Nguyên tắc, một khi được nội tâm hóa, chắc chắn sẽ dẫn tới một điều gì đó. Chúng thúc đẩy ta hành động, suy nghĩ, lựa chọn. Người có nguyên tắc luôn có một thế đứng, biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Nguyên tắc luôn dẫn người có nó đến một chỗ nào đó, vì một mục tiêu nào đó, làm một điều gì đó, hay nhất định không làm điều gì đó.
Tháng 6 năm 1998, khi cho công bố tài liệu "Sharing Catholic Social Teaching: Challenges and Directions--Reflections of the U.S. Catholic Bishops", một tài liệu mời gọi người Công Giáo Hoa Kỳ chú ý tới sự hiện hữu của các nguyên tắc xã hội Công Giáo, các giám mục Hoa Kỳ cho hay: “Rất nhiều người Công Giáo không quen thuộc với các nguyên tắc này” và “không hiểu một cách thỏa đáng rằng giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là một phần yếu tính của đức tin Công Giáo”.
Thiển nghĩ, nhận định trên không chỉ đúng cho người Công Giáo Hoa Kỳ, mà còn đúng cho mọi người Công Giáo nói chung, trong đó, có người Công Giáo Việt Nam. Theo linh mục William J. Byron S.J., cựu chủ tịch Đại Học Công Giáo America, và là giáo sư môn Trách Nhiệm Xã Hội Của Kinh Doanh tại Đại Học Georgetown, thì lý do của hiện tượng đáng buồn ấy chính là: các nguyên tắc làm căn bản cho học thuyết xã hội Công Giáo đã không được phát biểu một cách rành mạch và được cô đọng một cách tiện dụng. Nó không được “đóng gói” một cách gọn gàng cho mục tiêu giáo lý như Mười Giới Răn hay Bẩy Bí Tích. Trong khi hầu như người Công Giáo nào cũng có thể thuộc lòng vanh vách Tám Mối Phúc Thật và liệt kê ngon lành đủ bốn nhân đức chính, nhưng ít ai có thể trả lời được câu hỏi sau: các nguyên tắc xã hội Công Giáo nào được công nhận là thành phần cốt yếu của đức tin? Chỉ khi nào họ trả lời một cách thuộc lòng câu hỏi ấy, họ mới có thể hành động đúng và có ý thức về phương diện xã hội.
Linh mục Byron cũng nhận định thêm rằng: nói đến học thuyết xã hội, nhiều người chỉ nghĩ tới phương diện kinh tế. Thực ra, không hẳn thế, học thuyết xã hội đụng tới nhiều vấn đề khác nữa như gia đình, tôn giáo, xã hội, chính trị, kỹ thuật, giải trí, văn hóa… Chính vì thế, dựa vào các tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về học thuyết xã hội Công Giáo, linh mục Byron (1) đã gạn lọc ra mười nguyên tắc sau đây:
1. Nguyên tắc nhân phẩm
“Mọi hữu thể nhân bản đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc và do đó, họ vô giá và đáng được tôn trọng như là thành viên trong gia đình nhân loại” (Reflections, p.1).
Đấy là nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo. Mọi người, bất luận nòi giống, phái tính, tuổi tác, quốc tịch, tôn giáo, xu hướng tính dục, địa vị việc làm hay kinh tế, sức khỏe, trí khôn, thành tựu hay bất cứ đặc điểm cá biệt nào khác, đều đáng được kính trọng. Không phải vì họ làm được điều này điều nọ hay vì họ là ông nọ bà kia; mà chỉ vì họ là người, nên họ có phẩm giá. Dưới cái nhìn Công Giáo, chính vì phẩm giá này, con người không bao giờ là một phương tiện, mà luôn là một cùng đích.
Học thuyết xã hội Công Giáo mở cửa với con người nhân bản, nhưng nó không đóng cửa ở đấy. Cá nhân có phẩm giá, nhưng chủ nghĩa cá nhân không có chỗ đứng trong học thuyết xã hội Công Giáo. Nguyên tắc nhân phẩm đem lại cho con người quyền thuộc về một cộng đồng. Cộng đồng ấy chính là gia đình nhân loại.
2. Nguyên tắc tôn trọng sự sống nhân bản
"Mọi người, từ lúc được tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên, đều có phẩm giá nội tại và quyền được sống phù hợp với phẩm giá ấy” (Reflections, pp. 1-2).
