VÀO THU

Hôm nay trời lại vào thu. Mầu lá úa vàng đỏ lẫn lộn ngời lên trong ánh nắng thu sang và chút mơn man của ngọn gió heo may càng làm sắc thu thêm phần rực rỡ. Biết bao nhiêu bức tranh, họa phẩm, bao nhiêu bài thơ, bản nhạc đã được đan dệt trên nền thu quyến rũ ấy. Mùa thu nơi đây cũng mang về những ngày buồn u ám, trời thấp với tầng mây vần vũ, cho dù năm nay “trời (vẫn còn) vắng những cơn mưa.” Trong cái hơi thu ảm đạm ấy, không dưng lòng người bỗng chợt dậy những nỗi bâng khuâng pha lẫn chút xuyến xao chẳng biết từ đâu tới. Hay là thu gợi nhớ những cuộc tình chia xa, những tàn tạ phôi pha theo mầu nắng thu phai? Bài hát năm nào thu về cũng phải nghe lại: “Trời vào thu tiễn em sầu lạnh giá.” Thu khiến con người thấm thía nỗi buồn chia ly, những đổ vỡ xót xa khiến cho kẻ đi người ở. Thu để lại mối sầu cô đơn len nhẹ vào hồn theo từng cánh lá vàng rơi, rồi gậm nhấm từng phút, từng ngày.

Thu đến cũng nhắc nhở đến cái mong manh của kiếp người, cứ theo định luật tuần hoàn mà chuyển từ xanh ngời sang nhợt nhạt vàng võ, rồi phai tàn héo úa, để cuối cùng rơi rụng tan tác như lá thu trên thềm vắng? Trong cùng một ngày, mấy tờ báo địa phương đều đăng cáo phó về ba cái chết của một vài người quen biết ít nhiều, cả ba đều do cùng một căn bệnh. Người ta lại có dịp kéo đến nghĩa trang, thắp lên một nén nhang hay ném xuống mộ phần người quá cố một đóa hồng thay cho lời tiễn biệt gửi về người vừa chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Thực ra, “an giấc ngàn thu” không phải là một mỹ từ suông, mà là một thực tế, nhất là với các tín hữu Chúa, bởi vì họ “sẽ không chết bao giờ” (x. Gioan 6:47-51). Bởi thế, trong bầu khí tĩnh lặng của nghĩa trang, không gì tốt đẹp hơn là phó thác những người đã nằm xuống vào lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa, rồi để mặc cho năm tháng như liều thuốc làm nguôi ngoai đi những trăm nhớ ngàn thương. Bước chân vào nghĩa trang rốt cuộc trở thành một bước hành trình tâm linh của người đang sống đi vòng quanh cái chết vốn là định mệnh và thân phận của chính mình, để từ đó có thể sống yêu đời hơn, trọn vẹn hơn, và có thêm nghị lực vượt qua những trở ngại không tránh được trong kiếp nhân sinh.

Khắc khoải về nỗi chết là một thao thức khôn nguôi bởi đó chính là giới hạn cuối cùng của kiếp con người. Chẳng thế mà Oscar Wilde, nhà văn Ái Nhĩ Lan, đã viết: “Con người có thể vượt thoát được tất cả, ngoại trừ cái chết.” “Ta sinh ra đời không hề bình đẳng, nhưng khi chết đến thì mọi người đều bình đẳng như nhau.” Câu nói này của triết gia thời cổ Roma, Lucius Annaeus Seneca, đã nêu lên một chân lý mà dù thích hay không, ai ai cũng phải chấp nhận. Đứng trước giới hạn này, sợ hãi pha chút khuất phục là phản ứng thông thường và tự nhiên. “Ai cũng muốn lên thiên đàng, nhưng chẳng ai muốn chết!” Câu nói này của Joe Louis, nhà vô địch Quyền Anh của Mỹ, đã nói lên thái độ “kính nhi viễn chi” tất yếu đối với cái chết. Đôi khi thái độ ngạo mạn, nghênh ngang hoặc khinh thị đối với cái chết chính là sự biểu lộ nỗi ám ảnh sợ chết mà thôi. Chết mãi mãi là một thực tại bất biến đúng như Will Rogers, tài tử và bình luận gia Hoa Kỳ, đã diễu cợt: “Giữa cái chết và thuế má chỉ thấy có một dị biệt duy nhất: đó là cái chết sẽ không hề tệ hơn mỗi khi Quốc Hội nhóm họp.” Dường như ông ta bị ảnh hưởng bởi câu nói thời danh của Benjamin Franklin: “Trên đời này chỉ có hai thứ là chắc chắn hơn cả: cái chết và thuế má.”

