Chuyện kể về ca khúc “O Holy Night“ khởi điểm ở nước Pháp, nhưng sau đã tràn ra khắp thế giới. Ca khúc thật giản dị này, phát khởi do lời yêu cần của một giáo sĩ, sau này đã trở thành một trong những ca khúc giáng sinh được ưa chuộng nhất mà còn đánh dấu một cuộc cách mạng kỹ thuật đã mãi mãi thay đổi phương thức truyền đạt âm nhạc đến quảng đại quần chúng.
Vào năm 1847, Placide Cappeau de Roquemaure là một ủy viên thương chính phụ trách về rượu tại một tỉnh nhỏ nước Pháp. Ong ít đi lễ lạy tại nhà thờ nhưng lại có tài làm thơ. Và ông rất đỗi ngạc nhiên khi được cha chính xứ nhờ ông sáng tác một bài thơ để đọc trong thánh lễ giáng sinh. Tuy vậy nhà thi sĩ cũng rất hân hạnh được thi thố tài năng cho giáo xứ.
Trên chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh trên con đường gồ ghề bụi bặm dẫn đến thủ đô Pháp quốc, Cappeau suy nghĩ về lời yêu cầu của vị linh mục. Bài thơ sắp sáng tác dĩ nhiên phải là một bài thơ đạo, trọng điểm là lễ giáng sinh, và dựa vào thánh kinh. Ong đã dùng Phúc âm thánh Luca làm chỉ dẫn. Cappeau tưởng tượng ông đang chứng kiến việc Chúa hài đồng sinh hạ tại Belem. Ý nghĩ đươc hiện diện trong đêm cực thánh đó đã gây thi hứng cho ông sáng tác, và khi chiếc xe tới Paris thì ông đã hoàn thành bài thơ “Cantique de Noel” (Bài ca giáng sinh).
Hứng khởi với sáng tác của mình, ông quyết định đó không chỉ đơn thuần là một bài thơ mà còn phải là một ca khúc đuợc một nhạc sĩ tài ba phổ nhạc. Không có năng khiếu về âm nhạc, Cappeau tìm đến bạn mình là Adolphe Charles Adams để nhờ giúp.
Adolphe sinh năm 1803, lớn hơn Cappeau 5 tuổi, là con một nhạc sĩ cổ điển thời danh và đã học tại nhạc viện Paris. Tới năm 1829 Adolphe đã hoàn thành nhạc kịch Pierre et Catherine. Tiếp theo sau thành công đó là Richard en Palestine, rồi đến các vũ khúc ballet viết cho các nhạc kịch Faust, la Fille du Danube, La Jolie Fille de Gand. Tài năng và danh tiếng lan rộng, ông đã được yêu cầu soạn hòa âm cho các giàn nhạc và vũ ballet trên khắp thế giới. Vậy mà bài thơ người bạn Cappeau trao cho ông lại là một thử thách khác xa những đơn đặt hàng đến từ Luân đôn, Bá linh hay St. Petersburg.
Nghiên cứu bài thơ Cantique de Noel, Adolphe thấy toàn lời ca triển dương tinh thần giáng sinh của đấng cứu thế. Là người gốc Do Thái, ông thấy những lời đó ca tụng một ngày lễ mà ông không mừng, một con người mà ông không nhận là con của Thượng đế. Nhưng thúc đẩy nhiều hơn bởi tình bạn với Cappeau, ông mau mắn và ân cần làm việc, cố gắng kết hợp những dòng nhạc với lời thơ đẹp của Cappeau và sau cùng hoàn thành một tác phẩm hài lòng cả nhà thi sĩ và vị linh mục. Ba tuần lễ sau đó tác phẩm được trình bày trong thánh lễ nửa đêm giáng sinh. Cả ông thi sĩ lẫn nhà soạn nhạc đã không ngờ trước đuợc những gì sẽ xẩy ra sau đêm đó.
Khởi đầu, ca khúc đã được đón tiếp nồng nhiệt tại các giáo đường ở nước Pháp trong tất cả các nghi thức của ngày lễ Giáng sinh. Nhưng khi Cappeau từ bỏ giáo hội để gia nhập phong trào xã hội, và các nhà chức trách trong giáo hội khám phá ra rằng Adolphe là một người Do thái, thì nhạc bản này - lúc đó đã lớn mạnh và trở thành bài ca giáng sinh đuợc ưa chuộng nhất tại Pháp - lại đột nhiên bị giáo hội phủ nhận. Giới cầm quyền giáo hội nước Pháp lúc đó tuyên bố rằng bản “Cantique de Noel” không thích hợp trong các nghi lễ tại giáo đường vì không có phong vị thánh nhạc và lời ca “hoàn toàn thiếu tinh thần tôn giáo”. Tuy giáo hội cố chôn bản nhạc, vậy mà giáo dân Pháp vẫn tiếp tục hát, và một thập niên sau, một nhà văn Mỹ đã đưa ca khúc này ra trước một thính giả mới nơi cách nước Pháp cả nửa vòng trái đất.
