đối lập giữa Giáo Hội trước và Giáo Hội sau Công đồng Vatican II.” [11]

2. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về ý nghĩa và bản chất của bậc độc thân linh mục

Đặc sủng sống độc thân thánh hiến giả thiết linh mục phải có một dấn thân dứt khoát dõi theo một đời sống tự chủ bản thân và khiết tịnh. Từ thời các tông đồ, Giáo Hội đã muốn bảo tồn ơn tiết dục vĩnh viễn của giáo sĩ và hướng về giải pháp chọn ứng viên chức thánh nơi những người độc thân (x. 2 Th 2,15; 1 Cor 7,5; Tt 1,6-8). [12] Sự dấn thân được lựa chọn cách tự do và quảng đại là lời đáp trả hồng ân quảng đại của Thiên Chúa. [13] Vậy độc thân linh mục được ghi tạc ngay tại nội tâm của một tương quan đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa và mỗi linh mục.

Qua việc cho đi chính đời sống mình được diễn tả bằng cách chọn đời sống độc thân, linh mục càng ngày càng sống cho Thiên Chúa và tha nhân hơn, qua sự lột bỏ liên lỉ, một sự “tự hủy” (Ph 2,7), làm cho mình “nhỏ bé đi để cho Chúa lớn lên” (Ga 3,30) và góp phần vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và của từng người trong anh chị em mình.

Độc thân linh mục không thể tách rời khỏi toàn bộ đời sống kitô “không còn là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,19-20), trong đó linh mục cố gắng nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Mục Tử “ban sự sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Chính trong khung cảnh đó mà sự tự do của linh mục không ngừng được củng cố trưởng thành bản thân sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ dân Ngài. Vị linh mục chấp nhận tình trạng sống ấy sẽ gặp được kho báu hàm chứa việc “mang trong thân xác sự chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Ngài cũng được bày tỏ trong thân xác mình” (2 Co 4,10), hầu học biết ban phát sự sống mình cho đoàn dân được trao phó cho mình, nhờ đó được thúc đẩy loan báo Tin Mừng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2).

Mỗi thời đại diễn tả đức tin và thực hành của Giáo Hội trong trạng huống văn hóa riêng của mình, tùy theo mức độ được đâm rễ chắc chắn trong Truyền Thống mà chúng ta sống nhờ đó. Giáo huấn của Giáo Hội cung cấp cho chúng ta những căn bản cần thiết để suy nghĩ và định hình lời trả đáp của chúng ta đối với hồng ân của Thiên Chúa trong bậc độc thân thánh hiến.

Cuộc sống độc thân khiết tịnh tự bản chất là liên hệ, liên hệ với Thiên Chúa, liên hệ với con người và thế giới. Nó định phẩm cho căn tính của linh mục là một con người của liên hệ. Nó tăng cường những liên hệ của linh mục với Giám Mục và với linh mục đoàn của giáo phận mình. Nó mời gọi linh mục nhận rõ sự bổ túc của mình với các bậc sống khác và những mối liên hệ mình phải duy trì với họ. Nó cũng cho phép linh mục thiết lập các liên hệ nhân bản, kể cả các liên hệ bạn hữu chân chính với người nam lẫn người nữ.

Chúng ta lưu ý những điểm giáo huấn nổi bật này của Giáo Hội[14]:

Sống độc thân thánh hiến là một cách thức yêu mến và hiện hữu với tha nhân. Nó khai mở một cuộc sống không tự đóng kín nơi chính mình, nhưng khai sáng những liên hệ và đời sống cộng đồng, tôn trọng phẩm giá những người mình gặp gỡ, kêu gọi mọi người cùng nhau tìm kiếm sự thánh thiện và làm cho Nước Chúa ngự đến.

Sống độc thân khiết tịnh hệ tại sự dấn thân tất cả cuộc đời: Nhờ bí tích Truyền Chức, lời hứa sống độc thân thánh hiến đâm rễ sâu xa vào chính thực thể của linh mục và phải được nhắc lại trong suốt chiều dài của đời sống linh mục, đặc biệt trong ngày lễ Truyền Dầu.

Đời sống độc thân thánh hiến của linh mục tìm được tất cả ý nghĩa của nó trong liên hệ với các lời khấn khác, được diễn tả ra hay hiểu ngầm trong các nghi thức truyền chức. Nó mang dấu ấn của một cuộc sống giản dị và hướng tới một đời sống cầu nguyện chuyên cần, vì đây là một hồng ân phải nhận lãnh và làm mới lại không ngừng, khuôn mình cách mật thiết với những mầu nhiệm mà linh mục cử hành.

Đời sống độc thân thánh hiến giả thiết một khổ hạnh, dù ngày nay ít được nhấn mạnh, nhưng vẫn là thiết yếu. Sự thận trọng, dè dặt, tỉnh thức, từ bỏ, chấp nhận mọi thánh giá trong suốt cả đời sống, và những yếu tố khác cùng loại, làm thành bấy nhiêu phương diện của một quan niệm toàn vẹn về cuộc sống độc thân khiết tịnh. [15]

Chọn lựa sống độc thân thánh hiến là trao hiến đời sống mình để nhắm tới một sự phong phú đặc biệt. [16] Linh mục đã chọn sống độc thân thánh hiến phải có một quan niệm lành mạnh về tình phụ tử và danh hiệu “cha” mà những người được trao phó thường gọi mình. Đời sống của ngài phải hoàn toàn quy hướng về sự tăng trưởng của họ trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Thánh Kinh cung cấp rất nhiều phương sách để suy tư và cầu nguyện, hầu hiểu được căn bản Phúc âm của bậc độc thân thánh hiến: kỷ luật của Giáo Hội Roma không chỉ thuộc về sự gắn bó với truyền thống lâu đời không hề xa lạ với Thánh Kinh, mà còn mặc lấy một hình thức bắt buộc, cho dù một hình thức như vậy không được đặt định trong Tân Ước. Nhưng bằng nhiều cách, Tân Ước vẫn làm vang lên lời mời gọi vào bậc độc thân thánh hiến.

