Sandro Magister, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ L’Espresso, hôm 30 tháng 9 có bài nhận định sau về việc hai Giám Mục quốc doanh Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên diễn ra từ 3 đến 28 tháng 10.

Nguyên bản: “Nella partita col Vaticano chi comanda è la Cina” (Trong trận đấu với Vatican, Trung Quốc đang ở thế thượng phong)

Đức Thánh Cha Phanxicô vào cùng ngày ký kết thỏa thuận với Trung Quốc đã tha vạ tuyệt thông cho các giám mục được tấn phong trái phép. Đáp lại cử chỉ này, chính quyền Trung Quốc đã cử hai giám mục sang Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới.

Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra, và quyết định này có vẻ là một hương vị của những gì sẽ xảy ra với những bổ nhiệm giám mục trong tương lai, trên cơ sở thỏa thuận được quy định bởi hai bên. Một thỏa thuận có nội dung chưa được biết, nhưng rõ ràng là không công bằng.

Trong quá khứ, lần đầu tiên là vào năm 1998 và sau đó lần thứ hai vào năm 2005, các giám mục Trung Quốc đã được Đức Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI lần lượt mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục nhưng các ngài không bao giờ được phép sang Rôma, ngày hôm nay điều ngược lại đã xảy ra. Chính quyền Bắc Kinh đã là những người chỉ định các giám mục tham dự Thượng Hội Đồng, và Rôma đã không đưa ra bất kỳ phản đối nào. Chính quan chức cao cấp của Trung Quốc, ông Vương Tác An (Wang Zuo’an), Vụ Trưởng Tôn giáo vụ Trung Quốc, là người đã công bố việc chỉ định này.

Hai người được chọn là Giám mục Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaoting -楊曉亭)của Diên An, và Giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) của Thừa Đức. Cả hai người từ lâu đã là những người thực thi ngoan ngoãn các mệnh lệnh của chính quyền Trung Quốc, và người thứ hai là một trong bảy người còn sống được tha vạ tuyệt thông – và cũng là tổng thư ký của cái gọi là Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc, do Hội Công Giáo Yêu Nước dựng lên, không bao gồm các giám mục hầm trú hiệp thông với Rôma nhưng không được chế độ công nhận. Quách Kim Tài còn là Phó Chủ Tịch Hội Công Giáo Yêu Nước của “giáo hoàng đen” Lưu Bách Niên.

Ngày nay, số các giám mục “hầm trú” là 17 vị, 7 vị trong số các ngài trên 75 tuổi. Và hai trong số các vị giờ đây thấy mình bị gạt ra khỏi hai giáo phận các ngài đã dày công chăm sóc để nhường chỗ cho hai giám mục do chính phủ bổ nhiệm vừa được Đức Giáo Hoàng tha vạ tuyệt thông trong những ngày gần đây. Tại giáo phận Sán Đầu, vị giám mục “hầm trú” năm nay đã 87 tuổi và việc ngài bị thay thế xem ra có thể hiểu được. Nhưng tại giáo phận Phúc Ninh, vị giám mục “thầm lặng” Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦), mới 56 tuổi, đã phải cúi đầu nhường bước tránh sang một bên cho đối thủ cạnh tranh Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu, 詹思祿) trước sự hy sinh của Vatican vào mùa đông năm ngoái. Trường hợp này cũng xác nhận chế độ Trung Quốc đang trên cơ so với đối tác của nó như thế nào.

Niên Giám Tòa Thánh cho đến nay vẫn giữ yên lặng về danh tính các Giám Mục đang sống trên lãnh thổ Trung Quốc trừ ra các vị tại Hương Cảng và Macao. Tờ Settimo Cielo (Bẩy Tầng Trời) đã cung cấp một biểu đồ tổ chức chi tiết vào tháng 2 năm ngoái, trên cơ sở của cuốn sách rất phong phú về thông tin của Gianni Cardinale xuất hiện vào đầu năm nay từ các ấn phẩm của Libreria Editrice Vaticana.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng tại giáo phận Ninh Ba, nơi vị giám mục “thầm lặng” cuối cùng được biết đến, là Đức Cha Mátthêu Hồ Hiền Đức (Hu Xiande - 胡賢德), đã qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2017, Toà Thánh cho biết vắn tắt rằng “vị thừa kế đã đảm nhận giáo phận”: Một dấu chỉ cho thấy phải có một giám mục mới ở đó nhưng không được chính phủ Trung Quốc công nhận, thành ra, danh tính của ngài vẫn chưa được tiết lộ.

Một quan sát nữa liên quan đến trường hợp khá kỳ lạ của vị giám mục thứ tám được Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải vạ tuyệt thông hôm 22 tháng 9, nhưng không phải khi ông còn sống, nhưng sau khi ông đã qua đời.

Trong thông báo tha vạ tuyệt thông này, giám mục Antôn Đồ Thế Hoa (Tu Shihua - 涂世華), dòng Phanxicô, đã qua đời vào ngày 4 tháng Giêng năm 2017 được tường trình là “trước khi chết đã bày tỏ mong muốn được hòa giải với Tông Tòa.”

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã không đăng cáo phó cho vị giám mục này, cũng giống như cho tất cả các giám mục bất hợp pháp đã qua đời mà chưa hòa giải với Giáo Hội, một cách công khai hoặc thầm lặng.

Do đó, có thể có hai cách giải thích cho việc giải vạ tuyệt thông “sau khi chết” do Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra trong những ngày gần đây.

Hoặc Toà Thánh chỉ mới phát hiện gần đây ý muốn hòa giải của vị này sau khi đương sự đã chết. Hoặc chính phủ Trung Quốc yêu cầu Rôma phải làm như thế bất kể đương sự đã chết. Và họ đã đạt được điều đó.


Source: L’Espresso Nella partita col Vaticano chi comanda è la Cina