NĂM THÁNH LINH MỤC - NIỀM HY VỌNG

Một Linh Mục người Pháp vừa chịu chức, sau những ngày lễ mở tay thật sốt sáng, cha đã cùng các hướng đạo viên về vùng quê. Cha con vác Balô đạp xe đến một xứ có tiếng là khô khan nguội lạnh. Vừa dựng trại ở bìa rừng, cha con vào gặp cha sở xin dâng lễ tại nhà thờ. Cha xứ nói: Tốt lắm. Tân linh mục hỏi: Thưa cha, nhà tạm có đủ Mình Thánh Chúa cho các em chịu lễ không? Cha xứ nói: Không, cha ơi, từ 10 năm nay, khi con về đây, không một ai chịu lễ cả. Xin cha lấy bánh lớn chia cho các em. Sau đó, cha và các em quây quần dâng lễ, hát kinh thật sốt sáng. Cha xứ qùy lặng lẽ và tâm hồn xúc động mạnh. Đã mười năm qua, cha chưa thấy một thánh lễ nào sốt sáng như thế. Lúc lễ xong, tân linh mục mới ngạc nhiên thấy cha xứ quỳ xuống dưới chân mình. Ngài nói: Xin cha giải tôi cho con. Mười năm qua, con đã lỗi đức tin, đức cậy và đức mến. Hôm nay được chứng kiến và tham dự thánh lễ, nhờ ơn Chúa con lấy lại niềm HY VỌNG đã bị chôn vùi.

1. Gương sáng

Niềm hy vọng của chúng con ở nơi Danh Chúa. Mỗi người Kitô hữu đều đã lãnh nhận ánh sáng của Chúa Kitô trong ngày chịu phép Rửa Tội. Ánh sáng đó phải được tỏa lan ra chung quanh để mọi người nhìn thấy mà ngợi khen Thiên Chúa. Anh em linh mục chúng ta phải là ánh sáng trong đêm tối, là muối giữa những thối nát đồi trụy và là hy vọng giữa con người đang thất vọng. Niềm hy vọng của chúng ta được thể hiện qua đời sống cầu nguyện và phục vụ hằng ngày. Con là linh mục Triều trực thuộc Địa Phận Nữu Ước, nhưng con đang sống và làm việc chung với các cha Dòng Thánh Augustinô tại vùng Bronx, Nữu Ước. Con đã học được nhiều bài học cảm thương trong cuộc sống qua gương sáng của các cha Dòng. Nói vậy, không phải cha Dòng nào cũng có cái tâm tốt giống nhau.

Sống chung trong một cộng đoàn nhỏ ở giáo xứ, con rất mến cha Roberto Terranova, ngài có một trái tim nhân hậu và yêu mến tha nhân, đặc biệt với những người không nhà, không cửa và những người nghiện ngập và bệnh họan. Họ đến với ngài bất cứ lúc nào. Ngài không sợ bị họ quấy rầy. Cha đón tiếp họ với thái độ niềm nở và cảm thông. Nhiều khi con thấy ngài giúp đỡ tiền bạc và dọn bữa cho người nghèo ngay trong phòng ăn nhà xứ. Cha ngồi chia sẻ và hỏi han những khó khăn trong cuộc sống của họ. Tìm nơi cho họ cư trú và gởi họ đi để chữa trị những sự nghiện ngập. Biết rằng cha cũng chẳng giải quyết được gì hơn, nhưng một tấm lòng cảm thông thật đáng qúy. Hằng ngày con cũng thấy và gặp gỡ người nghèo không có nơi ăn chốn ở nhưng con đã không thể làm được. Con đã đưa ra nhiều lý do để từ chối giúp đỡ họ như con thường nghĩ rằng họ lười biếng, nghiện ngập và hút sách…Con muốn phục vụ nhưng sự phục vụ trong tính toán. Con muốn nên thánh nhưng hình như con rất ngại nên thánh vì tấm lòng của con quá hẹp hòi.

