Chúa Nhật 1 Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Khác với chúng ta, Giáo Hội Đông Phương cử hành lễ này như một trong những đại lễ lớn nhất của Năm Phụng vụ. Bởi biến cố Phép Rửa mang lại những mạc khải lớn lao. Nhân dịp này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa và lý do tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa? Và đâu là mối liên hệ với Phép Rửa của chúng ta?

1- Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa?

Tin Mừng kể lại: sau khi sinh ra tại Bêlem, Chúa Giêsu trở về Nadarét. Ở đó, Người sống mai danh ẩn tích trong 30 năm với cha mẹ mình là Đức Maria và thánh Giuse. Đây là thời gian rất quan trọng đối với Chúa Giêsu để chuẩn bị cho sứ vụ công khai. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm Phép Rửa cho mình. Chính Gioan và nhiều giáo phụ cũng như các nhà thần học xưa và nay đều thắc mắc: Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa? Phải chăng Chúa cũng có tội?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xác định: Trước hết, Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Người là Đấng vô tội. Nghĩa là nơi Người không hề vướng mắc một tội nào. Điều đó được Kinh Thánh quả quyết: “Người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi” (x. Hr 4,15). Vì thế, Người không cần phải sám hối và chịu Phép Rửa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu chủ động đến xin Gioan làm Phép Rửa không phải để thanh tẩy tội lỗi của mình nhưng là để thanh tẩy tội lỗi nhân loại và thánh hóa bản tính loài người. Thánh Grêgôriô Nadien có lý khi nói: “Có thể Chúa muốn thánh hóa kẻ sắp làm Phép Rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hóa sông Giođan; vì Người vừa là Thần Khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.” Đó là ý do Chúa Giêsu chịu Phép Rửa.

2- Mạc khải quan trọng tại Giođan

Biến cố Phép Rửa của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta những mạc khải quan trọng và ý nghĩa qua trình thuật của thánh Mátthêu. Đây không chỉ là mạc khải về Chúa Giêsu, nhưng còn là mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi cho loài người. Tại sông Giođan, lần đầu tiên, trời mở ra và những bí nhiệm ẩn dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải.

Chúng ta hãy lắng nghe lời chú giải rất tuyệt vời của thánh Cirillô, giám mục thành Giêrusalem (315-386): “Chúng ta không thể nghĩ đến Chúa Kitô mà không nghĩ đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Quả thật, để có thể được gọi là Đức Kitô, Đấng đó phải được xức dầu. Bởi vì từ Kitô có nghĩa là người được xức dầu. Để có thể trở thành Đức Kitô, cần phải có ai đó xức dầu, người đó là Chúa Cha, và cần có ai đó là sự xức dầu, đó là Chúa Thánh Thần.” Điều đó được thánh Phêrô trong bài đọc II quả quyết: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38).

Không có Chúa Ba Ngôi, danh từ Kitô không có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do tại sao hình Icône về Phép Rửa của Chúa Giêsu trình bày Chúa Giêsu đứng ở nơi sông Giođan, từ trên cao, một Bàn Tay tượng trưng cho Đấng đang xức dầu là Chúa Cha vô hình… và một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu là một ngôi vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu: Hôm nay, đây là mạc khải đầu tiên về mầu nhiệm này. Có thể nói, nơi biến cố Phép Rửa của Chúa, đã xảy ra cuộc thần hiện mới của Thiên Chúa Ba Ngôi với loài người.

Lúc bấy giờ, các tầng trời mở ra, biển cả nên hiền hòa, trái đất mừng vui hớn hở, núi đồi hoan ca. Bởi vì, xưa kia, do tội lỗi nguyên tổ của Ađam và Evà, cửa trời đã bị đóng lại, không cho ông bà và con cháu vào. Nhưng nay, cửa trời được mở ra cho toàn thể loài người vào. Thật là vui mừng và hạnh phúc biết bao! Chúa Giêsu đã khai mở một kỷ nguyên cứu độ cho chúng ta khi làm cho trời đất mở ra và thông giao với nhau.

3- Với Phép Rửa chúng ta

Sau khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Chúa Cha phán ra rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Chúa Giêsu đã thi hành thánh ý của Chúa Cha khi hạ mình xuống để chịu Phép Rửa. Đó là lý do vì sao, tại đây, Chúa Giêsu là một người hạnh phúc, một người được yêu mến.

Bí tích Rửa Tội của chúng ta có một ý nghĩa tương tự: Nhờ Phép Rửa mà Chúa Giêsu thiết lập, chúng ta được tẩy xóa hết mọi tội lỗi, được gia nhập Giáo Hội và được làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta cũng trở thành những người được Thiên Chúa yêu mến, thánh hiến và yêu thương. Bởi lẽ, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, cùng chung một Cha trên trời. Khi chịu Phép Rửa, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta rằng: “Con là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con.”

Để được như thế, chúng ta được mời gọi luôn noi gương Chúa Giêsu, sống đẹp lòng Chúa Cha và ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy sống đúng tư cách là con cái Chúa và sống xứng đáng với những hồng ân Thiên Chúa ban qua bí tích Rửa Tội. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/