Tuần qua, tại Swanwick, Anh, diễn ra hội nghị thường niên của Mạng Lưới Công Lý và Hoà Bình Quốc Gia với chủ đề “Công lý tại nơi làm việc – nơi an toàn, nơi hoàn thành và phát triển?” (Justice at work - A place of safety, fulfillment and growth?). Khoảng 400 đại biểu của Anh và Wales đã tham dự hội nghị trong ba ngày gồm các buổi nói truyện, các buổi tập huấn, cầu nguyện và tập hợp có tính xã hội. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã lên tiếng ca ngợi hội nghị trong việc nhấn mạnh tới công lý như điều kiện thiết yếu cho hòa bình, hoàn thành và phát triển.

Hội nghị được nghe nhiều diễn giả trình bày các khía cạnh khác nhau của công lý tại nơi làm việc. Dân biểu Jon Cruddas nói về phẩm giá của việc làm. Frances O’Grady, Phó Tổng Thư Kỳ Tổng Công Đoàn, nói tới những cách cổ vũ công lý khác nhau của Tổng Công Đoàn. Riêng David McLoughlin, Giảng Sư Thần Học kỳ cựu tại Trường Cao Đẳng Newman và là giảng sư danh dự của Đại Học Birmingham, đồng thời cũng là đồng sáng lập viên của Phong Trào Thợ Thuyền Kitô Giáo, đã đọc một tham luận về quan điểm việc làm thời Chúa Giêsu. Tựa bài tham luận là “Chúa Giêsu, việc làm và Nước Thiên Chúa”. Tài liệu do hãng tin Independent Catholic News cung cấp ngày 18 tháng 7 vừa qua.


Theo McLoughlin, Galilê thời Chúa Giêsu bị phân rẽ vì các căng thẳng có tính cơ cấu. Đó là các căng thẳng về xã hội, chính trị và kinh tế, các phân rẽ giữa người Do Thái Giáo và dân ngoại, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa người giầu và người nghèo. Sự phân rẽ này là hậu quả của hai chế độ cai trị được áp đặt lên dân: vương chế của Hêrốt và đế chế của Rôma. Nên khi Chúa Giêsu rao giảng một vương chế khác, Người liền thu hút được nhiều lỗ tai của quảng đại quần chúng sẵn sàng lắng nghe. Nhưng đồng thời, Người cũng gây lo ngại lớn cho những kẻ vốn đầu tư nặng nề vào việc duy trì cả hai chế độ kia.

Vì là người có tay nghề, một tekton, Chúa Giêsu và Thánh Giuse hẳn đã góp phần vào việc xây dựng Sepphoris, chỉ cách Nadarét 6 cây số. Bị Quintilius Varus phá hủy năm 4 trước công nguyên, thành này được Herod Antipas tái thiết làm thủ đô vào thời Chúa Giêsu, cho tới năm 19 công nguyên, khi ông ta lập Tiberius, bên bờ hồ Galilê, làm tân thủ đô của vùng này. Sepphoris có một nhà hát chứa được 5,000 khán giả và một vương cung thánh đường có dáng y hệt những Tescos lớn! Mặc dù địa điểm của nó cho thấy nhiều thực hành nghi lễ cổ truyền của Do Thái (như Miqweh/tắm theo nghi thức), nhưng nó lại có đầy đủ các đặc điểm của nền văn hóa Hy Lạp tân tiến. Lời giảng của Chúa Giêsu chắc chắn cho thấy Người rất biết đến tính “đóng kịch/giả hình” (Mt 6:2, 5, 16; Mc 7:6; Lc 13:15) của nghề ngân hàng trong dụ ngôn nén bạc (Lc 19:11 tt), và của những tòa án nợ nần mà theo Josephus từng đặt cơ sở tại Sepphoris. Đó là những nét đặc thù đối với nền văn hóa Hy Lạp, chứ không hẳn nền văn hóa Do Thái. Nên sự im lặng của Chúa Giêsu đối với Sepphoris là điều làm ta bỡ ngỡ.

