Bí Quyết Hình Thành Một Đấng Thánh: Thánh Gioan-Maria Vianney, Huyền Nhiệm Hồng Ân

Sơ lược về Tác Phẩm và Tác giả: Tác giả: Henri Ghédon

Trong tất cả tác phẩm viết về cuộc đời các Thánh, Henri Ghédon đều đặt tựa chung: The Secrets of The Saints, tạm dịch là “Bí Quyết Hình Thành Một Đấng Thánh”, vì ông băn khoăn rất nhiều về điều gì đã làm nên một đấng Thánh, đâu là bí ẩn làm một con người bình thường như chúng ta, có khi còn thua kém chúng ta nhiều mặt, bỗng dưng lại trở nên Thánh mà cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người và làm cho họ cũng được thánh hóa.

Bí Quyết Hình Thành Một Đấng Thánh” là bộ truyện về bốn vị Thánh của giáo hội Công giáo: Thánh nữ Magarita Maria, Tông Đồ Thánh Tâm; Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu với Con Đường Thơ Ấu; Thánh Gioan Bosco, Người Bạn của Thanh Thiếu Niên; và Thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở Ars, lý tưởng và gương mẫu của các cha xứ.

Cuộc đời Gioan Bosco thật ly kỳ vì ngài đã thực hiện nhiều điều một cách kỳ thú. Gioan-Maria Vianney với những giấc ngủ bị ma qủy quấy phá còn kinh hoàng hơn sự khủng bố của Hítler. Maria Magarita và Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống nơi tu viện bề ngoài có vẻ bình lặng nhưng phải chịu những bão tố nội tâm ghê hồn, các ngài làm cho chúng ta thấy phải xét lại cuộc đời của chính chúng ta. Hai con người vốn rất khác biệt. Một người được nuông chiều từ bé, người kia bị hắt hủi, cả hai đều chết trẻ, đều có những sứ mạng lớn lao trong giáo hội và đều chịu nhiều hiểu lầm.

Đâu là bí mật của các vị Thánh? Tác giả, một nhà văn bỏ đạo được ơn trở lại muốn dùng chính kinh nghiệm bản thân để vén lên tấm màn huyền nhiệm của hồng ân Chúa tỏa sáng vào một con người. Đó có thể là một ánh sáng quật ngã Phaolô trên đường Damas, là một cái nhìn dành cho Phêrô, những giấc mơ của Gioan Bosco, sự khắc khoải của Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiếng thì thầm trong lòng Maria Magarita. Có là gì đi nữa thì chung cuộc lại, từng người đều phải lắng nghe tiếng Chúa và phải thể hiện nó ra hoàn toàn trong cuộc đời của mình. Tác giả không muốn chỉ liệt kê về những đau khổ, thần hứng mà còn muốn khám phá và xâm nhập vào tính cách độc đáo của từng vị Thánh.

Henri Ghédon sinh năm 1875 tại Bray-sur-Seine, Pháp. Mẹ là người công giáo tốt nhưng bố thì đã bỏ đạo. Lên 15 tuổi ông không còn tin vào Chúa, vì là một người trung thực ông không hề dấu diếm điều đó ngay cả với mẹ. Ông không chấp nhận một tôn giáo toàn là giáo điều khô khan, không sự sống, không mang vẻ trí thức như cái đẹp của các môn nghệ thuật mà ông mê say. Ông là một người vô thần hạnh phúc, biết tận hưởng tối đa mọi thú vui trần tục. Ông muốn trở thành một nghệ sỹ, nhưng là một người thực dụng biết rằng nghệ thuật là một đời sống bấp bênh, nên ông trở thành một bác sỹ. Từ năm 1901 đến 1909 ông hành nghề y đồng thời làm thơ, soạn kịch, vẽ tranh, nghiên cứu âm nhạc, du lịch đó đây, và thành lập tạp chí Nouvelle Revue Francaise.

Thế chiến thứ nhất nổ ra, ông phải phục vụ trong quân đội bốn năm. Chính tại nơi chiến hào ông tìm lại được đức tin và trở lại đạo Công giáo năm 1915. Kinh nghiệm của ông được ghi lại trong cuốn “L’homme né de la Guere” (Người được sinh ra từ chiến tranh). Từ đó ông dùng hết khả năng nghệ thuật để chứng minh cho sức sống mãnh liệt của Đức Tin theo một cách mà ông cho rằng sẽ hữu ích cho những giới trí thức bên ngoài được hiểu chính xác về Giáo hội. Ông viết về hạnh các Thánh theo cách 1 nhà văn chuyên nghiệp viết 1 cuốn tiểu thuyết. Ông đặc biệt mê say đời sống các Thánh nhất là: Gioan Bosco. Gioan-Maria Vianney, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Maria Magarita.

The Secret of the Cure D'Ars by Introduction by G. K. Chesterton Gheon Henri. Translated By F. J. Sheed (Hardcover - 1929)


Chương 1:

THỜI NIÊN THIẾU


I.

Trong tất cả các trái tim vĩ đại, trái tim vĩ đại nhất van là của một vị Thánh, vì trong đó không những nó ôm ấp cả nhân loại với những con người cũng như tội lỗi, đau khổ, phi lý, ác độc của nó, mà nó còn muốn chứa đựng chính Thiên Chúa.

