ROMA. Thứ năm 2-6-2016, ĐTC giảng tĩnh tâm cho hơn 6 ngàn LM và chủng sinh về Roma dự Ngày Năm Thánh từ ngày 1 đến 3-6-2016.

- Trong ngày đầu tiên, thứ tư 1-6, các tham dự viên tập họp từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại 3 thánh đường ở Roma, gần khu vực Vatican (San Salvatore in Lauro, Santa Maria in Vallicella, và San Giovanni dei Fiorentini). Tại đây họ có thể lãnh nhận bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, và tiến qua Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Phần thứ hai trong ngày đầu tiên này, có những bài huấn giáo về lòng thương xót do các giám mục trình bày, và sau đó có thánh lễ đồng tế tại một số thánh đường theo 7 ngôn ngữ khác nhau, đó là tiếng Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Bồ đào nha, Tây Ban Nha và Đức.

- Trong ngày 2-6, ĐTC sẽ lần lượt trình bày 3 bài suy niệm tại 3 Vương cung thánh đường nơi các LM và chủng sinh tụ họp: lúc 10 giờ, rồi 12 giờ và sau cùng vào lúc 4 giờ chiều. Các bài suy niệm này sẽ được Trung Tâm truyền hình Vatican trực tiếp truyền đi trên toàn thế giới qua Internet, hoặc có những đài truyền đi biến cố này.

Ngày này sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế lúc 5 giờ rưỡi chiều, tùy theo các ngôn ngữ khác nhau.

- Sau cùng, thứ sáu 3-6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là Ngày Thánh Hóa linh mục, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các GM và LM tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9 giờ rưỡi sáng. (SD 30-5-2016)

Hôm 2-6-2016, ĐTC Phanxicô đã trình bày 3 bài suy niệm tĩnh tâm dành cho các LM quốc tế nhân Ngày Năm Thánh dành cho các LM và chủng sinh.

Trước tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba. Sau phần dẫn nhập, ĐTC nói về đề tài ”Từ sự xa cách đến việc mừng lễ”. Trong số hàng ngàn tham dự viên cũng có một số Hồng Y và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Bài thứ hai lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Đức Bà Cả với chủ đề ”Người đón nhận lòng thương xót”. Sau cùng vào lúc 4 giờ chiều ở Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC nói về đề tài: các hoạt động từ bi thương xót, về thể lý và tinh thần.

Cả ba bài suy niệm của ĐTC xoay quanh các khía cạnh khác nhau của lòng thương xót, qua đó ngài dựa nhiều trên linh đạo của thánh Ignatio Loyola Thánh Tổ dòng Tên. Mỗi bài dài khoảng 45 phút.

Trong số các ý tưởng được ĐTC trình bày, có lời ngài cảnh giác rằng: ”Nếu các cơ cấu của chúng ta không được sống và được sử dụng để nhận lãnh nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên từ bi hơn đối tha nhân, thì chúng có thể biến thành một cái gì rất khác biệt và đưa tới hậu quả ngược lại điều chúng ta mong muốn”.

ĐTC nhấn mạnh tấm gương của các thánh trong việc cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng trưng dẫn ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và nhắc lại rằng ”Chính ĐHY Văn Thuận, đã nói rằng trong tù, Chúa đã dạy ngài biết phân biệt những ”điều thuộc về Thiên Chúa”, mà ĐHY đã tận tụy thi hành trong cuộc đời khi còn là một LM và GM được tự do, khác với chính Thiên Chúa, mà ĐHY tận tụy phục vụ trong lúc bị tù” (Xc Cinque pani e due pesci [5 chiếc bánh và 2 con cá], San Paolo 1997).

ĐTC trách cứ những cha giải tội thiếu kiên nhẫn và trách móc các hối nhân! ”Anh em đừng làm như vậy!.. Trái lại điều làm tôi cảm động là sự xưng tội của các linh mục, họ xưng tội của mình và lắng nghe tội của những người xưng tội”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các linh mục đừng bao giờ coi những người khác chỉ là ”một vụ”, ”một trường hợp”. ”Đối với chúng ta họ luôn luôn là một người.

ĐTC nhận xét rằng ”Hầu như tất cả các vị đại thánh đều là những người nhiều tội lỗi”. Như để chứng minh điều này, ngài nhắc lại trường hợp thánh Phêrô, đã từng chối Chúa ba lần, và đã từng bị thánh Phaolô sửa sai, nhưng người tội lỗi ấy đã được Chúa chọn làm giáo hoàng!” ”Trong việc thực thi lòng thương xót chữa lành sự ác của người khác, không ai tốt lành hơn để chữa lành tha nhân cho bằng người luôn giữ nguyên kinh nghiệm về bản thân mình đã từng được Chúa xót thương. Chúng ta thấy rằng trong số những người làm việc để bài trừ sự nghiện ngập, những người đã cai nghiện được, thường là những người hiểu rõ hơn, cảm thông hơn và giúp đỡ, biết xin những người khác. Cũng vậy cha giải tội tốt nhất thường là người biết xưng tội đúng đắn nhất”.

Trong bài cuối cùng, ĐTC trình bày những suy tư về những công việc từ bi thương xót về tinh thần cũng như về thể xác, trong đó ngài cũng nói đến tòa giải tội, và chiều kích xã hội của các công việc từ bi bác ái (SD 26-2-16)