Thật ra thì không thiếu gì những tấm gương cho thấy thái độ thanh thản trước cái chết cận kề: đó là thái độ can trường của bẩy mẹ con nhà Machabê trước khi bị hành quyết vì muốn trung thành tuân giữ Luật Môisen (xem 2 Mcb 7:1-2.9-14). Đó cũng là thái độ anh hùng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam muốn đánh đổi cái chết để giữ vững đức tin của mình. Nhưng chẳng riêng gì các thánh nhân mới có thái độ thanh thản trước cái chết, nói đâu xa, hiền nội người bạn vừa mới qua đời cũng đã lạc quan chờ đợi cái chết sau hơn một năm trời lưỡi hái tử thần đã kề sát cổ. Chỉ vì niềm tin yêu và hy vọng vững vàng vào Đức Kitô, Đấng đã chết, nhưng đã phục sinh. Xem thế thì cái chết, tuy là một giới hạn, nhưng không phải là một tận cùng hay một dấu chấm hết. Hình như nó lại là một khởi đầu cho một cái gì mới. Cần mở ngoặc ngay ở đây: cái khởi đầu này không phải theo nghĩa thực tế đến độ phũ phàng, như tuyên bố của Ambrose Bierce, một văn sĩ Hoa Kỳ: “Chết không phải là hết đâu. Nó là khởi đầu cho những kiện tụng, tranh chấp về của cải và tài sản!” Tuy thực tế có thể là như vậy, nhưng ý nghĩa sâu xa của cái khởi đầu mà cái chết mở ra chính là một chân trời mới, một thực tại mới, một thế giới mới: thế giới bất tử, cõi linh thiêng, miền cực lạc, thượng giới vô song. Cái chết như là một cảnh báo cho ta, những kẻ ở thuê trên cõi trần này, là hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt, chuẩn bị dọn nhà đi là vừa. “Trần gian là cõi tạm,” và “con người chỉ là khách trọ trên cõi tạm này” là những ý tưởng khá thông dụng và quen thuộc. Nó gióng lên tiếng chuông cảnh giác con người luôn phải ý thức rằng trần gian và thế giới này—dù đẹp đẽ và hấp dẫn đến mấy chăng nữa—cũng không phải là tất cả, hay là cùng đích. Không phải thế, bên kia cõi tạm này, còn có một thế giới khác, một cõi đời sau, của thiên thu vĩnh cửu. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới trong bài giảng năm ngoái: “Đời sống mà Chúa sửa soạn cho chúng ta không chỉ là một cuộc sống đẹp đẽ hơn cuộc đời này, mà còn tốt đẹp vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta, bởi vì Chúa luôn làm cho chúng ta ngỡ ngàng với tình yêu là lòng thương xót của Ngài …Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt người trần thì chúng ta nghĩ rằng con đường của con người là đi từ sự sống đến sự chết. Nhưng nếu con người chỉ nhìn bằng mắt thế gian thì Chúa Giêsu đã thay đổi ý niệm này và quả quyết rằng cuộc lữ hành trần gian là đi từ sự chết đến sự sống: một sự sống viên mãn! Chúng ta đang đi trên con đường lữ hành hướng đến sự sống toàn vẹn, vĩnh cữu, một sự sống đang rạng rỡ soi sáng con đường chúng ta đi. Như vậy sự chết đang đi theo sau lưng chúng ta, chứ không đi trước mặt chúng ta. Trước mặt chúng ta là Thiên Chúa của người sống, Chúa của sự kết hợp, Chúa mang tên của tôi, của anh và của bạn.. . Với danh tánh của chúng ta, Chúa là Chúa của những người sống! Và tội lỗi cũng như sự chết đã đầu hàng, và chúng ta bắt đầu một đời sống đầy hoan lạc và trong ánh sáng không hề chấm dứt” (xem: PT Huỳnh Mai Trác, Cuộc lữ hành trần thế đem chúng ta từ sự chết đến sự sống, trong www.vietcatholics.net, ngày 11/18/13)