Đời sống độc thân hiến thánh của linh mục cũng phải tựa trên nền tảng thần học nghiêm chỉnh và sâu xa, cho phép chủng sinh và linh mục hiểu rõ ý nghĩa Kitô học, Giáo hội học, Thánh Kinh học, ý nghĩa hôn ước và tông đồ của bậc sống họ, cả trong thời gian đào tạo khởi đầu cũng như trong thời gian thi hành sứ vụ và thường huấn, đào sâu tính “thích hợp” của bậc độc thân với chức vụ linh mục mà sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục nói đến.

Ngoài ra còn phải lưu ý đến tầm quan trọng của cộng đồng giáo dục như là yếu tố căn bản của việc đào tạo khởi đầu về đời sống độc thân thánh hiến, nhờ sự phân định và quân bình giữa những thời gian trao đổi và những thời gian trầm mặc, những chia sẻ giữa chủng sinh và nhà đào tạo. Nhưng đừng quên vai trò của các cộng đồng khác, là những cộng đồng tự nhiên như gia đình, hoặc cộng đồng Giáo hội như các xứ đạo.

Nhưng bậc độc thân thánh hiến phải là một chọn lựa tự do dấn thân được Giáo Hội chuẩn nhận, chứ không phải là một gánh nặng áp đặt từ bên ngoài. Và như thế, kỷ luật độc thân trở nên như một sự che chở bảo vệ và một gánh nhẹ nhàng cho linh mục.[17]

3. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về mối hiệp thông phẩm trật

Toàn thể Giáo Hội thông phần vào chức tư tế cộng đồng của Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần. Hiệp thông với Chúa Kitô như là đầu của thân thể, chức tư tế thừa tác được trao ban cho các tông đồ trước tiên, tiếp đến được hiện hữu nơi các người kế vị là các Giám mục, rồi qua việc đặt tay truyền chức, các Giám mục thông truyền cho linh mục một phần chức linh mục trọn vẹn của mình.[18]

Sắc lệnh Chức Vụ và Đới Sống Linh Mục viết: “Chúa Kitô đã sai các tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ vụ của chính mình Người. Tác vụ này của giám mục cũng được trao cho linh mục ở cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng sự viên của hàng giám mục, chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ do Chúa Kitô trao phó.” [19]

Như thế, nhờ việc thánh hiến, linh mục được trao ban quyền bính thiêng liêng, thông phần vào quyền bính mà Chúa Kitô điều khiển Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là linh mục được thông hiệp cách riêng biệt và đặc thù với Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thế, bản chất và sứ vụ linh mục không thể được xác định nếu không có những tương quan bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, được kéo dài trong sự hiệp thông của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại. [20]

Đời sống và sứ vụ của linh mục là sự tiếp nối đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô. Căn tính linh mục liên quan thiết yếu với tình thương cứu độ của Chúa Cha, với sự tuyển chọn và kêu gọi đích danh của Chúa Kitô, và với ân huệ thông ban sự sống của Chúa Thánh Thần, nhờ đó linh mục tìm được sức mạnh hướng dẫn cộng đoàn đã được trao phó cho mình và gìn giữ cộng đoàn ấy trong sự hiệp nhất như Chúa muốn. [21]

Là thành phần tư tế thừa tác của Giáo Hội, Thân Thể và Hiền Thê của Chúa Kitô, Giám mục tham dự vào hôn ước của Chúa Kitô, được biểu thị qua nghi thức trao nhẫn trong lễ tấn phong Giám mục [22]. Cũng thế, được thông phần vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô ở cấp độ thấp, linh mục cũng thông phần một cách nào đó vào chiều kích hôn ước đối với Giáo Hội, nên phải hết lòng yêu mến Giáo Hội bằng cách cống hiến mọi năng lực và tự hiến trong đức ái mục tử đến độ hy sinh chính cuộc sống mình mỗi ngày cho đoàn chiên được trao phó. [23]

Do bí tích truyền chức và thừa tác vụ lãnh nhận, linh mục liên kết và hiệp thông phẩm trật với Giám mục đoàn phục vụ toàn thể Giáo Hội, nên chức linh mục cũng có tính cách phổ quát, và dù nhập tịch ở một Giáo Hội địa phương, linh mục phải có con tim và não trạng thừa sai, luôn rộng mở cho mọi như cầu của Giáo Hội và thế giới. [24]

Linh mục phải luôn sống trong sự hiệp thông phẩm trật này: “Không có thừa tác vụ linh mục ở ngoài sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn, đặc biệt với Giám mục giáo phận, trong lòng tôn kính như con thảo và sự tuân phục đã hứa khi thụ phong.” [25] Sự hiệp thông được diễn tả và củng cố qua cử hành Thánh Thể, nhất là thánh lễ đồng tế do Giám mục chủ sự với linh mục đoàn; cũng như qua sự hiệp nhất phẩm trật trong việc thi hành thừa tác vụ mục vụ: [26] Linh mục không làm gì mà không có Giám mục, nhưng ngày nay nhấn mạnh nhiều về nguyên lý bổ trợ (subsidiary principle). [27]

Mối hiệp thông của linh mục đoàn được thiết lập bởi đức ái tông đồ, thừa tác vụ và tình huynh đệ bí tích, diễn tả bằng việc đặt tay của linh mục đoàn trong nghi lễ truyền chức và việc nhập tịch/nhập vụ vào một Giáo hội địa phương. [28]
Linh mục còn sống hiệp thông với giáo dân, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, nỗ lực khơi dậy và phát triển sự đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mạng cứu độ duy nhất của Giáo Hội. [29] Ngoài ra còn cố gắng tiếp tay với Chúa Thánh Thần để khơi dậy ơn gọi linh mục tiếp nối thừa tác vụ của mình. [30]