Chưa bao giờ người ta đề cao tình đồng loại nhiều như trong hai thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên cũng chưa bao giờ những gì tốt đẹp nhất của thế giới này lại bị họ dầy xéo một cách tàn bạo như thế. Họ cho rằng thế giới là một môi trường thí nghiệm mà người ta cần tranh giành quyền lực để tha hồ áp đặt chủ thuyết của mình lên trên người khác.

Họ muốn có một địa vị độc tôn, có quyền sai khiến và bắt người khác phục tùng, cho nên họ sẽ gây chiến, sẽ đè bẹp người khác không thương tiếc. Nhưng điều họ không bao giờ làm được là hủy diệt tình yêu. Tình yêu như hoa đồng nội vẫn lớn lên giữa những đổ nát hoang tàn vì nó là một hạt giống bất tử đã được gieo vào thâm sâu tâm hồn con người.

Tình yêu không chỉ mang tính nhân loại mà còn mang tính thần linh. Người ta chỉ có thể yêu nhau thực sự khi họ chấp nhận đồng loại như anh em do cùng một Đấng Tạo Hóa dựng nên. Như vậy tình yêu là một hồng ân từ trên ban xuống. Người ta trước hết cần đến một nhận thức nào đó về một cứu cánh của kiếp người vượt trên khỏi vật chất. Ngoài ra, những yếu tố khác để làm cho con người yêu nhau đều mong manh và không đủ mạnh để người họ có thể yêu nhau đến cùng.

Vì thế tình yêu đối với Thiên Chúa là chuẩn mực để đo lường sự vĩ đại đích thực của một tâm hồn dù rằng người ta có thể công nhận hoặc phủ nhận điều đó.

Đó chính là sự huyền nhiệm của đức ái bùng cháy nơi trái tim của Gioan-Maria Vianney, cha sở miền quê nước Pháp.

Câu chuyện tôi sắp kể hầu các bạn có thể xếp vào loại cổ tích vì có sự đóng góp của mọi thành phần làm thành một truyện cổ tích: có Ma vương quỷ dữ, có các Thiên thần và các Thánh, có Đức Mẹ, và nhất là có đủ mọi hạng người tham gia, và vì nó nói về một chân lý siêu phàm một cách giản dị. Chúng ta nên bắt đầu như thế này:

Ngày xưa tại tỉnh Lyon nước Pháp có một cậu bé quê mùa ngoan đạo mà từ bé đã say mê Thiên Chúa và thích sống trong cô tịnh.

Khi nhóm làm cách mạng lên cầm quyền tại Paris ngăn cấm dân chúng đi nhà thờ, Gioan-Maria Vianney thường cùng ba má đến dự lễ tại một nhà kho. Các linh mục đều phải chốn chui chốn nhủi, một khi bị cách mạng bắt sẽ bị đưa ra chặt đầu ngay.

Đó là lý do anh nhà quê Gioan-Maria Vianney muốn làm linh mục. Anh cầu nguyện nhiều nhưng lại học ít. Thời niên thiếu qua đi ngoài đồng nội với việc làm ruộng và chăn cừu, thi vào chủng viện bao giờ cũng rớt. Đến khi ơn kêu gọi trở nên cực kỳ hiếm hoi, người ta bất đắc dĩ phải chọn anh. Rồi anh được họ cho làm linh mục một cách rất ngần ngại.

Rồi họ cử ông cha ầu ơi ví dầu này về họ đạo Ars và sống luôn ở đó cho tới khi chết. Một cha sở kém cỏi nhất tại một ngôi làng bết bát nhất của nước Pháp.

Anh không làm gì cả ngoài việc là một cha sở đúng nghĩa, mà điều này không phải lúc nào cũng có, một cha sở hoàn toàn đến độ cái làng nghèo hèn nhất của nước Pháp đã có một cha sở vĩ đại nhất và sau cùng cả nước Pháp phải hành hương đến Ars vì ở đó thực sự có một chủ chăn.

Anh đã hoán cải mọi người đến với anh. Và nếu anh cứ sống mãi có lẽ cũng có ngày anh hoán cải cả nước Pháp vì trong anh có lửa của lòng mến.

Anh chữa bệnh nơi thân xác và tâm hồn của người ta. Anh nhìn suốt các cõi lòng như đọc một cuốn sách.

Đức Mẹ đến thăm anh. Ma vương qủy dữ đến quấy phá nhưng không thể ngăn anh trở thành một vị Thánh, một Hiển Thánh được giáo hội tôn vinh hẳn hoi, một điều rất kỳ lạ mà người ngỡ ngàng nhất có lẽ chính là anh.

Tất cả những điều này xẩy ra vào một thời gian mà chúng ta gọi đó là thế kỷ 19 nhưng ở Thiên Đàng nơi mà mọi cái được đánh giá rất khác với cách của chúng ta, ở đó nó được gọi là thế kỷ của cha sở Ars. Dĩ nhiên nước Pháp đâu có bao giờ ngờ được một điều như thế.

