Trong cuộc gặp gỡ với Tổng Giám Mục Justin Welby của Hiệp Thông Anh Giáo vừa qua, Đức Phanxicô cho rằng tuy mục tiêu hợp nhất trọn vẹn vẫn còn xa vời, nhưng đó vẫn là đích nhắm để ta tiến tới.

Ý thức được điều đó, trong bài diễn văn của ngài, TGM Welby nhấn mạnh nhiều tới những bước hợp tác cụ thể giữa hai Giáo Hội mà trọng điểm hiện nay là việc tranh đấu loại trừ nạn buôn người. TGM nói:

“Thưa Đức Thánh Cha, nhiều việc đã diễn ra trong các năm kể từ khi tôi được ngài tiếp đón nồng hậu tại đây. Tôi biết ơn đối với sự tiến bộ đạt được nhờ sự hỗ trợ đầy quảng đại của nhiều người nhằm lôi cuốn sự chú ý của thế giới tới các tội ác của Nạn Nô Lệ và Buôn Người Hiện Đại. Mạng Lưới Tự Do Hoàn Cầu (1) đã có thể thực hiện được nhiều điều thực tiễn nhằm triệt hạ điều mà nhiều lần ngài nói rất đúng là tội ác trầm trọng chống lại nhân loại. Đây là một tội phạm mà tất cả chúng ta cần phải khuất phục như một vấn đề cấp thiết, như một vấn đề thuộc phẩm giá con người, thuộc tự do và thuộc tính trọn vẹn của sự sống. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng quyết tâm và sự hợp tác mà chúng ta đều cần đến.

“Cùng với thật nhiều người trên thế giới, tôi biết ơn sâu xa đối với chứng tá tuyệt vời của ngài trong việc quan tâm tới người nghèo và người đau khổ của thế giới, đối với lòng say mê hòa giải của ngài, được biểu lộ gần đây trong cuộc viếng thăm Đất Thánh của ngài.

“Kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho hòa bình và hoà giải và làm như thế cách công khai quả đã làm chứng cho quyền lực của cầu nguyện, một việc mà tôi luôn tìm cách noi theo. Những lời cầu nguyện như thế hết sức khẩn trương và có tính sinh tử đối với nhiều quốc gia. Tôi đặc biệt hy vọng và cầu xin cho sự hợp tác của chúng ta sẽ đưa tới một thách thức hữu hiệu đối với thảm họa chiến tranh và tranh chấp dân sự không thể nào tả xiết. Trong mấy tháng gần đây, tôi đã cùng phu nhân của tôi tới thăm một số nơi như thế, chúng tôi đã vào tận trung tâm những vùng có chiến tranh, và hình ảnh người chết không được chôn cất cũng như nỗi đau khổ của người sống sót vẫn còn in đậm trong trái tim chúng tôi. Các Giáo Hội của chúng ta có thể làm gì hơn với nhau để thách thức việc người ta nại tới chiến tranh và để đề xuất giấc mơ hòa bình?

“Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài linh hứng rất nhiều cho mọi Kitô hữu. Nhiệm vụ tạo môn đệ là một nhiệm vụ khẩn cấp, để ánh sáng Chúa Kitô rạng soi khắp ngả thế giới. Tôi có đủ lý do bản thân để biết ơn công trình Khóa Học Alfa (2) để phúc âm hóa, nên đối với tôi, điều có ý nghĩa là khóa học này đã tìm được vị trí bên trong Giáo Hội Công Giáo, nhất là tại Châu Mỹ La Tinh. Chúng tôi tiếp tục khai triển nhiều phương tiện phúc âm hóa khác, mà gần đây nhất là Khóa Hành Hương (3), xin hãy cầu nguyện để chúng ta tiếp tục học hỏi lẫn nhau trong nhiệm vụ đầy hân hoan là dẫn đưa người ta tới chỗ nhận biết Chúa Giêsu Kitô”.

Quả là một dẫn nhập rất khéo trước khi đi vào lãnh vực đầy khó khăn của hợp nhất trọn vẹn. TGM Welby nói tiếp liền sau đó rằng:

“Nhớ tới gia tài thiêng liêng quý giá ta hiện có chung với nhau, tôi cầu nguyện cho công trình còn đang tiếp diễn của các thành viên các nhóm chính thức đang thực hiện những cuộc đàm thoại đại kết với nhau. Luôn nhớ tới ý muốn của Chúa chúng ta là “xin cho chúng nên một”, chúng ta tiếp tục dấn thân cho công trình này. Tôi hiểu rằng vẫn còn các vấn đề quan yếu đang chia rẽ chúng ta”.

