Tổng thống Trump: Tình hình sẽ rất bất lợi cho người Công Giáo nếu ông thất cử
Hôm thứ Bẩy, tổng thống Donald Trump đã có một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo và các nhà giáo dục Công Giáo. Christopher White của tờ Crux có bài tường thuật sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


(New York) Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo và các nhà giáo dục Công Giáo vừa diễn ra hôm thứ Bảy vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tự nhận mình là vị tổng thống “tốt nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo”, khi ông cảnh báo về một số vấn đề sẽ gặp khó khăn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đặc biệt là về nạn phá thai và tự do tôn giáo, là những vấn đề “chưa bao giờ quan trọng hơn đối với Giáo hội”.

Tổng thống Trump cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho các trường Công Giáo trong bối cảnh đại dịch coronavirus toàn cầu.

Trong bản ghi âm cuộc họp mà phóng viên Crux thu nhận, tổng thống liên tục nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với phong trào phò sinh và quyền lựa chọn trường học khi ông cố gắng vạch ra sự tương phản rõ rệt giữa chính quyền của ông, và một chính quyền đảng Dân chủ có thể mang đến cho người Công Giáo.

Tờ Crux được hai trong số hơn 600 người có mặt tại hội nghị cho biết: thành phần tham dự bao gồm Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York, Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), Đức Giám Mục Michael Barber của Oakland, đương kim Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo Hội Đồng Giám Mục, cũng như các giám đốc học khu của các trường Công Giáo tại giáo phận Los Angeles cũng như Denver, cùng với những người tham dự khác.

Trong phát biểu khai mạc, tổng thống đã ngỏ lời cám ơn các nhà giáo dục Công Giáo về những nỗ lực thực hiện biện pháp học tập trực tuyến trong thời đại dịch, cũng như những hỗ trợ về mặt tinh thần mà các vị này đã dành cho mọi gia đình. Nhắc đến thời niên thiếu của mình khi sống cạnh một giáo xứ và trường Công Giáo ở Queens thuộc tiểu bang New York, tổng thống mô tả các trường Công Giáo đã là một nguồn sức mạnh, hy vọng, cơ hội cho những cộng đồng trên cả nước.

Ông nói rằng sự lây lan của coronavirus “lẽ ra đã bị ngăn chặn từ trước rất sớm...nếu nó bị chặn ngay tại nguồn gốc, và chắc mọi người đều hiểu ý tôi muốn nói gì”

Hướng về tương lai khi nền kinh tế được tái mở, tổng thống cho biết đất nước này “sẽ được mở ra với một điều gây kinh ngạc”.

Tuy nhiên, ý tưởng thường được nhắc đến nhất của tổng thống trong bài phát biểu khai mạc của ông là những cam kết đối với những vấn đề liên quan đến phò sinh, ông nói rằng điều này “đã ở mức độ mà chưa có tổng thống nào khác có thể nhìn thấy trước đó, theo nhận xét của mọi người.”

Ông nói “Tôi chỉ nói lại những gì người ta đang nói”. Ông trích dẫn một dữ kiện là ông chính là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên đã đích thân nói chuyện tại “Cuộc Diễn Hành Phò Sinh hay còn gọi là “March For Life” vào tháng Giêng vừa qua, một sự kiện được diễn ra hàng năm nhằm phản đối việc hợp thức hoá nạn phá thai của Tối Cao Pháp Viện vào năm 1973.

Ông cũng nhắc đến những hỗ trợ của mình cho chính sách Mexico City nhằm ngăn chặn tài trợ của liên bang cho các tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ liên quan đến phá thai. Chính sách này được Tổng thống Ronald Reagan thiết lập và được phục hồi bởi mọi tổng thống Cộng hòa kể từ năm 1984.

Ông cũng nhấn mạnh sự phản đối của mình đối với Tu Chính Án Johnson là luật ngăn chặn những tổ chức miễn thuế không được yểm trợ hay phản đối các ứng cử viên chính trị. Ông mô tả đó là điều “rất tàn độc”, và nói thêm rằng “tôi đã loại bỏ nó để quý vị có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách rất mạnh mẽ.