Tất cả đều là sự thật nhưng chúng ta phải quay sang mặt trái của tấm huy chương để thấy được điều bí ẩn của cha sở Ars, người cứu vớt các linh hồn, cái giá mà anh phải trả. Nơi tâm hồn Gioan-Maria Vianney có sự quần tụ của Thiên Đàng, trần gian và địa ngục. Phải cần tới 5 hoặc 6 đại văn hào cỡ Balzacs mới có thể làm cho chúng ta hiểu được một phần nhỏ những cuộc chiến đấu khủng khiếp của anh. Vở tuồng La Comédie Humaine chỉ là một trò trẻ con so với vở tuồng xẩy ra tại Ars trong 30 năm. Tôi không dám có cao vọng viết hết về tâm hồn vĩ đại này mà chỉ dám khắc họa một vài nét sơ sài qua những gì mà ba nhà viết tiểu sử Monnim, Joseph Vianney, và Trochu để lại. Cuốn sách nhỏ này mang tính cách lịch sử.

II.

Mỗi ơn gọi của từng người đều là một mầu nhiệm mà chỉ mình Thiên Chúa mới thấu đáo. Tuy thế chúng ta cũng cố tìm hiểu về ơn gọi của Gioan-Maria Vianney. Cuối thế kỷ 18 tại các đô thị lớn của nước Pháp đức tin bị sa sút trầm trọng nhưng tại miền quê nó vẫn còn mãnh liệt. Ít ra tại một vùng của Lyon đức tin vẫn còn bất khuất vượt xa sự hoài nghi của chủ thuyết Jansen. Khi ông nội của Gioan-Maria Vianney luôn mở rộng cửa nhà mình cho những người đi đường lỡ bước có chỗ ăn ngủ qua đêm thì ta phải công nhận rằng ông có một đức tin hiếm có. Phúc Am dạy rằng một người nghèo, bất kỳ một người nghèo nào đều là hình ảnh sống động của Đức Kitô.

Các nhà viết tiểu sử về Gioan-Maria Vianney đều nhắc đến một tu sĩ khất thực tên là Bênêdicto Giuse Labre. Người ta đồn rằng con người kỳ lạ đến từ Artois này đã tìm đến tu viện dòng Trap tại Sept-Fonds để được sống một cuộc đời khắc khổ nhất. Nhưng sau đó vì lý do nào đó người ta đuổi ngài về, thế là ngài trở thành một kẻ lang thang không nhà không cửa. Giống như Thánh Alêxis, ngài là một người nghèo hoàn toàn, bị mọi người cười đùa, đánh đập. Đôi lúc họ cũng tỏ vẻ thương hại ngài, một điều mà không bao giờ ngài làm cho bản thân mình. Một tuần ngài ăn chay 3 lần, ở chung với chuột bọ, lúc nào cũng cầu nguyện và không bao giờ hé miệng nói một lời. Ai hỏi gì ngài chỉ gật đầu thân thiện. Ngài đi bộ hành hương các nơi nổi tiếng Roma, Loretto, Compostella. Một nửa đời sống lang thang trên đường và một nửa còn lại qùy gối cầu nguyện. Năm 35 tuổi ngài qua đời, chết vì đói nghèo. Ngài đi vào cuộc đời như Đức Kitô đã đi vào thế gian để cảnh cáo về một vực sâu mà thế gian sắp sửa rơi xuống.

Trên đường đến Roma vào năm 1770 ngài dừng chân tại nhà ông Pierre Vianney. Họ cho ngài ăn, chỗ sưởi ấm và một chỗ ngủ. Các con người chất phác này trực giác được sự thánh thiện của ngài nên mang các trẻ em đến cho ngài chúc lành, trong đó có cậu bé Matthieu về sau là cha của Gioan-Maria.

Phải chăng chỉ vì tình cờ mà ngài ghé qua đó? Tình cờ chăng khi 16 năm sau người con chào đời trong gia đình được đặt tên là Gioan-Baptit -Maria? Đó là tên của ba nhân vật xoay quanh cuộc đời Đức Kitô. Một vị là mẹ của Ngài, một vị là đấng tiền hô, và một vị là môn đệ Ngài yêu dấu. Tên mà chúng ta nhận khi rửa tội nói về một mối quan hệ của ta với các Thánh, các ngài sẽ trở thành quan thầy hay là người bảo vệ ta, để rồi từ dòng suối các Thánh sẽ tuôn ra những vị Thánh mới. Vị Thánh của chúng ta Gioan-Maria Vianney tổng hợp ba dấu hiệu đặc trưng Kitô giáo: khiêm nhường, khó nghèo và thanh khiết. Đây chính là những tính chất của lòng mến mà cha mẹ cậu đã chọn với một ngụ ý sâu sa.

III.

Phía bắc Lyon có một ngôi làng với hơn 1.000 nhân khẩu tên là Dardilly. Ở đó người ta vẫn còn thấy một nông trại bề thế là nhà ông bà thân sinh ra Gioan-Maria. Họ có cả thảy 6 người con, vị Thánh của chúng ta là con thứ 4.