Giáo Hội là một cộng đoàn gồm những con người hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông này mang hai chiều kích: hiệp thông hướng nội và hiệp thông hướng ngoại. Hiệp thông hướng nội bao hàm sự hiệp nhất và bổ sung cho nhau ngay trong lòng Giáo Hội với ĐTC, với các Giám mục, các linh mục, những người sống đời thánh hiến và giáo dân để trở thành “Giáo Hội tham gia” , nghĩa là mọi người đều đảm nhận ơn gọi và vai trò riêng của mình trong lòng Giáo Hội. Hiệp thông hướng ngoại là sự hiệp thông của Giáo Hội với thế giới, với mọi người thuộc mọi tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Công cuộc đào tạo phải trang bị cho các linh mục tương lai một ý thức hiệp thông nhạy bén sâu sắc và một kinh nghiệm cá nhân sống động về việc xây dựng cộng đoàn, để họ biết cách hiệp thông với Giám mục, với Bề trên, với anh em linh mục đoàn, với các tu sĩ, với các cộng sự viên, với giáo dân trong giáo xứ, cả với những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác, hầu sống và làm việc trong hòa điệu và yêu thương, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm và vai trò khác nhau trong cộng đoàn.

II. TIẾN TRÌNH CÁC GIAI ĐOẠN LIÊN TỤC ĐÀO TẠO LINH MỤC

Tiến trình đào tạo linh mục qua các giai đoạn liên tục nhằm sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cho cả ứng sinh lẫn nhà đào tạo.

Trước hết nhà đào tạo phải theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã sống với các môn đệ liên tục không gián đoạn trong ba năm cuộc đời công khai cho đến khi chết trên thập giá. Ngài đã đồng hành cùng họ với tình yêu bao dung, nhẫn nại và săn sóc ân cần để họ được lớn lên trong đức tin và trưởng thành, thiêng liêng lẫn nhân bản. Ngài biết rõ mỗi người, những cá tính, những điểm mạnh và những điểm yếu của họ. Ngài nhẫn nhục chịu đựng những khuyết điểm, những bất toàn, những tham vọng trần tục, những bướng bỉnh, thiếu lòng tin và chậm hiểu các mầu nhiệm Nước Trời; và Ngài kiên trì chờ đợi Thánh Thần đến kiện toàn công cuộc đào tạo họ: “Thầy còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể hiểu. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ hướng dẫn anh em biết tất cả sự thật” (Ga 16,12-13). Chúa Giêsu cũng hằng cầu xin Chúa Cha giữ gìn bảo vệ các môn đệ: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi tay ác thần” (Ga 17,15).

Các giai đoạn đào tạo tuy khác nhau nhưng phải có sự liên tục tiệm tiến và tổng thể, ăn khớp mắt xích với nhau trong chiều hướng canh tân tìm kiếm một phương thức thể hiện mới để Giáo Hội hiện diện hữu hiệu trong hoạt động dưỡng giáo lẫn truyền giáo. Phương thức này đòi hỏi canh tân các giá trị, các tâm thức, các quan điểm, các mối quan hệ, cách suy nghĩ và hành động, lối sống và cách thi hành sứ vụ, nghĩa là một cuộc canh tân sâu sắc và toàn diện trong Giáo Hội.

Để thực hiện trọng trách dưỡng giáo và truyền giáo của mình trong thời đại mới, linh mục hôm nay phải được đào tạo hiệp thông với truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội, được coi như một đòi hỏi bức thiết của thời buổi hiện nay. Công cuộc đào tạo này là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, và được Giáo Hội ủy thác cách riêng cho các nhà đào tạo, từ giai đoạn Tiền Chủng viện, qua giai đoạn đào tạo khởi đầu trong Chủng viện, đến giai đoạn đào tạo thường xuyên diễn ra trong suốt cả cuộc đời mỗi linh mục, với những hình thức rất đa dạng và thích hợp cho từng hoàn cảnh và độ tuổi.

Việc đào tạo ngày nay được thực hiện với nhiều người và cho nhiều người, nhưng phải chú trọng đến sự hợp tác của từng cá nhân với từng hoàn cảnh cá biệt, nghĩa là phải được cá nhân hóa và nội tâm hóa, tức vừa được đào tạo vừa tự đào tạo, trong một tổng thể liên tục qua ba giai đoạn đào tạo và tự đào tạo tiền chủng viện, chủng viện và hậu chủng viện. [31]

1. Giai đoạn đào tạo tiền chủng viện

Người có trách nhiệm trước nhất và cao nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo linh mục là Giám Mục giáo phận. Nhưng đây cũng là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là các cha xứ (GL 233,1). Nhưng trong chiều kích “Giáo Hội tham gia”, Giám mục giáo phận ủy nhiệm cho một số nhà đào tạo đã được chuẩn bị kỷ lưỡng cộng tác với Ngài để đồng hành với các ứng sinh, tiệm tiến thẩm tra và giúp ứng sinh biện phân ý Chúa và thực thi ý Chúa, bảo đảm cho ứng sinh là anh được Thiên Chúa kêu gọi, mời gọi anh tham gia vào việc đào tạo chính anh bằng việc tự đào tạo chính mình, và sau cùng, chính việc Giám Mục gọi ứng sinh lên chịu chức linh mục xác nhận ơn gọi đích thực của Chúa đối với anh.

Bộ Giáo dục Công giáo yêu cầu “trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập chủng viện, cần lưu tâm trước nhất việc đào tạo thiêng liêng.” [32] Đào tạo toàn diện đòi hỏi ứng sinh phải có trưởng thành nhân cách, tri thức và thiêng liêng. Giai đoạn chuẩn bị này nên làm ở một nơi thích hợp ngoài chủng viện để đón nhận, nuôi dưỡng và vun trồng các ơn gọi, nhận định, đánh giá và tuyển chọn ứng sinh, căn cứ vào đời sống cầu nguyện, thực hành đức tin, sự phát triển nhân cách với các nhân đức như thành thật, trung tín, can đảm và trách nhiệm, trình độ văn hóa và khả năng tri thức, vì nếu lúc nào cũng phải đối phó với việc học thì việc đào tạo thiêng liêng và toàn diện sẽ bị giới hạn và không hiệu quả, [33] phải quan tâm đến thái độ của ứng sinh đối với giới tính và khả năng sống độc thân thánh hiến, [34] đồng thời phải xem ứng sinh có ngăn trở Giáo luật nào không (x. GL 1024-1052).