Sau phần phát biểu khai mạc 15 phút, tổng thống cũng đã trả lời câu hỏi của một nhóm người tham dự đã được chọn lựa, trước khi trả lời câu hỏi từ những người khác trong hội nghị.

Đức Hồng Y Dolan là người đầu tiên lên tiếng, ngài là người mà tổng thống ca ngợi là một “bậc quân tử vĩ đại” và là “một người bạn tuyệt vời của tôi”. Ông nói thêm rằng ông tôn trọng những gì Đức Hồng Y yêu cầu.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục New York nói ngài “rất hân hạnh là người được đặt câu hỏi đầu tiên, và tôi cũng dành một tình cảm tương tự cho ngài”. Ngài lưu ý rằng hai người vẫn thường xuyên nói chuyện trên điện thoại trong những tháng gần đây và còn nói đùa với nhau rằng bà cố 90 tuổi của Đức Hồng Y từ Missouri vẫn phàn nàn rằng tôi “gọi cho tổng thống còn nhiều hơn tôi gọi cho bà cố”

Đức Hồng Y Dolan ca ngợi sự hỗ trợ của các bộ trưởng DeVos, Carson, và bà KellyAnne Conway, cố vấn đặc biệt của tổng thống, là những “nhà quán quân” và là “những đồng minh đáng quý của chúng tôi trong tình cảm dành cho các trường học mà chúng tôi yêu quý.

Đức Hồng Y đã tập trung vào đề tài giáo dục, ngài nói rằng bởi vì nó liên quan đến quyền của cha mẹ, công lý giáo dục và quyền công dân của con em chúng ta”. Ngài cũng cám ơn tổng thống về sự kiên định can đảm của ông trong việc bao gồm các cơ quan bất vụ lợi, các cơ sở tôn giáo và trường học của chúng tôi trong ngân khoản kích thích kinh tế gần đây”

Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng khoản tài trợ hiện tại cho các trường học chỉ bảo đảm được cho năm học này. Nhiều trường Công Giáo trên cả nước đang “rất sợ hãi” về tháng 9, họ nói rằng trợ cấp học phí để giới phụ huynh có thể tiếp tục cho con học ở trường Công Giáo là khoản rất cần có. Đức Hồng Y nói với tổng thống rằng “Chúng tôi cần ngài hơn bao giờ.”

Sau đó, Đức Hồng Y nhanh chóng chuyển sang đề tài phá thai, nói rằng đảng Dân chủ “muốn cho phá thai, muốn cho phép ngay từ bây giờ, họ còn muốn cho phép phá từ giai đoạn đầu của thai kỳ cho đến tận cuối tháng thứ 9”. Ngài đã nhắc đến ý kiến của Thống đốc Dân chủ Virginia là Ralph Northam, là người phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào năm ngoái vì ông đã ủng hộ việc phá thai ở giai đoạn thứ ba của thai kỳ.

Tổng thống cũng nhân dịp này gợi nhớ lại cuộc tranh luận cuối cùng khi ông đang tranh cử với Ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2016, lúc đó ông đã chỉ trích sự ủng hộ của bà trong việc cho phép phá thai ở giai đoạn cuối. “Chúng tôi đã bảo vệ rất tốt lập trường này trong cuộc đua cuối cùng của chúng tôi với Hillary Clinton bởi vì bà ta muốn cho phép phá đến tận kỳ sinh nở”, tổng thống đã nói thế vào hôm thứ Bảy. “Chúng tôi có lẽ đã hỗ trợ lập trường phò sinh hơn bất cứ điều gì quý vị có thể tưởng tượng được. Tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ đi bầu, bỏ phiếu, và làm những gì họ phải làm”, sau đó ông nói về cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới. “Quý vị sẽ có một Giáo Hội Công Giáo rất khác biệt”, ông cảnh báo nó sẽ như thế nếu ông bị thất cử.

Sau đó, tổng thống đã trả lời một câu hỏi của Đức Hồng Y O'Malley, khi ngài muốn chuyển hướng cuộc thảo luận sang đề tài giáo dục Công Giáo, ngài nói rằng “không có tổ chức nào ở nước Mỹ thành công hơn các trường Công Giáo trong việc nâng đỡ người nghèo lên tầng lớp trung lưu.”

