1. Các diễn biến chính trong tình hình của Hoa Kỳ hiện nay
Tính đến ngày thứ Ba mùng 2 tháng Sáu, tử vong toàn thế giới đã lên đến 376, 990 người, trong số 6, 357, 127 trường hợp nhiễm coronavirus.
Riêng tại Hoa Kỳ, đã có 106, 889 trường hợp tử vong, trong số 1, 857, 932 trường hợp nhiễm coronavirus.
Các cuộc biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh George Floyd đã nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ngay trong tình trạng cô lập vì coronavirus, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Đức, Pháp, Anh, Tân Tây Lan và thậm chí tại Tây Ban Nha nơi các cuộc tụ họp trên 25 người có thể dẫn đến mức phạt đến 10, 000 Euros cho mỗi người tham gia. Tờ South China Morning Post ghi nhận một phản ứng thích thú từ các mạng xã hội của Trung Quốc đối với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Người ta nói về các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ với đầy sự hả hê.
Các cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ là đặc biệt nghiêm trọng vì dễ dàng trở thành bạo động đốt phá, cướp bóc, và hủy hoại sinh kế của những người vô tội.
Trong bối cảnh đó, tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ để giải quyết nhanh chóng vấn đề cho các thống đốc bang
Hôm thứ Hai 1 tháng Sáu, trong bài phát biểu của mình tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington DC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng việc gây bạo loạn và cướp bóc là hành động của bọn khủng bố quốc nội và đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ tới các tiểu bang nếu họ không ngăn chặn được các cuộc bạo loạn trong khu vực tài phán của mình.
“Thưa đồng bào người Mỹ của tôi, nhiệm vụ tổng thống đầu tiên và cao nhất của tôi là bảo vệ đất nước vĩ đại của chúng ta, và người dân Mỹ.
Tôi đã tuyên thệ giữ vững luật pháp của quốc gia chúng ta và đó chính xác là những gì tôi sẽ làm.”
Tổng thống Trump cho biết ông đang huy động tất cả các nguồn lực dân sự và quân sự có sẵn của liên bang để ngăn chặn các cuộc bạo loạn và cướp bóc để chấm dứt sự hủy diệt và đốt phá.
Ông cho biết đã đề nghị tất cả các thống đốc tiểu bang triển khai Vệ binh Quốc gia của mình và sẽ ra tay hành động nếu họ không làm như thế.
“Nếu một thành phố hoặc một tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của cư dân mình, thì tôi sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ, ” ông nói.
Các viên chức hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã được bổ sung vào 1, 700 thành viên Vệ binh Quốc gia đang có mặt để khống chế bạo lực trong các cuộc biểu tình ở Washington DC, gây ra sự tàn phá kinh hoàng vào tối Chúa Nhật 31 tháng Năm.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến nguyên nhân cái chết của anh George Floyd, tiểu bang Minnesota xác nhận cái chết của Floyd được coi là một vụ giết người, nhưng chính quyền phủ nhận anh ta chết vì ngạt thở.
Một nhân viên kiểm tra y tế ở Minnesota đã xếp cái chết của George Floyd là một vụ giết người, và nói rằng trái tim của Floyd đã ngừng đập trong khi anh ta bị cảnh sát kiềm chế và bị đè cổ.
Báo cáo hôm thứ Hai liệt kê ra những tình trạng quan trọng khác dẫn đến cái chết của anh George Floyd bào gồm: mắc bệnh tim và cao huyết áp, đã nhiễm độc fentanyl và sử dụng methamphetamine gần đây.
Những kết luận này được đưa ra vào tuần trước, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền chính thức xác định cái chết của anh ta là một vụ giết người.
Tại địa điểm nơi Floyd bị ghì chặt xuống vỉa hè, anh trai của George Floyd, là Terrence, đã đưa ra lời khẩn cầu xin chấm dứt ngay các cuộc biểu tình bạo lực và các hành vi cướp phá trên khắp nước Mỹ.
Thị trưởng của các thành phố nơi xảy ra các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa vào hôm Chúa Nhật đang suy tính có nên dỡ bỏ hay giữ lệnh giới nghiêm.
Miami đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, được thực hiện sau khi bạo lực xảy ra tại một cuộc biểu tình vào tối thứ Bảy. Nhưng Thị trưởng Seattle là bà Jenny Durkan vừa tuyên bố thành phố của bà sẽ bị giới nghiêm từ 6 giờ tối.
Giờ giới nghiêm của thành phố Minneapolis đã được dời lại hai giờ, tức là bắt đầu từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng thay vì từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng. Sau một đêm bạo lực, Washington DC sẽ ngừng hoạt động từ 7 giờ tối.