Đất đai, người giầu và người nghèo

Phần lớn nền kinh tế truyền thống tại Galilê tùy thuộc canh nông và nghề đánh cá. Quyền sở hữu đất đai, vì thế, là yếu tố chủ chốt, giống như ở bất cứ xã hội nông nghiệp nào khác. Tuy nhiên, ở Palestine, đất đai còn có thêm ý nghĩa tôn giáo nữa, vì trước nhất nó là hồng ân do Thiên Chúa ban và như thế, xét tới cùng, nó thuộc về Thiên Chúa và dân Do Thái nói chung trong tư cách được Thiên Chúa chọn làm người tá canh. Các khám phá khảo cổ học tại Galilê cho thấy có sự chuyển dịch tiệm tiến từ những nông trại nhỏ tới những nông trang lớn có tính tập trung. Josephus nói tới sự chuyển dịch này trong cuốn Vita, 71 của ông. Ngay ở phía bắc Sepphoris, không xa Nadarét, người ta thấy có những nông trang vĩ đại. Ông cho hay: các làng xã chung quanh Gischala phải đóng một phần thu hoạch của mình để trả thuế Đế Quốc.

Ta biết rằng các thành viên trong đại gia đình của Chúa Giêsu chỉ là những tiểu nông gia. Vì Eusebius, trong cuốn Lịch Sử Giáo Hội (3, 20,1-6) kể lại rằng hoàng đế Domitian có cho triệu các cháu của Giuđa, một trong các con trai của Thánh Giuse, tức là cháu của Chúa Giêsu, tới để tra vấn xem họ có thực sự thuộc dòng dõi Vua Đavít và Đấng Kitô có sắp sửa xuất hiện hay không. Họ nhìn nhận thuộc dòng dõi Vua Đavít nhưng Hoàng Đế quyết định để họ được thong dong, vì xem ra họ không phải là những người quan trọng. Lý do? Vì họ có rất ít đất đai và bàn tay cũng như thân hình họ cho thấy họ chỉ là những người lao động chân tay tầm thường. Như thế, đại gia đình của Chúa Giêsu chỉ gồm những lao công nông nghiệp tầm thường như phần đông dân làng khác. Ta nghe Tin Mừng nói nhiều tới những thợ thủ công và ngư phủ vì họ là những loại lao công có ý nghĩa duy nhất khác. Chúa Giêsu là một bác thợ mộc mà theo Thánh Justin Tử Đạo, những người thợ này hay sản xuất các loại cày và ách cho trâu bò. Tuy nhiên, loại thợ này cũng có thể chế tạo các đồ dùng bằng đá hay bằng gỗ, dù gỗ là thứ hiếm tại Palestine.

Sự thông đồng của Đền Thờ và hàng Tư Tế

Điều đáng lưu ý là mặc dù người dân Galilê phải đóng thuế cho Hêrốt và nhiều thứ thuế đánh trên sản phẩm cho Rôma, họ còn bị giai cấp tư tế quí tộc ở Giêrusalem buộc phải nộp “thuế” thập phân (tithes) và nhiều của lễ khác cho Đền Thờ và hàng tư tế. Các sách Tin Mừng khởi đầu với hình ảnh Chúa Giêsu như người con trai ngoan đạo của một gia đình ngoan và sùng đạo lên đường hành hương Giêrusalem và quả là việc tự nhiên đối với Người khi sống trên đời là phải tham khảo với hàng tư tế và trưởng lão lúc tròn 12 tuổi. Nhưng khi thừa tác vụ công khai của Người bắt đầu mở rộng, thì việc Người chỉ trích Đền Thờ và các thao túng của nó cũng mỗi ngày mỗi trở nên nghiêm khắc hơn. Về khía cạnh này, Người quả đã đi trước thời đại của mình. Sách Talmud, một tuyển tập thực hiện sau này để thu thập túi khôn Do Thái thời hậu Đền Thờ, từng có lời than thở sau đây:

