ROME, 24 Tháng 10, 2011 (Zenit.org). Cha Thomas D. Williams thuộc tu hội Đạo Binh Chúa Kitô tuyên bố rằng “Không nơi nào nhu cầu phát triển liên tục được cảm nhận mạnh mẽ hơn là trong lãnh vực giáo huấn xã hội của Giáo Hội”. Điều ấy khiến tư tưởng xã hội Công Giáo trở thành “một trong các lãnh vực thần học hào hứng nhất được người ta muốn can dự”.

Trong tác phẩm mới nhất của ngài tựa là “Thế Giới Tương Lai: Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo Cho Thế Hệ Mới” (The World As It Could Be: Catholic Social Thought for a New Generation) do nhà Crossroad ấn hành, Cha Williams, hiện là giáo sư về Lý Thuyết Xã Hội Công Giáo tại Đại Học Regina Apostolorum ở Rôma, đã bàn tới một số vấn đề rất khẩn trương và gây tranh cãi đang thách thức tư tưởng xã hội Công Giáo ngày nay, trong đó, có vấn đề đa văn hóa, án tử hình, tự do tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, nhân quyền và việc quản trị thế giới.

Vấn đề cập nhật

Trả lời câu hỏi của Zenit: nói một cách tóm tắt, tư tưởng xã hội Công Giáo là gì và tại sao nó quan trọng, Cha Williams cho rằng: tư tưởng ấy là một suy tư liên tục về con người nhân bản trong tư cách hữu thể xã hội, và về việc xã hội phải được cấu trúc hóa tốt nhất như thế nào để cung cấp được một triển nở nhân bản cả như những cá thể lẫn như các cộng đồng. Các cộng đồng này bao gồm mọi điển hình “xã hội”, từ những xã hội nhỏ nhất là gia đình tới các xã hội kinh tế, xã hội dân sự, xã hội chính trị, và ngay cả xã hội quốc tế hay hoàn cầu.

Giáo Hội, và cách riêng huấn quyền giáo hoàng, luôn tìm hiểu các thực tại trên dưới ánh sáng của cả Tin Mừng lẫn suy tư và kinh nghiệm nhân bản tốt nhất, để đưa ra các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhằm điều hướng tốt hơn các mối tương quan xã hội.

Điều ấy hết sức chủ yếu vì Giáo Hội Công Giáo vốn có cái hiểu rất độc đáo về bản chất con người nhân bản, và một truyền thống hàng nhiều thế kỷ suy tư về luật tự nhiên. Giáo Hội này được trang bị một cách độc đáo để trình bày minh bạch các sự thật này nơi công cộng cho mọi người nam nữ ngày nay.

Nếu bản tính con người trước sau vẫn là một, thì tại sao lại nhấn mạnh tới đặc tính luôn thay đổi của tư tưởng xã hội Công Giáo? Cha Williams đáp: bản chất con người vẫn là một, nhưng xã hội và văn hóa thì biến đổi. Tình thế địa chính trị ngày nay rất khác với tình thế của 50 năm hay 60 năm trước đây. Vì các lý thuyết xã hội hệ ở việc áp dụng các chân lý bất biến vào các điều kiện xã hội luôn thay đổi, nên nó phải luôn tươi mới và luôn cần được cập nhật hóa. Chính điều đó làm nó trở thành thích thú để nghiên cứu học hỏi.

Theo Cha Williams, chỉ cần xét tới vấn đề “lý thuyết chiến tranh chính đáng” cũng đủ cho thấy nhiều điều đáng lưu ý. Trong cách thẩm định của ta đối với việc tranh chấp có vũ trang, rất nhiều nguyên tắc quan trọng và bất biến đã được sử dụng. Nhưng việc áp dụng các nguyên tắc này mặc lấy nhiều sắc diện khác nhau theo đà diễn tiến của chính cuộc chiến tranh. Khi hai bộ lạc đánh nhau với cung tên, ta có một sắc diện; nhưng khi họ sát phạt nhau bằng súng máy, ta có một sắc diện khác hẳn; và sắc diện ấy càng khác xa hơn nữa khi người ta khai triển được vũ khí nguyên tử có khả năng tiêu hủy toàn bộ nhiều thành phố. Và ngày nay đó là sắc diện khiếp đảm khi ta phải giáp mặt với người tấn công không phải là nhà nước nữa mà là những phường khủng bố đa quốc. Có những nguyên tắc đúng cho mọi hoàn cảnh, nhưng nhiều khía cạnh khác trong thẩm định luân lý của ta nhất thiết phải mang mầu sắc phù hợp với các thực tại đang thay đổi.

