Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Hai 30 tháng 9, 2013, trong Công Nghị Hồng Y đầu tiên do ngài triệu tập, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng ngài sẽ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang nhìn thấy đây là những hình ảnh lịch sử khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc sắc chỉ của ngài bằng tiếng La Tinh, ấn định rằng lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài sẽ diễn ra vào ngày 27 Tháng 4 năm 2014.
Đức Thánh Cha đọc tuyên bố sau bằng tiếng La Tinh trước sự hiện diện đông đảo của các vị Hồng Y.
"Các chư huynh đệ thân mến, với niềm vui và hạnh phúc, và sau khi xem xét việc toàn Giáo Hội tôn kính hai Chân Phước Đức Gioan Phaolô II và Gioan XXIII, theo thẩm quyền được ủy thác từ Thiên Chúa toàn năng và từ các Thánh Phêrô và Phaolô, tôi quyết định rằng Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, vào ngày 27 tháng 4 tới, sẽ được kết hợp trong gia đình các thánh."
Việc chọn ngày này đầy ý nghĩa. Thật vậy, ngày được chọn trùng với ngày Lễ Lòng Thương Xót Chúa, trong đó có một liên kết mạnh mẽ với Đức Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã đưa ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo vào năm 2000 và ngài đã qua đời lúc 21:37 ngày 2 tháng Tư năm 2005, vào đúng ngày Giáo Hội trên toàn cầu đang cử hành ngày lễ này. Đức Gioan Phaolô II đã dành hẳn tông thư "Dives in Misericordia" để nói về Lòng Thương Xót Chúa vào năm 1980.
Lúc đầu, đã có nhiều nguồn tin cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho hai vị tiền nhiệm của ngài vào ngày 08 tháng 12. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lo ngại rằng các tín hữu Ba Lan sẽ rất vất vả trong Mùa Đông rét mướt để đến Vatican dự lễ.
Trên chuyến bay từ Rio De Janeiro trở về Rôma sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ngài nói với các nhà báo rất có thể ngày phong thánh cho hai vị sẽ là vào Chúa Nhật 27 tháng 4 năm 2014, là lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Thật ra, cũng cần thời gian để Tòa Thánh làm việc với chính quyền địa phương, để họ có kế hoạch phù hợp cho hàng triệu người được dự kiến sẽ đến Rôma vào dịp này.
Trong trường hợp của Đức Gioan XXIII, là vị Giáo Hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nới lỏng yêu cầu phải có một phép lạ thứ hai, có nghĩa là ngài sẽ được tuyên bố là một vị thánh, mặc dù chỉ mới có một phép lạ chính thức được Tòa Thánh xác nhận là do sự cầu bầu của ngài.
Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, phép lạ một nữ tu người Pháp được chữa lành khỏi bệnh Parkinson đã mở đường cho án phong chân phước cho Ngài vào ngày 01 Tháng Năm 2011. Đúng vào ngày đó, một phụ nữ Costa Rica bị đứt động mạch não, đã cầu khẩn với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đã được chữa khỏi. Tòa Thánh đã xác nhận đây là phép lạ và điều này đã dẫn đến án phong thánh cho vị Giáo Hoàng người Ba Lan.
2. Họp báo trình bày về buổi họp đầu tiên của Ủy Ban Cố Vấn Cải Tổ Giáo Triều Rôma và Quản Trị Giáo Hội.
Trong buổi họp báo sáng thứ 30 tháng 9, Cha Federico Lombardi, Giám Đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức thiết định nhóm tám Hồng Y mà ngài đã bổ nhiệm để giúp ngài cải tổ Giáo Triều Rôma và quản trị Giáo Hội.
Nhóm các vị Hồng Y, thường được báo chí gọi là G8, sẽ chính thức được gọi là “Hội đồng Hồng Y”.
