1. Các nhà khoa học xác nhận một cây thánh giá tại Ý là cây thánh giá gỗ lâu đời nhất ở Âu châu
Các nhà khoa học đã xác nhận trong tháng này rằng một cây thánh giá ở thành phố Lucca của Ý là cây thánh giá bằng gỗ lâu đời nhất ở Âu châu.
Một nghiên cứu dựa trên phóng xạ carbon được thực hiện bởi Viện Vật lý hạt nhân quốc gia ở Florence đã xác định cây thánh giá bằng gỗ dài 2.4m có niên đại giữa năm 770 và 880 sau Chúa Giáng Sinh.
Nghiên cứu này đã được nhà thờ chính tòa Lucca ủy nhiệm nhân dịp kỷ niệm 950 năm thánh hiến ngôi nhà thờ đã được xây dựng vào cuối thế kỷ 12.
Lucca là một thành phố và một cộng đồng dân cư trong vùng Tuscany, miền Trung nước Ý, trong một vùng đồng bằng màu mỡ gần biển Tyrrhene. Đây là thủ phủ của tỉnh Lucca. Nó nổi tiếng với những bức tường thành phố có từ thời Phục hưng và vẫn còn nguyên vẹn.
Lòng sùng kính Thánh Giá của thành phố này lan truyền khắp Âu châu trong thời Trung Cổ, vì những người hành hương thường dừng lại ở bức tường thành phố Tuscan trên đường hành hương dọc theo tuyến đường Via Francigena từ Canterbury đến Rôma.
Tác giả Dante đã từng nhắc đến lòng sùng kính thánh giá tại Lucca trong cuốn “Inferno”, và Hoàng Đế Anh William II đã long trọng tuyên thệ dưới cây thánh giá này vào năm 1087.
Dựa trên một tài liệu lịch sử, người Công Giáo địa phương tin rằng thánh giá đã đến Lucca vào cuối thế kỷ thứ 8. Nghiên cứu khoa học này đã xác nhận tin tưởng này là đúng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không khẳng định một truyền thuyết khác cho rằng cây thánh giá này được khắc bởi ông Nicodemus, một người sống cùng thời với Chúa Kitô.
Đức Tổng Giám Mục Paolo Giulietti Lucca ca ngợi kết quả của nghiên cứu này như một sứ điệp đúng thời điểm nói lên “tình yêu cứu độ của Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đinh vì chúng ta. Đó là một ký ức sống động về của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại.”
Do đại dịch coronavirus, nhà thờ chính tòa Lucca đã hoãn các sự kiện kỷ niệm 950 năm thành lập sang mùa thu năm nay. Nhiều người hy vọng cuộc rước nến hàng năm của thành phố vào ngày 13 tháng 9 để tôn vinh thánh giá sẽ được diễn ra. Đến nay nhiều đám rước tương tự ở Ý đã bị hủy bỏ vì COVID-19.
Cây thánh giá ít nhất 1, 140 tuổi có thể được nhìn thấy bên trong nhà thờ chính tòa Thánh Martin của thành phố Lucca.
Source:Catholic News Agency
2. Thủ đoạn của thị trưởng New York: Biểu tình chống Tổng thống Trump thì OK, nhà thờ thì hạn chế
Đơn kiện của hai linh mục can đảm của tổng giáo phận New York đã đi đến thắng lợi. Một thẩm phán liên bang hôm thứ Sáu 26 tháng 6 vừa ra phán quyết rằng thành phố New York phải cho phép các cử hành tôn giáo trong nhà và ngoài trời theo cùng một thể thức như thành phố cho phép các cuộc biểu tình ngoài trời hoặc các trung tâm mua sắm trong nhà.
Thẩm phán liên bang Gary Sharpe của North New York District nói rằng tiểu bang không thể hạn chế các cử hành tôn giáo ngoài trời trong đại dịch, với điều kiện người tham dự tuân theo các yêu cầu xa cách xã hội. Đối với các cử hành trong nhà, ông nói, “thành phố không được có sự phân biệt đối xử đối với các nhà thờ so với các trường hợp khác, như các doanh nghiệp chẳng hạn.”
Tham gia đơn kiện của hai vị linh mục can đảm đang chăm sóc mục vụ tại phía Bắc thành phố còn có ba giáo sĩ Do Thái Giáo tại Brooklyn. Các vị đã kiện Thống đốc New York Andrew Cuomo, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Letitia James và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio vì vi phạm các quyền dân sự.