Chúng ta khó mà hình dung được đời sống nông thôn vào thời đó. Công việc lao động nặng nhọc nhưng tâm hồn lại thanh thản. Việc cầy bừa giữ chân người ta chặt xuống đất nhưng tâm hồn lại được bay bổng lên cao. Họ bàn luận về Phúc âm như chúng ta bàn bạc về chuyện thời sự. Lời của Chúa ít ra cũng có tầm quan trọng như các bài tường thuật của các phóng viên. Đến tối bao giờ họ cũng đọc kinh chung. Cùng một lúc cậu bé Gioan-Maria học biết Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá trong trường hợp nào và quan sát cây bắp lớn lên làm sao. Điều gì cũng gây cho cậu một thích thú khôn tả. Khi cậu đủ cứng cáp họ cho cậu đi chăn cừu ngoài đồng. Cậu là một chú bé nhỏ con, trầm tĩnh, hãnh diện vì có cha là một nông dân chất phác và mẹ là một phụ nữ đạo hạnh. Về sau cậu nói rằng: “Nhân đức được dễ dàng truyền từ trái tim một người mẹ sang tâm hồn một đứa trẻ”.

Khác với Thánh Aloysius Gonzaga xuất thân từ một triều đình vương giả suy đồi vào thời phục hưng, để giữ cho tâm hồn trong sáng ngài phải nhắm mắt lại, nhưng Gioan-Maria của chúng ta có thể nhìn thẳng vào con người và cuộc đời chung quanh vì ở đó không có gì làm vẩn đục tâm hồn cậu. Từ bé cậu đã có thói quen hồi tâm, nhìn thẳng vào tâm hồn mình để lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, để hạt giống lời Chúa được vươn lên. Cậu thấy được những gì bên trên công việc lao động. Cậu yêu cuộc đời, yêu mọi người, yêu thiên nhiên, nhưng cậu còn khám phá ra những gì còn cao đẹp hơn, và trong thâm tâm cậu đã muốn khước từ tất cả để đạt được sự thiện tuyệt đối, đạt được sự trọn lành.

Một bữa kia mẹ cậu không thấy cậu đâu và bà phải đi khắp nơi để tìm thì gặp cậu đang qùy gối trên bó rơm trong một góc chuồng bò, tay cầm tượng Đức Mẹ mà cậu rất yêu qúy. Cậu không nghe tiếng chân mẹ vì đang bận cầu nguyện. Đó là một chò trơi kỳ lạ nơi một em bé 4 tuổi. Trẻ em thường làm cho người lớn phải kinh ngạc vì trong sự đơn sơ của chúng vẫn tỏ ra nét độc đáo của những cá tính sắp thành hình. Gioan-Maria đã tiên đoán một điều gì đó ghê ghớm sắp xẩy ra. Chỉ một năm sau cuộc cách mạng Pháp bùng nổ kéo theo cuộc cấm đoán đức tin. Người ta sẽ phải cầu nguyện chui. Nhưng các nhà cách mạng đâu thể ngờ chính họ đã góp phần làm nên một vị Thánh.

IV.

Không mấy ai tại làng Darlilly còn nhớ về vị cha sở sau khi tuyên thệ trung thành với cách mạng có lẽ vì hổ thẹn đã tự ý rút lui. Họ cử một linh mục khác đã tuyên thệ đến thay. Dần dà người ta nhận ra ông cha này chỉ nói về chính trị chứ không chú ý tới các vấn đề thiêng liêng. Dần dà các con chiên ngoan đạo không đến nhà thờ nữa. Cuộc bách hại đạo đã bắt đầu.

Các linh mục chân chính phải lẩn trốn trong sự bao che của dân chúng. Các thánh lễ chủ nhật phải cử hành ở những nơi bí mật, để đến được những chỗ đó thì phải đi từ đêm hôm trước. Người ta cử hành thánh lễ nơi những nhà kho với những cái rương được dùng làm bàn thánh. Họ không dám đọc kinh to vì nếu bị phát giác vị linh mục sẽ bị chém đầu và con chiên sẽ bị đi tù. Vào thời đó làm người Kitô hữu thật đáng cao qúy.

Đó không phải là những thánh lễ bình thường. Của lễ không những là máu châu báu Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ mà còn là máu của thầy cả đổ ra nơi pháp trường. Gioan-Maria đã sớm tự hỏi: “Linh mục, ngài là ai?” Đó là người sẵn sằng đón nhận cái chết vì thiên chức của mình. Một thiên chức cao qúy vì làm cho Đức Kitô được thiết thân hiện diện nơi anh chị em của mình không những bằng Mình và Máu Thánh của ngài trong Thánh lễ mà còn qua việc luôn sẵn sàng từ bỏ mạng sống của người linh mục vì Ngài. Cái chết sẽ mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa cao đẹp hơn.

Ngôi làng sống trong u uất chừng nào còn thiếu vắng tiếng chuông nhà thờ. Gioan-Maria phải cẩn thận giấu đi bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh mà cậu rất qúi cùng với ảnh tượng các Thánh khác. Cách mạng đã trục xuất Thiên Chúa khỏi nước Pháp nhưng cậu bé Gioan-Maria đã thề sẽ mang Ngài trở lại.

V.

