1. Nhiều tượng đài bị giật xuống trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc

Bức tượng một thương gia mua bán nô lệ người Anh sống ở thế kỷ 17 đã bị phá hủy vào hôm Chúa Nhật trong một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Bristol phía tây nam nước Anh trong bối cảnh những lời kêu gọi giật đổ các bức tượng liên quan đến lịch sử việc buôn bán nô lệ.

Động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa những người Anh về việc lật đổ bức tượng Edward Colston: hành động này là phá hoại hay là một khoảnh khắc lịch sử thu hút sự chú ý đến vai trò của Anh trong lịch sử buôn bán nô lệ.

Lãnh tụ đảng Lao động đối lập Andrew Adonis ca tụng việc giật đổ bức tượng và nói rằng Anh đã quá chậm chạp trong việc loại bỏ các bức tượng của những kẻ buôn bán nô lệ và những tên “tội phạm thời đế quốc”, trong khi cựu bộ trưởng tài chính Sajid Javid của đảng Bảo thủ cầm quyền nói rằng hành động này là một tội hình sự.

“Tôi đã lớn lên ở Bristol. Tôi ghét cách Edward Colston thu lợi từ việc buôn bán nô lệ. Nhưng, chuyện giật sập bức tượng ông ta như thế này thì không được, ” Javid nói trong một tuyên bố.

“Nếu người Bristol muốn xóa bỏ một di tích thì nên thực hiện một cách dân chủ - chứ không nên thực hiện thông qua một hành động phá hoại hình sự.”

Cảnh quay được tại hiện trường và sau đó được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những người biểu tình trong phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” đã hò hét hân hoan khi họ kéo đổ bức tượng và lăn nó xuống sông sau những cuộc biểu tình cuối tuần yên bình ở các thành phố trên đất Anh bao gồm London, Manchester, Glasgow và Edinburgh.

Colston, chào đời ở Bristol năm 1636, là một thương nhân và một thành viên quốc hội, tài sản kếch xù của ông ta được tạo ra chủ yếu bằng cách vận chuyển khoảng 80, 000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ Phi châu đến Caribbean và Mỹ châu, với nhiều người chết trên đường.

Bức tượng đồng, được dựng lên vào năm 1895, đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình trong quá khứ và một kiến nghị yêu cầu loại bỏ nó gần đây đã thu được hơn 11, 000 chữ ký.

Tên Edward Colston có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong thành phố Bristol. Thành phố khắc hình ông ta vào từng viên gạch xây nên tòa thị chính của thành phố.

Nam diễn viên người Anh Miltos Yerolemou đã tweet như sau:

“Ngày hôm nay là một ngày tốt lành. Sự thay đổi đầu tiên trong số rất nhiều sự thay đổi cần thiết đã diễn ra.”

Đã có những cuộc biểu tình trên toàn cầu chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd.

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã càn quét qua hàng loạt các thành phố Âu châu bao gồm Rôma, Copenhagen, Budapest và Madrid và trên khắp nước Anh để đoàn kết với người biểu tình ở Hoa Kỳ.

Ở Luân Đôn, nơi tập trung hàng chục ngàn người, một biểu ngữ có dòng chữ: “Vương quốc Anh cũng chẳng phải là người vô tội.”

Các cuộc biểu tình đã mở lại cuộc tranh luận về vai trò của Anh trong việc buôn bán nô lệ và các thành phố đã tìm cách xóa bỏ các tượng đài những người mua bán nô lệ và giáo dục công chúng về lịch sử của đất nước.

Glasgow ở Scotland đang xem xét việc thay đổi tên của các đường phố hiện nay vẫn mang tên các thương nhân buôn nô lệ, bao gồm các con đường Buchanan, Ingram và Virginia.

Các nhà hoạt động tuần trước đã tự động đổi tên các đường phố bằng tên các nhân vật lịch sử như người thợ may đen Rosa Park, là người đã từ chối nhường ghế xe buýt của mình cho một hành khách da trắng, và một người da đen khác là Sheku Bayoh đã chết trong khi bị cảnh sát bắt giữ năm năm trước tại Fife, Tô Cách Lan.


Source:Reuters

2. Tượng Đức Mẹ được dựng lên

Trong khi tượng một số người bị giật xuống tại Hoa Kỳ và Anh quốc, một bức tượng Đức Mẹ đã được dựng lên tại Massachusetts và một bức tượng khác được dựng lên tại Tiệp.