Về hợp nhất sự thật, TGM Welby chỉ vỏn vẹn nói có thế, làm nổi bật khía cạnh tiêu cực hơn là khía cạnh tích cực của sự việc. Sau đó, ngài trở lại với khía cạnh thành công của đại kết. Ngài nói tiếp:

“Ấy thế nhưng, nếu nhìn trở lui, ta thấy Ơn Chúa đã khiến cho nhiều việc diễn ra. Tháng Mười Một năm nay sẽ là 50 năm kể từ ngày sắc lệnh về đại kết, Unitatis Redintigradio, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đầy diễm phúc của ngài công bố, và tôi thật có lý khi ca ngợi công việc của Tòa Thánh qua Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo trong suốt 50 năm qua nhằm hướng tới mục tiêu hợp nhất hữu hình trọn vẹn. Năm 2016, chúng ta sẽ cử hành 50 năm cuộc viếng thăm lịch sử của TGM Ramsey, vốn được tưởng niệm trong chiếc nhẫn của Đức GH Phaolô tặng cho ngài.

“Thưa Đức Thánh Cha, khi chúng ta gặp nhau lần đầu, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng chúng ta có thể tìm ra phương cách để củng cố những gì ta có chung với nhau, và trong tư cách mục tử của gia đình Kitô Giáo, ta có thể tìm đươc dịp để cầu nguyện, để hành động và lên tiếng với nhau. Tôi rất vui khi đã có những dịp để tôi cũng như Đức HY Vincent Nichols thực hiện những việc đó. Tôi được khích lệ nhiều trong phạm vi này. Một dấu chỉ nữa cho thấy ý hướng đầy hân hoan này là việc thiết lập ra Cộng Đồng Con Đường Mới (Chemin Neuf Community) tại Điện Lambeth (4). Dòng tu đầy đặc sủng đại kết do Cha Laurent Fabre thành lập này là dấu chỉ hy vọng hàng ngày cho chúng ta trong cuộc sống thiêng liêng bằng những gì chúng ta vốn có chung với nhau về linh đạo. Thứ Tư vừa rồi, tôi được gặp lại Jean Vanier (5) và chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau. Ông quả là một hồng phúc hiếm có đối với mọi người nghèo trên thế giới”.

Trên đường các con tranh luận gì với nhau vậy?

Trong bài đáp từ của ngài, Đức Phanxicô không ngần ngại nói ngay tới khía cạnh tiêu cực của tình hình đại kết. Sau khi chào mừng TGM Welby, ngài nhắc tới thái độ im lặng của các môn đệ khi bị Chúa Giêsu vặn hỏi: “trên đường, các con tranh luận gì với nhau vậy?” (Mc 9:33). Các ông im lặng vì không dám nói sự thật. Sự thật là các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất!

Đức Phanxicô nói tiếp rằng: “Cả chúng ta nữa cũng đang cảm thấy xấu hổ khi nghĩ tới khoảng phân cách giữa lời kêu gọi của Chúa và đáp ứng nghèo nàn của ta. Dưới cái nhìm từ nhân của Người, chúng ta vẫn chưa có thể cho rằng sự chia rẽ của chúng ta là một điều gì không hẳn là gương mù hay trở ngại đối với việc ta công bố Tin Mừng cứu rỗi cho thế giới. Tầm nhìn của chúng ta thường bị phủ mờ bởi gánh nặng chồng chất của chia rẽ và ý chí chúng ta không luôn thoát được lòng tham vọng của con người, một tham vọng thậm chí có thể đang đồng hành với ý muốn rao giảng Tin Mừng như Lời Chúa vốn truyền dạy (xem Mt 28:19)”.