Trong cái thế kỷ xô bồ của chúng ta, cuộc đời của một em bé nông thôn chẳng làm ai thích thú. Lương thực cho tâm hồn em là sự tĩnh mịch, yên hàn, và thảnh thơi của thôn quê. Còn người thời nay luôn bị những cái bên ngoài chi phối, họ cố chất đầy tâm hồn trống rỗng của mình bằng báo chí, ti-vi, thời trang, tiện nghi, để rồi cuối cùng lại thấy mình bị trống rỗng hơn bội phần. Vào thời con người biết sống hồn nhiên hơn, khi đi chăn cừu các em mang theo len để đan vớ chứ không đi câu trộm cá hoặc đánh bẫy chim. Khi nhìn ngắm bầu trời các em sẽ thấy tâm hồn mình dễ dàng bay lên với Chúa vì người ta chưa nhồi nhét vào tâm trí các em rằng các nhà du hành vũ trụ đã bay khắp bầu trời mà chẳng hề thấy Thiên Chúa đâu cả. Không phải em nào vào thời đó cũng nên hoàn thiện, nhưng ít ra các em không bị tước đi cái cơ hội đó.

Khi Gioan-Maria đan vớ xong, với bàn tay khéo léo cậu nặn tượng các Thánh bằng đất sét. Đặc biệt cậu thích nặn tượng Đức Mẹ, rồi đặt dưới gốc cây liễu già, chung quanh cậu trang trí bằng hoa đồng nội rồi cậu lần hạt tại chỗ. Các bạn chăn cừu rất lấy làm lạ vì trong ba năm cách mạng chúng chưa hề được đến nhà thờ bao giờ. Cha mẹ của chúng không có được lòng nhiệt thành và dũng khí của gia đình Vianney. Những khi nhà thờ bị đóng cửa họ cũng tạm xếp đức tin vào một xó. Các bạn hỏi xem cậu đang làm gì vậy và người phụ nữ xinh xắn bằng đất sét là ai. Gioan-Maria say sưa giải thích cho các bạn vì trong cậu có lòng yêu mến các linh hồn. Chân lý từ miệng cậu tuôn ra, chân lý từ những bài học mà mẹ cậu dạy cho cậu, từ những bài giảng nơi bí mật của các linh mục không đầu hàng, và từ chính Thiên Chúa, đấng là tình yêu đã mặc khải cho cậu biết. Đám thính giả quây chung quanh nằm bò cả ra cỏ mà lắng nghe. Nếu chúng ta có mặt tại đó, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy cách cậu bé Gioan-Maria nói về các chân lý đức tin cũng giống như cách cha sở Ars dạy các em mồ côi tại Nhà Chúa Quan Phòng. Khi đó cha sở Ars đã ngoài 60 tuổi, đã hoán cải hàng trăm ngàn người, nhưng cha vẫn nói theo lối đơn sơ, bộc trực của một đứa trẻ:

- Các con phải yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự.

- Chúng ta phải kính trọng và vâng lời cha mẹ.

- Chúng ta không được phạm tội vì tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa.

- Nếu chúng ta có phạm tội, chúng ta phải nhanh chóng hối lỗi và quay về cùng Chúa.

Trong các bài giảng của cha, chúng ta sẽ nhận thấy có những minh họa rút ra từ đời sống mục đồng của cậu bé Gioan-Maria tại thung lũng Chante-Merle.

Chúng ta hãy làm như các mục đồng vào mùa đông. Cuộc sống cũng tựa như một mùa đông. Chúng ta hãy nhóm lên một ngọn lửa và làm cho nó cháy mãi bằng cách đi nhặt củi về cho thêm vào đó. Ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong lòng chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và các việc lành để nó luôn được rực sáng và không bao giờ tàn lụi.

Các đứa trẻ lớn hơn ban đầu thường chế diễu Gioan-Maria nhưng sau đó chúng nhận ra sự u mê của mình và bắt đầu lắng nghe như những đứa khác. Nhà truyền giáo mới 7 tuổi đầu này trở nên nổi tiếng giữa đám mục đồng. Các em tham gia cầu nguyện chung, hát thánh ca, rước kiệu tượng Đức Mẹ đi chung quanh cánh đồng. Những nghi lễ này Gioan-Maria thực hiện rất kính cẩn, khi cần thiết cậu còn yêu cầu các bạn giữ thinh lặng. Các bạn nhỏ ý thức rằng chúng đang cử hành các nghi thức thánh thiện rất tốt nhưng lại bất hợp pháp vào giai đoạn đó.

Gioan-Maria bắt đầu học đọc vào năm 8 tuổi. Lên 10 tuổi cậu xưng tội lần đầu với một linh mục chui, ngài ăn mặc như một người thường, đi lang thang từ làng nọ sang làng kia. Việc xưng tội diễn ra trong ngay nhà của cậu, nói thật chính xác, phiá dưới cái đồng hồ treo tường. Lên 13 tuổi cậu mới được rước lễ lần đầu trong một toà lâu đài gần đó mà các cánh cửa đều được đóng chặt.

Năm 1800 người ta không còn cấm đạo nữa. Thiên Chúa được phép chính thức quay về nhưng nhiều người không còn nhớ Ngài là ai nữa. May mắn thay tại Ecully, không xa Dardilly bao nhiêu, là quê ngoại của Gioan-Maria, có một cha sở nhiệt thành tên là Balley. Ngài chính là người đầu tiên nhìn ra, khuyến khích để rồi hình thành nên vị Thánh tương lai của chúng ta.