Ứng sinh cũng cần có một cam kết khởi đầu về ý ngay lành và tính trung thực của việc theo đuổi ơn gọi, liên quan đến bối cảnh gia đình “xét như chủng viện đầu tiên,” [35] những điều kiện bên ngoài, những điều kiện tự nhiên và những điều kiện thiêng liêng. Ứng sinh cũng được yêu cầu trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát và trắc nghiệm tâm lý; lãnh vực đời sống tình cảm cũng cần được khảo sát và chữa lành hầu đạt được sự ổn định cần thiết cho đời sống linh mục mai ngày; những gánh nặng nội tâm cần được tháo gỡ và giải quyết nhờ sự trợ giúp của vị linh hướng (GL 220; 239,2; 240,2; 246,4). [36]

Tóm lại, việc chuẩn bị các ứng sinh thích hợp là nhiệm vụ hàng đầu của cộng đoàn Giáo phận, mà trên hết là của Giám Mục Bản Quyền và những người Ngài tin tưởng ủy thác cho công cuộc tối quan trọng này. Sự chuẩn bị nhắm đến việc tiếp nhận các ứng sinh vào chủng viện, qua việc phân định, nhận xét, đánh giá, tuyển chọn và khai tâm họ đi vào sự cam kết khởi đầu tiến trình tự biến đổi và cam kết với sứ vụ (GL 241). Việc đào tạo ở chủng viện tùy thuộc vào phẩm chất của các ứng sinh đã được nhận vào.

2. Giai đoạn đào tạo khởi đầu ở chủng viện

Có thể nói đây là giai đoạn đào tạo ứng sinh trở thành linh mục, nói cách khác là giai đoạn ứng sinh học làm linh mục. Đây là giai đoạn đào tạo và tự đào tạo toàn diện với bốn chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, diễn ra trong một chu kỳ 8 năm:

- Một năm Tu đức
- Hai năm Triết học
- Hai năm Thần Học 1 & 2
- Năm Thực tập Mục vụ
- Hai năm Thần học 3 & 4

Việc đào tạo và tự đào tạo ở Chủng viện nhằm đến con người toàn diện và làm cho người linh mục tương lai có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản, trưởng thành trong đời sống kitô giáo và trưởng thành trong đời sống linh mục. Vì thế, chủng sinh phải được đào luyện với một trình độ và khả năng tri thức đầy đủ, nền tảng thần học kiên vững, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế, đức vâng lời đích thực và trưởng thành, tinh thần sống giản dị theo Phúc âm và khiết tịnh vì Nước Trời.

Chủng sinh cũng phải học và thực hành những nhân đức nhân bản và xã hội vốn được dân chúng ngưỡng vọng và đức ái đòi hỏi, chẳng hạn: lòng thành thật, ý niệm về đức công bằng, trung thành giữ lời hứa, lịch thiệp và tín cẩn, tinh thần phục vụ và dấn thân, khả năng làm việc chung, có trách nhiệm, v.v…

Trong khi cố gắng trang bị kiến thức, ngày nay phải nhấn mạnh hơn đến sự tương tác giữa việc đào tạo nhân bản và đào tạo thiêng liêng. Việc đào tạo nhân bản cho ứng sinh được bắt đầu với sự trợ giúp của gia đình và xứ đạo trước khi anh vào Chủng viện. Việc đào tạo nhân bản không chỉ đem lại lợi ích cho ứng sinh trong thời gian học tại chủng viện mà còn có một ảnh hưởng sâu xa đến sứ vụ tương lai của anh nữa. Nó tùy thuộc phần lớn vào sự trưởng thành, sự quân bình tâm lý và sức mạnh ý chí của ứng sinh. Vì thế, việc đào tạo nhân bản luôn phải hòa quyện với đào tạo thiêng liêng. Những trách cứ mà người thời nay than phiền ở linh mục, nhất là các linh mục trẻ, có nguyên nhân là sự thiếu cân đối trong việc đào tạo nhân bản, đào tạo thiêng liêng và thiếu đời sống nội tâm siêu nhiên.

Chính vì thế, hầu hết các Đại Chủng Viện điều chỉnh lại chương trình đào tạo, nâng đào tạo thiêng liêng lên tầm cao mới: Môn Tu Đức được dạy trãi dài cho mọi lớp cho đến khi ra trường, chứ không phải một hai năm khi mới vào Chủng viện như trước đây. Việc đào tạo thiêng liêng cho các linh mục tương lai sẽ hữu hiệu và đáp ứng đúng lòng mong đợi của Hội Thánh và thế giới, nếu nó được thực hiện trong viễn ảnh của Giáo Hội học của Công Đồng Vatican II, của Truyền giáo, của Cộng tác với Giáo dân, của Truyền Thông và Đối Thoại.

Trong tiến trình đào tạo này, việc linh hướng chiếm một chỗ rất quan trọng (GL 240,2). Việc linh hướng nhằm giúp chủng sinh kinh nghiệm về Chúa và sự hiện diện của Ngài, khám phá ra đường lối Chúa kêu gọi và đáp lại với tự do nội tâm, dấn thân đi theo và sống tương quan thân mật với Chúa, nhận rõ trách nhiệm của mình và phát triển nó dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện là yếu tố quan trọng nhất của đời sống thiêng liêng, được nuôi dưỡng và thăng tiến nhờ sự thinh lặng bên trong cũng như bên ngoài, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Các chủng sinh được khích lệ áp dụng những cách cầu nguyện theo kiểu Á Châu, chẳng hạn như cầu nguyện tập trung và cầu nguyện thân thể. Tập cho họ chủ tọa và hướng dẫn các buổi cầu nguyện chung của cộng đoàn chủng viện là cách tốt nhất để họ trở thành người hướng dẫn cầu nguyện cho đoàn chiên tương lai.

Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm làm phong phú và nuôi dưỡng đời sống và sứ vụ linh mục. Do đó, các ứng sinh không chỉ học triết học, thần học, các khoa học xã hội và nhân văn, nhưng họ cũng cần được các nhà đào tạo giúp biết cầu nguyện và chiêm ngắm ở trong và qua các đòi hỏi kiến thức hàn lâm này.

Tương tác giữa toà trong và toà ngoài bảo đảm tự do nội tâm cho chủng sinh. Trong việc đào tạo thiêng liêng, một công việc vừa nhân loại vừa thần linh, Chúa Thánh Thần luôn giữ vai trò cốt yếu và Đức Giêsu Nadarét là mẫu gương tối cao của mọi nhà đào tạo, vốn là những dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Các tác nhân đào tạo khác là hội đồng chủng viện, cộng đoàn giáo dục, môi trường thực tập mục vụ, và nhóm nhỏ các bạn đồng môn. Nhưng tác nhân không thể thay thế được là chính chủng sinh, vì nếu không có tự đào tạo thì việc đào tạo sẽ mất hết hiệu quả mong đợi của nó. Việc lượng giá của chủng viện và tự đánh giá của ứng sinh là bắt buộc và phải đi đôi với nhau trong suốt tiến trình đào tạo và tự đào tạo, đặc biệt là trong thời gian giới thiệu ứng sinh lên chịu chức linh mục.

3. Môi trường thực tập mục vụ và việc đào tạo ứng sinh linh mục

Môi trường thực tập mục vụ là cần thiết và lý tưởng để mở rộng việc tự đào tạo của chủng sinh, cũng như việc đào tạo linh mục của Hội Thánh. Trong suốt thời gian này, chủng sinh tham gia vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Các cha xứ có cơ hội để biết, làm việc với các chủng sinh và trở nên một phần trong việc đào tạo chủng sinh, mà một ngày kia họ sẽ hội nhập với các ngài trong sứ vụ linh mục. Vai trò và sự đóng góp của cha xứ rất quan trọng trong việc đào tạo ứng sinh. Môi trường thực tập mục vụ này sẽ cung ứng cho chủng sinh nhiều cơ hội thuận lợi để anh:

• được kinh nghiệm và tham dự vào sứ vụ giáo xứ;
• phát triển đời sống cầu nguyện của anh ngay trong bối cảnh đời sống giáo xứ, vì đó sẽ là cuộc sống thực sự của anh sau này;
• học hỏi với cha xứ mà anh đang sống với ngài như người tập sự;
• được làm quen với nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận;
• đem những gì đã học trong chủng viện vào hành động, trong những hoàn cảnh thực tế;
• kinh nghiệm được cuộc sống nhà xứ.
• Sự hiện diện hữu hình của các chủng sinh ở trong giáo xứ sẽ thăng tiến việc phát triển các ơn gọi;
• Qua việc phục vụ và cộng tác với giáo dân, chủng sinh có thể học được nơi họ rất nhiều điều, là một chuẩn bị tuyệt vời cho sứ vụ của anh sau này.”

4. Giai đoạn đào tạo thường xuyên (hậu chủng viện)

a. Yêu sách của Huấn quyền về đào tạo thường xuyên

Các thẩm quyền Giáo Hội rất đặt nặng việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên này, chẳng hạn:

Sứ Vụ và Đời sống Linh Mục dành trọn chương III, số 69-92, để nói về việc đào tạo thường xuyên này như “một bổn phận và quyền lợi chính đáng của linh mục…. và của Hội Thánh” , phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng,” [37] mà “không ai có thể thay thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình” (x. 1 Tm 4, 16). [38]

Trong khi đó Tông Huấn Pastores Dabo Vobis cũng dành trọn chương VI, số 70-82, để nói về việc đào tạo thường xuyên này của linh mục, như “sự tiếp tục tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ trong chủng viện.” [39]

Còn Optatam Totius khuyến cáo rằng “việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện.” [40]

Ngoài ra, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100-101 mô tả việc đào tạo hậu chủng viện, “cách riêng trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức …. để các linh mục mới ra trường có thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ. [41]
Và Tông Huấn Ecclesia in Asia mở ra một hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Đức Kitô, các Giám mục và linh mục cần một đào tạo chắc chắn và thường xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả dĩ cho một cuộc canh tân thiêng liêng và mục vụ” [42]

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu.” [43]

Chỉ Nam Cho Thừa tác vụ và Đời sống linh mục 1994 của Bộ Giáo sĩ dành cả chương III để bàn về việc huấn luyện thường xuyên các linh mục, trong mọi phương diện tuổi tác, khả năng, hoàn cảnh sống và phận vụ mục vụ. [44]

b. Những năm đầu đời linh mục

Đây là giai đoạn cho người mới chịu chức linh mục dần dần đi vào đời sống linh mục thực sự, hay nói cách khác là sống linh mục: Càng sống đời linh mục càng trở nên linh mục hơn.

Việc chịu chức linh mục khép lại giai đoạn được đào tạo và tự đào tạo ở chủng viện, nhưng lại mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đào tạo và tự đào tạo thường xuyên kéo dài suốt đời của linh mục: “Việc huấn luyện không bao giờ được xem như chấm dứt, cả về phía Giáo Hội trao ban lẫn về phía thừa tác viên nhận lãnh.” [45] Các linh mục trẻ tự trắc nghiệm mình giữa cái học có tính cách lý thuyết hàn lâm và sự thực hành trong các thực tại của đời sống sứ vụ của họ. [46]

Giai đoạn đào tạo và tự đào tạo này nhằm mục đích giúp các linh mục trẻ chu toàn cách trung thành và vui tươi sứ vụ của họ trong những hoàn cảnh khác nhau, chấp nhận và vượt thắng những chiến đấu và cám dỗ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Những mối tương quan tốt lành, hài hoà, quân bình và trưởng thành được điều chỉnh và thăng tiến mỗi ngày, với chính mình, với thiên nhiên, với tha nhân, nhất là với những người khác phái, là những phương tiện nhân loại. Tương quan thân mật với Thiên Chúa, sự trung thành với cam kết của mình khi chịu chức, với đời sống cầu nguyện và với sứ vụ, lòng tôn sùng kiên trì và nhiệt thành với Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh giá và Mẹ Maria là những phương tiện siêu nhiên. Những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên này sẽ thực sự bảo đảm cho sự thành công và lòng trung thành của họ.