Thống nhất và đa dạng

Được hỏi về sự trái ngược giữa chủ nghĩa đa văn hóa và chủ nghĩa thẳng đuột về chính trị (political correctness), Cha Williams cho rằng dù thế giới quan nằm dưới chủ nghĩa đa văn hóa và chủ nghĩa thẳng đuột về chính trị, trong căn bản, có thể là một, vì chúng đều là hình thức hậu hiện đại của chủ nghĩa nhân bản thế tục, nhưng hai xu hướng này nói lên một vấn nạn lâu đời liên quan tới hợp nhất và đa dạng.

Chủ nghĩa đa văn hóa, cùng với đứa em của nó là “chủ nghĩa đa nguyên” và “việc cử hành tính đa dạng” là một phong trào ly tâm khỏi tính độc dạng để hướng tới tính đa dạng tối đa có thể có, nhiều khi chỉ vì chính nó. Các dị biệt văn hóa được trân qúi chỉ vì chúng khác nhau, và người ta được khuyến khích chấp nhận và ủng hộ các dị biệt này một cách cởi mở và không phê phán. Lối sống nào cũng được coi là tốt như bất cứ lối sống nào khác và nghĩ khác thế là “bất khoan dung”.

Đàng khác, ta cũng nhận thấy một xu hướng trái ngược đó là chủ nghĩa thẳng đuột về chính trị, hiện đang gây áp lực qui tâm hướng về tính độc dạng trong ngôn ngữ và các giá trị. Nó đang tìm cách hạn chế hoạt động của những người suy nghĩ không giống nó. Ở đây, một số tiêu chuẩn được coi có tính trói buộc phổ quát, và những ai bước ra ngoài các biên giới này liền bị qui trách nhiệm.

Quá nhấn mạnh tới tính đa dạng rất dễ rơi vào chủ nghĩa tương đối về luân lý và văn hóa, trong đó, đúng và sai đều mất hết ý nghĩa, nên bất cứ hành động hay niềm tin nào cũng được coi là tốt và giá trị ngang nhau. Quá nhấn mạnh đến thống nhất sẽ đem lại một vấn đề đối nghịch: tức một nền độc tài về văn hóa trong đó, mọi công dân buộc phải nhịp bước theo những qui phạm xã hội đương thịnh, bất chấp có muốn hay không.

Thành ra, đối với chúng ta, câu hỏi quan trọng trở thành: Như một xã hội, ta nên nhất thiết phải hợp nhất ở điểm nào và nên cho phép hay nên khuyến khích sự đa dạng ở điểm nào? Câu hỏi này rất quan trọng để tổ chức các nền dân chủ tây phương hiện đại của ta vì đến một điểm nào đó, để sống còn và để phát triển xã hội, ta bắt buộc phải xác định điều gì không thể thương lượng và điều gì có thể để các cá nhân và các nhóm tự do quyết định và thi hành.

Đức Bênêđíctô XVI

Đề cập tới sự đóng góp của vị giáo hoàng đương nhiệm, Cha Williams cho hay: ngay trước khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã là một trong các nhà tư tưởng thâm trầm và sắc sảo nhất thời ta. Ngài cũng là một sức mạnh trí thức thực sự đáng tham khảo. Thực vậy, trước khi làm giáo hoàng, ngài đã viết rất nhiều về các vấn đề thuộc tư duy xã hội Công Giáo. Các suy nghĩ của ngài về tự do tôn giáo, về nền tảng luân lý của dân chủ, về văn hóa, về Giáo Hội và nhà nước, về đức tin và lý trí, và về chủ nghĩa tương đối rất thích hợp tận cho tới nay.