Sanh ngày 13 tháng 5 năm 1813 tại Boston, John Sullivan Dwight đã tốt nghiệp trường đại học Harvard và trường Thần học. Ong trở thành mục sư giáo phái Unitarian tại Northampton, tiểu bang Massachusetts, nhưng do một nguyên nhân nào đó cứ mỗi lần giảng thuyết trước đám đông là ông trở bệnh. Bất hạnh này làm ông cứ phải giam mình trong nhà, không dám xuất hiện trước quần chúng và do đó không thể làm nhiệm vụ mục sư được.
Là người rất thông minh và có tài, Dwight phải tìm cách khác để thi thố tài năng. Ong dùng khả năng viết lách để thành lập tờ báo chuyên về âm nhạc Dwight's Journal of Music. Suốt ba thập niên ông lặng lẽ làm việc, phê bình và đánh giá các nhạc bản một cách cẩn trọng. Tuy ông không xuất hiện được trước đám đông, nhưng một số các nhạc sĩ có tài và những người ưa chuộng âm nhạc vùng đông bắc nước Mỹ đã thích thú những bài viết có uy tín của ông. Trong lúc tìm kiếm các ca khúc mới để thẩm định, ông đọc đuợc “Cantique de Noel” nói trên bằng Pháp văn, và ông cảm thấy yêu mến ngay lời ca của bản nhạc này.
Ong không chỉ thấy phải giới thiệu bản nhạc giáng sinh tuyệt diệu này cho thính giả Mỹ mà còn cảm nhận trong thâm tâm rằng bài ca còn đi xa hơn câu chuyện giáng sinh của Chúa nữa. Là một người có tinh thần giải phóng rất cao, ông cảm động vì những câu trong bài ca: “Quả thực, Người dạy ta yêu nhau. Luật của Người là tình thương, và Tin mừng của Người là hoà bình. Xích xiềng sẽ bị bẻ gẫy vì nô lệ là anh em ta, và nhờ danh Người sẽ thôi không còn áp bức.” Bản văn thể hiện trung thực quan điểm của ông về chế độ nô lệ ở miền Nam lúc đó. Nguời viết lời ca tin rằng Chúa đến để giải thoát mọi người và trong bản nhạc này mọi người thấy rõ thực tại đó.
Giữ ý chính của nguyên tác, Dwight phiên dịch lời ca một cách tài hoa ra Anh ngữ, đem in trong báo của ông và xuất bản trong mấy cuốn sách âm nhạc thời đó. Bản nhạc mau chóng được quần chúng Mỹ ưa chuộng, đặc biệt là ở miền Bắc trong thời kỳ Nội chiến.
Trở lại nước Pháp, mặc dầu bản nhạc “Cantique de Noel” bị cấm hát trong các nhà thờ gần hai thập niên, nhiều người vẫn hát tại nhà. Có một truyền thuyết kể rằng vào đêm trước lễ giáng sinh năm 1871, giữa trận chiến ác liệt giữa quân đội Đức và Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ, một binh sĩ Pháp bỗng dưng nhảy ra khỏi hầm trú ẩn lầy lội. Binh sĩ cả hai bên nhìn chằm chằm vào anh chàng có vẻ điên khùng này. Tay không mang vũ khí, anh đứng ngang nhiên ngước mặt nhìn trời cất cao giọng hát những câu mở đầu của bản Cantique de Noel: “Minuit, chrétiens, C'est l'heure solennelle Où l'Homme Dieu descendit jusqu'à nous” (“Nửa đêm rồi, hỡi người giáo hữu. Đây là giờ trọng thể Con Chúa xuống trần đến với chúng ta“). Đến lúc đó thì một anh lính bộ binh người Đức trèo ra khỏi nơi trú ẩn và hát đáp lại:”Vom Himmel hoch, da komm'ich her. Ich bring'euch gute neue Mar, Der guten Mar bring'ich so viel. Davon ich sing'n und sagen will.” Đó là phần mở đầu ca khúc “Ta từ trời xuống thế” của Martin Luther. Chuyện kể rằng sau đó trận chiến ngưng lại 24 giờ đồng hồ cho binh sĩ hai bên cùng tạm thời hoà hoãn để mừng ngày lễ Giáng sinh. Có lẽ câu chuyện này phần nào thúc đẩy giáo hội Pháp chấp nhận bản Cantique de Noel được xứng đáng hát lên trong các nghi lễ tôn giáo như trước.