Các linh mục trẻ sẽ thi hành sứ vụ trong một thế giới đang thay đổi của nền văn minh khoa học kỹ thuật, của chủ nghĩa tục hoá và hưởng thụ, của thần học giải phóng, của việc đề cao phẩm giá phụ nữ. Vì thế, việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên phải được nhấn mạnh và thực hành nhiều hơn; nó sẽ giúp họ được trưởng thành trong suy nghĩ, trong việc tự mình quyết định và hành động, cũng như trong mọi lãnh vực đời sống. Họ cũng phải làm việc trong sự hợp tác với mọi người trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Vì thế, họ cần được đào tạo thích hợp và phải tự mình điều chỉnh và thăng tiến các mối tương quan hài hoà, quân bình và trưởng thành với Thiên Chúa, với chính mình, với thiên nhiên và với người khác, nam cũng như nữ, giáo dân hay tu sĩ.

Do đó, “việc huấn luyện này phải bao gồm và hòa hợp mọi khía cạnh, nghĩa là nó phải nhằm giúp linh mục phát triển nhân cách con người đã chín mùi trong tinh thần phục vụ kẻ khác, dầu đang nắm chức vụ gì; giúp linh mục được đào tạo về mặt trí thức, cả trong các khoa học tự nhiên lẫn trong các khoa học nhân văn, trong mức độ liên quan đến thừa tác vụ của mình, ngõ hầu linh mục chu toàn phận vụ làm chứng đức tin một cách hữu hiệu hơn; giúp linh mục có được một đời sống thiêng liêng sâu xa, được nuôi dưỡng bằng tình thân mật với Đức Giêsu Kitô và bằng tình yêu Giáo Hội; giúp linh mục chu toàn thừa tác vụ mục vụ với nhiệt tình và nhiệt tâm.” [47]

Các đề tài bàn luận như Thần học cơ bản, Tín lý, Luân lý, Thánh Kinh, Phụng vụ, Giáo luật, Đại kết... không được mang tính tranh luận, thuần túy lý thuyết hoặc thông tin, nhưng phải khuyến khích một sự huấn luyện đích thực, nghĩa là khuyến khích cầu nguyện, hiệp thông và làm việc mục vụ... liệu sao cho các văn kiện của huấn quyền được đào sâu chung với nhau dưới sự hướng dẫn của một nhân vật có thẩm quyền, để đưa tới sự thống nhất giải thích và thống nhất chương trình hành động mục vụ trong giáo phận. [48]

c. Những năm về sau cao tuổi cuộc đời linh mục

Các linh mục sau nhiều năm thi hành thừa tác vụ cần được khuyến khích, đề cao giá trị vai trò và đào sâu hơn việc huấn luyện mình trong mọi chiều kích để duyệt xét lại chính mình và công việc mình làm, hầu làm sống dậy các động lực của thừa tác vụ thánh... Các vị nầy cần đến sự hiệp thông linh mục và tình bạn của Giám mục để lướt thắng những kinh nghiệm mệt mỏi, thất vọng, cô đơn... hầu tìm lại được những nguồn mạch sâu thẳm của linh đạo linh mục. [49]

Các linh mục cao niên tìm “xác nhận lại một cách thư thái và ôn hòa vai trò mà các ngài còn được mời gọi nắm giữ trong linh mục đoàn... để tự thấy mình còn hữu dụng như làm cha giải tội kinh nghiệm, linh hướng, chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ, đón tiếp, lắng nghe và trấn tĩnh anh em đồng sự. [50]

Các linh mục ở vào một hoàn cảnh suy yếu thể lý hay mệt mỏi tinh thần, cô đơn, thất vọng cần được khích lệ tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách bình thản và can trường, nêu chứng từ ghi dấu thánh giá, cam chịu trong hy vọng và niềm vui Vượt Qua (x. Col 1,24). [51] Trách nhiệm của Giám mục và linh mục đoàn là phải tránh sự cô đơn nảy sinh do sự chểnh mảng tình hiệp thông linh mục đối với các anh em đó. [52]

Ước gì để việc cử hành Năm Linh Mục mang lại hiệu quả lâu dài trong cả hai chiều kích dưỡng giáo và truyền giáo, trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam tổ chức Năm Thánh Công Nghị 2010 kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Giáo phận Bùi Chu chúng ta có thể tiến đến tổ chức một “Công nghị giáo phận”, noi gương ĐTC đã làm cho giáo phận Rôma của ngài ngày 26-29/5/2009 với đề tài “Mọi thành viên Giáo Hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ” [53]

KẾT LUẬN

Cuối cùng, chúng ta hãy nhấn mạnh việc tôn thờ bí tích Thánh Thể, trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, cũng là trung tâm linh đạo của linh mục, cùng với việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria trong việc đào tạo và sống sứ vụ linh mục. Mẹ đã giáo hóa Chúa Giêsu Hài Đồng và đã dẫn dắt Ngài đến tuổi trưởng thành nhân bản, thì hôm nay Mẹ cũng luôn hiện diện trong việc đào tạo linh mục, khởi đầu và thường xuyên, đặc biệt trong việc sống sứ vụ linh mục độc thân khiết tịnh.