VI

Cha Balley, cha sở Ecully, rồi đây sẽ được tôn vinh nơi bàn thờ nếu đó là tất cả phần thưởng Chúa ban cho các Thánh. Nhưng Thiên Chúa chỉ cho chúng ta biết và tôn kính một số nhỏ các Thánh mà thôi, cũng như mắt chúng ta chỉ thấy được một số rất nhỏ các ngôi sao trên bầu trời. Cha Balley có một người anh bỏ đạo, về sau được ơn trở lại, và một người anh khác bị tử đạo trong giai đoạn cấm đoán đó. Tâm hồn cha bị giằng co giữa gương sáng của một người anh này và gương xấu của người anh kia. Satan qủy quyệt biết cách lũng đoạn hàng ngũ các người thợ gặt, nhưng lúa vẫn đang chín đầy đồng. Cần phải tuyển mộ và huấn luyện các người thợ gặt mới.

Khi đã có tuổi ông Vianney cần thêm người giúp việc. Gioan-Maria chăm chỉ phụ giúp các anh. Thân thể cậu được tôi luyện và trở nên tráng kiện qua lao động nặng nhọc để về sau còn đủ sức đón chịu rất nhiều gian nan. Nhưng ơn gọi vẫn luôn ở với cậu. Cậu đọc Phúc Am, Gương Chúa Giêsu, Đời Sống Các Giáo Phụ. Cậu không hấp tấp mà biết đợi đến giờ của Chúa. Ước nguyện thầm kín của Gioan-Maria không thoát khỏi sự nhậy cảm của mẹ cậu, bà bàn với chồng gởi cậu đến sống tại nhà dì Magarita Humbert tại Ecully để được vị cha sở đạo đức tại đó dạy bảo.

Chúng ta không bao giờ biết được đâu là điều tốt nhất. 5 năm sống bình dị trong lao động miệt mài ở đó. Cậu kéo cầy như Đức Giêsu cầm cưa cầm đục tại Nazareth. Thời gian qua đi mà anh chàng cao kều, xương xẩu và vụng về này chẳng hề tiến thêm một bước nào trên con đường lý tưởng. Nhưng đó lại là thời gian cậu tích lũy sự từ bỏ mình, tập luyện để luôn dịu dàng với người khác, và học biết nhẫn nại khi theo bước Chúa. Rồi anh chàng thất học mà kiến thức còn thua một học sinh tiểu học, một anh làm ruộng quê mùa không hơn không kém, lại dám vác xác tới gặp cha sở Balley. Cha không hề có một ấn tượng gì về vẻ bên ngoài của Gioan-Maria nhưng khi nghe cậu nói về Thiên Chúa thì cha lập tức nhận ra sức mạnh của ân sủng nơi người thanh niên nhà quê này. Cha Balley nhận dạy học cho anh.

Anh ta có vẻ khờ khạo, đầu óc trống rỗng. Xem cách anh cầm một cuốn sách ta có cảm tưởng một em bé đang cầm lên một cái quốc, em có vẻ biết cách quốc đất nhưng em còn yếu quá không quốc nổi. Anh có một phương thế khuất phục những cái thiếu xót của mình đó là sự phạt xác. Khi ở tại nhà dì, anh chỉ ăn duy nhất một món xúp và luôn đứng dậy khi pho-mai được bưng ra. Anh tự bớt đi phần bánh mì của mình đồng thời gia tăng những việc từ thiện. Có lần anh đổi đôi giầy ống mới lấy đôi quốc cũ của một lão ăn mày ngồi bên vệ đường. Anh cầu nguyện theo từng nhịp đập của con tim. Nhưng đầu óc anh vẫn luôn ù lỳ. Anh đọc đi đọc lại một cuốn sách nhiều lần cho tới khi phát ốm thế mà vẫn không hiểu nó nói về cái gì.

Rồi thình lình anh khăn gói lên đường, vừa đi vừa xin ăn và ngủ nhờ các nơi đi qua. Anh đi bộ hàng trăm cây số, lê bước trên các con đường gồ ghề, vượt rặng núi La Louvecs sang miền Vivarais ở đó có hài cốt một linh mục dòng Tên đã được phong Thánh là Phanxicô Regis. Ngài đã chết khi đang ngồi tòa giải tội vì đã muốn dùng đến cả hơi tàn sức kiệt của mình để cứu thêm một vài linh hồn cho Chúa. Gioan-Maria không ngờ được đó cũng chính là ơn gọi của anh khi qùy gối trước đấng bảo trợ khẩn nài ơn soi sáng. Và Thánh Regis đã đáp lời.

Trên đường quay về Gioan-Maria thấy mình đã sáng suốt hơn tựa hồ có một giọt sương từ trời cao đổ xuống xuyên thủng màn đêm tối tăm trong tâm trí anh. Anh học và thấy mình có thể hiểu chứ không tới nỗi u mê cho lắm. Nhưng khi anh vượt qua được trở ngại này thì trở ngại khác lại hiện lên.

