Tháng 12 năm ngoái, vị bác sĩ 34 tuổi này đã gửi tin nhắn cho các đồng nghiệp của mình để cảnh báo về một loại virus tương tự như virus Sars. Nhưng công an internet đã ngay lập tức can thiệp và cáo buộc anh ta “tung tin đồn” gây rối trật tự công cộng. Sau đó, anh bị nhiễm virus và bị cô lập tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
Tin tức về cái chết của bác sĩ Lương đã xuất hiện vào khoảng 9h30 tối ngày thứ Năm 6 tháng Hai, thoạt đầu cũng được các phương tiện truyền thông của đảng cộng sản, như tờ Hoàn cầu Thời báo, và tờ Nhân dân đưa tin. Nhưng nhiều giờ sau đó, tin tức này đã bị phủ nhận, nói rằng bác sĩ Lương thực sự đang được điều trị đặc biệt. Các nhà báo và các bác sĩ nói rằng các thành viên của chính phủ đã đến bệnh viện, buộc mọi người phải thay đổi bản tin của họ, nói rằng bác sĩ vẫn còn sống. Nhưng khoảng 3 giờ sáng, các bác sĩ đã quyết định thông báo cái chết của anh.
Cái chết của anh tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã gây ra một loạt các bình luận ca ngợi anh là một “anh hùng thường nhật”, người đã hy sinh mạng sống của mình cho người dân, trái ngược với “các thủ lĩnh béo tốt”, là những người đã dấu nhẹm tin tức về virus trong hơn 40 ngày, vì chỉ quan tâm làm sao duy trì “sự ổn định” và sức mạnh của họ. Không khí chung là một sự đau buồn và phẫn nộ.
Tuy nhiên, sau khi mạng WeChat của Trung Quốc đăng một bài thơ được cho là của anh trước khi qua đời, đã có những thay đổi trong tâm tình của các tín hữu Kitô Trung Quốc đối với biến cố này.
Bài thơ rất dài, xin chỉ trích những câu cuối:
Xin tạm biệt những người tôi yêu mến.
Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,
Có ai đó sẽ một lần nhớ đến,
Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật càng sớm càng tốt.
Cố gắng cho bạn biết sự thật càng sớm càng tốt.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,
Người ta học được cách đứng cho thẳng,
Không còn để những người tử tế,
Phải chịu đau khổ vô tận,
Và nỗi buồn bất lực.
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
đã chạy hết chặng đường,
đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2 Ti-mô-thê 4:7-8a)
Với việc công bố bài thơ này, cộng đồng Kitô hữu trực tuyến đã có một bức tranh khác. Nhiều nhóm Kitô hữu WeChat đang chuyển tiếp cho nhau tin nhắn theo đó bác sĩ Lương là một thầy thuốc Kitô hữu, như Thánh Luca trong Kinh thánh.
Các Kitô hữu trên Internet nói với nhau một cách sôi nổi như thể đây không phải là lúc để bày tỏ sự đau buồn mà là lúc để hát Allelujah, để ca ngợi khoảnh khắc tuyệt vời của tình yêu Chúa. Tờ China Christian Daily nhận xét rằng “Tin tức mới nhất này, bác sĩ Lương là người anh em trong Chúa Kitô của chúng ta, khiến nhiều người vui mừng như vừa khám phá ra một thế giới mới.”
Trên mạng Vi Bác (Weibo - 微博), một mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, đã xuất hiện các tweet nóng bỏng, nâng việc tưởng niệm vị bác sĩ này lên một tầm cao tâm linh, chẳng hạn, có những tweet nói rằng bác sĩ Lương đã “vinh quang trở về ngôi nhà trên thiên đàng của mình”, “anh đã yên nghỉ trong vòng tay của Chúa”. Nhiều người cũng cho rằng chứng tá anh hùng của anh là một cơ hội tốt để truyền giáo.
Nhiều độc giả hỏi chúng tôi, bác sĩ Lương có phải là người Công Giáo không? Chúng tôi đã đem chuyện này trao đổi với các đồng nghiệp Hương Cảng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh, gọi tắt là HSSC.
Câu trả lời chúng tôi nhận được từ HSSC cho đến nay, trước khi thu hình chương trình này là:
Trong những năm gần đây, số Kitô hữu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Trước năm 1949, là thời điểm cộng sản chiếm được Hoa Lục, có 4 triệu Kitô hữu (3 triệu là người Công Giáo và 1 triệu là người Tin lành). Con số này đã đạt đến 47 triệu, theo các thống kê của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Nhiều nghiên cứu độc lập cho thấy ít nhất phải có 67 triệu Kitô hữu. Kitô giáo được cho là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm là 7%. Tuy nhiên, các nhóm Tin Lành phát triển mạnh hơn Công Giáo, thu hút đặc biệt những người trẻ.
Nếu bài thơ ấy thực sự là của bác sĩ Lương thì có thể cho rằng anh là một Kitô hữu. Nhưng anh là người Công Giáo hay Tin Lành thì vô phương mà biết được. Trong điều kiện bị bách hại rất cam go tại Trung Quốc, đặc biệt là trong tỉnh Hồ Bắc, phần lớn các Kitô hữu đều sinh hoạt trong các Giáo Hội thầm lặng. Nói nôm na là hoạt động như các hội kín. Cho nên, ngay cả câu hỏi đơn giản nhất là có bao nhiêu người Công Giáo thuộc tổng giáo phận Hán Khẩu, trong tỉnh Hồ Bắc với dân số 57 triệu dân này, cũng không có câu trả lời.
Chúng ta chưa có điều kiện để biết bác sĩ Lương có phải là người Công Giáo hay không. Nhưng có thể hy vọng mãnh liệt rằng giờ đây anh đã được an nghỉ trong vòng tay Chúa.