Chỉ vài giờ trước khi mười thành viên chính thức bắt đầu cuộc họp vào sáng thứ Ba 1 tháng 10, Tòa Thánh đã cho biết thêm thông tin về cấu trúc và cách thức làm việc của nhóm. Hội đồng Hồng Y sẽ là một cấu trúc cố định, nhưng Đức Giáo Hoàng có thể thay đổi nhân sự trong cấu trúc đó.
Cha Federico Lombardi nói:
"Các cuộc họp tư vấn với Hội đồng Hồng Y có thể được thực hiện với cả nhóm hoặc với từng cá nhân. Vì vậy, không nhất thiết phải luôn luôn gặp gỡ toàn nhóm. Cấu trúc này cũng phụ thuộc theo các chủ đề được đưa ra thảo luận. Các chủ đề này sẽ được định nghĩa như là: Chủ đề có thể cần phải được chú ý"
Nhóm tám vị Hồng Y đã đến nhà trọ Casa Santa Marta một ngày trước, tức là hôm Chúa Nhật 29 tháng 9 và đã gặp nhau hai lần để trao đổi những suy nghĩ của các vị. Các cuộc thảo luận chính thức bắt đầu vào buổi sáng thứ Ba lúc 9h30, bên trong thư viện phòng Đức Giáo Hoàng.
Các cuộc họp được tổ chức bằng tiếng Ý, sẽ kéo dài cho đến Thứ Năm, với hai phiên họp, một buổi sáng và một buổi chiều.
Theo dự trù vào ngày 04 Tháng 10, các vị Hồng Y sẽ cùng đi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm linh địa Assisi.
Vì đây là cuộc họp đầu tiên của các vị nên có thể là sẽ không có một quyết định cụ thể nào được đưa ra.
Cha Federico Lombardi cho biết thêm:
"Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn, và sau đó ngài sẽ lắng nghe các Hồng Y trình bày. Đức Giáo Hoàng chủ yếu sẽ ở đó để lắng nghe những ý kiến cố vấn của các vị Hồng Y. Có nhiều điều sẽ được các Hồng Y trình bày, vì phạm vi các đề tài được thảo luận sẽ rất rộng."
Chỉ có mười vị được phép vào bên trong các cuộc họp là tám Hồng Y, cộng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám Mục của Albano, người sẽ đóng vai trò là thư ký .
Tám vị Hồng Y là: Đức Hồng Y Sean O'Malley, Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Đức Hồng Y Francisco Errazuriz Ossa, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Đức Hồng Y Oswald Gracias và Đức Hồng Y George Pell.
3. Đức Giáo Hoàng dâng thánh lễ với Hội đồng Hồng Y: Điều quan trọng là tinh thần khiêm tốn và phục vụ
Sáng thứ Ba, 01 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ với Hội đồng Hồng Y chỉ là một vài giờ trước cuộc họp đầu tiên của ngài với các vị Hồng Y.
Đức Thánh Cha đã cầu nguyện để cuộc họp mang lại nhiều hoa trái cho một Giáo Hội khiêm tốn, tin tưởng và kiên nhẫn hơn.
Đức Thánh Cha nói:
"Khi mọi người nhìn thấy chứng tá này của sự khiêm tốn, hiền lành, và dịu dàng, họ cảm thấy sự cần thiết phải làm như tiên tri Zachariah đã mô tả: Chúng tôi muốn đến với các bạn."
Đức Giáo Hoàng cũng lưu ý rằng ngày 01 tháng 10 đánh dấu ngày lễ Thánh Têrêsa thành Lisieux. Ngài mô tả cuộc sống của vị nữ tu này đầy những sự khiêm tốn, mà chắc chắn sẽ thu hút những người khác noi theo tấm gương của thánh nữ.
4. Đức Thánh Cha chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Hồng Y
Sau thánh lễ sáng thứ Ba, Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa cuộc họp đầu tiên với hội đồng tám Hồng Y, là những vị sẽ cố vấn cho ngài trong việc cải tổ Giáo Triều Rôma và quản trị Giáo Hội.
