Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội đồng Giám mục Phi đã lên án vụ thảm sát cha Mark Ventura do một tay súng chưa tìm được tông tích của hắn vào ngày 29 tháng Tư vừa qua
Cha Mark Ventura bị bắn chết ngay sau khi cha cử hành Thánh lễ tại một phòng tập thể dục ở Barangay Peña Weste, ở vùng ngoại ô của thị trấn Gattaran ở tỉnh Cagayan.
Phán quyết của các giám mục Philippines
Hội đồng Giám mục Phi (CBCP) lên án vụ thảm sát vị linh mục trẻ 37 tuổi này và mời gọi toàn thể mọi tín hữu Phi hãy cầu nguyện cho ngài, cho gia đình và cho cho Tổng giáo phận Tuguegarao của ngài.
Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, và là Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Phi phát biểu: “Chúng tôi cực lực lên án hành động dã man này!” “Chúng tôi thật bàng hoàng, không thể tin nổi khi nghe hung tin về cái chết của cha Mark Ventura”.
Cha Mark vừa ban phép lành cho các em và đang trò chuyện với ca viên của ca đoàn thì một người đàn ông lạ mặt, đầu đội nón bảo hiểm xuất hiện từ phía sau phòng hội trường và chỉ súng bắn cha Mark hai phát!
Trích dẫn lời của cảnh sát thành phố Tuguegarao, ông cảnh sát trưởng của Phi là Oscar Albayalde cho hay nghi can chạy về phía đường cao tốc trên một chiếc xe máy do một người lạ khác cầm lái và chạy về phía tỉnh Baggao.
Cha Mark bị trùng đạn vào đầu và ngực nên ngài quỵ chết ngay lập tức tại hiện trường!
Đức Tổng Giám Mục Sergio Utleg của Tổng Giáo phận Tuguegarao đã xứng lên những lời cầu nguyện cho cha ngay tại địa điểm cha bị sát hại.
Đức Tổng Giám Mục Valles cũng kêu gọi các nhà chức trách “hãy hành động nhanh chóng để lùng bắt hung thủ và đưa hắn ra trước vành công lý”.
Quyền của người dân bản địa
Cha Ventura là giám đốc của cứ điểm truyền giáo thánh Isidoro mang tên Labrador Mission Station mà ngài đảm trách bao gồm các vùng Mabuno và Gattaran.
Ngài là một linh mục lăn lội với dân chúng địa phương trong bảy năm qua, ngài cũng được biết đến như là người chống lại việc khai thác hầm mỏ một cách độc đoán thủ lợi và bênh đỡ dân nghèo trong vùng.
Ngài là giám đốc của Trung tâm truyền giáo Thánh Isidro Labrador có trụ sở tại thị trấn Mabuno gần đó. Trước đó, ngài là Giám đốc của Chủng viện Thánh Thomas Aquinas ở thị trấn Aparri.
Cha Ventura là linh mục thứ hai bị giết trong bốn tháng qua.
Vào tháng 12 năm 2017, Cha Marcelito Paez, 72 tuổi, đã bị hạ sát bởi 2 tay súng chỉ vì ngài đã bào chữa cho một tù nhân chính trị ở Jaen, Nueva Ecija, miền trung Luzon để được thả tự do.
2. Đời sống tôn giáo ở vùng Amazon: “sự hiện diện và sống nơi đây là một cuộc sống đầy gian truân nguy hiểm”
Từ Tabatinga, nơi mà Đại hội đã diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng Tư vừa qua, Thông Tấn Xã Fides đã trích lời của Đức Giám Mục Adolfo Zon, Alto Solimões (Brazil), Ngài cho hay “Đại hội này là một ân huệ của Thiên Chúa”. Đại hội đã qui tụ khoảng 90 tham dự viên, đại diện cho 30 cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Điểm chính yếu mà Đại hội học hỏi được tìm thấy trong công bố cuối cùng nói về những công việc liên quan tới nhiều lãnh vực và tổ chức, hiện đang được tái xét tại nhiều nơi trong khu vực Amazon. Theo nhãn quan này thì Đức cha Zon cho hay giáo phận của ngài tiếp giáp với Brazil, Colombia và Peru đã nói lên tầm quan trọng của một giáo phận có những tổ chức chung cho Giáo phận mang sắc thái mà ba biên giới của ba nước, của ba giáo phận là Alto Solimões của Brazil, Leticia của Colombia, một Địa phận tông tòa và Giáo phận San José del Amazonas của Peru… nhưng tất cả đều tập trung vào “dự án truyền giáo”.