“Khốn cho tôi vì nhà Boethus
Khốn cho tôi vì gậy gộc của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Annas
Khốn cho tôi vì những rỉ tai của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Kathos
Khốn cho tôi vì ngòi bút của họ.
Khốn cho tôi vì nhà Ishmael ben Piabi
Khốn cho tôi vì những nắm đấm của họ.
Vì họ đều là thượng tế, con trai họ là thủ qũy, con rể họ đều là giám thị đền thờ, và tôi tớ họ đánh người bằng gậy” (b. Pesahim57a; t. Menahot 13:21)

Dẹp bỏ truyền thống vĩ đại

Quan điểm của Chúa Giêsu quả đã đi trước những lời than thở trên. Những than thở ấy đề cập tới việc dùng bạo lực, giữ sổ nợ, thao túng chức vụ Đền Thờ, dùng tin đồn để kiểm soát. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã khai triển nhiều tệ nạn ấy. Khi làm như thế, Người quả đã thách thức “Truyền Thống Vĩ Đại” mà đối với các nhà lãnh đạo đương thời vốn là cương lãnh của sự việc, là lịch sử từ trên cao, là ý thức hệ bó buộc dùng để hợp pháp hóa ách thống trị quần chúng của giai cấp giầu có và quyền thế. “Truyền Thống Vĩ Đại” gần như lúc nào cũng có cơ sở đô thị và thuộc chữ viết vì bản văn viết luôn được coi là có thẩm quyền và dĩ nhiên cần đến những nhà giải thích, những luật sĩ, ký lục. Vào thời Chúa Giêsu, tại tâm điểm của Truyền Thống Vĩ Đại là việc nhấn mạnh tới nét tinh sạch của nghi lễ và việc tuân theo mọi lề luật của ngày Sabát; đó chính là dấu chỉ thực sự của con cháu Ápraham. Gioan Tẩy Giả vốn từng xỉ vả sự sa đọa được hợp pháp hóa đó trong Luca 3:7-9 : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham’; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Chúa Giêsu sẽ đề cập tới việc sử dụng Ápraham theo lối của giai cấp ưu tú trong Truyền Thống Vĩ Đại này và sẽ đánh đổ nó trong dụ ngôn Người Giầu Có và Ladarô mà ta sẽ bàn sau này. Điều Chúa Giêsu đưa ra được một số học giả gọi là “truyền thống nhỏ bé”, tức truyền thống truyền khẩu của nông dân, là truyền thống được họ thân thiết đồng hóa với như tâm cốt, cũng là truyền thống phản kháng của các tiên tri, và của chính Thiên Chúa Tạo Hóa và giao ước của Người với Sáng Tạo. Chúa Giêsu luôn tìm cách làm sắc bén và sâu sắc hơn điều các nông dân vốn đã biết. Nhờ làm như thế, Người đã đánh thức để họ lưu ý tới những phạm vi đức tin vốn bị coi thường hay lãng quên; Người đem họ trở lại với chính lịch sử của họ, một cảm thức về chính họ dưới sự dìu dắt của Thiên Chúa, nhưng đó không phải là Đấng Thiên Chúa mà họ tìm cách giao tiếp qua ngả thao túng của thẩm quyền Đền Thờ ở Giêrusalem, mà đúng hơn là đấng tạo hóa hết sức gần gũi với họ như người Cha thân yêu và là Đấng muốn lập họ thành những đứa con ưa thích. Người luôn tìm cách đập tan hình ảnh tiêu cực mà những người kiểm soát họ vốn áp đặt lên họ và chính họ đã một phần nội tâm hóa, thí dụ người giầu được Thiên Chúa chúc phúc còn người nghèo là vì Thiên Chúa muốn họ nghèo.

