Tờ First Things hôm 27 tháng Hai có đăng bài nhận định sau của Tiến Sĩ George Weigel với nhan đề “The Pell Affair: Australia Is Now on Trial” – “Chuyện Đức Hồng Y Pell: Nước Úc giờ đây đang được trắc nghiệm”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây.

Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


Có ai khác ngoài kia đang hăng máu tranh luận về bản án đồi bại được đưa ra để chống lại Hồng Y George Pell, để kết án ngài về “lạm dụng tình dục trong quá khứ”, nhận ra rằng Đức Hồng Y không nhất thiết phải trở về quê hương bản quán để đối mặt với phiên tòa hay không? Là thành viên của Hồng Y đoàn của Hội Thánh Rôma và là một quan chức của Vatican, Đức Hồng Y có hộ chiếu ngoại giao của Vatican và quyền công dân của Quốc gia Thành Vatican. Nếu thực sự ngài đã phạm tội, ngài lẽ ra có thể ở lại trong vùng an toàn đặc miễn ngoại giao của Vatican, chính quyền Úc không thể chạm tới. Nhưng vì Đức Hồng Y Pell biết mình vô tội, nên ngài quyết tâm về quê nhà để bảo vệ danh dự của mình, và theo nghĩa rộng hơn, để bảo vệ hàng thập kỷ làm việc của ngài để tái xây dựng Giáo Hội Công Giáo ở Úc, nơi nhiều phần sống động vẫn còn nợ rất nhiều sự lãnh đạo và lòng can đảm của ngài.

Đức Hồng Y Pell và tôi đã là bạn trong hơn năm mươi năm, và trong hai thập kỷ rưỡi của tình bạn đó, tôi đã kinh hoàng nhận ra các gian truân mà ngài đã phải gánh chịu, từ các phương tiện truyền thông Úc siêu thế tục và cả từ nhiều giới trong Giáo hội quyết tâm bám vào giấc mơ làm một cuộc cách mạng của họ sau Công Đồng Vatican II.

Một cuộc tấn công đáng nhớ nhắm vào ngài xảy ra ngay sau khi tôi đến chơi nhà ngài ở Melbourne vào cuối năm 2000: Tác giả bài báo vu cáo rằng Tổng Giám mục Pell lúc đó say mê các đồ phụng vụ đắt tiền và ngôi nhà của ngài chứa đầy những phẩm phục thêu gấm thêu hoa và những thứ lặt vặt đắt tiền dùng trong nhà thờ. Tôi rất vui khi có thể trả lời bằng văn tự hẳn hoi rằng, chỉ cần ở trong nhà vài ngày, tôi có thể báo cáo chính mắt nhìn thấy ngài chỉ có một phẩm phục duy nhất, nhưng tôi đã thấy sách ở khắp mọi nơi, cũng như những số ra gần đây nhất của mọi tạp chí đề xuất các ý kiến và những phản hồi trong khu vực nói tiếng Anh, từ mọi phía tả, hữu và trung dung.

Một thời gian sau đó, cáo buộc lạm dụng tình dục đầu tiên được đưa ra đối với Đức Hồng Y Pell,vào thời điểm đó ngài đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng giám mục Sydney. Theo đúng các thủ tục pháp lý, ngài giải quyết vấn đề trước hết tại Melbourne rồi sau đó vấn đề được đưa đến New South Wales, Đức Hồng Y Pell đã tự nguyện rời khỏi chức vụ cho đến khi có một cuộc điều tra tư pháp, dẫn đầu bởi một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Úc, đã làm sáng tỏ hoàn toàn mọi việc. Khi phán quyết được phát sóng lần đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Pell đã bị thúc giục bởi một quan chức cấp cao của Vatican, là hãy tiếp tục tấn công và công khai truy tố người tố cáo ngài. Đức Hồng Y đã từ chối lời khuyên đó, nhận xét một cách gượng gạo với tôi vào thời điểm ngài trả lời cho viên chức trong giáo triều Rôma rằng, đối với những người thuộc bộ lạc Công Giáo Ái Nhĩ Lan của ngài ở Úc, “Chúng tôi học môn tôn giáo từ Rôma còn môn chính trị chúng tôi học ở nhà.”

Niềm tin của Đức Tổng Giám Mục George Pell vào công lý Úc đã được minh oan trong dịp đó. Nhưng bây giờ, niềm tin của ngài vào hệ thống tư pháp Úc đã bị thử thách một lần nữa, và lần này là một thử thách cay đắng. Vì không phải là George Pell đang bị xét xử, nhưng là niềm xác tín của ngài; và vị Hồng Y, với sự thanh thản và điềm nhiên đối với cuộc tấn công vào nhân cách của ngài, đã phải ngồi trong một nhà tù ở Melbourne: “đi tĩnh tâm” như ngài nhắn tin với bạn bè.