Đối với những người hiện diện, cuộc họp này đã dấy lên nỗi niềm hy vọng to lớn nhằm xây dựng một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và của các sắc dân bản địa theo đúng quan điểm của Hội đồng Vùng Amazon. Trong bản văn cuối cùng này có nhấn mạnh tới những con đường mới cho 'Giáo hội và sự bảo tồn sinh thái' một chủ đề mà Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới sẽ diễn ra tại đây phải được lắng nghe những thao thức của toàn vùng”.
Hiện tại tôn giáo đang nắm giữ những vai trò thiết yếu cho vùng, giúp thay đổi những gì tối cần thiết hầu giữ được bản sắc của vùng và của các sắc dân bản địa của Amazon! Nét độc tôn này phải được siêu việt lên tất cả các biên giới địa lý, biểu tượng, văn hóa, cá nhân và cộng đồng”. Tất cả nhằm tiến tới “một Giáo Hội cởi mở và truyền giáo, và Giáo Hội không sợ hiện diện ở những nơi tối cần dù có phải đối diện với nguy hiểm hầu tiếp cận được tới các vùng ngoại biên”.
Pan-Amazon tạo cho cuộc sống tôn giáo khả năng phát minh ra các hình thái truyền giáo mới, phù hợp hơn thời đại và nhu cầu của giáo hội địa phương. Tất cả những trọng điểm này sẽ được Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon suy tư phản ánh hầu biến đổi một cách sâu sắc đời sống của Giáo hội trong khu vực, giống như các công cuộc truyền giáo xa xưa đã thực hiện, Giáo hội cần mở lòng ra để lắng nghe và đồng hành…
3. Nhận định của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên
Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.
Khi được hỏi về triển vọng cho hòa bình ở Hàn Quốc, Đức Hồng Y nói:
“Theo một phân tích mà tôi đã đọc trong những ngày này, chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tiềm năng chiến tranh hạt nhân của mình như một mối đe dọa để buộc người Mỹ phải đàm phán ngõ hầu đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi sự cô lập, và trên hết là ông ta có thể bắt đầu chính sách tăng trưởng kinh tế mà đất nước rất cần”.
“Tôi không biết có hoàn toàn đúng như thế không, nếu thế ông ta là một nhà chiến lược vĩ đại ... Dù sao, các chuyên gia nói rằng Kim Jong-un thực sự có vẻ nghiêm túc, và rằng lời đề nghị đối thoại không chỉ là một trò lừa đảo. Con đường này rất tinh tế, đầy chông gai, nhưng thực tế là họ đã quyết định đàm phán, mà không tiếp tục với việc leo thang phóng tên lửa. Đó là một dấu chỉ của hy vọng. Tôi cũng thấy hy vọng từ Trung Quốc, vì họ hỗ trợ cuộc đối thoại này. Chính nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói ông ta ủng hộ cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo này. Điều này có nghĩa là loại bỏ một tình huống có khả năng bùng nổ thực sự, có thể gây ra những thiệt hại to lớn” .
4. Đức Hồng Y Reinhard Marx chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ.
Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra “chia rẽ” và “đấu tranh chống lại nhau”.