Mẹ đã hiến dâng bản thân đồng trinh khiết tịnh cho Chúa một cách đặc biệt. Sự hiến dâng của Mẹ không thể tách rời khỏi sứ mệnh duy nhất của Mẹ trong lịch sử cứu độ là ban Con Mẹ cho thế giới. Mẹ hướng chúng ta tới sự hiểu biết về bậc độc thân như là sự hiến dâng bản thân để mở thế giới này ra cho Chúa Kitô ngự đến. Việc truyền chức hiến dâng linh mục cho Chúa Kitô để họ được sai đi loan báo Phúc âm trong thế giới. Sự chọn lựa bậc độc thân diễn ra trong định hướng đồng hình dạng với Chúa Kitô cả trong cách sống riêng tư sâu kín nhất của Ngài. Do đó, dù không tuyệt đối phải liên kết với chức vụ linh mục, bậc độc thân vẫn có một sự thích hợp đặc biệt với chức vụ này, mà Mẹ là một trợ lực quý báu để đưa dẫn chúng ta trên đường bắt chước Con Mẹ.

Để kết thúc phần trình bày này, con xin mượn nhận định lạc quan, hy vọng và đầy an ủi của ĐHY Claudio Hummes, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ: “một số rất nhỏ các linh mục thỉnh thoảng bị lôi vào những vấn nạn nghiêm trọng và những tình huống tội phạm cần phải phân xử và ra hình phạt, nhưng đa số áp đảo các linh mục là những người rất xứng đáng, toàn tâm toàn ý cho thừa tác vụ linh mục, những người chuyên tâm cầu nguyện và làm việc bác ái mục vụ, đặt cả cuộc đời vào việc thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của họ”...“Trong suốt Năm Linh Mục này (năm cầu nguyện của linh mục, với linh mục và cho linh mục), Giáo Hội muốn nói trước hết với các linh mục, nhưng cũng cả với mọi kitô hữu, với xã hội trần thế, qua các phương tiện truyền thông thế giới rằng Giáo Hội hãnh diện biết bao về các linh mục của Giáo Hội; Giáo Hội yêu mến, tôn kính, ngưỡng mộ họ dường nào và nhìn nhận với lòng tri ân công tác mục vụ của họ và cuộc đời chứng nhân của họ.”

Con xin hết lòng cám ơn Đức Cha, Cha Chính, Quí Cha Quản Hạt, Quý Cha Cố, Quý Cha và Quý Thầy đã chịu khó nghe con trình bày. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến hoàn thánh tốt đẹp những gì Ngài đã thương khởi sự với chúng ta và cho chúng ta hôm nay. Con xin mời cộng đoàn thư giản một chút với slideshow BÀI HỌC QUÉT LÁ.

BÀI HỌC QUÉT LÁ

Thơ: Diệu Nhân - Nhạc: Võ Tá Hân – Ca sĩ: Xuân Phú

Vâng lời Thầy, con đi quét lá, lá vàng rơi lả tả khắp nơi. Lá khô rơi như kiếp một con người, giờ phút cuối là về cùng cát bụi. Con vừa quét sạch một gốc cây, quay trở lại đã thấy đầy rơi rụng. Con hỏi nếu như gió đừng rung động thì lá kia hẳn còn trên cành. Một kiếp người cũn thế, quá mong manh, một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa. Thầy đã cho con bài học quét lá thâm sâu như một triết lý không cùng. Con ra về lòng luống những bâng khuâng: Lá và con cũng trong vòng sinh diệt. Lá vừa sinh đã có mầm huỷ diệt, con vừa sinh đã hẹn có ngày đi.

Suy tư: Có ai biết chốc lát nữa mình sẽ chết mà còn ham hố những sự đời này, còn gieo rắc bất công hận thù, còn ghen ghét tranh chấp hơn thua, mà không trái lại, an hòa với mọi người, tôn trọng lương tâm kẻ khác, giao phó cho lòng nhân từ của Chúa lời phẩm bình cuối cùng và sự xét đoán chung thẩm, nỗ lực chuẩn bị tâm hồn để ra đi trong bình an về với Chúa?

Một làn gió có sức mạnh gì đâu, mà lá rơi không thể nào cưỡng lại? Hơi thở con cũng giống như làn gió ấy, nếu không về thì con sẽ đi đâu? Đã lâu rồi vẫn lặn hụp chìm sâu trong mê mải con đi tìm sự nghiệp: Con vẫn mơ có một căn nhà rộng đẹp, con vẫn mơ con cái học thành tài. Con vẫn mong, vẫn đợi một ngày mai lũ con cháu trở nên người thành đạt. Con vẫn chưa có gì cho con hết làm hành trang khi cất bước lên đường. Tạ ơn Thầy đã cho con chút tư lương, là bài học quét lá vàng rơi rụng. Lá và con cũng có cùng số phận: đi về đâu do con chọn lấy con đường. Tạ ơn Thầy đã cho con chút tư lương, là bài học quét lá vàng rơi rụng. Lá và con cũng có cùng số phận: đi về đâu do con chọn lấy con đường. ĐI VỀ ĐÂU, DO CON CHỌN LẤY CON ĐƯỜNG!

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Người thời đại nghi ngờ đức khiết tịnh và cho là không thể. Chúng ta cũng nhìn nhận những chiến đấu cam go của phận người. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi kitô hữu, mọi Giám mục, mọi linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa.” [54] Vậy chúng ta sử dụng các phương thế tự nhiên và siêu nhiên như thế nào để đứng vững trong các mối quan hệ khác giới, kể cả với các nữ tu? [55]

2. ĐHY Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ viết: “Cũng thật buồn là có một số linh mục đôi khi đã bị dính líu vào những vấn đề nghiêm trọng và những hoàn cảnh phạm tội. Cần phải tiếp tục điều tra những vấn đề này, xét xử họ và phạt họ như cần phải.” [56] Chúng ta cần lưu ý đặc biệt tránh khỏi ba trường hợp tội với vạ tiền kết dành riêng cho ĐGH: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm (x. GL.1048; 220). [57]

3. Chỉ Nam Linh Mục 1994 số 32 ghi: “Một đòi hỏi không thể lẫn tránh của đức ái mục vụ là mỗi linh mục tiếp tay với ơn Chúa Thánh Thần, quan tâm khơi dậy ít nhất một ơn gọi linh mục để có thể tiếp nối thừa tác vụ của mình.” Chúng ta đang làm gì và sẽ làm gì để tích cực tham gia vào công cuộc mở Đại Chủng viện Bùi Chu (GL 237,1; 242,2) và đào tạo các ơn gọi linh mục Giáo phận cần, để ước nguyện và nỗ lực của Đức Cha sớm được thực hiện?