Sự sống nhân bản, ở mọi giai đoạn phát triển và thoái hóa, đều qúy giá và do đó đáng được bảo vệ và tôn trọng. Trực tiếp tấn công sự sống của người vô tội luôn luôn là điều xấu. Truyền thống Công Giáo vẫn coi tính thánh thiêng của sự sống con người là thành phần của bất cứ quan điểm luân lý nào của một xã hội công bình và tốt đẹp.
3. Nguyên tắc hiệp hội
"Truyền thống của chúng ta tuyên xưng rằng con người không chỉ thánh thiêng mà còn có tính xã hội nữa. Phương cách ta tổ chức xã hội về kinh tế, chính trị, luật pháp và chính sách trực tiếp có ảnh hưởng tới nhân phẩm và khả năng phát triển của cá nhân trong cộng đồng” (Reflections, p.4).
Đơn vị căn bản của xã hội là gia đình; nên cần phải luôn luôn bảo vệ sự ổn định của đơn vị này, không bao giờ được phá hoại nó. Nhờ liên hiệp với người khác trong gia đình và trong các định chế xã hội khác, là những định chế nhằm cổ vũ sự phát triển, bảo vệ phẩm giá, phát huy thiện ích chung, con người mới đạt được sự thành toàn của mình.
4. Nguyên tắc tham gia
"Chúng ta tin rằng con người có quyền và bổn phận phải tham gia vào xã hội, cùng nhau mưu cầu thiện ích chung và phúc lợi cho mọi người, nhất là người nghèo và cô thế” (Reflections, p.5).
Không có sự tham gia, người ta không thể thể hiện được các phúc lợi dành cho cá nhân xuyên qua các định chế xã hội. Con người nhân bản có quyền tham gia vào bất cứ định chế nào được coi là thiết yếu cho việc thành toàn của họ về phương diện nhân bản. Nguyên tắc này áp dụng đặc biệt vào các điều kiện liên quan tới việc làm. “Việc làm không phải chỉ là một cách kiếm sống đặc biệt; nó thực sự là một hình thức liên tục tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu người ta muốn bảo vệ phẩm giá của việc làm, thì họ phải bảo vệ các quyền căn bản của công nhân, tức quyền có việc làm tạo ra của cải, quyền có lương bổng xứng đáng và công bằng, quyền được tổ chức và gia nhập công đoàn, quyền tư hữu, và quyền có sáng kiến kinh tế” (Reflections, p.5).
5. Nguyên tắc ưu tiên chọn người nghèo và người cô thế
"Trong một xã hội bị phân hóa trầm trọng giữa giầu và nghèo, truyền thống của ta vốn nhắc nhớ câu truyện về ngày phán xét chung (Mt 25:31-46) và dạy ta đặt nhu cầu người nghèo và người cô thế lên hàng đầu” (Reflections, p.5).
Tại sao thế? Vì thiện ích chung, tức thiện ích của xã hội như một toàn thể, đòi hỏi điều ấy. Ngược với giầu có và quyền thế là nghèo nàn và bất lực. Nếu muốn cho thiện ích chung thắng thế, thì việc ưu tiên bảo vệ phải hướng về những người cô thế và nghèo khổ. Nếu không, sự cân bằng cần có để giữ cho xã hội tồn tại sẽ bị bẻ gẫy, rất có hại cho mọi người.
6. Nguyên tắc liên đới
"Giáo huấn xã hội Công Giáo tuyên bố rằng chúng ta là những người trông nom anh chị em ta, bất cứ họ sinh sống ở đâu. Chúng ta là một gia đình nhân loại… Học thực hành nhân đức liên đới là học biết rằng việc ‘yêu người lân cận của ta’ có chiều kích hoàn cầu trong một thế giới liên lập” (Reflections, p.5).
Nguyên tắc liên đới có chức năng như một phạm trù luân lý dẫn tới các chọn lựa giúp ta phát huy và bảo vệ thiện ích chung.
7. Nguyên tắc quản lý
"Truyền thống Công Giáo nhấn mạnh rằng ta tỏ lòng kính trọng Đấng Hóa Công bằng cách quản lý tốt công trình tạo dựng của Người” (Reflections, p. 6).