Trong tư cách giáo hoàng, các đóng góp của Đức Bênêđíctô XVI cho học thuyết xã hội Công Giáo dĩ nhiên hết sức có ý nghĩa. Thông điệp đầu tiên của ngài, được coi như có tính lên chương trình, tức định hướng cho toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài, đã bàn tới ý nghĩa thần học của “tình yêu” hay “đức ái” và mối tương quan giữa tình yêu hiểu như eros (tính dục) và tình yêu hiểu như agape (đức ái). Tuy nhiên, phần thứ hai của thông điệp đào sâu các vấn đề đạo đức xã hội, trong đó, có mối tương quan chính xác giữa Giáo Hội và nhà nước, giữa đức tin và lý trí, giữa đức ái và công lý.

Thông điệp Caritas in Veritate (Đức Ái trong Sự Thật) năm 2009 của ngài quả là một thông điệp đầy đủ về xã hội, đề cập tới một số vấn đề xã hội hết sức khẩn trương của thời đại ta, nhất là vấn đề khủng hoảng kinh tế gần đây. Thông điệp này tuy không dễ đọc nhưng cung cấp cho ta nhiều chất liệu để suy nghĩ. Ngay việc ngài chọn các nguyên tắc bác ái và sự thật để giải quyết vấn đề trật tự xã hội, chứ không hẳn nguyên tắc “công bằng xã hội”, cũng đáng để chúng ta suy nghĩ rồi.

Đức Bênêđíctô XVI đơn cử thông điệp Populorum Progressio năm 1967 của Đức Phaolô VI, gọi nó là thông điệp “Rerum Novarum cho thời đại ta” và khi làm như thế, ngài đã khiến ta lưu ý tới vấn đề phát triển con người toàn diện, coi nó như thước đo tiến bộ xã hội. Tuy là một thông điệp vĩ đại, nhưng Rerum Novarum khá hạn hẹp về phạm vi, chỉ đề cập tới vấn đề người công nhân cuối thế kỷ 19 và đánh giá đề nghị của phe xã hội chủ nghĩa trong việc đả phá các hệ quả tiêu cực của cuộc cách mạng kỹ nghệ. “Phát triển con người toàn diện” là một tiêu chuẩn rộng hơn và toàn bộ hơn là quyền tư hữu và gần gũi hơn với ý niệm ích chung.

Nhân phẩm

Đối với nhu cầu phải định nghĩa cẩn thận các từ ngữ như “nhân phẩm” để tránh hiểu lầm, Cha Williams cho hay: Tất cả học thuyết xã hội Công Giáo đều chú trọng tới việc hiểu đúng đắn về con người nhân bản và phẩm giá độc đáo của nó. Chúng ta coi con người nhân bản là “tạo vật duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa mong muốn vì chính nó” (Gaudium et Spes, 24) và là tạo vật trần gian duy nhất được tạo dựng “giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”. Điều này nâng con người nhân bản lên trên mọi tạo vật và đem lại cho con người nhân bản địa vị độc đáo đồng thời cũng là trách nhiệm độc đáo phải quản lý chúng.

Không phải ai cũng nhìn sự vật như thế. Đối với nhiều người, phẩm giá không phải là đặc tính đồng đều nơi mọi hữu thể nhân bản hay độc hữu là của những hữu thể này. Có người coi phẩm giá có thứ bậc nghĩa là có người nhiều phẩm giá hơn người khác, có người lại coi các hữu thể khác không phải là nhân bản cũng có phẩm giá như phẩm giá của cây, phẩm giá của thú vật. Lại có người sử dụng từ ngữ này để biện minh các hành động trái ngược với luân lý Công Giáo, như an tử hay các liên hệ đồng tính luyến ái.

Tuy nhiên, phẩm giá là cơ sở cho nhân quyền phổ quát cũng như là nền tảng cho cái hiểu của ta về bình đẳng. Nếu phẩm giá bị vất ra lề đường hay bị thay đổi một cách đáng kể, thì quyền lợi và sự bình đẳng của ta cũng sẽ cùng chịu một số phận.