Như tôi đã chỉ ra ở đây, cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell đầy rẫy những chuyện không thể xảy ra và tồi tệ hơn ngay từ đầu. Cảnh sát Victoria đã lần mò tìm phương thế chống lại Đức Hồng Y Pell, cả một năm trước khi nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ bất kỳ người nào được cho là một nạn nhân. Phiên điều trần, trong đó bác bỏ nhiều cáo buộc mà cảnh sát đưa ra, đáng lẽ phải bãi bỏ tất cả chúng; nhưng giữa bầu không khí công cộng sôi sục có thể so sánh với Salem, và Massachusetts, trong cơn cuồng loạn săn lùng phù thủy vào thế kỷ XVII, một phán quyết tổ chức một phiên tòa hình sự đã được đưa ra. Trong phiên tòa đó, và sau khi các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell chứng minh rằng những tội ác mà ngài bị cáo buộc không thể nào xảy ra nổi, một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2 để tha bổng ngài; nhưng điều đó có nghĩa là một bồi thẩm đoàn bế tắc đã xảy ra (một số thành viên đã khóc khi phán quyết của họ được đọc [vì họ không thuyết phục được 2 người kia đồng thuận với họ]) và như thế tòa đã quyết định xét xử lại. Tại phiên tòa xét xử lại, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell đã chứng minh rằng có mười điều không thể tin được và không thể xảy ra đồng thời trùng hợp như thế trong cáo buộc chống lại ngài; không có thêm bất kỳ tố cáo nào mới từ bất cứ người nào khác về bất cứ hành vi sai trái nào của ngài từ lần xử trước đến lần xử này; và cảnh sát cũng bị chỉ ra là đã sơ suất trong việc điều tra hiện trường vụ án được cho là nơi xảy ra lạm dụng; thế mà bồi thẩm đoàn thứ hai đã bỏ phiếu 12-0 để kết tội ngài, sau những gì có thể được hiểu một cách hợp lý rằng họ đã từ chối thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn của thẩm phán về cách thức hình thành các bằng chứng.

Và như thế khi lệnh cấm đưa tin về bản án đã được dỡ bỏ và phán quyết thứ hai đã được tiết lộ vào đầu tuần này, một dòng thác Niagara những lời lăng mạ đã tới tấp đổ xuống Hồng Y Pell từ cả các giới chính trị và truyền thông, mặc dù thực tế là một số ít các nhà báo dũng cảm của Úc và Cha Frank Brennan (một tu sĩ dòng Tên người Úc nổi bật đứng ở đầu kia của quang phổ giáo hội so với Đức Hồng Y Pell) đã chỉ ra sự bất công trầm trọng trong bản án dành cho ngài.

Một cái gì đó rất, rất là sai ở đây.

Không ai nghi ngờ rằng Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã sơ suất rất nhiều trong việc đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong nhiều thập kỷ. Không ai thực sự hiểu biết lịch sử cải cách Công Giáo ở Úc có thể nghi ngờ rằng người lật ngược mô hình phủ nhận và che đậy chính là George Pell, cũng là người có sự trung thực và can đảm để áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà ngài áp đặt khi có người tố cáo chính mình. Nếu Đức Hồng Y Pell trở thành vật tế thần cho những thất bại mà ngài đã làm việc chăm chỉ để sửa chữa, thì những câu hỏi nghiêm trọng nhất phải được đặt ra về năng lực của dư luận Úc về lý trí và sự công bằng cơ bản, và về sự khát máu của một phương tiện truyền thông thế tục hung hăng, quyết tâm thắng cho bằng được về chính trị và giáo hội với một trong những công dân nổi tiếng nhất trên trường quốc tế, là người dám thách thức các nhóm “tiến bộ” về tất cả mọi thứ, từ việc giải thích Công Đồng Vatican II đến phá thai, biến đổi khí hậu và chiến tranh chống chủ nghĩa thánh chiến.

Khi sự thật cuối cùng được đưa ra, những người có lý trí trên khắp thế giới này sẽ thấy rằng hầu như tại mọi thời điểm trong quá trình khó khăn này, hệ thống tư pháp đã không đứng về phía Hồng Y Pell, người đã tự nguyện trở về nhà để tự biện hộ. Hệ thống đó cũng đã không đứng về phía nước Úc. Các luật sư của Đức Hồng Y bây giờ sẽ kháng cáo; Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể, và nên, đồng ý với đơn kháng cáo của Đức Hồng Y rằng bồi thẩm đoàn thứ hai không thể đưa ra phán quyết có tội một cách hợp lý, và sau đó bác bỏ hoàn toàn phán quyết này. Điều này, theo thuật ngữ kỹ thuật của luật pháp Úc, là một bản án không an toàn "unsafe verdict". Bản án ấy không chỉ là không an toàn đối với riêng Hồng Y George Pell.

Nếu nó không được đảo ngược tại phiên kháng cáo, bản án sai lầm đó sẽ tạo thành một bản cáo trạng mới: bản cáo trạng về một hệ thống pháp lý không thể tự đưa ra công lý khi đối mặt với sự hiềm khích của công chúng, sự trả thù chính trị và sự gây hấn của truyền thông. Điều đó có nghĩa là Úc, hoặc ít nhất là Tiểu bang Victoria, nơi mà phiên tòa này đã diễn ra là một nơi không an toàn, cho cả các công dân lẫn những du khách.


Source:First Things