Người quản lý là người trông nom, quản trị, chứ không phải chủ nhân. Trong một thời đại mỗi ngày người ta càng ý thức hơn về môi trường vật lý, truyền thống của ta mời gọi ta phải có một cảm thức trách nhiệm luân lý đối với việc bảo vệ môi trường: đất trồng ngũ cốc, đất trồng cỏ, đất trồng rừng, không khí, nguồn nước, nguồn khoáng sản và các nguồn dự trữ thiên nhiên khác. Trách nhiệm quản lý cũng đòi ta phải lưu ý tới việc sử dụng các tài năng bản thân, lưu tâm tới sức khoẻ bản thân cũng như việc sử dụng của cải bản thân.
8. Nguyên tắc phụ đới
Nguyên tắc này liên quan tới “các trách nhiệm và giới hạn của chính quyền, và vai trò thiết yếu của các cơ quan tự nguyện” (Reflections, p.6).
Nguyên tắc phụ đới đặt giới hạn đặc thù cho chính phủ bằng cách nhấn mạnh rằng các tổ chức ở bình diện cao hơn không nên thực hiện bất cứ chức năng nào có thể được một tổ chức ở bình diện thấp hơn thực hiện một cách có hiệu quả và có hiệu năng, nhờ những con người cá thể hay từng nhóm sống gần gũi với các vấn đề ấy hơn. Các chính phủ áp bức luôn vi phạm nguyên tắc phụ đới này; các chính phủ quá cường điệu (overactive) cũng thường vi phạm nguyên tắc này.
Tất cả 8 nguyên tắc trên đều được rút ra từ tài liệu tương đối ngắn "Reflections of the U.S. Catholic Bishops," đã kể trên đây. Ngoài ra, kèm theo tài liệu này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có cho công bố bản "Summary Report of the Task Force on Catholic Social Teaching and Catholic Education". Tài liệu đính kèm này đưa ra thêm 2 nguyên tắc nữa. Đó là:
9. Nguyên tắc bình đẳng
"Sự bình đẳng của mọi người phát sinh từ phẩm giá có tính yếu tính của họ… Dù các dị biệt về tài năng là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng việc kỳ thị có tính xã hội và văn hóa trong các quyền căn bản… không phù hợp với kế sách của Người” ("Summary," pp. 23-4).
Cư sử bình đẳng với những người bình đẳng chính là một cách định nghĩa công lý mà truyền thống vẫn coi có nghĩa là phải trả cho mỗi người phần của họ đáng được. Nằm dưới ý niệm bình đẳng là nguyên tắc phải lẽ (fairness); một trong những thúc đẩy luân lý sớm nhất được con người nhân bản đang phát triển cảm nhận chính là cảm thức về điều “phải lẽ” và không “phải lẽ”.
10. Nguyên tắc thiện ích chung
"Thiện ích chung (common good) được hiểu là các điều kiện xã hội giúp người ta vươn tới các tiềm năng nhân bản đầy đủ của họ và thể hiện được nhân phẩm của họ” ("Summary," p. 25).
Các điều kiện xã hội này giả thiết phải có sự “tôn trọng con người”, “phúc lợi và sự phát triển của nhóm về phương diện xã hội” và việc duy trì thẩm quyền công cộng nhằm gìn giữ “hòa bình và an ninh”. Ngày nay, “trong thời đại liên lập có tính hoàn cầu”, nguyên tắc thiện ích chung có ý nói tới “nhu cầu cần có các cơ cấu quốc tế có khả năng cổ vũ sự phát triển có tính công chính toàn bộ gia đình nhân loại, bất luận các biên giới miền và quốc gia”. Điều gì tạo nên ích chung là vấn đề vẫn còn đang tranh cãi. Tuy nhiên, nếu người ta vô tình đối với ích chung, thì đó là dấu hiệu xã hội ấy đang đi xuống, cần được giúp đỡ. Khi cảm thức về cộng đoàn mai một đi, thì quan tâm đối với ích chung cũng đi xuống. Một quan tâm có tính cộng đoàn thực sự chính là đối cực của chủ nghĩa duy cá nhân quá khích, một chủ nghĩa, cũng giống như tính vị kỷ vô độ trong các tương quan liên bản vị, sẽ phá sập sự cân bằng, sự hòa hợp và hòa bình giữa các nhóm, các lân bang hàng xóm, các miền và các quốc gia với nhau.