Đơn kiện cấp liên bang đã được nộp ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án Bắc New York, cáo buộc thống đốc, bộ trưởng và thị trưởng vi phạm các quyền của nguyên đơn trong việc thực hiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp theo Tu Chính Án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trong một sự lạm dụng quyền lực chưa từng có, các bị cáo đã khai thác đại dịch COVID-19 để tạo ra, trong ba tháng qua, một chế độ độc tài thực sự bằng một mạng lưới phức tạp các lệnh hành pháp do bị cáo Cuomo và bị cáo Bill de Blasio tung ra.
Qua những sắc lệnh này, các bị cáo đã áp đặt và chọn lọc việc thực thi “khoảng cách xã hội’ dưới một chế độ “cách ly” áp đặt lên hầu như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế của 8.3 triệu cư dân New York dưới chiêu bài “sức khỏe cộng đồng” một cách tùy tiện theo những lợi ích chính trị của mình.
Lá đơn chỉ ra rằng “các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo thì không được mở nhưng các cuộc biểu tình hàng ngàn người chen vai thích cánh thì lại được phép, đơn giản vì đó là các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Trump là đối thủ chính trị của họ.”
Đáp lại diễn biến này Hội Đồng Giám Mục tiểu bang New York, đại diện cho các giám mục của tiểu bang, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào thứ Sáu rằng Hội Đồng vui mừng trước phán quyết của tòa án. Tuy thế, các nhà thờ có thể sẽ tiếp tục tuân theo các hướng dẫn y tế của tiểu bang để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đoàn, mặc dù họ không còn bị ràng buộc phải làm như thế.
“Các Giám mục giáo phận phải cân nhắc nhiều yếu tố để mở cửa trở lại, quan trọng nhất là sự an toàn và sức khoẻ của các giáo đoàn, giáo sĩ và nhân viên giáo xứ của chúng ta, ” một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục tiểu bang nói với CNA.
Thẩm phán Sharpe hôm thứ Sáu phê bình cách riêng Thị trưởng de Blasio vì ông ta cho thấy một sự đối xử ưu đãi bằng cách cho phép hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình ngoài trời bao nhiêu người cũng được, miễn chống Tổng thống Trump là được.
Cả Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio đều xuất hiện để chia buồn hoặc thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ngoài trời hàng loạt có hàng ngàn người tham dự trong những tuần gần đây, bất chấp giới hạn nghiêm ngặt của nhà nước đối với quy mô của các cuộc tụ họp ngoài trời là 10 người hoặc có lúc là 25 người.
Bill de Blasio, sinh ngày 8 tháng Năm, 1961 là người Mỹ gốc Ý. Ông ta là thị trưởng thứ 109 của thành phố New York Cha ông ta là người Đức. Mẹ ông ta là người Ý. Mẹ ông ta là người Công Giáo nhưng công khai tuyên bố bỏ đạo để chống lại giáo huấn Công Giáo về phá thai và đồng tính luyến ái. Bill de Blasio tự xưng mình là người có tín ngưỡng nhưng khẳng định mình không phải là người Công Giáo.
Vào ngày 2 tháng 6, de Blasio đã bảo vệ việc thực thi có chọn lọc các hạn chế về tụ tập của mình, nói rằng “Khi bạn thấy một quốc gia, cả một quốc gia đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng phi thường xảy ra trong 400 năm phân biệt chủng tộc Mỹ, tôi xin lỗi, đó là không phải là vấn đề tương tự như chủ cửa hàng hoặc các tín hữu sùng đạo muốn quay trở lại công việc của mình”.
Thẩm phán Sharpe nói: “Theo lời của họ, Cuomo và de Blasio đã cho thấy những gì họ biết là một sự coi thường trắng trợn các giới hạn ngoài trời và các quy tắc về khoảng cách xã hội. Qua đó, họ tung ra một thông điệp rõ ràng rằng các cuộc biểu tình rầm rộ đang được đối xử một cách hết sức ưu đãi vì các cuộc biểu tình ấy phù hợp với lợi ích chính trị của họ”.