Chính quyền tiểu bang Minnesota cho biết hôm thứ Hai rằng người lái xe tải chở dầu đã lao vào người biểu tình trên cầu 35W bắt ngang qua sông Mississippi. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ tin rằng anh ta không có ý định tấn công những người biểu tình.
Ủy viên An toàn Công cộng John Harrington cho biết tài xế xe tải, Bogdan Vechirko, 35 tuổi, lái một chiếc xe dầu từ Xa lộ Liên tiểu bang 94 về hướng cầu 35W, đã tăng tốc vì lên cầu nhưng không hành động nhằm chủ ý tấn công những người tham gia cuộc biểu tình. Anh ta đang trên đường đi nhận dầu nên container trên xe lúc đó không có dầu.
Harrington nói: “Anh ấy đang tăng tốc để lên cầu, nhìn thấy đám đông và hoảng loạn.”
Harrington cho biết Vechirko đã nói với các nhà chức trách rằng anh ta nhìn thấy một phụ nữ trên chiếc xe đạp ngã xuống trước mặt anh ta và anh ta đã đạp thắng. Anh ta đã bị những người biểu tình lôi xuống xe và đánh đấm dữ dội nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi ra khỏi nhà thương, anh ta đã bị cảnh sát giam giữ.
Source:Washington Post
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tình trạng kinh hoàng hiện nay
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng hiện nay
Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Tổng Giám Mục Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng đang tiếp diễn ở các thành phố Hoa Kỳ từ vài ngày qua. Tuyên bố này diễn ra chỉ vài ngày sau tuyên bố hôm thứ Sáu từ bảy vị Tổng Giám Mục và Giám Mục là chủ tịch các ủy ban USCCB. Điều này cho thấy tính cách nghiêm trọng và cấp bách của tình hình hiện nay.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Việc giết hại anh George Floyd là một hành động vô nghĩa và tàn bạo, một tội lỗi kêu thấu đến trời cao để đòi công lý. Làm thế nào lại có thể xảy ra ngay tại Hoa Kỳ này những cảnh tượng kinh hoàng trong đó cuộc sống của một người da đen có thể bị tước đoạt trong khi những lời kêu cứu của anh không được trả lời, và sự giết hại anh được ghi hình lại khi nó đang xảy ra?
Tôi đang cầu nguyện cho linh hồn anh George Floyd và những người thân yêu của anh, và thay mặt cho các giám mục anh em của mình, tôi chia sẻ sự phẫn nộ của cộng đồng da đen và những người đứng cùng với họ ở Minneapolis, Los Angeles và trên toàn quốc. Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh ta phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó. Và chúng ta tin tưởng rằng chính quyền dân sự sẽ điều tra vụ giết hại anh ta một cách cẩn thận và bảo đảm những người chịu trách nhiệm phải bị trừng trị thích đáng.
Tất cả chúng ta nên hiểu rằng các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy trong các thành phố của chúng ta phản ánh sự thất vọng và sự tức giận chính đáng của hàng triệu anh chị em chúng ta, những người thậm chí ngày nay vẫn phải trải qua sự coi thường, sỉ nhục, và không có cơ hội bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ. Xã hội Hoa Kỳ không nên diễn ra như thế. Phân biệt chủng tộc đã được dung thứ quá lâu trong cách sống của chúng ta.
Mục sư Martin Luther King, Jr. đã nói thật chí lý: bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe. Chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn ngay từ bây giờ. Lần này, chúng ta phải lắng nghe những gì mọi người nói qua nỗi đau của họ. Cuối cùng chúng ta cần phải thoát khỏi sự bất công chủng tộc vẫn còn lây nhiễm quá nhiều trong các lĩnh vực trong xã hội Mỹ.
Tuy nhiên bạo lực của những đêm gần đây là tự hủy hoại và tự đánh bại mình. Chúng ta chẳng đạt được gì qua bạo lực và rất nhiều mất mát. Chúng ta hãy tập chú vào phần thưởng là sự thay đổi thực sự và lâu dài.
Các cuộc biểu tình hợp pháp không nên được khai thác bởi những người có các giá trị và các chương trình nghị sự khác nhau. Đốt phá và cướp bóc cộng đồng, hủy hoại sinh kế của những người lân cận của chúng ta, không thúc đẩy chính nghĩa bình đẳng chủng tộc và phẩm giá con người.
Chúng ta không nên để anh George Floyd chết một cách vô lý. Chúng ta nên tôn vinh sự hy sinh của cuộc đời anh bằng cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc và sự căm ghét khỏi trái tim của chúng ta và canh tân cam kết thực hiện lời hứa thiêng liêng của đất nước chúng ta là trở thành một cộng đồng yêu quý cuộc sống, tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.
+ Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Source:USCCB