NHẠT NHÒA TRÊN NỬA THẾ KỶ: tưởng nhớ ÐHY Thuận
Ngày tôi lần đầu tiên đặt chân đến “TIỂU CHỦNG VIỆN AN-NINH” còn gọi là “NHÀ TRƯỜNG AN-NINH” vào giữa NĂM THÁNH 1950, tính đến nay đã trên nửa thế kỷ. Đó là nơi mà xưa kia THÁNH TÔMA THIỆN trên đường đi tới đó đã được diễm phúc tử đạo và cũng là nơi mà Đức cố HÒNG Y NGUYỄN-VĂN-THUẬN đã trải qua thời thanh xuân tám năm tu học. Những gì còn lại trong trí nhớ của tôi về mái trường thân yêu đó nay chỉ là một mớ kỷ niệm “nhạt nhòa qua lớp bụi thời gian” kéo dài trên năm thập niên. Mái trường đó ngày nay cũng chỉ còn lại trong ký ức những người đương thời mà thôi, vì thực tế đã đổi thay theo "cuộc hí trường", nằm trong định luật "dâu bể".
Hồi đó tôi là một tiểu chủng sinh trên mười tuổi, được cho "đi tu học" để có thể trở thành linh mục. Tôi vốn sinh trưởng ở một họ đạo bên giòng SÔNG HƯƠNG, cách kinh thành HUẾ độ bảy cây số. Sau khi được gia đình đưa tiễn trên một con thuyền nho nhỏ xuôi giòng sông Hương, tôi đã theo chân đám chủng sinh chen chúc trong một va-gông xe lửa di chuyển trên CON ĐƯỜNG BẮC NAM từ kinh đô HUẾ đến ga QUẢNG-TRỊ, với bao nỗi phập phồng lo âu, vì có thể bị mìn nổ tung xe lửa trên CON ĐƯỜNG XUYÊN VIỆT. Đó là con đường song hành với ĐẠI LỘ KINH HOÀNG trong MÙA HÈ ĐỎ LỬA vào năm 1972. Lần đầu tiên trong đời, vào giữa năm 1950, từ một va-gông xe lửa đang chạy, tôi được ngắm nhìn đền thờ ĐỨC MẸ LAVANG thấp thoáng xa xa, khi mờ khi tỏ, khi ẩn khi hiện.
Đoạn đường chót khá vất vả và cũng đầy lo âu là khi chúng tôi phải di chuyển từ thành phố THẠCH HÃN qua ĐÔNG-HA để đến miền GIO-LINH. Đó là nơi ĐỊA ĐẦU GIỚI TUYẾN vào thập niên 1970 khi chiến tranh QUỐC CỘNG trở nên ác liệt. Sau khi vượt qua cầu HIỀN LƯƠNG nối hai bờ SÔNG BẾN HẢI là nơi mà đất nước VIỆT-NAM bị chia đôi vào giữa năm 1954, chúng tôi về vùng đất AN-NINH, gần bãi biển CỬA TÙNG. Khi đặt chân đến “NHÀ TRƯỜNG AN-NINH” vào đầu thu 1950, bước qua cổng gạch với đôi cánh cửa sắt kiên cố mà tứ bề được bao bọc bởi lũy tre dày đặc kín mít, tôi có cảm tưởng như vào sống trong một tu viện khép kín. Đời chủng sinh lúc bấy giờ được thu hẹp lại trong bốn dãy nhà nằm vuông vức đối diện nhau trong một khu vườn cũng vuông vức được bao bọc bởi một lũy tre khá kiên cố. Đây là pháo đài xưa kia dùng làm nơi ẩn náu cho những giáo hữu trong cơn bách hại bị đám VĂN THÂN vây hãm.
Kể từ năm 1952, chiến tranh VIỆT-PHÁP đến hồi quyết liệt. Vì vậy chúng tôi phải rời bỏ “NHÀ TRƯỜNG AN-NINH” để dời vào tu học ở CHỦNG VIỆN KIM-LONG, PHÚ XUÂN. Đây cũng là nơi mà Đức cố HỒNG Y NGUỄN-VĂN-THUẬN đã tu tiếp trong bảy năm nữa trước khi nhận lãnh thánh chức linh mục. Hai năm sau tôi được chuyển về tu học ở THIÊN-HỮU HỌC ĐƯỜNG, nơi mà sau nầy ngay bên cạnh đã mọc lên CHỦNG VIỆN HOAN-THIỆN mà tôi chỉ được nghe tên nhưng chưa nhìn thấy bao giờ (“văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”). Cũng chính nơi đây Đức cố HỒNG Y NGUYỄN-VĂN-THUẬN về sau nầy đã làm Giám Đốc một thời gian.