Thiết tưởng ít có lời kinh nào có tác dụng trấn an và khích lệ cho bằng lời kinh Tiền Tụng vị Linh Mục xướng lên trong Thánh Lễ dành cho người quá cố: “Lậy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.” Như vậy, thực tại “gớm ghét” của cái chết đã không còn ghê rợn như ta thường nghĩ tưởng! Với người tín hữu, khi suy niệm về thái độ của Chúa Giêsu trước cái chết do chính Ngài xin vâng đón nhận vì đó là ý của Cha Ngài, và nhất là khi chiêm niệm chính cái chết của một Thượng Đế bất tử, ta mới thấy được mối liên kết huyền nhiệm giữa cái chết và tội lỗi, khởi từ tội nguyên tổ loài người. Thì ra “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà huyền nhiệm con người và kiếp nhân sinh mới được soi tỏ” (Gaudium et Spes số 22). Nhưng cũng chính vì thế mà ta mới thanh thản hát lên được cùng tác giả Thánh Vịnh 23: “Dù qua thung lũng tử thần, tôi cũng chẳng sợ lo, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cái trượng của Người chính là điều an ủi lòng tôi.”

Không dưng, cái biện chứng sinh-tử, đi-ở, thắng-thua, được-mất, bỗng như bừng dậy trong ánh sáng của một trật tự mới, mang thật nhiều ý nghĩa sâu xa: “Ta nói thật cho các con: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi thế thôi. Nhưng nếu nó chết đi thì nó mới nẩy mầm sinh hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn ai ghét mạng sống mình thì sẽ giữ được nó cho đời sống trường cửu” (Gioan 12:24-25). Làm sao ta hiểu được những tuyên bố “ngược đời” kiểu này? Nhưng hình như, chính trong một xã hội đang đảo lộn tùng phèo như hôm nay, khi con người—dù đã bước vào thời kỳ I-Phone 6—nhưng lại đang trở về thời kỳ đồ đá trong cung cách cư xử con người với nhau, trong lối sống buông tuồng “thích gì làm nấy,” và bất kỳ cái gì cũng làm được, không cấm kỵ, cứ thoải mái “vô tư,” cho như thế mới là tự do, thì hơn bao giờ hết, những lời nói và hành động “lạ lùng” của Chúa lại càng phải được khơi lên để có thể thấm sâu hơn nữa trong từng mỗi tâm hồn thiện chí. Phải, tuy là một Thiên Chúa quyền uy, nhưng Đức Kitô đã tự hủy mình, xuống trần gian làm người, không phải làm kẻ cao sang quyền quý, mà chọn cuộc sống cơ cực khốn khổ, giữa những hạng người tầm thường đến bần cùng trong xã hội. Hiến Chương Nước Trời của Ngài là Phúc Thật Tám Mối mà phúc thứ nhất lại là cái phúc nghèo khó; giới răn của Ngài là “hãy thương yêu nhau,” kể cả kẻ thù, và đừng đoán xét; thái độ của Ngài là cứng rắn và thẳng thắn trước kẻ giả hình, nhưng luôn hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bởi Ngài hằng quan tâm tới những kẻ khốn cùng, bé nhỏ; ưu tiên của Ngài là một trật tự đảo lộn: giầu có sẽ trở thành tay không; thiếu thốn thì Ngài lại cho dư dật, còn kẻ trước hết lại trở thành sau hết; tặng thưởng hậu hĩ cho đám thợ xuất hiện vào giờ thứ hai mươi lăm; phong thánh lập tức cho Ông Trôm Lành cùng chịu đóng đanh với Ngài; lối sống của Ngài là vác thập giá mỗi ngày để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha, kể cả cái chết thập giá đớn đau tủi nhục. Thế nhưng tất cả các hành động và lời nói khác lạ đến khó hiểu ấy lại có sức thần vô song: đem lại ơn cứu độ cho con người.

Thu ảm đạm với những cánh lá vàng úa lìa cành may ra có thể làm cho lòng ta lắng đọng!

Ngày Lập Thu

09/22/2014

Nguyễn Kim Ngân