VII

Những ai hay bài bác giáo hội có một cái cớ rất chính đáng để chỉ trích về cái được coi như một sự đào ngũ của Gioan-Maria. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh vào thời đó chúng ta không có quyền lên án tuy ngày nay ai cũng coi nghĩa vụ quân sự là một bổn phận công dân chính đáng. Năm 1809 chàng nhà quê trăm phần trăm Gioan-Maria bị gọi đi lính, một cuộc chiến do phe Gironde (nhóm chủ trương cộng hòa trong cuộc cách mạng Pháp) phát động để rồi sau đó phải hứng chịu những chiến dịch trả đũa của Napoleon.

Gioan-Maria được nhận phép thêm sức từ Hồng Y Fesch là cậu của hoàng đế Napoleon. Ngài ban phép thêm sức cho tất cả thanh niên thiếu nữ trong địa phận với số lượng từ hai đến ba ngàn người trong một ngày vì vào giai đoạn cấm đạo không mấy ai được chịu phép thêm sức. Sau đó vài tuần người ta gọi anh nhập ngũ vì cần dẹp loạn ở bên Tây Ban Nha và Hoàng Đế thì cần đến mọi sinh vật biết đi bằng hai chân.

Gioan-Maria chấp nhận vì anh luôn nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu ý Chúa muốn anh phải đổ máu ngoài mặt trận anh cũng xin vâng, còn nếu Chúa muốn dùng anh vào việc khác thì chính Ngài sẽ phải lo liệu. Khi đến tổng hành dinh Lyons anh ngã bệnh. Khi trung đoàn của anh tới Roanne, anh phải vào bệnh xá, đến lúc bệnh tình thuyên giảm họ gởi anh đến đơn vị viễn chinh tại Tây Ban Nha.

Anh nói với cô y tá “Tôi sẽ đến trình diện tại đơn vị”, rồi cầm lấy súng và ba-lô. Nhưng trước khi lên đường anh muốn ghé qua nhà thờ cầu nguyện. Đối với Gioan-Maria, cầu nguyện thì không bao giờ cho đủ. Anh ở rất lâu trong đó, khi bước ra ngoài thì binh đoàn đã lên đường. Anh quay lại đơn vị cũ, người ta khưở trách anh thậm tệ, tuy nhiên họ vẫn ký giấy để anh mau chóng lên đường đi theo đoàn quân.

Anh cố gắng đi mau nhưng vẫn không bắt kịp, rồi anh đi lạc đường. Một chiều nọ anh ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây trên dãy núi Le Forez thì gặp một người đến bắt chuyện:

- Anh là lính phải không?

- Phải.

- Anh đi tìm đơn vị phải không?

- Đúng thế.

- Anh có muốn đi ngay không?

- Tôi đang mệt quá.

- Vậy hãy theo tôi anh sẽ được ăn ngủ thoải mái.

Đây chính là Guy, một người đào ngũ. Gioan-Maria đi theo hắn, người mệt lả. Sáng hôm sau hắn cho biết dù có cố gắng cách mấy anh cũng không thể nào theo kịp được đơn vị. Thế thì anh phải làm gì đây. Đó chính là ý Chúa. Ngài đã muốn anh trở thành bộ đội và nay muốn anh thành kẻ đào ngũ.

Gioan-Maria đã phải lẩn trốn trong hai năm tại thôn Les Robins, gần làng Les Noes, là một nơi có nhiều rừng cây dễ ẩn nấp. May mắn thay ông xã trưởng ở đó là người có tư tưởng chống đối chế độ đã bao che cho anh. Trong nhà ông đã chứa hai người đào ngũ nên ông gởi anh qua nhà một người bà con của ông tên là Claudine Fayot.

Gioan-Maria sống trong chuồng bò hai tháng, một nơi dễ làm anh liên tưởng tới hang đá Bêlem. Anh mang một tên giả Jérome Vincent và đám trẻ con cho rằng đây là một người bà con họ hàng đến chơi. Vào chiều tối anh dạy chúng học còn ban ngày anh làm một ít việc lặt vặt trong nhà. Ít khi anh dám ló mặt ra ngoài và cũng không thể đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Anh nhớ lại giai đoạn cấm đạo khi còn bé, trong nhà cha anh bao giờ cũng có một vị linh mục lẩn trốn. Lắm phen anh phải chui dưới đống rơm khi cảnh sát lục soát. Có lần có một thầy đội hăng say đã dùng một cái gậy chọc vào đống rơm trúng ngay người anh, may làm sao ông ta không phát giác ra anh.

Lúc Gioan-Maria mới đến gia đình chủ nhà rất khó chịu trước lối sống rất thánh thiện mà họ cho rằng gàn dở, dần dà họ nhận ra tác động của ân sủng nơi anh. Đến khi anh phải ra đi họ khóc vì luyến tiếc anh. Từ đó trở đi cho tới cuối đời, Gioan-Maria luôn coi đây như một gia đình thứ hai của mình.

Còn tại chính gia đình của Gioan-Maria tại Darlilly người ta đã mất hi vọng được gặp lại anh sau cả năm không nhận được tin tức gì. Sau khi liên lạc được với Gioan-Maria họ phải xin với nhà nước cho đứa em út của Gioan-Maria, đi nghiã vụ quân sự trước khi đến tuổi thay cho anh. Để tỏ lòng biết ơn Gioan-Maria đã tặng em mình ba ngàn quan tiền.