4. Giáo Hội dạy rằng thường huấn là một quyền lợi và bổn phận của anh em linh mục chúng ta. Vậy chúng ta sẽ có thể làm gì để triển khai và phát huy quyền lợi và bổn phận đó giữa các độ tuổi của chúng ta: nhóm linh mục trẻ, nhóm linh mục trung niên, nhóm linh mục cao tuổi, nhóm linh mục già nghỉ hưu?

5. Thư Chủ tịch Bộ Giáo sĩ [58] viết: “(Năm Linh Mục) còn phải là một năm trong đó người ta chú ý đến những hoàn cảnh cụ thể và điều kiện vật chất mà các linh mục sống, đôi khi bị giảm thiểu thành những hoàn cảnh nghèo nàn khó khăn.” Chúng ta có thể làm gì để nâng đỡ nhau, nhất là khi ốm đau và hưu dưỡng? Phải chăng đã đến lúc thích hợp để nghĩ đến một “Qũy tương trợ linh mục giáo phận Bùi Chu” chúng ta?

LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Chú thích:
[1] Ga 17, 18-19.
[2] Trích thư của ĐHY Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Zenit.org ngày 23/5/2009.
[3] Trích thư của ĐHY Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Zenit.org ngày 23/5/2009.
[4] Các nước Á châu, và ngay cả tại Việt Nam, không phải là không có đâu, nhưng không bị bạch hóa ồn ào vì tâm thức dè dặt kín đáo và tế nhị của người mình thôi.
[5] Presbyterorum Ordinis, số 16.
[6] Sacerdotalis Coelibatus số 12.
[7] Pastores Dabo Vobis số 29.
[8] x. GL 277,1.
[9] PDV. 29; PO. 16; Sacerdotalis Coelibatus 14; GL 277,1.
[10] Chỉ Nam 1994 số 57.
[11] Zenit.org ngày 26/5/2009.
[12] Sđd. số 59.
[13] Bộ GDCG, Đường hướng giáo dục trong việc huấn luyện độc thân linh mục số 16.
[14] Hội Xuân Bích, Vì Nước Trời – Những khái niệm suy tư về việc đào tạo bậc độc thân linh mục số 27.
[15] x. Bộ Giáo dục Công giáo, Huấn luyện thiêng liêng trong các chủng viện II,3 “những khổ chế thiêng liêng”; Jean-Jacques OLIER, “Con đường nên thánh là con đường thập giá”.
[16] 1 Co 4, 14-15 về tình phụ tử của thánh Phaolô đối với các tín hữu.
[17] Chỉ Nam 1994 số 58.
[18] Pastores Dabo Vobis số 79.
[19] Presbyterorum Ordinis số 2.
[20] Pastores Dabo Vobis số 12.
[21] Chỉ Nam 1994 số 4-11; PO số 6
[22] Lumen Gentium số 28.
[23] Chỉ Nam 1994 số 13.
[24] Sđd. số 14-15.
[25] PDV. 28; LG. 28; PO 7,15; GL 245,2.
[26] Chỉ Nam 1994 số 22-24.
[27] Archbishop Celestino Migliore, Vatican 6/2/2009: “Luận lý của tình liên đới và nguyên lý bổ trợ là dụng cụ rất thích hợp để vượt lên mọi vấn đề và bảo đảm sự tham gia của mọi người cho công cuộc phát triển chung của cộng đồng”; JP II, Centesimus Annus, số 48: «Nếu tôn trọng nguyên lý bổ trợ, tổ chức cấp trên không được can thiệp vào cuộc sống nội bộ của tổ chức cấp dưới bằng cách lấy đi những khả năng chuyên môn của nó, đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết»
[28] Chỉ Nam 1994 số 25-29.
[29] Sđd. số 30-31; đề tài của Công nghị giáo phận Rôma 26-29/5/2009: Mọi thành viên Giáo hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ.”
[30] Sđd. số 32.
[31] Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, tr.188-315.
[32] Bộ GDCG, Đào tạo thiêng liêng trong các chủng viện tr.24.
[33] Calpotura, Nhật ký đào tạo tác vụ tr.9-10.
[34] Bộ GDCG, Chỉ dẫn việc huấn luyện độc thân linh mục tr.7-75.
[35] Optatam Totius số 2.
[36] FABC, 7th Plenary Assembly, Spiritual Direction.
[37] Presbyterorum Ordinis số 72 và 82.
[38] Sđd. số 87.
[39] Pastores Dabo Vobis số 71.
[40] Optatam Totius số 22.
[41] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100.
[42] Ecclesia in Asia số 43
[43] FABC 92e, Về đào tạo thường xuyên cho linh mục tại Á Châu.
[44] Chỉ Nam 1994 số 69-97.
[45] Chỉ Nam 1994 số 73.
[46] Sđd. số 93.
[47] Chỉ Nam 1994 số 74.
[48] Chỉ Nam 1994 số 77-78.
[49] Pastores Dabo Vobis số 77; Chỉ Nam 1994 số 94.
[50] Sđd. số 95.
[51] Chỉ Nam 1994 số 96-97.
[52] Sđd. số 97.
[53] Vatican Information Service ngày 26/5/2009.
[54] ĐHY Carlo Maria Martini, Thánh Phaolô đối diện với chính mình in Alleluiah 109.
[55] ĐTC Biển Đức hứa sẽ ra một Chỉ Nam cho các cha giải tội và linh hướng trong Năm Linh Mục này.
[56] Như trường hợp từ chức của ĐTGM Paulin Pomodimo Giáo Phận Bangui bên Trung Phi.
[57] Vatican giải thích Luật mới cho phép Giám mục được giải trừ tình trạng giáo sĩ của các Linh mục có những lỗi nghịch lại sứ mệnh Giáo Hội. CAN June 5, 2009.
[58] ĐHY Cláudio Hummes, Thư nhân Năm Linh Mục Zenit.org ngày 27/5/2009.