Buổi làm việc với Hội đồng Hồng Y đã được tổ chức tại thư viện của Đức Giáo Hoàng tại nhà nguyện Casa Santa Marta. Trước khi bắt đầu, các vị Hồng Y đã chụp một bức ảnh lưu niệm với Đức Giáo Hoàng trước khi bắt đầu cuộc họp với một lời cầu nguyện. Vòng gặp gỡ đầu tiên của Hội đồng Hồng Y với Đức Giáo Hoàng sẽ được tổ chức từ 1 tháng Mười đến 3 Tháng Mười.
Hội đồng Hồng Y đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hình thành hôm 13 tháng 4, một tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng.
5. Đức Hồng Y George Pell của Úc: Giáo triều phải khởi động mạnh mẽ lên
Trước khi bắt đầu các cuộc họp kín bầu Giáo Hoàng vào đầu năm nay, hôm 6 tháng Ba khi được hỏi vị tân Giáo Hoàng sẽ đến từ lục địa nào trên thế giới Đức Hồng Y George Pell Úc đoán rằng có nhiều khả năng là từ châu Âu. Nhưng sau đó ngài nói thêm:
"Cùng lắm là 50 hay 100 năm tới, chúng ta chắc chắn sẽ có một vị Giáo Hoàng Nam Mỹ, có khi còn có nhiều vị Giáo Hoàng đến từ miền này nữa."
Đức Hồng Y đã không phải chờ đợi nhiều năm, ngài đã thấy ngay vị giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên được bầu lên trong năm vòng bỏ phiếu.
Đức Hồng Y đã nói về những tiêu chí của nhà lãnh đạo Giáo Hội trong tương lai, và chắc chắn dựa vào những điều này thì rõ ràng Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng mong đợi của Đức Hồng Y.
Đức Hồng Y đã nói:
"Chúng ta phải có một Đức Giáo Hoàng là người có thể đối thoại với thế giới, với giới truyền thông hiện đại và tôi nghĩ rằng đây là thời điểm chúng ta cần có một vị giáo hoàng mục vụ là người có thể khích lệ giáo triều Vatican khởi động mạnh mẽ lên."
Đức Tổng Giám Mục Sydney cũng sẽ có một vai trò quan trọng trong việc khởi động giáo triều. Ngài là một trong tám vị Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Ủy Ban Cố Vấn Cải Tổ Giáo Triều Rôma và Quản Trị Giáo Hội.
Dù chưa biết Ủy Ban Cố Vấn này sẽ đạt được những điều gì, nhưng người ta có thể trông đợi hoàn toàn một điều nơi Đức Hồng Y Pell, được tổng kết trong tuyên bố của ngài ngay sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng hôm 14 tháng Ba vừa qua.
"Tôi hứa với Đức Thánh Cha lòng trung thành hoàn toàn của tôi."
Đức Hồng Y Pell đã quen biết thân mật với Đức Thánh Cha Phanxicô từ 10 đến 15 năm nay. Là nhà lãnh đạo Giáo Hội lỗi lạc tại khu vực Nam Thái Bình Dương, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Hồng Y Pell được mời tham gia vào Ủy Ban Cố Vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
6. Sang đến Châu Á với Đức Hồng Y Oswald Gracias người Ấn Độ.
Giáo Hội ngày càng gia tăng ở châu Á. Tuy nhiên, lục địa này cũng là nơi nhuộm thắm máu đào của biết bao các tín hữu Kitô dưới sự bách hại tàn bạo của các chế độ cộng sản và Hồi Giáo quá khích. Trong bối cảnh đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô mời một vị Hồng Y Á Châu là Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay vào Ủy Ban Cố Vấn Cải Tổ Giáo Triều Rôma và Quản Trị Giáo Hội.