“Nếu thánh giá chỉ được xem như một biểu tượng văn hóa, thì người ta chưa hiểu được thánh giá”, ngài nói. Theo Đức Hồng Y, thánh giá là “một dấu chỉ phản đối bạo lực, bất công, tội lỗi và cái chết, chứ không phải là một dấu chỉ [loại trừ] chống lại người khác.”
Tuy nhiên, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg không đồng ý với những ý kiến của Đức Hồng Y Marx. Ngài đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của bang Bavaria. Đức Cha nói: “Thánh giá là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa phương Tây. Đó là biểu hiện của một nền văn hóa tình yêu, bác ái và sự khẳng định cuộc sống. Thánh giá là một trong những nền tảng của châu Âu.”
Đức Cha Rudolf Voderholzer nói thêm, đó là lý do tại sao, người dân miền Bavaria có truyền thống đặt thánh giá chứ không phải là các biểu tượng khác ở các đỉnh núi của họ. “Không phải lá cờ quốc gia hay các biểu tượng khác của quyền bính con người, như những người khác có thể thích hơn ở những nơi khác, nhưng là thánh giá. Thánh giá nên được nhìn thấy mọi nơi,vì thánh giá là dấu chỉ của ơn cứu rỗi và cuộc sống trong đó Chúa Kitô giao hòa giữa trời và đất, Thiên Chúa và hòa giải con người, nạn nhân và thủ phạm.”
Thủ tướng Bavus Markus Söder của bang Bavaria đã công bố chính sách này vào tuần trước, nói rằng việc treo thánh giá sẽ phản ánh “bản sắc văn hóa và ảnh hưởng của phương Tây-Kitô giáo” trên miền này.
5. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách CPC
Hôm thứ Tư 25 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Thường niên 2018 của mình, ghi lại những vi phạm về tự do tôn giáo và tiến bộ ở 28 quốc gia trong năm dương lịch 2017 và đưa ra đề xuất cho chính phủ Hoa Kỳ.
“Đáng buồn thay, các điều kiện về tự do tôn giáo đã xấu đi ở nhiều quốc gia trong năm 2017, thường là do sự gia tăng chủ nghĩa độc tài hay dưới chiêu bài chống khủng bố”, Chủ tịch USCIRF Daniel Mark cho biết như trên.
“Tuy nhiên, cũng có những lý do cho sự lạc quan sau 20 năm thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Tầm quan trọng của quyền cơ bản này được đánh giá cao hơn bao giờ hết, và ít có những vi phạm nghiêm trọng có khả năng bị bỏ qua.”
Một thành phần chính trong báo cáo này là khuyến nghị của USCIRF về các quốc gia được chỉ định là “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” hoặc CPC theo Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế (IRFA). Danh sách CPC là danh sách các quốc gia nơi chính phủ dự phần vào các vi phạm về tự do tôn giáo với 3 đặc điểm là nghiêm trọng, kéo dài, và có hệ thống.
Trong báo cáo năm 2018, USCIRF đề xuất 16 quốc gia trong danh sách CPC: 10 quốc gia trong danh sách này đã được Bộ Ngoại giao đưa vào danh sách CPC vào tháng 12 năm 2017. Đó là Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Xê Út, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan — và sáu quốc gia khác USCIRF khuyến cáo đưa thêm vào danh sách CPC là Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Nga, Syria và Việt Nam.
Báo cáo của USCIRF cũng bao gồm danh mục thứ hai dành cho các quốc gia mà tình trạng vi phạm tự do tôn giáo bao gồm 2 trong 3 đặc điểm (nghiêm trọng, kéo dài, và có tính hệ thống).
Trong báo cáo năm 2018, USCIRF nêu ra 12 quốc gia là: Afghanistan, Azerbaijan, Bahrain, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Kazakhstan, Lào, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ.