Vào ngày trước lễ Giáng sinh năm 1906, Adams người thi sĩ sáng tác bài thơ thì đã chết từ lâu, còn nhạc sĩ Cappeau và dịch giả Dwight thì đã già cả. Hôm đó, Reginald Fessenden, một giáo sư đại học Pittsburgh 33 tuổi và trước kia là chuyên viên hoá học phụ tá cho nhà bác học Mỹ Thomas Edison, đã thực hiện một chuyện mà từ lâu vẫn tưởng không thể làm được. Xử dụng một loại máy phát điện mới, Fessenden nói vào chiếc máy khuếch đại và đó là lần đầu tiên trong lịch sử, tiếng nói của con người được truyền đi trên làn sóng không gian:”Và xảy ra trong những ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Xêda, là mọi người phải được kiểm tra“, ông cất cao giọng đọc thật rõ ràng, hy vọng tiếng nói truyền đi tới một địa điểm xa ông đã ước định trong thí nghiệm.
Các chuyên viên vô tuyến trên các tàu biển và tại các toà báo thật ngạc nhiên và sững sờ khi thấy các làn sóng xung động thường ngày họ nhận được bằng mã số phát ra trên mấy chiếc loa nhỏ xíu bỗng nhiên bị ngưng lại và giọng nói của vị giáo sư phát ra khi ông đọc đoạn phúc âm nói trên trong sách thánh Luca. Một số người lúc đó tưởng chừng là một phép lạ khi nghe đuợc, lần đầu tiên tiếng nói con người đuợc chuyển thành làn sóng điện và truyền đi đến một nơi xa.
Một số người khác tưởng chừng họ nghe được tiếng nói của thiên thần.
Fessenden có lẽ không biết được những cảm giác sững sờ ông gây ra trên các tàu biển và văn phòng báo chí vào lúc đó, ông không biết sự kiện nhiều người chạy vội đến máy vô tuyến để lắng nghe những âm thanh tưởng chừng như phép lạ đó. Thế nên, sau khi đọc xong đoạn phúc âm, Fessenden nâng chiếc violon của ông lên và chơi bản “O Holy Night”, bản nhạc đẩu tiên được truyền đi trên làn sóng vô tuyến. Bản nhạc chấm dứt và buổi truyền thanh kết thúc. Vậy là âm nhạc đã tìm được một phương tiện mới để tràn lan khắp thế giới.
Từ buổi được hát lên lần đầu trong thánh lễ giáng sinh nhỏ bé năm 1847, bản nhạc “O Holy Night “ đã được hát lên cả triệu lần tại các thánh đường trên khắp thế giới. Và từ buổi một nhóm người ít ỏi được nghe phát thanh lần đầu trên làn sóng vô tuyến, bản nhạc đã trở thành một trong những thánh ca được thu thanh và được trình diễn nhiều lần nhất trong kỹ nghệ âm nhạc. Tổng số đĩa nhạc do nhiều ban nhạc trình bày đã lên đến hàng chục triệu. Bản nhạc này, xuất phát do lời yêu cầu của một linh mục không tên tuổi, viết ra bởi một thi sĩ sau này lìa bỏ giáo hội, phổ nhạc bởi một người Do thái, và được mang đến quần chúng Mỹ vừa như một công cụ để soi chiếu tội ác của chế độ nô lệ vừa để tường thuật lễ giáng sinh của Chúa, đã lớn mạnh để trở thành một trong những ca khúc đẹp tuyệt vời của mùa giáng sinh.
(viết theo Ace Collins)
Ghi chú: Sau đây là phiên khúc đầu của bản nhạc bằng Anh ngữ. Chúng tôi không tìm được nguyên bản tiếng Pháp và bản tiếng Việt.
O holy night, the stars are bright shining;
It is the night of the dear Savior s birth!
Long lay the world in sin and error pining,
Till He appeared and the soul felts its worth.
A thrill of hope, the weary soul rejoices.
For yonders breaks a new and glorious morn.