19 tháng 3, 9 giờ 00 sáng

Hôm nay trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời những người không thể rước lễ hãy thực hiện hành vi rước lễ thiêng liêng.
Ngài cũng cầu nguyện cho những người ở trong tù nhưng chủ yếu tập trung vào Thánh Giuse có ngày lễ kính hôm nay. Đức Giáo Hoàng nói: Thánh Giuse là “một người công chính”, không chỉ vì ngài tin mà còn vì ngài có đức tin. Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng Thánh Giuse có khả năng bước vào mầu nhiện Thiên Chúa, và đã làm như vậy với độ chính xác và tự nhiên tương tự như cách ngài đã dùng để tiếp cận với nghề mộc của ngài.

19 tháng 3, 12 giờ 55 trưa

Một Ayatollah của Iran đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran khi quốc gia Trung Đông này vật lộn với coronavirus.

Ayatollah Mohaghegh Damad, người có tiếng tại Tòa Thánh vì những nỗ lực đối thoại liên tôn, đã gửi 1 lá thư cho Đức Giáo Hoàng mô tả sự đau khổ của trẻ em và người già, tờ Il Messaggero của Ý hôm nay đưa tin như thế.

Ông viết rằng sự đau khổ đang được “khuếch đại” bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ tại quốc gia có số lượng người nhiễm vi khuẩn cao thứ ba sau Trung Quốc và Ý, và chúng đang có một tác động trực tiếp đối với phúc lợi của người dân thường Iran, “các quyền tự nhiên” của họ, và quyền tự vệ của họ.

Ngày 19 tháng 3, 1 giờ 12 chiều

Hãng tin ANSA cho hay: Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố việc cấm ra ngoài ở nước này sẽ được kéo dài quá ngày 3 tháng Tư.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, Ông Conte nói rằng các biện pháp này đang có hiệu quả, nhưng ngay cả khi dịch bệnh bắt đầu giảm từ đỉnh cao của nó, “chúng ta vẫn chưa có khả năng trở lại cuộc sống như trước đây”.

Ông thúc giục tất cả người Ý thể hiện “ý thức chung” và ở trong nhà ngoài việc mua sắm thực phẩm hoặc nhu cầu về thuốc men, hoặc đi làm nếu họ có việc làm.

Ngày 19 tháng 3, 1 giờ 20 chiều

San Marcello al Corso, nhà thờ nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện hôm Chúa Nhật dưới chân Thánh giá Làm Phép Lạ, mà, vào năm 1522, từng bảo vệ Rôma khỏi đại dịch, đã bị đóng cửa đối với công chúng do sắc lệnh ngày 12 tháng 3 của Tòa Giám Quản Rôma ban hành. Nhà báo Diane Montagna đã “tweet” như thế, sau khi xác nhận với nhà thờ.

Tòa Giám Quản đã thay đổi một sắc lệnh trước đó để cho phép các nhà thờ giáo xứ và nhà thờ truyền giáo ở Rôma được mở cửa vào tuần trước, nhưng không phải các nhà thờ không phải của giáo xứ và nhà thờ tu viện, là những nhà thờ vẫn không để công chúng hoặc những người không thường trú ở những chỗ ấy ra vào.

19 tháng 3, 1 giờ 53 chiều

ACIStampa tường trình rằng Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg đã bị cách ly sau khi một nhân viên của tổng giáo phận đuợc xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Đức Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng lên chức Hồng Y vào tháng 10 năm ngoái, cũng là chủ tịch của Ủy ban Các Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE).

20 tháng 3, 11 giờ 19 sáng

“Một thảm kịch trong một thảm kịch” đó là cách tờ Il Giornale mô tả nó khi ba linh mục khác được báo cáo đã chết ở Bergamo - một trong những thành phố phía bắc Ý bị coronavirus tấn công mạnh nhất.