Các dụ ngôn nói về một vương quốc khác

Ta hãy xem một số dụ ngôn của Chúa Giêsu và đọc chúng dưới ngữ cảnh trên. Điều đáng ghi nhớ là Người luôn dạy các dụ ngôn này cho các nhóm, các đám đông và các cộng đoàn. Nhằm mục đích khuyến khích việc thảo luận, mạn đàm, khơi lên ý thức. Các dụ ngôn ấy, vì thế, là khởi điểm cho một diễn trình chứ không phải là đích điểm. Chúng giúp người ta đạt tới những giây phút ‘rạng sáng’ chung. Các giây phút ấy sẽ đem tới nhiều hậu quả khác. Nhóm nào nhìn ra hệ luận của một dụ ngôn, nhóm ấy sẽ nhìn việc làm của họ khác đi và buộc phải chọn lựa, một là tiếp tục theo đường quen cũ hai là ra hẳn con đường ấy để bước vào lối nhìn sự vật theo “vương quốc” mới.

Người phú hộ và Ladarô: Người giầu bẩn thỉu và người nghèo mạt rệp Luca 16:19-31

Ở đây, ta có một đại diện cho giai cấp quyền thế trong một lãnh thổ của quần áo là lượt, những quần áo tốn hàng chục nghìn đồng mới có, những quần áo của hàng vua chúa quan quyền, những gấm vóc mua tận từ Ai Cập, từ nước ngoài. Trong khi đó, Ladarô được mô tả như một ptokõs, xác xơ, chỉ còn da bọc xương, một thứ xác chết làm mồi cho chó dại. Dù trên thực tế, những con chó dại này là những con vật duy nhất tỏ ra tử tế với anh ta, liếm láp các vết thương do cảnh thiếu ăn tạo ra của anh ta. Sự khác nhau giữa hai con người này quả không còn gì lớn hơn và như để nhấn mạnh điều ấy, Chúa Giêsu nói đến chiếc cổng lớn giữ cho Ladarô tách biệt hẳn với người kia, dù tên Ladarô vốn có nghĩa là “người Chúa giúp”. Chỉ cần chiếc cổng ấy mở ra, thì kết cục câu truyện đã ra khác rồi. Đàng này, người giầu chết đi và được chôn cất trọng thể.

Cho tới lúc này, ta mới chỉ thấy quan điểm của Truyền Thống Vĩ Đại về trật tự sự việc, nhưng Chúa Giêsu kể tiếp câu truyện và một trật tự khác sẽ được vén mở. Giờ đây, ta thấy thiên đàng, nơi đó, trong tư cách khách qúi dự tiệc, Ladarô được tựa vào lòng Ápraham. Còn người phú hộ thì đang bị hành khổ trong âm phủ; không hẳn là hỏa ngục, mà là nơi chờ đợi để được sống lại và để học các bài học mà đáng lý ra người ta nên học khi còn sống ở trên đời. Nhưng người phú hộ đã học được gì? Ông ta xin Ápraham truyền cho Ladarô đem đến cho ông ta chút nước nhưng Ápraham nhắc để ông ta nhớ lại cuộc sống trước đây của ông ta và đây là hậu quả của cuộc sống ấy. Ở đây ta thấy có trò chơi chữ giữa chiếc cổng mà đáng lý người phú hộ nên mở ra bất cứ lúc nào để an ủi Ladarô và hố thẳm vĩ đại hiện đang phân cách họ. Kế đến, người phú hộ xin Ápraham sai Ladarô về nói chuyện với anh em mình để họ tránh được số phận hẩm hiu của ông ta. Ápraham nói để ông ta hiểu rằng anh em ông ta đã có đủ những gì họ cần, tức giáo huấn của Môsê. Ta nên để ý điều này: người phú hộ vẫn tiếp tục coi Ladarô như tên nô lệ vô nghĩa. Ông ta chưa học được bài học nào. Thế rồi, ông ta đưa lý chứng “ngoại thường” nhưng nghịch thường này: “nếu có ai đó từ cõi chết trở về, họ sẽ ăn năn”. Ápraham cho ông ta hay: nếu họ đã khinh thường Môsê và các tiên tri, là những người dùng lời Chúa mà nói, thì có lý do gì họ lắng nghe một người từ cõi chết trở về!