2. Bước Theo Thầy

Anh em linh mục chúng ta dĩ nhiên có đích điểm để hướng tới. Chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm điểm và là đích điểm. Chúng ta đừng bao giờ rời xa Chúa Kitô. Ngày xưa thánh Phêrô lo sợ sóng gió đã không ngước nhìn và tin tưởng vào Chúa, ông đã bị chìm. Chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa là nguồn của sự bình an và yêu thương. Có bình an trong tâm hồn, chúng ta sẽ dễ vươn tới những người chung quanh để yêu thương và gắn bó với họ. Giúp đỡ những người cùng khổ, đó chính là niềm hy vọng của chúng ta. Ngày sau, khi phán xét, Chúa chỉ xét đoán chúng ta về những việc chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn nhất của Chúa. Anh em bé mọn lại chính là những người khố rách áo ôm, những người không có nơi nương tựa và là những người bị ruồng bỏ.

Nên thánh đó là một sự phấn đấu không ngừng. Từng giây phút trong cuộc đời đều nhắm về một hướng. Phản ảnh câu truyện của một thanh niên trẻ muốn trở thành thủy thủ. Một hôm trời mưa bão. Anh được lệnh trèo lên cột buồm để sửa lại giây nối. Anh nhìn lên cột buồm và bắt đầu trèo. Anh nhắm tới và trèo lên một cách dễ dàng. Khi anh leo được nửa đoạn, anh nhìn xuống thì qúa sợ hãi vì thấy sóng biển, gió thổi mạnh và thuyền lênh đênh. Anh cảm thấy choáng váng, và hầu té xuống. Vị thuyền trưởng hô lớn: Hãy ngước nhìn lên, hãy ngước nhìn lên. Anh ngước nhìn lên, tiếp tục leo tới đỉnh cột và anh đã hoàn tất công việc một cách an toàn.

3. Hy Vọng

Một điều con nhận ra trong đời phục vụ là nhiều anh em linh mục chúng ta đã an vui với những thành qủa mình đã thực hiện. Cố gắng hoàn tất một ngôi nhà thờ mới, nhà xứ mới và nhà hội mới. Nhìn lại cơ sở và công trình vĩ đại, chúng ta cảm thấy thỏa mãn. Trong khi có biết bao người nghèo xung quanh không được quan tâm. Chúng ta dừng lại đó và vui với quá khứ và hiện tại. Chúng ta biết tuổi trẻ sống vui vì luôn có niềm hy vọng. Người ta nói rằng: Trẻ thì tính từng ngày, từng tháng và từng năm lớn lên trong tuổi đời. Mong cho mau cho tới ngày sinh nhật để ăn mừng. Hỏi em bao nhiêu tuổi? Em trả lời gần 8 tuổi (thực ra moi 7 tuổi rưỡi). Trong khi các ông bà ta lại muôn rút tuổi đi, gần bảy chục rồi. Hỏi bác bao nhiêu tuổi? Bác trả lời, tôi mới ngoài 60. Tuổi trẻ thì mong tới trong khi tuổi già thích nhìn lại. Tuổi già ưa kể truyện cổ tích và truyện thời xưa, Tuổi già thì muốn trao lại kinh nghiệm trường đời cho thế hệ sau. Tuổi trẻ thì tự muốn khám phá những cái mới lạ qua kinh nghiệm của riêng mình.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận viết: “Cuộc đời con người được liên kết bằng những hy vọng. Mỗi nhịp tim nối kết, ngàn vạn nhịp làm thành một sự sống. Phút giây này nối kết phút giây kia, muôn phút giây làm nên một cuộc sống. Sống mỗi phút giây cho tốt và ý nghĩa, đời sẽ có giá trị. Đường hy vọng do mỗi nhịp hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.” Dù tuổi nào đi nữa, chúng ta sẽ không già và không mất niềm hy vọng. Một suy tư cuộc đời: Nếu đang đi trên chiếc tàu, người ta trao cho chúng ta một chiếc ghế. Và để chúng ta tự do quyết định nên đặt ghế hướng về phía trước hay đặt ghế quay lại phía sau tàu để nhìn sóng bọt và rác rến trôi dạt. Có lẽ các bạn cùng đồng ý với tôi là các bạn sẽ đặt ghế hướng về phía trước. Hướng tới một chân trời mới, đối diện với những thách thức mới. Một cuộc mạo hiểm mở ra nơi chúng ta chưa biết. Chính nơi đó chúng ta sẽ bị thách đố và vươn lên trong hy vọng. Biết rằng chúng ta phải đối diện với muôn vàn chông gai và thách thức bất ngờ. Thế giới chúng ta đang sống có nhiều bất ngờ xảy đến. Thời đại văn minh hiện đại có những khuynh hướng và chủ trương của tự do lẻn vào gây rối và tráo đổi giá trị của tất cả những ý nghĩa của cuộc sống. Gây cho bao người rơi vào cảnh hỗn mang và giới trẻ rơi vào bước hững. Họ đã không thể tìm nhận ra giá trị đích thực một cách dễ dàng. Và rồi xâm mình chạy đua với những giá trị giả tạo và phù vân.