6. Đức Hồng Y Tagle nói: Đừng xây tường lũy, tất cả chúng ta đều có dính dấp máu di cư tỵ nạn
Phong trào Bác ái quốc tế, một tổ chức liên kết các cơ quan cứu trợ Công Giáo quốc tế, đang phát động “Tuần hành động toàn cầu” như là một phần của chiến dịch Chia sẻ Hành trình “tạo sự khác biệt tích cực cho mọi người đã từng có cảm nghiệm di cư tỵ nạn”.
Chiến dịch bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái, nhằm chia sẻ những hành trình tỵ nạn di cư được cảm hứng từ lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là hãy tham gia vào một nền “văn hóa gặp gỡ” với mục tiêu “mở rộng không gian và cơ hội cho người di cư và cộng đồng địa phương gặp gỡ, chia sẻ”. Phong trào Bác ái Caritas cho hay: “Chúng ta phải chào đón và lên tiếng vì quyền lợi của người di cư.” Sáng kiến này khuyến khích các cộng đồng địa phương, bắt đầu từ các giáo xứ, thực hiện các hành động cụ thể hầu xây dựng tình đoàn kết như chia sẻ bữa ăn trưa với người di cư và tị nạn, bênh vực quyền lợi của họ.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch Chia sẻ Hành trình này, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila và là Chủ tịch Caritas Quốc tế, đã trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Alessandro Gisotti trong bản Tin của Vatican như sau.
Một hiện tượng bi thảm quốc tế
Đức Hồng Y Tagle nói: “Trong những năm gần đây, thực tại tỵ nạn di cư đã trở thành một hiện tượng quốc tế đầy bi thương.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tổ chức Caritas Quốc Tế đều kêu gọi “hãy rộng mở tâm lòng đón nhận người di cư tỵ nạn và cùng đồng hành với họ, trước tiên bởi vì họ là con người, và thông qua sự đối xử nhân đạo của chúng ta dành cho họ, chúng ta muốn nói cho thế giới biết thấy rằng đây không phải chỉ là vấn đề kinh tế chính trị, mà nó là vấn đề của con người. “
Động cơ thứ hai cho chiến dịch này như Đức Hồng Y Tagle cho hay đó là Đức tin Kitô giáo. Israel là một dân tộc di cư; và trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng là người tỵ nạn. Chính Chúa đã phán: “Nếu anh em làm điều này cho một người bé nhỏ nhất trong anh em của Ta như đón chào khách lạ... là anh em làm cho chính Ta. “ Vì vậy, chúng ta có cả hai lý chứng con người và tâm linh cho những nỗ lực để hộ giúp các trẻ vị thành niên tỵ nạn này.
Hãy can cường và hành động
Khi được hỏi về hy vọng của Đức Hồng Y trước chiến dịch này, Hồng Y Tagle nói: “Chúng tôi rất vui khi thấy ở nhiều quốc gia hiện nay, qua các Hội đồng giám mục, các tổ chức Caritas quốc gia đã cộng tác vào chiến dịch Chia sẻ Hành trình này và chiến dịch đang lan rộng.” Đức Hồng Y nói rằng Ngài rất vui khi thấy rằng ở bất cứ nơi nào có Caritas thì các chương trình mới đang hỗ trợ cho chiến dịch này.
“Gặp gỡ người tỵ nạn di cư”
Đức Hồng Y Tagle cũng nói về những thách đố đã được nói lên bởi những người âu lo trước những làn sóng người tỵ nạn di cư, và nhiều chính phủ đã xây lên những bức tường để ngăn chặn không cho họ nhập cư, đây thực là một vấn nạn rất phức tạp; vì vậy mà chúng tôi ghi nhận có nhiều phản ứng khác biệt!”