Suốt trong diễn trình trên, Ápraham tìm cách để người phú hộ nhận ra Ladarô cũng là một đứa con của Thiên Chúa. Thực vậy, từ ngữ được tổ phụ dùng gọi người phú hộ là teknon (con) và chính người phú hộ cũng gọi Ápraham là cha, nhưng ông ta khư khư bám lấy giai cấp cũng như ý thức gia tộc riêng của mình; ông ta chỉ biết quan tâm tới anh em ông ta. Không nhận ra: cả Ladarô nữa cũng là con Ápraham và, do đó, là anh em ông ta. Đây chính là giáo huấn của Ngũ Kinh (Torah) trong đó, đất đai là dành cho mọi người: sản phẩm của đất đai không được tích trữ nhưng phải mang ra chia sẻ, để cả các bà góa, khách trú và cô nhi cũng được no đủ (Lv 25; Đnl 15:1-18). Kể truyện này, Chúa Giêsu tự đặt mình trọn vẹn vào truyền thống tiên tri trong Isaia 1:16-17; Giêrêmia 5:23-29; 21:11-14; Am 2:6-11; 5:10-24; và Mikha 3:1-3, 9-12, một truyền thống luôn kết án cảnh bóc lột của những triều vua khởi đầu. Truyền thống này cũng cho thấy quyền lợi giai cấp và gia tộc trong nền kinh tế mới đã phá sập cảm thức liên đới ra sao giữa người với người.

Dụ ngôn trên giúp người ta cách giải thích xã hội hai tầng của thời đó với Hêrốt và giai cấp điền chủ ưu tú tại Galilê cũng như hàng tư tế qúi phái tại Giêrusalem và Giuđêa. Sự phân cách vĩ đại giữa giầu và nghèo chính là hậu quả trực tiếp của cảnh cho vay nặng lãi, của sưu cao thuế nặng. Các dụ ngôn nhằm mở toang thực tại ấy nhưng đồng thời cũng mời gọi người ta suy nghĩ: phải làm gì để thay đổi khác đi? Trong dụ ngôn người phú hộ và Ladarô, Chúa Giêsu biến Ápraham thành một ông thầy. Ngài dạy ta: điều cần là tái lập cảm thức hỗ tương, tái lập mối liên hệ hay tình thân thuộc có tính nền tảng. Không có điều ấy, người giầu vẫn cứ tiếp tục bóc lột người nghèo, vẫn cướp giật đất đai và xây nên những nông trại khổng lồ nhờ thao túng các khoản nợ nần. Không gian chung mà ngày xưa họ cùng cư ngụ trong tư cách dân riêng của Chúa đã bị phá hoại. Nhưng đâu phải chỉ bị phá hoại, mà còn bị giải thích sai lạc nữa: phải cho người nghèo tin rằng thánh ý Thiên Chúa muốn vậy.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn trên để đảo ngược lại tình thế; kẻ rách bươm ở đường phố sẽ trở thành khách qúy tại bàn tiệc nước trời. Chuyện này làm sao có được? Một là có điều gì sai ở đời này hai là có điều gì sai ở đời sau. Câu truyện thật lạ tai vì nó bao gồm cả thế giới bình thường hàng ngày với người hành khất bên cửa và thế giới của giai cấp giầu sụ đầy ưu đãi, vốn không thuộc thế giới hàng ngày. Nhưng khi kể câu truyện này, các thính giả của Chúa Giêsu bỗng thấy ra mối liên hệ giữa sự giầu có tột bực của thiểu số giầu sụ và cảnh nghèo mỗi ngày một gia tăng của đại đa số quần chúng. Họ cũng nhận ra điều có thể thay đổi hiện trạng: tuức phải tái khám phá và tái khẳng nhận quan điểm thân thuộc và hiếu khách của Môsê và các tiên tri. Quả là thích hợp khi Chúa Giêsu sử dụng Ápraham trong câu truyện vì tổ phụ vốn là người được giai cấp ưu tú sử dụng làm biểu tượng cho giai cấp và cho sự tinh ròng về sắc tộc của họ, và là người hợp pháp hóa sự thống trị của họ (Lc 3:7-9). Nhưng trong câu truyện của Chúa Giêsu, Ápraham lại là người lập lại tình thân thuộc và tính hiếu khách chân thực cho những người rách rưới (Lc 13:28-29).