Ở đây, đức tin Kitô Giáo của ta trở nên cực kỳ quan trọng. Dù các nhà sáng lập ra nước Mỹ coi bình đẳng nhân bản như điều tự nó hiển nhiên, nhưng thực ra nó chỉ tự hiển nhiên trong nền văn hóa đặc trưng Kitô Giáo. Sự bình đẳng căn bản giữa mọi con người, đặt cơ sở trên nhân phẩm phổ quát, không hề tự nó hiển nhiên ở một số nơi trên thế giới ngày nay, những nơi vốn không có chung một thế giới quan mà theo lịch sử vốn là của Kitô Giáo. Ta nên suy nghĩ lần thứ hai trước khi vứt bỏ căn rễ nền văn hóa của ta, các căn rễ vốn làm cho các tiền đề căn bản của xã hội Tây Phương xem ra “tự chúng hiển nhiên”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng cảnh giác rằng không nên giả thuyết các truyền thống tôn giáo khác, như Hồi Giáo, cũng đi đôi giống như thế với các nguyên tắc căn bản mà xã hội tây phương vốn trân quí. Ngày nay, những cảnh giác như thế không được phổ thông bao nhiêu, nhưng chúng vẫn đáng được lưu ý lắng nghe.

Tương lai

Được hỏi về tương lai của tư tưởng xã hội Công Giáo, Cha Williams trả lời rằng: trong tư duy xã hội Công Giáo, hiện đang có xu hướng muốn coi vấn đề sự sống là vấn đề xã hội có tính gay cấn hơn cả trong thời đại ta. Cha tin rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn. Trong quá khứ, công bằng xã hội đã bị giải thích quá trớn theo nghĩa kinh tế, như thể kinh tế là phạm vi duy nhất trong đó có vấn đề công lý. Đức GH Gioan Phaolô II đã đi ngược lại xu hướng này, khi tuyên bố rằng ngày nay, các bất công xã hội lớn nhất chính là các bất công chống lại sự sống con người, nhất là những mạng sống dễ bị tổn thương nhất. Đức Bênêđíctô XVI cũng theo cùng một đường lối. Trong Đức Ái trong Sự Thật, ngài quả quyết: “Cởi mở đón chào sự sống nằm ở tâm điểm việc phát triển thực sự”. Ngài lên án “não trạng bài sinh sản” và gọi việc càng ngày người ta càng thiếu tôn trọng sự sống là hình thức mới của “nghèo nàn và thiếu phát triển”

Một xu thế quan trọng nữa là việc chú tâm nhiều hơn tới tự do tôn giáo như hàn thử biểu thực sự của tiến bộ văn hóa. Tôn trọng tôn giáo và quyền tự do được thờ phượng Thiên Chúa theo các xác tín của người ta vốn đã chiếm một chỗ chủ yếu hơn trong giáo huấn xã hội của Công Giáo trong mấy năm gần đây, và chắc chắn sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng khi xã hội thế tục trở nên càng ngày càng ghét bỏ niềm tin tôn giáo hơn.

Sau cùng, hiện tượng “thu nhỏ” thế giới lại nhờ việc hoàn cầu hóa về văn hóa và kinh tế đang mời gọi ta phải mỗi ngày mỗi suy tư nhiều hơn về ích chung phổ quát và về việc làm thế nào gìn giữ nó và cổ vũ nó cách tốt đẹp nhất. Một lãnh vực vẫn cần phải suy tư nhiều là ý niệm quản trị hoàn cầu, nó nên mặc hình thức nào để có thể thăng tiến ích chung một cách hữu hiệu trong khi vẫn tôn trọng các nguyên tắc tự chủ và phụ đới hợp pháp. Đức Bênêđíctô XVI từng minh xác rằng không nên lẫn lộn việc quản trị hoàn cầu với một “chính phủ thế giới”, trái lại phải dùng phương thế “đa tầng” (multi-tiered) gồm nhiều bộ phận khác nhau của xã hội cùng cố gắng chung trong một hợp tác hoàn vũ. Ngài liên tục tỏ ra là một người theo chủ nghĩa hiện thực chân chính, ngờ vực các chương trình quá đơn giản hóa và đầy ý thức hệ, trái lại cam kết sâu sắc đối với các chân lý Kitô Giáo về con người và xã hội. Đó chính là tương lai của tư tưởng xã hội Công Giáo.