Đức Hồng Y nói: “Đôi khi chúng ta nói về di cư như một ý tưởng, như một khái niệm, nhưng sự kiện ấy thật khác biệt khi chúng ta gặp gỡ một người di cư, khi chúng ta lắng nghe câu chuyện của họ, khi chúng ta chạm vào cuộc sống của họ. Và đặc biệt khi chúng ta khám phá ra câu chuyện của họ lại chính là câu chuyện của chính mình. Chúng ta có thể thấy mình trong họ. “
Cuối cùng, Đức Hồng Y mời tất cả mọi người nhớ lại lai lịch của mình, để không quên những người di cư xuyên qua lịch sử gia đình di cư hay tỵ nạn của chính mình. “Nếu chúng ta nhớ lại cha ông chúng ta đã được chấp nhận để bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, một nền văn hóa khác biệt có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn cởi mở hơn...”
7. Ðức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội giúp những người bị bệnh họa hiếm.
Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ hiệp hội nghiên cứu và liên đới với các bệnh nhân bị bệnh họa hiếm.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30 tháng 4 năm 2018 dành cho 62 thành viên Hiệp Hội “Một đời sống họa hiếm”, một tổ chức theo đuổi mục tiêu liên đới xã hội, hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học bảo vệ sức khỏe để chăm sóc những người bị bệnh họa hiếm, đặc biệt là những người bị hiệu chứng gọi là Allan-Herndon-Dugle, một thứ bệnh chậm trí liên quan đến nhiễm sắc thể X.
Ngỏ lời với các thành viên hiệp hội, Ðức Thánh Cha bày tỏ lòng ngưỡng mộ ý chí của những gia đình có con cái bị bệnh họa hiếm, liên kết với nhau để đương đầu với tình cảnh tiêu cực và cố gắng cải tiến cuộc sống ấy. Ngài nhận xét rằng các hội viên đã có gắng nhìn những khía cạnh tích cực: mỗi cuộc sống con người là duy nhất.
Ðức Thánh Cha nói:
“Cái nhìn tích cực này là một “phép lạ” tiêu biểu của tình thương. Chính tình thương thực hiện điều này là: biết nhìn điều thiện hảo trong một hoàn cảnh tiêu cực, biết bảo tồn ngọn lửa bé nhỏ giữa đêm tối.. Tình yêu cũng thực hiện một phép lạ khác nữa, đó là giúp chúng ta cởi mở đối với tha nhân, có khả năng chia sẻ, liên đới, cả khi ta chịu đau khổ vì một thứ bệnh hoặc một hoàn cảnh nặng nề, làm hao mòn sức lực trong cuộc sống thường nhật”.
Ðức Thánh Cha cũng cám ơn Chúa vì sáng kiến đi 700 cây số từ nhà của nhiều hội viên để đến Roma ngày hôm nay: một cuộc bộ hành cho sự sống và hy vọng”.
8. Phái đoàn Giám Mục Ðức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh.
Hôm thứ Năm mùng 3 tháng 5 năm 2018, một phái đoàn Hồng Y, Giám Mục Ðức đã về Roma, thảo luận với Tòa Thánh về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.
Hội Ðồng Giám Mục Ðức, dưới sự lãnh đạo của Ðức Hồng Y Chủ tịch Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, đã thông qua một chỉ nam về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Các vị dựa vào giải thích khoản giáo luật số 844, triệt 4 nói rằng “Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.
Chỉ nam đã được 2 phần 3 thành viên trong Hội Ðồng Giám Mục Ðức thông qua, nhưng có 7 vị đứng đầu là Ðức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục giáo phận Koeln, viết thư cho Bộ giáo lý đức tin, thỉnh cầu làm sáng tỏ vấn đề, nhất là thẩm quyền của Hội Ðồng Giám Mục trong vấn đề này. Một số vị khác đã phê bình cuốn chỉ nam này, trong đó có Ðức Hồng Y Gerhard Mueller, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.
Trong thông cáo công bố hôm 30 tháng 4 năm 2018, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Ðức gồm có 7 Hồng Y và Giám Mục, đứng đầu là Ðức Hồng Y Marx và Ðức Hồng Y Woelki, cùng với cha Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Hans Langendoerfer.
Về phía Tòa Thánh có Ðức Tổng Giám Mục Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Ðức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin