Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ
Cha Gioakim NGUYỄN QUANG MỸ (1910-1977)
Cha Gioakim Nguyễn Quang Mỹ (còn gọi là cha Kim) sinh năm 1910 tại giáo họ Lạng Am, thuộc xứ Nam Am, giáo phận Hải Phòng. Ngài là một linh mục đã trải qua nhiều đau thương nhưng vẫn luôn nhiệt thành và mẫu mực trong đời mục tử.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Đông Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Trong thời kháng chiến, ngài bị chính quyền Việt Minh bắt giam 5 năm (1949-1954). Sau cuộc di cư năm 1954, Đức Giám mục Hải Phòng là Đức cha Giuse Trương Cao Đại và một phần lớn linh mục đã di cư, giáo phận chỉ còn lại 13 linh mục đã già yếu. Phần cha Gioakim Mỹ, sau khi ra tù, đã về làm mục vụ tại xứ Kẻ Sặt, vì lúc đó linh mục chính xứ Kẻ Sặt đã di cư vào miền Nam.
Linh mục Gioakim được mọi người ca tụng như một vị chủ chăn hiền từ, hy sinh tận tuỵ phục vụ đàn chiên. Công việc mục vụ của ngài trải dài trên một nửa tỉnh Hải Dương hiện nay, tức là gồm các giáo xứ: Kẻ Sặt, Đào Xá, Bùi Xá, Phú Lộc, Đồng Bình, Đồng Vạn, Bùi Hòa, Từ Xá, Phương Quan, Ba Đông, Kẻ Bượi. Với phương tiện lúc bấy giờ chỉ là một chiếc xe đạp cũ, cha Gioakim vẫn nhiệt thành trong công việc. Ngài thường xuyên di chuyển từ xứ này tới xứ khác trong suốt tuần để “làm phúc”.
Nhưng những gian lao khốn khó nhất mà cha Gioakim đã phải chịu là những cáo buộc trong thời cải cách ruộng đất năm 1955. Theo “chỉ tiêu” của Nhà Nước, nhiều làng xã đã có những người dân lành bị kết án “địa chủ”, bị đấu tố và xử bắn công khai cho dân khiếp sợ. Cha Gioakim đã bị đấu tố, nhục mạ và vu khống đủ mọi điều xấu xa. Ngài bị cấm không được tiếp xúc với giáo dân. Có người giáo dân trong làng Kẻ Sặt đã bị cán bộ cải cách mua chuộc và dàn dựng để vu khống cho ngài. Vào thời điểm “nhất đội nhì trời” này, những liên lạc với người bị quy tội địa chủ hoặc các cha các thày, có thể là nguyên nhân của mọi vu khống và tố giác. Người ta nghi ngờ nhau, ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình hay những người sống cùng một xóm. Có nhiều người thương muốn giúp đỡ cha Gioakim, phải âm thầm mang cá kho, gạo hoặc thức ăn để ở tòa giải tội, để ngài mang về nhà xứ. Sau này, kể lại những kinh nghiệm đau thương của giai đoạn cải cách ruộng đất, ngài thường gọi đó là “thời của hỏa ngục và ma quỷ”.
Cha Gioakim cũng lo lắng cho việc vun trồng ơn gọi linh mục cho tương lai. Ngài nuôi rất nhiều các chú giúp lễ, nhưng vào thời đó không có chủng viện, nên các chú giúp lễ khi lớn lên không còn lựa chọn nào khác là về sống bậc gia đình. Trong số những con cái thiêng liêng của cha già Gioakim, có cha Giuse Phạm Văn Dương (đã qua đời năm 2001) và Đức cha Giuse, Giám mục Hải Phòng hiện nay. Những cậu giúp lễ, những cô ca đoàn thời cha Gioakim xưa kia, hiện nay vẫn quy tụ với nhau thành hội đoàn, với thao thức lưu giữ những kỷ niệm và gương sáng của ngài.
Vào năm 1976, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo đau nặng, các linh mục trong giáo phận đã mời cha Gioakim về Tòa Giám mục với tư cách là linh mục niên trưởng, để điều hành giáo phận trong khi Đức cha Phêrô Maria đau bệnh. Sau 21 năm phục vụ giáo xứ Kẻ Sặt, cha già Gioakim đã về Hải Phòng tháng 06 năm 1977. Ngày 18-8-1977, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo qua đời. Sau đó, cha Gioakim cũng ốm đau bệnh tật triền miên và ngài đã yên nghỉ trong Chúa ngày 23-11-1977, tại bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng. Thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang Kẻ Sặt, giữa những người giáo dân mà ngài đã suốt đời hy sinh tận tâm để phục vụ.
Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ là nhân chứng cho những khó khăn khốc liệt một thời của Giáo Hội miền Bắc. Ngài cũng là tấm gương hy sinh đối với các linh mục trong sự nhiệt tâm phục vụ các linh hồn. Ước mong việc nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp của ngài nhân Năm Linh mục sẽ giúp cho các linh mục hôm nay thêm lòng nhiệt thành tận tuỵ phục vụ các linh hồn.
Cha Gioakim Nguyễn Quang Mỹ (còn gọi là cha Kim) sinh năm 1910 tại giáo họ Lạng Am, thuộc xứ Nam Am, giáo phận Hải Phòng. Ngài là một linh mục đã trải qua nhiều đau thương nhưng vẫn luôn nhiệt thành và mẫu mực trong đời mục tử.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Đông Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Trong thời kháng chiến, ngài bị chính quyền Việt Minh bắt giam 5 năm (1949-1954). Sau cuộc di cư năm 1954, Đức Giám mục Hải Phòng là Đức cha Giuse Trương Cao Đại và một phần lớn linh mục đã di cư, giáo phận chỉ còn lại 13 linh mục đã già yếu. Phần cha Gioakim Mỹ, sau khi ra tù, đã về làm mục vụ tại xứ Kẻ Sặt, vì lúc đó linh mục chính xứ Kẻ Sặt đã di cư vào miền Nam.
Linh mục Gioakim được mọi người ca tụng như một vị chủ chăn hiền từ, hy sinh tận tuỵ phục vụ đàn chiên. Công việc mục vụ của ngài trải dài trên một nửa tỉnh Hải Dương hiện nay, tức là gồm các giáo xứ: Kẻ Sặt, Đào Xá, Bùi Xá, Phú Lộc, Đồng Bình, Đồng Vạn, Bùi Hòa, Từ Xá, Phương Quan, Ba Đông, Kẻ Bượi. Với phương tiện lúc bấy giờ chỉ là một chiếc xe đạp cũ, cha Gioakim vẫn nhiệt thành trong công việc. Ngài thường xuyên di chuyển từ xứ này tới xứ khác trong suốt tuần để “làm phúc”.
Nhưng những gian lao khốn khó nhất mà cha Gioakim đã phải chịu là những cáo buộc trong thời cải cách ruộng đất năm 1955. Theo “chỉ tiêu” của Nhà Nước, nhiều làng xã đã có những người dân lành bị kết án “địa chủ”, bị đấu tố và xử bắn công khai cho dân khiếp sợ. Cha Gioakim đã bị đấu tố, nhục mạ và vu khống đủ mọi điều xấu xa. Ngài bị cấm không được tiếp xúc với giáo dân. Có người giáo dân trong làng Kẻ Sặt đã bị cán bộ cải cách mua chuộc và dàn dựng để vu khống cho ngài. Vào thời điểm “nhất đội nhì trời” này, những liên lạc với người bị quy tội địa chủ hoặc các cha các thày, có thể là nguyên nhân của mọi vu khống và tố giác. Người ta nghi ngờ nhau, ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình hay những người sống cùng một xóm. Có nhiều người thương muốn giúp đỡ cha Gioakim, phải âm thầm mang cá kho, gạo hoặc thức ăn để ở tòa giải tội, để ngài mang về nhà xứ. Sau này, kể lại những kinh nghiệm đau thương của giai đoạn cải cách ruộng đất, ngài thường gọi đó là “thời của hỏa ngục và ma quỷ”.
Cha Gioakim cũng lo lắng cho việc vun trồng ơn gọi linh mục cho tương lai. Ngài nuôi rất nhiều các chú giúp lễ, nhưng vào thời đó không có chủng viện, nên các chú giúp lễ khi lớn lên không còn lựa chọn nào khác là về sống bậc gia đình. Trong số những con cái thiêng liêng của cha già Gioakim, có cha Giuse Phạm Văn Dương (đã qua đời năm 2001) và Đức cha Giuse, Giám mục Hải Phòng hiện nay. Những cậu giúp lễ, những cô ca đoàn thời cha Gioakim xưa kia, hiện nay vẫn quy tụ với nhau thành hội đoàn, với thao thức lưu giữ những kỷ niệm và gương sáng của ngài.
Vào năm 1976, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo đau nặng, các linh mục trong giáo phận đã mời cha Gioakim về Tòa Giám mục với tư cách là linh mục niên trưởng, để điều hành giáo phận trong khi Đức cha Phêrô Maria đau bệnh. Sau 21 năm phục vụ giáo xứ Kẻ Sặt, cha già Gioakim đã về Hải Phòng tháng 06 năm 1977. Ngày 18-8-1977, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo qua đời. Sau đó, cha Gioakim cũng ốm đau bệnh tật triền miên và ngài đã yên nghỉ trong Chúa ngày 23-11-1977, tại bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng. Thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang Kẻ Sặt, giữa những người giáo dân mà ngài đã suốt đời hy sinh tận tâm để phục vụ.
Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ là nhân chứng cho những khó khăn khốc liệt một thời của Giáo Hội miền Bắc. Ngài cũng là tấm gương hy sinh đối với các linh mục trong sự nhiệt tâm phục vụ các linh hồn. Ước mong việc nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp của ngài nhân Năm Linh mục sẽ giúp cho các linh mục hôm nay thêm lòng nhiệt thành tận tuỵ phục vụ các linh hồn.