Cho đến nay, 13 linh mục đã chết ở Bergamo, bao gồm Don Vincenzo Rini, một nhân vật nổi tiếng trong các phương tiện truyền thông do hội đồng Giám Mục điều hành. 15 vị khác đang hồi phục trong bệnh viện với 2-3 vị được chăm sóc đặc biệt. Don Roberto Trussardi, giám đốc Caritas ở Bergamo, nói với InBlu Radio, đài phát thanh của hội đồng giám mục, như thế.

Don Trussardi nói “Quả là một bi kịch và một thảm kịch khi chứng kiến những chiếc xe tải của quân đội chở đi hơn 60 quan tài vì đài hỏa táng không kịp đốt tất cả những người chết”. Ngài nói thêm, “thật là một thảm kịch. Cũng ngày hôm qua có rất nhiều người chết và nhiễm bệnh. Chúng tôi hy vọng tình huống tồi tệ này sẽ được giải quyết”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi cho Đức Giám Mục Bergamo, Đức cha Francesco Beschi, hôm thứ Tư để bày tỏ sự an ủi và khích lệ.
Trong khi đó, tờ La Nazione tường trình rằng tổng cộng 30 linh mục người Ý đã chết chủ yếu là do coronavirus, bao gồm cả 13 vị ở Bergamo.

Tờ báo cho biết bốn linh mục rất già đã chết ở Parma nhưng cũng có một vị trẻ hơn, Don Andrea Avanzini, mới 55 tuổi và có lẽ bị lây nhiễm bởi người mẹ già mà ngài sống cùng. Tờ báo cũng báo cáo rằng bốn linh mục khác đã chết ở Piacenza mặc dù chỉ có một trong số các ngài được chẩn đoán mắc coronavirus.

Giám mục của Cremona gần đó, Antonio Napolioni, đã phục hồi khỏi Covid-19 và được xuất viện.

20 tháng 3, 12 giờ 33 trưa

Tông Tòa Xá Giải đã ban hành một sắc lệnh ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu vào thời điểm đại dịch này.

Được ký ngày 19 tháng 3, Lễ Thánh Giuse, bởi Đức Hồng Y Trưởng Tòa Mauro Piacenza, sắc lệnh tuyên bố rằng:

“Ơn đại xá được ban cho các tín hữu đang đau khổ vì coronavirus, bị cách ly theo lệnh của cơ quan y tế trong các bệnh viện hoặc tại nhà riêng của họ, nếu, với tinh thần xa lánh bất cứ tội lỗi nào, họ hợp nhất một cách thiêng liêng qua các phương tiện truyền thông với việc cử hành Thánh lễ, với việc đọc kinh Mân côi, với việc thực hành đạo đức Đi đàng Thánh giá hay các hình thức tôn sùng khác, hoặc ít nhất họ đọc Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn sốt sắng Đức Trinh Nữ Maria, dâng sự thử thách này trong một tinh thần tin vào Thiên Chúa và bác ái đối với anh chị em của họ, với ý chí chu toàn các điều kiện thông thường (xưng tội bí tích, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha), càng sớm càng tốt”.

Đức Hồng Y Piacenza cho biết thêm rằng cùng một việc ban ơn đại xá này sẽ được ban “trong cùng một điều kiện” cho:

“Các nhân viên chăm sóc sức khỏe, các thành viên gia đình và tất cả những người, theo gương của Người Samaria nhân hậu, liều chịu nguy cơ lây nhiễm để chăm sóc người bệnh coronavirus theo lời của Thiên Chúa Cứu chuộc 'Không ai có tình yêu lớn hơn người hiến mạng sống mình cho bạn bè' (Ga 15:13)".

Ngài nói thêm rằng sắc lệnh cũng “sẵn lòng ban” ơn đại xá trong các điều kiện tương tự cho:

“Những tín hữu nào đến viếng Bí tích Cực Thánh, hoặc Chầu Thánh Thể, hoặc đọc Kinh thánh trong ít nhất nửa giờ, hoặc đọc kinh Mân côi, hoặc thực hành sốt sắng Đàng Thánh giá, hoặc đọc Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, để cầu khẩn từ Thiên Chúa toàn năng chấm dứt đại dịch, cứu giúp những người đang đau khổ và ơn cứu rỗi đời đời cho những người mà Chúa đã gọi về với chính Người”.