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Boston kêu gọi tổng thống bảo đảm việc hỗ trợ học phí cho các gia đình có con em theo học trường Công Giáo. Ngài nói “Chúng tôi cần được giúp ngay bây giờ. Tổng thống phải nhanh chóng làm điều này để giúp họ đóng học phí”.

Tổng thống đã cảm ơn Đức Hồng Y O'Malley, nói rằng ông chưa bao giờ thấy ai nói một cách ngắn gọn thẳng thắn như vậy khi nghe Đức Hồng Y mô tả về giá trị của nền giáo dục Công Giáo. Ông hứa “Chúng tôi sẽ giúp quý vị còn nhiều hơn những gì quý vị biết nữa”. Cả hai vị giám đốc học khu các trường Công Giáo ở các giáo phận Denver và Los Angeles là Paul Escala và Elias J. Moo đã dành thời gian họ được cho phép để thúc đẩy việc tiếp tục cho phép lựa chọn trường học. “Sự lựa chọn trường học cho con cái của phụ huynh không thể là điều phải hy sinh vì cuộc khủng hoảng này”. Ông Escala nói với tổng thống rằng, “chúng tôi cùng đứng về phía tổng thống”, ông nhấn mạnh rằng các trường Công Giáo ở California đã tiết kiệm cho chính phủ hơn 2 tỷ đô la. Tổng thống cảnh báo: “Phe bên kia không ủng hộ điều đó đâu. Chúng ta quả thật có điểm tương đồng, và phe bên kia hoàn toàn trái ngược với những gì quý vị muốn, vì vậy tôi đoán đó là điều quan trọng cần nhớ”.

Tổng thống đã xoáy trọng tâm vào những khoản tiền tiết kiệm và yêu cầu khoản tiền các trường Công Giáo trên toàn quốc đã tiết kiệm được cho chính phủ liên bang trong ngành giáo dục được xác định để ông có thể thuyết phục Quốc hội tài trợ nhiều hơn.

Đức Giám Mục Barber lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vẫn cam kết hợp tác với chính quyền. Ngài ca ngợi bà Bộ trưởng DeVos là đồng minh tuyệt vời của người Công Giáo. Ngài cũng cảm ơn tổng thống vì đã lựa chọn thẩm phán Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện, những vị mà ngài coi là người ủng hộ việc cho lựa chọn trường học. Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh sự hy sinh của các nhà giáo dục Công Giáo trong việc tiếp tục cung cấp giáo dục với phẩm chất cao cho trẻ em, ngài cho biết các nhà lãnh đạo Giáo hội vẫn hết lòng hợp tác với chính quyền để bảo đảm rằng ngành giáo dục Công Giáo vẫn được tiếp tục. Sau đó, ngài dâng lời cầu nguyện xin Chúa cứu đất nước này sớm hết dịch bệnh.

Sau hội nghị, tổng thống đã lên Twitter vào tối thứ Bảy để cảm ơn các nhà lãnh đạo Công Giáo đã tham gia và tuyên bố công khai rằng ông sẽ vào tham dự Thánh lễ trực tuyến tại Nhà thờ St. Patrick Patrick vào Chúa Nhật, do Đức Hồng Y Dolan cử hành. Tổng thống Donald Trump cũng đã tweet về cú điện thoại của ông với các nhà lãnh đạo Công Giáo. Trong lời mở đầu về bài giảng của mình, Đức Hồng Y Dolan nói ngài biết cộng đoàn có một “hàng xóm cũ cũng đang dự lễ với chúng ta”, ngài nói thánh Phaolô từng khuyên răn các Kitô hữu cầu nguyện cho lãnh đạo của họ và “Đó là những gì chúng ta đang làm”.

Đức Hồng Y New York đã có lời chúc phúc sinh nhật cho Đệ nhất phu nhân Melania Trump, ngài mô tả bà là một người rất “duyên dáng” và “hữu hiệu”. Ngài cũng cảm ơn tổng thống và chính quyền của ông đã làm việc rất chăm chỉ để chúng ta có thể trở lại thánh đường một cách an toàn nhất có thể. Sau Thánh lễ Chúa Nhật, tổng thống lại lên Twitter một lần nữa. Ông viết: “cảm ơn cú điện thoại tuyệt vời với các nhà lãnh đạo Công Giáo hôm qua và cảm ơn thánh lễ tuyệt vời”



Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho sự hiệp nhất huynh đệ của Âu Châu
Lúc 7 sáng thứ Tư 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ kính Thánh Catêrina thành Siena, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh, Quan Thầy của Ý và Âu Châu, Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho sự hiệp nhất của Liên Hiệp Âu Châu và lục địa này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là lễ kính Thánh Catêrina thành Siena, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh, là Quan Thầy bảo trợ của Âu Châu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Âu Châu, cho sự thống nhất của Âu Châu, cho sự thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu để tất cả chúng ta có thể cùng nhau tiến lên như những người anh em với nhau.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra những suy tư của ngài về Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (1 Ga 1:5 - 2:2), trong đó vị tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa là ánh sáng và nếu chúng ta nói chúng ta hiệp thông với Người, chúng ta cũng phải hiệp thông với lẫn nhau.

Bài Đọc Một

Bài trích thư Thứ Nhất của Thánh Gioan Tông Đồ

Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.

Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật.

Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.

Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.

Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.

Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan Tông đồ có nhiều vấn đề được đặt tương phản với nhau: ánh sáng và bóng tối, dối trá và sự thật, tội lỗi và vô tội. Nhưng vị Tông đồ luôn luôn đưa ra một lời kêu gọi cụ thể là đến với sự thật và khuyên chúng ta rằng chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Giêsu mà lại bước đi trong bóng tối, bởi vì Ngài là ánh sáng. Hoặc điều này hoặc điều kia, hoặc trắng hoặc đen, không thể là màu xám. Màu xám tồi tệ hơn, bởi vì màu xám khiến anh chị em tin rằng anh chị em đang đi trong ánh sáng, rằng anh chị em không ở trong bóng tối và điều này trấn an anh chị em. Màu xám rất nguy hiểm. Hoặc cái này hoặc cái kia không thể là màu xám.

Vị Tông đồ nói tiếp: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”, bởi vì chúng ta tất cả đều đã phạm tội, chúng ta đều là những người tội lỗi. Và đây là một trong những điều có thể lừa dối chúng ta. Đó là khi chúng ta nói “tất cả chúng ta đều những người tội lỗi”, giống như ai đó nói “buongiorno” – “chào buổi sáng”, hay “buona giornata” – “chúc hôm nay tốt lành nhé”, như một thói quen, thậm chí như một công thức giao tế xã hội, đến mức chúng ta không có một chút áy náy lương tâm đối với tội lỗi nữa. Không. Tôi là người tội lỗi vì chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia. Nghĩa là phải có tính chất cụ thể. Tính cụ thể của sự thật: sự thật luôn cụ thể; lời nói dối là thanh tao, chúng phảng phất như không khí, anh chị em không thể làm thế. Sự thật là cụ thể. Anh chị em không thể đến tòa giải tội để xưng tội một cách trừu tượng: “Dạ, thưa Cha một đôi khi con đã mất kiên nhẫn” và rồi những thứ trừu tượng khác. “Con là một người tội lỗi. Cụ thể con đã làm chuyện này. Con đã để lòng trí nghĩ đến điều này. Con đã nói điều này.” Sự cụ thể là một điều khiến tôi cảm thấy một cách nghiêm túc rằng tôi là một tội nhân và không phải là một tội nhân theo một nghĩa mơ hồ.

Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” Sự cụ thể của những người bé mọn. Thật tuyệt khi lắng nghe những người bé mọn khi họ xưng tội: họ không nói những điều lạ, những thứ lơ lửng trên không; họ nói những điều cụ thể, và đôi khi quá cụ thể bởi vì họ có sự đơn sơ mà Chúa ban cho những người bé mọn. Tôi luôn nhớ một đứa trẻ đã từng nói với tôi rằng nó buồn vì nó đã cãi nhau với dì nó. Nhưng rồi nó nói tiếp qua chuyện khác. Tôi nói, “Con đã làm gì? “ - “À, con ở nhà, con muốn đi chơi đá banh - một đứa trẻ mà - nhưng mẹ nó không có ở đó, còn dì nó thì nói: “Không, con không được đi ra ngoài: con phải làm bài tập ở nhà của con trước đã”. Lời qua, tiếng lại đơn giản, cụ thể.