Tính đến ngày thứ Hai 8 tháng Sáu, tử vong tại Hoa Kỳ vì coronavirus đã lên đến 112, 469 người, trong số 2, 007,449 trường hợp nhiễm coronavirus. Tiểu bang Massachusetts là nơi bị thiệt hại nặng thứ Năm tại Hoa Kỳ với 7, 316 người chết và 103, 436 người nhiễm coronavirus.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Cha Michael Rose đang làm phép một bức tượng Đức Mẹ tại nhà thờ Đức Bà Maria ở Shrewsbury, Massachusetts.

Anh chị em giáo dân trong giáo xứ đã dựng tượng Đức Mẹ để tạ ơn vì giáo xứ sống sót sau đại dịch coronavirus kinh hoàng với các tổn thất không đáng kể về nhân mạng.

Trong khi đó, một bức tượng Đức Mẹ Maria tại thủ đô Tiệp bị cộng sản giật sập vào năm 1918, đã được dựng lại sau hơn một thế kỷ.

Nguyên thuỷ tượng Đức Mẹ được dựng vào giữa thế kỷ 17 dưới thời hoàng đế Ferdinand III. Đến năm 1918, sau khi đế quốc Áo-Hung sụp đổ, quốc gia Tiệp Khắc thành lập, các thành phần cộng sản thân Liên Sô đã giập sập bức tượng hiện diện tại quảng trường thủ đô Tiệp gần 300 năm.

Jan Bradna, nhà điêu khắc học thuật, nhà phục chế và là thành viên của Hiệp hội phục hồi tượng Đức Mẹ cho biết: chính người dân Prague muốn dựng lại bức này.

Bức tượng mới là một bản sao bằng sa thạch giống như bản gốc. Tượng được mạ vàng và được đặt trên cột cao 50 feet tức khoảng 16m. Hiện nay tượng đã được dựng lên trước nhà thờ thủ đô Prague.

Chủ trương phục hồi bức tượng bắt đầu từ năm 1990 sau khi Tiệp thoát khỏi đại họa cộng sản. Tiến trình gặp rất nhiều trở ngại về mặt pháp lý vì nhiều người vô thần và Tin Lành chống lại việc đặt lại bức tượng. Thậm chí có cả chuyện ẩu đả trên quảng trường giữa người ủng hộ và người chống đối việc dựng tượng.

Cuối cùng hội đồng thành phố Prague đã cấp phép cho dựng lại bức tượng Đức Mẹ đã hiện diện nơi đây gần 300 năm trước.


Source:Reflex

3. Uy tín của Giáo Hội có thể bị phương hại nặng nề khi chúng ta cố làm hài lòng Tập Cận Bình

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định về sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc đối với người Công Giáo tại Hoa Lục và những người đấu tranh cho dân chủ tại Hương Cảng. Ông lo ngại rằng nếu Tòa Thánh yên lặng trước những bách hại này trong cố gắng làm hài lòng Tập Cận Bình, việc truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc hậu cộng sản sẽ rất khó khăn.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The Vatican’s Choice: Jimmy Lai or Xi Jinping?

George Weigel

Lựa chọn của Vatican: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?




Vào giữa tháng Năm, đại đế Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch phớt lờ cơ quan lập pháp Hương Cảng và áp đặt “luật an ninh quốc gia mới” đối với thuộc địa cũ này của Anh. Trên danh nghĩa, luật an ninh mới của Trung Quốc là nhằm bảo vệ Hương Cảng khỏi “những kẻ ly khai”, “những kẻ khủng bố”, và “ảnh hưởng của nước ngoài”. Tuy nhiên, những biện pháp mới này trên thực tế được thiết kế để kiềm chế những người nam nữ dũng cảm trong phong trào dân chủ sôi nổi ở Hương Cảng, những người đã phải gánh chịu ngày càng thê thảm những chính sách độc tài của Bắc Kinh trong một thời gian dài. Với một thế giới đang bị phân tâm bởi virus Vũ Hán - là dịch bệnh đã lây lan khắp thế giới vì sự vụng về và xảo trá của bọn cầm quyền Trung Quốc - chế độ Tập Cận Bình ngày càng tàn bạo rõ ràng nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để đàn áp những người dân Hương Cảng còn trân trọng tự do và cố gắng bảo vệ nó.

Màn trình diễn mới nhất này về ý định của Bắc Kinh, nhằm thực thi quyền lực cộng sản ở Hương Cảng trùng với cuộc đàn áp gần đây nhất người bạn tôi, là Jimmy Lai.