Ta hãy xem một thí dụ khác:

Thợ làm vườn nho: Liên đới mà mất đi thì áp bức sẽ xuất hiện, Mátthêu 20:1-16

Trong câu truyện này, ta có những người làm công ban ngày. Một số là những tiểu điền cố gắng cải thiện mức sống khiêm nhường của mình, một số không có đất đai và nghèo xơ xác, không được đại gia đình hay cộng đoàn hỗ trợ, một số lang thang và do đó xa lạ với người địa phương. Tóm lại, ở đây, ta gặp đủ nhóm lao công cạnh tranh nhau để dành số công việc ít ỏi. Cảm thức liên đới, vì thế, khó có thể hiện diện nơi những con người như thế này.

Bình thường, chính người quản lý sẽ thuê họ, vì các chủ điền có khuynh hướng sống tại các thị trấn mới, ít khi lưu tâm đến những việc quản lý thường nhật nhưng Chúa Giêsu cố ý nói tới chủ điền ở đây, để một lần nữa nhấn mạnh tới mối liên kết giữa những người trên đỉnh xã hội và những người ở đáy xã hội ấy. Giai cấp ưu tú vốn vô hình thì ở đây họ đã thành hữu hình và do đó, có trách nhiệm phải phải tính sổ.

Đang đến lúc thu hoạch nho và mùa thu hoạch này kể là lớn, chủ nhân phải thu hoạch vào lúc thích hợp nhất đối với hoa lợi, nên ông phải lui tới phố chợ nhiều lần hòng tìm đủ người làm cho vụ thu hoạch này. Chủ nhân hứa trả cho nhóm làm công đầu tiên một đồng đênariô, một số tiền hợp lý cho một ngày công, nhưng không có chi rộng lượng, chỉ đủ nuôi một gia đình nhỏ. Khi ông trở lại, ông chỉ nói với nhóm làm công thứ hai tới làm việc cho ông và hứa sẽ trả công họ xứng đáng. Không thấy có việc thương lượng nào. Nhóm sau đó cũng được mời đến làm mà không nói gì tới việc trả công. Nhất là nhóm cuối cùng, được mời tới làm chỉ có một giờ. Lúc nào, chủ nhân cũng hoàn toàn giữ quyền kiểm soát.

Đến lúc thanh toán, chủ nhân bảo người quản lý trả công theo thứ tự ngược lại nhưng tất cả đều nhận được một đồng đênariô chứ không theo tỷ lệ số giờ làm việc. Xem ra chủ nhân muốn chơi người làm công, một cử chỉ khinh miệt, phỉ báng, hàm ý: người làm suốt ngày cũng không có gì đáng giá hơn những người chỉ làm một giờ. Sự phỉ báng ấy làm họ tức giận đến nỗi người làm công lên tiếng phản đối, vì nếu không phản đối, hóa ra giá trị lao công của họ trên thị trường bị mất hết và mặc nhiên họ phải chấp nhận quyền của chủ nhân được trả ít hơn vào lần sau.