Chúng ta cũng phải đơn giản, cụ thể: sự cụ thể dẫn anh chị em đến sự khiêm nhường, bởi vì sự khiêm nhường là cụ thể. “Chúng ta đều là những người tội lỗi” là một điều trừu tượng. Không, đừng nói thế. “Tôi là một kẻ tội lỗi vì điều này, điều nọ và điều kia”, và những điều ấy làm cho tôi xấu hổ khi nhìn Chúa Giêsu: “Hãy tha thứ cho con”. Đó là thái độ thực sự của một hối nhân. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” Thái độ trừu tượng là một cách khác để nói chúng ta vô tội. “Vâng, chúng ta đều là kẻ tội lỗi, vâng, tôi mất kiên nhẫn của tôi một lần”, nhưng nói như thế thì tất cả đều lơ lửng trong không khí. Tôi không nhận thấy thực tế tội lỗi của mình. Điều quan trọng là chúng ta, trong chính chúng ta, phải nêu rõ tội lỗi của mình. Phải có sự cụ thể. Bởi vì nếu chúng ta chỉ lơ lửng trong không khí, chúng ta sẽ chìm trong bóng tối. Chúng ta phải giống như những đứa trẻ, những người nói những gì họ cảm nhận, những gì họ nghĩ: họ chưa học được nghệ thuật để nói những điều được gói ghém cẩn thận đến mức người ta có thể hiểu nhau mà không nói thành lời. Đó là một nghệ thuật tuyệt vời, nhưng thường chẳng mang lại điều tốt lành gì cho chúng ta.

Hôm qua tôi đã nhận được một lá thư từ một cậu bé từ Caravaggio. Chú bé tên là Andrea. Và chú ấy nói với tôi về những điều đang diễn ra ở đó: những bức thư của những đứa trẻ thật đẹp, vì cụ thể. Và chú bé nói với tôi rằng chú đã theo dõi Thánh lễ trên truyền hình và rằng chú bé ấy thấy phải “mắng tôi” một điều là tôi nói “Bình an cho các anh chị em”, nhưng theo chú bé thì tôi không thể nói thế “bởi vì với đại dịch này, chúng ta không thể chạm vào nhau”. Chú bé ấy không thấy rằng anh chị em đang gật đầu chào mà không bắt tay nhau. Chú bé vô tư có tự do để nói những điều như đang diễn ra.

Chúng ta cũng vậy, với Chúa, chúng ta có quyền tự do nói những điều như đang diễn ra: “Lạy Chúa, con đang sống trong tội lỗi: xin giúp đỡ con”. Giống như Phêrô trước mẻ cá kỳ lạ đầu tiên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ có tội”. Chúng ta hãy có sự khôn ngoan của tính cụ thể này. Bởi vì ma quỷ muốn chúng ta sống trong tình trạng dở dở ương ương trong màu xám: không tốt cũng không xấu, không trắng cũng không đen: xám. Một cuộc sống mà Chúa không thích. Chúa không thích những người lưng chừng. Hãy cụ thể.

Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Đời sống tinh thần rất đơn giản, quá đơn giản; nhưng chúng ta làm cho nó phức tạp với những sắc thái này, và cuối cùng chúng ta đi vào con đường không bao giờ đến.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn biết đơn sơ, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng Ngài ban cho những người bé mọn, cho những trẻ em, cho những đứa bé nói những gì chúng cảm nhận, cho những người không che giấu những gì họ cảm thấy. Và đừng sống một cuộc sống dở dở ương ương. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để có tự do thẳng thắn nhìn nhận tội lỗi và đó cũng là ân sủng biết rõ chúng ta là ai trước mặt Thiên Chúa.