Trước diễn biến này, Đức Hồng Y Oswald Gracias cho biết cảm nghĩ của ngài như sau:
"Tôi rất ngạc nhiên, nói rất khiêm tốn là như thế. Nhưng, tất nhiên, nếu Đức Thánh Cha cần sự trợ giúp nào, tôi cũng sẵn sàng, và tôi hy vọng tôi có thể giúp ngài điều gì đó. Thành thực mà nói, tôi không biết tôi có thể giúp được bao nhiêu."
Đức Hồng Y Gracias đã là Tổng Giám Mục Bombay, quê hương của chính ngài, từ năm 2006. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tấn phong Hồng Y cho ngài một năm sau đó.
Đức Hồng Y được biết đến như một nhà phê bình thẳng thắn trước bạo lực nhắm vào phụ nữ Ấn Độ, và là người nhiệt thành thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo.
Trong cuộc họp đầu tiên vào ngày 1 tháng 10, ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có thể cứu xét đến nhu cầu của tất cả các miền trên thế giới.
Đức Tổng Giám Mục của Bombay nói:
"Đức Thánh Cha sẽ là người quyết định tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi có thể trình bày với ngài nguyện vọng của người dân địa phương và sự mong đợi của thế giới, cũng như tâm lý của các nền văn hóa khác nhau. Tôi đến từ Châu Á: Châu Á có những đặc điểm rất khác với phần còn lại của thế giới. .. Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại đã là hơn 30% dân số của thế giới. ..Tôi muốn nhắc lại, đó là một phần rất lớn của thế giới."
Đức Hồng Y năm nay 68 tuổi. Ngài nói rằng ngài cảm thấy Giáo Hội đang sống trong những thời khắc lịch sử sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Hồng Y nói:
"Nhưng đó là điều thú vị, tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong thời gian rất thú vị. Đức Thánh Cha đang mở một cánh cửa ra với thế giới, như Đức Gioan XXIII đã làm, và cho phép người bên ngoài và những mong đợi tiến vào và đưa ra những hồi đáp, và như thế Giáo Hội thực sự là liên quan với thời đại. "
Châu Á là nơi cư trú của mười một phần trăm người Công Giáo trên toàn thế giới. Đức Hồng Y Gracias là một trong mười một đại cử tri Hồng Y từ lục địa này.
7. Sang đến Mỹ Châu La Tinh chúng ta có Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga người nói thông thạo rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, người Honduras, là điều phối viên của ủy ban gồm tám Hồng Y sẽ tư vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc cải cách Giáo triều và quản trị Giáo Hội. Vị Hồng Y người Honduras đã có nhiều năm kinh nghiệm, đặc biệt về khiá cạnh quản trị. Đức Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2001, cùng vào dịp ngài tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Bergoglio của Buenos Aires, Á Căn Đình.
Trước đó, ngài đã sát cánh với Đức Tổng Giám Mục Bergoglio nhiều lần tại Mỹ Châu Latinh. Hai vị đã gặp lại nhau trong hội nghị các giám mục châu Mỹ La tinh, và các ngài đã làm việc chặt chẽ khi soạn thảo tài liệu Aparecida vào năm 2007. Đến nay, Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục sử dụng văn bản này. Ngài thường tặng một bản sao cho các nhà lãnh đạo Mỹ Châu Latinh được ngài tiếp kiến tại Vatican.
Nhiệm vụ của Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga là điều phối công việc của nhóm, xoay quanh những quan ngại đã được các Hồng Y nêu ra chỉ vài ngày trước Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận rằng ý tưởng phải có một ủy ban cải cách lần đầu tiên đã được đưa ra chính trong khuôn khổ 7 cuộc họp khoáng đại các Hồng Y được tổ chức từ 4 tháng Ba đến 8 tháng Ba.