Đối với cả hai văn kiện trên, người ta có thể thêm nguyên tắc công lý và nguyên tắc tư hữu và điều các văn kiện này gọi là “đích điểm phổ quát của của cải” (universal destination of goods). Điều này có nghĩa: trong ý định của Thiên Chúa, mọi của cải trên thế giới đều được dành cho mọi người hưởng dùng. Tuy nhiên, cả hai nguyên tắc này đều đã được hàm nghĩa sẵn trong các nguyên tắc vừa liệt kê.
Thực ra, các hạn từ thể tài, chủ đề hay nguyên tắc vốn được nhiều người dùng lẫn lộn với nhau. Hạn từ giá trị cũng thế, nó thường được dùng lẫn lộn với hạn từ nguyên tắc. Nhưng nguyên tắc hàm nghĩa dẫn tới một điều gì, trong khi giá trị thường thúc đẩy người ta hành động một cách nhất quán với những gì họ trân quí coi như có giá trị, với những gì họ cho là đáng thì giờ, tiền bạc hay tài năng của họ. Tuy nhiên, cả hai đều không dẫn người ta tới đâu nếu chỉ là những ý tưởng trừu tượng, được tô vẽ trên giấy, không được con người nhân bản nội tâm hóa và ấp ủ trong tâm hồn. Khuyến khích việc nội tâm hóa các nguyên tắc này là một thách đố sư phạm lớn lao. Để dễ dàng cho diễn trình nội tâm hóa ấy, cần nhấn mạnh tới mười nguyên tắc ngắn gọn về con người nhân bản, sự sống nhân bản, hiệp hội, tham gia, ưu tiên chọn người nghèo, liên đới, quản lý, phụ đới, bình đẳng và ích chung. Nhiều người còn có sáng kiến dùng các vần đầu của các chữ trên tạo ra một từ duy nhất dễ nhớ mà có nghĩa. Nhiều người khác liên tưởng các nguyên tắc này với những nhân vật thời danh trong Giáo Hội như Dorothy Day, Đức Hồng Y Joseph Bernerdin, Mẹ Têrêxa… Khi khai triển các nguyên tắc này, nhiều người trích dẫn các bậc trí giả vĩ đại của Giáo Hội như Thánh Kim Khẩu, Thánh Ambrôsiô, Thánh Tôma Tiến Sĩ hay các nhà tư tưởng Công Giáo gần đây. Làm thế nào, để người tín hữu thuộc lòng chúng cũng như họ từng thuộc lòng các Kinh Tin Kính hay Lạy Cha, Kính Mừng…
(1) Ten Building Blocks of Catholic Social Teaching, America, Oct. 31, 1998
Tháng 6 năm 1998, khi cho công bố tài liệu "Sharing Catholic Social Teaching: Challenges and Directions--Reflections of the U.S. Catholic Bishops", một tài liệu mời gọi người Công Giáo Hoa Kỳ chú ý tới sự hiện hữu của các nguyên tắc xã hội Công Giáo, các giám mục Hoa Kỳ cho hay: “Rất nhiều người Công Giáo không quen thuộc với các nguyên tắc này” và “không hiểu một cách thỏa đáng rằng giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là một phần yếu tính của đức tin Công Giáo”.
Thiển nghĩ, nhận định trên không chỉ đúng cho người Công Giáo Hoa Kỳ, mà còn đúng cho mọi người Công Giáo nói chung, trong đó, có người Công Giáo Việt Nam. Theo linh mục William J. Byron S.J., cựu chủ tịch Đại Học Công Giáo America, và là giáo sư môn Trách Nhiệm Xã Hội Của Kinh Doanh tại Đại Học Georgetown, thì lý do của hiện tượng đáng buồn ấy chính là: các nguyên tắc làm căn bản cho học thuyết xã hội Công Giáo đã không được phát biểu một cách rành mạch và được cô đọng một cách tiện dụng. Nó không được “đóng gói” một cách gọn gàng cho mục tiêu giáo lý như Mười Giới Răn hay Bẩy Bí Tích. Trong khi hầu như người Công Giáo nào cũng có thể thuộc lòng vanh vách Tám Mối Phúc Thật và liệt kê ngon lành đủ bốn nhân đức chính, nhưng ít ai có thể trả lời được câu hỏi sau: các nguyên tắc xã hội Công Giáo nào được công nhận là thành phần cốt yếu của đức tin? Chỉ khi nào họ trả lời một cách thuộc lòng câu hỏi ấy, họ mới có thể hành động đúng và có ý thức về phương diện xã hội.