De Blasio đã nhiều lần cảnh cáo các nơi thờ phượng với những khoản tiền phạt, đóng cửa vĩnh viễn và bắt giữ hàng loạt nếu họ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng. Câu chuyện đóng cửa các nơi thờ phượng vĩnh viễn được nhiều người xem là một câu chuyện cực kỳ khôi hài. De Blasio làm được thị trưởng trong bao lâu mà đòi đóng cửa nhà thờ vĩnh viễn?
De Blasio đã từng chạy đua trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020. Chẳng mấy ai bỏ phiếu cho ông ta nên y đã đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình vào ngày 20 tháng 9 năm 2019 và quay sang ủng hộ Bernie Sanders năm tháng sau đó. Bernie Sanders cũng đi luôn sau đó.
Source:Daily Messenger
3. Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn bày tỏ niềm vui trước việc Bắc Hàn bãi bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn
Bắc Hàn đã đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự chống lại Nam Hàn, truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết như trên một ngày trước lễ tưởng niệm chiến tranh bùng nổ tại bán đảo Triều Tiên.
Một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong Un, đã xuất hiện và chủ trì một cuộc họp hội nghị video để “nắm bắt tình hình” trước khi quyết định đình chỉ các kế hoạch quân sự.
KCNA cho biết quân đội Bắc Hàn đã gỡ bỏ các loa phóng thanh được nhìn thấy trong dọc theo biên giới hai miền.
Trong quá khứ, các loa phóng thanh này được dùng cho các mục đích tuyên truyền, nhưng hàng loạt các loa như thế đã bị gỡ xuống khi hai miền Nam Bắc Triều Tiên ký hiệp định hòa bình vào năm 2018.
Các loa phóng thanh đã xuất hiện trở lại sau khi Bắc Hàn cho nổ tung một văn phòng liên lạc hai miền ở bên cạnh biên giới vào tuần trước sau một loạt các căng thẳng giữa hai miền vì Bình Nhưỡng phản đối những người đào thoát sang miền Nam, gửi các truyền đơn tuyên truyền và thực phẩm vào miền Bắc bằng các quả bong bóng.
Họ nói rằng chiến dịch thả bong bóng này xúc phạm nhà lãnh đạo Kim Chính Ân và vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 2018 giữa hai miền.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Yoh Sang-Key, cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Hôm 25 tháng 6, các Thánh lễ đã được cử hành trên khắp Nam Hàn nhân kỷ niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên. Các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt. Hai miền Nam Bắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, vì thực tế chiến tranh đã kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
Theo Hội đồng giám mục Hàn Quốc, 16 giáo phận ở Nam Hàn đã cử hành Thánh lễ tiếp nối nhau nhân ngày kỷ niệm bùng nổ cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1950-1953.
Các giáo xứ tuân giữ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để ngăn ngừa lây lan Covid-19 bằng cách đo nhiệt độ, khử trùng tay và giữ khoảng cách.
Tại tổng giáo phận Hán Thành, là tổng giáo phận lớn nhất ở Nam Hàn, với 1.2 triệu tín hữu, Hơn 200 tín hữu đã tham dự Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ chính tòa Mân Đông.
Trong Thánh lễ, Đức Cha Andrew Yeom Soo-jung, tổng giám mục Hán Thành, bày tỏ niềm vui trước tuyên bố hủy bỏ các kế hoạch quân sự chống Nam Hàn của Kim Chính Ân.
Ngài khích lệ hai bên tìm ra các phương thế tích cực để đạt được một nền hòa bình lâu dài. Đức Hồng Y nói: “Tôi muốn tuyên bố rằng dù việc đạt được hòa bình thật sự mà tất cả chúng ta mong muốn là điều rất khó, nhưng nó không phải hoàn toàn là không thể.”
Đức Hồng Y nói: “Khi chính trị của sự tha thứ được lan truyền, công lý sẽ trở nên nhân đạo và hòa bình tồn tại lâu dài hơn.” Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị “vượt qua lợi ích cá nhân, đảng phái và quốc gia” và cố gắng đấu tranh cho hòa bình chung bằng cách nhận ra thiện ích chung và nguyện vọng của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên.”
Đức Cha Lee Ki-heon, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Dân tộc Triều Tiên, đã đưa ra thông cáo mời gọi chính phủ Nam Hàn tìm những cách thế đẩy nhanh các trao đổi hai miền mà không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn chịu một lệnh cô lập để trừng phạt kinh tế.
Source:Reuters