Nói như thế, Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng: hợp nhất không hẳn là thành quả của con người mà là hồng phúc nhưng không của Thiên Chúa. Ngài nói tiếp:

“Mục tiêu hợp nhất trọn vẹn xem ra còn thật xa vời, nhưng nó vẫn là mục tiêu hướng dẫn mọi bước ta đi. Tôi tìm được nguồn khích lệ trong lời kêu gọi khẩn thiết của Sắc Lệnh về Đại Kết của Công Đồng Vatican II rằng ta nên tiến bước trong mối liên hệ và hợp tác của ta bằng cách không đặt trở ngại cho các cách quan phòng của Chúa và không làm thiệt hại các thúc đẩy tương lai của Chúa Thánh Thần (xem Unitatis Redintegratio, 24). Sự tiến bộ hướng tới hiệp thông trọn vẹn của chúng ta sẽ không phải là thành quả của hành động của con người mà thôi, mà là một hồng phúc nhưng không của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta sức mạnh để ta không nản lòng và Người mời gọi ta tin tưởng trọn vẹn vào sức mạnh của việc Người làm”.

Ngoài ra, Đức Phanxicô tế nhị nhắc Đức TGM Welby nhớ rằng hợp nhất có thể sẽ dễ dàng hơn nếu ta nhớ tới nguồn cội chung. Ngài nói:

“Là các môn đệ đang cố gắng theo chân Chúa, chúng ta hiểu rằng đức tin đến với chúng ta nhờ rất nhiều chứng tá. Chúng ta mang nợ các vị thánh vĩ đại, các bậc thầy và các cộng đoàn; họ đã truyền đức tin lại cho chúng ta qua nhiều thời đại và họ làm chứng cho nguồn gốc chung của ta. Hôm qua, nhân Lễ Trọng mừng Chúa Ba Ngôi, Đức Tổng Giám Mục đã cử hành Kinh Chiều tại Nhà Thờ San Gregorio al Celio, là nhà thờ, từ đó, Đức GH Grêgôriô Cả đã gửi Thánh Augustinô và các bạn đồng đan sĩ của ngài qua phúc âm hóa nhân dân Anh Quốc, do đó, đã khai sáng ra lịch sử đức tin và thánh thiện, một lịch sử sau đó đã quay trở lại phong phú hóa nhiều dân tộc Âu Châu khác. Lịch sử hiển hách này đã lên khuôn một cách sâu sắc nhiều định chế và truyền thống Giáo Hội mà hiện ta đang chung hưởng và được dùng làm căn bản vững chắc cho các liên hệ huynh đệ của chúng ta”.

Chỉ nhờ biết nhìn nhận quá khứ chung ấy, đại kết mới hướng tới tương lai được. Đức Phanxicô cho hay:

“Trên căn bản đó, ta hãy tin tưởng nhìn về tương lai. Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo Rôma (ARCIC) và Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo Rôma về Hợp Nhất và Truyền Giáo (IARCCUM) (6) đại biểu cho nhiều nghị hội hết sức có ý nghĩa nhằm khảo sát một cách xây dựng các thách đố cũ và mới đối với dấn thân đại kết của chúng ta”.

Trong một thế song đối ngược (chiasm), đến lúc này Đức Phanxicô mới nhắc tới các đóng góp cụ thể chung của hai Giáo Hội, những đóng góp được TGM Welby nhắc tới đầu tiên:

“Trong cuộc gặp mặt đầu tiên của chúng ta, Đức TGM và tôi đã thảo luận các quan tâm chung và nỗi đau buồn của chúng ta trước một số tội ác nghiêm trọng đang giáng xuống gia đình nhân loại. Cách riêng, chúng ta chia sẻ nỗi kinh hoàng trước tai họa buôn người và các hình thức nô lệ hiện đại. Tôi cám ơn Đức TGM vì sự lãnh đạo ngài biểu lộ trong việc chống lại các tội ác không thể nào tha thứ chống lại nhân phẩm này.

“Trong các cố gắng nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn thiết này, nhiều cố gắng hợp tác đáng kể đã được khởi diễn trên bình diện đại kết và trong sự hợp tác với các thẩm quyền dân sự và các tổ chức quốc tế. Nhiều sáng kiến bác ái đã được các cộng đồng của chúng ta đảm nhiệm, và các sáng kiến này đang được thực thi một cách đại lượng và can đảm tại nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ tới mạng lưới hành động do nhiều viện tu trì phụ nữ thiết lập nhằm chống lại việc buôn bán phụ nữ. Ta nên kiên trì trong việc cam kết chống lại các hình thức mới của nạn nô lệ, hy vọng có thể giảm nhẹ đau khổ cho các nạn nhân và chống đối thứ buôn bán đáng lên án này. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì trong tư cách môn đệ được sai đi để chữa lành cho thế giới đang bị thương tổn, chúng ta đã đứng chung với nhau, một cách kiên trì và đầy quyết tâm, nhất định chống lại tội ác trầm trọng này”.