Linh mục Byron cũng nhận định thêm rằng: nói đến học thuyết xã hội, nhiều người chỉ nghĩ tới phương diện kinh tế. Thực ra, không hẳn thế, học thuyết xã hội đụng tới nhiều vấn đề khác nữa như gia đình, tôn giáo, xã hội, chính trị, kỹ thuật, giải trí, văn hóa… Chính vì thế, dựa vào các tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về học thuyết xã hội Công Giáo, linh mục Byron (1) đã gạn lọc ra mười nguyên tắc sau đây:
1. Nguyên tắc nhân phẩm
“Mọi hữu thể nhân bản đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc và do đó, họ vô giá và đáng được tôn trọng như là thành viên trong gia đình nhân loại” (Reflections, p.1).
Đấy là nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo. Mọi người, bất luận nòi giống, phái tính, tuổi tác, quốc tịch, tôn giáo, xu hướng tính dục, địa vị việc làm hay kinh tế, sức khỏe, trí khôn, thành tựu hay bất cứ đặc điểm cá biệt nào khác, đều đáng được kính trọng. Không phải vì họ làm được điều này điều nọ hay vì họ là ông nọ bà kia; mà chỉ vì họ là người, nên họ có phẩm giá. Dưới cái nhìn Công Giáo, chính vì phẩm giá này, con người không bao giờ là một phương tiện, mà luôn là một cùng đích.
Học thuyết xã hội Công Giáo mở cửa với con người nhân bản, nhưng nó không đóng cửa ở đấy. Cá nhân có phẩm giá, nhưng chủ nghĩa cá nhân không có chỗ đứng trong học thuyết xã hội Công Giáo. Nguyên tắc nhân phẩm đem lại cho con người quyền thuộc về một cộng đồng. Cộng đồng ấy chính là gia đình nhân loại.
2. Nguyên tắc tôn trọng sự sống nhân bản
"Mọi người, từ lúc được tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên, đều có phẩm giá nội tại và quyền được sống phù hợp với phẩm giá ấy” (Reflections, pp. 1-2).
Sự sống nhân bản, ở mọi giai đoạn phát triển và thoái hóa, đều qúy giá và do đó đáng được bảo vệ và tôn trọng. Trực tiếp tấn công sự sống của người vô tội luôn luôn là điều xấu. Truyền thống Công Giáo vẫn coi tính thánh thiêng của sự sống con người là thành phần của bất cứ quan điểm luân lý nào của một xã hội công bình và tốt đẹp.
3. Nguyên tắc hiệp hội
"Truyền thống của chúng ta tuyên xưng rằng con người không chỉ thánh thiêng mà còn có tính xã hội nữa. Phương cách ta tổ chức xã hội về kinh tế, chính trị, luật pháp và chính sách trực tiếp có ảnh hưởng tới nhân phẩm và khả năng phát triển của cá nhân trong cộng đồng” (Reflections, p.4).
Đơn vị căn bản của xã hội là gia đình; nên cần phải luôn luôn bảo vệ sự ổn định của đơn vị này, không bao giờ được phá hoại nó. Nhờ liên hiệp với người khác trong gia đình và trong các định chế xã hội khác, là những định chế nhằm cổ vũ sự phát triển, bảo vệ phẩm giá, phát huy thiện ích chung, con người mới đạt được sự thành toàn của mình.
4. Nguyên tắc tham gia
"Chúng ta tin rằng con người có quyền và bổn phận phải tham gia vào xã hội, cùng nhau mưu cầu thiện ích chung và phúc lợi cho mọi người, nhất là người nghèo và cô thế” (Reflections, p.5).
Không có sự tham gia, người ta không thể thể hiện được các phúc lợi dành cho cá nhân xuyên qua các định chế xã hội. Con người nhân bản có quyền tham gia vào bất cứ định chế nào được coi là thiết yếu cho việc thành toàn của họ về phương diện nhân bản. Nguyên tắc này áp dụng đặc biệt vào các điều kiện liên quan tới việc làm. “Việc làm không phải chỉ là một cách kiếm sống đặc biệt; nó thực sự là một hình thức liên tục tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu người ta muốn bảo vệ phẩm giá của việc làm, thì họ phải bảo vệ các quyền căn bản của công nhân, tức quyền có việc làm tạo ra của cải, quyền có lương bổng xứng đáng và công bằng, quyền được tổ chức và gia nhập công đoàn, quyền tư hữu, và quyền có sáng kiến kinh tế” (Reflections, p.5).