Tôi rời THIÊN-HỮU HỌC ĐƯỜNG vào năm 1957, tính đến nay đã trên bốn thập niên. Gót chân lãng tử của tôi đã phiêu bạt giang hồ khắp các tỉnh MIỀN NAM VIỆT-NAM, rồi BẮC MỸ và ÂU Á. Nay dừng chân phiêu lãng, nhìn lại đoạn đường quá khứ, tôi vẫn cảm thấy tiếng Chúa hằng ngày thổn thức trong tâm hồn.
Tôi chẳng khác gì "một con cá sống ở đại dương luôn luôn khắc khoải tìm kiếm và ngày kia đã hỏi một con cá khác: Xin lỗi bác, bác già hơn cháu, hẳn bác có thể nói cho cháu biết tìm thấy ở đâu cái mà người đời thường gọi là Đại Dương?
Cá già nói: Đại Dương là cái mà cháu đang lội trong đấy!
"Cái nầy ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là Đại Dương kia. Con cá bé tí rất thất vọng đã nói như thế rồi lội đi xa tìm kiếm ở nởi khác"
(Trích chuyện "Chú Cá Bé Tí" trong sách "Như tiếng Chim Ca" của cha Anthony de Mello. Bản dịch của Đỗ Tân-Hưng và Trần Duy-Nhiên)
Nhưng rồi tôi đã nghe theo lời chỉ bảo của cha De Mello : Chú cá bé tí ơi, đừng đi tìm kiếm mất công. Không có gì để kiếm tìm cả. Tất cả những gì chú phải làm là mở mắt ra mà xem thôi.
Và tôi đã mở mắt ra để thấy Chúa trong cuộc sống hằng ngày, cuộc sống của những người giàu sang cũng như bất hạnh, cuộc sống của những người sống trong nệm ấm chăn êm hay đầu đường xó chợ.
Cuối cùng tôi muốn làm "một con búp bê bằng muối đã vượt xa ngàn dặm và ngày kia dừng chân nơi bờ biển.
Búp bê mê mẩn khi thấy khối nước bao la chuyển động, hoàn toàn khác với những gì đã thấy từ trước đến giờ.
Búp bê bằng muối hỏi biển: Bạn là ai vậy?
Biển cười đáp: Em hãy vào trong nước của tôi rồi em sẽ thấy.
Và rồi con búp bê đã lội xuống biển. Càng xuống sâu bao nhiêu nó càng tan rã bấy nhiêu cho tới khi chỉ còn lại một nhúm nhỏ. Trước khi hạt muối cuối cùng tan rã, búp bê la lên, hết sức kinh ngạc: Giờ đây tôi mới biết tôi là ai"
(Trích chuyện "Búp Bê Bằng Muối", trong sách đã trích dẫn)
Bao lâu tôi vẫn là tôi và Chúa vẫn là Chúa thì tôi với Chúa vẫn xa cách. Ngày mà tôi lấy hết can đảm như con búp bê bằng muối dám mạo hiểm trầm mình xuống Đại Dương thì ngày đó tôi mới biết tôi là ai và Chúa là ai (“ut me videam ut Te videam” - để cho con thấy con, để cho con thấy Chúa).
Cuối cùng lá rụng về cội...nước chảy về nguồn . Xin để tâm hồn lắng đọng, cùng nhau suy niêm bài Thánh vịnh sau đây:
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
Biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay, trí thức siêu phàm,
Quá cao vời, con chẳng sao vói tới!
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù con chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện
Hay biệt cư nơi chân trời góc biển phương tây,
Thì vẫn tay Ngài đưa đường dẫn lối
Tay phải Ngài nắm dắt con đi
Con tự nhủ: Ước gì bóng tối bao phủ tôi
Và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!
Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt,
Và đêm đen sáng tỏ như ban ngày,
Bóng tối và ánh sáng cũng như nhau
Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
Xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
Thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.”
( Thánh Vịnh 139, 1 - 12, 23-24 )
(NHÂN LỄ THÁNH TÔMA THIỆN, CHỦNG-SINH TỬ ĐẠO
VÀ NGÀY AN TÁNG ĐHY PHANXICÔ XAVIE NGUYỄN-VĂN-THUẬN - 20-09-2002)