8. Buổi triều yết chung hàng tuần sáng thứ Tư 2 tháng 10
Trong buổi triều yết chung hàng tuần sáng thứ Tư 2 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến sự thánh thiện. Ngài đã giải thích về sự mâu thuẫn giữa sự thánh thiện của Giáo Hội và những tội lỗi của các thành viên trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng sau đó đã kêu gọi các Kitô hữu đừng sợ hãi sự thánh thiện vì đó là một ân sủng Chúa ban cho chúng ta qua các bí tích.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta rằng Giáo Hội là "thánh thiện". Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nói Giáo Hội là thánh thiện trong khi Giáo Hội hiển nhiên là gồm toàn những tội nhân? Thánh Phaolô giúp chúng ta nhìn sự việc cách đúng đắn khi ngài nói với chúng ta rằng "Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và tự hiến chính mình cho Giáo Hội, để Giáo Hội được nên thánh thiện" .
Giáo Hội là một nhiệm thể không thể tách rời với Chúa Kitô, và là nơi Chúa Thánh Thần ngự. Không phải chúng ta, hay công nghiệp của chúng ta, làm cho Giáo Hội thánh thiện, nhưng chính là nhờ Thiên Chúa, nhờ công nghiệp vô hạn của hy lễ Chúa Kitô trên thập giá. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta, là những người tội lỗi, để chúng ta được cứu chuộc, được đổi mới và nên thánh trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội không ngừng chào đón tất cả mọi người, ngay cả những con người tội lỗi trầm trọng nhất, hãy tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, và hãy gặp gỡ Đức Kitô trong bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Chúng ta đừng ngần ngại đáp lại tiếng Đức Kitô gọi, trong niềm tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy cầu nguyện và phấn đấu hướng đến sự thánh thiện là điều mang lại niềm vui đích thực cho cuộc sống của chúng ta.
9. Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giáo Lý Viên toàn thế giới
Sáng Chúa Nhật 29 tháng 9, tuy bầu trời Rôma xám xịt báo hiệu mưa có thể đổ xuống bất chợt, Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giáo Lý Viên toàn thế giới, là một phần trong những cử hành của Năm Đức Tin, đã diễn ra trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của ít nhất là 150 nghìn người, đa số là các giáo lý viên, từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Á.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói rằng, giáo lý viên là người giữ cho ký ức về Thiên Chúa luôn sống động, công bố Tin Mừng và phục hồi niềm tin nơi những người khác .
Đức Thánh Cha nói:
"Giáo lý viên là những Kitô hữu giúp vào việc công bố ký ức về Thiên Chúa, không khoa trương, không nói về bản thân mình, nhưng nói về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng trung tín của Ngài."
Trình bày những suy tư trên bài Tin Mừng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã nói về sự nguy hiểm khi con người cố kết với của cải vật chất. Khi con người quên mất Thiên Chúa, thì chiều kích nhân bản cũng bị đánh mất .
Đức Thánh Cha nói:
Cuộc sống, thế giới, những người khác, tất cả đều trở thành những thứ không thật, họ không còn vấn đề, tất cả mọi thứ giản lược vào việc ta có được cái gì trong tay. Khi chúng ta không còn nhớ đến Thiên Chúa, chúng ta cũng trở thành hư không, chúng ta cũng trở nên trống rỗng, như người giàu có trong Tin Mừng, chúng ta không còn có một khuôn mặt.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng, là một giáo lý viên là không dễ dàng. Ngài giải thích rằng đó là một ơn gọi cuốn hút toàn bộ cuộc sống của một con người. Nhưng trong một thế giới bị ám ảnh bởi sự giàu có vật chất, chính sức mạnh của Tin Mừng sẽ làm cho các Kitô hữu đứng vững.
Đức Thánh Cha nói:
Những người chạy theo hư không sẽ trở thành hư không - như tiên tri Jeremiah đã quan sát. Chúng ta được hình thành giống hình ảnh Thiên Chúa, không phải giống như các thứ vật chất, không phải giống như các ngẫu tượng!
Sau khi cử hành Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng đã đích thân chào đón một số giáo lý viên, là những người đã đến Rome như một phần của Năm Đức Tin.
Vào cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, đã trình lên Đức Thánh Cha sự hiện diện của các giáo lý viên từ các quốc gia mà ngài mô tả là đang chịu những thách thức cam go để sống đức tin, đó là các giáo lý viên đến từ Việt Nam, Pakistan, và Syria .
10. Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình tại Syria
Trước khi chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả người tham dự đặc biệt là Đức Thượng Phụ Youhanna X , thượng phụ chính thống giáo Hy Lạp thành Antiôkia và toàn cõi phương Đông, là vị mà Đức Thánh Cha đã gọi là người "anh em của tôi" Em trai của Đức Thượng Phụ, là Đức Cha Boulos Yaziji, giám mục của Aleppo, đã bị quân thánh chiến Hồi Giáo bắt cóc tại Syria trong nhiều tháng qua bây giờ vẫn chưa biết sống chết ra sao.
Chào đón đức thượng phụ, Đức Giáo Hoàng nói
"Lời chào đặc biệt xin gởi đến người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Gioan Đệ Thập, là thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp của thành Antiôkia và toàn cõi phương Đông. Sự hiện diện của hiền huynh một lần nữa mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và Trung Đông . "
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc phong chân phước ngày hôm qua, tại Croatia cho cha Miroslav Bulešić, một linh mục triều đã chịu tử đạo vào năm 1947.
Đức Thánh Cha nói: “Ngợi khen Chúa, Đấng ban sức mạnh cho những người yếu đuối can đảm đưa ra những chứng tá tối hậu."
11. Đức Giáo Hoàng: Niềm vui của trẻ em và người lớn tuổi là dấu hiệu thực sự về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo Hội
Trong thánh lễ sáng 30 tháng 9, tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Giáo Hội phải tránh rơi vào "chủ thuyết chức năng", nghĩa là đặt hiệu quả trước mọi thứ khác. Lấy một ví dụ cụ thể, Đức Thánh Cha đã yêu cầu Giáo Hội phải luôn nghĩ đến những trẻ em và người già, vì hai tầng lớp ấy là sự kết hợp giữa trí tuệ và tương lai của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói:
Tương lai của một dân tộc là ở đây ... nơi người già và trẻ em. Một dân tộc không chăm sóc người già và trẻ em thì không có tương lai bởi vì nó sẽ không có ký ức về quá khứ và chẳng có gì hứa hẹn ở tương lai! Người già và trẻ em là tương lai của một dân tộc! Quá dễ dàng để xua đuổi một đứa trẻ đi chỗ khác chơi hay làm cho nó đừng quấy nữa với một cục kẹo hay một trò chơi. Cũng thật dễ để gạt ngang ý kiến người già và bỏ qua lời khuyên của họ với lý do là “họ già rồi, đâm ra lẩm cẩm ấy mà”.
"Tôi hiểu, các môn đệ muốn có hiệu quả, họ muốn Giáo Hội tiến lên mà không vấp phải bất cứ vấn đề nào và điều này có thể là một cám dỗ đối với Giáo Hội khi Giáo Hội biến thành Giáo Hội của chủ thuyết chức năng! Một Giáo Hội được tổ chức tốt, nhưng không có ký ức về quá khứ và chẳng có gì hứa hẹn ở tương lai! Giáo Hội không thể tiếp tục như thế vì sẽ trở thành một Giáo Hội đầy những cuộc đấu tranh quyền lực, và đố kỵ giữa những người đã được rửa tội và còn nhiều thứ khác nữa sẽ nảy sinh khi Giáo Hội không có ký ức và tương lai”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng dấu hiệu thực sự về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo Hội và trong xã hội, được nhìn thấy qua niềm vui và sự tôn trọng trẻ em và người già.
12. Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy bền bỉ vác thánh giá của mình, ngay cả trong những thời điểm khó khăn
Hôm 27/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích trong Thánh lễ sáng của ngài tại Nhà trọ Thánh Marta rằng các Kitô hữu dễ bị rơi vào cám dỗ cho rằng mình đang trong trạng thái ‘khoẻ mạnh về mặt tinh thần’ bởi vì Giáo Hội có nhiều cách để giúp con người đạt được ơn cứu độ. Ngài cũng ca ngợi những người thực sự cố gắng noi theo Chúa Giêsu, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Và có cám dỗ cho rằng mình đang trong trạng thái ‘khoẻ mạnh về mặt tinh thần’. Chúng ta có tất cả mọi thứ: Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô, các bí tích, Đức Trinh Nữ Maria: tất cả mọi thứ. Mọi thứ đều đã được Nước Trời chuẩn bị sẵn vượt quá lòng mong đợi. Chúng ta rất tốt đẹp, lành thánh, tất cả chúng ta. Ít nhất chúng ta phải tin điều này, nếu không sẽ có tội! Nhưng ‘khoẻ mạnh về mặt tinh thần’ vẫn chưa đủ. Như dụ ngôn về người thanh niên giàu có: anh ta muốn theo Chúa Giêsu, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. Để trở thành một Kitô hữu thực sự, anh chị em phải nhận được Bí tích xức dầu tối hậu này là bí tích xức dầu thập giá, bí tích xức dầu của sự nhục nhã thực sự. Ngài chịu nhục nhã cho đến chết. Thậm chí chết trên thập giá. Đó là đá tảng góc tường, bằng chứng thực tế của Kitô giáo chúng ta: Phải chăng tôi là một Kitô hữu ‘khoẻ mạnh’ hay tôi là một Kitô hữu dám đi tới cùng với Chúa Giêsu hướng đến thập giá? Nó bao gồm khả năng chịu đựng mọi sỉ nhục".
Đức Thánh Cha nói rằng dấu hiệu của một Kitô hữu đích thực là khả năng chịu đựng mọi sỉ nhục và vác thánh giá của mình hàng ngày bằng niềm vui và sự kiên nhẫn.
13. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các vị lãnh đạo của Hội đồng Giám mục Venezuela
Cuộc tiếp kiến Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Venezuela của Đức Thánh Cha thật đơn giản, nhưng sống động. Dẫn đầu phái đoàn là Đức Tổng Giám Mục Diego Padrón của Cumaná, cùng đi với ngài là với hai vị Phó Chủ tịch và vị Tổng Thư ký.
Một trong số các vị đã tặng Đức Thánh Cha một món quà thiết thực, mà ngài tỏ ra rất ưa thích.
- Đức Tổng Giám mục Cumaná nói: “Món quà này để Đức Thánh Cha pha cà phê vào mỗi buổi chiều”.
- Đức Thánh Cha đáp: “Đức Cha biết tôi rất thích cà phê”.
Ngoài món quà cà phê Venezuela, các Giám mục còn trình bày cho Đức Thánh Cha về tình trạng của người Công Giáo và xã hội Venezuela.
Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự chú ý cẩn thận về hoàn cảnh Venezuela hiện nay. Ngài xin cả thế giới cầu nguyện cho đất nước Nam Mỹ này. Đức Thánh Cha cũng đã gặp Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela và nhóm các chính trị gia đối lập của đất nước này. Mới đây, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin làm tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trước khi được bổ nhiệm, ngài là Khâm sứ Tòa Thánh tại Caracas, Venezuela.
14. Đức Giáo Hoàng tiếp vị lãnh đạo của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Tổng giám đốc của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học, tổ chức hàng đầu chịu trách nhiệm thực thi lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học trên toàn thế.
Cuộc hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng và Ông Ahmet Üzümcü, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra trong vài phút. Hai vị lãnh đạo đã trao đổi ngắn về các mục tiêu của tổ chức. Sau đó họ tặng quà cho nhau.
Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học được thành lập vào năm 1997, khi Công ước về Vũ khí Hóa học có hiệu lực. Syria sẽ trở thành thành viên mới nhất khi chấp nhận tham gia Công ước, chỉ còn bốn quốc gia khác chưa gia nhập: Angola, Ai Cập, Bắc Triều Tiên và Nam Sudan.
15. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Đức Thượng Phụ John X thành Antiôkia, anh trai của vị giám mục bị bắt cóc.
Hôm 27/09/2013 đã diễn ra cuộc hội kiến lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Thượng Phụ John X, vị lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Antiôkia, một trong những cộng đoàn Kitô giáo lâu đời nhất ở Trung Đông.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi hy vọng ngài cảm thấy như ở nhà mình".
Đức Thượng Phụ John X đáp từ: "Cảm ơn ngài rất nhiều".
Hai vị lãnh đạo đã trò chuyện vui đùa với nhau trước khi trao đổi về một số chủ đề quan yếu cả hai cùng quan tâm. Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ John X đã thảo luận về mong muốn hiệp nhất Kitô giáo và sự tiến triển của đối thoại đại kết thông qua lời chuyển ngữ của một thông dịch viên.
Giáo Hội Antiôkia có trụ sở tại thủ đô Syria, vì vậy cả hai vị lãnh đạo cũng trao đổi về cuộc nội chiến đang diễn ra. Đó cũng là vấn đề mang tính cá nhân đối với Đức Thượng Phụ John X, vì các phiến quân đã bắt cóc em trai ngài là Đức Giám Mục Boulos Yazigi của Aleppo cùng với một giám mục khác hồi tháng Tư. Hiện vẫn chưa biết họ đang bị cầm giữ ở đâu hoặc thậm chí không biết họ còn sống hay đã chết.
Cuối buổi hội kiến, Đức Thượng Phụ của Syria đã giới thiệu một số vị lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống tháp tùng cùng ngài trong phái đoàn. Sau khi chụp ảnh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Đức Thượng Phụ một Huy hiệu Giáo hoàng lớn. Trong khi đó, Đức Thượng Phụ John X mang theo nhiều quà tặng có ý nghĩa, trong đó có một biểu tượng Byzantine của hai nhân vật rất quan trọng.
"Như ngài đã biết, Thánh Phêrô và Phaolô là hai cột trụ đức tin của chúng ta; đặc biệt Thánh Phêrô, là cột trụ trong Giáo Hội của ngài" .
Cả Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Antiôkia đều có nguồn gốc từ hai vị thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Ở mặt sau của biểu tượng, Đức Thượng Phụ Antiôkia đã viết một sứ điệp cá nhân mà Đức Thánh Cha Phanxicô biết rất rõ:
"Xin nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện".
Ngoài ra, Đức Thượng Phụ cũng tặng Đức Giáo Hoàng một quyển sách về các tu viện ở Trung Đông, cũng như các video về một số các chuyến viếng thăm của ngài đến khu vực này.
Nhưng có lẽ hình ảnh khó phai mờ của cuộc hội kiến lịch sử chính là lúc hai vị lãnh đạo cầu nguyện cho nhau trước khi chào tạm biệt.
16. Đức Giáo Hoàng nói với Giáo lý viên: Các con có muốn trở thành Giáo lý viên tốt không? Hãy thực hiện theo ba điểm mấu chốt này.
Hơn 1.600 giáo lý viên từ khắp nơi trên thế giới đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đại Thính Đường Phaolô VI của Vatican. Các giáo lý viên hành hương đến Rôma để được gặp Đức Thánh Cha như là một phần của "Năm Đức Tin."
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn bài huấn từ, nhưng có một lúc Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Sáu 27/08/2013. Ngài giải thích rằng để trở thành một giáo lý viên tốt, cần phải thực hiện ba điểm mấu chốt. Trước tiên là sống mật thiết với Chúa Giêsu, thứ hai là noi gương Chúa Kitô, nghĩa là đến với tha nhân để chia sẻ Tin Mừng. Cuối cùng, đừng sợ hãi vượt ra khỏi lãnh vực quen thuộc của mình.
Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng trở thành giáo lý viên là một ơn gọi đích thực. Ngài nói rằng đó không chỉ là một công việc phải thực hiện, mà còn là một ơn gọi trong sự hiện hữu của ta.