Mẩu đối thoại cuối cùng quả là ý nhị:

Đức Phanxicô: “Ngài đừng quên ba chữ ‘p’”
TGM Welby: “Ba chữ ‘p’ nào?”
Đức Phanxicô: “Prayer, peace and poverty (cầu nguyện, hòa bình và sống nghèo). Ta phải cùng bước với nhau”.
TGM Welby: “Ta phải cùng bước với nhau”
_______________________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú

(1) Một chiến dịch được các đại diện Công Giáo, Anh Giáo và Hồi Giáo phát động hồi tháng 3 năm nay để tận diệt nạn buôn người vào cuối thập niên này (Tin Đài Phát Thanh Vatican ngày 17 tháng 3 năm 2014)
(2) Khóa Alpha được cha Charles Marnham thuộc giáo xứ Holy Trinity, ở Brompton, một giáo xứ Anh Giáo, khởi đầu năm 1977, nhằm giúp các tín hữu học hỏi những điều căn bản của đức tin Kitô Giáo, nhưng sau đó được sử dụng như một dẫn nhập cho những ai quan tâm tới đức tin. Khóa học sau đó, được các vị kế nhiệm Cha Marnham là Cha John Irvine và Cha Nicky Gumbel khai triển và phát triển. Tới năm 2008, hơn 33,500 khóa đã được tổ chức tại 163 quốc gia do các Giáo Hội Anh Giáo, Presbyterian, Lutheran, Baptist, Methodist, Pentecostal, Chính Thống Giáo và Công Giáo chịu trách nhiệm. Hơn 15 triệu người khắp thế giới đã tham dự các khóa học này.
(3) Khóa Hành Hương là một khóa học do Anh Giáo phát động, giúp mọi Giáo Hội địa phương tạo ra môi trường để người ta cùng nhau tìm hiểu đức tin Kitô Giáo và tìm cách đem nó ra sống thực hàng ngày. Phương thức của khóa học không nhằm thuyết phục mà mời gọi tham dự các buổi chiêm niệm và thảo luận với một nhóm những người cùng đi du lịch với mình. Khóa gồm hai giai đoạn: Giai đoạn Bước Theo (Follow) dành cho những ai mới biết đức tin, và giai đoạn Lớn Lên (Grow) dành cho những ai muốn đi xa hơn. Mỗi giai đoạn gồm 4 khóa học ngắn hạn, mỗi khóa 6 buổi, tập chú vào một chủ đề lớn của đời sống Kitô Giáo.
(4) Cộng Đồng Con Đường Mới (tiếng Pháp: Communauté du Chemin Neuf) là một cộng đồng đại kết của Công Giáo, trong đó, các Kitô hữu thuộc mọi lối sống, bất luận thuộc Giáo Hội nào, sống với nhau và cùng làm việc cho Tin Mừng. Được một nhóm canh tân đặc sủng thiết lập năm 1973, hiện Cộng Đồng có khoảng 2,000 thành viên thuộc mọi hệ phái chính của Kitô Giáo tại 30 quốc gia.
(5) Jean Vanier là một triết gia Công Giáo, người Gia Nã Đại, sau trở thành một thần học gia và một nhà nhân đạo. Ông sáng lập ra L’Arche, một liên minh quốc tế các cộng đoàn dành cho người chậm phát triển và những người trợ giúp những người này.
(6) Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo Rôma (ARCIC) là một cơ quan được lập ra năm 1969 nhằm thực hiện các tiến bộ về đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo. Cơ quan này tìm cách nhận diện các cơ sở chung giữa hai hiệp thông. Còn Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo Rôma về Hợp Nhất và Truyền Giáo (IARCCUM) là một trang mạng vừa được phát động nhân cuộc viếng thăm Tòa Thánh vừa qua của TGM Welby.