Nên nhớ: chủ nhân không nói chuyện với cả nhóm, ông chỉ nói với một người làm công: “tôi đâu làm anh thiệt, há anh không thoả thuận với tôi một đồng đênariô đó sao?” Như thể đã có một khế ước được thoả thuận với nhau từ trước. Rồi ông ta đuổi người lao công ấy đi “Hãy nhận những gì của anh và đi đi”. Anh ta bị đuổi và chắc chắn không được thuê lại. Ông chủ bề ngoài tốt bụng đã hiện hình thành một người khác hẳn: hợm hĩnh và đầy thao túng.

Rồi ông ta quay qua nói với cả nhóm và biện minh cho hành động của mình: “tôi có quyền cho người đến sau cùng số tiền tôi cho những người đến đầu tiên”. Món tiền vì thế trở thành quà tặng của ông ta, chứ không phải tiền công nữa. Ông cho rằng lời khiếu nại của họ là điều xấu, vì chống lại lòng tốt của ông ta (nguyên văn: “phải chăng mắt bạn xấu vì tôi tốt bụng chăng?”). Lời ông ta như thể muốn nói: đất đai là của ông ta và ông ta có quyền kiểm soát hoa lợi của nó, trong khi ấy, Ngũ Kinh quả quyết đất đai là của Chúa và chỉ một mình Chúa có quyền phân phối hoa lợi cho dân. Ngũ Kinh đòi phải tái phân phối lúc gặp đói kém và kết án việc tích trữ để kiếm lời... Câu truyện của Chúa Giêsu đưa thính giả của Người vào tâm điểm giao ước và việc giải phóng của nó. Câu truyện này nhấn mạnh đến việc giai cấp giầu có hủ hóa giao ước, đồng thời cho thấy việc người nghèo đánh mất tình liên đới với nhau: người giầu có thể cô lập một công nhân để làm câm họng sự phản đối ban đầu của nhóm...

Cũng nên để ý tới điều Chúa Giêsu nhấn mạnh một lần nữa trong dụ ngôn này. Người sử dụng kinh nghiệm của người ta, khích động để họ nhìn rõ thế giới của họ, dĩ nhiên với một tầm nhìn canh tân, tầm nhìn “Nước Thiên Chúa”, và do đó, mời gọi họ trở thành chủ thể của chính lịch sử của họ. Người động lực hóa người bị bóc lột, người bị áp bức để họ dành lại lịch sử của họ, nhìn lịch sử ấy cách mới hẳn, và tham dự vào việc tạo ra nó. Khi đọc các bản văn này trong nhà thờ, ta thường hay có nguy cơ thiêng liêng hóa chúng đến quên khuấy cả sứ điệp bản thân của chúng: chúng có nghĩa gì đối với tôi? Và tệ hơn nữa, ta còn quên cả lời chúng kêu gọi phải đổi mới cách nhìn tập thể của ta đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa, trong đó, mọi hữu thể đều có giá trị như nhau, việc phân phối của cải trái đất và chia sẻ chúng cũng như tình liên đới trong phục vụ luôn chiếm tâm điểm trong quan tâm tập thể của ta chứ không phải việc tích lũy lợi nhuận và an toàn bản thân. Trên hết, đây là các bản văn khích lệ ta suy nghĩ, thảo luận và tranh luận tập thể, khởi đi từ thực tại tranh chấp của ta hiện nay.

McLouglin kết luận rằng điều nguy hiểm là khi các bản văn này trở thành độc quyền của giai cấp ưu tú, của những vị thụ phong mà thôi. Vì như thế, chúng dễ rơi vào những Truyền Thống Vĩ Đại khác vốn ít ăn có với thực tại của đại đa số quần chúng. Và điều còn nguy hiểm hơn nữa là khi cộng đồng dân Chúa có cùng một “chính nghĩa” với một kế hoạch chính trị vĩ đại, một thứ Đại Xã Hội. Như một câu phương ngôn xưa vốn nói: khi uống chung với qủy, bạn cần chiếc muỗng dài.