4. Sứ Vụ

Con xin chia sẻ vài kinh nghiệm mục vụ tại Giáo Xứ, nơi con đang giúp. Xứ Thánh Nicholas of Tolentine, Bronx, New York. Cộng đoàn Giáo Xứ có ba ngôn ngữ chính: Tiếng Anh, Tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Việt. Trong lớp Giáo Lý chuẩn bị cho các cha mẹ và những người đỡ đầu trong Bí Tích Rửa Tội tại Giáo Xứ. Một kinh nghiệm thực tế không mấy vui. Lớp học có khoảng 20 người nói tiếng Anh (English). Con hỏi qúi ông bà và các anh chị có thường đi dự lễ Chúa Nhật không? Họ trả lời: Thưa không. Họ nói rằng: Họ đã không có thời giờ. Và con bắt đầu nói về giá trị của đời sống gia đình, về vai trò cha mẹ, con cái và xây dựng gia đình tốt, đặc biệt gia đình người công giáo tốt. Họ đã phản ánh cách tiêu cực, vì đề tài không thích hợp với cuộc sống của nhiều người. Có 90 phần trăm, họ sống trong gia đình bất thường, chỉ có mẹ hay chỉ có cha hoặc là cha mẹ sống chung với nhau, không hôn nhân, hoặc bạn bè gặp gỡ qua đường rồi có con. Họ nói tất cả những giá trị đời sống gia đình chỉ là truyền thống. Họ biện minh cho cuộc sống riêng và họ nói rằng họ cảm thấy vui và bình an trong hiện tại. Họ buông xuôi theo trào lưu cuộc sống. Sống trong sự hưởng thụ hiện tại. Cảm thương cho họ vì có thể họ đã thất bại trong tình yêu vì một lần lầm lỡ hay muốn một gia đình êm ấm mà không thể có được.

Con hỏi, qúy anh chị có hướng gì cho tương lai? Họ cười và họ dừng lại đó. Họ phó mặc cho cuộc sống đưa đẩy. Không biết đi về đâu. Không nghĩ về tương lai. Họ sợ trách nhiệm. Sống một cuộc sống tiêu cực và nhiều ưu tư. Cả một thế hệ bị ảnh hưởng qua sự đổi thay nhanh chóng trong thế giới của hưởng thụ và quảng cáo. Sự thoái hóa về luân lý gia đình có thể do những hướng dẫn sai lầm của trào lưu xã hội hoặc chủ trương của các người lãnh đạo. Những giá trị luân lý được đánh giá theo nhu cầu vật chất, kinh tế và hưởng thụ. Một số người có trách nhiệm giáo dục đã đưa ra những cách thế sống quá tự do dựa vào phò sự chọn lựa đã làm băng hoại đời sống. Nhiều đại diện chính quyền chủ trương hợp thức hóa hôn nhân đồng tính và tự do liên hệ tình dục với bao an toàn. Là linh mục và những người lãnh đạo tinh thần, chúng ta có trách nhiệm đối với những người đồng hành. Mỗi việc chúng ta làm và mỗi lời chúng ta nói có sức khuyên dụ và gây ảnh hưởng lớn tới người khác. Đời sống xã hội là một cuộc sống chung có ảnh hưởng lẫn nhau. Xã hội bây giờ đang cần gương sáng hơn là những lời nói suông. Anh em linh mục chúng ta phải là gương mẫu, là đèn chiếu sáng, là men và là muối đem niềm hy vọng cho cuộc sống.