Jimmy và tôi chỉ mới gặp nhau một lần. Nhưng từ lâu tôi đã cảm thấy có mối quan hệ họ hàng với người Công Giáo này, một người cải đạo, là người trước hết đã đặt khối tài sản đáng kể của mình vào việc hỗ trợ các hoạt động quan trọng của Công Giáo và hiện đang mạo hiểm mọi sự để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hương Cảng. Bị bắt vào tháng Hai, và một lần nữa vào tháng Tư, Jimmy Lai đã bị buộc tội giúp tổ chức và lãnh đạo các cuộc biểu tình trái phép. Việc anh ta đứng trong hàng ngũ tiên phong biểu tình ủng hộ dân chủ là đúng. Nhưng vấn đề là, tại sao những người cộng sản Trung Quốc lại coi các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ các quyền tự do mà Bắc Kinh long trọng hứa hẹn bảo vệ là phản quốc?

Vào cuối tháng 5, những kẻ côn đồ ở Bắc Kinh đã tung ra một loạt các vụ đàn áp khác: vụ án của Jimmy Lai đã được chuyển đến một tòa án có thể đưa ra án tù 5 năm cho người đàn ông 72 tuổi này, hoặc thậm chí là một loạt các bản án liên tiếp. Chúng ta chẳng thể mong đợi điều gì khác hơn từ một chế độ đã cố gắng phá sản tờ báo dân chủ của Jimmy, là tờ Apple Daily, bằng cách gây áp lực cho cả các công ty Trung Quốc lẫn các công ty quốc tế không được quảng cáo trên tờ báo đó. Thật đáng xấu hổ, quá nhiều người đã phải cúi đầu trước những áp lực đó, và một bài báo gần đây của Wall Street Journal đã đưa ra một phúc trình rằng Apple Daily hiện đã bị cắt khỏi 65% thị trường quảng cáo Hương Cảng. Bắc Kinh, một mặt cố gắng trấn an cộng đồng các doanh nhân rằng mọi thứ sẽ ổn, mặt khác lại cảnh báo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như các nhà ngoại giao và các nhà báo, không được “tham gia vào lực lượng chống Trung Quốc trong việc chê bai hay bôi nhọ” luật an ninh quốc gia mới.

Chế độ Tập Cận Bình muốn thế giới nghĩ rằng chúng là một chế độ rất ổn định, nhưng thực tế có lẽ không phải như thế. Một chế độ vững như bàn thạch không cần phải tăng cường sự đàn áp, như Bắc Kinh đã làm trong vài năm nay. Hơn nữa, việc chụp mũ tất cả những lời chỉ trích Tập Cận Bình là chống Trung Quốc cho thấy đó không phải là một chế độ tự tin về tính hợp pháp và ổn định của nó. Những chiến thuật như thế có vẻ vụng về; chúng cho thấy sự lo lắng đến mức đổ mồ hôi hột, chứ không phải là một sự bình tĩnh tự tin.

Nỗ lực phá vỡ phong trào dân chủ Hương Cảng là một khía cạnh trong một chiến dịch đàn áp rộng lớn bao gồm cả các cộng đồng tôn giáo Trung Quốc tại Hoa Lục. Một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn còn ở trong các trại tập trung ở Tân Cương, nơi họ đang được cải tạo. Nhà thờ Tin lành đang bị đe dọa liên tục. Và các biện pháp đàn áp tiếp tục được thực hiện đối với người Công Giáo và các nhà thờ của họ, bất chấp thỏa thuận gần hai năm - và vẫn còn bí mật - giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Thỏa thuận đó, đã cho đảng cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc đề cử các giám mục. Đó là một thỏa thuận mà Vatican đã từ bỏ rất nhiều để đổi lấy những lời hứa hẹn suông. Những người Công Giáo Trung Quốc không theo đường lối do đảng cộng sản Trung Quốc vạch ra vẫn bị đàn áp. Những ảnh hưởng của mối giao hảo đáng tiếc này đối với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc tương lai, hy vọng là một Trung Quốc hậu cộng sản, không cho thấy một dấu hiệu tích cực nào.

Trên khắp thế giới, những tiếng nói đã được gióng lên để ủng hộ những người biểu tình dân chủ dũng cảm ở Hương Cảng. Có ai nghe được tiếng nói của Tòa Thánh chưa? Tôi và nhiều người khác chẳng hề nghe thấy. Phải chăng những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người đang được thực hiện bởi các quan chức Vatican trong hậu trường ở Bắc Kinh và Rôma? Người ta có thể hy vọng như vậy. Nhưng nếu chính sách hiện tại của Tòa Thánh về Trung Quốc là một sự tái hiện của chính sách Ostpolitik thất bại ở trung và đông Âu trong những năm 1970, thì có nhiều khả năng những quan chức đó đang thờ ơ và hoàn toàn không có hiệu quả.

Với một trong những con cái Công Giáo can đảm nhất hiện đang bị giam cầm và đối mặt với những gì có thể đe dọa đến tính mạng, Vatican giờ đây phải đối diện với một lựa chọn rõ ràng: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?


Source:The First Things