VATICAN CITY (Zenit.org).- Đức giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố: Các cộng đoàn tại Brazil còn cần phải vượt qua những chia rẽ do thần học giải phóng kiểu Macxit gây ra.

Các giám mục vùng 3 và 4 phía nam Brazil đang ở Roma trong chuyến viếng thăm mỗi 5 năm một lần và Đức giáo hoàng, trong buổi triều yết, đã khuyến khích các giám mục giúp hàn gắn lại những vết thương do nền thần học duy vật chất còn để lại.

Ngài nhắc lại rằng tháng 8 vừa qua là kỷ niệm 25 năm giảng huấn "Libertatis Nuntius", một tài liệu ngài đã ký ban hành khi còn lãnh đạo Thánh bộ Giáo lý Đức tin.

Trong lời tuyên bố, Đức giáo hoàng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều chiều hướng trong “nền thần học giải phóng”, coi giải phóng như là một trong những sứ điệp trung tâm về Mặc khải, cả ở Cựu ước cũng như Tân ước.

Tuy nhiên, một trong những khuynh hướng này, đặc biệt xuất hiện vào 3 thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đã lấy chủ nghĩa Mac làm căn bản trong nỗ lực tìm hiểu thực trạng xã hội của châu Mỹ Latinh, một thực tại phức tạp và đôi khi bê bối. Khuynh hướng đó được biết đến như là nền thần học giải phóng theo chủ nghĩa Mac -- nhiều khi được gọi giản dị, nhưng sai lạc, là thần học giải phóng.

Đức giáo hoàng giải thích cho các giám mục Brazil: “Nó có những hậu quả rõ rệt hoặc ít thấy, tạo thành do chống đối, chia rẽ, bất đồng, xúc phạm và hỗn loạn vô tổ chức ngày nay vẫn còn cảm thấy được, gây ra đau khổ lớn lao trong các cộng đồng giáo phận của chư huynh và một sự mất mát trầm trọng những năng lực sinh động.”

“Tôi nài xin tất cả những ai, bằng cách nào đó, đã cảm thấy bị lôi cuốn, đã tham gia và nội tâm bị xúc động bởi một số nguyên tắc giả trá của thần học giải phóng, hãy một lần nữa tiếp nhận tài liệu đó, hai tay mở rộng đón nhận ánh sáng dịu dàng nó dâng hiến.”

Trưng dẫn lời Gioan Phaolô II, Đức giáo hoàng Benedict XVI giải thích triết học Macxit không thể nằm tồn tại dưới đức tin của Giáo hội, trái lại “sự hợp nhất mà Thánh Linh đã đặt để giữa Thánh truyền, Thánh kinh và huấn quyền của Giáo hội trong tính hỗ tương đến mức cả ba không thể tồn tại một cách độc lập được.”

Ngài kết luận với niềm mong ước rằng “sự thứ tha được trao ban và được tiếp nhận, trong phạm vi các tổ chức và cộng đoàn thuộc giáo hội, nhân danh và phát xuất từ lòng kính mến Chúa Ba ngôi Cực thánh, đấng chúng ta thờ kính trong tâm tưởng, sẽ chấm dứt nỗi khổ đau của Giáo hội yêu dấu còn đang trên lữ hành trong những vùng đất của thánh giá.”