Sắc lệnh viết tiếp:

“Giáo hội cầu nguyện cho những người không thể nhận được Bí tích Xức dầu Bệnh Nhân và Của Ăn Đàng, phó thác mỗi người trong số họ cho Lòng Chúa thương xót nhờ vào sự hiệp thông các thánh và ban cho Tín hữu ơn đại xá vào thời điểm qua đời, miễn là họ được chuẩn bị thích đáng và đã đọc một vài lời cầu nguyện trong suốt cuộc sống của họ (trong trường hợp này, Giáo hội miễn chước ba điều kiện thông thường cần có). Để đạt được ân xá này, nên sử dụng tượng chịu nạn hoặc thập giá (x. Enchiridion indulgentiarum, số12)”.

Sắc lệnh kết thúc bằng cách cầu khẩn "Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, Đấng vốn là Sức khỏe của Bệnh nhân và là Đấng phù hộ các Kitô hữu, Đấng bầu chữa chúng ta, phù giúp nhân loại đau khổ, loại bỏ khỏi chúng ta sự dữ của cơn đại dịch này và nhận cho chúng ta mọi điều tốt đẹp cần thiết cho sự cứu rỗi và sự thánh hóa của chúng ta”.

Đức Hồng Y Piacenza bắt đầu sắc lệnh bằng cách lưu ý rằng “toàn bộ nhân loại” đang bị “đe dọa bởi một căn bệnh vô hình và quỷ quyệt mà trong mấy lúc gần đây đã trở thành một phần cuộc sống của mọi người” và “được đánh dấu ngày qua ngày bởi những nỗi sợ hãi, những điều không chắc chắn mới và trên hết nhiều đau khổ về thể chất và tinh thần rộng khắp”.

Ngài nói thêm: “theo gương của Thầy chí thánh của mình, Giáo Hội luôn chăm sóc người bệnh. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, giá trị đau khổ của con người có hai mặt: 'Nó có tính siêu nhiên, bởi vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm cứu chuộc thế giới của Thiên Chúa, và nó cũng cũng có tính nhân bản sâu sắc, bởi vì trong nó, con người tìm thấy chính mình, nhân tính của mình, phẩm giá của mình, sứ mệnh của mình'(Tông Thư Salvifici Doloris, 31).

Ngày 20 tháng 3, lúc 4 giờ chiều

Trong sắc lệnh thứ hai, Tông Tòa Xá Giải hôm nay truyền rằng vì các linh mục gặp khó khăn trong việc ngồi tòa giải tội trong thời gian đại dịch Covid-19, các Giám Mục có thể ban phép giải tội tập thể trong các trường hợp “cần thiết nghiêm trọng”.

Sắc lệnh, được Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chánh án tòa, ký, thường chỉ được phép theo điều giáo luật 961, tức khi có “nguy tử gần kề lúc không đủ thì giờ nghe việc xưng tội của các hối nhân cá thể” hay khi “cần thiết nghiêm trọng”.

Sau đó, sắc lệnh nhấn mạnh bằng chữ đậm rằng: “Tông Tòa Xá Giải này tin rằng, đặc biệt ở những nơi bị lây nhiễm đại dịch hơn cả và cho tới khi đại dịch lui bước, các trường hợp cần thiết nghiêm trọng được nhắc đến ở điều 961, § 2 Bộ Giáo Luật [trong các trường hợp cần thiết nghiêm trọng] sẽ xẩy ra”.

Sắc lệnh viết thêm: “các nét chuyên biệt hơn, theo giáo luật, sẽ được ủy quyền cho các Giám Mục giáo phận, luôn lưu ý tới tiện ích tối cao là phần rỗi các linh hồn”.