5. Trách Nhiệm

“Không ai là một hòn đảo”. Chúng ta sống là sống cùng và với người khác. Mọi việc chúng ta thực hiện đều có ảnh hưởng đến những người khác. Người càng cao danh vọng ảnh hưởng càng lớn. Một người cha, người mẹ trong gia đình thì ảnh hưởng đến con cái, cháu chắt trong gia đình. Thầy Cô giáo ảnh hưởng tới học sinh. Các cấp chính quyền có ảnh hưởng tới dân chúng trong mọi lãnh vực. Trong vấn đề tinh thần đạo đức và niềm tin, các giám mục, linh mục và tu sĩ có ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta dẫn dắt giáo dân đi sai lạc con đường, hậu quả vô cùng lớn lao. Người ta nói: xảy một li, đi một dặm. Vai trò lãnh đạo tinh thần rất quan trọng, chúng ta phải luôn gắn bó với nguồn chân thật, đó chính là Đức Kitô.

Con kể câu truyện một ông già đã cao niên gần đất xa trời. Ông già yếu mệt trên giường bệnh. Có vẻ ông có gì khúc mắc trong tâm tư chưa được giãi bày. Ông muốn nói điều gì đó trước khi nhắm mắt lìa đời. Ông nói với nguời giúp ông dọn mình: Khi tôi còn trẻ, tôi thường chơi ở ngã tư đường cái, bên khu ruộng gần nhà tôi. Nơi đó có một bảng chỉ đường. Tôi thường chơi nghịch, tôi xoay bảng chỉ đường để đánh lừa nhiều người. Giờ đây, tôi suy nghĩ, không biết bao nhiêu người đã vì bảng chỉ đường này, đã bị lạc và đã gây biết bao nhiêu tai nạn và đã lỡ biết bao nhiêu công việc. Chỉ vì hành động vô ý thức của tôi. Và còn biết bao việc tôi làm và lời tôi nói trong cuộc sống hàng ngày. Những lỗi lầm tôi đã gây ra cho con cái, cháu chắt, hoặc những kẻ chung quanh tôi. Tôi hối hận về tất cả những hành động tôi đã làm. Đây là một lời nhắc nhở mời gọi mỗi người chúng trong cuộc sống, mọi việc dù lớn nhỏ, hành động riêng tư hay công cộng. Lời nói đùa hay thật, đều có ảnh hưởng sâu xa nơi người khác. Làm sao chúng ta có thể rút lại những lời chúng ta đã nói hoặc việc chúng ta đã làm sai.

6. Nhập Cuộc

Linh mục chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn. Chúng ta phải góp công và góp sức để tạo sức mạnh xây dựng. Chúng ta không thể ngồi chờ đợi một cách thụ động hay trốn tránh một cách vô trách nhiệm. Có người chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến và không nhìn chung quanh để chia xẻ gánh vác. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng xã hội tốt đẹp để mọi người cùng hưởng nhờ. Hãy đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Trong cuộc nói truyện với các thính giả tại Hội Trường Đại Học ở California. Ông John Keller đã dùng thí dụ để diễn tả sự cần thiết của gương sáng và lòng tốt của mỗi người. Ông lên tiếng đề nghị rằng: Giờ đây tôi xin tắt tất cả các đèn trong hội trường và tôi sẽ bật lên một diêm quẹt, nếu các bạn thấy ánh sáng, các bạn hô lớn: "Đã thấy". Ông đã tắt điện và bật quẹt, ánh sáng tỏa lan, và mọi người đã hô lớn "đã thấy". Ông tiếp tục: giờ tôi sẽ tắt tất cả các bóng điện và lần này ai có quẹt xin cùng bật lên tất cả. Rồi điện tắt và tất cả các quẹt đã bật sáng. Cả căn phòng chan hoà ánh sáng. Như thế nếu mỗi người chỉ cần góp nhặt một chút ánh sáng, chúng ta sẽ làm cho thế giới đổi khác. Cho dù một việc nhân ái nhỏ bé, cũng đốt lên và soi dọi vào thế giới đen tối này và có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới.

7. Tôn Trọng

Anh em linh mục chúng ta cũng đang có những khó khăn nho nhỏ xảy ra giữa các linh mục với nhau nơi một số cộng đoàn và giáo xứ. Linh mục được gọi là người của Chúa hay của chung. Các linh mục khách được đón mời bất cứ lúc nào và nơi nào trong cộng đoàn giáo dân. Sự hiện diện của linh mục là niềm vui và hãnh diện cho gia đình và cộng đoàn. Linh mục được mời để thăm viếng, chia sẻ những vui buồn và tham dự tiệc vui cùng gia đình, điều này rất hoan nghênh. Ai cũng mong muốn được các linh mục ghé thăm gia đình. Nhưng rồi có một vài điều không được thích hợp cho lắm khi các linh mục cử hành các Bí Tích. Chúng ta biết, các linh mục cần có bài sai (assignment) và năng quyền (faculty) để thi hành chức vụ. Không phải cứ làm linh mục là có thể cử hành mọi Bí Tích.

Con xin có một góp ý nhỏ nhưng rất tế nhị. Trong Năm Thánh Linh Mục, các linh mục cũng cần hỗ trợ nhau trong các sinh hoạt mục vụ cộng đoàn và giáo xứ. Các linh mục đừng dẵm chân lên nhau và hãy tôn trọng lẫn nhau, đừng làm khó cho nhau trong vấn đề điều hành kẻo gây gương xấu cho giáo dân. Mỗi linh mục được lãnh nhận bài sai đến một cộng đoàn hay giáo xứ, linh mục đó chịu trách nhiệm hoàn toàn trước mặt bề trên. Đôi khi vì tình vì nghĩa, các linh mục cử hành các Bí Tích như món quà biếu để đền ơn cho giáo dân thì không chính đáng. Biết rằng người giáo dân thì luôn luôn hãnh diện và vui mừng vì có cha khách nâng đỡ phía sau. Điều này gây rất khó khăn cho những linh mục đang làm việc và phục vụ cộng đoàn. Anh em linh mục nghĩ tình bác ái mà cư xử với nhau cho phải phép. Cách thế ban phát và cử hành các Bí Tích ngoài phạm vi của mình( trừ trường hợp khẩn cấp), không phải là sự giúp đỡ anh em, mà chỉ là tạo sự phiền hà cho các anh em linh mục đang làm việc mục vụ tại địa sở của mình.

Thay lời kết, đây là một vài suy tư góp nhặt, con xin chia sẻ với anh em linh mục trong Năm Thánh Linh Mục này. Con biết rằng mỗi anh em linh mục có những khả năng, chuyên môn và đặc sủng khác nhau. Có những anh em linh mục sống trong môi trường Nhà Dòng, có anh em đi Truyền Giáo, có anh em là giáo sư dạy học nơi các trường Trung Học và Đại Học, có linh mục làm việc nơi Bệnh Viện, có cha chịu trách nhiệm Giáo Dục Giới Trẻ, Giảng Phòng và có cha coi sóc Cộng Đoàn Giáo Xứ… Mỗi anh em linh mục đều có những niềm vui, những khó khăn và những ưu tư trong cuộc sống phải đối diện và phải giải quyết. Nơi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi môi trường có những cách phục vụ trong những môi trường khác nhau nhưng tựu chung chúng ta có cùng một niềm tin, một niềm hy vọng và một hướng đi tới. Cùng đích của chúng ta là gặp gỡ Đức Kitô và ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc bên Chúa đời đời.

Nguyện xin Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm đầu tiên, cũng là Mẹ của mỗi anh em linh mục chúng ta, xin các Ngài cầu thay nguyện giúp chúng ta nên chứng nhân đích thực của Chúa giữa trần gian. Xin Thánh Gioan Maria Vianney là quan thày của các linh mục bầu cử cùng Chúa cho mỗi anh em, để anh em linh mục chúng ta luôn trở thành đèn sáng soi dọi gian trần. Xin Chúa Giêsu Linh Mục ban ơn và chúc lành cho chúng con mọi ngày trong đời sống.

Bronx, New York.