Đối với Gioan-Maria những gì xẩy ra chính là một tỏ bầy của ý Chúa cho con đường theo đuổi ơn gọi của anh. Thiên Chúa không để cho vua chúa thế gian cướp đi một người con mà Ngài đã tuyển chọn.

VIII

Gioan-Maria trở về nhà kịp lúc người mẹ đáng thương của anh sắp lìa đời. Anh nói cho mẹ ước nguyện của mình để bà mang đến cho Chúa. Bà đã làm tốt ước nguyện của anh vì sau đó cha Balley nhận anh trở lại và chuẩn bị cho anh có thể vào tiểu chủng viện Verrieres trong thời gian sớm nhất. Đó là một loại tiểu chủng viện kín mà trình độ giảng dạy rất thấp. Gioan-Maria còn lớn tuổi hơn thầy giáo và hầu như không có một tí kiến thức gì, học dốt hơn em nhỏ nhất trong lớp. Cả lớp lấy anh làm đích chế diễu nhất là trong những giờ học triết. Đối với anh bị chê cười bao giờ cũng là một niềm vui. Anh cầu nguyện sốt sắng bao nhiêu thì lại càng học dở bấy nhiêu. Anh kết thân với một người tên là Marcellin Champagnant rất có lòng đạo đức và học cũng rất kém. Có lẽ cả hai đều nhìn ra ân sủng hoạt động nơi bạn mình, và đó chính là điều qúy giá còn hơn tất cả sự khôn ngoan trên thế gian. Họ giống nhau từ tâm hồn đạo đức bên trong đến vẻ bề ngoài ngớ ngẩn.

Lên đại chủng viện Thánh Irénée tại Lyons cả hai gặp lại nhau. Nếu Thiên Chúa hoạt động bên trong mà không mang lại kết qủa bên ngoài thì người ta có quyền nghi ngờ Thiên Chúa đó. Họ đuổi Gioan-Maria về sau 6 tháng không thấy anh tiến bộ một chút nào dù anh có một lối sống rất đạo đức. Họ không chấp nhận có một linh mục tương lai chẳng hiểu mô tê gì về Latinh.

Gioan-Maria vẫn muốn theo được ơn gọi nên hoàn thiện trong đời sống chiêm niệm. Anh nghĩ đến việc trở thành một sư huynh trong tu hội Sư Huynh Kitô. Nhưng một lần nữa cha Balley lại đón anh về nhà xứ. Cha dành trọn thời giờ dạy cho anh với tất cả sự nhẫn nại và gởi anh đến đại chủng viện chịu các chức nhỏ. Cha đứng ra bảo lãnh vì chỉ có cha mới nhìn ra giá trị nơi anh. Tệ hại thay anh chàng ngốc nghếch của chúng ta không qua được cuộc sát hạch và làm cho các giám khảo thất vọng. Cha Balley vẫn kiên trì xin cho anh được thi lại, lần này anh tỏ ra có một chút tiến bộ. Sau cùng họ quyết định xin ý kiến của ngài Tổng Giám Mục.

Lúc đó hoàng đế mới thoái vị và hồng y Fesh phải rời Lyons ngay. Vị phụ tá của ngài hồng y là một người đơn sơ không cần biết đến trí thức mà chỉ quan tâm đến nhân đức của Gioan-Maria, về mặt này đã có sự bảo đảm của cha Balley. Vào thời buổi có quá ít linh mục và có quá nhiều xứ đạo bỏ trống có thêm ai thì tốt người đó. Vị Giám mục phụ tá nói với Gioan-Maria: “Ân sủng của Chúa sẽ bổ túc những thiếu sót nơi con”.

Chúng ta thấy con đường ơn gọi của Gioan-Maria hoàn toàn do hồng ân Chúa tác động từ bên trong và Ngài đã chọn một con người hết sức bất toàn.

Vào ngày lễ Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth chủng sinh Gioan-Maria Vianney được chịu các chức nhỏ bởi Đức Giám Mục Simon. Năm sau cũng tại đó ngài phong anh làm phó tế. Vài tháng sau chàng trai của chúng ta đi bộ đến Grenoble để được thụ phong linh mục cũng bởi tay Đức Cha Simon. Nghi lễ thụ phong diễn ra trong nhà nguyện đại chủng viện cho riêng một mình anh. Dù đã được chịu chức linh mục, bề trên vẫn không tin tưởng lắm nơi con người cù lần này nên chưa ban cho cha Gioan-Maria quyền được giải tội.

Biến cố vĩ đại này, đúng đây chính là một biến cố vĩ đại, đã xẫy ra trong lịch sử thế giới này vào ngày 13-8-1815, hai tháng sau trận Waterloo đã làm vị hoàng đế lẫy lừng Napoleon bị thân bại danh liệt trước mắt con người, đang khi đó một con người hèn mọn lại được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Hôm sau là ngày giáp lễ Mông triệu linh mục Gioan-Maria tiến lên bàn thờ, dâng lễ mở tay, dâng lên cho Thiên Chúa của lễ hiến tế là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và đồng thời dâng lên chính con người của Gioan-Maria.