5. Nguyên tắc ưu tiên chọn người nghèo và người cô thế
"Trong một xã hội bị phân hóa trầm trọng giữa giầu và nghèo, truyền thống của ta vốn nhắc nhớ câu truyện về ngày phán xét chung (Mt 25:31-46) và dạy ta đặt nhu cầu người nghèo và người cô thế lên hàng đầu” (Reflections, p.5).
Tại sao thế? Vì thiện ích chung, tức thiện ích của xã hội như một toàn thể, đòi hỏi điều ấy. Ngược với giầu có và quyền thế là nghèo nàn và bất lực. Nếu muốn cho thiện ích chung thắng thế, thì việc ưu tiên bảo vệ phải hướng về những người cô thế và nghèo khổ. Nếu không, sự cân bằng cần có để giữ cho xã hội tồn tại sẽ bị bẻ gẫy, rất có hại cho mọi người.
6. Nguyên tắc liên đới
"Giáo huấn xã hội Công Giáo tuyên bố rằng chúng ta là những người trông nom anh chị em ta, bất cứ họ sinh sống ở đâu. Chúng ta là một gia đình nhân loại… Học thực hành nhân đức liên đới là học biết rằng việc ‘yêu người lân cận của ta’ có chiều kích hoàn cầu trong một thế giới liên lập” (Reflections, p.5).
Nguyên tắc liên đới có chức năng như một phạm trù luân lý dẫn tới các chọn lựa giúp ta phát huy và bảo vệ thiện ích chung.
7. Nguyên tắc quản lý
"Truyền thống Công Giáo nhấn mạnh rằng ta tỏ lòng kính trọng Đấng Hóa Công bằng cách quản lý tốt công trình tạo dựng của Người” (Reflections, p. 6).
Người quản lý là người trông nom, quản trị, chứ không phải chủ nhân. Trong một thời đại mỗi ngày người ta càng ý thức hơn về môi trường vật lý, truyền thống của ta mời gọi ta phải có một cảm thức trách nhiệm luân lý đối với việc bảo vệ môi trường: đất trồng ngũ cốc, đất trồng cỏ, đất trồng rừng, không khí, nguồn nước, nguồn khoáng sản và các nguồn dự trữ thiên nhiên khác. Trách nhiệm quản lý cũng đòi ta phải lưu ý tới việc sử dụng các tài năng bản thân, lưu tâm tới sức khoẻ bản thân cũng như việc sử dụng của cải bản thân.
8. Nguyên tắc phụ đới
Nguyên tắc này liên quan tới “các trách nhiệm và giới hạn của chính quyền, và vai trò thiết yếu của các cơ quan tự nguyện” (Reflections, p.6).
Nguyên tắc phụ đới đặt giới hạn đặc thù cho chính phủ bằng cách nhấn mạnh rằng các tổ chức ở bình diện cao hơn không nên thực hiện bất cứ chức năng nào có thể được một tổ chức ở bình diện thấp hơn thực hiện một cách có hiệu quả và có hiệu năng, nhờ những con người cá thể hay từng nhóm sống gần gũi với các vấn đề ấy hơn. Các chính phủ áp bức luôn vi phạm nguyên tắc phụ đới này; các chính phủ quá cường điệu (overactive) cũng thường vi phạm nguyên tắc này.
Tất cả 8 nguyên tắc trên đều được rút ra từ tài liệu tương đối ngắn "Reflections of the U.S. Catholic Bishops," đã kể trên đây. Ngoài ra, kèm theo tài liệu này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có cho công bố bản "Summary Report of the Task Force on Catholic Social Teaching and Catholic Education". Tài liệu đính kèm này đưa ra thêm 2 nguyên tắc nữa. Đó là:
9. Nguyên tắc bình đẳng
"Sự bình đẳng của mọi người phát sinh từ phẩm giá có tính yếu tính của họ… Dù các dị biệt về tài năng là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng việc kỳ thị có tính xã hội và văn hóa trong các quyền căn bản… không phù hợp với kế sách của Người” ("Summary," pp. 23-4).
Cư sử bình đẳng với những người bình đẳng chính là một cách định nghĩa công lý mà truyền thống vẫn coi có nghĩa là phải trả cho mỗi người phần của họ đáng được. Nằm dưới ý niệm bình đẳng là nguyên tắc phải lẽ (fairness); một trong những thúc đẩy luân lý sớm nhất được con người nhân bản đang phát triển cảm nhận chính là cảm thức về điều “phải lẽ” và không “phải lẽ”.