Sắc lệnh viết tiếp:

“Nếu có nhu cầu đột ngột cần phải ban giải tội bí tích cho nhiều tín hữu cùng với nhau, linh mục có nghĩa vụ phải báo trước cho giám mục giáo phận càng trước đó càng tốt hoặc, nếu không thể, phải thông báo cho ngài càng sớm càng tốt (x. Ordo Paenitentiae, số 32).

Về việc xưng tội cá nhân, sắc lệnh tiếp tục tuyên bố rằng “trong trường hợp khẩn cấp đại dịch hiện nay, tùy giám mục giáo phận ấn định với các linh mục và hối nhân các lưu tâm thận trọng trong việc cử hành hòa giải bí tích cá nhân, như phải cử hành ở một nơi thông thoáng bên ngoài tòa giải tội, phải giữ một khoảng cách phù hợp, phải sử dụng khẩu trang bảo vệ, không ảnh hưởng đến bổn phận phải tuyệt đối chú ý đến việc bảo vệ ấn tín bí tích và sự thận trọng cần thiết"
.
Sắc lệnh cho biết thêm:

“Ngoài ra, luôn luôn tùy ở giám mục giáo phận việc ấn định, trong lãnh thổ giáo phận mình và liên quan đến mức độ lây nhiễm đại dịch, các trường hợp thật cần thiết qua đó được ban việc giải tội tập thể: thí dụ, tại lối vào các khu (wards) của bệnh viện, nơi các tín hữu bị nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong nhập viện, sử dụng càng xa càng tốt và với các thận trọng thích đáng khuếch đại giọng nói để lời giải tội được nghe thấy”.

Sắc lệnh nói thêm rằng cần xem xét “nhu cầu và khả năng được phép (advisability) thiết lập, khi cần thiết, theo thỏa thuận với các cơ quan y tế, các nhóm 'tuyên úy bệnh viện phi thường', cũng trên cơ sở tự nguyện và tuân thủ các quy tắc bảo vệ khỏi lây nhiễm, để bảo đảm sự trợ giúp thiêng liêng cần thiết cho người bệnh và người sắp chết”.

“Nơi nào, các tín hữu cá nhân thấy mình bất khả một cách đau đớn, không được lãnh nhận việc giải tội bí tích, cần nhớ rằng việc ăn năn tội cách trọn, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, được thể hiện bằng một lời cầu xin tha thứ chân thành (mà hối nhân lúc ấy có thể bày tỏ) và kèm theo votum confessionis, nghĩa là quyết tâm nhất định sẽ xưng tội bí tích, càng sớm càng tốt, sẽ được sự tha thứ tội lỗi, ngay cả các tội trọng (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1452)”.

Ngày 20 tháng 3, lúc 7 giờ 00 tối
Theo tạp chí Wanted ở Rôma, tổng cộng ở thành phố này có 59 nữ tu thử nghiệm dương tính đối với Covid-19 và đã được cách ly.
Trích dẫn tường trình của hãng tin Ý ANSA, tạp chí trên cho hay tu viện đầu tiên bị cô lập là tu viện Figlie di S. Camillo ở Grottaferrata, thuộc Castelli Romani cách Rôma chừng 14 dặm.

Tu viện thứ hai bị cô lập là Congregazione delle Suore Angeliche di S. Paolo ở Via Casilina, Rôma, nơi 19 trong số 21 nữ tu của tu viện bị thử có coronavirus.

21 tháng 3, 4 giờ 20 chiều

Đức Hồng Y Raymond Burke đã nói trong một thông điệp riêng gửi các tín hữu về coronavirus rằng “Chúng ta không thể đơn giản chấp nhận quyết định của các chính phủ thế tục, vì họ đối xử với việc thờ phượng Chúa giống như đi đến nhà hàng hoặc đến một cuộc thi đấu thể thao”.

“Các giám mục và linh mục chúng ta cần giải thích công khai sự cần thiết của người Công Giáo phải cầu nguyện và thờ phượng trong nhà thờ và nhà nguyện của họ, và đi rước qua các đường phố và đường đi, cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho dân của Người đang chịu đau khổ vô cùng”.

Còn tiếp