10. Nguyên tắc thiện ích chung
"Thiện ích chung (common good) được hiểu là các điều kiện xã hội giúp người ta vươn tới các tiềm năng nhân bản đầy đủ của họ và thể hiện được nhân phẩm của họ” ("Summary," p. 25).
Các điều kiện xã hội này giả thiết phải có sự “tôn trọng con người”, “phúc lợi và sự phát triển của nhóm về phương diện xã hội” và việc duy trì thẩm quyền công cộng nhằm gìn giữ “hòa bình và an ninh”. Ngày nay, “trong thời đại liên lập có tính hoàn cầu”, nguyên tắc thiện ích chung có ý nói tới “nhu cầu cần có các cơ cấu quốc tế có khả năng cổ vũ sự phát triển có tính công chính toàn bộ gia đình nhân loại, bất luận các biên giới miền và quốc gia”. Điều gì tạo nên ích chung là vấn đề vẫn còn đang tranh cãi. Tuy nhiên, nếu người ta vô tình đối với ích chung, thì đó là dấu hiệu xã hội ấy đang đi xuống, cần được giúp đỡ. Khi cảm thức về cộng đoàn mai một đi, thì quan tâm đối với ích chung cũng đi xuống. Một quan tâm có tính cộng đoàn thực sự chính là đối cực của chủ nghĩa duy cá nhân quá khích, một chủ nghĩa, cũng giống như tính vị kỷ vô độ trong các tương quan liên bản vị, sẽ phá sập sự cân bằng, sự hòa hợp và hòa bình giữa các nhóm, các lân bang hàng xóm, các miền và các quốc gia với nhau.
Đối với cả hai văn kiện trên, người ta có thể thêm nguyên tắc công lý và nguyên tắc tư hữu và điều các văn kiện này gọi là “đích điểm phổ quát của của cải” (universal destination of goods). Điều này có nghĩa: trong ý định của Thiên Chúa, mọi của cải trên thế giới đều được dành cho mọi người hưởng dùng. Tuy nhiên, cả hai nguyên tắc này đều đã được hàm nghĩa sẵn trong các nguyên tắc vừa liệt kê.
Thực ra, các hạn từ thể tài, chủ đề hay nguyên tắc vốn được nhiều người dùng lẫn lộn với nhau. Hạn từ giá trị cũng thế, nó thường được dùng lẫn lộn với hạn từ nguyên tắc. Nhưng nguyên tắc hàm nghĩa dẫn tới một điều gì, trong khi giá trị thường thúc đẩy người ta hành động một cách nhất quán với những gì họ trân quí coi như có giá trị, với những gì họ cho là đáng thì giờ, tiền bạc hay tài năng của họ. Tuy nhiên, cả hai đều không dẫn người ta tới đâu nếu chỉ là những ý tưởng trừu tượng, được tô vẽ trên giấy, không được con người nhân bản nội tâm hóa và ấp ủ trong tâm hồn. Khuyến khích việc nội tâm hóa các nguyên tắc này là một thách đố sư phạm lớn lao. Để dễ dàng cho diễn trình nội tâm hóa ấy, cần nhấn mạnh tới mười nguyên tắc ngắn gọn về con người nhân bản, sự sống nhân bản, hiệp hội, tham gia, ưu tiên chọn người nghèo, liên đới, quản lý, phụ đới, bình đẳng và ích chung. Nhiều người còn có sáng kiến dùng các vần đầu của các chữ trên tạo ra một từ duy nhất dễ nhớ mà có nghĩa. Nhiều người khác liên tưởng các nguyên tắc này với những nhân vật thời danh trong Giáo Hội như Dorothy Day, Đức Hồng Y Joseph Bernerdin, Mẹ Têrêxa… Khi khai triển các nguyên tắc này, nhiều người trích dẫn các bậc trí giả vĩ đại của Giáo Hội như Thánh Kim Khẩu, Thánh Ambrôsiô, Thánh Tôma Tiến Sĩ hay các nhà tư tưởng Công Giáo gần đây. Làm thế nào, để người tín hữu thuộc lòng chúng cũng như họ từng thuộc lòng các Kinh Tin Kính hay Lạy Cha, Kính Mừng…
(1) Ten Building Blocks of Catholic Social Teaching, America, Oct. 31, 1998